Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Chủ tịch Hồ Chí Minh: giai đoạn ở Huế (1895 - 1908), phần 1

Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế 
Hoàng Nhật Minh - Trường THPT Vinh Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên Huế

 .1.
CHÚT MAY MẮN SAU NGÀY HỎNG THI

Dự khoa thi Hội năm Ất Dậu (1895) xong, anh cử Sắc­­­­­­­­­­­­­­(1) không được vui. Bài Kinh nghĩa hỏi về thời sự anh viết loanh quanh chưa hết một trang giấy. Một người bạn đồng song cùng quê rủ anh xuống đò xuôi Bến Ngự ra xem chợ Đông Ba, anh lắc đầu từ chối. Anh định bụng ngược ra An Hào kiếm nhà trọ ở lại chờ ngày truyền lô, nếu không có tên thì thẳng đường về quê Nghệ An luôn. Thi xong trong lòng anh nôn nao nhớ bà vợ và ba người con quá chừng. Nhớ nhất là cậu con nhỏ mới bốn năm tuổi mà thông minh đĩnh ngộ khác thường. Vợ con, làng xóm đang trông đợi tin anh đỗ đại khoa, nếu nhỡ không có tên trong bảng vàng, ôi buồn biết mấy! Nhưng làm sao anh có thể nói cho gia đình hiểu được học tài thi phận, nhất là vào cái buổi nhiễu nhương, mọi nề nếp đều đã bị xáo trộn này. Hàng ngàn người mà chỉ chọn lấy vài chục người đâu phải là chuyện dễ. Đầu óc thông minh, bụng dạ nhớ  nhiều Kinh sử chưa chắc khoa này đã đỗ được. Ngoài những thứ ấy ra còn phải biết nương chiều những cái lắt léo của thời sự nữa. Cái nhược của anh, một người học trò xuất thân trong gia đình nông dân ở xa đất Kinh kỳ, anh không thể hiểu được cái lắt léo ấy.
Anh Cử vừa ra đến cổng Chánh Tây thì nghe giọng một thư sinh len lỏi giữa đám sĩ tử lướt từ phái sau đến gọi:
- Sắc! Sắc! Tôi chờ anh mãi ở nhà Thập đạo mà không thấy. Về nhà thầy tôi ở lại mà đợi truyền lô chớ anh đi mô rứa?
Sắc quay lại thấy Cao Xuân Tiếu, con trai cụ Cao Xuân Dục - Tế tửu Quốc Sử Quán, một người tốt bụng đã giúp chút ít tiền bạc cho anh ăn đường vào Kinh vừa rồi. Sắc nén hết những lo âu xuống đáy lòng, anh đáp lời bạn với  cái giọng hồn nhiên:
- Xin lỗi huynh…tôi quên mất.
Tiếu dồn bước đến bá vai Sắc, anh vừa đẩy Sắc đi về phía cầu Đất vừa nói bên tai bạn:
- Anh cứ tự nhiên cho, thầy tôi vốn là bạn của cụ Tú ở Hoàng Trù. Những người Nghệ nhà nghèo, có chí hướng học hành, thầy tôi còn cho học điền, còn giúp phương tiện vào Kinh theo đòi nghiên bút, huống chi anh là rể cụ Tú.
Điều Tiếu nói, Sắc đã hiểu nên anh tin lời bạn. Anh đi theo Tiếu  về nhà cụ Tế Tửu ở góc đông bắc ngay bên ngoài Hoàng thành.
*****
Một tháng sau…Không cần ra Ngọ Môn nghe truyền lô, anh cử Sắc cũng biết được tin Cao Xuân Tiếu đậu Phó bảng, còn anh thì…bảng vàng chưa chịu ghi tên. Cụ Tế Tửu đã nhờ người dò biết kết quả như thế.
Buổi tối hôm ấy, cụ Tế Tửu gọi anh cử Sắc vào thư phòng hỏi:
- Cháu có biết vì sao cháu hỏng không?
- Dạ biết. Vì bài Kinh nghĩa hỏi về tình hình thế giới cháu viết không trôi!
- Thế bây giờ cháu có muốn vào Kinh học tiếp không? Ở đây có nhiều sách vở của các đại gia để cháu kịp mở mang kiến thức.
Anh Cử liếc mắt nhìn các kệ sách quây chung quanh, nhiều cuốn bìa mạ vành óng ánh dưới ánh đèn dầu phụng rất hấp dẫn, giọng anh đáp hơi run run:
- Cháu muốn lắm! Nhưng khổ nỗi là gia đình cháu nặng nề quá, làm sao cháu có thể giao cho một tay cho vợ mà vào đây học học hành?
Cụ Tế Tửu đưa mắt nhìn làn khói bay lơ lửng bay tan vào cái khung nhà tối om, giọng nghiêm nghị, chậm rãi bảo Sắc:
- Không sao. Bác sẽ xin cho cháu vào học trường Giám(2), hàng tháng có học bổng, đỡ một phần chi tiêu ăn học. Còn cái gia đình nặng nề của cháu, nếu cần, cháu đưa vào Kinh luôn. Ở đây, cô ấy sẽ lo việc nhà và nuôi dạy các con cho cháu. Còn cháu, với cái bằng cử nhân trong tay, ngoài giờ học ở Giám, các nhà quan, nhà cụ thiếu gì nơi để cháu cho chữ kiếm lộc cung cấp cho gia đình.
Anh Sắc nghe phải quá. Nỗi buồn phiền, lo lắng vì hỏng thi tưởng sẽ khô cứng lại trong anh, không ngờ, nhờ một lời nói của quý nhơn nó đã vơi bớt đi. Anh nghĩ thầm, trong sự rủi ro đôi khi cũng gặp được điều may mắn.
- Bẩm quan lớn, nếu được quan lớn giúp đỡ cho như thế, thì cháu xin làm theo lời chỉ dạy của quan lớn!
Cụ Tế Tửu ngồi thẳng người, nhấc cánh tay tựa trên án thư khoát khoát trước mặt anh:
- Chú là rể ông bạn bác, bác có làm quan với chú đâu mà thưa với bẩm. Hãy xem bác như cụ Tú. Cụ Tú mất rồi thì bác có trách nhiệm với chú. Thôi như thế là được rồi. Về quê đưa vợ con vào, có chi khó khăn, chú cứ nói với con trai bác, nó sẽ giúp đỡ. Về Hoàng Trù, chú cho bác gởi lời thăm bà nhạc!
Anh Cử Sắc chắp tay vái chào cụ Cao rồi lui về phòng của bạn. Đêm hôm đó anh chuẩn bị khăn gói để sáng mai xuống đò vượt phá Tam Giang về Nghệ An.
------------------------
(1)    Cử Sắc: Cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Cử nhân trong kỳ thi Hương
(2)    Trường Giám : Trường Quốc Tử Giám ở Kinh đô Huế
.2.
 THUỞ ẤY …VÀO KINH

Ba tháng sau, anh Cử Sắc trở lại kinh đô Huế với gia đình gồm vợ và hai con trai. Người con gái lớn anh gửi lại quê nhà để sớm hôm với bà ngoại. vào Huế, gai đình anh ở tạm trong nhà một người cùng quê, ngay trước Viện Đô sát. Viện này ở bên tường phía tây Quốc Sử quán – nơi cụ cao Xuân Dục làm việc. Viện Đô sát là một cơ quan có nhiệm vụ đàn hạch những người lầm lỗi trong bộ máy Nhà nước thời quân chủ. Vì thế, những ông Ngự sử phải là những người có tính cương trực, dám nói, dám làm, sẵn sàng đối đầu với những đòn trả thù độc ác của quyền thần và bạo chúa. Phần lớn những người làm Ngự sử đều xuất thân ở Nghệ Tĩnh. Một trong những người Ngự sử nổi tiếng dưới thời Nguyễn là cụ Phan Đình Phùng. Cụ Phan đã dám phê phán quyền thần Tôn Thất Thuyết về những việc Tôn quân muốn hãm hại vua Dục Đức. Hành động can đảm của cụ Phan đã làm cho cả Triều đình kính phục. Ngay cả Tôn Thất Thuyết cũng không dám xử sự với cụ Phan  như Tôn đã xử sự với Trần Tiễn Thành, với Tuy Lý Miên Trinh.
Nhờ cụ Cao Xuân Dục can thiệp, anh Cử Sắc được vào học trường Giám. Trường đặt ở xã An Ninh, huyện Hương Trà, cách kinh thành sáu cây số. Vào những ngày tọa giám, anh Cử phải rời Huế từ lúc rạng sáng. Việc gia đình nhờ vào một tay chị Hoàng Thị Loan. Vào những ngày đầu, việc đâu rồi cũng vào đó. Dần dần chị Loan cảm thấy khó ở: phần vì  ở đậu nhà người ta chật chội, suốt ngày phải giữ từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ để khỏi mất lòng người chủ tốt bụng, phần nhớ mẹ, nhớ con gái ở quê nhà. Có một điều chị không dám thổ lộ với chồng, nhưng lại là điều chị lo lắng nhất - ở nơi đất khách quê người gạo châu củi quế như thế này, một mình học bổng của chồng làm sao gia đình sống nổi. Hơn nữa, chị là người lao động suốt ngày làm việc luôn tay. Mặc dù không nghe vợ hé môi than thở, nhưng anh Cử Sắc cảm nhận được điều đó. Những ngày nghỉ học, anh thường hay di lang thang tìm mướn một ngôi nhà để chuyển gia đình đến ở. Có an cư rồi mới lạc nghiệp được.

 .3. 
    NGÔI NHÀ ĐƯỜNG ĐÔNG BA 
Nghe nói bà cụ Ba là một người có họ hàng với Đoàn Trưng, Đoàn Trực(1) rất tốt bụng, hay thương người nghèo, anh Cử Sắc liền tìm đến. Nhà bà nép mình bên con đường đất dẫn từ đường Đông Ba vào khu tư dinh sầm uất của Thượng thư Lê Trinh. Ngay bên hông nhà bà là một công thự dành cho trung quân của triều đình, tòa công thự này nằm ở góc đông bắc ngã tư Anh Danh.
Thấy một anh tư sinh mặc bộ đồ đà rón rén ngoài cửa, bà cụ Ba đánh tiến hỏi:
- Anh đồ Nghệ đi mô đó.
Anh Cử Sắc bước nhanh chân đến bên cửa:
- Thưa bà, nghe anh Cử con cụ Thượng giới thiệu, bà muốn có một gia đình đến ở trong nhà cho vui, nên cháu đến xin bà…!
- Bà cụ ba tuy đã lớn tuổi, nhưng người đầy đặn phúc hậu nên trông bà cũng còn khoẻ mạnh, bà nhanh nhẩu đáp lời anh Sắc:
- Cậu Cử Cảnh, con ông Thượng Trinh, học trường Giám ở sau ni nói phải không? Rứa thì đúng rồi. tui có nghe cậu nói về anh, định bụng sẽ nhắn anh tới, không ngờ anh lại tới trước cũng tốt thôi. Tôi nghe anh ham học, có chí khí nhưng nặng gia đình lắm, tui rất thương. Họ hàng bầy tui “tốt phước” quá nên đã đền ơn nước cả. lâu ni tui chỉ còn tin được một hạng người nghệ nữa mà thôi. Anh mà đến được đây cũng là may mắn cho bầy tui!
Anh Cử Sắc mừng đến nhẹ cả người. Tiếng đồn bà tốt bụng thật không ngoa. Anh xoa tay nói thật tình:
- Gia đình cháu cám ơn bà. Nhưng cũng xin bà cho phép hàng tháng vợ chồng cháu phải lo tiền trà thuốc cho bà.
Bà cụ Ba xua tay:
- Được rồi chuyện đó anh không lo. Đa thiểu là tuỳ anh. Tôi sẽ giao lại nhà cửa, đồ đạc cho vợ chồng anh giữ, còn tui sẽ về ở dưới quê An Truyền!
Anh Cử Sắc thầm nhủ trong lòng: Cha mẹ mình ăn ở phúc đức nên khi nào mình gặp khó khăn thì được quý nhơn phò trợ. Anh cảm động đáp:
- Được bà tin cẩn…không có gì sung sướng cho bằng.
Anh Cử Sắc vái chào bà cụ rồi rảo bước ra phía đường. Đồng bào có công việc đi bẩm quan ở Lục Bộ qua lại rất đông. Xe tay lít kít chạy chen bánh nhau. Phu xe không ngớt la hét, bảo khách bộ hành tránh đường cho xe các quan đi. Phượng tây trồng dọc đường Đông Ba mới có hoa vài mùa. Hôm nay trời sang thu rồi, anh Cử vẫn thấy một vài cánh hoa muộn ở ngã tư Âm Hồn. Anh giương mắt nhà cái cửa thành Đông Ba ở cuối đường. Bên ngoài cửa ấy là chợ Đông Ba, bên trong có chợ Xép. Tự nhiện anh nhớ đến chị Loan đang trông anh ở nhà trọ. Anh gật đầu thầm nhủ: “Ở đây mẹ sắp nhỏ đi chợ gần. Nhưng…tiền đâu để đi chợ hàng ngày?” Câu hỏi đó xoay người anh lại, anh phóng tầm mắt nhìn ngôi nhà sẽ dọn đến đến ở ngày mai. Ngôi nhà ba gian nho nhỏ nằm nép trong một cái sân rộng, chung quanh trồng hoa dâm bụt anh um. Trước sân, một gốc mai tứ quý. Nhìn kỹ ngôi nhà, anh Sắc ngúc ngắc đầu: “Ở đây mình sẽ mở trường cho chữ để kiếm lộc giúp sức với vợ nuôi con”. Ý nghĩ ấy thoáng qua, anh Cử Sắc nhanh chân bước về nhà để báo tin vui với vợ.



 .4.
 TÍN HIỆU ĐẦU TIÊN

Gia đình anh Cử dọn đến ở trong ngôi nhà được mấy hôm thì bà ba chia tay anh về làng. Bà vừa nói vừa cười vui vẻ:
- Có anh ở giữ nhà cho bầy tui, bầy tui rất yên tâm. Chỉ sợ về dưới nớ tui nhớ cái thằng ni - bà vừa nói vừa ôm cậu bé Cung để tóc trái đào lên hôn. Mới tới mà hắn hỏi tui nhiều câu tưng tửng rất lạ đời.
Chị Loan thấy bà chủ nhà thương con mình, chị cũng vui lây:
- Thưa bà, cháu ni có cái thói là hay hỏi. Có chi thất thố xin bà tha thứ cho.
- Cháu nó hỏi chuyện vui thôi. Hắn mới năm tuổi đầu, con các quan, các cụ ở đây thì còn bồng trên tay đó. Lỗi phải chi với con nít!
Nói xong bà cụ Ba theo người giúp việc gánh đồ đạc ra bến Tượng để về quê.
Bà cụ ba đi rồi, chị Loan ngồi xuống trước mặt cậu Cung, bắt cậu bé vòng tay lại và đứng thẳng người trước mặt mẹ. Chị hỏi:
- Côông, con hỏi mệ Ba câu chi, con nói cho mẹ nghe?
- Con có hỏi chi mô! - Cậu bé nói như không còn nhớ mình đã nói câu gì.
Anh của Cung là Khiêm  nhanh nhẩu chạy tới bên mẹ mách:
- Có. Côông có hỏi. Côông hỏi chồng bà đi mô? Vua Tự Đức giết hết họ Đoàn răng bà trốn được? Mộ ông Đoàn Trưng chôn ở mô?
Nghe con kể chuyện, chị Loan sợ xanh mặt. Chị đứng phắt dậy gọi chồng, giọng lo lắng:
- Thầy ơi, ai bày cho thằng Côông mà hắn hỏi bà cụ những chuyện đứt đầu như không. Tui lo liệu việc nhà, nhờ thầy chăm nom dạy dỗ nhắc nhủ con, chớ sống dưới bánh xe vua…thì chết thôi!
Anh Cử vừa đưa bà cụ ra cửa trở lại, nghe vợ nói thế anh chẳng ngạc nhiên chút nào. Bởi vì anh còn lạ gì tính khí của con anh, hắn đã hỏi anh những chuyện tày trời hơn kia. Nhưng dù sao kỷ cương lúc này nó cũng đã lỏng cả rồi. Chẳng có việc gì vua Thành Thái còn xem trọng nữa. Anh không lo lắng như vợ, nên nói:
- Chuyện đồng ấu ai trách gì mà sợ.
Chị nhìn chồng, giọng sửng sốt:
- Ơ kìa, lỡ tai vách mạch rừng người ta nghe được thì sao? Họ có cho là con nít nói hay lại bảo do cha mẹ chúng dạy thì có gông cùm không?
Để cho vợ yên lòng, anh Cử bảo:
- Thôi được, mẹ nó để tui lo.

 .5. 
ÔNG VUA

Ổn định nơi ăn chốn ở xong, anh Cử Sắc nhận dạy một số học sinh ở gần nhà. Ban đêm thấy anh gò lưng trên bộ ngựa gỗ kê giữa nhà chép sách. Chữ anh viết chân phương, đẹp, bạn bè, nhất là con cái các cụ học cùng lớp với anh ở trường Giám rất thích xem. Chép xong một cuốn vài ba mươi trang, thế nào anh cũng được thưởng một khay nếp hay một cặp gà đem về cho gia đình. Chị Loan thấy cái chái ghế bàn lỏng chỏng, chị bèn dẹp bàn ghế vào một nơi rồi ra chợ Đông Ba mua một cái khung về đặt vào đó dệt vải. hai cậu Khiêm, Cung hằng ngày lo dọn dẹp nhà cửa xong là dắt nhau đi chơi. Khi thì hai cậu ra sau Hoàng Thành xem tập voi, khi thì đứng ngoài hàng rào trường Anh Danh xem thiếu niên tập võ. Cũng có hôm hai cậu vui chân đưa nhau ra tận hồ Tịnh Tâm đứng xem say mê cảnh cá ngũ sắc lội dưới hồ, chim cu ghì bay quanh đảo Bồng Doanh. Những việc diễn ra trước mắt, hai cậu thấy cái gì cũng lạ. Áo quần đủ kiểu đủ màu, xe cộ có loại thùng đen, có loại thùng vàng, có loại thùng vuông, có loại thùng tròn, anh em Khiêm, Cung không thể nào phân biệt được. Điều lạ nhất các cậu không hiểu là vì sao ở đây lại có lắm người đeo bài ngà kim khánh đến thế chứ! Mỗi bận đi chơi về, hai cậu lại xoay quanh cha mẹ hỏi chuyện, bắt cha mẹ giải đáp cho các cậu về những điều khó hiểu. Có điều cha mẹ giải thích được, có cái thì nói chung chung và cũng có nhiều cái không thể giải thích được. Điều đó làm cho tính tò mò của hai cậu con trai càng thêm bị kích thích. Khiêm, Cung tìm làm quen với các đồng ấu trong xóm để hỏi chuyện Kinh đô. Dần dần rồi hai cậu cũng phân biệt được xe đen thùng vuông: quan nhỏ; xe đen thùng tròn: quan to; xe gọng đồng sơn vàng: quan đại thần; xe bánh gỗ niềng sắt: người hèn; xe bánh cao su: người sang. Nhìn khăn áo, bài ngà và xe cộ, hai cậu bắt đầu phân biệt được các phẩm trật các quan. Suốt ngày hai cậu nghe cha dạy: “Quân, thần, phụ, tử”. “Thần, phụ, tử” thì gặp hàng ngày rồi, cho nên hai cậu càng náo nức muốn thấy mặt Quân (vua). Thỉnh thoảng cậu Cung được theo mẹ ra giặt dịa ở Bến Tượng. Thấy ai cũng cúi đầu trước cái tượng đất dặt trên bến. Cung tưởng tượng đến vua. Một hôm cậu hỏi bạn:
- Vua có giống như tượng Phật rứa không?
Thời quân chủ còn thịnh, vua đi ra ngoài, thần dân đều phải trốn, nhà ở dọc hai bên đường phải đóng cửa, ai nhỡ gặp vua ngự ở giữa đường thì lập tức phải phủ phục ngay bên đường. Bởi vì nhìn thấy mặt vua không những bị tội “khi quân” mà còn tin dị đoan làm ăn sẽ gặp rủi ro. Sau năm giặc Pháp chiếm Kinh đô (7-1885) các ông vua bù nhìn do Pháp đặt lên không còn đủ quyền lực để thi hành điều cấm đó. Tuy vậy, dân bách tính vẫn kiêng. Cho nên khi nghe cậu Cung hỏi thế, bạn bè rất sợ.
Mãi đến một hôm, mặt trời vừa chiếu xiên qua cổng thành Đông Ba, trống trên Ngọ Môn đánh liên hồi, cúng trên cột cờ ùng oàng nổ, đầu đường cuối xóm vang vọng lời rao:
- Ngài ngự! Ngài ngự!
Nghe ra, hai anh em Khiêm, Cung không kịp gài cúc áo, tất tả chạy ra phía cửa Thượng Tứ xem. Đám rước “Ngài ngự” là một đoàn voi, ngựa thắng bành gấm nhúc nhắc đi giữa hai hàng lính đội nón dấu, chân quấn xà cạp vàng. Nổi bật trên đám rước là một chiếc kiệu khảm ngà bên trên che lọng ngũ sắc. Chiếc kiệu di chuyển trên mấy chục đôi vai lực lưỡng. Hai anh em Khiêm, Cung núp dưới một gốc nhãn trên thành, chõ mắt nhìn xuống. Vua Thành Thái đầu chít khăn vàng ngồi chễm chệ trên kiệu, nghiêm trang như pho tượng. Dân chúng đi qua đường, người già thì phủ phục lạy, người trẻ thì quay mặt đi. Thỉnh thoảng cũng thấy một vài người liếc mắt nhìn trộm.
Tối hôm đó về nhà, Cung đứng bên khung cửi thỏ thẻ hỏi mẹ:
- Vua đau chân sao phải khiêng mẹ?
Chị Loan hoảng sợ, con thoi dừng ngang vuông vải:
- Đừng phạm thượng, con! Làm vua thì được ngồi kiệu!
Cung hỏi tiếp:
- Sao thầy không chít khăn vàng như nhà vua cho đẹp mà lại cứ giữ cái khăn đóng đen òm?
Chị Loan lại dừng tay dặn con:
- Màu vàng chỉ để cho hàng thượng. Làm vua mới được chít khăn vàng, nhớ nghe con!
Cung đưa tay vuốt cái chỏm tóc trái đào. Nét mặt nhăn nhó không vui:
- Rứa răng con cũng thấy lính cũng chít khăn vàng dưới chân, lính không sợ vua quở phạt sao mẹ?
Chị Loan lại hoảng hốt. Chị đứng dậy định chạy đến bịt miệng con. Nhưng vừa bước ra chị lại lùi lại, nói với con như van lơn:
- Răng con ăn nói phạm thượng rứa? Ở chốn Kinh kỳ mà không giữ gìn lời ăn tiếng nói thì gông cùm con ơi. Chắc mẹ phải xin thầy gửi con về ở với ngoại thôi.
Thấy mẹ lo lắng về mình như thế, tự nhiên Cung thấy ân hận. Cậu chạy đến hôn mẹ và nói như xin lỗi:
- Thôi, con không dám hỏi nữa. Mẹ đừng gởi con về…Con muốn ở với cha mẹ thôi!
Chị dứng dậy ôm con vào lòng, âu yếm hôn lên đầu con. Tự nhiên hai gọt nước mắt nóng hổi lăn tròn trên má chị. Chị sung sướng có được một đứa con khôn ngoan, nhưng đồng thời chị cũng lo sợ về những điều đến trước tuổi của đứa con thân yêu.

.6.
 THẰNG GIẶC TÂY DƯƠNG

Kinh đô Huế đã lọt vào tay thực dân Pháp hơn 10 năm. Toàn quyền Paul Doumer chủ trương bãi bỏ chế độ bảo hộ và thay vào đó chế độ trực trị. Vua Thành Thái mới hơn 20 tuổi, ông chưa thấy hết thủ đoạn bỉ ổi của kẻ thù. Bọn Pháp tổ chức lại bộ máy cai trị, chấn chỉnh thuộc địa để thực hiện ý đồ mới của chúng. Đó là thời kỳ mà dân ta gọi là “Tây sang giăng dây thép họa địa đồ nước Nam”. Những nấm mồ chôn tập thể những người bị Pháp giết trong biến cố 23 tháng 5 Ất Dậu (5.7.1885) đã quật lên để lấy đất sửa sang hoặc làm đường mới. Đống xương chất cao ngất để cách nhà anh em Khiêm, Cung không xa. Nhìn cảnh ấy, đồng bào Huế vô cùng đau đớn. Họ tự góp tiền làm một cái miếu thờ chung những quan dân đã mất dưới gót giày giặc Pháp. Cái ngã tư có miếu thờ từ đó mang tên là ngã tư Âm Hồn. So với cung điện, đài, gác của nhà vua thì cái miếu này quá nhỏ nhoi, thế nhưng không mấy ai là người Thừa Thiên Huế lại không biết đến. Đó là vết thương chưa cầm máu trên cơ thể một cô gái yêu kiều. Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng 5 là ngày “quảy cơm chung” hay cúng âm hồn. Vào lúc buổi trưa, bà con thiết bàn thờ ra đường cúng. Lễ cúng to nhất tổ chức tại miếu Âm Hồn, gần nhà hai cậu Khiêm, Cung. Người đứng chủ tế ở đây là một ông Đô Thống hay Chưởng Vệ của triều đình. Phẩm vật cúng dường phần lớn là xôi oản, trái cây, bánh, chuối; cúng xong, ho phân phát cho trẻ em (quan niệm như một loại âm hồn sống). Trong lễ tế đọc một bài văn tế chính thức bằng chữ Hán có ý nghĩa là “Thương thay chi linh, vì đâu nông nỗi, hoặc theo việc quân, hoặc lưu  thành nội. Binh lửa đầy đồng, trải cơn gió bụi, xương khô chất đầy. Phách hồn trôi nổi, trời đất cùng sầu, cỏ cây ngậm tủi. Nói đến bao nhiêu, lại càng thêm rối”. Các nhà yêu nước cũng thường nhân cơ hội này sáng tác thêm những bài văn tế mới, lên án tội ác của giặc Tây, thương tiếc những người đã chết, phấn khích những người còn sống căm thù lũ giặc ngoại ban. Lời lẽ các bài văn tế này súc tích bóng bẩy. Cúng xong đâu đâu cũng nghe lóc cóc tiếng sanh của những người mù hò vè Thất Thủ Kinh đô, tiếng vè uất nghẹn và giục giã làm sao!
Vào những ngày tế Âm Hồn, anh em Khiêm, Cung có mặt ở ngã tư Âm Hồn rất sớm. Đến sớm để được lãnh phần xôi oản bánh trái. Nhưng không ngờ.....mỗi lần nghe Văn tế và hò vè Thất Thủ ai oán não nuột, bà con đến dự lễ sụt sùi trong nước mắt, thấy người lớn khóc, hai cậu Khiêm, Cung cũng khóc theo.
Buổi tối về nhà, Cung đọc cho mẹ nghe câu vè:
Nay mà mắc phải lâm nguy
Sự tình nông nỗi cũng vì giặc Tây
Rồi hỏi:
- Mẹ ơi thằng giặc Tây dương ở mô mà hắn ác rứa mẹ?
Chị Loan đã quen với cái tánh hay hỏi của con nên lần này chị không quở trách con nữa. Thay vào đó là sự dạy dỗ cẩn trọng, chị ghé vào tai con nói thầm thì về lai lịch thằng giặc Tây dương. Nghe mẹ kể Cung không được thỏa mãn. Trên khuôn mặt cậu bé thoáng một nét buồn trầm tư. Buổi tối hôm đó lên giường ngủ Cung lại hỏi cha. Nhưng cha cũng không làm cho cậu hiểu biết thêm được  điều gì. Đêm ấy Cung nằm cựa quậy như người khó ngủ. Phải chăng lần đầu tiên trên vần trán thơ ngây của cậu bé Cung đã hằn lên một nếp nghĩ về bọn giặc cướp nước!
 .7.
 ÔNG TƯỚNG ĐEO TRÁP TRƯỚC NGỰC

Tại ngã tư Anh Danh, ở về phía chái đông ngôi nhà anh Cử Sắc là dinh thự ông Đô Thống trong ngũ quân triều đình. Tuy là một ông tướng rất lớn nhưng lại chỉ điều khiển được dăm anh lính hầu. Bởi vì toàn bộ binh lính lúc này điều bị giải tán hay sung vào quân của Pháp. Ông tướng ở gần nhà anh Cử Sắc có cái dáng rất oai, mặt đỏ, râu ba chòm, mũi cao, áo rộng, trước ngực có thêu một con hổ màu đỏ tía. Mỗi lần thấy ông ra đường bọn đồng ấu trong Thành Nội đều chạy dạt ra rất xa, không đứa nào dám nhìn kỹ mặc ông. Chỉ có một điều chúng thắc mắc chưa giải thích được là: các quan tướng đi đâu hay đeo tráp bên hông, hay có lính hầu mang theo bên cạnh, tại sao ông tướng này ra đường cứ mang lè kè cái tráp trước ngực? Thấy cậu Cung ở gần nhà quan tướng, bọn đồng ấu súng lại hỏi. Cung thắc mắc điều ấy mà cũng chưa có dịp hỏi.
Nhờ ở gần nhà Cung đã làm quen được với người những lính hầu của ông Đô Thống, cuối cùng Cung cũng biết được: ông Đô Thống có hai vợ, bà vợ lớn ở nhà riêng, bà vợ nhỏ ở Nghệ Tĩnh người trẻ đẹp ở với ông tại công thự. Bà vợ nhỏ hay ghen và có uy quyền với chồng. Để đề phòng ông Đô Thống về thăm bà vợ lớn, cứ mỗi lần trước khi vắng nhà, bà vợ nhỏ hay cuộn râu ông tướng bỏ vào cái tráp khóa chặt nắp lại. Nhưng khi bị vợ khóa râu mà có việc phải ra đường, ông Đô Thống không còn cách nào hơn là đeo cái tráp lủng lẳng mà đi.
Cung đem chuyện ông Đô Thống bị khóa râu ra làm quà cười cho các bạn đồng ấu. Các bạn rất phục tài “điều tra” của Cung. Rồi từ đó, mỗi lần thấy ông Đô Thống khệ nệ mang tráp đi, bọn đồng ấu không những không sợ nữa mà còn xáp lại trêu chọc ông: “Ê..., ê... ngài bị vợ ghen hả?”. Ông Đô Thống rất ức nhưng không có cách nào trị được đám đồng ấu, bởi lẽ ông chạy theo đám trẻ con thì cái tráp sẽ lôi râu ông xuống đau đớn lắm. Anh Cử Sắc biết chuyện ấy đã phải than: “Ôi cái thời buổi gì mà một ngài Đô Thống đã trở thành trò cười cho lũ trẻ đồng ấu”.

.8.
 CHUYỆN BẮC CẦU TRƯỜNG TIỀN

Một buổi tối cuối năm 1897, anh đầu xứ San từ An Hòa vào thăm anh Cử Sắc. Hai người cùng quê lâu ngày mới gặp lại nhau, mừng rỡ chào hỏi, nói năng oang oang. Anh đầu xứ ghé miệng vào bên tai anh Cử hỏi với giọng nóng hổi:
- Này, này....lũ giặc Tây dương sắp bắt cầu qua sông Hương Giang phải không? Như rứa là lính Tây dương ở Mang Cá liên lạc được với đồng bọn ở Tòa Khâm rồi!
Anh Cử kéo anh đầu xứ ngồi vào bộ ngựa gỗ kê giữa nhà, rồi bước tới đóng kín các cánh cửa, vừa để đỡ lạnh vừa ngăn bớt sự tọc mạch của những người vô ra từ đường Đông Ba. Anh đáp lời bạn:
- Đúng như vậy. Nhưng có gì anh phải lo lắng?
Anh đầu xứ ngạc nhiên:
- Bắc cầu Trường Tiền để cho quân lính cuả chúng liên lạc với nhau, nhưng chúng sẽ lấy lý do làm cầu cho dân đi mà bắt dân phải cám ơn chúng, phải nạp thêm tô thuế. Rứa mà không lo sao được?
Anh Cử Sắc cười:
- Chúng lấy tiền thuế ra bắt cầu cho dân đi là còn may. Chúng không bắt cầu mà vẫn lấy thuế nặng để mua súng bắn vào đầu dân mình mới nguy chớ. Còn dân mình có biết ơn Bảo hộ khai phá cho không, thì tôi chắc là không bao giờ!
          Anh đầu xứ hơi bực mình, đứng dậy, cái đãy đeo trên vai rơi xuống tay. Anh định phản đối lời anh Cử Sắc nhưng bỗng thấy chị Loan từ sau nhà bưng lên một cái mâm cỗ có hai cái cốc và một bầu con đựng rượu để mời khách, anh lại thôi. Gặp lại người bạn gái từng có mặt trong các cuộc thi hát ví dặm ở quê nhà, lòng anh bỗng thoáng lên một kỷ niệm xưa. Anh nhìn chị Loan khép nép trước mặt, nói giọng hết sức trìu mến:
- Chào chị Cử, bề tôi không ngờ lại gặp anh chị ở đây. Vào kinh có vui không? Gặp chị tôi nhớ các buổi đi hát vị dặm quá.
Chị Cử vốn là người ít nói và bao giờ cũng dành cho chồng nói chuyện với khách, nên chị chào cho phải phép rồi lui ra:
- Dạ vui lắm. Mời anh đầu xứ uống chén rượu cho ấm. Trời mùa đông ở Huế lạnh lắm!
Chị Loan ra sau nhà anh đầu xứ uống một ngụm rượu rồi tiếp câu chuyện còn bỏ dở:
- Anh nói dân không tin không đúng đâu. Mười người có tám người không tin chớ cũng có hai người tin chớ. Như thế, nội bộ dân mình đã không đồng nhứt với nhau, làm sao có thể đánh Tây được!
Anh Cử Sắc nói giọng chán nản:
- Tôi không tin bọn nhà Nho mình còn có thể đánh được Tây. Tình thế đã khác rồi. Hoàng thượng còn phải bó tay, cố gắng làm được cái gì lợi cho dân thì làm, còn chuyện đánh Tây phải chờ...
Anh đầu xứ tỏ ra là người am hiểu tình thế:
- Giặc ở trong nhà không đánh được hôm nay thì phải tìm cách hôm mai đánh. Vô lẽ đầu hàng ngồi chờ sao. Hoàng thượng bây giờ cũng chỉ là một anh tù. Sở dĩ Pháp chưa đóng gông Hoàng thượng vì chúng còn phải lợi dụng được danh nghĩa của ông để bóc lột dân mình! Đến khi không lợi dụng được thì... có khó gì.
Anh Cử Sắc lại lạc quan hơn:
- Còn dân, còn vua thì thế nào cũng lấy lại được xã tắc!
Anh đầu xứ giọng cảm thông cho bạn:
- Anh còn tọa Giám, anh phải nghĩ như thế thôi. Rồi ra anh sẽ hiểu sự thật cay đắng hơn nhiều.
Câu chuyện giữa hai người cứ lai rai trao qua, đổi lại, kéo dài cho đến khuya. Anh Cử và anh đầu xứ không ngờ rằng tất cả nội dung câu chuyện đã lọt vào tai cậu bé Nguyễn Sinh Cung, câu đang giả đò nằm ngủ ở cái chõng tre kê bên trong tấm sáo ngăn cách giữa bộ ngựa gỗ và cái chái tây. Sáng hôm sau, thấy trời tạnh ráo, cậu bé Cung rủ anh Khiêm ra Trường Tiền xem Tây bắc cầu qua Hương Giang.
Lần đầu tiên hai cậu thấy một đám người Tây không phải là quan cai trị hay lính săn-đá hung dữ mà là những người thợ làm cầu hiền lành. Họ cũng mắt xanh, mũi lõ nhưng nét mặt họ vui vẻ. Thấy đám đồng ấu đến gần, họ không xua đuổi mà một vài người còn ngoắc đám trẻ đến cho kẹo hay cho vài hộp diêm. Cung không thích người Tây, bởi vì người Tây trong vè Thất Thủ anh đã nghe kinh khủng quá. Tuy nhiên, thấy người Tây làm việc với những dụng cụ tiện lợi, làm nhanh và đẹp. Cung rất thích nhìn. Mấy cái vai cầu vừa ráp xong đặt trên bờ sông. Cung thấy nó to như một một quả núi. Mấy anh thợ đu trên vai cầu tán ri-vê nhanh nhẹn chẳng khác nào một ông Tề Thiên đại thánh trong tuồng hát bội. Dưới mỗi nhát búa tán ti-vê tóe ra lửa trong kinh quá. Nhưng hấp dẫn Cung nhất là cái cần cẩu cao nghệu, trông mãnh không mà có thể nhấc những miếng sắt to đem đến cho thợ ráp vào cầu. Mới nhìn đã thấy chóng mặt, thế mà nó cứ làm việc đều đều.
Buổi tối về nhà, Cung có nhận xét với mẹ:
- Sao hôm nay con thấy cái khung dệt của mẹ như bé hơn!
- Vì sao vậy? Chị Loan thắc mắc hỏi con.
- Con cũng không biết nữa. Cung đáp rồi hỏi mẹ:
- Cũng là người Tây sao mấy ông quan, mấy ông lính săn-đá lại ghét trẻ con mà những người làm cầu lại gọi tụi con tới cho kẹo và cho hộp diêm?
Chị Loan lại nhìn con trân trân. Dù biết tính con hay hỏi, nhưng mỗi lần nghe hỏi, lại một lần chị thấy bất ngờ. Chị không biết nói làm sao cho con hiểu rằng chính chị cũng chưa hiểu, cho nên chị nói trớ đi cho qua câu chuyện:
- Sao con không hỏi thầy mà cứ hỏi mẹ hoài vậy?
Cung sợ mẹ quở trách nên cậu hứa với mẹ từ nay cậu không dám làm cho mẹ bận bịu thêm nữa.

.9.
 BÊN DÒNG PHỔ LỢI TRONG XANH

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, khoa Ất Mùi vừa qua (1895) thì khoa Mậu Tuất đã đến. Khoa này bảng vàng thi Hội cũng chưa đến tên anh Cử Sắc. Bao nhiêu hy vọng vào thi cử tan thành mây khói. Hỏng thi, anh mất luôn tiền học bổng ở trường Giám. Đời sống kinh tế trong gia đình bỗng dưng suy sụp không có cách gì gượng dậy được. Suốt ba năm anh ăn học, gia đình cũng phải vay mượn xóm giềng chút ít, bây giờ hỏng thi, lấy gì mà thanh thỏa đây? Thật là khó xử! Giữa lúc đó ở làng Dương Nỗ, cách Huế gần 7km về phía đông, học trò đang cần chữ. Dần làng Dương bèn nhờ một người cùng quê là ông Nguyễn Viết Chuyên đang làm việc tại bộ Hình tìm người vời về làng dạy học. Nghe anh Cử Sắc là người khí khái, học giỏi, có nghị lực nhưng còn lận đận trên con đường cử nghiệp, ông Chuyên liền tìm đến mời. Đang lúc buồn vì hỏng thi lại khó khăn về miếng cơm manh áo, anh Cử Sắc nhận lời. Anh để chị Loan đang có mang mấy tháng ở lại ngôi nhà của bà cụ Ba trong Thành nội, còn anh dắt hai người con trai qua đò chợ Dinh về làng Dương.
Ba cha con anh Cử Sắc được dân làng bố trí ở trong nhà ông Khóa Kiện dạy cho con trai ông Khóa (tức là bộ Hường sau này) và con em trong làng. Gia đình ông Nguyễn Độ dẫn ba người con đến xin học, đó là các cậu Nguyễn Sĩ Kính, Nguyễn Sĩ Mại, Nguyễn Sĩ Khuyến. Hai cậu Kính và Mại sắp đi thi Hương, còn cậu Khuyến tuy mới 15 tuổi nhưng đã học chữ Hán khá giỏi. Hai cậu con thầy là Khiêm và Cung về đây cũng ngồi vào lớp luôn.
Ở nhà ông Khóa Kiện được một thời gian, Khóa Kiện ỷ thế có tiền nuôi thầy, tỏ ra khinh ngang, hách dịch. Học trò đến xin học mà không có ý kiến chủ nhà là không được học. Trong khi đó, có những người con cái nhà giàu hư thân mất nết được Khóa Kiện đồng ý, bắt buộc thầy Cử Sắc phải nhận vào dạy. Thầy Cử tức mình cãi nhau với Khóa Kiện.
Nghe chuyện ấy, ba người con của ông Độ về nói lại với cha. Ông Độ chê Khóa Kiện có ăn học mà thiếu lễ nghĩa. Để có thể giữ chân thầy với dân làng, ông Độ sang vời thầy về nhà mình ở.
Ngôi nhà này nguyên của bà Diêu – vợ thứ của ông Nguyễn Phước Đạo (Thị lang bộ Công). Bà không có con trai nên được chồng làm cho một ngôi nhà để sau này cho con rể ở và thờ phụng bà. Ông Độ là rể của bà nên được quyền thừa kế. Sau khi giao nhà lại cho ba cha con anh Cử Sắc, ông Độ đưa gia đình về ở với cha mẹ già (cũng ở đó). Khác với Khóa Kiện, ông Độ lo đầy đủ cơm gạo cho thầy và hai người con. Chu đáo hơn, ông Cử luôn một người con gái chăm lo nấu nướng và giặt giũ cho gia đình thầy.
Nghe tiếng anh Cử Sắc về nhà ông Độ làm thục sư, dân làng Dương và các làng chung quanh đến xin học rất đông. Học trò thầy Cử có hai loại: loại sắp đi thi Hương có Kính, Mại, Lệ, Kiến (con ông Nguyễn Viết Chuyên), Phong, Xứ, Toản... Loại thứ hai đã giỏi chữ nhưng chưa đi thi cử gì hoặc mới học vỡ lòng như Huyến, Hoàn và hai người con trai của thầy là cậu Khiêm (thường gọi là Khơm) và Cung (thường gọi là Côông)...
Một hôm có người đem con đến xin học, thấy hai người con thầy ngồi bên cạnh liền buộc miệng hỏi:
- Bẩm thầy, vì sao hai cậu không ở trên Thành nội với mẹ mà lại theo thầy về đây?
Thầy Cử Sắc cười. Bàn tay xương xẩu của thầy vỗ vỗ lên cái đầu để tóc trái đào của hai người con trai, thầy nói đùa rằng:
- Thằng này là thằng Khơm, thằng này là thằng Côông. Khơm Côông là khôông cơm. Nên bầy tui đi mô thì đem hai đứa đi nấy để nhờ gia đình chủ nuôi.
Đó là một sự thật vừa khôi hài, vừa xót xa chua chát.
Ở Dương Nỗ hai cậu bé Khiêm, Cung vào lớp ngồi học như tất cả những người học trò lớp nhỏ khác. Thầy Cử Sắc lo dạy cho lớp học trò đi thi Hương khoa Canh Tý (1900), đối với những người mới học thì thầy chỉ ra bài, còn những học trò lớn phải dạy lại cho các học trò nhỏ. Cậu Khuyến 15 tuổi, con ông chủ nhà được chỉ định dạy kèm cậu Cung. Thầy Cử bảo cậu Khuyến: “Trò Cung không thuộc bài thì trò Khuyến phải ăn đòn thay”. Trò Cung học rất thông minh, nhớ sách rất giỏi, nhưng có cái tội là hiếu động, hay bỏ lớp đi chơi lang thang, hoặc đánh nhau với trẻ chăn trâu ở làng dưới. Vì vậy, trò Khuyến rất lo. Trò Khuyến cột một sợi dây chuối vào vạt áo sau của trò Cung. Hễ thấy trò Cung đi chơi, chiếc dây chuối căng ra thì trò Khuyến cầm dây kéo lại, bảo ngồi vào ghế học.
Một hôm thầy vừa ra Luận Ngữ, Cung lẩm nhẩm học một chút rồi xếp sách đứng dậy rục rịch đi chơi. Trò Khuyến nắm áo trò Cung kéo lại:
- Chú Hai (tức trò Cung), bài Luận Ngữ thầy mới ra sao chú không học lại bỏ đi chơi?
Trò Cung nhìn trò Khuyến bảo:
- Tui thuộc hết rồi.
Khuyến nhìn Cung có vẻ không tin. Biết thế, Cung đưa sách cho Khuyến dò, nhắm mắt đọc trầm. Sách Luận Ngữ một tập tám tờ, một tờ từ 5 đến 8 dòng, mới đọc sơ qua ai ngờ Cung đều thuộc hết. Thấy Cung thông minh, có trí nhớ như thế, đám học trò làng Dương tin tưởng nếu cậu Cung mà chịu chăm chỉ học hành thì chẳng mấy chốc, bảng vàng Hương, Hội sẽ đề tên, cha mẹ sẽ được giàu sang, xóm làng được tiếng hiển vinh. Cung thì không thích như thế. Hàng ngày cậu hay trốn bạn, trốn thầy đi chơi. Cái gì thích thì cậu học. Cậu rất thích nghe kể chuyện đào sông Phổ Lợi; chuyện các họ thờ trong ngôi nhà thờ bảy gian, chuyện đình làng Dương Nỗ... Nhiều buổi trưa, cậu lẻn ra sông tắm mát, tắm xong vào ôm cột đình to tướng xoay quanh, hay xuống quét lá ngủ trưa trên cái bệ trước am Bà làng Phò Nam. Dân làng thấy thế sợ lắm. Họ rỉ tai nhau nói: “Cậu Cung con thầy Cử Sắc nếu không bị Hà bá nhận nước thì cũng bị Bà vặt (vì cậu hay xuống tắm vào lúc đứng bóng hay ngủ trong Am Bà linh thiêng). Nhưng mãi không thấy cậu Cung bị đau ốm, hề hấn gì, họ lại kháo với nhau: “Cậu Cung mạng lớn hơn cả thần thánh, sau này thế nào cũng làm lớn”.
Một hôm thầy Cử Sắc bảo trò Khuyến đi tìm cậu Cung về học, trò Khuyến tìm mãi mới thấy trò Cung đang hỏi chị buôn bán ngoài chợ. Khuyến rủ trò Cung về, Cung không về và bảo bạn:
- Các anh về học sau này thi đỗ ra làm quan... Còn tôi thì chỗ nào thích tôi học.

.10.
 QUA CỬA THƯỢNG TỨ

Cô Cử Sắc đã sinh thêm được cậu bé Xin. Hai mẹ con không được mạnh. Một mình vừa nuôi con dại, vừa phải dệt vải để kiếm sống nên sức lực cô Cử càng ngày càng kiệt. Nhiều hôm ốm đau lại không dệt được tấc vải nào, cô Cử phải bồng con qua nhà hàng xóm ở miệt chợ Xép, ngã tư Âm Hồn để ăn đậu một bữa. Người ta nói chính vì lý do đó mà cô đã đặt tên cho cậu út là Xin. Chị đầu là Thanh, anh cả là Khiêm, anh hai là Cung. Người ta hay nói chữ Thanh bạch, Khiêm nhường, Cung kính, còn cậu em út lại là Xin. Nguyên cái tên Xin không thôi cũng đã cảm thấy nó lạc loài trong gia đình hay chữ này. Vì thế mà cậu út Xin được cha mẹ và hai anh rất thương.
Những ngày học xong sớm hai anh em Khiêm, Cung hay rủ nhau lên Kinh thăm mẹ, thăm em. Mỗi lần lên hai cậu mang theo một chút lộc của cha gồm vài chén nếp với năm ba quả trứng gà... Thăm xong hai cậu xin phép mẹ về ngay để sáng hôm sau phải còn học. Sự thật cũng chẳng vì việc học mà về ngay, mà chính vì hai cậu ở lại không biết lấy gì mà ăn.
Một hôm hai cậu lên Kinh thăm mẹ xong khi trở lại làng Dương thì trời tối, mười cửa Kinh thành theo tiếng súng lệnh đặt ở Kỳ Đài đóng chặt. Hai anh em đến xin mấy chú lính tuần sát mở cửa cho về. Đám lính trả lời: “Hết giờ, đóng cửa. Chìa khóa đã giao nộp cho ông Đề đốc, sáng mai mới được lấy lại. Bây giờ mà mở cửa là trái lệnh vua ban”. Về làng Dương không được, trở lại với mẹ cũng khó, Cung nắm tay áo anh kéo vào cái chòi gác bên trong cửa Thượng Tứ xin ngủ. Vừa đi Cung vừa nói vọng lại:
- Mấy chú không cho anh em tui về, vậy mấy chú gác cho anh em tôi ngủ.
Đám lính tuần sát cho rằng cậu Cung nói như thế là khiêu khích nhưng không có lý do gì để quở phạt hai cậu. Cậu Khiêm không hiểu ý em nên dùng dằng không muốn đi. Cung bảo anh:
- Người ta nói mở cửa bây giờ là trái lệnh vua ban, anh em mình có lạy họ, họ cũng không mở đâu.
Hai cậu bé vào nằm dài trên dãy sạp tre kê tạm trong cái trạm gác dựng bên cạnh cửa Thành, nhắm mắt giả đò ngủ. Một lúc đám lính cắt phiên gác xong, thay nhau ngủ luôn. Cung giả đò ngủ say, mớ, giơ tay, dạng chân đụng vào người đám lính, làm cho đám lính ngọ ngoạy mãi không chợp mắt được. Bực mình, đám lính chửi tục, đòi bồng hai cậu bé quăng xuống hào. Nhưng chúng lại thấy hai cậu bé dễ thương, không nỡ làm như thế. Cuối cùng, chúng đã đập hai cậu bé dậy và hé cửa cho hai cậu chạy ra khỏi thành. Lúc ấy, cậu Khiêm mới hiểu ý em. Vừa chạy qua cầu Thành Thái, Cung vừa giải thích với anh:
- Người ta nói mở cửa là trái lệnh vua ban, anh em mình có lạy họ cũng vô ích. Chỉ có một cách làm cho họ cảm thấy không mở cửa là không xong, lúc ấy họ mới chịu mở thôi!
Cậu Khiêm gật đầu khâm phục mưu mẹo của em.
Qua khỏi cầu Thành Thái (tức là cầu Trường Tiền), chạy tiếp qua trước mặt tòa Khâm Sứ đến bến đò sông Thọ Lộc (chỗ xây đập đá ngày nay), hai anh em cởi quần áo đội lên đầu bơi qua sông.
Đêm hôm đó, hai cậu về đến làng Dương rất khuya.




 .11.
 TIẾNG KHÓC EM THƠ VÀ LỜI RU CỦA MẸ

Đầu năm Canh Tý (1900) bộ lễ  gọi thề Cử Sắc lên Kinh để sung vào ban tổ chức khoa thi Hương tại Thanh Hóa. Trải qua 2 năm bó gối ngồi cho chữ ở làng Dương hẻo lánh cũng đã chán, nên được lệnh là thầy Cử lai Kinh ngay. Đi Thanh Hóa luôn thể tiện, thầy sẽ ghé thăm quê nhà ở làng Sen, Nam Đàn.
Thầy Cử đêm theo người con trai lớn để lo cơm nước, khăn áo cho thầy, còn cậu Cung thầy để ở nhà giúp mẹ giữ em. Ở làng Dương, dành dụm được chút đỉnh, thầy đưa hết cho vợ, chuyện phí tổn thầy đi chuyến này đã có Bộ đài thọ.
Cha và anh cả đi xa, cậu Cung ở nhà làm việc giúp mẹ. Số tiền ít ỏi cha để lại, ăn tiêu tằn tiện lắm cũng chỉ được mươi ngày là sạch nhẵn. Cô Cử lại cảm thấy đau rát ở cổ, chiều chiều hay lên cơn sốt nên nguồn sữa cũng cạn dần. Cậu bé Xin khát sữa khóc cả ngày. Cậu Cung  bế em đi quanh xóm xin bú nhờ. Đêm đêm không đi bú nhờ được, cậu út khóc khan cả giọng. Con khóc không có sữa cho con bú, không có gì cho con ăn, thương con đêm đêm cô Cử bằng lời ru cố xoa dịu cơn đói cho con, đưa con vào giấc ngủ. Nhưng đói bụng thì làm sao ngủ được, cậu út lại khóc. Bà mẹ ru mãi cũng hết câu hát, cuối cùng bà lấy truyện Kiều đã học thuộc từ nhỏ ra ngâm:
 Trải qua một cuộc bể dâu
 Những điều trông thấy mà đâu đớn lòng
Không rõ cậu út Xin đã cảm nhận được lời ru của mẹ đến đâu, chỉ thấy cậu lúc thì nằm ư ử, lúc thì khóc thét lên rồi cuối cùng ngủ thiếp đi trong sự tức tưởi. Và...thật không ngờ, chính những lời ru mẹ đành cho út Xin ấy đã ghi sâu vào tâm khảm cậu anh nằm bên lưng mẹ. Vừa thương mẹ nhọc nhằn vì em, vừa cám cảnh lời ru của mẹ, nước mắt cậu anh chảy ướt đẫm cổ áo. Mỗi lần thấy mẹ đọc Kiều khao khao trong cổ, cậu Cung lại đạp khe khẽ lên người mẹ:
- Mẹ mệt lắm rồi, đừng ru nữa làm con buồn quá mẹ ạ!
Mỗi lần nghe con nói như vậy, cô Cử thường bảo con:
- Không có sữa cho em bú, không có gì cho em ăn, mà thiếu cả lời ru của mẹ nữa thì làm sao em ngủ được?



.12.
 NỖI ĐAU XÉ RUỘT

Vào những tuần cuối năm 1900 trời ngớt mưa, nhưng vẫn còn lạnh lắm. Suốt ngày cô Cử ngồi rên hừ hừ bên bếp lửa loe hoe mấy que củi rều. Cái mụt nhọt trên cổ cô vỡ ra chảy nước vàng nhơn nhớt. Thầy Cử bốc cho cô mấy thang thuốc bắc, cô uống hết thuốc mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Ăn uống bữa có bữa không, đêm đêm con hành mất ngủ, sức khỏe cô Cử tuột xuống rất nhanh. Chồng và các con không thấy được điều đó nên thầy Cử vẫn vắng nhà đi kiếm sống; các con vẫn giúp mẹ ở chừng mực bình thường. Ngày tháng cứ trôi qua, vào một buổi trưa trời mưa lất phất, cô Cử gọi cậu Cung vào nói thều thào:
- Mẹ mệt qu...á!
Cung tưởng mẹ mệt lả vì đói quá nên vội vàng xách cái siểng chạy ra chợ Xép mua cho mẹ siểng cơm. Lúc trở về ngang qua ngã tư Âm Hồn thì có người hàng xóm làm thợ thêu tất cả chạy ngược ra chợ, thấy cậu Cung xách siểng cơm, anh thợ thêu gọi với giọng thảng thốt:
Cung ơi! ... mẹ cháu mất rồi!
Trời đất bỗng tối sầm trước mặt cậu bé lên mười. Cậu cảm thấy đau đớn xé ruột, khóc òa:
Ôi ... mẹ ôi!
Cậu vừa khóc vừa cắm đầu chạy về căn nhà cha mẹ đã mướn của bà cụ Ba từ năm năm trước. Anh thợ thêu chạy theo sát gót định nắm lấy cổ áo Cung và bịt miệng cậu lại, nhưng anh chạy không kịp... Vừa chạy sau Cung, anh thợ thêu vừa gọi giọng hối hả van lơn:
- Đừng khóc! Đừng khóc cháu ơi! Ở trong Kinh thành không ai được khóc cả!
Cung không nghe tiếng anh thợ thêu gọi, mà có nghe, Cung cũng chẳng tuân lời. Cậu chạy về, thấy  chị thợ thêu, vợ chồng ông Viên Diễu vừa kéo cậu bé Xin ra khỏi vú mẹ, họ xúm nhau vuốt chân vuốt tay cho cô Cử nằm thẳng trên bộ ngựa kê giữa nhà.Cậu Cung sấn vào ôm chầm mẹ, khóc thét lên. Mấy người hàng xóm đến săn sóc cho người chết cũng bùi ngùi khóc theo. Người thì kéo Cung ra dỗ dành, người thì hỏi han nơi dạy học của thầy Cử để nhắn về gấp.
Nỗi đau xé ruột ấy xảy ra vào ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý (đầu năm 1901). Biết gia đình cô Cử thiếu thốn, hàng xóm láng giềng rất cảm cảnh, người có tiền đêm cúng tiền, người có công giúp công, thậm chí có gia đình đem các vật phẩm chuẩn bị cho ngày mai đưa ông Táo về trời sang giúp làm đám cô Cử.
Khi thầy Cử hay tin về đế nhà thì xóm giềng đã lo mọi việc cho cô Cử xong xuôi.
Quan tài cô Cử được để trên một chiếc đò đưa ra ngoài Kính thành bằng Đông Thành Thủy Quan (thường gọi là công Lương Y và cầu Thanh Long), đám tang ngược sông Đông Ba, ngược sông Hương, đến bến đò Trường Súng thì xuôi sông Lợi Nông xuống đậu lại tại Bến Ngự. Quan tài được khiêng lên chôn ở cái nghĩa địa nằm giữa núi Ngự Bình và núi Bần Sơn (nơi Nguyễn Huệ lên ngôi và lấy niên hiệu là Quang Trung vào năm 1788).


 .13.
 MỘT TIỀN LỆ TRONG KHOA CỬ

Cô Cử qua đời lúc chưa bước tới cái tuổi 40. Đó là sự mất mát to lớn không gì có thể bù đắp được của gia đình thầy Cử Sắc. Đêm nằm gác tay lên trán ngẫm nghĩ về hoàn cảnh của mình, thầy Cử cảm thấy cay đắng tận ruột gan. Nhưng cũng chính lúc này thầy dẹp mọi buồn phiền qua một bên vì khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901) sắp mở. Trên vai thầy Cử lúc này có nhiều gánh nặng phải trả. Trước kia có vợ có chồng nuôi nấng con cái, bây giờ chỉ còn một mình thầy, gà trống nuôi con thật neo đơn vất vả. Thầy đã 40 tuổi rồi, quyết phải đỗ đạt để yên việc học hành mà tập trung nuôi con. Thứ hai, thầy rất yêu thương cô Cử, suốt một đời chịu thương chịu khó để giúp đỡ chồng ăn học, đến lúc từ giã cõi đời vẫn chưa được thấy chồng công danh thành toại. Thầy phải đỗ, không phải để làm ông Nghè ông Cống mà để vui lòng người vợ bên kia thế giới. Thứ ba, thầy là người dân xứ Nghệ, bạn với những người yêu nước như ông Cử Vương, ông đầu xứ San ( tức Vương Quý và Phan Bội Châu sau này), thầy cũng muốn làm một cái gì cho dân, cho nước. Muốn vậy thầy cũng phải đỗ đạt mới làm được việc. Bởi vì... “những người đỗ đạt đồng bào mới nghe”- xưa nay người ta đã quan niệm như thế rồi.
Tháng ba năm Tân Sửu (Thành Thái thứ 13) thầy Cử Sắc đổi tên là Nguyễn Sinh Huy, vác liều chõng lên trường thi ở phường Tây Nghị thi Hội. Khoa này cụ Cao Xuân Dục (Hiệp biện Đại học sĩ, Phó Tổng tài Quốc Sử quán) làm Chánh chủ khảo, ông Nguyễn Văn Mại Phó chủ khảo, Nguyễn Hữu Đảng (Hình bộ Hiệp biện, sung cơ mật đại thần) làm quan đọc quyển, Trần Đạo Tiềm (Hồng lô tự khanh) làm quan duyệt quyển.
Chấm thi Hội xong, cụ Cao Xuân Dục không thấy tên Nguyễn Sinh Huy, ông ngạc nhiên và thương cho con người không được may mắn này. Lấy tư cách là Chánh chủ khảo, cụ lục bài vở của thí sinh Huy xem lại. Cụ thấy rải rác trong các bài của thầy Huy phảng phức như một tư tưởng “yếm thế”, mất lòng tin vào chế độ hiện tại, có thể vì thế mà quan trường không ưa, đã hạ thấp điểm của thầy Huy xuống. Biết hoàn cảnh gia đình Nguyễn Sinh Huy rất khó khăn cho nên cụ phải ra tay giúp đỡ. Để cho Hội đồng và Bộ Lễ khỏi nói cụ thiên vị thầy Cử Huy, cụ lấy thêm bài ba người nữa cũng có ba kỳ được điểm 6 phân đề nghị các quan khoa đạo xét cho vào thi Đình. Ba người ấy là Lê Ngãi (tỉnh Quảng Nghĩa), Nguyễn Đinh Hiến (tỉnh Quảng Nam), Hoàng Đại Bỉnh (tỉnh Quảng Bình). Cụ Cao nói:
- Thời bây giờ Bảo Hộ lấn lướt Nam Triều, thí sinh họ không tin vào Nam Triều cũng là một điều dễ hiểu. Người ta nghĩ sao viết vậy... Tại sao cho người ta ít điểm. Tôi đề nghị đưa tên bốn người vào thi Đình!
Đề nghị của Chánh chủ khảo được chấp nhận.
Khoa Tân Sửu (1901) có chín người đậu Tiến sĩ (trong đó có Ngô Đức Kế), mười ba Phó bảng (thầy Nguyễn Sinh Huy đỗ thứ 11 và Phan Châu Trinh đỗ cuối cùng, thứ 13).
Tiến sĩ là những người đậu chính thức sau khi truyền lô, tên ghi ở đình Phú Văn, Phó bảng là người đậu vớt, yết trên bảng theo riêng một cái ở nhà phụ bên cạnh. Trình độ học vấn thì giữa hai cấp ấy không hơn nhau mấy, nhưng về ân vua ngạch trật và bổng lộc thì cách xa nhau nhiều lắm. Từ thời Minh Mạng những ông Tiến sĩ được nhà vua ban yến, đi chơi vườn Thượng Uyển, ban áo mão và ngựa trạm để vinh quy bái tổ trước khi ra làm quan. Nhưng Phó bảng thì đậu xong, mượn tiền ăn đường mà về nhà, khi nào cần thì Triều đình gọi ra làm việc, chưa cần thì thôi, chẳng có quyền lợi chi cả. Đến đời Thành Thái, Phó bảng cũng chẳng có gì khá hơn, thầy Nguyễn Sinh Huy sẽ chịu cảnh như thế đấy. Cụ Cao Xuân Dục vớt cho thầy Huy đỗ được rồi, luôn thể cụ xin cho Huy và cả những người Phó bảng đồng khoa ấy một chút “vinh hiển”. Cụ vào điện Cần Chánh tâu vua Thành Thái:
- Tâu Hoàng thượng, thầy xét thấy Tiến sĩ và Phó bảng trình độ cũng sàn sàn như nhau, nhưng Tiến sĩ thì được quá nhiều ân vua, còn Phó bảng thì không hơn gì một anh Cử nhân. Thần cúi xin Hoàng thượng xét ban chỉ dụ cho Phó Bảng cũng được ân vua, có đủ áo mão và ngựa trạm để vinh quy bái tổ, còn ngạch trật, tướt hàm thì vẫn y như cũ để khỏi xáo trộn.
          Vua Thành Thái rất tín nhiệm học vấn và uy tín của cụ Cao nên đồng ý ngay. Vì thương cho thầy Huy mà cụ đặt cho khoa cử thời Nguyễn có thêm cái tiền lệ ấy.



 .14.
 VÀI ĐIỀU GHI DẤU Ở QUÊ HƯƠNG

Nghe thầy Huy đã đỗ đại khoa, dân làng Sen và làng Hoàng Trù mừng lắm. Lần đầu tiên làng Sen có đại khoa. Họ lại nghe vì thầy Huy mà triều đình đặt thêm cái tiền lệ vua ban áo mũ và ngựa trạm cho các ông Phó bảng vinh quy bái tổ, họ rất tự hào. Bà con lên Vinh hỏi ông Tổng đốc Đào Tấn bao giờ thì các ông đại khoa xứ Nghệ về quê để họ chuẩn bị đón rước long trọng. Khoa Tân Sửu, Nghệ Tỉnh có đến hai Tiến sĩ (Ngô Đức Kế ở Thạch Hà, Nguyễn Đình Điển ở Nam Đàn) và hai Phó bảng (Nguyễn Xuân Thưởng ở Thanh Chương và Nguyễn Sinh Huy ở Nam Đàn).
Hôm ông Phó bảng Huy về đến quê hương, làng xóm chuẩn bị đón ông thật linh đình. Võng lọng, kèn trống nghinh ngang. Họ tưởng ông đội mũ cánh chuồn trên mái tóc, mình mặc áo rồng còn hơi ấm của vua ban, nhưng không ngờ đại khoa Huy vẫn chiếc khăn đóng ám khói và chiếc áo lương đen may từ cái thuở đi lấy vợ đến giờ. Họ lại càng ngạc nhiên hơn khi xìa võng lọng nghinh đón ông thì ông bảo:
- Hãy lặng trống và xếp cờ. Tôi đỗ đại khoa nhưng tôi đã làm được cái gì cho dân cho nước đâu mà đón tôi. Nếu có đón thì đón những người đã làm nên sự đỗ đạt cho tôi, nhưng tiếc thay, ông già vợ tôi và bà vợ tôi đã khuất mặt cả rồi!...
Nói xong, ông dắt mấy đứa con lội tắt cánh đồng Chùa về làng Hoàng Trù thắp hương bái lạy tạ ơn vong linh cụ Tú Hoàng Xuân Đường và bà vợ là Hoàng Thị Loan.
Ở Hoàng Trù được một thời gian, dân làng Sen không cho ông Phó bảng ở rễ nữa, họ làm nhà và mời ồng về làng Nội. Nhân việc về làng quê, ông đổi tên cậu Nguyễn Sinh Khiêm thành Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Sinh Cung thành Nguyễn Tất Thành (vì tên Khiêm bị kỵ húy Khiên lăng - lăng vua Tự Đức). Tên con là ước muốn và sự thực của đời ông, dù khó khăn lận đận mà có chí, có quyết tâm rồi cũng thành đạt được. Ông ước mong con trai ông sau này làm cái gì cũng có được ý chí đó.
Cậu bé Xin về làng được một thời gian thì mất. Cậu Đạt theo ông Phó bảng đi cho chữ ở nhưng nơi cần chữ. Chị Thanh lo liệu việc nhà, cậu Thành tiếp tục học chữ Hán với nhà yêu nước Vương Thúc Quý ở ngay trong làng. Lúc này ông đầu xứ San đã đổi tên là Phan Bội Châu và đậu Thủ khoa Cử nhân ở trường Vinh năm Canh Tý. Thỉnh thoảng cụ Phan đến thăm Vương Thúc Quý và nói chuyện quốc sự. Nhiều hôm cụ nằm ngâm câu thơ của Tùy Viên (thi sĩ ở đời Thanh): “Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch, lập thân tối hạ thị văn chương” (có nghĩa là: Mỗi bữa ăn không được quên làm điều gì có lợi cho dân cho nước để ghi vào sử sách; Lập thân mà lấy văn chương thi cử làm sự nghiệp là hèn hạ nhất). Cậu Thành ngồi nghe sững sờ và đọc thuộc lòng câu thơ này.
Nghe Thành cũng hay chữ, cụ Phan bèn chỉ mặt trăng và câu đối:
- Nguyệt hướng bạch (trăng lên trắng),
Thành đã ứng khẩu đáp lại:
- Nhật xuất hồng (mặt trời mọc đỏ)
Cụ Phan khen là có “khẩu khí”. Đầu năm 1909, cụ Phan bí mật sang Nhật tìm đường cứu nước. Đến nữa năm cụ lại bí mật về quê tìm những người có tâm huyết đem sang Nhật học để sau này về cứu nước. Cụ Phan nhắm đến Nguyễn Tất Thành - một người tuấn tú sắp bước vào tuổi thanh niên. Cụ gặp anh Thành trong một chiếc đò lơ lửng trên sông Lam. Cụ kể chuyện nước Nhật sau khi duy tân đã trở thành một cường quốc đủ sức đánh bại được thủy quân của Sa Hoàng. Anh Thành nghe rất thích thú và anh hỏi cụ Phan:
- Thưa chú vậy nước Nhật có ai mà họ giỏi vậy?
Cụ Phan tình thiệt đáp ngay:
- Họ học văn minh kỹ thuật của Tây phương.
Anh Thành ngúc ngắm đầu cám ơn. Anh tưởng tượng đến cái nước Tây phương nào đó mà quan trọng đến vậy.
Nói chuyện xong, cụ Phan bảo sẽ đem Thành sang Nhật. Nhưng thật bất ngờ... anh Thành đã từ chối với lý do chưa được sự đồng ý của ông Phó bảng. Cụ Phan rất buồn. Cuối cùng cụ đã phai đem người con trai của cụ Sơn - thầy học của cụ Phan (ông này sau đỗ bác sĩ, không có tiếng tăm gì).
Cụ Phan lại lên đường sang Nhật. Anh Thành về nhà gặp ông Phó bảng. Anh nói:
- Thưa thầy, con muốn học chữ Tây.
Ông Phó bảng giật mình. Ông không thể tưởng tượng được một người xuất thân trong gia đình Nho giáo khoa bảng như con ông lại muốn đi học cái thứ chữ của bọn bồi bút Việt gian làm tay sai cho thực dân đế quốc. Ông trợn mắt nhìn con. Anh Thành biết cha bực mình, anh giải thích:
- Con muốn học cái chữ của Tây phương - nơi người Nhật đã học được văn minh kỹ thuật để duy tân đất nước!
Ông Phó bảng vỡ lẻ. Nhưng ở trên cái đất Nghệ Tĩnh sục sôi chống Pháp này, có thể nhờ được ai để dạy con? Vợ mất rồi, con cái nó có cái mộng lớn ấy, không giúp con đi theo chí hướng của nó, thật cũng không đành! Trong lúc ông đang phân vân thì có lệnh của triều đình vời ông vào Kinh để làm việc. Ông không muốn làm quan, không muốn chui vào cái vòng cương tỏa của miếng cơm manh áo, nhưng dù sao, đây cũng là cơ hội để ông có thể giúp cho con ông thực hiện cái chí hướng của nó. Ông quyết định đưa gia đình trở lại chốn Đế đô.
Trước mùa mưa lũ năm 1905, gia đình ông Phó bảng rời quê hương  lên đường vào Huế. Lần đó, ông cũng  như ba người con đi theo, có lẽ không ai nghĩ rằng bốn người ra đi chuyến ấy sẽ có người không về nữa, có người phải năm mươi năm sau mới trở về.
 .15.
 KHÔNG LÀM QUAN THÌ...?

Vào đến Kinh, ông Phó bảng đem hai anh Đạt, Thành đến thăm cụ Cao Xuân Dục - người ân nhân của gia đình ông. Thấy người cùng quê đến thăm, cụ Cao rất mừng, nhất là người ấy lại được ông từng cưu mang. Cụ Cao sởi lởi chào hỏi:
- Chú Phó bảng và nhận chức đùng hẹn qua hè!
Câu hỏi bất ngờ làm cho ông Phó bảng lúng túng, đắn đo một chút rồi ông mới đáp được:
- Dạ....dạ...! Cháu đem các cháu vào kinh học tiếng Tây!
Cụ Cao cười khanh khách. Cụ đứng dậy sờ đầu hai anh Đạt, Thành rồi đến nói bên tai ông Phó bảng:
- Bốn mươi lăm tuổi đời rồi mà chú còn thơ ngây quá. Cụ Cao đưa một ngán tay trỏ lên mắt nói tiếp. Dưới con mắt của Tây, những người đỗ đại khoa như chú mà không làm quan thì làm gì chú có biết không?
Ông Phó bảng hơi lúng túng;
- D...ạ....
Cụ Cao nói ngay:
- Là làm giặc. Mà bị họ xem làm giặc thì họ có để cho chú ngồi yên nuôi con đi học chữ Tây đâu!
Ông Phó bảng thốt lên với giọng ngao ngán, chịu đầu hàng trước một sự thật phủ phàng:
- Quan trường nô lệ trung chi nô lệ hựu nô lệ,(1) cháu không muốn làm quan thưa bác!
Cụ Cao trở lại ngồi trên cái sập cẩn kê ở gian giữa công đường nhà Tôn Học nói với ông Phó bảng:
- Chú không làm quan thì không bao giờ người Tây họ để yên cho chú ngồi ở Kinh nuôi con học chữ Tây đâu!
Hai anh con trai đứng nép sau lưng bố, cúi đầu nghe cụ lớn dạy bảo. Có một cái gì đó làm cho cậu em khó chịu ngẩn đầu lên định cãi, nhưng cậu lại kịp thời nén xuống để cho câu chuyện giữa hai người lớn không bị gián đoạn. Trong lúc đó, ông Phó bảng sau một lúc ngẫm thưa với cụ Cao bằng giọng van lơn:
- Thưa bác, rứa thì có chức quan cho hèn nhất không ai thèm làm, xin bác bổ cho cháu vào đó!
Thuyết phục được ông Phó bảng vào cái vòng “nô lệ”, cụ Cao mừng thầm, bèn bảo ngay:
- Có  hai chức  Thừa  phái bộ Lễ ­­­(2), ông Bảng Trinh  bạn đồng khoa  với chú không thèm làm bỏ đi rồi đó! Dù chú không muốn thì cũng phải núp vào đó cho yên thân!
Ông Phó bảng giọng miễn cưỡng:
- Cháu xin cảm tạ lời dạy bảo của chú!
Nói chuyện làm quan thời nô lệ thật căng thẳng. “Gặp thời thế thế thời phải thế”, bàn nữa cũng không thêm được chuyện gì. Ông Phó bảng nói qua chuyện khác. Ông kể chuyện ngoài quê, chuyện về mấy người con. Kết thúc cuộc thăm viếng là bàn về tương lai học vấn của hai người con trai. Cụ Cao rất tán thành chí hướng của anh Thành muốn học chữ Tây, học văn minh kỹ thuật Tây phương. Cụ bảo:
- Muốn cứu nước cũng không còn con đường nào khác là con đường duy tân. Không học văn minh kỹ thuật Tây phương thì làm sao duy tân được. Nhưng duy tân phải trong bất bạo động. Bạo động tắc tử.
-------------------
(1) Quan trường là người nô lệ trong đám nô lệ, lại càng nô lệ hơn.
(2) Trước thời Đồng Khánh gọi là Thừa Biện. Nhưng chữ Biện trùng tên húy chủ Đồng Khánh nên từ ấy phải đổi thành Thừa phái cho đến ngày chấm dứt triều Nguyễn (8-1945). (TG)


.16.  
 TỪ CĂN NHÀ Ở DÃY TRẠI ĐƯỜNG ĐÔNG BA

Ông Thừa Phái bộ Lễ Nguyễn Sinh Huy được Bộ cấp cho một gian nhà ở dãy trại đường Đông Ba thuộc phường Thái Trạch(1), gian thứ hai gần con đường vào chợ Xép. (Gian thứ nhất của ông Quản Lê Viết Nghiêm làm việc tại Hộ Thành). Dãy trại mười hai gian nằm dọc theo đường Đông Ba ngay bên trong cửa Đông Ba. Đối diện với nó cũng có một dãy mười hai gian như thế, thuộc phường Vĩnh An(2). Hai dãy này trước kia là trại lính của đội Tuyển Phong. Ngày Pháp đánh chiếm Kinh đô Huế, đội Tuyển Phong đã kháng cự rất anh dũng, cho nên ngày lấy được Huế rồi, chúng liền giải tán đội Tuyển Phong cũng như các đội lính đã  đánh chúng. Thấy hai dãy tại bỏ trống, triều Đồng Khánh chia cho các ông quan nhỏ làm việc ở Lục Bộ. Những quan chức ở đây phần lớn quê ở Nghệ Tĩnh và Quảng Nam.
Năm 1903, cụ Đào Tấn thôi giữ chức Tổng Đốc An Tịnh (1902) về làm Thượng Thư bộ Công. Thấy hai dãy trại các quan ở đã hư nát quá cụ bèn cho ông Hường Hàng đấu giá sửa chữa lại.
Cả dãy tại mười hai gian, dựng trên một cái nên gạch cao. Mỗi căn rộng  năm mét, sâu mười hai mét, cột kèo bằng gỗ lim thô tháp, chung quanh có tường gạch trát vôi, mái lợp ngói to bản, cục mịch, khác với vẻ thanh lịch của các cung điện nhà vua. Mỗi gian có một lớp cửa bàng khoa(3). Phía sau dựng một dãy nhà tranh làm nơi nấu nướng. Trong nhà đồ đạc đơn sơ gồm một chiếc chõng tre và một bộ ngựa mấy tấm. Đó là nơi nằm viết lách, nơi tiếp bạn bè, nơi ăn uống và cũng là nơi nằm ngủ.
Từ gian nhà ở dãy trại này, hai anh Đạt và Thành hằng ngày ra học tại trường Pháp – Việt Đông Ba. Cơ sở của ngôi trường này dựa vào cái đình chợ cũ. Năm 1899, chợ Đông Ba đem ra ngoài giại(4), cái đình chợ cũ được ngăn thành bốn phòng làm trường học. Phòng nào cũng trang trí giống nhau. Bức tường trước mặt treo một cái bảng đen, bên trên có dòng chữ Pháp: “Liberté – Egalité – Fraternité”.
Lúc mới vào học, anh Thành còn để chỏm, đội nón tre sơn, áo quần bằng vải thô nhuộm nâu, đi guốc gỗ quai mây, mũi guốc cao cong lên. Mấy tuần sau, Thành cúp tóc ca rê, mặc quần vải quyến trắng, áo dài bằng vải dù đen, đội nón lá mười sáu vành như học trò Kinh.
Anh vào học lớp sơ đẳng nhưng chữ Quốc ngữ AB cũng không biết, Pháp ngữ un, deux cũng chưa. Ngược lại giờ học chữ Hán thì hiểu biết không ai bằng. Một hôm nhìn lên phía trên bảng đen có dòng chữ Pháp, anh không hiểu nghĩa, anh hỏi thầy giáo Hồ Đắc Quỳnh thì được thầy giảng cho biết:
- Tự Do - Bình Đẳng - Bác Ái. Đó là mục đích của Cách mạng Pháp 1789 đã giao cho chánh phủ Pháp phải thực hiện.
Anh Thành chưa hiểu Cách mạng Pháp, nhưng có trình độ chữ Hán nên hiểu nghĩa mấy chữ ấy. Chữ nghĩa thật là hay. Nhưng giữa lý tưởng của nước Pháp và chế độ cai trị của thực dân Pháp ở xứ An Nam thật cách biệt nhau. Một người đỗ đại khoa như thân sinh anh không được ăn yên ở yên để nuôi con ăn học thì còn nói tự do cái gì. Giữa thực tế cuộc đời và chữ nghĩa nó cách biệt quá xa, có thể nói trái ngược nhau mới đúng. Từ ý nghĩ ấy, anh Thành quyết tâm học tiếng Pháp cho thật giỏi để xem thử đằng sau những từ ấy, văn minh văn hóa Pháp đã thực hiện những gì.
Ngoài giờ học Pháp văn ở trường, anh Thành còn đi học lớp chiều (cours du soir) với thầy Ưng Dự ở đầu Ngã Giữa(5). Về nhà anh tự học thêm để nâng cao trình độ Pháp văn cho kịp với học trò Kinh và để có thể tiếp xúc với văn minh văn hóa Pháp.
Chỉ một thời gian sau, anh Thành đã có một trình độ Pháp văn khá. Có lần thầy giáo ra một bài dịch, trong đó có câu: “Oh chat, oh chat, Vous voulez manger le rat, Montez sur la poutre”. Anh đã dịch ra văn vần Việt Nam là:
Con mèo, con mẽo, con meo.
 Muốn bắt con chuột thì leo lên xà.
Lời dịch sát nghĩa và rất Việt Nam.
Đầu năm 1908, nhờ anh đã có một trình độ Pháp văn vững và là con ông Thừa phái, nên anh được nhận vào học trường Quốc học Huế.
--------------------
(1) Phường Thuận Thành ngày nay
(2) Phường Thuận Lộc ngày nay
(3) Cửa sổ gồm nhiều cánh
(4) Bờ sông Hương
(5) Đường Phan Đăng Lưu ngày nay

 .17.
 NGƯỜI HỌC SINH KHÁC THƯỜNG

Trường Quốc học là trường trung học dạy Pháp văn và khoa học Tây phương đầu tiên ở Việt Nam do vua Thành Thái mở năm 1896. Cơ sở của trường dựa vào doanh trại thủy sư cũ của Hoàng gia (bỏ trống từ sau ngày Pháp đánh chiếm Huế, 7-1885). Trường gồm có hai dãy nhà tranh  nằm song song với đường Jules Ferry(1) chung quanh có tường bao bọc. Ở bốn mặt đều trổ cửa ra vào. Cửa chính nhìn ra sông Hương, bên trên xây lầu, trong lầu treo một cái chuông lớn để điểm giờ học. Trường mở ra theo yêu cầu đào tạo người có hiểu biết để giúp Nam Triều tiếp xúc với Pháp cho nên có mời một số thầy giáo Pháp vào dạy. Phần lớn giáo viên là các nhà Nho yêu nước không muốn làm quan, nhân có trường dạy học, họ xin vào để giấu mình gửi gắm một chút tâm sự cho lớp trẻ. Bọn Pháp thấy Quốc học là một môi trường rất lợi hại, chúng đã tìm mọi cách để thâm nhập vào với hai mối lợi: lợi thứ nhất là chế ngự những người có ý tưởng chống Pháp đã dựa vào cái bóng của vua Thành Thái mà núp trong trường Quốc  học; hai là dùng trường Quốc học để đào tạo một bọn tay sai thay thế cho bọn bồi bút bất tài đem từ thuộc địa Nam kỳ ra. Dưới nhãn quan của thực dân, ngôi trường Quốc học là một công cụ của chúng. Nhưng chúng đã không thành công.
Anh Thành bước vào trường Quốc học sau sự kiện vua Thành Thái tốn vị (abdiqué), vua Duy Tân bị áp đặt lên ngôi. Cái mà làm cho lớp trẻ lưu ý nhất là ông vua Duy Tân chưa đầy tám tuổi này đã có những biểu hiện bất khuất trước chính quyền thực dân Pháp. Anh em học trò rỉ tai nhau câu nhận xét của một nhà báo Pháp về ông vua trẻ này: “Un jour de trône a changé complètement le visage d’un enfant à huit ans”. (Một ngày ngồi trên ngai vàng đã thay đổi hoàn toàn khuôn mặt của một cậu bé tám tuổi).
Anh Thành tiếp tục rèn luyện môn Pháp văn trên ghế nhà trường Quốc học. Lúc mới vào trường anh rất buồn. Dần dần anh cũng tìm thấy những niềm vui. Bên dưới cái bộ mặt buồn bã của một ngôi trường trong tay thực dân còn có một trái tim nóng bỏng vì tình dân nghĩa nước. Anh được thầy Hoàng Thông dạy chữ Hán rất thương. Thầy giao cho anh lên viết bài học trên bảng đen và đọc trước cho học trò đọc theo. Nhiều hôm thầy bận việc đến trễ, thầy giao cho anh Thành coi lớp. Sau giờ học, anh hay lại nhà thầy ở trong trường, xin thầy đọc những Tân Thơ, Tân Sách do thầy biên soạn hay thầy đã sao chép được. Sách do thầy viết cuốn Tự Trị Thượng Sách; sách do người Việt Nam soạn có các cuốn: Thiên Hạ Đại Thế Luận, Thời Vụ Sách của Nguyễn Lộ Trạch, Đinh Hoàn Chí Lược của Phạm Phú Thứ; những sách báo nói về tình hình Trung Quốc mà gần giống với Việt Nam có Ẩm Băng, Tự Do Thư, Trung Quốc Hồn; những sách của Tây Phương do người Trung Quốc dịch lại có Dân Ước của Lư Thoa (J.J. Rousseau), Tiến Hóa Luận của Tư Tân Tắc (Spencer), Dân Quyền Thiên của Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu).
Người thầy thứ hai mà anh cũng hết sức kính trọng là thầy Lê Văn Miến. Thầy Miến là người Diễn Châu, người đồng tỉnh với anh. Thầy Miến có một cung cách đặc biệt, trước kia thầy được cử sang học ở trường hành chánh thuộc địa cùng với Thân Trọng Huề và Hoàng Trọng Phu. Khi tốt nghiệp, hai ông kia về làm quan to, còn thầy Miến thì xin ở lại học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Pháp (Ecole des Beaux-Arts de Paris). Học xong, thầy về Hà Nội làm cho nhà in Shneide. Tổng đốc An Tịnh là Đào Tấn biết thầy giỏi, đã ra đưa thầy về Vinh rồi đưa vào Huế làm hành tấu ở bộ Công với Đào tiên sinh. Trong một vụ vỡ lở có dính dáng đến việc vẽ các kiểu súng trường cho vua Thành Thái đúc chuẩn bị đánh Pháp, thầy bị đưa ra Vinh mở trường Pháp – Việt, rồi đến năm 1907 thì đưa thầy về dạy vẽ ở trường Quốc học. Bọn Pháp biết thầy Miến có tư tưởng chống Pháp nhưng chúng không dám hãm hại thầy vì lẽ thầy rất có uy tín với dư luận Pháp. Sau những giờ dạy vẽ, thầy Miến thường kể chuyện thầy đã đi du lịch nhiều nước trên thế giới. Thầy thường kể với học sinh:
- Người Pháp ở chính quốc khác với người Pháp ở đây. Ở thủ đô Ba Lê cũng có rất nhiều người nghèo. Chiều chiều, những người già không có nơi nương tựa phải chống gậy đi học phố moi móc trong các thùng rác xem thử có còn gì ăn được thì lấy ra ăn; đêm đêm ở vườn Luýt-xăm-bua thơ mộng, nhiều cô gái nghèo phải bán thân nuôi miệng. Người dân Pháp, từ người thứ dân cho đến vị Hàn lâm, thấy những người Việt Nam mất tư cách thì họ tỏ ra khinh bỉ, nhưng ngược lại thấy những người có đạo đức, biết tự trọng, có tài, họ rất kính phục, ít có chuyện phân biệt vì chủng tộc nòi giống (race). Đặc biệt, ở Ba Lê có rất nhiều viện bảo tàng, nhiều thư viện tàng trữ những hiện vật xưa, sách cổ quí giá. Sách về yêu nước và cách mạng thế giới có nhiều, ai muốn đọc cũng được, không hạn chế và không ngăn cấm.
Nghe những chuyện ấy, anh Thành rất náo nức, anh càng tự quyết tâm cao hơn để sớm có đủ trình độ Pháp văn tiếp xúc với những thứ quý giá ấy. Một hôm trả Luận văn, thầy Queignec cầm bài luận của anh Thành đưa ra giữa lớp nói lớn:
- Thành a traité le sujet de rédaction en vers, c’est un élève intelligent et vraiement distingué (Trò Thành đã làm đề luận này bằng thơ, đây là một học sinh thông minh và xuất chúng).
------------
(1) Đường Lê Lợi ngày nay

.19.
 SÔNG HƯƠNG DẬY SÓNG

Đầu năm 1908 có tin ở Đại Lộc (Quảng Nam) “dân dậy” chống thuế. Phong trào bị dìm trong biển máu  nhưng càng ngày càng lan ra các huyện và các tỉnh Nam-Ngãi-Bình-Phú. Anh Thành cùng các cơ sở bí mật ở Huế đang nghe ngóng thực hư như thế nào, thì có tin Tây cho lính lên trường Quốc học bắt thầy Hoàng Thông. Anh em lại nghe tin chúng đã tra tấn thầy rất dã man để truy lùng những cơ sở yêu nước do cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh tổ chức, cùng những người chủ mưu sẽ chống thuế ở Kinh đô. Chúng lục soát trong nhà thầy lấy hết Tân Thơ, Tân Sách trong đó có cuốn Tự Trị Thượng Sách do thầy viết để giáo dục các tầng lớp thành niên học sinh. Chúng tra tấn thầy đủ các cực hình nhưng vẫn chẳng khai thác được ở  thầy một lời. Chúng trích một câu văn trong cuốn sách của thầy ra chất vấn: “Nước dù bất hạnh mà mất, không phải mất nước của một họ (Nguyễn) riêng mà thôi; cùng với nước mất dân tộc bị diệt chủng”. Chúng cho rằng câu này là có ý phản nghịch. Nét chữ của thầy rành rành, nghĩa của từng chữ cũng đã rõ không thể chối được. Để có thể chạy “tội”thầy phải nói:
- Tôi lúc rượu say đã viết ra câu ấy. Lúc tỉnh rượu không còn nhớ nữa!
Bọn Pháp biết thầy nói thế là ngụy biện, nhưng như thế cũng chưa đủ lý để đem thầy ra chém ngang lưng. Không có cách nào hơn chúng đưa thầy vào giam ở lao Thừa Phủ.
Tất cả đường giao thông thủy, bộ, xe hỏa từ Quảng Nam ra Huế đều bị kiểm soát chặt chẽ. Chúng bắt hàng loạt người mà chúng tình nghi là “mầm loạn” trên đường về Huế. Nhưng cái gì đến nó đã đến.
Với danh nghĩa là một người đi bán quế, ông khóa Nối (Nguyễn Hàn Chi) đã đem tin tức tài liệu về cuộc khất sưu xin thuế của dân Quảng Nam ra Huế. Ông Ấm Mộng người Giạ Lê chánh, cháu gọi ông Nguyễn Văn Mại từng làm Hiệu phó trường Quốc Học bằng cậu ruột là người chủ đạo cuộc đấu tranh này. Ấm Mộng đã từng học với Nguyễn Lộ Trạch và là cơ sở nòng cốt của cụ Phan Bội Châu tại Thừa Thiên Huế. Ông hoạt động với bà Lê Thị Đàn (tức bà Ấu Triệu hay thường gọi là Đinh phu nhân). Cuộc chống thuế ở Huế được tổ chức khắp sáu huyện. Nhưng khác với các nơi, ở đây không kéo lẻ tẻ tới các huyện đường mà tất cả đều hẹn một ngày tập trung vào Huế, ngay cơ quan đầu não sinh ra các sắc thuế là Tòa Khâm sứ. Anh Thành đi truyền đạt địa điểm tập trung bí mật: “Diên Đại sa trung, Ngự Bình sơn hậu”. (Ở giữa bãi cát làng Diên Đại và ngay sau lưng núi Ngự Bình).
Bọn Pháp đánh hơi thấy dịch chống thuế đã lan đến đất Kinh sư. Dò biết phong trào đang âm ỉ ở vùng Diên Đại (Phú Vang), bọn Pháp liền tính một nước cớ bằng cách cử ông Trần Trạm, Phủ Doãn Thừa Thiên – về vùng quê đi hiểu dụ dân chúng. Chúng muốn nhờ cái miệng của ông quan nổi tiếng thanh liêm được dân chúng kính trọng này nói cho dân biết không nên đi chống thuế nguy hiểm đến tánh mạng, có đòi hỏi gì cứ nhờ ông Phủ Doãn rồi ông Phủ sẽ can thiệp với nhà nước Bảo Hộ. Không ngờ đoàn tùy tùng của ông Phủ Doãn vào sáng ngày 9-4-1908 vừa đến làng Công Lương và Giạ Lê chánh (quê hương ông Ấm Mộng) đã đụng đầu với dân chúng. Ông Nguyễn Cưỡng bị Trần Phán – Phó quản đi bảo vệ ông Phủ Doãn, bắn chết. Một cuộc bạo động ác liệt đã diễn ra. Toàn bộ đoàn tùy tùng mấy chục người đều bị dân trói ngoe. Những tên ngoan cố hay có ý chạy lên Huế kêu Tây về cứu đều bị nhận nước bán sống bán chết. Dân thương ông Trần Trạm thanh liêm, chẳng qua nhẹ dạ đi làm tay sai cho giặc, nên họ chỉ bắt ông bỏ vào thúng, chuẩn bị gánh lên Dinh đấu tranh.
Đúng y hẹn, sáng hôm sau – ngày 10 tháng 4, đồng bào sáu huyện Thừa Thiên, từ nhiều hướng, nhiều ngả đã đổ xô về Huế. Đồng bào đi chống thuế lần này thật đặc biệt: áo quần rách rưới, mũ nón xác xơ, tóc cắt ngắn, người thì mang theo cơm nắm, người mang nồi niêu soong chảo, có người mang theo cả manh chiếu rách. Tất cả đều gọi nhau  là “đồng bào”. Đặc biệt đoàn người khởi đi từ Giạ Lê – Công Lương có khiêng theo hai người. Người thứ nhất là ông Phủ Doãn Trần Trạm ngồi trong thúng, người thứ hai là ông Nguyễn Cưỡng đã bị bắn chết được dân chúng ướp bằng lá thầu đâu nằm trên võng.
Dân quê tuôn về Huế đầy đường đầy sá. Lúc đầu bọn Pháp định đuổi dân lui nhưng sau thấy đông quá, chúng cũng chịu bó tay. Một nhóm học trò ở chợ Cống thấy khí thế rầm rộ quá bèn lấy lý do tới trường để ra phố xem người. Khi họ đi đến trước Phủ Doãn Thừa Thiên thì gặp anh Thành đi ngược từ trên trường về phía Toàn Khâm. Thấy các bạn, anh Thành đi nhanh đến và bảo:
- Các bạn đi mô đó? Dân sáu huyện người ta đang đi xin xâu, xin thuế với Pháp mà không biết tiếng Tây, bọn mình là học sinh biết tiếng Tây hãy đi giúp làm thông ngôn cho đồng bào!
Các bạn học sinh có người cũng sợ Tây, nhưng nghe anh Thành nói thế, họ cũng đi theo, bởi vì anh Thành xưa nay là người có uy tín, nói điều gì cũng đúng đắn cả. Họ cũng có cảm giác anh Thành là một người hoạt động bí mật, lúc này mà không nghe anh chắc cũng không được yên. Thế là một số quay lui theo anh. Những người còn phân vân bị anh Thành cầm vai xoay lại và bảo:
- Nào chúng ta cùng về Toàn Khâm với đồng bào nào!
Lúc ấy tất cả đều đi theo anh. Đi một lúc anh lấy một cái nón lá mà các bạn đội trên đầu xuống, lận bên trong ra ngoài, làm cho 16 cái vành tre ngó lên trời rồi bảo tiếp:
- Phải đấu tranh để lật lại tình thế như lận cái nón này!
Các bạn không hiểu anh, chỉ tiếc hư một cái nón.
Khi anh Thành cùng các bạn học trò làm thông ngôn đến trước cửa Tòa Khâm thì đông bào các huyện đã đến tập trung đông nghẹt. Anh cùng các bạn chen lên trước. Tên Hộ lý bộ Lại De la Suisse điều khiển bọn lính khố xanh cầm dùi cui, gậy tre đánh đập không cho dân tràn vô sân Tòa Khâm. Anh Thành là người cao lớn, lại xông lên trước nên bị đánh rất dữ. Tuy vậy, đám người đông đảo vẫn cứ lăn xả vào. Thấy không thể ngăn được, Khâm sứ Lévecque ra lệnh cho phép dân vào và bằng lòng gặp đại diện của dân. Một người tên là Khóa Mãnh thay mặt Lê Đình Mộng lên gặp Lévecque, anh Thành đi theo làm thông ngôn.
Lévecque hỏi bằng tiếng Pháp:
- Có điều gì muốn nói thì đệ đơn lên quan Đại Pháp xét chứ tại sao lại làm loạn như thế này?
Anh Thanh thông ngôn cho Khóa Mãnh nghe, đoạn Khóa Mãnh nói:
- Dạ mất mùa dân đói không có tiền nạp thuế, đi sưu nên đồng lòng lên xin thuế, khất sưu!
Khâm sứ Lévecque trợn mắt nói như nạt:
- Bảo hộ bỏ ra hàng chục vạn bạc để làm Đập Đá ngăn nước mặn cho dân làm ruộng, bây giờ không nạp thuế thì lấy gì mà trả? Không nạp thuế thì lấy đâu mà bắc cầu Trường Tiền cho dân đi và còn biết bao công trình sẽ làm nữa?
          Câu hỏi bất ngờ làm cho ông Khóa Mãnh hơi lúng túng, ông đáp một cách ấp úng không đúng với khí thế của đồng bào. Anh Thành nhớ lại có một lần cụ Phan đã tranh luận với bố mình về vấn đề này, nên anh liền sửa câu trả lời của ông Khóa cho thật đúng và thông ngôn ra tiếng Pháp cho viên Khâm sứ:
- Bảo hộ làm Đập Đá ngăn mặn, nhưng nước mặn vẫn vào được bằng sông Lợi Nông và khi nước rút bị Đập Đá chận lại không có đường ra làm cho mùa màng càng thêm thất bát. Bảo hộ làm cầu Trường Tiền trước nhất để cho Bảo hộ đi, còn nông dân chúng tôi ở thôn quê có cần chi cầu Trường Tiền. Làm cầu chẳng qua chỉ là danh nghĩa để Bảo hộ tăng sưu cao, thuế nặng mà thôi!
Tên Khâm sứ bị chọc vào đúng chỗ hiểm nên đã nổi cáu chửi:
- Đồ làm loạn, khốn nạn!
Anh Thành thông ngôn câu đó thật to cho dân nghe. Dân ức quá lại ùa lên.
Rồi cứ thế, câu nào dân nói không đúng khí thế thì anh sửa lại cho đúng để bọn Pháp kính nể, cầu nào bọn Pháp nói xúc phạm đến dân, anh thông ngôn thật to cho dân nghe để họ càng căm giận chen nhau tiến lên.
Cuộc đấu tranh kéo dài khá lâu. Dân các huyện về ngồi kín cả con đường Jules Ferry, từ Tòa Khâm lên đến Phủ Doãn, kín cả cầu Trường Tiền, một số ngồi tràn cả sang phố Trường Tiền. Ông Phủ Doãn nấu cơm, làm bò cho dân ăn và khuyên dân về, dân vẫn không về. Bà con buôn bán ở chợ Đông Ba và phố Trường Tiền nấu cơm vắt để sẵn trước hè phố, ai muốn ăn thì cứ lấy ăn, không mất tiền. Bọn Pháp không giải tán được dân, chúng liền yêu cầu vua Duy Tân ra thăm dân và khuyên dân về. Khi nhà vua qua cầu Trường Tiền dân giãn ra cho xe nhà vua đi, nhưng nhà vua đi qua rồi thì lại bị bịt kín. Vua Duy Tân hiểu dân đang muốn gì và hoàn cảnh của ông cũng chẳng có gì tốt hơn, cho nên theo lịnh Lévecque ông đi thăm cho biết chứ không nói gì.
Cuối cùng, Pháp đã gọi một đại đội lính Tây ở đồn Mang Cá lên chĩa súng bằn vào đồng bào, đến lúc ấy đồng bào mới giải tán. Máu của những người dân vô tội đã chảy đỏ con đường chạy qua mười hai nhịp cầu Trường Tiền.
Sau cuộc chống thuế, hàng ngàn người bị thương, hàng trăm người bị tù đầy đi Lao Bảo, Côn Lôn, hàng chục người bị án tử hình. Ông Ấm Mộng tuy lãnh đạo trong bí mật vẫn bị phát giác và bị án “trảm giam hậu” (giam để chờ chém). Nhưng vì ông mồ côi cha, được nhiều người có uy tín trong chính quyền can thiệp, ông được đổi án tù Côn  Lôn. Anh Thành cũng bị truy  nã nên anh đã trốn khỏi trường Quốc học.


 .18.
 TUỔI TRẺ KHÔNG YÊN

Học trò cùng lớp với anh Thành xuất thân trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, phần lớn là con các quan, các cụ có chức, có quyền trong hai chính phủ Bảo Hộ và Nam Triều. Nhiều người đã có vợ có con, có người đi học có xe đưa xe đón; có người bữa trưa ở lại có lính hầu đội nón dấu xách cơm đến. Học trong lớp có chi khó hiểu, anh Thành hay hỏi, bọn con ông cháu cha thấy anh Thành được các thầy thương giảng giải cặn kẽ, chúng đâm ra ganh ghét. Chúng chọc tức Thành bằng cách trọ trẹ nhái tiếng Nghệ hoặc cười đùa “dân cá gỗ”. Anh Thành không cãi vã thô bạo, những có hôm chịu không nổi, anh đã đấm vào mặt một thằng con lai mà cha hắn là chủ kho bạc. Hôm ấy thầy Hoàng Thông gọi Thành vào và dạy:
- Mình là con nhà gia giáo, tại sao con lại hành động một cách nóng nảy như thế? Cha mẹ nó ỷ quyền ỷ thế mất dạy, làm sao nó có dạy được? Con có đủ sức đánh hết tụi nó không? Con nên cố gắng học hành và dùng sức lực tuổi trẻ của mình làm những việc lớn hơn!
Anh Thành rất cảm động trước những lời chỉ dạy của thầy. Anh cúi đầu nhận lỗi. Bỗng dưng trong đầu anh sáng lên một ý nghĩ: Phải chăng thầy Hoàng Thông là một đồng chí của các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh? Anh ngước nhìn thầy, hai ánh mắt sáng như hai luồng điện:
- Thưa Thầy, thầy thấy con có thể làm được gì, xin thầy hãy tin con!
Thầy Hoàng Thông nhìn kỹ cậu thanh niên tuấn tú đứng trước mặt, lòng thầy lâng lâng một niềm vui sướng. Hôm ấy anh lãnh trách nhiệm liên lạc với một số người yêu nước.
Lúc này ngọn gió duy tân đang bùng lên ở Kinh đô. Ngay cả cái tên của ông vua trẻ cũng được đem ra bình luận. Những điều vua Thành Thái không thực hiện được, ông đặt cả niềm tin vào đứa con. Mặt dù ông bị buộc phải tốn vị, nhưng Triều đình còn lại cũng phải nể ông, nhận đặt tên Duy Tân cho người con kế vị ông. Một phong trào diễn thuyết kêu gọi Duy Tân lan tràn khắp nơi. Hai người nổi tiếng nhất là Lê Đình Mộng (tức Ấm Mộng) và Trần Trinh Linh. Anh Thành cũng tập diễn thuyết ngay trên sân trường Quốc học.
Những lúc vắng thầy hay những buổi đi học sớm, Thành hay leo lên bàn đứng tập nói chuyện. Anh nói về tình trạng lạc hậu của người Việt Nam; sở dĩ mất nước là vì sự lạc hậu ấy. Anh nói về sự bất lực của Nam triều, nói về tình hình sưu cao thuế nặng...Và cuối cùng bao giờ anh cũng sang sảng kêu gọi “Thanh niên và những người có ăn học, phải làm cái gì cho dân, cho nước!”
Có lần nghe tiếng anh nói, học trò kéo đến vây quanh xem. Một lúc có cậu sợ liên lụy lẩn tránh đi chỗ khác, bọn con ông cháu cha nghe nói động đến cha ông chúng, chúng đi báo ngay với hiệu trưởng Chouquet. Thấy hiệu trưởng đến, Thành nhảy xuống đi chỗ khác; khi hiệu trưởng đi xa, anh lại nhảy lên tiếp tục nói. Viên hiệu trưởng tức giận gọi anh và các thầy giáo của anh đến quở trách, anh đã xin trả lời:
- Những điều con nói có thấm vào đâu so với thư của cụ Phan Châu Trinh gởi cho ngài Toàn quyền Beau, so với những buổi diễn thuyết của ông Ấm Mộng, ông Trần Trinh Linh...sao các thầy không cấm những người ấy để cho học trò khỏi bắt chước?
Hiệu trưởng Chouquet giận đỏ mặt. Y cho Thành cứng đầu, lý sự, định đứng dạy bộp tai, nhưng vì trước mặt có các thầy giáo của Thành nên không dám thô bạo. Y nói:
- Những người bất trị ấy trước sau rồi cũng bị nghiêm trị. Mi là thằng học sinh ăn học bổng của chính quyền Bảo hộ, tại sao mi dám nói những lời chống chính phủ Bảo hộ trước mặt các thầy giáo?
Nói xong y đứng dậy, không thèm nghe anh Thành nói thêm một lời nào nữa. Y đẩy anh Thành ra khỏi phòng, đóng cửa lại rồi hạch sách các ông giáo một lúc. Cuối cùng y đe:
- Tôi sẽ báo cho sở Liêm phóng biết hạnh kiểm của thằng học trò ngỗ nghịch đó và cả anh hắn. Nếu các ông không dạy được hắn, tôi sẽ đuổi cả các ông luôn. Tôi cũng sẽ gọi bố chúng đến đây. Nếu bố chúng không dạy được, tôi sẽ đề nghị Nam triều khiển trách tên Thừa phái không biết dạy con ấy.
Sau cái hôm bị cảnh cáo, Thành thường hay bỏ học. Vào những ngày có phiên chợ, anh cùng bạn bè xách một cái giỏ trong ấy đựng một cái lược và một cái kéo, ra đứng ở các ngã ba có nhiều người qua lại. Anh tham gia phong trào Duy Tân, cắt bỏ búi tó. Hễ thấy ai có đầu tóc búi tó thì anh giơ kéo lên, miệng gọi người ấy đến đọc cho nghe bài vè:
                                                                      “Húi hề... Húi hề!
                                                                       Bỏ cái ngu nầy!
                                                                       Bỏ cái dại nầy!
                                                                       Húi hề húi hề!
                                                                       Ngày nay ta cúp
                                                                       Ngày mai ta cạo!
                                                                       Húi hề húi hề!
                                                                       Bỏ cái ngu nầy!
                                                                       Bỏ cái dại nầy!
                                                                       Húi hề...Húi hề!
Phong trào Duy Tân cho rằng cái búi tó là biểu hiện của sự lạc hậu, ngu dốt. Muốn Duy Tân phải đoạn tuyệt với cái cũ ấy đi.
Bạn bè thấy anh lớn tuổi, đứng đắn, có uy tín với thầy với bạn, rất nể vì anh. Nhưng ai cũng sợ, ít người dám “đi” theo anh.

.19.
 SÔNG HƯƠNG DẬY SÓNG

Đầu năm 1908 có tin ở Đại Lộc (Quảng Nam) “dân dậy” chống thuế. Phong trào bị dìm trong biển máu  nhưng càng ngày càng lan ra các huyện và các tỉnh Nam-Ngãi-Bình-Phú. Anh Thành cùng các cơ sở bí mật ở Huế đang nghe ngóng thực hư như thế nào, thì có tin Tây cho lính lên trường Quốc học bắt thầy Hoàng Thông. Anh em lại nghe tin chúng đã tra tấn thầy rất dã man để truy lùng những cơ sở yêu nước do cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh tổ chức, cùng những người chủ mưu sẽ chống thuế ở Kinh đô. Chúng lục soát trong nhà thầy lấy hết Tân Thơ, Tân Sách trong đó có cuốn Tự Trị Thượng Sách do thầy viết để giáo dục các tầng lớp thành niên học sinh. Chúng tra tấn thầy đủ các cực hình nhưng vẫn chẳng khai thác được ở  thầy một lời. Chúng trích một câu văn trong cuốn sách của thầy ra chất vấn: “Nước dù bất hạnh mà mất, không phải mất nước của một họ (Nguyễn) riêng mà thôi; cùng với nước mất dân tộc bị diệt chủng”. Chúng cho rằng câu này là có ý phản nghịch. Nét chữ của thầy rành rành, nghĩa của từng chữ cũng đã rõ không thể chối được. Để có thể chạy “tội”thầy phải nói:
- Tôi lúc rượu say đã viết ra câu ấy. Lúc tỉnh rượu không còn nhớ nữa!
Bọn Pháp biết thầy nói thế là ngụy biện, nhưng như thế cũng chưa đủ lý để đem thầy ra chém ngang lưng. Không có cách nào hơn chúng đưa thầy vào giam ở lao Thừa Phủ.
Tất cả đường giao thông thủy, bộ, xe hỏa từ Quảng Nam ra Huế đều bị kiểm soát chặt chẽ. Chúng bắt hàng loạt người mà chúng tình nghi là “mầm loạn” trên đường về Huế. Nhưng cái gì đến nó đã đến.
Với danh nghĩa là một người đi bán quế, ông khóa Nối (Nguyễn Hàn Chi) đã đem tin tức tài liệu về cuộc khất sưu xin thuế của dân Quảng Nam ra Huế. Ông Ấm Mộng người Giạ Lê chánh, cháu gọi ông Nguyễn Văn Mại từng làm Hiệu phó trường Quốc Học bằng cậu ruột là người chủ đạo cuộc đấu tranh này. Ấm Mộng đã từng học với Nguyễn Lộ Trạch và là cơ sở nòng cốt của cụ Phan Bội Châu tại Thừa Thiên Huế. Ông hoạt động với bà Lê Thị Đàn (tức bà Ấu Triệu hay thường gọi là Đinh phu nhân). Cuộc chống thuế ở Huế được tổ chức khắp sáu huyện. Nhưng khác với các nơi, ở đây không kéo lẻ tẻ tới các huyện đường mà tất cả đều hẹn một ngày tập trung vào Huế, ngay cơ quan đầu não sinh ra các sắc thuế là Tòa Khâm sứ. Anh Thành đi truyền đạt địa điểm tập trung bí mật: “Diên Đại sa trung, Ngự Bình sơn hậu”. (Ở giữa bãi cát làng Diên Đại và ngay sau lưng núi Ngự Bình).
Bọn Pháp đánh hơi thấy dịch chống thuế đã lan đến đất Kinh sư. Dò biết phong trào đang âm ỉ ở vùng Diên Đại (Phú Vang), bọn Pháp liền tính một nước cớ bằng cách cử ông Trần Trạm, Phủ Doãn Thừa Thiên – về vùng quê đi hiểu dụ dân chúng. Chúng muốn nhờ cái miệng của ông quan nổi tiếng thanh liêm được dân chúng kính trọng này nói cho dân biết không nên đi chống thuế nguy hiểm đến tánh mạng, có đòi hỏi gì cứ nhờ ông Phủ Doãn rồi ông Phủ sẽ can thiệp với nhà nước Bảo Hộ. Không ngờ đoàn tùy tùng của ông Phủ Doãn vào sáng ngày 9-4-1908 vừa đến làng Công Lương và Giạ Lê chánh (quê hương ông Ấm Mộng) đã đụng đầu với dân chúng. Ông Nguyễn Cưỡng bị Trần Phán – Phó quản đi bảo vệ ông Phủ Doãn, bắn chết. Một cuộc bạo động ác liệt đã diễn ra. Toàn bộ đoàn tùy tùng mấy chục người đều bị dân trói ngoe. Những tên ngoan cố hay có ý chạy lên Huế kêu Tây về cứu đều bị nhận nước bán sống bán chết. Dân thương ông Trần Trạm thanh liêm, chẳng qua nhẹ dạ đi làm tay sai cho giặc, nên họ chỉ bắt ông bỏ vào thúng, chuẩn bị gánh lên Dinh đấu tranh.
Đúng y hẹn, sáng hôm sau – ngày 10 tháng 4, đồng bào sáu huyện Thừa Thiên, từ nhiều hướng, nhiều ngả đã đổ xô về Huế. Đồng bào đi chống thuế lần này thật đặc biệt: áo quần rách rưới, mũ nón xác xơ, tóc cắt ngắn, người thì mang theo cơm nắm, người mang nồi niêu soong chảo, có người mang theo cả manh chiếu rách. Tất cả đều gọi nhau  là “đồng bào”. Đặc biệt đoàn người khởi đi từ Giạ Lê – Công Lương có khiêng theo hai người. Người thứ nhất là ông Phủ Doãn Trần Trạm ngồi trong thúng, người thứ hai là ông Nguyễn Cưỡng đã bị bắn chết được dân chúng ướp bằng lá thầu đâu nằm trên võng.
Dân quê tuôn về Huế đầy đường đầy sá. Lúc đầu bọn Pháp định đuổi dân lui nhưng sau thấy đông quá, chúng cũng chịu bó tay. Một nhóm học trò ở chợ Cống thấy khí thế rầm rộ quá bèn lấy lý do tới trường để ra phố xem người. Khi họ đi đến trước Phủ Doãn Thừa Thiên thì gặp anh Thành đi ngược từ trên trường về phía Toàn Khâm. Thấy các bạn, anh Thành đi nhanh đến và bảo:
- Các bạn đi mô đó? Dân sáu huyện người ta đang đi xin xâu, xin thuế với Pháp mà không biết tiếng Tây, bọn mình là học sinh biết tiếng Tây hãy đi giúp làm thông ngôn cho đồng bào!
Các bạn học sinh có người cũng sợ Tây, nhưng nghe anh Thành nói thế, họ cũng đi theo, bởi vì anh Thành xưa nay là người có uy tín, nói điều gì cũng đúng đắn cả. Họ cũng có cảm giác anh Thành là một người hoạt động bí mật, lúc này mà không nghe anh chắc cũng không được yên. Thế là một số quay lui theo anh. Những người còn phân vân bị anh Thành cầm vai xoay lại và bảo:
- Nào chúng ta cùng về Toàn Khâm với đồng bào nào!
Lúc ấy tất cả đều đi theo anh. Đi một lúc anh lấy một cái nón lá mà các bạn đội trên đầu xuống, lận bên trong ra ngoài, làm cho 16 cái vành tre ngó lên trời rồi bảo tiếp:
- Phải đấu tranh để lật lại tình thế như lận cái nón này!
Các bạn không hiểu anh, chỉ tiếc hư một cái nón.
Khi anh Thành cùng các bạn học trò làm thông ngôn đến trước cửa Tòa Khâm thì đông bào các huyện đã đến tập trung đông nghẹt. Anh cùng các bạn chen lên trước. Tên Hộ lý bộ Lại De la Suisse điều khiển bọn lính khố xanh cầm dùi cui, gậy tre đánh đập không cho dân tràn vô sân Tòa Khâm. Anh Thành là người cao lớn, lại xông lên trước nên bị đánh rất dữ. Tuy vậy, đám người đông đảo vẫn cứ lăn xả vào. Thấy không thể ngăn được, Khâm sứ Lévecque ra lệnh cho phép dân vào và bằng lòng gặp đại diện của dân. Một người tên là Khóa Mãnh thay mặt Lê Đình Mộng lên gặp Lévecque, anh Thành đi theo làm thông ngôn.
Lévecque hỏi bằng tiếng Pháp:
- Có điều gì muốn nói thì đệ đơn lên quan Đại Pháp xét chứ tại sao lại làm loạn như thế này?
Anh Thanh thông ngôn cho Khóa Mãnh nghe, đoạn Khóa Mãnh nói:
- Dạ mất mùa dân đói không có tiền nạp thuế, đi sưu nên đồng lòng lên xin thuế, khất sưu!
Khâm sứ Lévecque trợn mắt nói như nạt:
- Bảo hộ bỏ ra hàng chục vạn bạc để làm Đập Đá ngăn nước mặn cho dân làm ruộng, bây giờ không nạp thuế thì lấy gì mà trả? Không nạp thuế thì lấy đâu mà bắc cầu Trường Tiền cho dân đi và còn biết bao công trình sẽ làm nữa?
          Câu hỏi bất ngờ làm cho ông Khóa Mãnh hơi lúng túng, ông đáp một cách ấp úng không đúng với khí thế của đồng bào. Anh Thành nhớ lại có một lần cụ Phan đã tranh luận với bố mình về vấn đề này, nên anh liền sửa câu trả lời của ông Khóa cho thật đúng và thông ngôn ra tiếng Pháp cho viên Khâm sứ:
- Bảo hộ làm Đập Đá ngăn mặn, nhưng nước mặn vẫn vào được bằng sông Lợi Nông và khi nước rút bị Đập Đá chận lại không có đường ra làm cho mùa màng càng thêm thất bát. Bảo hộ làm cầu Trường Tiền trước nhất để cho Bảo hộ đi, còn nông dân chúng tôi ở thôn quê có cần chi cầu Trường Tiền. Làm cầu chẳng qua chỉ là danh nghĩa để Bảo hộ tăng sưu cao, thuế nặng mà thôi!
Tên Khâm sứ bị chọc vào đúng chỗ hiểm nên đã nổi cáu chửi:
- Đồ làm loạn, khốn nạn!
Anh Thành thông ngôn câu đó thật to cho dân nghe. Dân ức quá lại ùa lên.
Rồi cứ thế, câu nào dân nói không đúng khí thế thì anh sửa lại cho đúng để bọn Pháp kính nể, cầu nào bọn Pháp nói xúc phạm đến dân, anh thông ngôn thật to cho dân nghe để họ càng căm giận chen nhau tiến lên.
Cuộc đấu tranh kéo dài khá lâu. Dân các huyện về ngồi kín cả con đường Jules Ferry, từ Tòa Khâm lên đến Phủ Doãn, kín cả cầu Trường Tiền, một số ngồi tràn cả sang phố Trường Tiền. Ông Phủ Doãn nấu cơm, làm bò cho dân ăn và khuyên dân về, dân vẫn không về. Bà con buôn bán ở chợ Đông Ba và phố Trường Tiền nấu cơm vắt để sẵn trước hè phố, ai muốn ăn thì cứ lấy ăn, không mất tiền. Bọn Pháp không giải tán được dân, chúng liền yêu cầu vua Duy Tân ra thăm dân và khuyên dân về. Khi nhà vua qua cầu Trường Tiền dân giãn ra cho xe nhà vua đi, nhưng nhà vua đi qua rồi thì lại bị bịt kín. Vua Duy Tân hiểu dân đang muốn gì và hoàn cảnh của ông cũng chẳng có gì tốt hơn, cho nên theo lịnh Lévecque ông đi thăm cho biết chứ không nói gì.
Cuối cùng, Pháp đã gọi một đại đội lính Tây ở đồn Mang Cá lên chĩa súng bằn vào đồng bào, đến lúc ấy đồng bào mới giải tán. Máu của những người dân vô tội đã chảy đỏ con đường chạy qua mười hai nhịp cầu Trường Tiền.
Sau cuộc chống thuế, hàng ngàn người bị thương, hàng trăm người bị tù đầy đi Lao Bảo, Côn Lôn, hàng chục người bị án tử hình. Ông Ấm Mộng tuy lãnh đạo trong bí mật vẫn bị phát giác và bị án “trảm giam hậu” (giam để chờ chém). Nhưng vì ông mồ côi cha, được nhiều người có uy tín trong chính quyền can thiệp, ông được đổi án tù Côn  Lôn. Anh Thành cũng bị truy  nã nên anh đã trốn khỏi trường Quốc học.

 .20.
 GIÃ TỪ MẢNH ĐẤT YÊU THƯƠNG

Ông Phó bảng Huy bị khiển trách vì hạnh kiểm của hai người con đã có những lời lẽ chống Pháp trước mặt quan viên Pháp.
Sau lần đó, để tránh phiền phức cho cha, hai anh Đạt, Thành ít về nhà, mỗi người tản đi một ngã. Anh Thành khi thì trốn tránh ở nhà một người quen ngay sau lưng Phủ Doãn nơi mà bọn mật thám ít để ý, khi thì ngủ lại vài ba đêm ở quán Ao Hồ dành riêng cho những người quê ở Nghệ An. Có người nói với anh Thành đã theo ghe buồm về Nghệ An, nhưng về ngoài đó tình thế cũng căng thẳng không trốn tránh được nên anh lại phải trở vào Huế. Thấy anh nghỉ học mất học bổng, người ta đề nghị anh nên nạp đơn lên làm ở Công ty vôi Long Thọ hay làm cho hãng cỏ may Cốt-xa-ra, anh từ chối với lý do tên tuổi của anh đã bị bọn mật thám ghi vào sổ đen, đi đâu ở cái xứ Huế này lại không gặp chúng!
Sau khi bị khiển trách, ông Phó bảng buồn, ít nói năng giao tiếp với ai, ông buồn một phần về thế sự, một phần vì con cái học hành chưa tới đầu tới đũa mà đã phải lao đao lận đận. Chiều chiều ông hay uống rượu giải buồn. Có lẽ thấy ông Phó bảng khác thường như thế nên bọn Hộ lý bộ Lễ trình với Khâm sứ theo dõi ông, tìm cơ hội đưa ông rời khỏi Huế cho rảnh tay. Cuối năm sau (1909), nhân huyện Bình Khê khuyết Tri huyện, bọn Pháp đã can thiệp với Nam triều đày ông lên đó. Tuy ngạch trật có nâng lên một vài bậc, nhưng đến Bình Khê là chỗ chết. Bình Khê là quê hương của phong trào Tây Sơn – những người triều Nguyễn không đội trời chung. Sau khi Tây Sơn bị diệt, nhà Nguyễn đã dùng đất ấy để giam bọn “du thủ du thực”. Ông Phó bảng lên đó nếu cứng rắn với bọn này thì sẽ bị chúng giết ngay, nếu dể cho chúng tự do hoành hành thì Triều đình sẽ có lý do triệt hồi ông. Đường nào cũng đưa con người này vào chỗ bế tắc.
Cha đi nhận chân Tri huyện Bình Khê, anh Thành ở lại trong sự đùm bọc của người dân lao động Huế.
Một hôm, anh cùng với con trai cụ Hoàng Thông là Hoàng Dương Sanh đến lao Thừa phủ thăm thầy. Thoạt nhìn thấy cụ Hoàng Thông ngồi trên một miếng ván kê sát đất, thân hình gầy còm nhễ nhại mồ hôi, cả học trò lẫn con trai đều thương xót khóc thút thít. Tưởng cụ Hoàng cũng sẽ cảm động mà chảy nước mắt khóc theo. Nhưng không ngờ cụ Hoàng quắc mắt, một tay đấm xuống ván, một tay vỗ vào ngực nói lớn:
- Làm con mà có một người cha như ta, làm học trò mà có một người thầy như ta không lấy làm tự hào thì thôi chớ cớ làm sao lại khóc? Hãy để những giọt nước mắt ấy khóc cho dân, cho nước.
Anh Thành và câu Sanh giật mình, chắp tay vái thầy vái cha rồi ,kéo vạt áo lau khô nước mắt.
Về nhà đêm đó anh Thành trằn trọc không ngủ được. Anh suy nghĩ để cố hiểu cho hết những gì ẩn đằng sau lời thầy Hoàng Thông dạy từ bên trong bốn bức tường lao Thừa phủ. Đền gần sáng anh thầm nhủ mình:
- Ở đây không phải là nơi dụng võ.
Huế là mảnh đất anh đã được học chữ Hán, học chữ Quốc ngữ và học chữ Pháp, là nơi đã  giúp cho anh hiểu thế nào là sự bất lực của vua triều Nguyễn và tội ác của thằng giặc Tây dương. Huế cũng là nơi đã chôn chặt nấm mồ thân yêu của mẹ hiền; bao bọc gia đình anh trong những ngày khốn đốn. Và cũng chính Huế là mảnh đất mà anh đã bắt đầu biết đứng dạy đấu tranh chống cường quyền bên cạnh những người khố rách áo ôm. Quyết định phải xa Huế làm anh cảm thấy bịn rịn không khác gì một người khi phải xa quê cha đất tổ của mình. Anh vùng dậy giữa những tia nắng bình minh:
- Phải xa Huế để còn yêu mến Huế mãi mãi.
Vào một ngày cuối thu năm 1909, anh Thành đã bước lên tàu hỏa vào Đà Nẵng - chặng  đường đầu tiên vào các tỉnh phía Nam - giã từ Huế thân yêu.
---------Hết---------








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét