“Chiến thắng Điện Biên” ra đời bên bếp lửa Mường Phăng với mấy củ sắn lùi
Anh Văn gợi ý Đỗ Nhuận sáng tác gấp ca khúc chiến thắng. Ca khúc ấy đã trở thành bài hát yêu thích của hàng chục triệu người suốt mấy thập niên.
HÀM CHÂU
Nhiều năm về trước, tôi thường lui tới ngôi nhà cũ kỹ ở góc phố Nguyễn Thái Học và ngõ Yên Thế, Hà Nội. Không ít văn nghệ sĩ sống đạm bạc trong “chung cư” chật chội này. Về họa, có bậc lão thành tranh lụa Nguyễn Phan Chánh, cùng không ít hoạ sĩ tài danh như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Văn Giáo, Mai Văn Hiến, Trần Đông Lương... Theo nghiệp văn, có vợ chồng Vũ Tú Nam - Thanh Hương... Trong giới “đàn ngọt hát hay”, có Đỗ Nhuận cùng con trai ông là Đỗ Hồng Quân (hiện làm Chủ tịch Hôi Nhạc sĩ Việt Nam).
Đến với họ, tôi học hỏi được bao điều ảnh hưởng đến cả cuộc đời cầm bút.
Khi còn sống, có lần la cà ngồi uống nước với tôi ở “quán trà Thuỷ Hử” góc ngõ Yên Thế, Nhạc sĩ Đỗ Nhuận hào hứng kể:
- Hồi đó tôi là một tay cán bộ văn nghệ quân đội hành quân từ thu - đông 1953 cùng đại đội 267 lên Tây Bắc, tham gia “Chiến dịch Trần Đình” (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ). Đầu xuân 1954, tôi được điều về Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, tạm ngừng biểu diễn để đi sửa đường, cho pháo lớn của ta tiến vào. Tôi làm tổ trưởng, phụ trách một cung đường ở xã Mường Phăng. Các chiến sĩ “văn công binh” tay cuốc tay choòng đổ ra mặt đường, rải đá hộc, rải cấp phối (đá nhỏ trộn đất, cát)…”
Tại "Thủ đô gió ngàn" Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi lên đường đi Điện Biên Phủ.
- Anh chị em ngành đường bộ hiện nay - tôi vui vẻ ngắt lời - có một câu vè nói lên tình cảnh gia đình họ:“Chồng xe lu, vợ duy tu/ Không nhà không cửa, thằng cu đứng đường!”. Ông là người nổi tiếng từ thời còn ở nhà tù Sơn La với các ông Lê Văn Lương, Xuân Thuỷ, thế mà cũng phải... tay cuốc tay choòng ư?
- Sau này, lớp trẻ có thể suy diễn - Đỗ Nhuận nói tiếp - cho là đám văn nghệ sĩ bị ...“đày ải”, “khổ sai”... trong một thứ ... “chủ nghĩa xã hội trại lính”... gì gì đấy! Nhưng, quả thật, dạo ấy chúng tôi chỉ thấy vui! “Tất cả để chiến thắng!” Đêm đêm, dưới ánh sao mờ (ánh sao mà Nguyễn Đình Thi, khi hành quân qua đèo Phạ Đin đã miêu tả “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây”), chúng tôi vừa rải cấp phối, vừa ngóng chờ xem vũ khí hiện đại của phe ta hình thù ra làm sao. Nghe đồn Cachiusa từ bên Nga đưa sang có sức công phá ghê gớm lắm! Tay cuốc tay choòng, nhưng đầu vẫn nghĩ về bài ca chiến thắng. Ông Hoàng Xuân Tuỳ, lúc đó là chính uỷ đơn vị văn nghệ làm đường, một hôm gặp tôi, nói: “Theo Anh Văn gợi ý, Đỗ Nhuận chuẩn bị viết bài ca Chiến thắng Điện Biên đi thì vừa”. Lúc bấy giờ, anh Văn cũng ở Mường Phăng, tại Sở Chỉ huy chiến dịch.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận sau Ngày Hà Nội giải phóng, lưu trú tại góc phố Nguyễn Thái Học và ngõ Yên Thế.
Thế là đã có “cú hích ban đầu” từ Anh Văn để “khởi động” cảm hứng! Tất nhiên, về phần tôi, trước đó cũng đã suy nghĩ rất nhiều quanh chủ đề này. Nhưng viết thế nào đây? Như Hành quân xa? Hay như Trên đồi Him Lam? Ở hai bài đó, tôi đã vận dụng chất nhạc vùng đồng bằng sông Hồng. Ngôn ngữ âm nhạc của bàiChiến thắng Điện Biên phải khác chứ! Phải có chất nhạc của miền Tây Bắc.
"Đoàn dân công tiền tuyến vẫy chào pháo binh vượt qua" (Nhạc sĩ Đỗ Nhuận)
Người Kinh, người Thái, người H'Mông, người Dao, người Tày và các tộc người khác trong cả nước góp công, góp sức làm nên chiến công hiển hách này. Phải thể hiện cho được sự hoà sắc dân tộc, vì “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam ta là một”. Nhưng, nhạc cảm phải chân thật, ca khúc phải dễ hát, không được lẫn sang các thể loại khác của âm nhạc như nhạc thính phòng, nhạc ôpêra... Ca từ phải súc tích. Bởi vậy, phải biết ghi chép, biết tước bỏ những cái gì thừa.
"Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi! Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bắng chí căm thù!" (Nhạc sĩ Hoàng Vân)
Và cần có thời điểm đột ngột hứng khởi như cần cái đà để nhảy. Sáng tác trước thời điểm ấy, tôi nghĩ chưa cần, bởi lẽ độ “lên men” trong đầu mình chưa đủ. Thôi thì cứ tư duy, cứ ghi chép, cứ lập đề. Từ những câu lộn xộn như “em bé xoè hoa”, “đàn bươm bướm trắng”, “lá nguỵ trang”, “súng đại bác”, “giải phóng Điện Biên”...
Một hôm, khi nghỉ tay cuốc, tôi đang ngồi dưới bụi nứa búng búng cây đàn violon, thì anh Lương Ngọc Trác (người vừa lãnh đạo đoàn văn công ta đi dự Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới trở về) hỏi: “Đang làm gì thế?” Tôi trả lời: “Đang tìm môtíp nhạc cho bài ca chiến thắng đây”. Anh Trác nói ngay: “Mình muốn chất nhạc bài này phải brillant (sáng chói). Và điều mình tôn trọng trước hết là nhạc cảm chân thật”...
- Ý kiến của các anh về nhạc cảm chân thật và cái độ lên men khi sáng tác ca khúc rất “tâm đắc” đối với chúng tôi, những người viết văn, viết báo. Những gì mà chúng tôi viết ra khi thiếu cảm xúc chân thật và chưa đủ độ “lên men”, thì y như là bạn đọc thờ ơ, quên liền - tôi nói xen vào dòng hồi ức của Đỗ Nhuận.
"Ở Mường Thanh quân Pháp ra hàng như nước chảy" (Nhà báo Trần Cư tường thuật từ mặt trận).
- Sáng tạo có quy luật chung, phải không ông nhà báo Hàm Châu? - Rồi Đỗ Nhuận kể tiếp: - Dạo đó, ban ngày làm đường, ban đêm vào bản nghỉ. Chiều 7/5/1954, chúng tôi đang rải đá hộc, thì một anh chàng nào đó đạp xe qua, hét váng lên: “Mường Thanh, địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!” Người tôi như nổi gai ốc. Tất cả đám văn công ngừng cuốc, ôm nhau nhảy, không cần nhạc nền. Như anh Lương Ngọc Trác vẫn còn nhớ đấy, lúc đó tôi không ôm ai cả, mà chỉ nhảy một mình! Nhảy tít thò lò, đầu phảng phất câu Giải phóng Điện Biên...!
Thế là vĩnh biệt đá hộc! Vĩnh biệt làm đường! Tôi lại đàn, lại hát! Đêm hôm đó, tôi ngồi bên bếp lửa nhà sàn ở Mường Phăng, ngồi thâu đêm suốt sáng. Trong cuộc đời viết văn, làm báo, chắc ông Hàm Châu cũng có những phút cảm xúc mạnh, thức trắng đêm chứ? Chợp mắt làm sao được? Tay tôi cứ búng búng cây đàn viôlông, miệng cứ hát i ỉ, sợ làm ồn, khiến anh em nằm cạnh mất ngủ. Lùi sẵn mấy củ sắn để “bồi dưỡng”. Rồi vừa viết vừa bóc sắn ăn...
Súng đại bác quấn lá nguỵ trang.
Từng đàn bươm bướm trắng giỡn lá nguỵ trang...
Súng đại bác quấn lá nguỵ trang.
Từng đàn bươm bướm trắng giỡn lá nguỵ trang...
Và đoạn B:
Xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc
Đồng bào náo nức mong đón ta trở về
Giờ chiến thắng ta đã về
Vui mừng đón chúng ta tiến về
Núi sông bừng lên
Đất nước ta sáng ngời
Cánh đồng Điện Biên cờ chiến thắng tưng bừng trên trời…
Đồng bào náo nức mong đón ta trở về
Giờ chiến thắng ta đã về
Vui mừng đón chúng ta tiến về
Núi sông bừng lên
Đất nước ta sáng ngời
Cánh đồng Điện Biên cờ chiến thắng tưng bừng trên trời…
Đang đêm máy bay địch sà thấp trút bom phá đường. Chúng tôi chạy ào xuống hầm trú ẩn, đợi đến khi dứt tiếng động cơ mới lên. Sáng hôm sau, tôi viết xong lời 1. Chiều, xong lời 2. Tôi chép tay, đưa bản đầu tiên cho Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, rồi tự hát bằng “giọng thuốc lào” cho anh chị em nghe. Rồi đi truyền bá bài Chiến thắng Điện Biên trong đơn vị pháo binh do anh Thứ làm đại đội trưởng; anh là bạn học của tôi thuở nhỏ (sau này, anh hy sinh).
Anh Hoàng Kiều cùng Đoàn Văn công trung ương cũng vừa lên kịp phục vụ chiến dịch. Nghe tôi hát xong, anh Kiều nói: “Ai cũng biết đoạn mở đầu và đoạn B là bắt nguồn từ điệu Xắp qua cầu (xắp là một điệu dân ca) do bà Cả Tam dạy cho bọn chúng mình, nhưng trong bài này, sao mà nghe lạ thế!” Tôi trả lời: “Trước lạ, sau quen. Cũng là đất thó dân gian, nhưng tôi nung lên thành gạch, thành quân ca. Và tôi chịu trách nhiệm trước các cụ”.
Lễ chiến thắng được tổ chức trên một bãi cỏ rộng ở Mường Phăng. Các chiến sĩ văn công hát mừng chiến thắng. Tôi được tặng Huân chương Chiến công hạng nhì. Rồi rời Tây Bắc trở về Việt Bắc bằng xe Molotova của một đơn vị pháo. Đó là loại xe tải do nhà máy ôtô mang tên Ngoại trưởng Molotov của Liên Xô thời ấy sản xuất. Xe vượt qua Mục Nam Quan, lăn bánh sang nước ta theo con đường mà Tố Hữu viết: “Đường ta rộng thênh thang tám thước/ Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên…”.
Đúng ra, con đường này bắt đầu từ Mục Nam Quan (trước kia gọi là Trấn Nam Quan, sau này gọi là Hữu Nghị Quan) chạy qua Đồng Đăng, rồi mới đến Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên. Đường dài 150 kilômét, chỉ làm trong sáu tháng, bằng sức người và cuốc xẻng, được mở gấp để kịp chở vũ khí hạng nặng từ Liên Xô, Trung Quốc sang, chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này, có người chê, bề rộng con đường chỉ có 8 mét, thế mà đã cho là… “thênh thang”! Chê vậy là chưa hiểu tình trạng đường sá trước kia. Các quốc lộ trong toàn cõi Đông Dương thời Pháp thuộc đều chỉ rộng có… 6,5 mét! Rộng, hẹp bao giờ cũng là tương đối. Biết đâu sau này, mặt đường 40 mét vẫn bị chê là quá… hẹp!
Trên xe Molotova, tôi dạy anh em bài Chiến thắng Điện Biên…
Lúc đi, hàng tháng trời lùi lũi cuốc bộ. Lúc về, ngồi ôtô, nhanh quá! Chúng tôi là những người chiến thắng mà!...
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận giờ đây không còn nữa! Tuổi thọ con người đâu có thể sánh với đất trời! Song, tác phẩm do con người sáng tạo ra rất có thể còn lại với “thiên trường địa cửu”.
Từ phải sang trái: Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Nhà âm nhạc học Trần Văn Khê, Nhà thơ Tố Hữu...
Gần sáu thập niên đã trôi qua. Chiến thắng Điện Biên đã trở thành bài hát yêu thích của hàng chục triệu người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là bài hát yêu thích không phải do một hội đồng chấm thi nào lựa chọn, mà được tâm hồn nhân dân và lịch sử dân tộc lựa chọn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét