Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ý nghĩa to lớn đối với lịch sử dân tộc và thời đại


Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ý nghĩa to lớn đối với lịch sử dân tộc và thời đại 
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Trên nửa thế kỷ trước, cùng với chiến thắng của các nước đồng minh đánh tan chủ nghĩa phát xít đã gây nên cuộc thế chiến lần thứ hai đẫm máu, nhân dân Việt Nam đã nhất tề vùng lên đánh đổ ách thống trị của phát xít Nhật, làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra trên khắp cả ba miền đất nước. Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã được ghi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một trong những mốc son chói lọi nhất. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả đấu tranh lâu dài của nhân dân Việt Nam chống đế quốc thực dân, phát huy cao nhất truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc đã được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử. Từ khi những phát đại bác đầu tiên của các chiến hạm Pháp bắn vào Đà Nẵng năm 1858, mở đầu cho sự xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam, từ Hiệp ước Patenôtre năm 1884 mà triều đình phong kiến Việt Nam phải thừa nhận sự thống trị của thực dân Pháp trên cả nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã liên tiếp nổi dậy chống thực dân đế quốc. Khi đất nước đã trở thành thuộc địa, thì thân phận nô lệ chẳng chừa một ai. Vì vậy, phong trào yêu nước đã lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân, từ miền Bắc đến miền Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ các bậc sĩ phu quan lại chốn cung đình, kẻ chợ, đến những người cùng đinh nơi thôn dã, tham gia ngày càng đông đảo vào cuộc đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, chống thuốc phiện, rượu cồn, chống bắt phu bắt lính, chống đói nghèo, ngu dốt, chống bắn giết, tù đày mà chủ nghĩa thực dân đế quốc đã dành cho họ. Có những phong trào cùng diễn ra trên nhiều địa phương và kéo dài trong nhiều năm như phong trào Văn thân nghĩa sĩ chống Pháp ở miền Nam (1860-1870), phong trào Cần Vương ở miền Trung (1885-1896). Ở miền Bắc thì nổi bật nhất là phong trào nghĩa quân Yên Thế (1885 - 1913), nghĩa quân Bãi Sậy (1885-1889). Các phong trào Đông Du (1904-1908), Duy Tân (1906-1908), Đông Kinh nghĩa thục (1907) cũng như hàng loạt các cuộc nổi dậy đã liên tiếp nổ ra ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Nhưng vì không có đường lối cách mạng đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp, tất cả các cuộc nổi dậy đã bị chính quyền thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Tất cả các phong trào chống thực dân đế quốc đều bị thất bại. Không biết bao nhiêu người Việt Nam yêu nước đã bị bắn giết, cầm tù hay bị lưu đày biệt xứ. Cả đất nước Việt Nam như bị chìm trong đêm tối, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam như không có đường ra. Hồ Chí Minh đã xuất hiện đúng lúc cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam đang đòi hỏi kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tư duy độc lập vượt qua mọi lối mòn của những người đi trước, Hồ Chí Minh đã từ Việt Nam đi ra thế giới để xem các nước làm cách mạng ra sao rồi trở về cứu giúp đồng bào mình. Suốt 10 năm lăn lộn trong phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc, Người đã đi qua cả 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ, tìm hiểu tình hình các nước thuộc địa cũng như các nước tư bản đế quốc, nghiên cứu các cuộc cách mạng, các học thuyết và cuối cùng đã tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc ở chủ nghĩa Mác - Lê nin, bắt đầu từ những luận điểm của Lê nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã xác định được con đường đi lên của cách mạng Việt Nam. Đó là con đường dài trải qua hai giai đoạn cách mạng -cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Mục tiêu đi tới phải là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lực lượng tiến hành cách mạng phải là lực lượng của toàn dân trên cơ sở liên minh công nông vững chắc. Cách mạng Việt Nam phải gắn bó với cách mạng thế giới, gắn với thời đại. Đó cũng là đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập và đã được nhân dân Việt Nam chấp nhận. Đảng Cộng sản Việt Nam được Hồ Chí Minh rèn luyện và lãnh đạo đã thực sự đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, trở thành lực lượng tiên phong duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh từ lãnh tụ của Đảng đã trở thành lãnh tụ cả dân tộc. Những cao trào cách mạng 1930 - 1931 và 1936 - 1939 đã là những bước chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám về sau này. Bước vào những năm 40, khi tình hình thế giới và Việt Nam đã có nhiều biến đổi và Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài đã trở về Tổ quốc để cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thì một cao trào cách mạng mới đã dâng lên mạnh mẽ chưa từng thấy trên cả nước. Dưới ngọn cờ của Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam từ năm 1941 đã đứng về phía đồng minh chống phát xít, đã trực tiếp có mối liên hệ với phe đồng minh ở phía Nam Trung Quốc, đã tổ chức và phát triển lực lượng rất nhanh chóng và đã giành được thắng lợi quyết định khi thời cơ đến. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là sự phối hợp hiếm thấy giữa cuộc đấu tranh giành độc lập của một dân tộc thuộc địa với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống phát xít, đặc biệt là với cuộc tấn công của phe đồng minh tiêu diệt chủ nghĩa phát xít để kết thúc cuộc Thế chiến lần thứ hai. Cách mạng Tháng Tám trước hết là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, bởi vì nó đã kết thúc chế độ thuộc địa trên 80 năm của thực dân Pháp cũng như chế độ bóc lột cực kỳ tàn bạo của phát xít Nhật đã được áp đặt từ năm 1940 đến năm 1945 trên đất nước Việt Nam. Bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Việt Nam đã chấm dứt cuộc đời nô lệ, đã đưa hai chữ Việt Nam trở lại trên bản đồ thế giới mà chủ nghĩa thực dân phát xít đã xoá bỏ suốt gần một thế kỷ. Đây thực sự là một cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam, được huy động lực lượng của toàn dân để tiến hành khởi nghĩa từng nơi, từng phần và đi đến đỉnh cao thắng lợi bằng cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân, toàn quốc vào Tháng Tám năm 1945. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn là một cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, vì nó còn làm nhiệm vụ xoá bỏ chế độ phong kiến đã được thiết lập hàng nghìn năm ở Việt Nam, nhằm đem lại ruộng đất cho dân cày, dân chủ cho nhân dân. Nhà vua cuối cùng của chế độ phong kiến là Bảo Đại đã tuyên bố từ chức, trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng ngay trong những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng Tám. Chính những mục tiêu dân tộc và dân chủ đã lôi cuốn các tầng lớp nhân dân Việt Nam, trước hết là công, nông và mọi người lao động chân tay và trí óc tham gia cách mạng, tạo nên lực lượng vô cùng to lớn để đưa cách mạng đến thắng lợi. Nhưng nhiệm vụ phản đế đã được đặt lên hàng đầu để tập trung lực lượng của cả dân tộc vào việc đánh đổ chế độ thực dân phát xít, còn nhiệm vụ phản phong kiến với nội dung là đem lại ruộng đất cho dân cày, dân chủ cho nhân dân lại được rải ra để làm, sau khi chính quyền cách mạng đã được thành lập. Cách mạng Tháng Tám là một bước ngoặt lịch sử, đã mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. Ngày 2-9- 1945 nước Cộng hoà Dân chủ Việt Nam đã ra đời. Đại biểu cho cả dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định những tư tưởng về quyền con người đã được ghi trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789 là "những tư tưởng bất hủ", những "lẽ phải không ai chối cãi được". Nhưng dân tộc có được độc lập thì con người mới có thể có tự do, hạnh phúc. Không thể có được quyền con người, quyền công dân khi quyền độc lập của dân tộc bị chà đạp. Con người ở đây phải là mọi người. Trước hết là những người lao động bị áp bức bóc lột chiếm đại bộ phận trong nhân dân Việt Nam. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, những nội dung ấy đã gắn bó quyền của dân tộc với quyền con người, quyền công dân. Đó cũng là tư tưởng bất hủ mà Hồ Chí Minh đã đặt ra với cả thế giới ngay khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời và đứng vào hàng ngũ tiên phong của các dân tộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam thực sự là một mũi đột phá vào khâu yếu nhất của chủ nghĩa thực dân, là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo giành được thắng lợi đầu tiên ở thế kỷ XX, với tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta", như Hồ Chí Minh đã xác định ngay từ khi Người mới tìm thấy con đường cứu nước. Cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, là một đóng góp có ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam vào việc mở ra một thời đại thắng lợi của độc lập dân tộc, của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Nhưng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là sự kết thúc, mà mới chỉ là sự mở đầu cho thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ sau Tháng Tám năm 1945 đã chứng thực điều đó. Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam do Người đứng đầu, đã buộc phải chiến đấu chống thù trong giặc ngoài suốt 30 năm liền, vượt qua muôn trùng hiểm nguy, có khi như "ngàn cân treo sợi tóc" để bảo vệ nền độc lập mới giành được, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, vừa xây dựng, vừa chiến đấu, để giành thắng lợi từng bước và đi đến thắng lợi cuối cùng. Phải 9 năm sau Cách mạng Tháng Tám với thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc Việt Nam mới hoàn toàn được giải phóng. Nhân dân Việt Nam lại phải đi tiếp một chặng đường dài trên 20 năm nữa mới giải phóng được miền Nam với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, mới hoàn thành được sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc chiến đấu lâu dài của nhân dân Việt Nam, theo tư tưởng "Không có gì quí hơn độc lập, tự do" của Hồ Chí Minh, đã góp phần quan trọng vào việc làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ và mở đầu cho sự thất bại của chủ nghĩa thực dân mới trong thế kỷ XX. Cùng với cuộc chiến đấu thắng lợi của Việt Nam, phong trào giải phóng dân tộc đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Chính vì vậy, đến năm 1960, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã phải ra lời tuyên bố lên án và đòi phải xoá bỏ chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới. Từ đó đến nay, bằng những hình thức và phương pháp đấu tranh khác nhau, hàng trăm nước thuộc địa đã trở thành những nước độc lập dân tộc. Dù cho mức độ độc lập không giống nhau và việc củng cố nền độc lập rất khó khăn, phức tạp, nhưng ý thức về độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia đã được nâng cao chưa từng thấy ở các nước vốn là thuộc địa và phụ thuộc. Chủ nghĩa thực dân dù dưới hình thức nào cũng không bao giờ còn được thế giới chấp nhận. Độc lập dân tộc phải gắn với và dẫn đến tự do hạnh phúc cho nhân dân, cho mỗi con người. "Nếu nước được độc lập mà nhân dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì", tư tưởng đó của Hồ Chí Minh đã tìm thấy lời giải đáp trong chủ nghĩa xã hội, một chủ nghĩa xã hội đích thực có khả năng giải quyết triệt để vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Ba sự nghiệp giải phóng ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, nhưng xét cho cùng thì giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội cũng để đi tới giải phóng con người và giải phóng con người là mục tiêu cao nhất. Chính vì vậy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nhằm mục tiêu trực tiếp là giành độc lập cho dân tộc, nhưng lại mở đường để Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội khi những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã cơ bản hoàn thành. Trong khi còn phải chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập dân tộc và giành lại nền độc lập trọn vẹn, vấn đề chủ nghĩa xã hội mới chỉ được đặt ra trong một chừng mực rất hạn chế ở miền Bắc nước ta. Chủ nghĩa xã hội chỉ trở thành vấn đề chung của cả nước sau khi miền Nam đã được giải phóng và việc thống nhất đất nước đã được thực hiện. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã để lại những bài học vô cùng to lớn. Đó là bài học về xác định đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp của Đảng lãnh đạo; đó là bài học về dự báo thời cơ, nắm chắc thời cơ, không bỏ lỡ thời cơ; đó là bài học xây dựng lực lượng cách mạng, từ lực lượng chính trị đến lực lượng quân sự, huy động được lực lượng của toàn dân vào cuộc đấu tranh chung; đó là bài học về kết hợp thời, thế và lực để lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh; đó là bài học phân hoá kẻ thù, biết mình biết địch, nhân nhượng có nguyên tắc; đó là bài học về khởi nghĩa từng phần đi đến tổng khởi nghĩa toàn quốc để giành thắng lợi hoàn toàn cho một cuộc cách mạng. Thời đại mới mà Cách mạng Tháng Tám mở ra đã đi tiếp một chặng đường dài trên một nửa thế kỷ với nhiều mốc son mới trong sự nghiệp chiến đấu và xây dựng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, những bài học của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước để giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét