Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

BỔ SUNG THÊM TƯ LIỆU VỀ NHỮNG DỌI XE CHỈ TRONG VĂN HOÁ ÓC EO


BỔ SUNG THÊM TƯ LIỆU

VỀ NHỮNG DỌI XE CHỈ TRONG VĂN HOÁ ÓC EO


Nguyễn Việt Trung


(Bảo tàng Lịch sử - Tp. Hồ Chí Minh)

 Louis.Malleret là người đầu tiên phát hiện và giới thiệu về 27 di vật dọi xe chỉ trong văn hoá Óc Eo trong những năm 40 của thế kỷ XX, khi ông tiến hành khai quật và sưu tầm di vật văn hoá Óc Eo ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sau năm 1975, các nhà khảo cổ Việt Nam đã thúc đẩy quá trình nghiên cứu về văn hoá Óc Eo thêm một bước nữa, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khảo cổ Việt Nam đã tìm thêm được 32 di vật, đa số nằm trong địa tầng văn hoá khảo cổ ở các di tích: Óc Eo (2 di vật), Nền Chùa (2 di vật), Gò Tháp (1 di vật), Cạnh Đền (5 di vật) và gò Thành (22 di vật). Như vậy là tư liệu về nghề dệt của Văn hoá Óc Eo so với các nghề sản xuất thủ công khác tương đối ít, chỉ có khoảng 60 di vật dọi xe chỉ phát hiện cho đến năm 1995.
Để bổ sung cho nhóm sưu tập di vật về các nghề thủ công trong văn hoá Óc Eo, trong quá trình sưu tầm di vật, chúng tôi có chú ý tới nhóm di vật là những dọi xe chỉ phát hiện ở Đồng bằng Nam Bộ. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp cận một sưu tập di vật gồm 75 di vật dọi xe chỉ được người dân ở các vùng châu thổ sông Cửu Long phát hiện bán lại cho một sưu tập tư nhân.
Căn cứ vào hình dáng và kích thước, nhóm dọi xe chỉ này có thể chia làm 2 loại hình:
- Loại có hình nón cụt: 29 tiêu bản.
Kích thước: Cao (tính từ phần đế đến chóp) từ 1,3cm đến 2,1cm; đường kính đế: từ 2,1cm đến 3,1cm. Nhìn chung chúng có cấu tạo và đặc điểm tương đối giống nhau, có lỗ xuyên ở tâm. Màu sắc của nhóm này tương đối phong phú: nâu xám, đen xám, màu đen bóng, hồng nhạt, đỏ cam. Chất liệu chủ yếu là sét mịn có pha cát với nhuyễn thể, một số là sét trộn bã thực vật. Ngoại trừ 2 chiếc phần thân có các đường chỉ dạng xoáy chân ốc, 1 chiếc có chấm chìm hai băng tròn ở thân và rìa cạnh, thì tất cả đều để trơn với kỹ thuật miết láng bên ngoài.
- Loại có hình cầu dẹt ở hai đầu: 46 tiêu bản
Kích thước: cao từ 1,1cm đến 1,8cm; đường kính đế từ 2cm đến 2,8cm. Cấu tạo có lỗ xuyên tâm, giữa có một đường rãnh thắt (có thể dùng để thắt dây) tạo dạng thắt cổ bồng. Lúc đầu chúng tôi ngờ rằng nó có thể là chì lưới, nhưng qua  đối chiếu bản vẽ và bản ảnh của tư liệu công bố thì chúng là những dọi xe chỉ. Về màu sắc, chúng cũng có những cấp độ màu khác nhau: xám, xám đen, đen, nâu xám, hồng nhạt, đỏ cam…chất liệu sét mịn, sét pha cát, nhuyễn thể, thực vật…độ nung tương đối cao. Một số ở mặt đáy và phần thân có những đường chỉ xoáy chân ốc, nhưng đa phần cũng như loại hình 1 đã trình bày ở trên thì chúng đều để trơn với kỹ thuật miết láng tương đối đều.
Trong sưu tập hiện vật dọi xe chỉ của Louis.Malleret công bố gồm các loại hình: loại hình nón ghép đôi cạnh thẳng (1 di vật), loại hình nón ghép đôi cạnh cong (1 di vật); loại hình cầu, hai cực dẹp (5 di vật); loại hình bán cầu ghép với hình nón cụt (16 di vật); loại có hình đai nhô ra hoặc hình puppê (4 di vật); loại hình trụ ghép với hình nón cụt (1 di vật). Những dọi xe chỉ này được làm bằng đất sét mịn, có pha cát, một số có màu đen, màu hồng, màu nâu xám, cá biệt có loại như loại diệp thạch (đá mềm)[1]. Những phát hiện mới về văn hoá Óc Eo được các nhà khảo cổ Việt Nam bổ sung thêm một số loại hình quả trám, hình bán cầu, hình nón cụt, hình cầu hai đầu dẹt…được làm bằng loại đất sét mịn, chắc, mặt ngoài khá láng, có các màu đen, xám nâu và xám nhạt, trên thân có xuyên trục dọc…
Căn cứ vào kiểu dáng, màu sắc, chất liệu, kỹ thuật, đối sánh với các tư liệu đã công bố, chúng tôi cho rằng bộ sưu tập dọi xe chỉ nêu trên là những di vật của nền văn hoá Óc Eo. Như vậy đây là nguồn tư liệu bổ sung cho sưu tập hiện vật là các dọi xe chỉ gắn với nghề dệt trong văn hoá Óc Eo.
Văn hoá Óc Eo không chỉ được đánh giá là một nền văn hoá có ảnh hưởng tính chất ngoại thương, tôn giáo, tín ngưỡng mạnh mẽ, phát triển trên cơ nền của nền kinh tế bản địa tương đối cao qua hàng loạt những di tồn của các nghề sản xuất thủ công: chế tác kim loại, thuỷ tinh, gốm, dệt…Trong đó đáng chú ý nghề dệt mà một trong những dư ảnh của nghề sản xuất này qua những bộ trang phục tuyệt mỹ còn lưu lại trên những tác phẩm điêu khắc Phật giáo – Hindu giáo, một số dấu tích vải còn lưu lại trên đồ gốm...Có lẽ, do cấu tạo bằng các vật liệu hữu cơ – tre, gỗ nên hiện nay bộ khung cửi của nghề dệt hiện chưa được tìm thấy, dấu tích của nghề dệt trong văn hoá Óc Eo hiện chỉ được biết đến thông qua các di vật là những Dọi xe chỉ. Với số lượng tương đối khiêm tốn so với các loại hình khác, những di vật là dọi xe chỉ này cần được sưu tầm, gìn giữ và nghiên cứu sâu hơn nữa nhằm phục dựng lại nghề thủ công dệt vải đã từng đóng góp cho nền văn hoá Óc Eo toả sáng ở khu vực Đông Nam Á những thế kỷ đầu Công Nguyên đến khoảng thế kỷ 7 sau Công nguyên.


[1] Louis.Malleret (1960): Khảo cổ học Đông bằng sông Cửu Long -  Tập II. Bản dịch của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Hà Nội năm 1969. Tr.211-215.
[2] Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải (1995): Văn hoá Óc Eo – Những khám phá mới. NXB KHXH, Hà Nội. Tr.377-379.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét