Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Các chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ đã bị đánh bại như thế nào trong chiến tranh ở Việt Nam ?

Các chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ đã bị đánh bại như thế nào trong chiến tranh ở Việt Nam ?Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lệ Thủy, Quảng Bình
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sự lớn mạnh không ngừng của Liên Xô và hệ thống XHCN trên thế giới đã gây cho Mỹ và đồng minh của Mỹ tình trạng mất ăn mất ngủ, nhất là sau khi Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử (1949) và cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Trung Quốc thắng lợi, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời (10 - 1949) đã phá vỡ thế độc quyền vũ khí hạt nhân của Mỹ và tăng cường lực lượng của CNXH. Để đối phó lại, Mỹ đã hô hào các nước tư bản tập trung chống phá Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, chống chủ nghĩa cộng sản và các lực lượng tiến bộ ở các nước tư bản.
1. Khái quát về chiến lược toàn cầu " Ngăn chặn "của Mỹ
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sự lớn mạnh không ngừng của Liên Xô và hệ thống XHCN trên thế giới đã gây cho Mỹ và đồng minh của Mỹ tình trạng mất ăn mất ngủ, nhất là sau khi Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử (1949) và cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Trung Quốc thắng lợi, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời (10 - 1949) đã phá vỡ thế độc quyền vũ khí hạt nhân của Mỹ và tăng cường lực lượng của CNXH. Để đối phó lại, Mỹ đã hô hào các nước tư bản tập trung chống phá Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, chống chủ nghĩa cộng sản và các lực lượng tiến bộ ở các nước tư bản. Ngày 5 - 3 - 1946, tại Phun - tơn ( bang Mít - su - ri  của Mỹ ), Thủ tướng Anh W. Sớc - sin trong diễn văn của mình đã nói rằng " một bức rèm sắt đang rủ xuống châu Âu " và kêu gọi tiến hành một cuộc " Thập tự chinh " chống Liên Xô, chống chủ nghĩa cộng sản. Đến ngày 12 - 3 - 1947, trong diễn văn đọc trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Mỹ H.Tơ - ru - man đã nói rằng các nước Đông Âu " vừa mới bị cộng sản thôn tính " và những đe doạ tương tự đang diễn ra ở nhiều nước châu khác như I - ta - li - a, Pháp, Đức. Nhiệm vụ của Mỹ là phải đứng ra  " đảm nhiệm sứ mạng lãnh đạo thế giới tự do ", phải " giúp đỡ " cho các dân tộc trên thế giới chống lại sự đe doạ của chủ nghĩa cộng sản, chống lại sự bành trướng của nước Nga Xô Viết bằng mọi biện pháp kinh tế, quân sự. Chính quyền Tơ - ru - man và Sớc - sin hy vọng bằng những biện pháp cứng rắn sẽ buộc được Liên Xô phải lùi bước, tiến tới làm tan rã nhà nước Liên Xô và xoá bỏ hệ thống xã hội chủ nghĩa.
" Chính sách ngăn chặn " ( Contaimetn policy ) của chính quyền  Tơ - ru - man được đề ra còn dựa trên quan điểm của các nhà chiến lược Mỹ, tiêu biểu là G.Ken - man, một chuyên gia về Liên Xô của Mỹ, đại diện lâm thời của Mỹ ở Mác - xít - cơ - va. Trong bức điện tín số 51 gửi chính phủ Mỹ ( ngày 22 - 12 - 1946 ), dài 8000 chữ và trong một bài báo khác có tiêu đề " Nguồn gốc hành động của Liên Xô " đăng trên tạp chí " Các vấn đề đối ngoại " ( 7 - 1947 ) G.Ken - man cho rằng sau chiến tranh, Liên Xô đã bị suy yếu, chỉ cần đặt Liên Xô trước một lực lượng mạnh thì trong thời gian dài Liên Xô sẽ tự tan rã và sẽ " ngăn chặn " được sự " bành trướng " của chủ nghĩa cộng sản.Chính sách của Mỹ là phải cứng rắn và cảnh giác trước khuynh hướng xâm lược  của nước Nga. Ông ta nói: " ... Phải có một chính sách dài hạn, kiên nhẫn nhưng cương quyết ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô "
Trên thực tế, ngay từ những năm cuối thập kỷ 40 - đầu thập kỷ 50 thế kỷ XX, các chính quyền Mỹ đã  bước đầu triển khai chiến lược toàn cầu " Ngăn chặn ". Về kinh tế, ngày 5 - 6 - 1947, Ngoại trưởng Mỹ Mác - san đã đưa ra " Phương án phục hưng châu Âu " ( còn gọi là " Kế hoạch Mác - san " ). Theo kế hoạch này, từ năm 1948 đến năm 1951, Mỹ đã viện trợ cho các nước Tây Âu tổng số tiền khoảng 17 tỉ USD nhằm vực dậy các nước này , giành lại và biến địa bàn Tây Âu thành tấm lá chắn, tiền đồn ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản. Về quân sự, Mỹ tiến hành thiết lập các liên minh quân sự lâu dài, tiêu biểu là tổ chức khối quân sự Bắc Đại Tây Dương ( NATO, tháng 4 - 1949 ), khối quân sự Đông Nam Á ( SEATO, tháng 9 - 1954 ). Ngoài ra , Mỹ còn tổ chức liên minh quân sự tay đôi với các nước khác như: liên minh Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn Quốc, Mỹ - Đài Loan, trong đó quan trọng nhất là liên minh Mỹ - Nhật. Thông qua liên minh này, Mỹ xác lập sự có mặt của lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, chỉa mũi nhọn tấn công uy hiếp vào Liên Xô, Trung Quốc; biến Nhật Bản thành tiền đồn thứ hai ( sau Tây Âu ) để ngăn chặn sự lan tràn của " làn sóng đỏ " xuống khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, với bộ ba chiến lược ( vũ khí nguyên tử, máy bay ném bom chiến lược B52, hệ thống căn cứ quân sự , cùng các phương tiện chiến tranh hiện đại khác, Mỹ tăng cường chạy đua vũ trang, gây ảnh hưởng với Liên Xô, lôi kéo đồng minh gây chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên, ở Trung Đông ( Ixraen - Arập ), ở Đức... đặc biệt là " cuộc chiến 10000 ngày " ở Việt Nam. 

30_04_2012_DTH_1.jpg
Sự phân chia khu vực ảnh hưởng và các khối quân sựdo Mỹ và Liên Xô lập ra trong " Chiến tranh lạnh "
Với những chiến lược quân sự toàn cầu liên tục được các chính quyền Mỹ đề ra như : chiến lược " Trả đũa ồ ạt " của chính quyền Ai - xen - hao ( 1953 - 1960 , chiến lược " Phản ứng linh hoạt " của chính quyền Ken - nơ - đi ( 1961 - 1963 ) và Giôn - xơn ( 1964 - 1968 ), chiến lược " Ngăn đe thực tế " của chính quyền Ních - xơn ( 1969 - 1974 ), Pho ( 1975 - 1976 ), Ca - tơ ( 1977 - 1980 ) đã làm cho tình hình thế giới luôn ở trong tình trạng căng thẳng, thậm chí có lúc đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thế giới mới.
2. Các chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ đã bị đánh bại như thế nào trong chiến tranh ở Việt Nam ?
2.1. Chiến lược " Trả đũa ồ ạt " của chính quyền Ai - xen - hao ( 1953 - 1960 )
Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1953, tổng thống Tơ - ru - man đã không tái đắc cử một lần nữa mà được thay thế bởi tổng thống Ai - xen - hao ( Đảng Cộng hoà )
Sau khi lên nắm quyền, tổng thống Ai - xen - hao và giới cầm quyền Mỹ cho rằng chính quyền Tơ - ru - man chưa dùng đủ liều lượng quân sự cần thiết để chữa căn bệnh Liên Xô và sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Ai - xen - hao chủ trương đẩy mạnh chính sách " ngăn chặn " lên cao hơn một bước nữa vì Mỹ đang giữ ưu thế về vũ khí nguyên tử và sức mạnh tổng hợp , nhằm buộc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa phải lùi bước. Trên cơ sở đó, Tổng thống Ai - xen - hao đề ra chiến lược quân sự toàn cầu " Trả đũa ồ ạt ".
Nội dung của chiến lược quân sự toàn cầu " Trả đũa ồ ạt " gồm ba bước cơ bản: hiện đại hoá các loại vũ khí ( kể cả vũ khí hạt nhân ); tổ chức và cơ cấu lại lực lượng; tư tưởng tác chiến, tình huống tác chiến và địa bàn tác chiến.
Địa bàn trọng yếu trong đòn " trả đũa " của Mỹ là châu Âu, khu vực Đông Á, Trung Đông và Đông Dương nhằm đối phó với phong trào giải phóng dân tộc đang dâng cao ở những khu vực này.
Chủ nghĩa Ai - xen - hao cùng chiến lược quân sự toàn cầu " Trả đũa ồ ạt ", chính sách ngoại giao " bên miệng hố chiến tranh ", chủ trương đẩy cuộc " chiến tranh lạnh " lên cao một bước đã làm cho mâu thuẫn thế giới lên đến đỉnh cao, gây tình trạng đối đầu căng thẳng, gay gắt trong quan hệ quốc tế.
Trên chiến trường Đông Dương, trong những năm 1950 - 1954, khi thực dân Pháp liên tiếp bị thất bại, sa lầy  trong cuộc chiến tranh xâm lược tại khu vực này và ngày càng lệ thuộc vào Mỹ. Lợi dụng tình hình đó, Mỹ can thiệp sâu và " dính líu trực tiếp " vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Mỹ đã không ngần ngại viện trợ cả về tài chính lẫn quân sự để Pháp đẩy mạnh chiến tranh. Ngày 23 - 12 - 1950, Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương giữa Pháp - Mỹ được ký kết. Theo hiệp định này, Mỹ sẽ viện trợ quân sự, kinh tế - tài chính cho Pháp và bù nhìn, qua đó Mỹ buộc Pháp lệ thuộc vào mình, từng bước thay chân Pháp ở Đông Dương.
Sau thất bại trong đợt tiến công lên Căn cứ địa Việt Bắc lần thứ hai ( thu - đông 1950 ) và bị quân đội Việt Nam liên tiếp dồn ép khắp các chiến trường vùng rừng núi, trung du và đồng bằng trong những năm 1950 - 1953,  quân Pháp ngày càng lúng túng, bị động, nguy cơ thất bại là không tránh khỏi. Để cứu vãn tình thế, với sự thoả thuận của Mỹ, ngày 7 - 5 - 1953, tướng Na - va được cử làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Sau khi đến Đông Dương, Na - va đã điều tra , nắm bắt cụ thể tình hình quân Pháp và cục diện chiến sự ở nơi đây. Từ đó, Na - va đã vạch ra kế hoạch quân sự mới nhằm mục đích xoay chuyển cục diện chiến tranh Đông Dương, hy vọng trong 18 tháng " kết thúc chiến tranh trong danh dự ".
Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân Việt Nam đã làm phá sản hoàn toàn Kế hoạch Na - va của Pháp - Mỹ. Hội nghị Giơ - ne - vơ chính thức khai mạc ngày 8 - 5 - 1954 và bắt đầu thảo luận về vấn đề lập lại hoà bình ở Đông Dương. Tham dự Hội nghị gồm có Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và các nước có liên quan ở Đông Dương. Ngày 21 - 7 - 1954, Hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết. Hiệp định Giơ - ne - vơ cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Việt Nam và Đông Dương. Pháp buộc phải rút hết quân đội về nước, Mỹ thất bại trong âm mưu kéo dài, mở rộng, quốc tế hoá chiến tranh xâm lược Đông Dương.
Sau khi Pháp rút quân, Mỹ nhảy vào Đông Dương thay chân Pháp. Mỹ đã tiến hành đưa quân vào khu vực này và tích cực hỗ trợ cho các lực lượng phản cách mạng chống lại phong trào giải phóng dân tộc ở ba nước Việt Nam, Lào, Cam - pu - chia. Ở miền Nam Việt Nam, tháng 4 - 1956, , Mỹ đưa bọn tay sai ( đứng đầu là Ngô Đình Diệm ) lên nắm quyền, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đối với Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, tiền đồn " ngăn chặn " sự lan tràn " của " làn sóng đỏ " xuống khu vực Đông Nam Á, Nam Á và châu Đại Dương.
Thực hiện " chiến tranh đơn phương ”, Mỹ đã lên dây cót cho chính quyền Ngô Đình Diệm, điên cuồng cấm phá, đàn áp các lực lượng cách mạng Việt Nam. Trong những năm 1957 - 1959, Mỹ - Diệm đẩy mạnh chiến dịch " tố cộng ", " diệt cộng ", " đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật ", thực hiện " đạo luật 10 - 59 " ( 5 - 1959 ), lê máy chém đi khắp miền Nam, tăng cường khủng bố, đàn áp.
Với phong trào " Đồng khởi " ( 1959 - 1960 ), quân dân miền Nam Việt Nam đã giáng một đòn mạnh vào chiến lược Ai - xen - hao, làm phá sản chính sách thực dân mới, đập tan mưu đồ " bình định miền Nam ", " lấp sông Bến Hải, tiến quân ra Bắc " của Mỹ - Diệm, làm lung lay tận gốc chính quyền Ngô Đình Diệm.
2.2. Chiến lược " Phản ứng linh hoạt " của chính quyền Ken - nơ - đi ( 1961 - 1963 ) và Giôn - xơn ( 1964 - 1968 )
Thực hiện chiến lược quân sự toàn cầu " Trả đũa ồ ạt ", chính quyền Ai - xen - hao tin rằng trong thời gian ngắn sẽ khuất phục được Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, dập tắt được phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, không lâu sau khi được áp dụng vào thực tế, chiến lược quân sự toàn cầu của tổng thống Ai - xen - hao lại tỏ ra không hiệu quả, lúng túng, bị động trước những diễn biến mới của tình hình. Vì vậy, sau khi tổng thống Ai - xen - hao thất cử, chiến lược quân sự toàn cầu " Trả đũa ồ ạt " bị gác lại và được thay thế bằng chiến lược " Phản ứng linh hoạt " của chính quyền Ken - nơ - đi ( 1961 - 1963 ) và Giôn - xơn ( 1964 - 1968 ).
Nội dung của chiến lược quân sự toàn cầu mới này bao gồm:
- Thứ nhất, Mỹ chủ trương sử dụng chiếc " ô hạt nhân " để tấn công vào phong trào giải phóng dân tộc
- Thứ hai, Mỹ chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để có thể đối phó với cả ba loại hình chiến tranh: chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh cục bộ ở các khu vực và chiến tranh toàn cầu bằng vũ khí hạt nhân.
- Thứ ba, Mỹ tổ chức cơ cấu lại lực lượng. Lực lượng của Mỹ được chia thành hai bộ phận cơ bản: lực lượng tác dụng chung và lực lượng hạt nhân chiến lược.
Triển khai chiến lược quân sự toàn cầu " Phản ứng linh hoạt ", Mỹ chọn chiến trường Việt Nam làm nơi thí điểm, hy vọng sẽ rút ra được những kinh nghiệm nhằm đối phó hiệu quả hơn với các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở những nơi khác.
Trong những năm 1961 - 1965, thực hiện kế hoạch Sta - lây Tây- lơ, Mỹ tiến hành chiến lược " Chiến tranh đặc biệt " ở miền Nam Việt Nam. Đây là chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ, được tiến hành bằng quân đội tay sai, do " cố vấn" Mỹ chỉ huy, dựa vào vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện chiến tranh của Mỹ.
Áp dụng lại chiến thuật " tát nước bắt cá " của thực dân Anh trong chiến tranh ở Ma - lai - xi - a, Mỹ xúc tiến việc dồn dân, lập " Ấp chiến lược ". Mỹ dự định xây dựng từ 16.000 - 17.000 " ấp chiến lược " để dồn khoảng 10 triệu nông dân vào trong đó nhằm cắt đứt chỗ dựa của các lực lượng cách mạng ở miền Nam, từ đó tấn công tiêu diệt các cơ sở căn cứ cách mạng nơi này. Mỹ và chính quyền Sài Gòn dự định " bình định " xong miền Nam trong vòng 18 tháng.
Bên cạnh chính sách " bình định nông thôn ", dồn dân lập " Ấp chiến lược ", được coi là quốc sách, xương sống của chiến lược " Chiến tranh đặc biệt ", Mỹ còn tăng cường lực lượng nguỵ quân, đưa thêm cố vấn quân sự Mỹ vào miền Nam và sử dụng các loại phương tiện chiến tranh hiện đại. Lực lượng nguỵ quân tăng từ 170.000 quân ( 1961 ) lên 354.000 quân ( 1962 ); lực lượng cố vấn quân sự Mỹ tăng từ 1077 tên ( 1961 ) lên 10.640 tên ( 1962 ).
Năm 1963, Tổng thống Ken - nơ - đi bị ám sát, Phó tổng thống Giôn - xơn lên nắm chính quyền. Giôn - xơn chủ trương áp dụng chiến lược quân sự toàn cầu         " Phản ứng linh hoạt " và chính sách đối ngoại " vì hoà bình ở mức cao hơn ". Trên chiến trường miền Nam, Tổng thống Giôn - xơn, triển khai chiến lược " Chiến tranh cục bộ ", được tiến hành bằng quân đội Mỹ, quân đồng minh và quân đội Sài Gòn, dựa vào vũ khí, phương tiện chiến tranh, hoả lực của Mỹ.
Mỹ đưa quân đội của mình cùng quân đồng minh năm nước Hàn Quốc, Thái Lan, Phi - líp - pin, Ốt - xtrây - li - a, Niu Di - lân trực tiếp tham chiến ở chiến trường miền Nam. Số lượng quân Mỹ có mặt tại miền Nam Việt Nam cuối năm 1964 là 26.000 quân, đến cuối năm 1965 tăng lên 180.000 quân cộng với 20.000 quân của các nước chư hầu. Đó là chưa kể 70.000 lính hải quân và không quân trên các căn cứ quân sự của Mỹ ở Gu - am, Phi - líp - pin, Thái Lan và Hạm đội 7 luôn sẵn sàng tham chiến vào miền Nam.
Mục tiêu của Mỹ khi tiến hành " Chiến tranh cục bộ " ở miền Nam là nhằm giành ưu thế về hoả lực, từ đó làm thay đổi cục diện chiến tranh; đẩy lùi, tiêu diệt lực lượng chủ lực và cơ quan kháng chiến cách mạng.
Biện pháp tiến hành: Mỹ sử dụng phương pháp hai gọng kìm: " tìm diệt " ( do quân Mỹ đảm nhiệm ) và " bình định " ( do quân nguỵ đảm nhiệm )
Để hỗ trợ cho chiến tranh ở miền Nam, cuối năm 1964 đầu năm 1965, Mỹ tiến hành gây chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Chính quyền Giôn - xơn dựng lên " sự kiện vịnh Bắc Bộ ", lấy cớ hải quân Việt Nam tấn công tàu Mỹ tại hải phận quốc tế nên cho quân bắn phá miền Bắc để " trả đũa ". Ngày 5 - 8 - 1964, Mỹ sử dụng không quân và hải quân bắn phá một số nơi như cửa sông Gianh ( Quảng Bình ), Vinh - Bến Thuỷ ( Nghệ An ), Lạch Trường ( Thanh Hoá ), thị xã Hòn Gai ( Quảng Ninh ).  Tiếp đó, ngày 7 - 2 - 1965, Mỹ lại cho máy bay ném bom bắn phá một số nơi khác ở miền Bắc như thị xã Đồng Hới ( Quảng Bình ), đảo Cồn Cỏ ( Quảng Trị ) ... chính thức gây chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc lần thứ nhất. Trong cả hai đợt tấn công bắn phá miền Bắc, Mỹ đã huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân, gồm hàng ngàn máy bay thuộc 50 loại khác nhau, có những loại tối tân như F111, B52 cùng hàng vạn tấn bom đạn dội xuống miền Bắc. Không quân và hải quân Mỹ tập trung bắn phá vào các mục tiêu quân sự, đầu mối giao thông, nhà máy, xí nghiệp... và cả trường học, bệnh viện, nhà trẻ, đền, chùa ...
Bằng đấu tranh quân sự, có sự phối hợp đấu tranh chính trị và công tác binh vận, trong những năm 1961 - 1965, quân dân miền Nam Việt Nam đã lập nên những thắng lợi vang dội, làm phá sản về cơ bản chiến lược " chiến tranh đặc biệt " của Mỹ. Tiêu biểu là chiến thắng Ấp Bắc ( 1 - 1963 ), Bình Giã ( đông - xuân 1964 - 1965 ). Đến những năm 1965 - 1968, trong quá trình chiến đấu chống chiến lược " Chiến tranh cục bộ ", trên mặt trận quân sự, quân dân miền Nam tiếp tục giành nhiều thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, mở đầu là chiến thắng Vạn Tường ( 8 - 1965 ), thắng lợi trong hai mùa khô đông - xuân 1965 - 1966 và 1966 - 1967, đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Đó là những đòn tấn công bất ngờ, làm cho  lực lượng quân Mỹ và Nguỵ quân, Nguỵ quyền choáng váng, buộc Mỹ phải tuyên bố " phi Mỹ hoá " chiến tranh, thừa nhận sự thất bại trong chiến lược " Chiến tranh cục bộ " ở miền Nam.

30_04_2012_DTH_2.jpg
Chiến thuật " trực thăng vận ",  Mỹ áp dụngtrong chiến lược " Chiến tranh đặc biệt "

30_04_2012_DTH_3.jpg
" Pháo đài bay " - B52, phương tiện Mỹ sử dụngchủ yếu để gây chiến tranh phá hoại miền Bắc

30_04_2012_DTH_4.jpg
Nhân dân miền Nam đấu tranh chống chế độ  Mỹ - Diệm

30_04_2012_DTH_5.jpg
Quân đội miền Bắc chiến đấuchống chiến tranh phá hoại của Mỹ

2.3. Chiến lược "Ngăn đe thực tế " của chính quyền Ních-xơn ( 1969 - 1974 ), Pho ( 1975 - 1976 ), Ca - tơ ( 1977 - 1980 )
Năm 1969, Ních - xơn đắc cử tổng thống Mỹ trong bối cảnh nước Mỹ đang ở thời kỳ đen tối nhất. Chính quyền Ních - xơn đang đối mặt với những thách thức to lớn như: tương quan lực lượng giữa cách mạng trên thế giới đã thay đổi khác trước; so sánh tiềm lực kinh tế giữa Mỹ - Nhật Bản - Tây Âu thay đổi không có lợi cho Mỹ; nền kinh tế Mỹ suy giảm nghiêm trọng, nội các chia rẽ ... Thực trạng đó đòi hỏi chính quyền Ních - xơn phải điều chỉnh lại chiến lược toàn cầu để đối phó với thách thức trong bối cảnh thay đổi bất lợi cho Mỹ. Về quân sự, Mỹ thay thế chiến lược " Phản ứng linh hoạt " thời tổng thống Ken - nơ - đi và Giôn - xơn bằng chiến lược " Ngăn đe thực tế ". Mỹ chủ trương sử dụng sức mạnh hạt nhân để " ngăn đe " đối phương, từ đó sẽ sẵn sàng phản công hoặc tiến công với nhiều hình thức ở các mức độ, các khu vực trọng điểm khác nhau. Trong " Chỉ thị số 59 ", tổng thống Ca - tơ cho rằng Mỹ cần phải hiện đại hơn nữa bộ ba vũ khí chiến lược với những tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân hơn, có uy lực mạnh hơn, có khả năng " sống sót " cao hơn trước đòn đánh trả của đối phương.
Trên chiến trường Việt Nam, sau thất bại của chiến lược " Chiến tranh cục bộ "     ( 1968 ), Mỹ chuyển sang thi hành " Học thuyết Ních - xơn " và chiến lược " Việt Nam hoá chiến tranh ". Chiến lược " ViệtNam hoá chiến tranh " được tiến hành bằng lực lượng quân đội Sài Gòn là chủ yếu, có sự phối hợp về hoả lực và không quân Mỹ, do " cố vấn " Mỹ chỉ huy. Để hỗ trợ cho chiến lược chiến tranh mới này, Mỹ tăng cường chiến tranh ở Lào ( 1970 ) và mở rộng chiến tranh sang Cam - pu - chia ( 1971 ), thực hiện âm mưu " Dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương ". Đồng thời, Ních - xơn tiếp tục cho máy bay ném bom  một số nơi từ Thanh Hoá vào Quảng Bình, chính thức gây chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc lần thứ hai.
Chống lại những âm mưu và thủ đoạn mới của Mỹ, quân dân miền Nam Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với quân dân hai nước Lào và Cam - pu - chia đã giáng cho địch những đòn quyết liệt. Từ ngày 30 - 4 đến 30 - 6 - 1970, liên quân Việt Nam - Cam - pu - chia đã đánh bại cuộc hành quân " Toàn thắng 1 - 71 " của địch ở vùng Đông Bắc Cam - pu - chia. Tiếp đó , từ ngày 12 - 2 đến ngày 23 - 3 - 1971,  quân đội Việt Nam có sự phối hợp của quân dân Lào đã đập tan cuộc hành quân " Lam Sơn 719 " ở Đường 9 - Nam Lào. Đỉnh cao của những thắng lợi đó là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ( từ ngày 30 - 3 đến cuối tháng 6 - 1972 ) và trận " Điện Biên Phủ trên không " kéo dài 12 ngày đêm ( từ ngày 18 đến 29 - 12 - 1972 ). Những đòn đánh quyết định này của quân dân hai miền Nam, Bắc đã làm phá sản bước đầu chiến lược " Việt Nam hoá chiến tranh ", buộc Mỹ phải trở lại Hội nghị Pa - ri và ký Hiệp định Pa - ri về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Đông Dương ( 27 - 1 - 1973 ). Ngày 29 - 3 - 1973, theo quy định của Hiệp định Pa - ri, đơn vị cuối cùng của quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt sự có mặt hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên đất nước Việt Nam.
Tuy đã chấp nhận thất bại và rút quân khỏi Việt Nam nhưng chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục hậu thuẫn cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thực hiện chiến lược " Việt Nam hoá chiến tranh ". Tuy nhiên, những cố gắng cuối cùng của Mỹ - Nguỵ đều trở nên vô vọng. Mùa xuân năm 1975, sau 55 ngày đêm chiến đấu, trải qua ba chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên ( từ ngày 10 - 3 đến 24 - 3 - 1975 ), Chiến dịch Huế - Đà Nẵng ( từ ngày 21 - 3 đến 3 - 4 - 1975 ), Chiến dịch Hồ Chí Minh ( từ ngày 26 đến ngày 30 - 4 - 1975 ), quân dân miền Nam Việt Nam giành những thắng lợi vang dội
10 giờ 45 phút ngày 30 - 4 - 1975, xe tăng của quân giải phóng tiến thẳng vào dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ Chính phủ Sài Gòn, tổng thống Việt Nam cộng hoà Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
11 giờ 30 phút ngày 30 - 4 - 1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc nhà của Phủ Tổng thống, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và chấm dứt sự tồn tại của nền thống trị Mỹ - Nguỵ và cuộc chiến tranh phi nghĩa do chúng gây ra trong suốt 21 năm ở Việt Nam.

30_04_2012_DTH_6.jpg
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập (30/4/1975)

30_04_2012_DTH_7.jpg
Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùngcủa chính quyền Việt Nam cộng hoà

Cùng với nhân dân Việt Nam, nhân dân Cam -pu - chia và Lào cũng giành được nhiều thắng lợi rực rỡ. Ở Cam - pu - chia, ngày 17 - 4 - 1975, quân dân Cam - pu - chia đã giải phóng thủ đô Phnôm - pênh, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn 5 năm. Ở Lào, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, quân dân Lào đã nổi dậy đánh tan Nguỵ quyền Viêng Chăn, giành chính quyền về tay mình ( tháng 4 - 1975 ). Ngày 2 - 12 - 1975, nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ra đời, đánh dấu mốc hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa nước Lào bước vào thời kỳ phát triển mới.
Từ 1976 - 1980, với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, lực lượng cách mạng Cam - pu - chia đã lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Yêngxary ( 7 - 1979 ), thiết lập nền hoà bình mới và lập ra Chính phủ liên hiệp ở Cam - pu - chia ( tháng 5 - 1993 ).
Những thắng lợi quan trọng của quân dân Việt Nam cùng nhân dân Lào và Cam - pu - chia đã giáng đòn mạnh, làm phá sản các chiến lược chiến tranh thực dân kiểu mới của Mỹ, góp phần vào thắng lợi chung của nhân loại tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc - thực dân và các lực lượng phản động quốc tế. Đối với nhân dân Việt Nam, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã kết thúc 21 năm chiến đấu chống Mỹ và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thống nhất đất nước. Thắng lợi đó mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước, con người Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 24 tháng 04 năm 2012
Đỗ Trọng Hưởng

* Tài liệu tham khảo:
1) Lê Mậu Hãn ( Chủ biên ): Đại cương lịch sử Việt Nam, tập III, NXB Giáo dục - 2000
2) Trần Bá Khoa: Tìm hiểu những thay đổi trong chiến lược quân sự của Mỹ, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội - 2000
3) Phan Ngọc Liên ( Tổng Chủ biên ): Lịch sử 9, NXB Giáo dục  - 2005.
4) Nguyễn Anh Thái ( Chủ biên ): Lịch sử thế giới hiện đại, NXB Giáo dục - 2000.
5) Lê Bá Thuyên: Hoa Kỳ cam kết và mở rộng, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội - 1997
* Bài viết có sử dụng một số tranh ảnh sưu tầm được

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét