Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

VẤN ĐỀ THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC CUỐI THẾ KỈ XVIII - ĐẦU THẾ KỈ XIX


VẤN ĐỀ THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC CUỐI THẾ KỈ XVIII - ĐẦU THẾ KỈ XIX

LỜI NÓI ĐẦU

Việt Nam, đất nước với dãi đất hình chữ S nằm bên bờ Thái Bình Dương xinh đẹp. Với bề dày lịch sử hơn 4000 ngàn năm văn hiến, từ thời các vua Hùng dựng nước, trải qua một thời gian dài dưới các triều đại phong kiến và cho đến ngày nay. Lịch sử đã đi qua để lại nơi đây biết bao nỗi thăng trầm…

Cùng với dòng chảy không ngừng nghĩ của thời gian, những sự kiện được xem là trọng đại trong lịch sử dân tộc cũng đã lùi vào dĩ vãng, tuy nhiên có nhiều sự kiện vẫn còn mang tính thời sự mà một khi nhắc đến những sự kiện đó thì vẫn còn nhiều điều để chúng ta cùng nhau suy ngẫm, bàn luận.

Ngược dòng thời gian để trở lại những năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX để cùng đưa ra ý kiến, đánh giá về công cuộc thống nhất đất nước được xem là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng mở đầu cho việc ra đời của một đất nước thống nhất, không còn tình trạng cát cứ, chia cắt theo kiểu Đàng Trong – Đàng Ngoài đã kéo dài khá lâu.

Khi nhắc đến sự nghiệp thống nhất đất nước cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, có rất nhiều ý kiến khác nhau của các nhà sử học cũng như các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã được đưa ra để phân tích và đánh giá về công lao của hai nhân vật lịch sử là Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, trong hai nhân vật kiệt xuất này thì ai là người có công trong việc thực hiện sự nghiệp thống nhất đất nước? Đó được xem là một trong những vấn đề tốn khá nhiều bút mực của giới nghiên cứu cũng như đông đảo sự quan tâm của những người yêu sử Việt.
Trên cơ sở những ý kiến của các nhà nghiên cứu, cùng một chút kiến thức có phần hạn chế của bản thân, trong bài viết này Tôi sẽ trình bày một số ý kiến của cá nhân về vấn đề thống nhất đất nước cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Bài viết bao gồm các nội dung chính như sau:
1. Một số ý kiến xung quanh vấn đề thống nhất đất nước.
2. Phân tích, đánh giá.
3. Kết luận.
Mặc dù vậy, nhưng trong bài làm chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết, rất mong sự đóng góp ý kiến của của các bạn để cho bài làm được hoàn chỉnh hơn.
Xin chân thành cám ơn!

1. Một số ý kiến xung quanh vấn đề thống nhất đất nước.

Có thể nói rằng, vấn đề thống nhất đất nước cuối thế kỷ XVIIIđầu thế kỷ XIX đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của các nhà sử học cũng như giới nghiên cứu ở trong và ngoài nước. Đã có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này. 

Trước khi đi vào phân tích, đánh giá về vấn đề thống nhất đất nước cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, chúng ta cùng tham khảo một số ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu đã đưa ra.
F Nhóm ý kiến thứ nhất, cho rằng Gia Long (1802) là người đã thống nhất đất nước. Đây là ý kiến của các sử gia triều Nguyễn.

F Nhóm ý kiến của Nguyễn Phương cho rằng: "Nguyễn Ánh là cha đẻ của nước Việt Nam", là "người tiêu biểu cho tinh thần ái quốc", "là một anh hùng dân tộc". Và tác giả khẳng định: "Nếu Nguyễn Ánh không còn có công nào khác - mà thực sự còn nhiều - ngoài công cuộc thống nhất Việt Nam, thống nhất lãnh thổ và tinh thần ái quốc, thì với bấy nhiêu thiết tưởng ông đã đủ đáng được mọi người dân Việt Nam biết ơn rồi vậy". So sánh với Nguyễn Huệ, tác giả viết: "Chẳng những Nguyễn Huệ chưa phục vụ gì cho việc thống nhất, mà trái lại đã giúp đắc lực vào việc chia cắt đất nước ra một cách sâu xa hơn thời Trịnh Nguyễn". Còn Nguyễn Ánh "chẳng những đã thống nhất Việt Nam về địa lý mà còn thống nhất về tinh thần ái quốc" (Tạp chí Bách Khoa," số 149).

F Nhóm ý kiến của Tạ Chí Đại Trường: Vận dụng luận điểm "sức mạnh Nam hà kết hợp với sức mạnh Tây phương", tác giả giải thích: "Trong lịch sử của họ, Tây Sơn đã xô đổ được Nam hà, rồi không tìm được đồng minh bên ngoài, bên trong lại hãnh diện về sức mạnh quân lực, họ không tìm được cách tổ chức khai thác những khả năng địa phương để tâm phục lâu dài dân chúng. Quay ra Bắc hà, họ lại chui đầu và trong cái rối rắm mà người trước đã gỡ không ra vì sự cằn cỗi của đất đai, vì không khí bảo thủ lâu đời khó tẩy xóa của sinh hoạt vua,quan, dân chúng". Cho nên, theo tác giả, cái ngày Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn, chiếm được Bắc hà cũng là ngày "đóng hết một giai đoạn rối rắm, tàn bạo". Và tác giả gói ghém ý tưởng của mình như sau: "Ngày 20 tháng 7, Nguyễn Ánh ra tới Thăng Long, đặt chân lên nơi mà hơn 200 năm trước tổ tiên ông phải giả tiếng mới về Nam được. Thăng Long, Thanh Hóa, Phú Xuân, Gia Định, rồi nối vòng Gia Định, Phú Xuân, Thăng Long, con đường thật dài, thật đầy gian nan cực nhọc mà cũng đầy vinh quang. Đất nước mệt mỏi vì chiến tranh, nay đã tìm được đường thoát trong sự thống nhất..." (Lịch sử nội chiến Việt Nam từ 1771 đến 1802 - Sài Gòn, 1971). 

FNhóm ý kiến của Tân Việt Điểu: Tác giả có thừa nhận chút ít đóng góp của Tây Sơn khi cho rằng: "Tây Sơn là những tay thợ đã dọn quang đãng những chướng ngại vật để sau này Gia Long thênh thang đi đến thống nhất", nhưng lại khẳng định: "Nguyễn Ánh mới là người đem tất cả tâm huyết, tất cả tài đức ra dể thống nhất nước Việt... Sở dĩ Nguyễn Ánh thắng được Cảnh Thịnh, một phần lớn là nhờ vào cái địa thế "phụng chử lân chầu và "long bàn hổ cứ" của miền Nam rất thuận lợi để làm bàn đạp cho cuộc Bắc tiến, nhằm mục đích thống nhất lãnh thổ" (Văn Hóa nguyệt san, số 64).

F Nhóm ý kiến của Giáo sư người Pháp Jean Chesneaux: "Sự kiện lớn nhất dường như việc khôi phục thống nhất đất nước, việc xóa bỏ sự chia cắt đất nước thành hai vương quốc đối địch. Chính là Tây Sơn chứ không phải là nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX, như người ta thường gán cho họ, đã có công trong việc xây dựng một nước Việt Nam thống nhất; dù chia ra các miền khác nhau nhưng vẫn cùng một mục đích... Niềm kiêu hãnh khôi phục lại uy danh của nước Việt Nam thể hiện rõ trong bài hịch Hịch Tây Sơn" . Ở Việt Nam, Giáo sư Văn Tân cũng đồng ý với ý kiến này.

F Nhóm ý kiến của Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng: Nguyễn Huệ là người có công lớn, đã thống nhất đất nước về cơ bản. Đến Gia Long 1802 chỉ là sự tiếp nối, hoàn thành trọn vẹn công việc thống nhất về mặt chính quyền

F Nhóm ý kiến của Đặng Thành Nam cho rằng: "Việc đất nước chia đôi là do Trịnh Nguyễn phân tranh suốt trong hai thế kỷ. Khi nhà Tây Sơn nổi lên...; Nguyễn Ánh phải chạy qua Xiêm lưu vong và cầu cứu ngoại bang. Cuối cùng ai là người diệt được nhà Trịnh mà suốt 200 năm nhà Nguyễn không những không làm gì được mà còn bị mất kinh đô về tay nhà Trịnh nữa. Chính Nguyễn Huệ đã diệt Trịnh, đuổi Thanh chấm dứt việc hai trăm năm đất nước bị chia đôi, đưa đến việc thống nhất đất nước về cơ bản. Việc Gia Long rước hàng vạn quận Xiêm về giết dân, tàn phá đất Nam Bộ, bị Quang Trung đánh chạy thục mạng ở Rạch Gầm kia đâu phải là chuyện tuyên truyền chính trị. Việc Gia Long nhờ vũ khí, nhờ đại bác của Pháp, nhờ chính bọn đánh thuê, bọn cha cố phương Tây để chiếm lấy đất nước đâu phải là chuyện bịa đặt!" 
F Nhóm ý kiến của GS. Trần Văn Giàu: "Phần đóng góp của Nguyễn Huệ vào hệ thống tư tưởng yêu nước Việt Nam là ý thức về sự nghiệp thống nhất nước nhà. Từ năm 1527, Đại Việt bị phân liệt. Tình trạng phân liệt kéo dài đến gần cuối thế kỷ l8, hơn 200 năm. Lê, Trịnh, Nguyễn, không ai có tư tưởng thống nhất, tất cả họ chỉ có ý đồ xâm chiếm lẫn nhau. Cứ như thế ấy thì cái họa xâm lăng ắt khó tránh. Nội chiến chỉ chấm dứt khi khởi nghĩa Tây Sơn thắng lợi, lần lượt đánh đổ cả hai chúa Nguyễn, chúa Trịnh, đánh đổ luôn vua Lê, trong Nam thì đuổi quân Xiêm, ngoài Bắc thì đuổi quân Thanh, lãnh tụ Tây Sơn đường đường chánh chánh lên ngôi hoàng đế, vua Càn Long nhà Thanh dù mới đại bại (hay là vì đại bại) mà phải công nhận Quang Trung là vua nước Việt Nam (...). Trong việc lập lại sự thống nhất sau thời gian phân liệt kéo dài thời Lê mạt, thì người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ là vĩ nhân đã khởi xướng và bắt đầu thực hiện sự nghiệp ấy". Giáo sư Trần Văn Giàu còn cho rằng: "Ngày xưa không phải là không có ý thức thống nhất, nhưng phải hiểu rằng ý thức thống nhất lúc bấy giờ là thôn tính theo lối phong kiến" (Sự hình thành về cơ bản của hệ thống tư tưởng yêu nước Việt Nam – Tham luận tại Hội thảo Việt Nam học tại Hà Nội, tháng 7-1998)
F Nhóm Ý kiến của Phan Thuận An: "Nguyễn Huệ, người anh hùng kiệt xuất của thời đại ấy đã lần lượt phá tan từng mảng xã hội mâu thuẫn, bất công, nhiễu nhưng từ Nam ra Bắc để bước đầu đưa đất nước đến chỗ thống nhất" (Kỷ yếu HTKH "Phú Xuân - Thuận Hóa thời Tây Sơn" - Huế, tháng 12-2001). 

Như vậy, qua các nhóm ý kiến ở trên, chúng ta có thể thấy hiện tại có bốn luồng ý kiến khác nhau về vấn đề thống nhất đất nước cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX:
1. Khẳng định công thống nhất đất nước thuộc về Nguyễn Ánh.
2. Khẳng định công thống nhất đất nước thuộc về Nguyễn Huệ.
3. Công mở đầu công cuộc thống nhất là của Nguyễn Huệ nhưng hoàn thành thống nhất là do Nguyễn Ánh.
4. Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh không ai là người thực hiện sứ mệnh thống nhất đất nước mà chỉ có thôn tính lẫn nhau theo kiểu phong kiến.

2. Phân tích, đánh giá

Dựa vào những ý kiến của các nhà nghiên cứu đã đưa ra, chúng ta cùng đi vào phân tích, mổ xẻ những luồng ý kiến nói trên để thấy được ai là người đã có công trong việc thống nhất đất nước cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.

Trước hết, có một số ý kiến cho rằng: Nguyễn Huệ với sự kiện năm 1786, sau khi giải phóng Phú Xuân rồi cho quân vượt sông Gianh ra Thăng Long, xóa bỏ tình trạng chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài, lật đổ chế độ cát cứ của chúa Trịnh, sau khi tiêu diệt được chúa Nguyễn là đã hoàn thành thống nhất đất nước. Tức là họ cho rằng Nguyễn Huệ là người có công trong việc thống nhất đất nước, điều này có lẽ là chưa đúng vì sau sự kiện 1786 thì Nguyễn Huệ cũng mới chỉ thống nhất một phần nào đó về mặt lãnh thổ của đất nước, còn về mặt chính quyền thì vẫn chưa có sự thống nhất (còn tồn tại nhà Lê, Nguyễn, hai anh em nhà Tây Sơn), trong nước vẫn đang xảy ra chiến tranh. Từ đó chúng ta khẳng định rằng nhóm ý kiến cho rằng Quang Trung – Nguyễn Huệ là người đã thống nhất đất nước là chưa đúng.

Trái ngược với nhóm ý kiến nói trên thì lại có một số người cho rằng Gia Long với sự kiện 1802, từ Huế ra Thăng Long mới là người thống nhất đất nước. Điều này cũng chưa chính xác vì từ sau sự kiện 1876 thì Nguyễn Huệ đã thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ rồi, còn Nguyễn Ánh sau sự kiện 1802 chỉ là sự tiếp nối của Nguyến Huệ để thống nhất tiếp về mặt chính quyền mà thôi.

Có thể nói rằng vấn đề thống nhất đất nước là cả một quá trình đấu tranh cam go, gian khổ, lâu dài của cả dân tộc chứ không phải chỉ tiến hành trong một thời điểm lịch sử và chỉ có một người làm nên. Qua đó chúng ta một lần nữa khẳng định rằng tất cả các nhóm ý kiến cho rằng Nguyễn Huệ là người đã thống nhất đất nước và ngược lại là nhóm ý kiến tán thành việc cho rằng Nguyễn Ánh mới là người thống nhất đất nước là hoàn toàn không đúng.

Vậy đến đây chúng ta có thể loại bỏ luồng ý kiến thứ nhất cho rằng công thống nhất thuộc về Nguyễn Huệ và luồng ý kiến thứ hai cho rằng công thống nhất thuộc về Nguyễn Ánh, chúng ta cùng phân tích hai luồng ý kiến còn lại, một luồng ý kiến cho rằng cả Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh không ai là người thực hiện sứ mệnh thống nhất mà chỉ có thôn tín lẫn nhau và một luồng ý kiến cho rằng Nguyễn Huệ là người mở đầu và đã thống nhất được về mặt lãnh thổ còn Nguyễn Ánh là người tiếp tục hoàn thành công việc thống nhất đất nước, đã thống nhất về cả lãnh thổ lẫn chính quyền.

Với luồng ý kiến cho rằng dưới thời phong kiến thì cả Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh không ai là người thực hiện sứ mệnh thống nhất đất nước mà chỉ có sự thôn tín lẫn nhau. Nhóm ý kiến này cho rằng người nông dân và chế độ phong kiến thì sẽ không có tư tưởng thống nhất đất nước mà chỉ có mục tiêu thôn tín lẫn nhau, thống trị nhau, còn thống nhất đất nước chỉ được đặt ra từ khi có giai cấp tư sản.

Xem ra điều này chỉ có thể có lý khi xét về mặt lý luận chung còn nếu áp dụng vào đặc điểm lịch sử của dân tộc Việt Nam thì điều đó hoàn toàn không đúng, vì ở Việt Nam thì xu thế thống nhất đất nước đã được đặt ra từ đầu khi xây dựng chế độ quân chủ. Từ thế kỷ thứ X, với công cuộc thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh; tiếp theo đó là quá trình cũng cố nền thống nhất của các triều đại Lê, Lý, Trần, Lê sơ và quá trình mở nước về phương Nam đến thời các chúa Nguyễn mà bất cứ một bộ phận lãnh thổ và dân cư cùng sống trên đất nước ta vào thế kỷ XVIII đều có quan hệ mật thiết với nhau, đều có chung tình cảm và ý chí thống nhất trong một cộng đồng dân tộc, được hình thành từ cùng một bào thai của bà mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết.

Có thể thấy, khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam đã được các tác giả Ngô gia văn phái thể hiện trong sách “Hoàng Lê nhất thống chí” khi viết về các sự kiện dồn dập của đất nước cuối triều Lê, trước và sau thời điểm Nguyễn Huệ đưa quân ra Thăng Long vào năm 1786.

Nhân dân Thuận Hóa từng lên án sự chia cắt đât nước thời Trịnh – Nguyễn qua câu ca dao:


“Lũy Thầy ai đắp mà cao
Sông Gianh ai bới, ai đào mà sâu”.


Qua đó, chúng ta có thấy được khát vọng cháy bỏng mong muốn thống nhất đất nước của nhân dân ta, nhằm bớt chiến tranh, bớt khổ đau cho nhân dân, đem lại sự thanh bình cho đất nước. Do đó, nếu nói rằng dưới thời Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh chỉ có sự thôn tín lẫn nhau chứ không có tư tưởng thống nhất đất nước là hoàn toàn sai lầm. Cho nên chúng ta có thể loại bỏ luồng ý kiến thứ ba cho rằng Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh không có ai là người thực hiện công cuộc thống nhất đất nước vào cuối thế kỷ XVIII.

Lại có không ít người cho rằng vào các năm 1831 – 1832, khi vua Minh Mạng xóa bỏ Bắc thành và Gia Định thành, triều đình Huế trực tiếp cai quản 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên trong cả nước mới được gọi là đất nước thống nhất. Tuy nhiên, điều này cũng hoàn toàn không đúng bởi vì đây chỉ là sự kiện cải cách hành chính dưới thời Minh Mạng chứ không phải là sự kiện thống nhất đất nước. Nếu như nói rằng thống nhất đất nước chỉ giới hạn trong việc thống nhất lãnh thổ và thống nhất chính quyền thì điều này đã được thực hiện qua các sự kiện Phú Xuân năm 1786 dưới thời Tây Sơn và Huế 1802 dưới thời Gia Long chứ không cần phải đợi đến thời vua Minh Mạng.

Như vậy, chỉ còn lại luồng ý kiến cuối cùng cho rằng Nguyễn Huệ là người đã mở đầu công cuộc thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ và Nguyễn Ánh là người tiếp tục hoàn thành công cuộc thống nhất đó về các mặt chính quyền và lãnh thổ. Chúng ta sẽ cùng đi sâu vào phân tích nhóm ý kiến này để làm sáng tỏ vấn đề nói trên qua hai sự kiện Phú Xuân năm 1786 dưới thời Tây Sơn và Huế 1802 dưới thời Gia Long.

Với sự kiện Phú Xuân năm 1786 dưới thời Tây Sơn, đây được xem là lần đầu tiên sau hàng trăm năm đất nước bị chia cắt và nội chiến Đàng Trong – Đàng Ngoài nay mới được tái thống nhất, quyền lực của nhà Tây Sơn đã được thực thi trên phạm vi cả nước cho dù nó chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn từ 1786 – 1787.

Ngày 21-7-1786 Nguyễn Huệ và đại quân tiến vào Thǎng Long. Cuộc tiến công Bắc Hà đã kết thúc thắng lợi rất vẻ vang. Ngày 31-7-1786 Nguyễn Huệ cùng các tướng sĩ Tây Sơn và các quan vǎn võ Bắc Hà vào triều chúc mừng vua Lê Hiển Tông. Sau đó vua Lê Hiển Tông đã sắc phong Nguyễn Huệ làm Uy quốc công và gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Binh quyền Bắc Hà hoàn toàn trong tay Nguyễn Huệ người lãnh tụ kiệt xuất của phong trào Tây Sơn. Nguyễn Huệ nhà chiến lược và là nhà quân sự thiên tài vǎn võ kiêm toàn đã có công lao lớn trong việc đặt cơ sở lập lại nền thống nhất nước nhà ở cuối thế kỷ 18. Nước nhà được thống nhất trên một phạm vi rộng. Để có được sự kiện thống nhất vào năm 1786 là cả một quá trình đấu tranh gian khổ của nhân dân ta chống lại các thế lực phong kiến áp bức bóc lột và chống quân Xiên xâm lược 1785. 

Sau khi theo Nguyễn Nhạc rút quân về Nam, đóng tại Thuận Hóa, được phong làm Bắc Bình Vương. Nguyễn Huệ rút đi, miền Bắc lại trở nên loạn. Vua Lê Chiêu Thống nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh dẹp tay chân của họ Trịnh, thì đến lượt Nguyễn Hữu Chỉnh lại có ý chuyên quyền. Từ Huế, Nguyễn Huệ sai Vũ Vǎn Nhậm ra diệt được Chỉnh, rồi thấy Nhậm có ý khác, ông lại giết Vũ Vǎn Nhậm, giao cho Ngô Vǎn Sở quản lĩnh Thǎng Long. Trước tình hình đó bọn vua quan nhà Lê, chạy sang Tàu cầu cứu rước mấy chục vạn quân Thanh, do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, vào chiếm Thǎng Long, lấy danh nghĩa là giúp nhà Lê, nhưng sự thực là mưu toan thôn tính nước ta. Nhận được tin cấp báo, ngày 22-12-1788 (tức 25 tháng 11 năm Mậu Thân) Nguyễn Huệ sai người lập đàn tế cáo trời đất ở phía nam núi Ngự Bình (Huế), rồi lên ngôi hoàng đế, đặt hiệu là Quang Trung, đem quân ra Bắc. Ông tuyên bố: Chỉ trong 10 ngày sẽ quét sạch quân xâm lược và hẹn trước sẽ cùng quân sĩ ǎn tết với nhân dân Thǎng Long vào ngày mồng 7 tháng giêng.

Nhưng mới đến ngày 5, ông đã thu được hoàn toàn thắng lợi, đánh trận Ngọc Hồi, giết Hứa Thể Hanh, đánh thắng Đống Đa, bắt Sầm Nghi Đống phải tự tử, đuổi Tôn Sĩ Nghị phải vứt bỏ cả ấn tín chạy về nước. Bọn vua quan bán nước Lê Chiêu Thống cũng phải chạy theo lũ tàn binh, sang đất Trung Hoa nương náu làm khách ngụ cư vong quốc. Sau chiến thắng, Quang Trung Nguyễn Huệ thực hiện những biện pháp ngoại giao tích cực, để giữ gìn hòa bình, được vua Càn Long nhà Thanh chấp nhận. Vua Thanh phải phong vương cho ông và mời ông sang thǎm Yên Kinh, và hoàn toàn chấm dứt ý đồ xâm lược. Việc giao hảo với nhà Thanh trong giai đoạn này cũng là những trang sử đẹp, làm vẻ vang cho triều đại Quang Trung và cho nước ta.
Sau sự kiện thống nhất năm 1786, Nguyễn Huệ tiếp tục cũng cố nền thống nhất và đã giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược vào năm 1789. Có thể nói rằng thống nhất đất nước, độc lập dân tộc và đấu tranh dân chủ có quan hệ khăng khít trong sự nghiệp của nhà Tây Sơn.

Việc tiêu diệt các thế lực phong kiến cát cứ câu kết với giặc ngoại xâm để thống trị nhân dân ta là một thành quả lớn trong quá trình đấu tranh thống nhất đất nước của phong trào Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo. Phong trào Tây Sơn mà đại diện là Nguyễn Huệ là người tiêu biểu cho khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Dẹp yên Bắc hà, Quang Trung lo lắng việc nội trị. Đất nước do ông cai quản lần này trải rộng từ Thuận Hóa trở ra, chấm dứt nạn phân tranh từ thời kỳ Lê – Mạc và Trịnh – Nguyễn. Vùng miền Nam Trung Bộ do Nguyễn Nhạc thống lĩnh, vùng Nam Bộ ở dưới quyền của Nguyễn Lữ. Song những vị cầm đầu ở đây đều không có khả nǎng giữ vững chính quyền. Nhất là ở miền Nam, Nguyễn Lữ không chống nổi Nguyễn Ánh. Do đó, Quang Trung đã sắp đặt một kế hoạch tiến quân vào Nam để giúp việc bình định vùng này, diệt hẳn thế lực của họ Nguyễn. ở phía Bắc ông cũng có ý phải khôi phục lại những vùng đất mà trước đây bị các triều đình Minh, Thanh chiếm cứ... Nhưng các dự định ấy chưa thực hiện được, thì ông bị bệnh qua đời vào đêm 29 tháng 7 nǎm Nhâm Tí (1792). Cuộc đời hoạt động của ông đều gắn liền với tuổi trẻ. Quang Trung mất vào nǎm 40 tuổi, cơ đồ nhà Tây Sơn cũng suy thoái luôn từ đó. Con trai nối ngôi ông là Nguyễn Quang Toản còn quá bé (mới có 9 tuổi). Tướng tá không có người cầm đầu.

Không đầy mười nǎm sau, nhà Tây Sơn đã buộc phải chấm dứt vai trò lịch sử của mình để Nguyễn Ánh, lập nên đế nghiệp nhà Nguyễn. Có lẽ, có một bình diện lâu nay thường ít được chú ý, nên cũng không giúp cho ta thấy được đầy đủ nét đẹp của Quang Trung. Đó là ở chỗ, ông thực sự là một nhà vua trẻ, đã phát huy cao độ bản lĩnh trẻ trung của mình. Làm tướng - chủ yếu là tướng chỉ huy, trong khoảng tuổi hai mươi. Làm vương rồi làm vua trong khoảng tuổi ba mươi. Ông đã hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, cho dân tộc. Đây là sự tình cờ của quy luật sống nơi ông, hay đó chính là cái đẹp dành riêng để ông phục vụ đất nước. 

Nguyễn Ánh, một thế lực phong kiến có nhiều uy thế và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là kể từ sau ngày vua Quang Trung qua đời. Nguyễn Ánh đã cho quân ra đánh chiếm Quy Nhơn, năm 1801 chiếm Phú Xuân và năm 1802 tiến ra Thăng Long tiêu diệt vương triều Tây Sơn, thống nhất đất nước. Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long và chọn Huế làm kinh đô để xây dựng chính quyền trung ương, cai quản trên tất cả các vùng miền khắp cả nước. Công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước lâu dài, cam go nay mới được hoàn tất.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là kết quả song hành của cuộc đấu tranh giành quyền thống trị hơn là ý nghĩa của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Bởi vì, cuộc đấu tranh chống cát cứ, chia cắt đất nước Đàng Trong – Đàng Ngoài đã được Nguyễn Huệ cơ bản thực hiện vào tháng 6-1786, sau khi ra Phú Xuân và tiếp theo là vào tháng 7-1786 ra Thăng Long. Với khoảng thời gian diễn ra một cách nhanh chóng, dồn dập này đã nói lên khát khao mong muốn thống nhất đất nước của nhân dân ta lúc bấy giờ. Nguyễn Huệ đã vượt ra khỏi cái bóng của người anh Nguyễn Nhạc để giương cao ngọn cờ thống nhất, một yêu cầu cấp bách của đất nước lúc bấy giờ.

Trong khi đó Gia Long sau khi chiếm được Phú Xuân (1801) và lên ngôi vua vào năm 1802 mới thực hiện cuộc tấn công ra Bắc để tiêu diệt vương triều Tây Sơn thống nhất đất nước.
Phú Xuân, gắn liền với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế vào tháng 12 – 1788 được xem là kinh đô đầu tiên sau khi đất nước thống nhất của nhà Tây Sơn chứ chưa thể xem đó là kinh đô thống nhất của cả nước. Bởi vì Nguyễn Huệ mới chỉ thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ chứ chưa thống nhất được về mặt chính quyền. Việc Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế đồng nghĩa với việc xác lập thêm một kinh đô, một niên hiệu, một triều đại mới và nó cùng song song tồn tại với chính quyền nhà Lê ở Thăng Long, Thái Đức ở Quy Nhơn, Nguyễn Ánh ở Gia Định. Như vậy, trong cùng một lúc có sự tồn tại của ba niên hiệu (Chiêu Thống, Thái Đức, Quang Trung), ba kinh đô và bốn vùng kiểm soát thì nó chứng tỏ rằng sự nghiệp thống nhất đất nước của Nguyễn Huệ vẫn chưa trọn vẹn.

Ngay cả vào thời điểm vinh quang nhất của phong trào Tây Sơn thì nó cũng bị Nguyễn Nhạc phong kiến hóa, phân phong làm ba khu vực khác nhau: Trung ương Hoàng đế của Nguyễn Nhạc đóng tại Quy Nhơn, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đóng tại Phú Xuân và Đông Định Vương Nguyễn Lữ đóng tại Gia Định, mặc dầu không nghiệt ngã như thời Đàng Trong – Đàng Ngoài nhưng nó cũng đã làm cản trở đến quá trình thống nhất đất nước. Dưới thời Tây Sơn trong giai đoạn từ 1788 – 1801 thì đất nước ta chưa bao giờ có sự thống nhất trọn vẹn: Từ năm 1788 – 1793 với ba chính quyền: Phú Xuân, Quy Nhơn, Gia Định; và từ năm 1793 – 1801 thì cũng có hai chính quyền cùng song song tồn tại đó là Phú Xuân, Gia Định.

Như vậy, Huế năm 1802 mới thực sự thống nhất khi chỉ có một chính quyền, một kinh đô và một niên hiệu cai quản toàn bộ đất nước. Đó không ai khác mà chính là chính quyền của Gia Long, mở đầu cho một sự nghiệp hoàn toàn mới của nhà Nguyễn. Mặc dù là kẻ thù không đội trời chung với Nguyễn Huệ, nhưng Nguyễn Ánh lại là người kế tục công cuộc thống nhất đất nước mà Nguyễn Huệ đang còn thực hiện dỡ dang.

Nếu không có Gia Long thì cũng sẽ có một thế lực khác sẽ đánh bại vương triều Tây Sơn vào lúc nó đang suy yếu để hoàn thành việc thống nhất đất nước, nhưng nếu không có phong trào Tây Sơn với sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ thì sẽ không có sự kiện năm 1786, tái lập lại nền thống nhất sau hàng trăm năm dài đất nước bị nội chiến, chia cắt.

3. Kết Luận

Với sự kiện Phú Xuân – Thăng Long năm 1786, Nguyễn Huệ là người đã công lao rất lớn trong việc thực hiện công cuộc thống nhất đất nước, nhưng việc thống nhất đất nước của Nguyễn Huệ mới chỉ được xem là thống nhất về mặt hình thức, mới thống nhất về mặt lãnh thổ mà thôi. Còn sự kiện Huế 1802 với sự lên ngôi của vua Gia Long và xác lập nên nhà Nguyễn thì đất nước mới thục sự được thống nhất trọn vẹn về cả mặt lãnh thổ và chính quyền.

Như vậy, có thể nói rằng trong công cuộc thống nhất đất nước vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX thì Nguyễn Huệ là người đã công trong việc khởi xướng và mở đầu cho việc thống nhất đất nước và trên thực tế thì đã thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ. Còn Nguyễn Ánh là người kế tục sự nghiệp thống nhất đất nước đang còn dang dở của Nguyễn Huệ. Và Nguyễn Ánh đã hoàn thành công việc thống nhất đất nước về cả mặt lãnh thổ cũng như về chính quyền. Mặc dù là kẻ thù không đội trời chung nhưng cả Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh cùng chung sứ mệnh là đấu tranh “thống nhất sơn hà”, thực hiện niềm khát vọng của nhân dân sau hơn 200 năm nội chiến chia cắt đất nước.
Hòa ước Giáp Tuất 1874

Điều 1: Sẽ có hòa bình, hữu nghị và bền vững giữa nước Pháp và Vương Quốc An Nam. 

Điều 2: Tổng Thống Cộng hòa Pháp quốc thừa nhận quyền lực của vua nước An Nam và quyền độc lập hoàn toàn đối với bất kỳ một thế lực ngoại bang nào, tuyên hứa viện trợ, giúp đỡ và là chỗ nương tựa cần thiết của nhà vua nếu được yêu cầu mà không phải chịu một phí tổn nào, để duy trì nền hòa bình trên khắp các vùng đất nước, để chống trả bất cứ một sự tấn công nào và để dẹp bỏ tình trạng cướp bóc đang quấy phá một phần vùng biển của Vương quốc. 

Điều 3: Để đáp lại sự bảo hộ này đức Hoàng thượng - Vua nước An Nam thỏa thuận phù hợp chính sách ngoại giao của mình với chính sách ngoại giao của nước Pháp và không có gì thay đổi với những mối liên hệ ngoại giao hiện có của đức vua. Sự giao ước chính trị này không áp dụng vào bản Thương ước. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, đức Hoàng thượng vua nước An Nam có thể ký kết Thương ước với bất cứ một nước nào khác không phù hợp với Thương ước đã được ký kết giữa nước Pháp và Vương Quốc An Nam, mà không báo trước với Chính Phủ của nước Pháp. 

Điều 4: Tổng Thống Cộng Hòa Pháp quốc cam kết tặng hoàng thượng Vua nước An Nam: 

Năm chiếc tàu chạy máy hơi nước tổng cộng là 500 mã lực, trong tình trạng toàn hảo về mặt máy móc và bồn đun nước sôi, cùng với súng ống đạn dược và đồ phụ tùng đúng như chế độ quân sự quy định; 

Một trăm khẩu trọng pháo loại 70ly và và 160ly, với 200 viên đạn cho mỗi khẩu súng, một ngàn khẩu súng và 500 ngàn viên đạn. Tàu và súng ống đạn dược sẽ được chở tới Nam Kỳ và chuyển giao trong thòi hạn tối đa là 1 năm kể từ ngày trao đổi hòa ước đã được hai phía chuẩn phê; 

Ngài Tổng thống Cộng Hòa Pháp Quốc cũng cam kết rằng: Đặt dưới quyền sử dụng của đức Vua

Những huấn luyện viên quân sự và hải quân đủ số cần thiết để tái lập quân đội và hạm đội của hoàng thượng; 
Những kỹ sư và trưởng xưởng để điều hành những công trình do đức Hoàng thượng đề xướng; 
Những chuyên viên tài chánh để tổ chức các cơ cấu thuế khóa và hải quan trong Vương quốc; 
Những giáo sư để thành lập một trường đại học ở Huế. Ngài tổng thống cũng cam kết cung ứng cho đức Vua những tàu chiến, súng óng đạn dược cần thiết. 
Tiền lương trả công cho các dịch vụ như vậy sẽ được ấn định bởi sự thỏa thuận của hai phái đoàn cao cấp ký giao ước.

Điều 5: Đức Hoàng thượng Vua nước An Nam công nhận chủ quyền toàn vẹn của nước Pháp trên các vùng lãnh thổ do nớc Pháp hiện đang chiếm giữ và bao gồm trong trong các ranh giới như sau: 
Về phía Đông; vùng biển Trung Quốc và Vương Quốc An Nam (tỉnh Bình Thuận); Về phía Tây; vịnh Xiêm La; Về phía Nam; vùng biển Trung Quốc; Về phía Bắc; Vương quốc Cam Bốt và Vương quốc An Nam (tỉnh Bình Thuận); Mười một ngôi mộ của họ Phạm ở trong lãnh vực làng Tân Niên Đông và Tân Quan Đông (tỉnh Sài Gòn) và ba ngôi mộ của họ Hồ ở trong lãnh vực làng Linh Chung Tây và Tân Mai (tỉnh Biên Hòa), không được bóc mộ, đào xới, xâm phạm hay đập phá. Sẽ cấp một lô đất rộng 100 mẫu cho các ngôi mô nhà họ Phạm và một lô tương đương như thế cho nhà họ Hồ. Hoa lợi thu được trên các lô đất nầy được dùng để gìn giữ và bảo toàn các ngôi mộ và chu cấp các gia đình lo việc trông nôm các phần mộ. Các lô đất được miễn các thứ thuế và những người trong dòng họ Phạm, Hồ cũng sẽ được miễn thuế thân, khỏi thi hành quân dịch hay đi dân công.

Điều 6: Nước Pháp miễn cho đức Vua không phải trả những phần tiền chiến phí cũ còn thiếu. 

Điều 7: Đức Hoàng thượng cam kết một cách chính thức, qua trung gian chuyển giao của chính phủ Pháp, trả nợ số tiền chiến phí còn thiếu nước Tây Ban Nha là một triệu đồng đô la - hối xuất 0.72 lượng (bạc) cho mỗi đô la- và hoàn trả số nợ nầy bằng cách lấy phân nữa số thu nhập các thuế quan đánh trên bất cứ mặt hàng hóa nào trên các bến cảng được mở ra cho Đức Hoàng thượng cam kết một cách chính thức, qua trung gian chuyển giao của chính phủ Pháp, trả nợ số tiền chiến phí còn thiếu nước Tây Ban Nha là một triệu đồng đô la - hối xuất 0.72 lượng (bạc) cho mỗi đô la- và hoàn trả số nợ nầy bằng cách lấy phân nữa số thu nhập các thuế quan đánh trên bấu mặt hàng hóa nào trên các bến cảng được mở ra cho những người Âu, Mỹ. Số tiền thâu được mỗi năm nộp vào Kho bạc ở Sài Gòn để trả cho chính phủ Tây Ban Nha, lập biên nhận gởi cho chính phủ An Nam. 

Điều 8: Tổng thống Cộng Hòa Pháp và Hoàng thượng đức Vua ban bố đại xá trọn vẹn và giải trừ tất cả mọi sai áp cầm giữ trên các tài sản của những công dân nước mình từ trước cho đến khi hai bên ký kết hòa ước vì họ có dính líu hợp tác với phía bên nầy hay phía bên kia. 

Điều 9: Nhận biết rằng đạo Gia tô truyền dạy con người theo đàng lành, Hoàng thượng đức Vua từ bỏ và chống lại mọi sự ngăm cấm nhằm mục đích chống đạo này và cho phép thần dân của Hoàng thượng theo đạo và truyền đạo một cách tự do. 

Vì vậy, những tín đồ Gia tô giáo của Vương quốc An Nam sẽ có thể tụ hội tại các nhà thờ với một số lượng có giới hạn để hành lễ đọc kinh. Các tín đồ sẽ không bị ép buộc dưới bất cứ một lý do nào để phải thi hành những điều trái với đạo giáo của họ, hoặc là phải chịu một sự kiểm trau đặc biệt nào. Họ sẽ được tham dự các kỳ thi tuyển và làm việc nơi các công sở mà không vì thế phải thi hành bất cứ một điêu gì mà đạo cấm đoán. Hoàng thượng thỏa thuận bãi bỏ việc đăng ký tình trạng phân bổ số tín hữu Gia tô đã được thi hành từ 15 năm trước đây và sẽ được đối xử giống như những thần dân khác trong vấn đề kiểm kê dân số và thuế má. Hoàng thượng cũng thỏa thuận xét lại vấn đề quốc phòng một cách khôn khéo trong cách dùng văn tự hay ngôn ngữ, những lời lẽ va chạm tôn giáo và sữa đổi các điều khoản nào trong bản Thập Điều có dùng những lời lẽ va chạm như thế.

Những giáo sĩ giám mục và các người thừ sai có thể nhập cảnh tự do vào Vương quốc và lui tới các địa phận truyền giáo của ho với một giấy thông hành do thống đốc Nam Kỳ Hạ ban cấp được chiếu khán bởi thượng thơ bộ Lễ hay của tổng đốc tỉnh thành. Họ có thể thuyết giảng mọi nơi các giáo điều của đạo Gia tô. Họ không phải bị đặt dưới một sự giám sát đặc biệt nào và các làng mạc cũng không còn phải bắt buộc báo trình lên chức quan của triều đình về việc tới lui và sự hiện diện của họ. 

Các hàng giáo sĩ người An Nam sẽ được hành đạo một cách tự do giống như những người thừa sai bề trên của họ. Nếu hạnh kiểm của họ đáng quở trách và nếu theo luật pháp hiện hành mà tội phạm của họ được xếp vào hàng khinh tội bị phạt bằng trượng hay bằn roi thì hình phạt trượng hay roi sẽ được cải giảm bằng một hình phạt tương đương. Các hàng giáo sĩ giám mục, các người của hội thừ sai, các linh mục người An Nam sẽ được quyền mua, thuê đất cát và nhà cửa, xây cất nhà thờ, bệnh xá, trường học, nhà mồ côi và tất cả những tiện nghi khác để dùng trong việc phụng vụ tôn giáo của họ. Tài sản do họ tạo dựng để phụng vụ tôn giáo hiện đang bị sái áp sẽ được trao trả lại cho họ. Tất cả những điều kê khai ở trên nếu không có ngoại lệ thì cũng áp dụng cho những người thuộc hội thừ sai Tây Ban Nha. Sau khi hòa ước được hai bên chuẩn phê, đức vua sẽ ban một dụ chỉ truyền rao kắp công chúng rằng quyền tự do đã được hoàng thượng ban cho các tín đồ Gia tô của Vương quốc.

Điều 10: Triều đình An Nam có thể mở một trường cao đẳng ở Sài Gòn đặt dưới quyền giám thị của giám đốc Nha Nội Vụ và chương trình dạy học ở trường ấy không có điều gì đi ngược với đạo lý và sự thi hành quyền lực của người Pháp được mang ra giảng dạy. Tự do tín ngưỡng được áp dụng nơi trường học đó. 
Trong trường hợp có sự vi phạm, người thầy dạy học vi phạm những điều quy định sẽ bị tống khứ về nơi xứ sớ của đương sự và hơn nữa nếu trường hợp trầm trọng, trường cao đẳng có thể bị đóng cửa.

Điều 11: Triều đình An Nam thỏa thuận mở các thương cảng ở Thị Nại, trong tỉnh Bình Định, ở Ninh Hải trong tỉnh Hải Dương, tỉnh thành Hà Nội, và đường thủy vận sông Nhỉ Hà từ ngoài biển lên tới tỉnh Vân Nam. 

Một thỏa ước bổ túc cho bản Hòa ước cùng có hiệu lực chấp hành như bản Hòa ước sẽ ấn định các điều kiện chấp hành cho việc thông thương. Thương cảng Ninh Hải, Hà Nội và đường thủy vận chuyển tiếp sẽ đước thông thương liền ngay sau khi hai bên ký chuẩn phê hoặc sớm hơn nếu có thể được; thương cảng Thị Nại sẽ được thông thương trong vòng một năm sau. Các thương cảng hoặc những đường thủy vận khác có thể được thông thương sớm hơn tùy số lượng và mức quan trọng của tình hình giao thương hiện hữu đòi hỏi cần phải như thế.

Điều 12: Người Pháp hay người Pháp gốc An Nam và những người ngoại quốc nói chung nếu tuân hành luật pháp của xứ sở thì có thể gây dựng, sở hữu và tự quyết định một cách tự do đối với tất cả những công cuộc làm ăn buôn bán và kỹ nghệ nơi các tỉnh thành đã được đề cặp ở trên. Chính phủ của hoàng thượng sẽ tùy theo trường hợp mà cắt đặt đất đai cần thiết cho công cuộc thiết đặt cơ sở của họ. 
Họ cũng sẽ có thể vận hành và buôn bán trên lưu vực sông Nhỉ Hà từ ngoài biển qua đến tỉnh Vân Nam bằng cách chịu nộp thuế theo luật pháp ấn định và với điều kiện là họ không được thực hiện những dịch vụ buôn bán dọc trên lưu vực sông nầy khoang từ biển vào tới Hà Nội và từ Hà Nội đến biên giới Trung Quốc. Họ có thể tự do tuyển chọn và thuê mướn những người mại bản, thông ngôn, nhà văn, thợ thuyền, thủy thủ và người làm mướn việc nhà.

Điều 13: Tại mỗi cửa thương khẩu đã được mở, nước Pháp sẽ cử nhiệm một toà Lãnh sự hoặc một Cơ quann Trợ tá có thẩm quyền đầy đủ với thành phần nhân sự không quá 100 người, để gìn giữ an ninh và bảo vệ uy quyền của toà lãnh sự, để thi hành nhiệm vụ cảnh sát đối với những người ngoại quốc cho đến khi nào tất cả mọi lo âu vê mặt nầy không còn nữa nhờ ở việc thiết đặt các mối liên hệ tốt đẹp qua sự thi hành Hòa ước một cách trung chính. 

Điều 14: Về phía thần dân của Hoàng thượng, họ có thể tự do lưu thông, cư trú, sở hữu và buôn bán ở nước Pháp và tại những lãnh thổ thuộc địa của Pháp đúng theo luật lệ. Để bảo đảm cho họ được che chở bảo vệ, Hoàng Thượng có thể tùy ý cắt cử những những nhân viên của tới cư trú ở các thương cảng hay tỉnh thành do Hoàng Thượng chọn lựa. 

Điều 15: Công dân Pháp, Âu Châu, Nam Kỳ Hạ hay những công dân ngoại quốc khác muốn sinh sống ở tại các vùng chọn lựa vừa kể ở trên thì các đương sự phải đăng ký tại cơ quan Trú Sứ Pháp để nơi đây thông báo chính quyền sở tại. 

Thần dân của An Nam muốn sinh sống trên lãnh thổ của Pháp cũng phải tuân theo cùng một quy định như vậy. Những công dân nước Pháp hay của những nước ngoài muốn du lịch trong nước sẽ được chấp nhận nếu các đương sự được cấp phát một sổ thông hành từ một cơ quan đại diện của Pháp và có sự đồng ý cùng sự kiểm thự các chức quyền An Nam. Các đương sự không được buôn bán, nếu vi phạm hàng hóa sẽ bị tịch thâu. Cách đi lại du lịch như thế gặp nhiều nguy hiểm vì tình trạng của đất nước hiện nay, những khách ngoại quốc chỉ có thể đi thưởng ngoạn khi mà chính quyền An Nam, với sự đồng ý của với cơ quan Trú Sứ Pháp ở Huế, nhận định rằng tình hình đất nước đã khá ổn định. Những chuyến du hành trong nước của các công dân người Pháp mang tính chất tìm tòi nghiên cứu thì cũng phải khai trình, du hành dưới danh nghĩa nầy, các đương sự sẽ được chính quyền che chở và cung cấp thông hành cần thiết, được giúp đỡ để chu toàn công tác và chương trình nghiên cứu của họ.

Điều 16: Tất cả những việc tranh tụng giữa những công dân Pháp với nhau hoặc giữa người Pháp với người ngoại quốc khác sẽ được phân xử bởi trú sứ Pháp. 

Khi người Pháp hoặc người ngoại quốc khác có việc tranh tụng với người An Nam thì hoặc có điều gì khíu nại hoặc đòi hỏi thì cácb nguyên đơn trước hết phải làm đơn trình lên Trú Sứ để cố gắng dàn xếp một cách ổn thỏa. Nếu việc dàn xếp ổn tha không thể thực hiện được thì Trú Sứ sẽ sẽ sẽ nhờ đến sự trợ tá của một quan án sát An Nam để giải quyết vụ tranh tụng,viên trú sứ và quan án cả hai cùng nhau cứu xét sự vụ tranh tụng theo luật lệ mà phán xử thỏa đáng. Thủ tục cũng áp dụng cho trường hợp tranh tụng giữa một người An Nam với một người Pháp hay với một người ngoại quốc: nguyên đơn người An Nam sẽ gởi đơn lên quan án và nếu quan án nầy không thể dàn xếp thỏa đáng thì sẽ cùng viên quan Trú Sứ giải quyết viêc tranh tụng. Tuy nhiên, mọi tranh tụng giữa những người Pháp với nhau hay giữa người Pháp với một người ngoại quốc thì chỉ có viên Trú Sứ Pháp có thẩm quyền xé xử.

Điều 17: Những vụ phạm pháp đại hình hay tiểu hình của những người Pháp hay của người ngoại quốc xảy ra trên lãnh thổ nước An Nam phải được trình báo và phán xử bởi các tòa án có thẩm quyền ở Sài Gòn. Khi có sự yêu cầu của viên Trú sứ Pháp, các chức quyền địa phương phi dùng mọi nõ lực để truy bắt tên hoặc bọn tội phạm và giải giao đến viên Trú sứ.. 

Khi một vụ phạp pháp đại hình hay tiểu hình của một thần dân người An Nam xảy ra trên lãnh thổ của Pháp, quan Lãnh sự hoặc quan Ủy viên của Hoàng thượng phải được thông báo một cách chính thức các thủ tục truy tố áp dụng với phạm nhân và trong khả năng bảo đảm rằng mọi hình thức luật định đã được tôn trọng đúng mức.

Điều 18: Khi có kẻ bất lương phá rối hoặc cướp giật trên phần lãnh thổ của Pháp rồi chạy trốn sang sang lãnh thổ của nước An Nam thì chức quyền địa phương khi được thông báo phải gắng sức truy lùng bắt kẻ phạm pháp để giải giao cho chức quyền Pháp. 

Cùng một thể thức, nếu những kẻ trộm, cướp hay phạm tội hình sự nào là thần dân của đức Vua mà lại chạy sang ẩn náu trên phần lãnh thổ của Pháp; Những kẻ đó phải được truy bắt ngay sau khi được thông báo và phải được giải giao về cho chức quyền bản xứ của đương phạm.

Điều 19: Trong trường hợp một người dân của nước Pháp hay của ngoại quốc qua đời trên lãnh thổ của nước An Nam hoặc là một người dân của nước An Nam qua đời trên lãnh thổ của Pháp thì tài sản của người quá cố sẽ được giao trả cho những người thừa kế của họ; nếu những người thừa kế vắng mặt thì viên Trú Sứ sẽ có nhiệm vụ gọi những người thừa kế luật định để chuyển giao. 

Điều 20: Để bảo đảm và tạo điều kiện dễ dàng cho việc thi hành các điều khoản và những quy định trên bản hiệp ước nầy, một năm sau kể từ ngày ký chuẩn phê, ngài Tổng Thống Cộng Hoà Pháp Quốc sẽ bổ nhiệm một viên Trú Sứ ngang hàng với một quan Thượng Thư bên cạnh hoàng Thượng đức Vua An Nam. Viên Trú Sứ có nhiệm vụ bảo toàn mối liên lạc hữu nghị, giữa Các Thành Viên Cao Cấp của hai bên đối ước và giám sát việc thi hành theo lương tâm các điều khoản của bản Hòa Ước. 

Đẳng trật của viên Trú Sứ nầy, những danh dự và quyền lợi mà đương sự được hưởng, sẽ được ấn định sau nầy theo một thỏa thuận chung, và trên một nền tảng hổ tương hoàn toàn giữ hai bên đối ước. Hoàng Thượng đức Vua An Nam có quyền bổ nhiệm các Trú Sứ ở Paris và ở Sài Gòn. Tất cả những loại chi phí dùng cho nhiệm kỳ phục vụ của những Trú Sứ nầy bên cạnh Chính phủ đồng minh của mình sẽ do chính phủ của mỗi đương sự đài thọ.

Điều 21: Hòa Ước nầy thay thế Hòa Ước năm 1862, và chính phủ Pháp có trách nhiệm tìm kiếm sự đồng thuận của chính phủ Tây Ban Nha. Trong trường hợp chính phủ Tây Ban Nha không chấp nhận những sự thay đổi để thay thế Hòa Ước 1862 thì Hòa Ước nầy chỉ có hiệu lực giữa nước Pháp và nước An Nam mà thôi, và những điều ước cũ có liên hệ tới Tây Ban Nha vẫn còn hiệu lực chấp hành. Trong trường nầy, nước Pháp sẽ đảm nhận việc trả tiền bồi thường chiến phí và sẽ thay thế vai trò chủ nợ của Tây Ban Nha đối với con nợ là nước An Nam để được hoàn trả đúng theo những quy định nơi điều thứ 7 của hoà ước hiện tại. 

Điều 22: Hoà ước nầy được thực hiện một cách vĩnh viễn, sẽ được chuẩn phê và nghi thức chuẩn phê sẽ được tổ chức và trao đổi tại Huế, trong vòng thời hạn một năm hoặc sớm hơn nếu có thể được. Hòa Ước sẽ được phát hành và có hiệu lực kể từ ngay sau khi trao đổi. Bởi các lẽ ấy, các quan khâm sai đã lần lược ấn ký vào bản Hòa Ước nầy. 

Làm tại Sài Gòn, tại dinh Thống Đốc Nam Kỳ thuộc Pháp, làm thành bốn bản, vào Chủ nhật, ngày 15 tháng 03 năm 1874, tương ứng với ngày 27 tháng 1 âm lịch niên hiệu Tự Đức thứ 27.

Phó đề đốc Dupré, Lê Tuấn và Nguyễn Văn Tường

nguồn " Bang giao Đại Việt, triều Nguyễn, Nguyễn Thế Long, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005 "

Đặc điểm truyền bá chủ nghĩa Mac-Lênin vào việt Nam

Sau một thời gian hoạt động ở Liên Xô, thang 11/1924 Nguyễn Ái Quốc trở về Quảng Châu nơi có rất nhiều người việt nam yêu nước đang hoạt động. Để xúc tiến cho việc thành lập một chính đảng của giai cấp vô sản ở việt nam. Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên nhằm truyền bá cn mac-lênin về việt nam. một trong những chủ trương của hội là " vô sản hóa " nhằm truyền bá chủ nghĩa mác vào trong phong trào công nhân một cách có hệ thống làm thay đổi nhận thức của công nhân. từ đó phong trào công nhân có những biến chuyển từ tự phát sang tự giác. quá trình truyền bá chủ nghĩa mác vào việt nam có nhiều đặc điểm khác vơi các nươc khác.

Thứ nhất, chủ nghĩa mác vào việt nam khi mà tính đúng đắn khoa học của nó đã được kiểm nghiệm qua cách mạng tháng mười nga,chủ nghĩa xã hội đã thành hiện thực tức là chúng ta chỉ tiếp thu và áp dụng chứ không phải mò mò mẫm đúng sai. diièu đó đã tạo nên sức hấp dẫn của nó, chân lý đã được sáng tỏ chỉ có chỉ có một co đường la con đường cách mạng vô sản.

Thứ hai, học thuyết mác vào việt nam khong giống với các nước châu âu là bê nguyên xi nó vào thực hiện mà nó được sàng lọc qua lăng kính của lãnh tụ nguyên ai quốc để đưa vào áp dụng ở một xã hội thuộc địa nó đã trở thành con đường giải phóng cho dân tộc việt nam.

Thứ ba, chủ nghĩa mác vào việt nam đồng thời với quá trình đấu tranh giành quyền lãnh đạo giữa hai ý thức hệ vô sản và tư sản cuộc đấu tranh ấy không diễn ra bằng bạo lực, không đổ máu nhung cũng không kém phần gay go quyết liệt nhằm giải quyết hai vấn đề dân tộc và dân chủ.

Thứ tư, chủ nghĩa mác truền vào việt nam gắn liền với công lao và hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, đó là một quá trình đi từ sự tìm tòi học tập chuẩn bị và truyền bá về việt nam.

Thứ năm, chủ nghĩa mác truỳen vào việt nam bằng nhiều con đường trước tạo điều kiện cho con đường sau : từ Pháp sang VN, từ Mátxcơva-VN, từ TQ-VN gắn liền với vai trò chủ đạo của Nguyễn Ái Quốc.

Thứ sáu, chủ nghĩa mác vào việt nam được tầng lớp tiểu tư sản, hoc sinh tiếp nhận bơi đây là tầng lớp có hoc thúc, nhạy cảm, tinh tế trước thời cuộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét