Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Xứ Mô Xoài trong công cuộc khai phá Nam Bộ của người Việt

Xứ Mô Xoài – Vùng Đất Đầu Tiên Người Việt Khai Phá Ở Nam Bộ


Nguyễn Đình Thống

Bây giờ, người dân Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ biết có sông Xoài - một khúc ngọn của Sông Dinh. Người ta cũng biết đến đồng Xoài, một cánh đồng thuộc xã Hoà Long, nằm ven sông Xoài. Người dân, không ai nhắc đến xứ Mô Xoài.  ản đồ hành chính hay bản đồ địa chính của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không có dấu tích gì về xứ Mô Xoài. Tìm về xứ Mô Xoài, chỉ còn cách đọc lại những cuốn sách xưa.
1. Hưng Phúc – Hương Phước là xứ Mô Xoài
Xứ Mô Xoài - Bà Rịa có trí quan trọng trong công cuộc khai phá vùng đất Nam bộ của lưu dân người Việt. Đây là nơi mở đầu cho cuộc khẩn hoang, là nơi định cư, lập nghiệp đầu tiên của người Việt, là bàn đạp để mở mang toàn cõi Nam bộ. Sách  Gia Định thành thông chí,  Trịnh Hoài Ðức viết vào những năm 20 của thế kỷ 19 đã định danh:  “ Bà Rịa là ở đầu biên giới trấn Biên Hòa, là đất có danh tiếng, cho nên các phủ ở phía bắc có câu ngạn rằng: “cơm Nai - Rịa, cá Rí - Rang” là lấy xứ Ð ồng Nai và Bà Rịa đứng đầu mà bao gồm cả Bến Nghé, Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ cũng ở vào trong đó ”.  Ð ất này dựa lưng vào núi, quay mặt ra biển, rừng rậm tre cao, trên có tuần trường để chiêu dụ bọn man - mạch đến đổi chác, dưới có quan - tấn để xem xét ghe thuyền lúc đi ra biển. Đường trạm thủy lục giao thông, thổ sản núi rừng cung cấp. Chế ngự  Ðê - Man phòng ngừa đạo tặc, có huyện, nha đạo thủ chia giữ nhiệm vụ, vẫn là địa hạt xung yếu thứ nhất. Vả lại có nhiều quan ải hiểm yếu, có thành trì dấu xưa còn lại, khác gì quốc đô của các vương giả ngày xưa ” [1] .
Cho ðến khi Gia Long lên ngôi (1802), lập Thành Gia Ðịnh gồm 5 trấn thì Bà Rịa - Ðồng Nai là tên gọi chung của một vùng ðất: Trấn Biên Hoà. Trịnh Hoài Ðức viết: “ Ð ất Gia  Ð ịnh có 5 trấn khác nhau: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh,  Ð ịnh Tường và Hà Tiên. Ở trong trấn ấy xứ sở danh mục vẫn cũng nhiều, mà thổ nhân thường nói thì chỉ gọi đất Biên Hòa là Ð ồng Nai, Bà Rịa, gọi đất Phiên An là bến Nghé, Sài Gòn, gọi đất  Ð ịnh Tường là Vũng Gù, Mỹ Tho, gọi đất Vĩnh Thanh là Long Hồ, Sa  Ðé c, gọi đất Hà Tiên là Cà Mau, Rạch Giá. Ấy là lấy tên chỗ lỵ sở hoặc chỗ nhóm họp đông lớn, hoặc chỗ địa đầu, nói tổng quát đại khái mà không phải thuật kỹ những chỗ nhỏ mọn linh tinh [2] .
Đất có danh tiếng là khi đã được định danh. Sử sách xưa thường ghi xứ Mô Xoài  là nơi khởi đầu lập nghiệp của người Việt ở vùng đất Nambộ. Nguyễn Cư Trinh từng nhắc đến vùng đất này trong một lời tâu được chép trong Đại Nam Thực lục: “Bính Tý, năm thứ 18 [1756], lập phủ Lương Quán. Nặc Nguyên nước Chân Lạp trình bày rằng việc đánh cướp Côn Man là do tướng Chiêu Chuỳ Ếch gây ra, nay xin hiến đất hai phủ Tầm Bôn, Lôi Lạp và nộp bù lễ cống còn thiếu về ba năm trước để chuộc tội. Mạc Thiên Tứ đem việc tâu lên, Chúa cùng các quan bàn, ra lệnh bắt Chiêu Chuỳ Ếch đem nộp. Nặc Nguyên trả lời rằng, Ếch đã bị xử tử rồi. Khiến bắt vợ con. Nguyên lại kiếm cớ xin tha. Chúa biết là nói dối, không y lời xin. Nguyễn Cư Trinh kíp tâu rằng: “Từ xưa việc dụng binh chẳng qua là để diệt trừ bọn đầu sỏ và mở mang thêm đất đai. Nặc guyên nay đã biết ăn năn xin hàng nộp đất, nếu truy mãi lời nói dối ấy thì nó tất chạy trốn. Nhưng từ đồn dinh Gia Định đến La Bích, đường xá xa xôi, nghìn rừng muôn suối, không tiện đuổi đến cùng. Muốn mở mang đất đai cũng phải lấy hai phủ này trước để củng cố mặt sau của hai dinh. Nếu bỏ gần cầu xa e rằng hình thế cách trở binh dân không liên tiếp, lấy được tuy dễ, mà giữ thực là khó.  Khi xưa mở mang phủ Gia Định, tất phải trước mở đất Hưng Phúc, rồi đến đất Đồng Nai, khiến cho quan dân đông đủ, rồi sau mới tới Sài Gòn. Đó là cái kế tằm ăn dần [3] .
Những đoạn in đậm trên đây là do người viết nhấn mạnh. “Đất Hưng Phúc” được nhắc đến ở trên còn được gọi là Hương Phước, chính là xứ Mô Xoài mà chúng tôi sẽ đề cập dưới đây.
Hương Phước là tên một con sông – sông Xoài – sông Mô Xoài, là tên một vùng đất, sau chia thành hai làng mang tên Long Hương - Phước Lễ, những ngôi làng đầu tiên mà người Việt đến lập nghiệp ở vùng đất này. Hai ngôi làng nằm dưới chân núi.  Núi ấy mang tên núi Mô Xoài. Hai làng nằm hai bên con sông. Sông mang tên sông Mô Xoài.
2. Núi Dinh là núi Mô Xoài – sông Dinh là sông Mô Xoài
Núi Mô Xoài,  nay gọi là Núi Dinh, thuộc địa phận thị xã Bà Rịa. Từ thế kỷ 19 trở về trước, tên núi vẫn được gọi theo tên của vùng đất này là núi Mỗi Xuy, Mỏ Xoài, Mô Xoài, có khi gọi là núi Trấn Biên, hoặc Tấn Biên. Sách  Gia Định thành thông chí  của Trịnh Hoài Đức viết:  “ Núi Trấn Biên: Tục danh núi Mũi Xuy (hay Mỏ Xoài)  cách phía Đông trấn 154 dặm. Hình núi cao ngất xanh om, có những hang Nai, đồi Thông, mây phủ suối reo, cảnh trí u tịch, chầu về Gia Định, hình dung thanh tú, bài liệt thênh thang. Lưng chừng núi lại có động đá thâm u khuất khúc chất hẹp, đi vào không cùng tận. Có thầy tăng tịch cốc tên là Ngộ Chân, cất chùa Đức Vân nơi cửa động để trụ trì, hàng ngày chỉ ăn rau quả niệm Phật, luyện tập được cả hùm beo; lại hay  vẽ bùa chữa bệnh, thâu được lễ tạ thì đem tản cấp cho những người nghèo đói khốn khổ, cũng là một vị cao tăng đắc đạo vậy ”. [4]
Con sông lượn quanh chân ngọn núi này gọi là sông Mô Xoài (theo tên núi), cũng được gọi là sông Hương Phước (theo tên làng). Sách  Gia Định thành thông chí  viết: “ Sông Hương Phước: (Tức là sông Xoài , là nơi thôn Phước Long và thôn Hương Lễ hiệp nhau đài thọ lính trạm). Ngược dòng lên phía bắc tục danh sông Xoài, chuyển quanh lên phía tây đến suối Châu - Thù - Thì dốc Giao - Kèo, qua suối Thâm - Tuyền đến cùng nguyên sông Uông - Giang dài 15 dặm, 1 chi chảy qua nam độ 4 dặm làm cửa sông lớn Hương Phước rồi hiệp lưu cùng các sông ” [5] .
Sách Đại Nam nhất thống chí chú dẫn rõ hơn: “Sông Hương Phước tức là sông Mỗi Xoài  là chỗ dân hai thôn Long Hương và Phước Lễ chung nhau chịu lính trạm ” [6] .
Sông Mô Xoài nay gọi là sông Dinh, chảy qua địa phận thị xã Bà Rịa (làng Phước Lễ xưa). Tên gọi mới của dòng sông và ngọn núi liên quan đến công cuộc cải cách hành chính trong nhiều thế kỷ tiếp đó. Năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Chân Lạp, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long thì hai làng Long Hương và Phước Lễ thuộc tổng Phước An, một trong bốn tổng của huyện Phước Long (Phước An, Long Thành, Bình An và Phước Chánh). Năm 1808, huyện Phước Long đổi thành trấn Biên Hòa, cải bốn tổng thành bốn huyện. Huyện Phước An có hai tổng An Phú và Phước Hưng. Hai làng Long Hương và Phước Lễ thuộc tổng An Phú, huyện lỵ đặt tại thôn Long Điền. Năm 1836, hai tổng An Phú và Phước Hưng tách thành 4 tổng là An Phú Thượng, An Phú Hạ, Phước Hưng Thượng và Phước Hưng Hạ, hai làng Long Hương và Phước Lễ thuộc tổng An Phú Hạ. Năm 1837, đặt phủ Phước Tuy (gồm huyện Phước An, Long Thành và Long Khánh), phủ lỵ đặt tại thôn Phước Lễ. Đây là thời điểm khởi đầu quá trình đô thị hoá ngôi làng này. Phước Lễ trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá, quân sự của phủ Phước Tuy, dân cư, chợ búa ngày càng đông đúc. Phước Lễ có Dinh Phủ, và từ “Dinh” trở nên quen thuộc đối với người dân trong vùng. Đầu tiên, người dân quen gọi chợ Phước Lễ là Chợ Dinh. Dân tứ xứ đến chợ Dinh bằng ghe, xuồng. Bến sông, dòng sông cũng bắt đầu bằng cách gọi mới: Sông Dinh. Dần dà, cả ngọn núi cũng được gọi theo cách mới là Núi Dinh. Lâu ngày thành quen, cái tên Mô Xoài bị lãng quên, chỉ còn lại trong những trang sách cổ. Khi thực dân Pháp chiếm đóng vùng đất này, lập bản đồ thì cái tên Núi Dinh, Sông Dinh chính thức đi vào những trang sách mới.
3. Thành Hưng Phúc (Hương Phước) là thành mô Xoài:
Quốc sử triều Nguyễn chép: “ Mậu Tuất năm thứ 10 [1658], tháng 9, vua nước Chân Lạp, vốn tên Cao Mên là Nặc Ông Chân xâm lấn biên thuỳ, Dinh Trấn Biên báo lên, Chúa sai phó tướng Dinh Trấn biên là Tôn Thất Yến, Cai đội là Xuân Thắng, Tham mưu là Minh Lộc (hai người đều không rõ họ) đem 3000 quân đến  thành Hưng Phúc (bấy giờ gọi là Mỗi Xuy,  nay thuộc huyện Phúc Chính, tỉnh Biên Hoà) đánh phá được, bắt được Nặc Ông Chân đưa về, chúa tha tội cho và sai hộ tống về nước, khiến làm phiên thần, hàng năm cống nộp ” [7] .
Thành Hưng Phúc được nhắc đến trong đoạn trích trên cũng chính là thành Hương Phước – lũy Mô Xoài mà Trịnh Hoài Đức đã đề cập về Luỹ Phước Tứ. Sự kiện này được Trịnh Hoài Đức mô tả kỹ hơn khi viết về Cương vực (tập Trung, Quyển III): “ Gia Định xưa nguyên là đất của Chân Lạp (nay là nước Cao Miên, có biệt danh Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp), đất ruộng phì nhiêu, có địa lợi sông, biển, cá muối và lúa, đậu rất nhiều. Các tiên hoàng đế triều ta chưa rảnh để mưu tính việc xa nên tạm để đất này cho Cao Miên ở, nối đời làm Phiên thuộc ở miền nam, triều cống luôn luôn. Đến đời vua Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế năm thứ 11 Mậu Tuất (1658), tháng 9 (tức Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Thọ nguyên niên, Thanh Thuận trị năm thứ 14) vua nước Cao Miên là Nặc Ong Chân xâm phạm biên cảnh (Ghi chú: Người Cao Miên không có họ, con cháu nhà vua đều xưng là Nặc Ong, Chăn là tên người, mà mạng danh thì lấy chữ tốt đẹp, tuy ông cháu cùng tên mà không kiêng cữ. Nước ta có gửi văn thư cho nước ấy thì xưng là Cao Miên Quốc vương Nặc Ong (Mỗ), là lấy tên của vị con vua nước ấy mới được phong mà gọi. Còn như vương tước nước ấy tự xưng thì có 11, 12 chữ đến 23, 24 chữ tùy ư dùng chữ tốt đẹp chứ không định lệ). Khâm mạng dinh Trấn Biên (Ghi chú: khi đầu khai thác, phàm những chỗ đầu biên giới gọi tên là Trấn Biên, xét Trấn Biên đây tức là trấn Phú Yên ngày nay),  Phó tướng Yến Vũ hầu, Tham mưu Minh Lộc hầu và Tiên phong Cai đội Xuân Thắng hầu đem 3 ngàn binh đi trong 2 tuần đến thành Mỗi Xuy (hay Mô Xoài) nước Cao Miên, đánh phá kinh thành và bắt được vua nước ấy là Nặc Ong Chân giải về hành tại dinh Quảng Bình. Vua dụ cho tha tội, rồi phong Nặc Ong Chân làm Cao Miên quốc vương, cho được giữ đạo phiên thần, lo bề cống hiến, không được xâm nhiễu dân sự ở ngoài biên cương, rồi khiến quan binh hộ tống về nước. Khi ấy địa đầu Gia Định là Mỗi Xuy (hay Mô Xoài) và Đồng Nai  (tức nay là Biên Hòa trấn) ấy đã có lưu dân của nước ta đến ở chung lộn với dân Cao Miên khai khẩn ruộng đất. Người Cao Miên rất khâm phục oai đức của triều đình, đem nhượng hết cả đất ấy rồi tránh ở chỗ khác, không dám tranh trở chuyện gì ” [8] .
4. Lũy Phước Tứ là lũy Mô Xoài
Sách Gia Định Thành thông chí chép:  “ LŨY PHƯỚC TỨ: Ở phía đông trạm Hương Phước, ngang giữa quan lộ. Trước đây chánh Vương Cao Miên là Sô ngự trị ở thành Vũng Long, Phó vương là Nộn ngự trị ở thành Sài Gòn. Con trưởng của Sô là Bô Tâm không đượ c  làm vua, bèn giết cha mà tự lập, rồi sợ Nộn không phục, báo cáo lên triều để đem binh hỏi tội, bèn đắp đồn đất  ở Khu Bích Nam Vang, kết bè nổi giăng dây sắt để tự vệ, lại cầu Tiêm La ứng viện, mưu đánh giết Nộn. Thế Nộn lúc bây giờ bị nguy bức phải chạy qua nương tựa dinh Thái Khang, Bô Tâm bèn chiếm cứ Sài Gòn, mà binh Tiêm không đến, Bô Tâm đắ p  lũy đất ở địa đầu Mô Xoài, ngoài trồng tre gai, đem binh tượng phòng thủ rất chặt chẽ. Trải hơn một năm thấy binh ta không hề độ ng  tĩnh, Bô Tâm trễ nải không phòng bị, binh sĩ tứ tán ra ngoài ruộng nương. Tháng Giêng năm Giáp Dần (1674) đời vua Thái Tôn thứ 27, Trấn thủ dinh Thái Khang là Nguyễn Triều  Ð ắc đem việc đề đạt lên, tháng 2 vua sai Chủ tướng dinh Thái Khang là Nguyễn Dương xuất chinh, giao cho Nguyễn Diên làm Cai cơ thống lãnh binh tiên phong, phải đi rất mau chóng cả ngày thâu đ ê m. Tháng 3 Diên Lộc hầu đến trước tại lũy Mô Xoài , nhân chúng không phòng bị xông vào đánh úp, binh sĩ không ai bị sát hại cả; cách 3 ngày bọn chúng nhóm lại vây đánh rất gắt, Diên Lộc hầu đóng cửa lũy không ra ứng chiến, đợi binh Dương Lâm hầu đến bèn hiệp lực ra đánh, binh Cao Miên tan rã, bị tử thương rất đông.  Nhân vậy mới gọi tên là lũy “Phước Tứ” . Sau đại binh tới lấy Sài Gòn, qua tháng 4 hai đạo binh thủy lục liền phá 2 đồn Khu Bích và Nam Vang, đốt phá cả bèn nổi dây sắt của quân địch, khi ấy người Cao Miên nghe thanh oai của Diên Lộc hầu thảy đều run sợ. Bô Tâm trốn vào trong rừng sâu, bị đảng bên vợ là người  Ð ồ Bàn giết chết, con thứ 2 của Sô Vương là Thu ra đầu hàng, từ ấy Cao Miên được bình định. Sau đó Diên Lộc hầu vì leo rừng lội nước, trải đủ gian nan, nên bị trọng bịnh rồi mất, khi ấy báo tiệp và đem cả sự trạng tâu lên. Vua sắc phong cho Thu làm Chánh Vương, Nộn làm Phó Vương như cũ, lại tặng cho Diên Lộc hầu chức Chưởng cơ, thụy là Trung võ, sức lập đền thờ, có cầu khẩn việc gì thường được linh ứng, người Cao Miên qua lại trước đền thì vội rảo bước không dám ngó thẳng vào đền [9] .
Sau “sự kiện Mô Xoài 1874”, luỹ Mô Xoài trở thành cứ điểm phòng thủ trọng yếu của các chúa Nguyễn ở vùng đất này (đạo Mô Xoài). Bên cạnh luỹ Mô Xoài do Bô Tâm (Cao Miên) đắp, còn có một cái ao rộng để tắm voi, được chép trong Gia Định Thành thông chí: “ DỤC TƯỢNG TRÌ (AO TẮM VOI): Tục gọi là Bàu Thành, ở phía bắc lũy Phước Tứ, tổng Phước Hưng, huyện Phước An. Khi xưa là chỗ đồn binh của người Cao Miên Bô Tâm tắm voi, chung quanh đắp đê bằng đất, nay dấu cũ vẫn còn ” [10]. Địa danh Bàu Thành nay vẫn còn, thuộc trị trấn Long Điền, cách sông Mô Xoài (sông Hương Phước, nay gọi là sông Dinh) chừng 4km về phía Đông. Khoảng 10 năm trước đây, dấu tích Bàu Thành vẫn còn gần như nguyên vẹn.
Liên quan đến xứ Mô Xoài còn có đạo Mô Xoài. Đạo là cấp hành chính – quân sự  nhỏ hơn cấp huyện. Đạo Mô Xoài được Gia Định Thành thông chí chép trong đoạn viết về Luỹ Phước Tứ: “ Lũy ấy trải mấy đời sau cũng nhân theo đó nhận làm yếu địa đồn trú cho đạo Mô Xoài , nay giặc giã yên lặng, tứ bề không còn đồn lũy, tuy thành tường đào phá làm ruộng vườn, mà bờ tre còn xanh tốt, còn nhìn nhận được dấu tích lũy xưa” [11] .
5. Tổng hợp những địa danh liên quan đến xứ Mô Xoài, được chép trong sử sách triều Nguyễn
Mô Xoài là tên xưa của vùng đất Bà Rịa, là địa đầu của cả xứ Đồng Nai, là vùng đất mà lớp người Việt đầu tiên đặt chân vào khai phá.
Mô Xoài, Mỗi Xoài, Mỗi Xuy (có sách chép là Mũi Xôi) là tên một ngọn núi, cũng gọi là núi Trấn Biên (có sách chép là Tấn Biên), nay gọi là Núi Dinh, nằm trên địa phận thị xã Bà Rịa hiện nay.
Mô Xoài là tên một con sông, còn gọi là sông Hương Phước (có sách chép là Hưng Phúc), nay mang tên Sông Dinh, chảy qua địa phận thị xã Bà Rịa. Hương Phước (Hưng Phúc) là tên ngôi làng người Việt (Long Hương - Phước Lễ) đầu tiên ở vùng đất Mô Xoài.
Mô Xoài là tên của một vùng đất mà lớp người Việt đầu  tiên vào  Nambộ  khai khẩn. Vùng đất ấy sau được gọi là xứ Mô Xoài. Đó là một vùng đất bao gồm nhiều làng thuộc tổng An Phú (An Phú Hạ) xưa, những ngôi làng người Việt đầu tiên được thành lập trên vùng đất Nam bộ. Thống kê trong Địa bạ triều Nguyễn (tỉnh Biên Hoà) lập năm 1836, còn ghi rõ tên vùng đất này.  Tổng An Phú Hạ  có 7 thôn thì 4 thôn nằm trọn trong xứ Mô Xoài (Mỗi Xoài), tổng diện tích thực canh là 359 mẫu 9 sào 4 thước 3 tấc, chiếm 69% của cả tổng còn ghi tên 4 thôn nằm trọn trong xứ.

Đơn vịDiện tích thực canh:Ghi chú (tổng diện tích) [12]
Tổng An Phú Hạ
517.7.8.5
528.7.8.5
Đại Thuận thôn

Đất gò đồi
Long Hiệp thôn
36.4.7.9
xứ Mỗi Thơm, Núi Đất
Long Hương thôn
02.2.14.3
xứ Mỗi Xoài
Phước Lễ thôn
53.5.2
xứ Mỗi Xoài
Phước Lễ ruộng muối
03.8.12.0
Long Kiên thôn
59.8.13.8
xứ Mỗi Xoài, Bưng Kỳ, Thị Định
Long Xuyên thôn
42.2.4.2
xứ Mỗi Xoài
Phước Long thôn
99.1.9.5
xứ Thao Lao
Mô Xoài còn được đặt tên cho thành (luỹ): lũy Mô Xoài – luỹ Hưng Phước, cũng gọi là luỹ Phước Tứ, lũy Bô Tâm, nằm cạnh Bàu Thành, nay thuộc thị trấn Long Điền, huyện Long Điền. Đây là dấu tích xưa nhất của người Việt từ buổi đầu lập nghiệp, mở mang vùng đất Nam bộ. Các nhà nghiên cứu cần quan tâm nghiên cứu đầy đủ về xứ Mô Xoài và những di tích còn lại để xây dựng phương án bảo tồn và ghi nhận những địa danh xưa nhất của vùng đất này./.
6. Dấu tích còn lại của lũy Mô Xoài
Mô Xoài  không chỉ là tên núi, tên sông, tên đất mà còn là tên thành (luỹ), luỹ Mô Xoài, còn gọi là luỹ Bô Tâm, luỹ Phước Tứ, trên địa phận Bàu Thành (thị trấn Long Điền bây giờ). Bàu Thành – lũy Mô Xoài - di tích xưa nhất của người Việt ở  Nam bộ. Sử sách cũ không mô tả chi tiết, chỉ biết những thông tin quan trọng về lũy Mô Xoài qua các đoạn trích dẫn trên như sau:
-  Mậu Tuất năm thứ 10 [1658], tháng 9, vua nước Chân Lạp, vốn tên Cao Mên là Nặc Ông Chân xâm lấn biên thuỳ, …  Chúa sai phó tướng Dinh Trấn biên là Tôn Thất Yến, Cai đội là Xuân Thắng, Tham mưu là Minh Lộc   đem 3000 quân đến thành Hưng Phúc (bấy giờ gọi là Mỗi Xuy … đánh phá được, bắt được Nặc Ông Chân đưa về[13] .
- Khi ấy địa đầu Gia Định là Mỗi Xuy (hay Mô Xoài) và Đồng Nai (tức nay là Biên Hòa trấn) ấy đã có lưu dân của nước ta đến ở chung lộn với dân Cao Miên khai khẩn ruộng đất. Người Cao Miên rất khâm phục oai đức của triều đình, đem nhượng hết cả đất ấy rồi tránh ở chỗ khác, không dám tranh trở chuyện gì ” [14] .
- Lũy Phước Tứ:  Ở phía đông trạm Hương Phước,  ngang giữa quan lộ. Trước đây chánh Vương Cao Miên là Sô ngự trị ở thành Vũng Long, Phó vương là Nộn ngự trị ở thành Sài Gòn. Con trưởng của Sô là Bô Tâm không đượ c  làm vua, bèn giết cha mà tự lập, rồi sợ Nộn không phục, báo cáo lên triều để đem binh hỏi tội, bèn đắp đồn đất  ở Khu Bích Nam Vang, kết bè nổi giăng dây sắt để tự vệ, lại cầu Tiêm La ứng viện, mưu đánh giết Nộn. Thế Nộn lúc bây giờ bị nguy bức phải chạy qua nương tựa dinh Thái Khang, Bô Tâm bèn chiếm cứ Sài Gòn, mà binh Tiêm không đến, Bô Tâm đắ p  lũy đất ở địa đầu Mô Xoài, ngoài trồng tre gai, đem binh tượng phòng thủ rất chặt chẽ. Trải hơn một năm thấy binh ta không hề độ ng tĩnh, Bô Tâm trễ nải không phòng bị, binh sĩ tứ tán ra ngoài ruộng nương. Tháng Giêng năm Giáp Dần (1674) đời vua Thái Tôn thứ 27, Trấn thủ dinh Thái Khang là Nguyễn Triều  Ð ắc đem việc đề đạt lên, tháng 2 vua sai Chủ tướng dinh Thái Khang là Nguyễn Dương xuất chinh, giao cho Nguyễn Diên làm Cai cơ thống lãnh binh tiên phong, phải đi rất mau chóng cả ngày thâu đ ê m.  Tháng 3 Diên Lộc hầu đến trước tại lũy Mô Xoài , nhân chúng không phòng bị xông vào đánh úp, binh sĩ không ai bị sát hại cả; cách 3 ngày bọn chúng nhóm lại vây đánh rất gắt, Diên Lộc hầu đóng cửa lũy không ra ứng chiến, đợi binh Dương Lâm hầu đến bèn hiệp lực ra đánh, binh Cao Miên tan rã, bị tử thương rất đông. Nhân vậy mới gọi tên là lũy “Phước Tứ” [15] .
- Lũy ấy trải mấy đời sau cũng nhân theo đó nhận làm yếu địa đồn trú cho đạo Mô Xoài , nay giặc giã yên lặng, tứ bề không còn đồn lũy, tuy thành tường đào phá làm ruộng vườn, mà bờ tre còn xanh tốt, còn nhìn nhận được dấu tích lũy xưa”[16] .
- DỤC TƯỢNG TRÌ (AO TẮM VOI): Tục gọi là Bàu Thành, ở phía bắc lũy Phước Tứ, tổng Phước Hưng, huyện Phước An. Khi xưa là chỗ đồn binh của người Cao Miên Bô Tâm tắm voi, chung quanh đắp đê bằng đất, nay dấu cũ vẫn còn ” [17] .   
Tóm tắt các diễn biến trên về lũy Mô Xoài và Bàu Thành như sau: Bàu Thành là tên một cái bàu (bưng – bàu), nằm ở phía bắc  lũy Phước Tứ, (lũy Mô Xoài, lũy Hưng Phúc, lũy Hương Phước, lũy Bô Tâm). Lũy Mô Xoài (lũy Phước Tứ, lũy Hưng Phúc, lũy Hương Phước, lũy Bô Tâm) lúc đầu do người Cao Mên tên là Bô Tâm xâm phạm biên cảnh (xứ Mô Xoài), đắp lũy bằng đất, bên ngoài trồng tre gai, bên trong có đội tượng binh canh giữ. Phía Bắc lũy có ao tắm voi (Bàu Thành). Chúa Nguyễn đã hai lần điều quân vào phá lũy, lần đầu là năm 1658 do phó tướng Dinh Trấn biên là Tôn Thất Yến chỉ huy, lần sau là năm 1674, do Chủ tướng dinh Thái Khang là Nguyễn Dương (Nguyễn Dương Lâm) chỉ huy,Nguyễn Diên làm tiên phong, bình định xứ Mô Xoài. Cả hai lần đều đại thắng, phá được lũy, chiếm được thành, bắt tướng giặc, từ đó, quân Cao Miên không dám xâm phạm biên cảnh nữa. Lũy ấy, trải mấy đời sau cũng nhân theo đó nhận làm yếu địa đồn trú cho đạo Mô Xoài.
Gọi là lũy Mô Xoài (Mỗi Xuy) vì lũy nằm ở xứ Mô Xoài.
Cũng gọi là lũy Hưng Phúc, lũy Hương Phước, vì thời đó xứ Mô Xoài cũng được gọi theo sông, tên làng Hưng Phúc, Hương Phước.
Gọi là lũy Bô Tâm là do Bô Tâm (người Cao Miên) đắp.
Gọi là lũy Phước Tứ là quan niệm như được ý trời ban cho.
Ngày 28-4-2009, chúng tôi đã khảo sát những dấu tích còn lại ở Bàu Thành [18] . Khu vực Bàu Thành được qui hoạch thành Trung tâm văn hóa Bàu Thành huyện Long Đất (nay là huyện Long Điền) theo quyết định 1954-QĐ.UBT ngày 20-7-1997 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Bình Tâm ký, rộng 19,75ha, phía Bắc và phía Đông giáp ruộng lúa, phía nam giáp quốc lộ 55, phía Tây giáp khu dân cư đình Long Phượng (thị trấn Long Điền). Đến nay, các hạng mục chính đã hoàn thành cơ bản và đưa vào sử dụng.
- Khu vực lòng hồ (Bàu Thành) được nạo vét, kè đá.
- Phía  Bắc và phía Nam Bàu Thành còn dấu tích của bờ lũy xưa.
- Phía Đông không còn dấu vết gì của bờ thành.
- Phía Tây (khu vực thành Hưng Phúc – Hương Phước) trải nhiều đời đã bị san lấp mất dấu tích. Hiện nay, tọa lạc ngôi Đền thờ liệt sỹ của huyện Long Điền (xây dựng theo qui hoạch được phê duyệt năm 1997). Luỹ Mô Xoài xưa nằm ở vị trí này. Đây là một gò đất cao, nổi lên giữa ba bề là đồng ruộng, và phần còn lại là khu dân cư của các làng Long Điền, An Ngãi. Những người dân sống lâu đời ở đây thường gọi tên gò đất này là Gò Đồn.
Như vậy, ngoài lòng hồ (Bàu Thành) đã được cải tạo lại, dấu vết còn tương đối nguyên vẹn là đoạn bờ lũy phía Bắc và bờ lũy phía Nam, chiều dài mỗi bờ còn lại khoảng hơn năm trăm bước chân. Chiều cao bờ lũy phía Bắc trung bình từ 5m đến 7m.  Chiều cao bờ lũy phía Bắc trung bình từ 7m đến 10m.  Chân lũy đo được hơn 30 bước chân. Mặt lũy nhiều đoạn rộng từ 12 đến 15 bước chân. Hai bên lũy còn nhiều lùm tre gai um tùm, dày đặc như sách xưa mô tả.
Những người dân sống nhiều đời ở khu vực làng Long Phượng (nay thuộc thị trấn Long Điền phía Tây Nam lũy) và làng An Ngãi (phía Đông nam lũy) cho biết, tù xa xưa, lòng hồ có nhiều sen. Thời phát xít Nhật cai trị (1941-1945), chúng có đóng quân ở đây. Những người dân đến đây hái sen còn vớt được dao găm, kiếm Nhật. Thời Mỹ - Ngụy, một số đơn vị thuộc sư đoàn 18 Ngụy cũng đóng quân ở đây (các đơn vị thuộc chiến đoàn 48, 52). Năm 1973 (sau Hiệp định Pari), lính địa phương quân (lính trực thuộc quận Long Điền) đào đất, đắp công sự, có tên lính còn nhặt được một bộ ấm chén cũ, sau đem về dùng mới biết là bằng vàng ròng, có lẽ từ thời xa xưa sót lại.
Thành Mô Xoài (lũy Phước Tứ) – Bàu Thành chính là di tích xưa nhất của người Việt  ở  Nam bộ, thời khai hoang, mở cõi đất phương Nam cần được khảo sát, nghiên cứu về nhiều mặt, và lập hồ sơ di tích để bảo tồn những dấu tích còn lại.
Xứ Mô Xoài chính là làng Việt đầu tiên trên vùng đất Nam bộ cũng cần được nghiên cứu kỹ hơn, và ghi nhận dấu ấn này, bằng cách trả lại tên xưa cho ngọn núi, dòng sông và những ngôi làng cổ./.



[1]  Trịnh Hoài Ðức: GIA ÐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ, Tập Thượng, Quyển I và II, Nha Văn hóa - Phủ Quốc vụ khanh ðặc trách văn hóa, xuất bản 1972, trang 35-36.
[2]  Trịnh Hoài Ðức: GIA ÐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ, Tập Thượng, Quyển I và II, Nha Văn hóa - Phủ Quốc vụ khanh ðặc trách văn hóa, xuất bản 1972, trang 33.
[3]  Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập Một (phiên dịch: Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính: Đào Duy Anh). Viện KHXH Việt Nam và Nxb Giáo Dục, 2007, trang 165-166.
[4]  Trịnh Hoài Ðức: GIA ÐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ, Tập Thượng , Quyển I và II, Nha Văn hóa - Phủ Quốc vụ khanh ðặc trách văn hóa, xuất bản 1972, Trang 17.
[5]  Trịnh Hoài Ðức: GIA ÐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ, Tập Thượng, Quyển I và II, Nha Văn hóa - Phủ Quốc vụ khanh ðặc trách văn hóa, xuất bản 1972, trang 31.
[6]  Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập 5, Nxb thuận hoá, Huế 2006, trang 67.
[7]  Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập Một (phiên dịch: Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính: Đào Duy Anh). Nxb Giáo Dục, 2007, trang 72. [Trong sách ghi chú thành Hưng Phúc bấy giờ gọi là Mỗi Xuy, nay thuộc huyện Phúc Chính , tỉnh Biên Hoà là chưa chính xác, đúng ra là thuộc  huyện Phước (Phúc) An ]
[8]  Trịnh Hoài Ðức: GIA ÐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ, Tập Trung, Quyển III, Nha Văn hóa - Phủ Quốc vụ khanh ðặc trách văn hóa, xuất bản 1972, trang 6-7.
[9]  Trịnh Hoài Ðức: GIA ÐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ, Tập Hạ, Quyển IV-V-VI, Nha Văn hóa - Phủ Quốc vụ khanh ðặc trách văn hóa, xuất bản 1972, trang 104-105. [Nguyễn Dương: có sách chép là nguyễn Dương Lâm]
[10]  Trịnh Hoài Ðức: GIA ÐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ, Tập Hạ, Quyển IV-V-VI, Nha Văn hóa - Phủ Quốc vụ khanh ðặc trách văn hóa, xuất bản 1972, trang 107.
[11]  Trịnh Hoài Ðức: GIA ÐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ, Tập Hạ, Quyển IV-V-VI, Nha Văn hóa - Phủ Quốc vụ khanh ðặc trách văn hóa, xuất bản 1972, trang 104-105.
[12]  Bảng thống kê trên được trích lập từ cuốn Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - tỉnh Biên Hoà của Nguyễn Đình Đầu, Nxb thành phố Hồ Chí Minh 1994, mục C: Huyện Phước An, từ trang 263 đến trang 289.
[13]  Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập Một (phiên dịch: Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính: Đào Duy Anh). Nxb Giáo Dục, 2007, trang 72. [Trong sách ghi chú thành Hưng Phúc bấy giờ gọi là Mỗi Xuy, nay thuộc huyện Phúc Chính , tỉnh Biên Hoà là chưa chính xác, đúng ra là thuộc  huyện Phước (Phúc) An ]
[14]  Trịnh Hoài Ðức: GIA ÐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ, Tập Trung, Quyển III, Nha Văn hóa - Phủ Quốc vụ khanh ðặc trách văn hóa, xuất bản 1972, trang 6-7.
[15]  Trịnh Hoài Ðức: GIA ÐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ, Tập Hạ, Quyển IV-V-VI, Nha Văn hóa - Phủ Quốc vụ khanh ðặc trách văn hóa, xuất bản 1972, trang 104-105. [Nguyễn Dương: có sách chép là nguyễn Dương Lâm]
[16]  Trịnh Hoài Ðức: GIA ÐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ, Tập Hạ, Quyển IV-V-VI, Nha Văn hóa - Phủ Quốc vụ khanh ðặc trách văn hóa, xuất bản 1972, trang 104-105.
[17]  Trịnh Hoài Ðức: GIA ÐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ, Tập Hạ, Quyển IV-V-VI, Nha Văn hóa - Phủ Quốc vụ khanh ðặc trách văn hóa, xuất bản 1972, trang 107.
[18]  Tham gia đoàn khảo sát có anh Nguyễn Xuân Thụ, uỷ viên Ban Chấp hành Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh Nguyễn Hồng Hải, Chi hội phó Chi hội sử học huyện Long Điền, Hoàng Chương, cộng tác viên tờ Thông tin Khoa học Lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét