Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Thi đua yêu nước ở Thái Nguyên thời kháng Pháp - Mỹ (1948 - 1975)


Thi đua yêu nước ở Thái Nguyên thời kháng Pháp - Mỹ (1948 - 1975) 

Khóa luận tốt nghiệp - Bùi Thị Huyền (ĐH Sư phạm Hà Nội)

          Phong trào thi đua yêu nước là một sáng tạo rất đặc sắc của cách mạng Việt Nam theo đường lối chủ nghĩa Mác – Lênin và những kinh nghiệm quý báu của Liên Xô, Trung Quốc. Trong thời kỳ kháng chiến nó đã phát huy đến cao độ nhiệt tình yêu nước của nhân dân ta, từ phòng ngự chuyển sang phản công, đập tan xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ, hoàn toàn giải phóng đất nước, đem lại hòa bình, độc lập, chủ quyền cho nhân dân. Những anh hùng, chiến sỹ thi đua là những công nhân, nông dân, lao động chân tay và trí óc, một lòng một dạ trung thành với nhân dân, với Đảng và chính phủ, hi sinh cả tính mạng của mình để giành lấy tự do cho dân tộc.
          Từ ngày hòa bình lập lại đến nay, phong trào thi đua yêu nước không ngừng phát triển và mở rộng trong hoàn cảnh mới và điều kiện thuận lợi mới. Rõ ràng thi đua là một phong trào cách mạng, một phương pháp công tác cách mạng, chỉ có dưới sự lãnh đạo của một chính Đảng cách mạng, dưới một chính thể cách mạng thì mới có một phong trào quần chúng thi đua mạnh mẽ, phấn khởi vì lợi ích của cách mạng và lợi ích của bản thân mình. Phong trào thi đua yêu nước không những nhằm đạt được những mục tiêu phấn đấu cụ thể của từng lúc mà còn nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của quần chúng, nâng cao giác ngộ giai cấp và ý thức chủ nhân của đất nước.
          Phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta ngày càng củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh công nông, phát triển chế độ ta về kinh tế, chính trị, quân sự, xã hội, đoàn kết mật thiết với các nước anh em trong phe Xã hội chủ nghĩa.
          Thi đua yêu nước là một phong trào quần chúng nảy nở và phát triển trong đấu tranh cách mạng, dưới sự chỉ đạo của một chính Đảng cách mạng, một chính quyền cách mạng. Phong trào thi đua yêu nước là một sản phẩm vĩ đại, đẻ ra trong kháng chiến chống ngoại xâm ở Việt Nam rất đáng được quan tâm nghiên cứu.
          Tháng 6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 195 thành lập Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương. Sau đó, ngày 11/6/1948, Hồ chủ tịch đã ra lời kêu gọi chính thức phát động Cuộc vận động thi đua ái quốc với mục đích: diệt giặc đói; diệt giặc dốt; diệt giặc ngoại xâm với cách làm là dựa vào lực lượng và tinh thần của dân để đạt kết quả: dân tộc độc lập - dân quyền tự do - dân sinh hạnh phúc. 
          Kể từ đó trở đi, phong trào thi đua ái quốc (sau gọi là thi đua yêu nước) diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Tùy theo tình hình thực tế của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử mà Ban thi đua đề ra những yêu cầu, mục đích khác nhau và cứ cách vài năm, các đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc được tổ chức một lần. Trong những kỳ đại hội ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tham dự và tận tình quan tâm, động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời.
          Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Thái Nguyên được Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ chọn làm nơi xây dựng An toàn khu (ATK) căn cứ địa cách mạng, trong đó Thái Nguyên có vinh dự ở vào vị trí trung tâm của Thủ đô kháng chiến với bao địa danh đã đi vào lịch sử như: Khau Tý, Tỉn Keo, Điềm Mạc, Phú Đình, Bảo Biên, Định Biên (Định Hóa)...Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Nguyên cũng anh dũng đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ và chi viện cho miền Nam. Trong hai cuộc kháng chiến ấy, Thái Nguyên là một trong những tỉnh có phong trào thi đua yêu nước lớn mạnh trong cả nước. Và chính nhờ hưởng ứng tốt phong trào thi đua yêu nước mà lịch sử cách mạng Thái Nguyên là lịch sử cách mạng đầy chiến công. Cuộc vận động thi đua yêu nước ở Thái Nguyên trở thành vấn đề rất tiêu biểu của lịch sử yêu nước, đấu tranh cách mạng của tỉnh mà qua đó thấy được truyền thống lịch sử hào hùng của nhân dân Thái Nguyên trên tất cả các mặt, ở mọi thời điểm.
          Là một người con của mảnh đất Thái Nguyên anh hùng, em rất mong muốn hiểu rộng, hiểu sâu về lịch sử cách mạng của quê hương mình. Đó vừa là điều khiến em tự hào vừa là đóng góp dù chỉ là nhỏ bé cho quê hương. Em mạnh dạn lựa chọn nghiên cứu đề tài: “Cuộc vận động thi đua yêu nước ở Thái Nguyên (1948 – 1975)”.
          Một lý do khác khiến bản thân em hứng thú với đề tài là việc sau này em sẽ trở thành một người giáo viên dạy lịch sử. Muốn có những bài giảng hay và những kiến thức đúng truyền đạt cho học sinh thì phải hiểu về lịch sử địa phương, hiểu lịch sử địa phương để hiểu lịch sử dân tộc.
          Nghiên cứu đề tài em sẽ có điều kiện để hiểu thêm về phong trào thi đua yêu nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong lịch sử đấu tranh cách mạng cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.
Phong trào thi đua yêu nước là một vấn đề mang tính toàn diện. Có thể nói nó giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Cho nên, nghiên cứu phong trào thi đua yêu nước luôn là vấn đề thu hút nhiều nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, thi đua yêu nước ở Thái Nguyên thì cho đến nay vẫn chưa có một công trình chuyên khảo nào viết. Hầu hết các tài liệu đã công bố chỉ nói đến một vài phong trào tiêu biểu mang tính chất minh họa cho một thời kỳ, một phương pháp đấu tranh cách mạng cụ thể.
          Cuốn “Thái Nguyên, 40 năm xây dựng và trưởng thành (1945 – 1985) do Ban thường vụ thành ủy Thái Nguyên xuất bản năm 1985 ở một khía cạnh nào đó đã nhắc tới các phong trào thi đua yêu nước ở Thái Nguyên và nêu một số thành tích thi đua cụ thể. Cuốn “Chiến sỹ thi đua tỉnh Thái Nguyên”, Ty tuyên truyền văn hóa Thái Nguyên xuất bản năm 1953 cũng có những dẫn chứng cụ thể về các gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước ở Thái Nguyên thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó thực sự là những nguồn tư liệu quý bổ sung cho việc làm sáng tỏ đề tài về mặt sự kiện cũng như dẫn chứng minh họa.
Với mong muốn làm sáng tỏ về cuộc vận động thi đua yêu nước sôi nổi ở Thái Nguyên trong hai cuộc kháng chiến, dưới góc độ phân tích, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện, khách quan, em chọn nghiên cứu đề tài: “Cuộc vận động thi đua yêu nước ở Thái Nguyên (1948 – 1975)”.
Do còn hạn chế về trình độ cũng như khó khăn trong việc tìm các nguồn tư liệu nên việc nghiên cứu đề tài sẽ không tránh khỏi những khiếm khuyết, sai lầm. Song, với những cố gắng có thể, bản thân em vẫn mạnh dạn nghiên cứu đề tàimong muốn có được những hiểu biết thêm về lịch sử cách mạng quê hương, mặt khác cũng mong có được những kinh nghiệm cho những nghiên cứu về sau.
3.1. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
          Đề tài tập chung nghiên cứu về cuộc vận động thi đua yêu nước ở Thái Nguyên giai đoạn từ (1948 – 1975), tức là từ khi Hồ Chủ tịch phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn quốc (tháng 6/1948) tới khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), trong đó chú trọng tới việc phân tích, đánh giá về các phong trào thi đua sản xuất, chiến đấu, chi viện của quân và dân Thái Nguyên, nêu lên các thành tích cụ thể mà nhân dân Thái Nguyên đã đạt được trong các phong trào thi đua này. Đồng thời, đề tài sẽ khẳng định quan hệ hữu cơ giữa thi đua với yêu nước, “thi đua là yêu nước, yêu nước là thi đua”. Nghiên cứu cũng đặc biệt chú trọng đưa ra một số gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước ở Thái Nguyên – minh chứng cho những thành tích mà quân và dân Thái Nguyên đã làm được trong cuộc vận động thi đua yêu nước giai đoạn (1948 – 1975). Còn những thông tin về tỉnh Thái Nguyên, như điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội…chỉ nêu những nét chung nhất.
Thứ nhất: Trình bày những vấn đề khái quát về tỉnh Thái Nguyên: điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, truyền thống cách mạng…
 Thứ hai: Tìm hiểu cụ thể về việc hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước ở Thái Nguyên trong kháng chiến chống Pháp: về thi đua sản xuất diệt giặc đói, ủng hộ bộ đội, thi đua diệt giặc dốt, thi đua diệt giặc ngoại xâm…
          Thứ ba: Tìm hiểu tiếp tục cuộc vận động thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực ở Thái Nguyên trong suốt những năm dài kháng chiến chống Mỹ cứu nước, và khẳng định tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng của quân và dân Thái Nguyên ở mọi hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh cũng như thời bình.
Để nghiên cứu đề tài em đã khai thác nguồn tư liệu sau:
® Nguồn tư liệu thành văn:
-  Các Văn Kiện của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên
- Các chủ trương, báo cáo tổng kết hàng năm của các phòng ban, UBND tỉnh Thái Nguyên
- Các sách báo tạp chí TW và Tỉnh như: Tạp chí nghiên cứu lịch sử, báo nhân dân, báo Thái Nguyên
- Các khoá luận, luận văn tốt nghiệp có liên quan đến đề tài.
® Nguồn tư liệu truyền miệng: lời kể của các cụ già, những người dân đang sống và làm việc tại địa phương.
® Tư liệu điền dã: quan sát, sưu tầm phim, ảnh, có sự giúp đỡ của các phòng văn hóa, sở văn hóa thông tin tại địa phương.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

Đây là một đề tài thuộc lĩnh vực khoa học lịch sử, nên phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phương pháp lịch sử, nhằm nêu bật việc hưởng ứng tích cực phong trào thi đua yêu nước ở Thái Nguyên giai đoạn (1948 – 1975). Đồng thời đề tài cũng sử dụng phương pháp lôgic để đi đến những nhận định, đánh giá mang tính khái quát.
Đề tài nghiên cứu về lịch sử địa phương nên khi sưu tầm tài liệu có kết hợp giám định tài liệu, phân loại tài liệu theo vấn đề, thời gian. Rồi dùng phương pháp thống kê, đối chiếu, so sánh, phân tích tổng hợp kết hợp điều tra, điền dã. Các phương pháp trên có kết hợp nhuần nhuyễn với nhau.
Đây là một đề tài nghiên cứu về lịch sử địa phương nên đã khai thác những tư liệu của địa phương là chính. Đề tài dựng lên bức tranh hoàn chỉnh về cuộc vận động thi đua yêu nước ở Thái Nguyên (1948 – 1975), như thi đua sản xuất, chi viện, chiến đấu, thi đua trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội …ở mỗi thời kỳ lịch sử là khác nhau. Trên cơ sở đó rút ra nhận thức khoa học về cuộc vận động thi đua yêu nước trong toàn quốc. Khẳng định những tác dụng to lớn của cuộc vận động thi đua yêu nước đối với cuộc cách mạng của dân tộc trong lịch sử cũng như trong giai đoạn hiện nay.
Qua đề tài này chứng minh được những đóng góp to lớn của quân và dân Thái Nguyên đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc. Từ đó giúp nhân dân Thái Nguyên thêm tự hào về những cống hiến của ông cha. Đồng thời, đề tài này không chỉ góp một phần cho sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử địa phương, đóng góp tài liệu vào việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập lịch sử địa phương, mà đối với thế hệ trẻ, đây còn là một tài liệu hữu ích trong việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước, tinh thần trách nhiệm đối với quê hương.
Đề tài ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục thì gồm ba chương:
Chương 1: Khái quát về vị trí chiến lược, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng ở Thái Nguyên
Chương 2: Thi đua yêu nước ở Thái Nguyên trong kháng chiến chống Pháp (1948 – 1954)
Chương 3: Thi đua yêu nước ở Thái Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975)




          Khu di tích Thần Sa với những di chỉ được phát hiện ở Phiêng Tụng, Hang đá Ngườm, Thăm Chong, Nà Ngần…đã chứng minh rằng: “tại Thái Nguyên đã tồn tại một nền văn hóa cổ nhất Việt Nam nói riêng và cả vùng Đông Nam Á nói chung”. [40]. Nhiều cảnh núi non hùng vĩ cùng những hang động đầy bí ẩn vẫn giữ nguyên dấu tích thuở hồng hoang của người nguyên thủy sinh sống với nền văn hóa cổ Thần Sa, nằm trong nguồn mạch chung của nền văn hóa nguyên thủy trên đất nước Việt Nam.
          Thời Hùng Vương, tỉnh Thái Nguyên ngày nay gọi là bộ Vũ Định. Dưới thời Tiền Lê, thời Lý gọi là Châu Vũ Lặc. Đời Trần, năm Quang Thuận thứ 10 (1397) đổi thành trấn Thái Nguyên. [17].
          Sau khi nhà Minh chiếm được nước ta, từ năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407) chúng đặt làm 15 phủ và 6 châu. Thái Nguyên là một trong 6 châu thuộc quận Giao Chỉ. Năm Vĩnh Lạc thứ 8 (1410), Châu Thái Nguyên đổi thành phủ Thái Nguyên.
          Cuối thế kỷ XVI, các tập đoàn phong kiến Mạc, Trịnh, Nguyễn, tranh giành quyền lực, gây chia cắt, loạn lạc triền miên. Trấn Thái Nguyên là một trong những nơi diễn ra các cuộc xung đột dữ dội. Đến năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), khi nhà Mạc mất, 4 châu phía bắc thuộc phủ Cao Bằng (Thượng Lang, Hạ Lang, Thạch Lâm, Quảng Uyên) đã từng bị nhà Mạc chiếm giữ nay được bình định nhưng lại tách riêng để thành lập trấn Cao Bằng. Như vậy, trấn Thái Nguyên chỉ còn lại phần đất đai của hai phủ Phú Bình và Thông Hóa. Đầu thời Nguyễn, năm 1807 vẫn như vậy. Đến năm Minh Mạng Thứ 12 (1831), trấn Thái Nguyên được đổi thành tỉnh Thái Nguyên. Năm 1835, Minh Mạng tách 4 châu, huyện thuộc phủ Phú Bình là Định Châun Lãng, Đại Từ, và Phú Lương để thành lập một phủ mới gọi là phủ Tùng Hóa. [22; 147]. Tỉnh Thái Nguyên lúc này gồm ba phủ: Phú Bình (có Châu Vũ Nhai, huyện Đồng Hỷ, Tư Nông, Phổ Yên và Bình Tuyền), phủ Tùng Hóa (có châu Định Hóa, các huyện Phú Lương, Đại Từ, Văn Lãng), phủ Thông Hóa (có Châu Bạch Thông và huyện Cảm Hóa).
          Sau khi chiếm được tỉnh Thái Nguyên, ngày 14/1/1900, thực dân Pháp cắt phủ Thông Hóa thành lập một tỉnh mới gọi là tỉnh Bắc Kạn. Tỉnh Thái Nguyên chỉ còn lại phần đất thuộc hai phủ Phú Bình và Tùng Hóa.
          Sau ngày hòa bình lập lại, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, do nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng, ngày 21/4/1965 hai tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên hợp nhất thành một tỉnh lấy tên là Bắc Thái.
          Ngày 6/11/1996, Quốc hội khóa IX ra nghị quyết tái lập hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.
          Ngày 1/1/1997, tỉnh Thái Nguyên chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới.
          Toàn tỉnh Thái Nguyên (theo quyết định số 42UB/QĐ ngày 23/5/1997 của chủ nhiệm Ủy ban dân tộc và miền núi) có tới 18 xã vùng cao (khu vực III), 79 xã miền núi (khu vực II), 14 xã khu vực I, và 11 thị trấn miền núi gồm: Chợ Chu, Chùa Hang, Sông Cầu, Trại Cau, Đại Từ, Quân Chu, Đu, Giang Tiên, Đình Cả, Bắc Sơn.
          Thái Nguyên là một tỉnh miền núi trung du, nằm trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có diện tích tự nhiên 3.562,82 km2, Thái Nguyên là một tỉnh không lớn, chỉ chiếm 1,13% diện tích và 1,41% dân số so với cả n­ước.
          Tỉnh Thái Nguyên phía Bắc tiếp giáp với Tỉnh Bắc Kạn, phía tây giáp với Tỉnh Vĩnh Phúc và Tỉnh Tuyên Quang, phía đông giáp với các Tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang và phía nam tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội.
          Với vị trí địa lý là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi đông bắc nói chung, Thái Nguyên là cửa ngõ giao l­ưu  kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc bộ. Việc giao lưu đã được thực hiện thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt mà thành phố Thái Nguyên là đầu nút.
          Cùng với vị trí trung tâm của Việt Bắc, Thái Nguyên còn là nơi hội tụ nền văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc, là đầu mối các hoạt động văn hóa, giáo dục của cả vùng núi phía Bắc rộng lớn.
          Thái Nguyên có nhiều dãy núi cao chạy theo hướng Bắc Nam và thấp dần xuống phía Nam. Cấu trúc vùng núi phía Bắc chủ yếu là đá phong hóa mạnh, tạo thành nhiều hang động và thung lũng nhỏ.
          Phía Tây Nam có dãy Tam Đảo với đỉnh cao nhất 1.590m, các vách núi dựng đứng và kéo dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.
          Ngoài dãy núi trên còn có dãy Ngân Sơn bắt đầu từ Bắc Kạn chạy theo hướng Đông Bắc, Tây Nam đến Võ Nhai và dãy núi Bắc Sơn chạy theo hướng Tây Bắc, Đông Nam. Cả ba dãy núi Tam Đảo, Ngân Sơn, Bắc Sơn đều là những dãy núi cao che chắn gió mùa đông bắc.
          Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi nhưng địa hình lại không phức tạp lắm so với các tỉnh trung du, miền núi khác, đây là một thuận lợi của Thái Nguyên cho canh tác nông lâm nghiệp và phát triển kinh tế xã hội nói chung so với các tỉnh trung du miền núi khác.
          Khí hậu Thái Nguyên vào mùa đông được chia thành 3 vùng rõ rệt:
          - Vùng lạnh nhiều nằm ở phía bắc huyện Võ Nhai.          
          - Vùng lạnh vừa gồm các huyện Định Hóa, Phú L­ương và phía Nam Võ Nhai.       
          - Vùng ấm gồm các huyện: Đại Từ, Thành phố Thái Nguyên, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên và Thị xã Sông Công.
          Nhiệt độ chênh lệch giữa tháng nóng nhất (tháng 6: 28,90) với tháng lạnh nhất (tháng 1: 15,20) là 13,70. Tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1.300 đến 1.750 giờ và phân phối t­ương đối đều cho các tháng trong năm.
          Khí hậu Thái Nguyên chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa m­ưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. L­ượng m­ưa trung bình hàng năm khoảng 2.000 đến 2.500mm; cao nhất vào tháng 8 và thấp nhất vào tháng 1.
          Nhìn chung khí hậu tỉnh Thái Nguyên thuận lợi cho phát triển ngành nông, lâm nghiệp.
          Tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích là 356.282 ha. Cơ cấu đất đai gồm các loại sau:
          - Đất núi chiếm 48,4% diện tích tự nhiên, có độ cao trên 200m, hình thành do sự phong hóa trên các đá Macma, đá biến chất và trầm tích. Đất núi thích hợp cho việc phát triển lâm nghiệp, trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng kinh doanh nhưng cũng thích hợp để trồng cây ăn quả, một phần cây l­ương thực cho nhân dân vùng cao.
          - Đất đồi chiếm 31,4% diện tích tự nhiên chủ yếu hình thành trên cát kết, bột kết phiến sét và một phần phù sa cổ kiến tạo. Đây là vùng đất xen giữa nông và lâm nghiệp. Đất đồi tại một số vùng như­ Đại Từ, Phú Lương... ở từ độ cao 150 m đến 200 m có độ dốc từ 50 đến 200 phù hợp đối với cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm.
          - Đất ruộng chiếm 12,4% diện tích đất tự nhiên, trong đó một phần phân bố dọc theo các con suối, rải rác, không tập trung, chịu sự tác động lớn của chế độ thủy văn khắc nghiệt (lũ đột ngột, hạn hán...) khó khăn cho việc canh tác.
          Trong tổng qũy đất 356.282 ha, đất đã sử dụng là 246.513 ha (chiếm 69,22 % diện tích đất tự nhiên) và đất chưa sử dụng là 109.669 ha (chiếm 30,78 % diện tích tự nhiên). Trong đất chưa sử dụng có 1.714 ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp và 41.250 ha đất có khả năng sản xuất lâm nghiệp.
          Thái Nguyên có tài nguyên nước khá dồi dào, trên địa bàn tỉnh có sự chi phối của hệ thống sông ngòi, kênh mương tương đối dày.
          Các con sông lớn ở Thái Nguyên là Sông Cầu ở phía đông, sông Công ở phía tây, cùng rất nhiều các nhánh sông nhỏ, hệ thống ao, hồ, sông suối cũng phân bố khắp nơi.
          Sông Cầu là dòng chảy lớn, có rất nhiều phụ lưu. Các phụ lưu chính đều nằm trong phạm vi tỉnh Thái Nguyên (trừ con sông Cà Lồ chảy từ Vĩnh Phúc sang). Sông Cầu tuy không nhiều phù sa nhưng phù sa rất tốt nên hàng năm đã bồi đắp hàng trăm hecta soi bãi màu mỡ để nhân dân gieo trồng rau màu và tưới tiêu hàng ngàn hecta lúa hai vụ cho các huyện.
          Ở hữu ngạn có sông Chợ Chu chảy từ Định Hóa ra, gặp sông Cầu ở Chợ Mới (Bắc Kạn), đây là con sông khá hẹp, lắm thác ghềnh, giao thông đường thủy không thuận lợi.
          Sông Đu chảy qua huyện Phú Lương, gặp sông Cầu ở Sơn Cẩm. Với chiều dài 44,5km và diện tích lưu vực là 361km[48], phụ lưu sông Đu cũng góp thêm vào dòng chảy chính sông Cầu một lượng đáng kể.
          Sông Công là phụ lưu lớn nhất của sông Cầu, sông Công dài tới 96km, lưu vực rộng tới 951km2, lượng nước sông Công rất dồi dào do chảy qua khu vực nhiều mưa nhất của Thái Nguyên. Trên sông Công có đập thủy lợi Núi Cốc, tưới cho 12.000 ha lúa hai vụ của các huyện phía nam tỉnh Thái Nguyên.
          Ngoài ra còn có sông Khe Mo, Huống Thượng, là những con sông nhỏ nhưng đã góp phần tưới tiêu cho các cánh đồng lúa, rau, hoa của huyện Đồng Hỷ và các vùng ven ngoại ô thành phố Thái Nguyên.
          Thái Nguyên không có hồ tự nhiên, nhưng sức trẻ và con người Thái Nguyên đã đắp đập, ngăn sông, tạo ra một hệ thống hồ nhân tạo phong phú, hầu như ở huyện nào cũng có.
          Hồ lớn nhất và quan trọng hơn cả là Hồ Núi Cốc trên sông Công với đập chính dài 496m, cao 20m và 7 đập phụ khác. Hồ có độ sâu 25 – 30m, mặt nước rộng từ 25 – 30 km2 và có hàng chục đảo lớn, nhỏ. Hồ đã tưới tiêu cho hàng chục hecta lúa, hoa màu và cung cấp hàng trăm tấn cá, tôm mỗi năm cho nhân dân. Hồ Núi Cốc còn là điểm thăm quan du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi về với Thái Nguyên.
          Thái Nguyên còn có các hồ Bảo Linh, Quán Chẽ, Phú Xuyên, Tích Lương, Suối Lạnh…cũng là những công trình hồ nhân tạo do sức trẻ, sự cần cù, sáng tạo của nhân dân Thái Nguyên xây dựng nên.
           Sông, hồ nhiều mang đến cho Thái Nguyên nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Ở những vùng thấp ven sông mùa mưa lũ hay úng lụt, gây trở ngại không nhỏ tới sự phát triển kinh tế, xã hội.
          Là vùng đất nối liền Đồng Bằng Bắc Bộ với vùng núi phía Bắc, Thái Nguyên trở thành vùng đất hội nhập cư dân, kinh nghiệm lao động từ ngàn đời đã tạo nên một Thái Nguyên xanh tươi những đồng lúa và những bãi màu trồng lạc.  
          Về nông nghiệp, đất canh tác ở Thái Nguyên chỉ chiếm 13% diện tích đất tự nhiên. Vùng cao hầu hết là những chân ruộng bậc thang, trải dọc theo các thung lũng, ven sông. Vùng trung du có xen kẽ những cánh đồng bằng phẳng, khá rộng lớn, nhưng có nhiều nơi đất đai bị bạc màu. Đã vậy, thiên nhiên thường hay khắc nghiệt, lúc rét đậm, khi hạn hán, lũ lụt, sâu keo nên khi sản xuất gặp nhiều khó khăn, cho tới năm 1995, bình quân lương thực toàn tỉnh Bắc Thái mới đạt 240 kg /người/ 1năm. Bù lại sự hụt hẫng về lương thực, nông dân đã phát huy thế mạnh vùng đồi, hàng năm, sản xuất được từ 4 đến 5 ngàn tấn chè búp khô. Chè Thái Nguyên nổi tiếng có hương vị thơm, ngon, đậm đà, trở thành mặt hàng đặc sản cung cấp cho thị trường trong nước và cho xuất khẩu. Sản phẩm chè nổi tiếng của Thái Nguyên là chè Tân Cương đã được khắp nơi biết đến không chỉ trong nước mà còn trên khắp thế giới. Chè được trồng ở tất cả các huyện, thị xã nhưng vùng có diện tích chè lớn nhất tỉnh là ở các huyện Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ.
          Những năm gần đây, do có chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy về chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nông dân Thái Nguyên đã trồng rất nhiều mơ, tập trung chủ yếu ở huyện Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên. Mơ trở thành mặt hàng đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Ngoài ra, Thái Nguyên còn là tỉnh có khả năng phát triển các loại cây công nghiệp khác như mía, đỗ tương, lạc…và nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm để chế biến thực phẩm phục vụ đời sống, sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu.
          Mặc dù có vùng trung du nhưng Thái Nguyên vẫn là tỉnh miền núi, rừng và đất rừng vẫn chiếm diện tích tương đối lớn. Trải qua những năm tháng chiến tranh cùng với việc khai thác rừng bừa bãi, nhất là nạn phá rừng của nông dân để lấy đất làm nông nghiệp đã làm cho diện tích rừng của Thái Nguyên giảm đi nghiêm trọng. Từ năm 1986 trở lại đây, nhờ có chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước về rừng và đất rừng, việc trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi sinh, chống sói mòn, lũ lụt, tạo điều kiện cho kinh tế rừng phát triển.
          Trong sự nghiệp xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thái Nguyên đã từng bước hình thành ba khu công nghiệp lớn:
          - Khu công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên bắt đầu được xây dựng từ tháng 3/1958, đi vào sản xuất từ tháng 11/1963. Đây là khu công nghiệp luyện kim có quy mô lớn đầu tiên của nước ta, hàng năm sản xuất từ 2,2 vạn đến 3 vạn tấn thép cho đất nước.
          - Khu công nghiệp Sông Công bao gồm các nhà máy sản xuất vòng bi, chế tạo máy Điêzen, dụng cụ y tế…
          - Khu khai thác mỏ: bao gồm các mỏ than Núi Hồng, Phấn Mễ, Quán Triều, mỏ sắt Trại Cau, Linh Nhan, mỏ kẽm Bản Thi, mỗi năm khái thác khoảng 10 vạn tấn than, hàng vạn tấn quặng sắt, kẽm, vàng sa khoáng huyện nào cũng có, được khai thác nhiều ở các huyện Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ.
          Thái Nguyên còn có rất nhiều các xí nghiệp bao gồm các cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ, vật liêu xây dựng, xí nghiệp quốc phòng, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, điện tử, bia, nước giải khát…Đi đôi với việc xuất hiện nền công nghiệp, ở tất cả các khu vực nói trên đội ngũ công nhân đã hình thành đông tới trên 15 vạn người trong đó trên 70% là công nhân có tay nghề từ bậc bốn trở lên.
          Về dân cư và phân bố dân cư: Dân số tỉnh Thái Nguyên theo điều tra dân số 01/04/2009 là 1.124.786 người. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó có 8 dân tộc chủ yếu đó là KinhTàyNùngSán DìuH’môngSán ChayHoa và Dao. Dân cư phân bố không đều, vùng cao và vùng núi dân cư rất thưa thớt, trong khi đó ở thành thị và đồng bằng dân cư lại dày đặc. Mật độ dân số thấp nhất là huyện Võ Nhai 72 người/km2, cao nhất là thành phố Thái Nguyên với mật độ 1.260 người/km2. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, trong 10 năm (1999 - 2009) dân số tỉnh tăng bình quân 0,7% /1năm, thấp hơn mức bình quân của cả nước là 1,2% do có nhiều người di chuyển đi các tỉnh khác. 3 huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Bình có mức tăng trưởng dân số âm.
          Thái Nguyên có một nền văn hóa, giáo dục và y tế khá phát triển, Hệ thống giáo dục phổ thông gồm rất nhiều trường, lớp, trong đó có trường phổ thông trung học Vùng Cao Việt Bắc đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em các dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa được đến trường học tập. Đại học Thái Nguyên đóng ngay tại thành phố Thái Nguyên gồm một hệ thống các trường đại học lớn như: Đại học sư phạm, Đại học Y Khoa, Đại học Nông Lâm, Đại học Kinh Tế và Quản Trị Kinh Doanh, Đại học Công Nghiệp…Ngoài ra còn có rất nhiều các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề…hàng năm đào tạo cho xã hội hàng ngàn cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân…
          Hệ thống Y tế Thái Nguyên phát triển tương đối hoàn chỉnh với nhiều cơ sở khám chữa bệnh, nhiều y, bác sỹ, y tá, và hàng trăm cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.
          Sự nghiệp văn hóa Thái Nguyên cũng có rất nhiều tiến bộ. Thái Nguyên đã có 3 sân vận động lớn, sức chứa trên 5,5 vạn người, có nhiều thư viện, câu lạc bộ, nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Hệ thống phát thanh đã phủ sóng 100%, cư dân có thể thu được sóng truyền hình tỉnh.
          Tại Thành phố Thái Nguyên có Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, Bảo tàng Quân khu I.
          Các di tích lịch sử: Tại Huyện Định Hoá có di tích lịch sử An Toàn Khu (gọi tắt là ATK) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ­ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tham m­ưu đã lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những năm 1946 - 1954, các địa danh nơi thành lập Việt Nam Giải phóng quân năm 1945 và hoạt động của cách mạng Việt Nam trước năm 1945.
          Các di tích kiến trúc nghệ thuật gồm có: Chùa Phù Liễn, Chùa Hang, Đền Đội Cấn, Đền X­ương Rồng, Đền Đuổm, Đình Phương Độ, Đền Lục Giáp.
          Di tích khảo cổ học: Hang Phiêng Tụng ở xã Thần Sa huyện Võ Nhai là di tích khảo cổ học thời đại đồ đá cũ.
          Ngày hội truyền thống của các dân tộc tỉnh Thái Nguyên mang đậm tính bản địa. Đó là hội Lồng tồng (xuống đồng), Hội Đóc pò, hội Then…Lễ hội lớn nhất là lễ hội Đền Đuổm (Phú Lương) vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội tạ ơn công đức của danh tướng Dương Tự Minh. Ngoài ra còn có lễ hội Núi n - Núi Võ (Đại Từ), lễ hội đền Lục Giáp (Phổ Yên), Hội Thanh Ninh (Phú Bình), hội Chùa Hang, chùa Phủ Liễn…mỗi lễ hội một dáng vẻ riêng nhưng đều thành kính, uy nghiêm, và tưng bừng.
          Về tôn giáo: quá nửa dân số Thái Nguyên theo đạo Phật, Đạo Thiên Chúa ở Thái Nguyên từ năm 1800 có 4 xứ đạo và 32 họ lễ. Thái Nguyên từ lâu đã là nơi giáo hội chú trọng phát triển giáo dân, hiện nay chiếm 1,71% tổng số dân trong tỉnh.
          Dù tôn giáo, tín ngưỡng và thành phần dân tộc khác nhau nhưng nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã cùng nhau đoàn kết, ra sức bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
          Do vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nên trong lịch sử, trải qua nhiều thế hệ nối tiếp, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm và các tập đoàn phong kiến phản động. Từ trong lò lửa của các cuộc đấu tranh đó, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã sớm gây dựng cho mình truyền thống kiên cường, bất khuất, đoàn kết, thủy chung, thông minh sáng tạo. Từ đời này sang đời khác, truyền thống tốt đẹp đó được hun đúc, trở thành một phẩm chất đặc biệt trong nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
          Sử cũ chép rằng, ngay từ cuối thế kỷ II (trước Công Nguyên), nhân dân Thái Nguyên đã nổi dậy theo Tây Vụ Vương chống lại quân xâm lược nhà Hán, đóng góp một phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh, giành nền độc lập cho dân tộc. Đến năm 40, với lòng yêu nước, ý chí tự cường, và lòng ngưỡng mộ tài đức của hai vị anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị, một lần nữa, nhân dân Thái Nguyên lại tập hợp dưới bóng cờ khởi nghĩa của hai bà, quét sạch quân xâm lược, dụng lại nền độc lập cho giang sơn. Sau đó, trong những năm dài dưới ách thống trị của phong kiến Phương Bắc, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thái Nguyên đã lần lượt nổi dậy đấu tranh chống lại chính sách đồng hóa dân tộc và ách thống trị hà khắc của chúng nhằm giành tự chủ cho đất nước và bảo tồn bản sắc văn hóa cho dân tộc.
          Đầu thế kỷ XV, nhà Minh xâm lược nước ta, dưới ách thống trị tàn bạo của giặc Minh, nhân dân ta đã vùng dậy đấu tranh. 20 năm dưới ách đô hộ của nhà Minh là 20 năm đấu tranh anh dũng, ngoan cường của dân tộc ta trong đó có sự tham gia tích cực của nhân dân Thái Nguyên. Năm 1407, nhân dân Thái Nguyên nổi dậy chiến đấu dưới sự chỉ huy của Chu Sư Nhan, Dương Khắc Chung, Dương Thế Chân…Đặc biệt ở huyện Đồng Hỷ, nghĩa quân của Ông Lão đã xây dựng được căn cứ địa để chống giặc. [17; 15]
          Cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, ở Thái Nguyên xuất hiện một đội quân mà nhân dân ở đây thường gọi là đội quân áo đỏ. Dựa vào rừng núi, dùng lối đánh du kích, đội quân đó đã tiêu diệt những đồn lẻ, những bộ phận lẻ tẻ của quân giặc. Tháng 11/1410, nghĩa quân áo đỏ tấn công vào quân địch ở huyện Đại Từ. Giặc Minh đã phải điều động quân từ Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang tới ứng cứu. Với tài nghệ đánh du kích tuyệt vời, suốt 17 năm chiến đấu ngoan cường, quân áo đỏ không những không bị tiêu diệt mà lực lượng ngày càng lớn mạnh hơn. Từ trung tâm là Thái Nguyên, khởi nghĩa lan rộng ra khắp núi rừng Việt Bắc, Tây Bắc, rồi lan tới tận vùng rừng núi Thanh, Nghệ - Tĩnh. Khi Lê Lợi phát cờ khởi nghĩa Lam Sơn, nghĩa quân áo đỏ đã nhập vào lực lượng của cuộc khởi nghĩa này. Năm 1427, nghĩa quân áo đỏ cùng với cánh quân người Thái ở Mộc Châu của Sa Khả Tham và nhiều cánh quân miền núi khác vây thành Đông Quan, tiêu diệt đội quân xâm lược của Vương Thông.
          Trong những năm 1419 – 1420, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên còn tích cực hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Lê Ngã, đồng thời cũng trực tiếp tham gia khởi nghĩa của Lê Lợi, góp phần xứng đáng vào cuộc khởi nghĩa trong đó tiêu biểu là Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống. Lưu Nhân Chú người xã An Thuận, huyện Đại Từ, là một trong 18 bạn chiến đấu của Lê Lợi ngay từ những năm 1416 khi Lê Lợi phất cờ đại nghĩa. Lưu Nhân Chú là người có đức độ, tài năng và có nhiều công lớn, được Lê Lợi đánh giá: “…tài như cây tùng, cây bách, đồ dùng (cho nước) như ngọc “phan”, ngọc “di”, đương lúc nước nhà lắm nạn, lo lắng vương nghiệp không thể tạm yên một nơi. Linh sơn đói khổ mấy tuần đắn đo trong bụng… cứu tế, phù suy, đem lại cơ đồ trong những ngày cháo độn cơm hẩm, trừ hung dẹp bạo, quét thanh trời đất cho khỏi nạn ngựa sắt, giáo vàng. Trận đánh ở Bồ Đằng, Khả Lưu như trúc chẻ, tro bay, trận đánh ở Xương Giang, Chi Lăng như giá tan ngói trút. Giúp nên nghiệp lớn càng rõ công to”. [37; 260]
          Bởi vậy, sau chiến thắng, Lưu Nhân Chú được ban họ Vua, được phong Á thượng hầu, đứng đầu hàng võ.
          Đầu thế kỷ XVI, triều Lê suy đồi, các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực lẫn nhau. Trong gần 100 năm, Thái Nguyên là nơi diễn ra các cuộc hỗn chiến Mạc – Trịnh, họ Mạc xây thành đắp lũy để đối phó với quân Trịnh nhưng cuối cùng cũng bị đẩy lên phía Bắc. Núi Tiên (xã Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên) nơi đua ngựa tập trận, luyện quân của họ Mạc và những thành còn lại ở một số địa phương trong tỉnh mà nhân dân thường gọi là “Thành nhà Mạc” là một trong những di tích ghi lại cuộc xung đột giữa các tập đoàn phong kiến thời đó.[17; 17].
          Từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, do chiến sự xảy ra, bọn phong kiến cướp phá, nhân dân ta vô cùng khổ cực. Đầu thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn lên thống trị, nhân dân ta càng thêm khổ cực hơn. Chính vì vậy mà phong trào đấu tranh của nhân dân nổ ra ngày càng mạnh mẽ.
          Năm 1806, cuộc khởi nghĩa của Dương Đình Cúc bùng nổ, được nhân dân các dân tộc hưởng ứng. Thái Nguyên là địa bàn hoạt động của nghĩa quân. Bến Tượng ngày nay ở thành phố Thái Nguyên chính là bến tắm voi và cũng chính là nơi Dương Đình Cúc tập luyện quân sỹ để chống lại triều đình nhà Nguyễn. Khởi nghĩa Dương Đình Cúc kéo dài hơn 20 năm thì bị dập tắt.
          Năm 1833, nhân dân Thái Nguyên lại tập hợp dưới ngọn cờ chiến đấu của Nông n Vân để tiếp tục chống lại triều đình nhà Nguyễn thối nát. Nghĩa quân làm chủ cả một vùng rộng lớn thuộc tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, chiếm tỉnh Thái Nguyên, bắt quan lại nhà Nguyễn, thích vào mặt dòng chữ “quan tỉnh hay ăn hối lộ” rồi đuổi đi. Nhà Nguyễn phải tập chung một lượng lớn quân đội để đàn áp, nhưng nhờ tài thao lược của Nông n Vân, biết lợi dụng địa thế hiểm trở của núi rừng Việt Bắc, nghĩa quân đã giáng chi địch những đòn nặng nề. Tại các căn cứ quân sự chủ yếu của vùng châu Bạch Thông và huyện Cảm Hóa, nghĩa quân đã đánh nhiều trận rất oanh liệt, bẻ gẫy những cánh quân lớn của nhà Nguyễn với hàng nghìn lính có voi và pháo trợ chiến. Nhà Nguyễn phải trật vật trong nhiều năm mới đàn áp được cuộc khởi nghĩa. Tuy thất bại và bị dìm trong biển máu nhưng cuộc khởi nghĩa đã khẳng định tinh thần đoàn kết chiến đấu, ý chí quật cường của nhân dân các dân tộc Việt Bắc nói chung và Thái Nguyên nói riêng.
          Năm 1858, trong lúc triều đình phong kiến Nguyễn đang suy yếu, thực dân Pháp đã đem quân xâm lược nước ta. Tháng 3/1884, dưới sự chỉ huy của tên tướng Bơrie Đơlit, quân Pháp kéo lên đánh Thái Nguyên. Ngay từ những ngày đầu khi quân Pháp đánh Thái Nguyênnhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã nêu cao truyền thống đoàn kết chiến đấu, đã đứng lên cầm vũ khí bảo vệ quê hương, gây cho địch nhiều thiệt hại. Sau đó là các trận ở huyện lỵ Phú Lương, phía nam chợ Giang Tiên…Năm 1884, quân Pháp chiếm được thành Thái Nguyên, nhưng phải 10 năm sau chúng mới đặt chân lên được phủ Thông Hóa (Bạch Thông ngày nay). Trong suốt thời gian đánh chiếm Thái Nguyên và cả những năm sau, các cuộc chiến đấu của nhân dân Thái Nguyên vẫn liên tục diễn ra. Echinard – viên công sứ Thái Nguyên (1929) đã thú nhận: “trong thời kỳ ông Ôvecnhơ nắm quyền bính, (tức là từ 1890), tỉnh đương có những toán cướp tung hoành, ở phía nam có nhóm giặc hoạt động dưới quyền Đề Thám, ở phía bắc  Kỳ vẫn gây cho chúng ta nhiều lo ngại…” [1]    
          Sang đầu thế kỷ XX, mặc dù thực dân Pháp tăng cường kìm kẹp, phong trào chống Pháp vẫn phát triển rộng khắp tỉnh, lôi kéo nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Năm 1904, đồng bào Dao ở xã Tân Sơn và xã Cao Sơn (Bạch Thông) nổi lên chống chính sách thuế khóa nặng nề của thực dân Pháp.
          Năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, thực dân Pháp tăng cường vơ vét người và của ở cả chính quốc và thuộc địa để phục vụ chiến tranh. Vì vậy, cuộc sống của nhân dân cả nước ta nói chung và nhân dân Thái Nguyên nói riêng càng thêm điêu đứng. Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân phát triển mạnh, đặc biệt là anh em binh lính người Việt trong quân đội Pháp cũng nổi dậy khởi nghĩa.
          Ngày 11/10/1914, một số tù nhân bị địch giam giữ ở Thị xã Bắc Cạn được một số lính khố xanh yêu nước ủng hộ đã nổi dậy phá nhà lao, phá kho vũ khí, lấy súng bắn vào bọn thực dân trong doanh trại. Bọn địch bị bất ngờ, hoang mang, không dám đối phó, nghĩa quân làm chủ thị xã suốt từ sáng đến chiều. Nhưng thấy lực lượng chưa đủ sức tấn công bộ máy cai trị của địch trong thị xã nên nghĩa quân đã chủ động rút lui sang phía Na Rì. [1].
          Trong khi bọn Pháp ở Bắc Cạn chưa hết kinh hoàng thì tại thị xã Thái Nguyên, đêm 30, rạng ngày 31/8/1917, dưới sự chỉ huy của Lương Ngọc Quyến và Trịnh n Cấn (Đội Cấn), anh em binh sỹ yêu nước phối hợp với những người tù trong trại giam thị xã nổi dậy khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân ở các mỏ quanh thị xã nổi dậy hưởng ứng. Nghĩa quân đánh chiếm thị xã, chiếm bưu điện, kho bạc…trừng trị những tên thực dân độc ác, tuyên bố mục đích khởi nghĩa là giành độc lập cho nước Việt Nam. Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch, sau 5 ngày làm chủ thị xã, Đội Cấn cùng nghĩa quân rút về vùng núi Tam Đả, tiếp tục chiến đấu cho đến tháng 3/1918 khởi nghĩa Thái Nguyên mới bị dập tắt. Đội Cấn cùng các đồng chí của ông đã bỏ mình vì nghĩa lớn. Song, sự nghiệp chống Pháp của Đội Cấn và các đồng chí của ông đã trở nên bất diệt, sống mãi trong lòng những người dân Thái Nguyên.
          Như vậy, cho đến trước khi Đảng ra đời và nắm quyền lãnh đạo cách mạng, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn nêu cao tấm gương sáng ngời về tinh thần đoàn kết, chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Phần lớn các cuộc đấu tranh của nhân dân của các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đều bị kẻ thù dìm trong bể máu nhưng nó đã vun đúc nên truyền thống bất khuất, kiên cường, đó là một di sản vô giá ông cha đã để lại cho các thế hệ mai sau. Đó cũng là một động lực thúc đẩy nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên sớm bước vào cuộc đấu tranh mới với tầm vóc to lớn hơn dưới sự lãnh đạo của Đảng.
          Cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thế kỉ XX, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, phong trào yêu nước, đặc biệt là hai sự kiện: sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã tác động mạnh mẽ và cổ vũ phong trào cách mạng ở Thái Nguyên. Song thời kì này tình hình ở Thái Nguyên có rất nhiều khó khăn. Từ sau cuộc nổi dậy của những người yêu nước ở Thái Nguyên, bọn thực dân đã tăng cường cao độ bộ máy đàn áp. Mật thám Pháp hoạt động ráo riết, phát hiện tất cả những người lạ mặt, bám sát các hầm mỏ đồn điền là những nơi tập chung đông công nhân. Để ngăn chặn phong trào đấu tranh của công nhân, lợi dụng cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933, bọn thực dân sa thải hàng loạt công nhân cũ, tuyển lựa những người khỏe mạnh thay thế, thực hiện một cuộc xáo trộn trong hàng ngũ công nhân. Đội ngũ mỏng, liên tiếp bị xáo trộn và bị giám sát chặt chẽ nên giai cấp công nhân Thái Nguyên gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng và củng cố đội ngũ. Trong suốt thời gian từ 1929 – 1933 tuy các cơ sở cách mạng của tỉnh xung quanh có chú ý hướng hoạt dộng vào Thái Nguyên nhưng nhìn chung đều gặp trở ngại. [17; 20]
          Về khách quan, trong phạm vi toàn quốc, sau cuộc khủng bố trắng của địch, những năm 1931 – 1933, phong trào tạm thời lắng xuống. Vì tất cả những lý do chủ quan và khách quan đó nên Thái Nguyên chưa xác định được các cơ sở cách mạng cần thiết. Những năm 1933 – 1935 ở Thái Nguyên mới chỉ có một vài Đảng viên bị địch khủng bố ở các tỉnh miền xuôi chạy lên, nhưng vì bị mất liên lạc và bị địch truy lùng nên chưa có hoạt động gì đáng kể.
          Phong trào cách mạng ở Thái Nguyên chỉ được phát triển về cả nội dung và hình thức từ sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ I (tháng 3/1935). Từ 1936, các cơ sở Đảng đầu tiên được thành lập ở Đại Từ,  Nhai, Định Hóa, làm cho phong trào đấu tranh bắt đầu phát triển mạnh mẽ trong toàn tỉnh.
          Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, một năm sau (tháng 9/1940), Nhật nhảy vào Đông Dương. Cũng ngay cuối tháng 9 năm 1940, khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, khi nhân dân Thái Nguyên nổi dậy khởi nghĩa thì tại huyện Võ Nhai, một huyện nằm ở phía Đông của tỉnh là một trong những nơi có cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh, lại kề sát với huyện Bắc Sơn, Đảng bộ và nhân dân đã kịp thời đẩy mạnh hoạt động, mở rộng cơ sở, cử cán bộ Đảng viên lên Bắc Sơn cùng tham gia chiến đấu.
          Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, theo quyết định của Hội nghị trung ương lần thứ VII (tháng 11/1940), lực lượng vũ trang Bắc Sơn được duy trì để thành lập căn cứ địa, lấy Bắc Sơn (Lạng Sơn) và Võ Nhai (Thái Nguyên) làm trung tâm do trung ương trực tiếp chỉ đạo. Mặc dù bị thực dân Pháp bao vây và càn quét gắt gao, căn cứ Bắc Sơn –  Nhai vẫn không ngừng được mở rộng. Một loạt các căn cứ địa mới đã xuất hiện ở các huyện. Tại Phú Bình, Phổ Yên, phong trào phát triển mạnh, được chọn làm khu an toàn của trung ương và xứ ủy. Các cơ sở in, cơ quan thông tin liên lạc của trung ương và xứ ủy được đưa về đây. Ở các huyện phía Bắc, từ việc xây dựng các “con đường quần chúng”, đánh thông từ Cao Bằng xuống, cơ sở cách mạng được mở rộng, tạo thành thế liên hoàn vững chắc, có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng cả nước.
          Từ sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), nhất là khi có lệnh tổng khởi nghĩa, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị quân giải phóng anh dũng vùng lên khởi nghĩa, đập tan chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Thái Nguyên cũng như nhân dân cả nước đã làm chủ vận mệnh của mình. Đó thực sự là một sự đổi đời lớn lao của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. [17; 22]
          Nhưng, hưởng nền độc lập, tự do chưa được bao lâu, thực dân Pháp bội ước đã quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến, nhân dân Thái Nguyên cũng đứng lên cùng nhân dân cả nước kháng chiến, bảo vệ thành quả của cách mạng Tháng Tám.
          Đầu năm 1947, trung ương Đảng và Hồ Chủ Tịch lên Việt Bắc, Thái Nguyên là trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc. [38; 57] được chọn làm nơi đóng đại bản doanh lãnh đạo kháng chiến và trở thành “thủ đô kháng chiến” của cả nước. Trong suốt 9 năm kháng chiến, Thái Nguyên lại được chọn làm An toàn khu của trung ương. Cả một vùng đồi núi hiểm trở ATK đã từng là nơi hoạt động của các cơ quan đầu não kháng chiến, là hậu cứ của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực… Thái Nguyên giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Có được vị trí quan trọng như thế, một phần là do yếu tố địa hình của Thái Nguyênnhưng yếu tố ảnh hưởng chính là những tấm lòng của người dân Thái Nguyên đối với cách mạng, đối với kháng chiến. Đó là “những người nông dân nghèo khổ đủ các dân tộc, chất phác mà dũng cảm lạ thường, không biết sợ hãi là gì trước quân thù hung bạo, thương yêu những người cách mạng nhiều khi hơn cả ruột rà. Những người dân rất xứng đáng với nhân dân ta, vô cùng vĩ đại”. [50; 15]
          9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Thái Nguyên không chỉ đùm bọc, che chở, bảo vệ các cơ quan mà còn không tiếc sức người, sức của đóng góp cho kháng chiến. Theo số liệu chưa đầy đủ, chỉ trong thời gian từ 1951 – 1954, Thái Nguyên đã huy động được 3.134.459 lượt người với 1.145 xe đạp, 307 xe trâu, 14 thuyền đưa dân công phục vụ tiền tuyến (theo số liệu của bảo tàng Việt Bắc). Trong phong trào thi đua yêu nước, Thái Nguyên là một trong những tỉnh đạt nhiều thành tích to lớn. Trên khắp các mặt trận của cuộc kháng chiến đã xuất hiện nhiều anh hùng, chiến sỹ thi đua, về mặt này, Thái Nguyên là tỉnh đứng đầu trong khu Việt Bắc (7 người). Với những đóng góp to lớn đó, nhân dân Thái Nguyên vô cùng tự hào về những chiến công chung của dân tộc từ Việt Bắc – Thu Đông 1947 đến Biên Giới Thu Đông  1950…đến chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Vì trong tất cả những chiến công chói lọi ấy đều có một phần mồ hôi và xương máu của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
          Đối với Thái Nguyên, quá trình chiến đấu bảo vệ quê hương, bảo vệ tổ quốc, đồng thời gắn liền với quá trình xây dựng quê hương, xây dựng đất nước. Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên vừa chiến đấu kiên cường, giữ gìn từng tấc đất của quê hương vừa xây dựng Thái Nguyên ngày càng trở nên giàu đẹp hơn. Tất cả những đóng góp sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến, cho những thắng lợi chung trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta, của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, chỉ có thể cắt nghĩa được bằng sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và tấm lòng yêu nước vô bờ bến của nhân dân Thái Nguyên.
          Đặc biệt là trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vừa trực tiếp chiến đấu, bảo vệ khu ATK của thủ đô kháng chiến, nhân dân Thái Nguyên vừa tích cực tăng gia sản xuất, phục vụ nhu cầu của cuộc kháng chiến. Trong những năm khó khăn, gian khổ ấy, đồng bào Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu…ở Thái Nguyên từng chắt chiu gạo, ngô, khoai, sắn, để bộ đội ăn no đánh thắng kẻ thù, đoàn kết xây dựng căn cứ địa, xây dựng vùng giải phóng, Thái Nguyên đã thực hiện tốt khẩu hiệu “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, cho nên không chỉ trên mặt trận quân sự mà cả trên mặt trận kinh tế, văn hóa, Thái Nguyên cũng giành được những thắng lợi to lớn. Những thắng lợi đó đã góp phần quyết định cùng với nhân dân cả nước đánh thắng giặc Pháp xâm lược đồng thời đặt cơ sở vững chắc cho công cuộc xây dựng và kiến thiết Thái Nguyên sau này.
          Mang theo hành trang truyền thống đánh giặc, giữ nước anh hùng, lớp lớp những người con Thái Nguyên lại hăng hái lên đường chiến đấu bảo vệ miền Nam, thống nhất đất nước trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trong trập trùng những đoàn quân giải phóng, đã bừng sáng những anh hùng như Phạm Thanh Ngân (Phú Bình), Ma n Viên (Định Hóa),  n Vấn (Phú Lương), Ngô Văn Sơn (Đồng Hỷ), Nguyễn Duy Nhất (Võ Nhai)…
          Nhìn lại chặng đường dài hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước đã qua, trong quá trình đấu tranh vật lộn với thiên nhiên, đấu tranh chống kẻ thù trong và ngoài nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng nên truyền thống đoàn kết, truyền thống bất khuất, kiên cường, đã cùng với cả dân tộc ta viết nên những trang sử oanh liệt. Những truyền thống quý báu đó cùng với sự thông minh, sáng tạo và cần cù trong lao động đã trở thành sức mạnh động viên, cổ vũ toàn thể nhân dân Thái Nguyên bước vào những nhiệm vụ mới trong xây dựng và bảo vệ quê hương.



          Sau chiến thắng Việt Bắc, tương quan lực lượng giữa ta và địch có nhiều thay đổi, Pháp gặp nhiều khó khăn và suy yếu. Để tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp chuyển từ chiến lược tốc chiến, tốc thắng sang đánh kéo dài. Chúng triệu hồi cao ủy Bôla về nước, cử Pi nhông và Blecdo sang thay với hi vọng sẽ làm xoay chuyển tình hình.
          Để cổ vũ phong trào cách mạng khi bước sang một giai đoạn mới, khó khăn hơn, Tháng 6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 195 thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương. Sau đó, ngày 11/6/1948, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc với mục đích: diệt giặc đói; diệt giặc dốt; diệt giặc ngoại xâm với cách làm là dựa vào lực lượng và tinh thần của dân để đạt kết quả: dân tộc độc lập - dân quyền tự do - dân sinh hạnh phúc. Bác khẳng định thêm rằng thi đua yêu nước trong kháng chiến là thi đua giết giặc, giải phóng đất nước.
          Ngay sau khi phong trào thi đua yêu nước được dấy lên trong toàn quốc, toàn thể dân tộc ta đã hăng hái hưởng ứng tích cực phong trào và bước đầu thu được rất nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong quân đội mở phong trào “luyện quân, lập công”, trong công nhân có phong trào “gây cơ sở, phá kỷ lục”, trong nông dân có phong trào “tích cực sản xuất”, trong các cơ quan, đoàn thể có phong trào “kiểm thảo công tác, sửa đổi lề lối làm việc”…Ban đầu, thi đua còn thiếu trọng tâm, động cơ không chính xác như thi đua cốt để giật giải, làm quá sức trong một lúc để lấy thành tích, thi đua không có chương trình, kế hoạch…Nhưng Hồ chủ tịch đã theo dõi và uốn nắn phong trào dần dần trở nên có nề nếp hơn.
          Những năm 1948 – 1949, kháng chiến tiến mạnh sang giai đoạn mới, những thắng lợi trong nước và thắng lợi của cách mạng Trung Quốc càng làm cho nhân dân ta tin tưởng và hăng say chiến đấu hơn. Phong trào thi đua ái quốc được đẩy mạnh bằng hai đợt vận động lớn (từ 19/12/1948 đến 19/5/1949 và từ 19/5/1949 đến 1/8/1949) với khẩu hiệu “cơm no, súng tốt, đánh thắng”.[49]
          Trong quân đội và dân quân du kích, phong trào “luyện quân lập công” và “rèn cán, chỉnh quân” tiếp tục sôi nổi. Nhiều chiến sỹ đánh mìn và đánh địa lôi xuất hiện.
          Bước sang năm 1950, Trung ương Đảng sau khi xem xét tình hình đã quyết định mở các  chiến dịch lớn nhằm “quét sạch lực lượng địch ra khỏi biên giới Bắc Bộ”. Để đạt mục đích này, ta quyết định mở chiến dịch Biên Giới, với quyết tâm “thắng một trận lớn”, mở màn chiến dịch Biên Giới là cuộc tiến đánh cứ điểm Đông Khê, ngày 16/9/1950, hai ngày sau, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do Hồ chủ tịch phát động, ban thường vụ tỉnh ủy Thái Nguyên phát động một phong trào thi đua giết giặc lập công lớn mang tên “tuần lễ giết giặc lập công” với mục đích khuyến khích bộ đội, chiến sỹ, các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua giết giặc, phải thi đua mới có thêm động lực chiến đấu.
          Để cứu nguy cho mặt trận Biên Giới đang bị lung lay, nguy khốn, Pháp phải vội vàng vơ vét lực lượng dự bị ở đồng bằng Bắc Bộ, mở chiến dịch “Phốc” (Phoque – Hải Cẩu), nhằm uy hiếp, xâm phạm các căn cứ địa của ta, kéo chủ lực ta về Thái Nguyên để đỡ đòn cho các binh đoàn của chúng trên biên giới. Mở chiến dịch “Phốc”, thực dân Pháp còn muốn phá ta về kinh tế, chặn cửa ngõ tiếp tế, chi viện của ta cho biên giới.
          Thời cơ giết giặc lập công, hưởng ứng “tuần lễ giết giặc lập công” của quân và dân Thái Nguyên đã tới. Ngày 29/9/1950, gần 3000 quân Pháp thuộc 5 tiểu đoàn dự bị có máy bay, tàu chiến yểm trợ, đã bắt đầu mở màn chiến dịch “Phốc”, tấn công thị xã Thái Nguyên theo ba hướng:
- Hướng thứ nhất: lực lượng chính theo quốc lộ 3 đánh lên Thuận Thành, Trung Thành (Phổ Yên – Nam thị xã Thái Nguyên)
- Cánh quân phụ thứ nhất: do 2 tàu chiến, 10 ca nô, ngược sông Cầu đổ bộ lên Hà Châu.
- Cánh quân phụ thứ hai: từ Phúc Yên theo sườn Tam Đảo vượt qua đèo Nhe đánh sang Phúc Thuận (Phổ Yên) rồi kéo ra Thịnh Đức, Thịnh Đán.
Đồng thời, chúng dùng lực lượng quân dù đổ bộ xuống Đồng Bẩm (ngày 1/10/1950), phối hợp với quân bộ chiếm thị xã Thái Nguyên.
Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1950, Pháp đã 4 lần tấn công thăm dò vào địa phận Thái Nguyên, hiểu rõ ý đồ địch, quân và dân Thái Nguyên cùng với toàn tỉnh đã có kế hoạch đề phòng, dự kiến trước các tình huống địch đánh lên. Do đó ta hoàn toàn chủ động, bình tĩnh khi các cánh quân của địch kéo vào thị xã.
Dọc đường hành quân, địch đã vấp phải những trận đánh phục kích dữ dội của các lực lượng bộ đôi và dân quân địa phương. Tại Hà Châu (Phú Bình), bộ đội địa phương (C224) phục kích bắn chết 12 tên lính Pháp, 8 tên bị thương, ca nô thì bị hư hại nặng, bọn địch phải dồn lên bờ, co cụm lại rồi lần theo bờ sông Máng vào thị xã.
Các mũi khác của địch cũng phải đương đầu với bộ đội trung đoàn 246, 121, C89 (Đồng Hỷ) chặn đánh. C89 – bộ đội địa phương đã phối hợp với chủ lực tỉnh lập công trong các trận: Cầu Loàng, Thác Huống, diệt gần 200 tên địch và thu nhiều vũ khí, thiết bị. Có thể nói, ngay từ lần hành quân đầu tiên, chiến dịch “Phốc” đã nếm mùi thất bại. [41; 27]
Ngày 1/10/1950, phối hợp với quân dù, địch vào được thị xã, nhưng đã “vườn không nhà trống”. Lũ giặc giùm beng lên rằng đã chiếm được “thủ đô quân sự  và chính trị của Việt Minh”. Nhưng chiến tranh nhân dân đã làm cho bọn địch mất ăn, mất ngủ, chúng chẳng những không kéo được chủ lực của ta từ biên giới về mà còn bị lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích của ta tiến công, phá chúng ở các vùng phụ cận thị xã như: Gia Sàng, Đồng Quang, Lưu Xá. Sỹ quan chỉ huy các cuộc hành quân của địch Êrulin phải thừa nhận: “chúng ta đã rơi vào một khoảng trống rồi”.
Tiếp tục phát triển chiến tranh du kích, thực hiện chỉ thị “luôn luôn bám sát, tiêu diệt địch” và chủ trương “đuổi địch ra khỏi Thái Nguyên”, lực lượng ở các địa phương liên tục tập kích, quấy rối khu vực thị xã, sân bay Đồng Bẩm và các làng phụ cận. Ngày 10/10/1950, Bộ chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ buộc phải ra lệnh rút quân khỏi thị xã Thái Nguyên. Hai ngày sau, (12/10), địch vội vã rút chạy. Chiến dịch “Phốc” thất bại thảm hại. Thắng lợi của nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương đã đập tan chiến dịch “Phốc” của thực dân Pháp, góp phần to lớn vào chiến thắng có ý nghĩa chiến lược của ta trong chiến dịch biên giới 1950.
Với tinh thần thi đua “giết giặc lập công”, giải phóng quê hương, thiết thực chi viện cho chiến dịch Biên Giới, quân và dân Thái Nguyên đã đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần quyết tâm đánh giặc, thi đua giết giặc.
Trong quá trình thi đua mặt trận đã đóng góp vai trò rất to lớn trong việc tuyên truyền đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, động viên toàn dân tham gia kháng chiến, thi đua giết giặc, giữ làng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Thái Nguyên đã đánh trên 60 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt gần 600 tên địch, làm bị thương trên 350 tên, bắn rơi 1 máy bay, phá hủy 3 ca nô, thu 160 súng các loại, phá tan ý đồ đổi Cao Bằng lấy Thái Nguyên của địch.
Nhờ có thi đua mà quân và dân Thái Nguyên đã giết được nhiều giặc Pháp, tinh thần chiến đấu quyết tâm hơn bởi mỗi người dân Thái Nguyên luôn thấu hiểu ý nghĩa lớn lao của cuộc vận động thi đua ái quốc mà Hồ chủ tịch phát động. Thi đua chính là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, không vì mục đích nào khác. Năm 1950 là năm mà Thái Nguyên khẳng định được sức mạnh và khả năng của mình trên các mặt trận, trong nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu ATK, tất cả nhờ việc hưởng ứng tốt phong trào thi đua ái quốc.
Năm 1951, phong trào thi đua có đà mới, tiến lên mạnh mẽ, rầm rộ và sâu rộng. Cùng với thắng lợi quân sự ở biên giới, trong nước có những thắng lợi chính trị to lớn, làm nức lòng mọi người, đó là Đảng Lao động Việt Nam ra đời, Việt Minh – Liên Việt thống nhất, khối liên minh Việt – Miên – Lào thành lập. Cho nên, đợt thi đua năm 1951 là đợt “sản xuất lập công, đề cao chiến sỹ”. Quân đội thi đua tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta và phát triển du kích chiến tranh. Trên cơ sở cuộc vận động thi đua yêu nước, quân đội ta đã đạt được những thành tích oanh liệt trên mặt trận Sông Đà, đường số 6, ở địch hậu và giải phóng thị xã Hòa Bình. Trong các chiến thắng đó có sự đóng góp không nhỏ của quân và dân Thái Nguyên.
Ngày 1/5/1952, Đảng và chính phủ mở Đại hội liên hoan chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc. Lần đầu tiên lịch sử nước ta có một cuộc đại hội trọng thể của những người con ưu tú của dân tộc, những người yêu nước, đã cống hiến lớn lao cho tổ quốc. Trong đại hội thi đua yêu nước này, Thái Nguyên cũng có rất nhiều những chiến sỹ thi đua giết giặc lập công được tặng thưởng huân chương chiến sỹ hạng ba như chiến sỹ bộ đội Đào Văn Vọng, chiến sỹ du kích Dương Thị Thì.
Thi đua yêu nước trong quân đội đã nêu cao tinh thần chiến đấu diệt giặc đến giọt máu cuối cùng, tinh thần nghiêm túc và triệt để chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, chấp hành chính sách của chính phủ, hi sinh tất cả cho tổ quốc, cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Bộ đội thi đua khá đều khắp, nhất là sau những cuộc chỉnh huấn. Kết quả rõ trong những trận thắng lợi liên tiếp trước và sau lưng địch”. Phong trào thi đua giết giặc trong quân đội đã trở thành phong trào quần chúng, và như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “tinh thần ấy là do truyền thống mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc ta, do tinh thần đoàn kết kháng chiến của nhân dân ta chung đúc nên. Tinh thần đó do Hồ chủ tịch, do Đảng Tiền phong đã giáo dục cho quân đội”.[49; 10]
Cùng với bộ đội thi đua giết giặc lập công, dân công Thái Nguyên cũng hăng say hưởng ứng phong trào thi đua ái quốc bằng việc thi đua làm đường, vận chuyển vũ khí, lương thực, đạn dược cho kháng chiến.
Để tránh sự kiểm soát của địch trên trục đường giao thông quốc lộ 3, đã có nhiều các sông, suối, đường mòn được khai thác để phục vụ cho vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm và hàng hóa khác từ Thái Nguyên lên Chợ Mới, từ Chợ Mới theo đường mòn đi Yên Cư, từ Yên Cư trở bằng bè mảng theo sông Na Rì qua Pác Cáp đến Lương Thượng. Từ đây, dân công lại gồng gánh lên lên mặt trận Ngân Sơn.
Vận chuyển trên sông Cầu từ Thái Nguyên ngược dòng lên đến Thác Ghềnh, tiếp đó, đồng bào các dân tộc gồng gánh hay dùng ngựa thồ theo đường mòn vượt núi lên Hương Nê (Ngân Sơn)…
Tháng 6/1949, thực hiện chủ trương của trung ương Đảng, mặt trận Liên Việt cùng các ngành, các cấp tỉnh Thái Nguyên đã động viên toàn dân đóng góp lương thực, thực phẩm và trên ba vạn ngày công vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, làm lán trại, kho tàng, phục vụ kháng chiến.
Ngay từ đầu năm 1950, trung ương Đảng đã chỉ thị cho khu ủy Việt Bắc “chẩn bị chiến trường Đông Bắc cho thật đầy đủ để khi có điều kiện sẽ mở một chiến dịch lớn, quét địch ra khỏi đường số 4”, “đánh bại quân địch trong vùng Việt Bắc”,[21] Trung ương nêu rõ: “công tác chuẩn bị cần chú trọng củng cố, phát triển cơ sở chính trị và vũ trang, điều tra tình hình, chuẩn bị lương thực tiếp tế cho bộ đội đến đánh”. Việc chuẩn bị phải được triển khai trên phạm vi rộng lớn, huy động nhiều người nên phải tuyệt đối giữ bí mật.
Tháng 5/1950, trung ương lại chỉ thị cho Liên khu “về sửa chữa đường và vận tải”. Cho nên, đầu năm 1950, hưởng ứng cuộc vận động thi đua yêu nước, quân và dân Thái Nguyên đã nô nức tham gia phong trào “ba tháng hoàn thành nhiệm vụ tổng phản công”. Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã phát động chiến dịch sửa chữa cầu đường lần thứ nhất. Giành 50% cán bộ của cơ quan Đảng, dân chính và lực lượng vũ trang tập chung cho chiến dịch. Các cấp đều thành lập ban huy động dân công do một ủy viên cấp ủy phụ trách. Các ban ngành, đoàn thể đều là ủy viên, trong đó đoàn thanh niên là thành viên chủ lực. Đường số 3 từ Hà Nội lên Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng có vị trí quan trọng nên cần phải khôi phục nhanh. Tỉnh đoàn Thái Nguyên đã chỉ đạo các huyện đoàn huy động đủ 3000 thanh niên, giữ vai trò xung kích trong lực lượng dân công thi đua sửa chữa cầu đường.
Tính đến ngày 15/5/1950, chiến dịch sửa chữa cầu đường lần thứ nhất của tỉnh Thái Nguyên đã có 5000 đồng bào, chiến sỹ tham gia, đào đắp hàng ngàn mét khối đất đá, sửa chữa, làm mới hàng trăm cầu cống lớn nhỏ. Trong đó 3000 thanh niên đã đóng góp 15.450 ngày công, chuyển 340m3 đất đá, sửa được 72km cầu đường, làm được 9 cây cầu mới trong đó có 1 cây cầu treo. Các tuyến đường quan trọng như đường số 3, đường 13A, đường 1B được thông suốt, xe vận tải nhỏ đi lại bình thường. [17; 25]
Việc mở đường gấp rút được thực hiện trong điều kiện có nhiều khó khăn lớn như mưa lũ, đường rừng nhiều suối sâu, núi cao, phương tiện thiếu thốn. Nhưng để kịp thời phục vụ cho chiến dịch, hàng vạn nhân dân Thái Nguyên cùng với các đội xung phong công tác, chiến sỹ công binh, cán bộ, ngày đêm thi gan với khó khăn. Nhờ thế, chỉ trong hơn 3 tháng đã hoàn thành thắng lợi việc mở hàng trăm km đường lớn, trên nhiều ngả, từ biên giới Việt – Trung vào.
Chiến dịch cầu đường lần thứ nhất là biểu hiện của lòng nhiệt thành cách mạng, sự tích cực thi đua hoàn thành tiến độ, thi đua góp nhiều ngày công là biểu hiện của sự nhiệt thành cách mạng của nhân dân Thái Nguyên trong cuộc vận động thi đua ái quốc.
Trong chiến dịch Biên Giới, Thái Nguyên là tỉnh gần chiến trường, là hậu phương trực tiếp của mặt trận, có vai trò trọng yếu trong việc chuẩn bị chiến đấu và phục vụ chiến dịch. Trong điều kiện bộ đội trang bị còn thô sơ, các phương tiện vận tải phục vụ tác chiến chủ yếu bằng sức người nên cần có một lực lượng lớn dân công đủ sức phục vụ yêu cầu vận chuyển vũ khí, đạn được, lương thực, làm kho bãi cất giấu hàng hóa, và trong lúc có chiến sự thì vận động theo sát bộ đội tiếp lương, tải đạn, tải thương, thu dọn chiến trường, cất giấu chiến lợi phẩm… phục vụ bộ đội đánh thắng.
Trong tình hình tương quan lực lượng thay đổi theo hướng có lợi cho ta, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới. Tháng 4/1951, Đảng bộ Thái Nguyên đã họp Đại hội lần thứ III, xác định nhiệm vụ xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cho chiến trường nhằm đưa cuộc trường kỳ kháng chiến đi đến thắng lợi.
Cùng cả tỉnh, thị xã Thái Nguyên đã góp phần tạo nên thành tích 76 triệu ngày công sửa chữa cầu đường, 4 triệu ngày công xây dựng và bảo vệ kho tàng, công sức ấy góp phần quan trọng vào việc tạo điều kiện cho vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.   Tại đại hội chiến sỹ thi đua lần thứ nhất năm 1952, bên cạnh các chiến sỹ thi đua của cả nước, trên tất cả các lĩnh vực, Thái Nguyên cũng có chiến sỹ dân công được tuyên dương như chiến sỹ Hoàng Viết Kim (người huyện Phú Lương) và nhiều chiến sỹ khác được tỉnh, huyện khen ngợi.
          Trong khi ở tiền tuyến thi đua giết giặc, ở hậu phương Hồ Chủ tịch đã kêu gọi nông dân tăng gia sản xuất, “hậu phương thi đua với tiền tuyến”, lấy “nương, rẫy là chiến trường, cuốc, cày là vũ khí”.
          Trọng tâm thi đua của nông dân là sản xuất, lấy cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất. Đơn vị thi đua là tập đoàn hay chòm xóm, lấy tổ nông dân làm nòng cốt. Phong trào thi đua của nông dân có nhiều khó khăn vì dân cày sống riêng lẻ, đại bộ phận chưa quen với lối làm ăn tập thể, phương tiện sản xuất thiếu thốn, ruộng đất còn ở trong tay giai cấp địa chủ, trâu bò thường bị địch bắn giết. Vả lại, trình độ tổ chức của nông dân cũng kém hơn công nhân và quân đội, và nông dân cũng còn nhiều óc bảo thủ. Trong sinh hoạt gia đình và xã hội thì thiếu bình đẳng, không đề cao được tính tích cực của phụ nữ và thanh niên. Nhưng từ năm 1950 – 1951, học tập kinh nghiệm thi đua của công nhân, thi đua nông nghiệp đã đi dần vào nề nếp, nhất là việc tổ chức các đợt ngắn đã giúp rất nhiều cho việc đẩy mạnh phong trào. Thi đua bắt đầu có chương trình, kế hoạch, kết hợp sản xuất với các mặt công tác khác như đi dân công, đóng thuế nông nghiệp…Không những ở khu, tỉnh có kế hoạch, mà ngay ở xã, ở tổ nông dân nhiều nơi đã có chương trình, đôi nơi lập cả chương trình gia đình.
          Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch “khi thi đua thì đồng bào nhà nông phải giúp đỡ nhau bằng mọi cách để cùng nhau tiến bộ”, nhiều hình thức tập đoàn, đổi công đã được phát triển, giải quyết được nạn thiếu nhân công và giúp đỡ nhau giải quyết những khó khăn khác như: vốn, trâu bò, dụng cụ…
          Thi đua đã làm cho nông dân dần dần sửa đổi lối làm việc cũ, đã chú ý cày sâu, bừa kỹ, làm cỏ, bỏ phân, không những ở miền xuôi mà cũng đã lan rộng lên miền ngược.
          Các chiến sỹ thi đua nông nghiệp hầu hết là những người nghèo khổ trước kia, ngày nay nhờ biết chăm chỉ làm ăn, cải tiến lề lối canh tác, nhờ sự lãnh đạo của Đảng và chính phủ mà thi đua tăng gia sản xuất trở nên khá giả.
          Phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp đã động viên nông dân đóng góp một phần rất lớn cho cuộc kháng chiến về sức người, sức của.
          Với phương châm vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, thực hiện chủ trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, “tăng gia sản xuất, thực hiện kinh tế tự túc”, khắp nơi trong cả nước, từ vùng tạm chiếm đến vùng tự do, từ miền xuôi đến miền ngược, đâu đâu cũng dấy lên phong trào “thi đua yêu nước”. Ngoài mặt trận, chiến sỹ thi đua giết giặc, ở hậu phương, đồng bào thi đua sản xuất, coi đồng ruộng là chiến trường, nhịn ăn, nhịn mặc, góp thóc gạo, tiền nong, lập hũ gạo nuôi quân, dành từng “luống rau bụi chuối, đàn gà kháng chiến” để nuôi quân.
          Từ năm 1951, mặt trận tích cực vận động nhân dân thi đua hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế nông nghiệp cho nhà nước. Toàn tỉnh Thái Nguyên đã đóng góp 12.510 tấn thóc, đạt 97% kế hoạch trên giao năm 1951. Năm 1952, mặt trận Liên Việt tại Thái Nguyên đã họp với các huyện và một số xã để học tập chính sách thuế nông nghiệp, bàn bạc việc vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia nghĩa vụ đóng thuế.
          Các cấp của mặt trận Liên Việt đã cử cán bộ tham gia các ban thuế nông nghiệp, Mặt trận Liên Việt ở cấp xã đã tham gia công tác chỉnh lý, điều tra, bình sản, vận động nhân dân, kể cả phú nông, địa chủ, đóng thuế nông nghiệp. Trên cơ sở mức thuế được điều chỉnh, ở nhiều nơi, mặt trận Liên Việt cấp xã đã tổ chức tuần lễ giao lương mừng chiến thắng. Phong trào giao lương diễn ra sôi nổi, khẩn trương, chỉ trong vài ngày đã nộp thuế đạt 80% định mức của toàn tỉnh. [12; 5]
          Để đảm bảo kế hoạch giao lương, mặt trận các cấp ở một số địa phương còn giao việc cụ thể cho hội cứu quốc từng giới. Ở Đại Từ, Phú Bình, lực lượng thanh niên lo sửa đường, bắc cầu qua suối, chị em phụ nữ đảm nhận việc phơi khô, quạt sạch thóc thuế nông nghiệp. Phụ nữ xã Hùng Sơn (Đại Từ) còn tham gia bình nghị sản lượng cho chính xác, tránh khai man, khai hụt, bảo đảm sự công bằng. Nông hội Đồng Hỷ, Phú Bình đấu tranh chống khai man sản lượng. Hội phụ lão Phú Bình phát hiện được 80 vụ trốn thuế.
          Nhờ tinh thần nỗ lực thi đua của toàn dân, Thái Nguyên đã nộp 13.671 tấn lương thực, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 1952.
          Phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp là một trong những trọng tâm của cuộc vận động thi đua yêu nước giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Nông dân đã thi đua thực hiện các khẩu hiệu thực tế như “vụ chiêm chiến thắng” “vụ mùa chủ lực” ở liên khu 4, chiến dịch “ngô, khoai, sắn” ở liên khu 3, “thi đua thâm canh” ở Quảng Ngãi, “tuần lễ giết chuột”…
          Ở Thái Nguyên, thi đua sản xuất nông nghiệp đã được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Nông dân hăng hái tham gia xây dựng các công trình thủy lợi chống hạn vụ đông xuân, nhờ thế mà nông dân đã mở rộng được diện tích cây trồng trong vụ chiêm, các biện pháp kỹ thuật cũng được bà con chú ý nên giống lúa Nam Ninh trong vụ xuân phát triển mạnh đã góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng.
          Chăn nuôi gia súc, gia cầm được chú trọng phát triển. Hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, mặt trận mở các cuộc vận động, phát triển chăn nuôi lợn, gà…nhất là đàn lợn nái để cung cấp giống, thúc đẩy chăn nuôi lên một bước. Phong trào nuôi lợn nái đã thu hút được gần 3000 hộ tham gia, nhờ thế mà đàn lợn tăng gần gấp đôi so với trước cách mạng. Thái Nguyên đã tự giải quyết căn bản nguồn lương thực, thực phẩm ở địa phương và góp phần đáp ứng nhu cầu cho kháng chiến.
          Nhờ sản xuất phát triển, đời sống nhân dân Thái Nguyên đã tương đối ổn định, có mặt được cải thiện. Tuy nhiên, đồng bào các dân tộc ít người vùng cao vẫn gặp nhiều khó khăn, mặt trận các cấp đã phát động tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau để phát triển sản xuất, khắc phục dần tình trạng ăn đói, mặc rách.
          Đi đôi với phong trào làm thủy lợi để phát triển sản xuất, phong trào đổi công đã được tổ chức, xây dựng, tạo ra những nhân tố mới, thúc đẩy sản xuất phát triển. Từ chỗ lúc đầu mới có vài tổ đổi công, tới năm 1952, toàn tỉnh có hàng ngàn tổ đổi công, đến đầu năm 1954, phong trào đổi công phát triển rộng khắp Thái Nguyên.
          Trong điều kiện kháng chiến diễn ra khẩn trương, quyết liệt, đầu năm 1948, Thái Nguyên đã tổ chức được phong trào “sản xuất tiết kiệm”. Các hội viên cứu quốc là những người hăng hái trong phong trào này, vừa góp phần ổn định đời sống, vừa chuẩn bị những điều kiện vật chất cho kháng chiến.
          Để chỉ đạo phong trào, đầu năm 1949, tỉnh Thái Nguyên quyết định thành lập ban vận động thi đua. Mặt trận là thành viên trong ban, tham gia tích cực vào công tác vận động, tổ chức quần chúng, đưa phong trào thi đua yêu nước trở thành phong trào của toàn dân.
          Nhờ có thi đua mà sản xuất nông nghiệp có bước tăng trưởng rõ rệt. Những huyện có phong trào thi đua lao động sôi nổi nhất là Phú Bình, Phú Lương…
          Trong những năm 1950 – 1951, phong trào thi đua yêu nước tiếp tục lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia. Năm 1952, có phong trào “chiến dịch vụ mùa thắng lợi”, các khẩu hiệu “cày sâu, bừa kỹ”, “làm cỏ, bỏ phân”, “gặt nhanh, gặt kỹ”…được triển khai rộng, thành hành động, việc làm cụ thể, thúc đẩy công việc mùa màng kịp thời vụ, nâng cao năng suất và sản lượng lương thực.
          Đầu năm 1952, thực hiện chủ trương của Đảng, Thái Nguyên huy động 724 cán bộ xuống cơ sở tổ chức học tập trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước, quán triệt lời dạy của Hồ Chí Minh: “thi đua để canh tác”, để “thực túc binh cường”. Cán bộ đã giúp nông dân nắm vững mục đích yêu cầu, nội dung thi đua, và giúp họ xây dựng chương trình, kế hoạch để giao ước thi đua. Cuối năm 1952, Thái Nguyên đã có rất nhiều hộ xây dựng chương trình, kế hoạch gia đình và có giao ước thi đua.
          Ở Thái Nguyên, việc thực hiện giảm tô, giảm tức được tiến hành từ năm 1950, năm 1952, trung ương chọn Thái Nguyên làm nơi thí điểm cuộc vận động “phóng tay phát động quần chúng nông dân đấu tranh, bắt giai cấp địa chủ triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức và thoái tô” ở hai xã thuộc Đồng Hỷ, sau đó triển khai tới 146 xã trong toàn tỉnh.
          Tháng 7 năm 1952, ủy ban mặt trận Liên Việt các cấp ở Thái Nguyên đã xúc tiến cuộc vận động học tập chính sách ruộng đất và sắc lệnh giảm tô trong toàn dân. Ủy ban cũng vận động quần chúng đấu tranh yêu cầu các chủ có ruộng phát canh phải thực hiện đúng Sắc lệnh  giảm tô của nhà nước. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nông dân, 13 địa chủ lớn, nhỏ trong tỉnh đã phải giảm tô theo quy định. Một số địa chủ ở Đồng Hỷ, Phú Bình, phải xóa các khoản nợ lâu năm của tá điền canh tác trên 472 mẫu ruộng của họ.
          Thắng lợi thu được trong cuộc đấu tranh giảm tô năm 1952 đã góp phần cải thiện một bước đời sống nông dân, động viên họ tham gia kháng chiến, củng cố thêm khối đoàn kết thống nhất.
          Tháng 11/1953, Đảng ta công bố cương lĩnh ruộng đất và quyết định cải cách ruộng đất. Có 6 xã: Hùng Sơn, Bình Thuận, An Mỹ (Mỹ Yên), Tân Thái, Trần Phú (Khôi Kỳ) và Độc Lập (Tiên Hội) thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên được chọn làm nơi thí điểm cải cách ruộng đất. Ruộng đất ở 6 xã này phần lớn nằm trong tay địa chủ. Trong 6 xã thì Hùng Sơn là xã đông giáo dân nhất. Số đông giáo dân ở đây không có hoặc thiếu ruộng cày, phải lĩnh canh và chịu mức tô cao.
          Quần chúng nhân dân sau khi được phát động phong trào đã vùng lên đấu tranh xóa bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, xóa bỏ chế độ bóc lột phong kiến và quyền lực của giai cấp địa chủ ở nông thôn. Cải cách ruộng đất đã tịch thi hơn 100 mẫu ruộng, chia cho 94 hộ nông dân nghèo không có hoặc thiếu ruộng.
          Như vậy: trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã không chỉ thi đua giết giặc mà còn hăng hái thi đua sản xuất. Tại Đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất, Hồ chủ tịch đã nhận xét: “phong trào thi đua là một trong những thắng lợi lớn của nhân dân ta trong mấy năm kháng chiến. Nó sẽ làm đà cho những thắng lợi to hơn nữa, vẻ vang hơn nữa về chính trị, quân sự, kinh tế…”. Người cũng nói: “nhân dân ta thi đua tăng gia sản xuất và cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của quân và dân, cung cấp đầy đủ cho kháng chiến, chuẩn bị chuyển sang tổng phảncông”. [49; 15]
          Gương điển hình thi đua tăng gia sản xuất ở Thái Nguyên có thể kể tới như chiến sỹ nông nghiệp Nguyễn n Tiến, được bầu là chiến sỹ thi đua của huyện Định Hóa năm 1952 với rất nhiều thành tích nổi bật trong nông nghiệp. Hay chiến sỹ Trần Thị Tý, chiến sỹ thi đua vụ chiêm 1953 của huyện Phú Lương. Chiến sỹ là gương điển hình cho phụ nữ đảm đang, tháo vát…
2.2.2 Công nhân thi đua cải tiến kỹ thuật                     
          Công nhân lao động chân tay và trí óc thi đua cải tiến kỹ thuật, trau dồi nghề nghiệp, sửa đổi lề lối làm việc, phát minh sáng chế. Ý thức cơ khí hóa và hợp lý hóa cũng nảy nở mạnh mẽ. Đặc biệt là trong ngành quân giới, trực tiếp phục vụ tiền tuyến, phong trào thi đua đã xây dựng nên nhiều anh hùng thi đua. Năm 1951, phong trào thi đua công nghiệp toàn quốc đã xuất hiện 1.500 chiến sỹ thi đua công nghiệp với hơn 5000 sáng kiến lớn, nhỏ, có những sáng kiến cơ khí hóa tăng năng suất 1000%.
          Lịch sử các binh, công xưởng, các nhà in, các xưởng sản xuất giấy…trong thời kỳ kháng chiến là cả một truyền thống vượt khó khăn, gian khổ của công nhân lao động chân tay và lao động trí óc. Có khi, đêm hôm họ phải cấp tốc khiêng hàng tấn máy móc, vượt đèo, lội suối, di chuyển lánh giặc. Có khi vừa sản xuất vừa chiến đấu để bảo vệ xưởng. Nhiều khi họ phải lam việc suốt đêm hoặc dưới hầm trú ẩn sát hỏa tuyến. Thường là hết giờ sản xuất thì vác cuốc tăng gia sản xuất để tự cải thiện sinh hoạt.
          Phong trào thi đua công nghiệp phát triển có nề nếp, có tổ chức là nhờ sự hướng dẫn của tổng liên đoàn lao động Việt Nam và các cấp bộ công đoàn.
          Công đoàn thường biết kết hợp các ngày lịch sử trong nước và phong trao đấu tranh của công nhân thế giới mà mở các đợt thi đua ngắn, làm cho phong trào thi đua được luôn luôn liên tục, đồng thời nâng trình độ giác ngộ giai cấp và ý thức chính trị cho công nhân, lao động chân tay và lao động trí óc.
          Cũng trong phong trào thi đua của công nhân đã nảy nở hình thức thi đua tập thể, thi đua có chương trình kế hoạch và có kí giao ước giữa cá nhân với cá nhân, giữa đơn vị với đơn vị. Việc tổng kết thi đua thì làm theo hình thức cá nhân tự thuật kết hợp với dân chủ bình nghị.
          Phong trào thi đua của công nhân có nhiều ưu điểm, xứng đáng làm nòng cốt cho phong trào thi đua yêu nước của toàn dân và toàn quân.
          Ngoài nông dân thi đua sản xuất nông nghiệp, đội ngũ công nhân Thái Nguyên cũng tích cực tham gia cuộc vận động thi đua ái quốc bằng việc thi đua sản xuất, cải tiến kỹ thuật.
          Ở Thái Nguyên năm 1949 có 36 cơ sở tiểu thủ công nghiệp sản xuất các phương tiện vận tải thô sơ, vải mặc, giấy viết.
          Từ năm 1952, sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở Thái Nguyên có bước phát triển cao hơn.
          Nhờ có thi đua mà công nhân đã chế tạo được đủ các loại vũ khí, để cung cấp cho quân đội giết giặc lập công, cung cấp quân trang, quân dụng, sản xuất những vật dụng cần thiết cho các cơ quan và hàng hóa cần thiết cho đời sống của nhân dân.
          Chiến sỹ công nghiệp Trịnh n Thi là gương điển hình nhất trong phong trào công nhân thi đua cải tiến kỹ thuật ở Thái Nguyên. Chiến sỹ đã có nhiều phát minh, sáng chế có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao năng suất lao động, giảm nhân công, giảm giờ làm…Chiến sỹ được bầu là chiến sỹ thi đua thứ nhất của tỉnh Thái Nguyên năm 1952, được tặng rất nhiều giấy khen và cờ thi đua. Chiến sỹ Lê Quang Toàn cũng được bầu là chiến sỹ thứ nhì của tỉnh. Là một sinh viên ngành quân giới nhưng chiến sỹ rất ham học hỏi và có nhiều sáng kiến trong học tập, công tác, rất đáng được ngợi khen.
          Ngày 20/8/1949, Hồ chủ tịch gửi thư kêu gọi nhân dân bán gạo “khao thưởng bộ đội”. [24; 313] Thấu hiểu tấm lòng Bác Hồ, thương yêu con em mình ngoài tiền tuyến, nhân dân Thái Nguyên nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Người. Hội phụ nữ đã tổ chức thi đua vận động ủng hộ bộ đội. Hội đã tổ chức đi từng nhà, vận động mọi người: người có vừng góp vừng, người có gạo góp gạo, không có gạo thì góp tiền mua gạo làm bành dày, lương khô cho bộ đội.
          Mặc dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng đồng bào các dân tộc vẫn sẵn lòng đóng góp lương thực, thực phẩm để giải quyết hậu cần tại chỗ cho các cơ quan và lực lượng vũ trang.
          Trong phong trào thi đua này đã có nhiều những cá nhân đoạt giải, nhất trong việc đóng góp nhiều, góp chung vào thành tích của ban cứu tế tỉnh 60 tấn thóc, 46 vạn đồng (1948) (bà Soòng ủng hộ kháng chiến 1.700 đồng, ông Hồ Quân Dân bán 400 kg gạo) [41; 26]
          Chính những cống hiến đó đã tạo điều kiện cho bộ đội “ăn no, đánh thắng”. Lập nên những chiến thắng lớn trong chiến dịch Xuân – Hè (1948) với trận Phủ Thông.
          Năm 1950, nhân dân Thái Nguyên đã bán 1.623 tấn thóc quân lương, góp ủng hộ bộ đội 604 tấn thóc, 3 triệu đồng, 1.705 bộ quần áo.[13]
          Có lẽ hình ảnh cao cả của tình yêu thương binh sỹ, dành dụm từng nắm gạo bỏ vào “hũ gạo kháng chiến”, giặt giũ, vá áo, nuôi nấng thương binh của những người mẹ chiến sỹ là những hình ảnh đẹp nhất, cảm động nhất của nhiệt tình yêu nước, của tinh thần thi đua yêu nước của nhân dân ta nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Hồ Chủ tịch quả thật đã đã thấm sâu tận đáy lòng của những người dân Thái Nguyên từ già đến trẻ, trai, gái, lương, giáo…Trong lịch sử, chưa lúc nào nhân dân lại cùng nhau một lòng, một dạ như trong cuộc kháng chiến ấy.
          Trong kháng chiến, chế độ tiền lương là chế độ cung cấp, có nhiều cung cấp nhiều, có ít cung cấp ít. Có khi bộ đội phải ăn cháo, thường phải ăn độn ngô, sắn. Cho nên, bộ đội vẫn thường phải dựa vào dân mà sống. Sự ủng hộ bộ đội chính là giúp cho bộ đội ta “ăn no đánh thắng” kẻ thù, là một biểu hiện của lòng yêu nước. Thi đua ủng hộ bộ đội chính là thi đua yêu nước.
          Hoàn cảnh kháng chiến khó khăn, thiếu thốn, nhưng tinh thần hăng hái thi đua học tập của nhân dân ta rất sôi nổi. Không có giấy thì dùng mặt đất, lá chuối, mo cau. Không có bút, mực thì dùng sắn, ngô, gạch non. Nơi học bất cứ ở đâu cũng được, là gốc đa, đình làng. Người đi học thì từ cụ già 70, 80 tuổi đến các em nhỏ từ 6 – 7 tuổi. Thầy dạy tham gia hăng hái nhất là các cháu thiếu nhi, các nam, nữ thanh niên. Phong trào tiến rất mạnh. Đến cuối năm 1949, đã thanh toán được nạn mù chữ ở một số tỉnh, huyện.
          Nhìn chung, phong trào thi đua diệt dốt sôi nổi ngay từ ngày phát động và ngày càng thêm rộng rãi trong nhân dân. Đó là một thắng lợi lớn của chế độ chúng ta. Trên cơ sở thắng lợi của việc thanh toán nạn mù chữ mà chúng ta sẽ nâng cao trình độ văn hóa và chính trị của nhân dân, đem ánh sáng của khoa học dọi vào đời sống hàng ngày trong các tầng lớp nhân dân lao động.
          Trong kháng chiến, học sinh tự túc rất nhiều, tự mình sắm lấy sách vở, tiết kiệm giấy bút. Ngoài việc học tập, còn tham gia sửa trường, xây dựng trường sở và làm các công tác kháng chiến khác. Ở các cơ quan, phong trào thi đua cũng đi vào tăng hiệu suất công tác, sửa đổi lề lối làm việc, chống quan liêu, lãng phí, tham ô.
          Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thi đua làm cho công nông binh trí thức hóa và trí thức thì lao động hóa”, lao động trí óc đã tham gia hăng hái vào các công tác lao động, tăng gia sản xuất, gần gũi quần chúng công nông, đoàn kết thân mật giữa lao động chân tay và lao động trí óc.
Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công tác nâng cao đời sống văn hóa, giáo dục cho nhân dân được chú trọng. Mặc dù điều kiện kháng chiến còn gặp nhiều khó khăn, song ở Thái Nguyên vẫn thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân tích cực tham gia học bổ túc văn hóa và theo học các chương trình phổ thông từ cấp 1 đến cấp 2.
Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đã được tăng cường. Mộ số địa điểm công cộng trên địa bàn tỉnh như Chùa, Đình, nhà kho…đã được tận dụng làm lớp học với hàng trăm học viên, trong đó có cả các cán bộ của xóm, xã. Một số thương binh vốn là thầy giáo xếp bút nghiên đi đánh giặc trở về lại quay lại bục giảng tiếp tục dạy chữ cho nhân dân.
Chưa bao giờ phong trào thi đua học tập văn hóa lại diễn ra sôi nổi và sâu rộng trong khắp toàn tỉnh như thế. Chỉ trong một thời gian ngắn, các lớp bình dân học vụ đã được tổ chức khắp nơi, tận dụng mọi địa điểm như đình, chùa, nhà, làm nơi học tập. Hội viên Thanh niên cứu quốc và phụ nữ cứu quốc là những người đi đầu trong phong trào diệt giặc dốt. Từ cụ già, phụ nữ, thanh niên, đến các em nhỏ đều hăng hái thi đua tập đọc, tập viết. Chỉ trong một thời gian ngắn, nạn mù chữ cơ bản đã được khắc phục, nhiều người đọc thông, viết thạo, học giỏi đã trở thành những hạt nhân tích cực giúp nhân dân xóa mù chữ.
Tiểu kết:
Bước sang năm 1948, khi tình thế cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới nhiều khó khăn hơn, khi việc phát huy lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng của nhân dân là vô cùng cần thiết thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào thi đua ái quốc với mục đích thi đua và phương pháp thi đua cụ thể. Cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, quân và dân Thái Nguyên đã hưởng ứng tích cực phong trào thi đua bằng lòng yêu nước nồng nàn và ý chí quyết tâm đánh giặc. Bộ đội thi đua giết giặc lập công với phong trào cụ thể là “tuần lễ giết giặc lập công”, với tinh thần “luôn luôn bám sát, tiêu diệt địch” và chủ trương “đuổi địch ra khỏi Thái Nguyên”. Kết thúc các phong trào, quân và dân Thái Nguyên đã tiêu diệt được rất nhiều quân địch, thu được nhiều vũ khí. Nhờ thi đua mà quân và dân Thái Nguyên đã giết được nhiều giặc Pháp hơn, tinh thần chiến đấu hăng hái hơn, nhiều chiến sỹ đã được tuyên dương, khen thưởng là chiến sỹ thi đua. Cùng với bộ đội thi đua giết giặc là sự thi đua của dân công, thi đua làm đường, vận chuyển vũ khí, lương thực, phục vụ cho kháng chiến. Nông dân cũng thi đua tăng gia sản xuất, công nhân thì thi đua cải tiến kỹ thuật, phụ nữ thì thi đua vận động ủng hộ bộ đội. Trong hoàn cảnh kháng chiến, song song với diệt giặc ngoại xâm, nhân dân Thái Nguyên vẫn thi đua diệt giặc dốt, và chưa bao giờ phong trào học tập văn hóa lại diễn ra sôi nổi và rộng khắp như thế. Giai đoạn từ 1948 – 1954 là giai đoạn kháng chiến ác liệt, cũng là giai đoạn Thái Nguyên mang trên mình trọng trách của một An toàn khu. Thế nhưng, hưởng ứng phong trào thi đua ái quốc do Hồ Chí Minh phát động, cuộc vận động thi đua yêu nước ở Thái Nguyên giai đoạn này thực sự là cuộc vận động sôi nổi, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực và đạt nhiều thành tích đáng tự hào. Tuy giai đoạn đầu còn đôi chút những sai lầm nhỏ trong mục đích và phương pháp thi đua, nhưng những gương chiến sỹ thi đua điển hình trong kháng chiến chống Pháp thực sự là tấm gương sáng chói cho giai đoạn tiếp sau của cuộc vận động thi đua yêu nước ở Thái Nguyên.

          Sau ngày hòa bình lập lại, một trong những yêu cầu cấp bách của miền Bắc và nhân dân Thái Nguyên nói riêng là phải tập chung hoàn thành cải cách ruộng đất. Thực hiện triệt để cuộc cải cách ruộng đất trong điều kiện, hoàn cảnh mới khi đất nước đã hòa bình không chỉ nhằm thực hiện “người cày có ruộng”, mà còn đáp ứng yêu cầu của cuộc khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp sau chiến tranh.
          Trong khi cuộc kháng chiến chưa kết thúc, để chuẩn bị cho việc thực hiện triệt để cuộc cách mạng ruộng đất, trung ương Đảng đã chọn Thái Nguyên làm nơi thí điểm giảm tô (1952) và cải cách ruộng đất (1953). Trong điều kiện kháng chiến, mặc dù phạm vi tiến hành giảm tô và cải cách ruộng đất  còn hẹp, song những thắng lợi của cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên là nguồn cổ vũ lớn lao đối với nhân dân và bộ đội cả nước trong sản xuất và chiến đấu.
          Tiếp tục cuộc vận động thi đua yêu nước, trong nông nghiệp, phong trào áp dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp như cày sâu, bừa kỹ, xử lý giống, cấy nhỏ dảnh, cải tiến công cụ, làm bừa cỏ Nghệ An, làm phân xanh, bón thêm phân phốt phát…đã thu hút được đông đảo nhân dân tham gia.
          Nhờ tạo được sự đoàn kết, gây được phong trào toàn dân, sản xuất nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã giành được những thắng lợi quan trọng. Đời sống của đại đa số nhân dân trong tỉnh được ổn định, phần nào được cải thiện. Những gia đình nào hoàn cảnh quá khó khăn, mặt trận tổ quốc đã vận động nhân dân tương trợ, giúp nhau hàng chục tấn lương thực. [30; 128]
          Phát huy những thắng lợi của cuộc cải cách đã đạt được trong kháng chiến, cuối năm 1954, Thái Nguyên đã tiến hành cải cách ruộng đất ở các xã vùng thấp và thực hiện giảm tô ở tất cả các xã trong toàn tỉnh. Qua 8 đợt giảm tô trên 200 xã, 5 đợt cải cách ruộng đất và sửa sai ở 75 xã, hàng ngàn hec ta ruộng đất và trâu bò đã được chia cho nông dân. Thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất thực sự đem lại quyền làm chủ ruộng đất cho người nông dân. [17; 27]
          Cải cách ruộng đất thắng lợi đã đem lại niềm vui mừng, phấn khởi cho nhân dân Thái Nguyênnhất là với đồng bào các dân tộc thiểu số. Đã đáp ứng được ước mơ hàng ngàn đời nay của họ. Thắng lợi này đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên nông dân Thái Nguyên tích cực khôi phục và phát triển sản xuất.
          Khi hoàn thành cải cách ruộng đất, những tổ đổi công, những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đầu tiên đã ra đời, chuẩn bị cho công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp. Sau kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế (1958 – 1960), ở Thái Nguyên đã có 47.000 hộ nông dân tham gia xây dựng, 1.425 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, chiếm 82,9% tổng số hộ nông dân toàn tỉnh. Các hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tín dụng được ra đời và phát triển mạnh mẽ trong nông thôn.
Chỉ trong 6 năm kể từ ngày hòa bình lập lại (1955 – 1960), với việc hoàn thành liên tục hai kế hoạch nhà nước, bộ mặt nông thôn Thái Nguyên đã thay đổi hẳn. Những tàn dư của xã hội thực dân, phong kiến dần dần được xóa bỏ, quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa được xác lập. Sản xuất nông nghiệp được khôi phục và ngày càng phát triển. Đời sống của nhân dân ngày một ấm no hơn, sản lượng lương thực không ngừng tăng lên, năm 1958 đạt 87.986 tấn, vượt mức 1957 là 23,6%. Nếu như năm 1955 và 1956 nạn đói thường xuyên xảy ra thì đến 1957, 1958 nạn đói không những không xảy ra mà bình quân mức ăn của mỗi người dân khá cao: 366 kg/1 năm, không kể hoa màu.
Trong sản xuất, phong trào thâm canh tăng năng suất phát triển mạnh ở các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã vùng thấp. Hợp tác xã Thành Công (Đại Từ) và hợp tác xã Hồng Kỳ (Phú Bình) là những hợp tác xã có phong trào thủy lợi, phong trào thâm canh khá của tỉnh. Hợp tác xã Thành Công năm 1964 đạt năng suất lúa 50 tạ/ha cả năm. Các biện pháp kỹ thuật như tưới nước, bón phân, cấy thẳng hàng, làm cỏ bằng cào cải tiến…được áp dụng rộng rãi trong sản xuất. Một số hợp tác xã đã có sân phơi, nhà kho, lò xử lý giống, lò vôi…Diện tích khai hoang, diện tích trồng cây hai vụ cũng được mở rộng.
Từ 1961 – 1964, sản lượng lúa tăng nhanh, năm 1961, sản lượng lúa đạt 117.115 tấn. Năm 1964 đạt 132.507 tấn. Tổng giá trị sản lượng nông nghiệp không ngừng tăng lên, năm 1961 là 67,2 triệu đồng, năm 1964 là 84,8 triệu đồng. Hai năm 1963 và 1964 Thái Nguyên liên tục được mùa.
          Đối với sản xuất nông nghiệp, từ sau ngày hợp nhất, Bắc Thái đã chú trọng công tác phân vùng sản xuất, tạo điều kiện cho từng vùng, từng huyện phát huy thế mạnh, tạo ra sự chuyên canh trong sản xuất. Mặt khác Bắc Thái cũng rất chú ý thế mạnh của nền nông nghiệp miền núi, vừa tăng cường phát triển cây lúa, cây màu, vừa đẩy mạnh trồng cây công nghiệp: chè, bông, đậu, lạc… và đẩy mạnh chăn nuôi.
          Trong những năm chiến tranh, xuất phát từ thực tế của một nền nông nghiệp miền núi có nhiều lợi thế: Đất canh tác rộng, nhiều loại hình sản xuất, có điều kiện phát triển tương đối toàn diện các ngành sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi và nghề rừng, nhưng cũng lại khó khăn về thủy lợi, phân bón, kĩ thuật, cơ sở vật chất cho sản xuất. Nhưng với mục tiêu phấn đấu đảm bảo đời sống của nhân dân trong tỉn, “đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm cung cấp cho địa phương kháng chiến lâu dài”, đảm bảo chi viện nhiều nhất cho tiền tuyến lớn, nên Bắc Thái quyết tâm dù trong hoàn cảnh nào cũng tập trung cho sản xuất nông nghiệp, trong đó đặc biệt chú ý đến diện tích canh tác, phát triển toàn diện các ngành sản xuất, đẩy mạnh áp dụng khoa học kĩ thuật trong nông nghiệp.
          Mặc dù bị bom Mỹ phá hoại, trong khói lửa của chiến tranh, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở Bắc Thái vẫn tiếp tục củng cố và phát triển. Tính đến năm 1965 toàn tỉnh có 1333 hợp tác xã, chiếm 85,87% tổng số hộ nông dân, so với năm 1964 tăng 8,3%. Trong đó có hơn 50% là hợp tác xã bậc cao, 36 hợp tác xã của đồng bào vùng cao. Sau chiến tranh phá hoại lần một, đến năm 1969, Bắc Thái đã có trên 91% tổng số hộ nông dân tham gia hợp tác xã, quy mô bình quân của các hợp tác xã từ 77 đến 84 hộ, từ 54,5ha đến 57,2ha, có 40 hợp tác xã quy mô toàn xã.
          Phong trào hợp tác xã nông nghiệp không chỉ phát triển về số lượng mà còn phát triển cả về chất lượng. Năm 1965 Bắc Thái tiếp tục thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã và cuộc vận động cải tiến kĩ thuật ở 5 huyện miền núi. Nếu tính cả thời gian trước đến năm 1965 toàn tỉnh đã có 389 hợp tác xã qua cải tiến quản lý chiếm 29% tổng số hợp tác xã. Qua thực hiện cải tiến quản lý, cải tiến kĩ thuật, trình độ tổ chức, quản lý cán bộ được nâng lên, công tác quản lý hoạch, quản lý sản xuất, quản lý lao động có nhiều tiến bộ. Từ chỗ nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất, chưa quản lý và bảo đảm được ngày công, đến năm 1969 đã có 55% hợp tác xã xây dựng được kế hoạch cả năm, mức công lao động bình quân của nhiều hợp tác xã lên tới trên 200 công một năm. Các hợp tác xã: Thành Công (Đại Từ), Tân Hương (Phổ Yên), Quang Vinh (thành phố), Tân Tiến (Định Hóa)… là những hợp tác xã vừa có kế hoạch, vừa có trình độ quản lý sản xuất tốt. Cơ sở vật chất của các hợp tác xã được mở rộng, tốc độ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề tăng nhanh. Nhiều hợp tác xã xây được lò thúc mầm, đầu tư thêm vốn, phân bón và đưa giống mới, có năng suất cao  vào sản xuất. So với trước chiến tranh, cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tăng từ 3 đến 5 lần, vốn đầu tư về thủy lợi tăng 2,5 lần. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý cũng phát triển nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Nhờ làm tốt công tác trên, năm 1968, Bắc Thái có nhiều hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn/ha. Đến năm 1972 có một số hợp tác xã đạt năng suất 7 tấn/ha. Điển hình về năng suất cao là các hợp tác xã Đại Từ, Phú Bình, Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên.
          Theo chủ trương của tỉnh, sản xuất nông nghiệp ở Bắc Thái thời kỳ 1965 – 1972 phát triển tương đối toàn diện về cả trồng trọt và chăn nuôi.
          Cũng trong thời kỳ này, Bắc Thái là một tỉnh miền núi bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhưng phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển mạnh, hướng vào việc thâm canh, tăng năng suất, giành năng suất cao, lấy việc thực hiện 5 tấn thóc một héc ta gieo trồng làm mục tiêu phấn đấu. Nêu cao khẩu hiệu “chắc tay cày, giỏi tay súng”, nông dân Bắc Thái vừa thi đua bắn rơi nhiều máy bay Mỹ vừa thi đua sản xuất ra nhiều thóc gạo. Trong những năm gian khó, ác liệt, nhân dân Bắc Thái đã đội bom đạn của giặc Mỹ để sản xuất. Phong trào thi đua sản xuất phát triển mạnh ở khắp các huyện: Đại Từ, Phổ Yên, Phú Lương, Phú Bình, thành phố Thái Nguyên. Nhiều hợp tác xã có phong trào tốt, trở thành những điển hình tiên tiến như Hợp tác xã Thành Công (Đại Từ), hợp tác xã Hồng Kỳ (Phú Bình).
          Trong 4 năm: 1965 – 1968 sản lượng lúa bình quân mỗi năm đều đạt gần 129.000 tấn, năm đạt mức cao nhất là 132.000 tấn (1967). So với trước chiến tranh, sản lượng lúa tăng 5,4%, màu tăng 12,5%, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 0,2%. Đặc biệt năm 1968, mặc dù thời tiết không thuận lợi, làm ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo diện tích gieo trồng. Nhưng hưởng ứng cuộc động viên chính trị “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của trung ương Đảng, quyết tâm giành vụ thu và vụ mùa “quyết chiến, quyết thắng”, Bắc Thái đã khắc phục khó khăn, vẫn giành được năng suất cao, sản lượng lúa cả năm đạt 129.726 tấn. Huyện Phổ Yên, Đại Từ và thành phố Thái Nguyên là những đơn vị đứng đầu về năng suất lúa hai vụ. Cũng năm này, Bắc Thái có 1 đơn vị thuộc khu vực sản xuất nông nghiệp đạt tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa.
          Trên cơ sở sự chỉ đạo của trung ương, từ năm 1969, sản xuất nông nghiệp Bắc Thái bước vào một thời kỳ mới. Giữa hai lần chiến tranh phá hoại, Bắc Thái có một thời kỳ hòa bình kéo dài 4 năm. Trong điều kiện đó, năm 1969, toàn tỉnh dấy lên cao trào thi đua chống Mỹ cứu nước “mỗi người làm việc bằng hai” ở khắp các ngành, các đơn vị sản xuất, mục đích là đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, tổ chức tốt đời sống và chi viện cho tiền tuyến nhiều hơn nữa. Đối với nông nghiệp phấn đấu giành 3 mục tiêu: “5 tấn thóc, 2 con lợn, 1 lao động trên 1 héc ta gieo trồng”.
          Đầu năm 1969, trong cuộc vận động thi đua yêu nước, Ban thường vụ tỉnh ủy và ủy ban hành chính đã phát động 3 phong trào: thi đua làm thủy lợi, thi đua làm giao thông, thi đua làm lâm nghiệp, tạo khí thế sôi nổi tiến quân vào sản xuất.
          Cuối năm 1969, khi Hồ chủ tịch qua đời, phong trào học tập và làm theo di chúc của Người đã có sức mạnh cổ vũ và động viên nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Thái khắc phục khó khăn, tạo nên bước chuyển biến mới trong sản xuất. Trong ba năm 1969, 1970, 1971 sản lượng lúa đều tăng và đạt cao hơn so với thời kỳ 1965 – 1968. Đặc biệt là năm 1968, năm xảy ra chiến tranh phá hoại lần thứ hai, bị Mỹ đánh phá ác liệt song sản lượng lúa, sản lượng lương thực đều đạt mức cao nhất trong 8 năm chiến tranh.
          Trong hai năm 1969 – 1971, tranh thủ thời gian có hòa bình, mặt trận các cấp hướng nhân nhân vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Công tác quản lý, củng cố hợp tác xã cũng được tăng cường. Nhân dân có điều kiện tập chung vào sản xuất nên sản xuất nông nghiệp các mặt đều có tiến bộ. Trong năm 1970, tổng sản lượng lương thực cao hơn hẳn hai năm 1968 – 1969.
          Giữa tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ bắn phá trở lại miền Bắc nước ta với mức độ hết sức khốc liệt. Máy bay B52 của Mỹ ném bom rải thảm nhiều làng mạc, ruộng đồng, đê điều, nhà máy, trường học…ở thành phố Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ. Từ đầu năm 1973, nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã vận chuyển hàng ngàn mét khối đất đá để san lấp hố bom, sửa chữa đê điều. Nhờ đó, năm 1973, diện tích trồng lúa toàn tỉnh đạt 21.004 ha, tăng 5,2% so với năm 1972. Giống lúa mới có năng suất cao được cấy trên 82,2% diện tích. Năm ấy Bắc Thái giành được thắng lợi lớn trong sản xuất vụ xuân. Năng suất lúa cả năm bình quân toàn tỉnh đạt 37,08 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực đạt 187.049 tấn.
          Phát huy thành tích đã đạt được, sản xuất nông nghiệp từ 1974 – 1975 đều có những bước tăng trưởng. Riêng năm 1974, toàn tỉnh có 87 hợp tác xã đạt 5 tấn/1ha.
          Trong hoàn cảnh bị chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, sản xuất nông nghiệp Bắc Thái vẫn được đẩy mạnh và phát triển. Tất cả là nhờ phong trào thi đua sản xuất. Sản lượng lương thực tăng khá, ngoài cây lúa còn có hoa màu, nhất là cây sắn. Sản xuất lúa xuân không ngừng được mở rộng, đạt khá là các huyện Đại Từ, Định Hóa, tạp nên truyền thống sản xuất lúa xuân đạt năng suất và sản lượng cao, vững chắc những năm sau.
          Ngoài trồng trọt, nhiều hợp tác xã chăn nuôi giỏi xuất hiện. Thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống nhân dân, cung cấp lương thực, thực phẩm cho công nhân khu gang thép Thái Nguyên, giáo viên, học sinh các trường Đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp…chi viện cho đồng bào miền Nam đánh Mỹ và thắng Mỹ.
          Thắng lợi về sản xuất nông nghiệp trong những năm kháng chiến chống Mỹ còn là kết quả của phong trào “ba đảm đang” của phụ nữ và “ba giỏi” của hội phụ lão.
          Chị em phụ nữ vừa giỏi việc nhà, đảm việc nước lại vừa là người lao động giỏi, là lực lượng cơ bản trong sản xuất nông nghiệp, có năng lực tổ chức, mạnh dạn áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật. Trong phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp, có hàng chục nữ kiện tướng làm phân, 9000 thợ cấy giỏi, và hơn 10.000 người chăn nuôi giỏi. [30; 159]
          Thi đua với phong trào “ba đảm đang” của phụ nữ là phong trào “ba giỏi” của phụ lão. Nghị quyết 53 của bộ chính trị đã nêu: “trong xã hội ta, phụ lão đóng vai trò quan trọng. Nơi nào biết vận động phụ lão tham gia tuyên truyền giải thích chính sách của Đảng và chính phủ đều thực hiện tốt phong trào thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm có kết quả nhiều”. Nhận thức sâu sắc điều này, mặt trận tổ quốc tỉnh đã một mặt quán triệt chỉ thị 162 của ban Bí thư (30/5/1968): “làm tốt công tác phụ lão, chăm sóc tốt đời sống vật chất cũng như tinh thần đối với phụ lão, biểu dương và khen thưởng những phụ lão có công với dân, với nước”, mặt khác, tranh thủ mọi khả năng và ảnh hưởng của phụ lão trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội. Phong trào thi đua “ba giỏi” đã nhanh chóng lan rộng khắp tỉnh.
          Thực hiện phong trào “ba giỏi”, ngoài lo công việc và đời sống gia đình, động viên con cháu sản xuất, chiến đấu, tòng quân giết giặc, phụ lão còn trực tiếp tham gia các công tác xã hội, nhất là tham gia lao động sản xuất. Các phụ lão trong các đơn vị “Diên Hồng”, “Bạch đầu quân”…tuy tuổi cao, sức yếu nhưng rất hăng hái tham gia cùng con cháu lao động trên các cánh đồng, thửa ruộng, bảo đảm kế hoạch sản xuất của hợp tác xã.
          Nhiều chiến dịch sản xuất nông nghiệp như “phất cao cờ hồng tháng Tám”, chiến dịch “kiên cường thắng Mỹ” của các phụ lão thực sự là đầu tầu lôi cuốn mọi lứa tuổi tham gia lao động sản xuất. Trong phong trào “Cắm thẻ nhận ruộng để chăm sóc”, phụ lão toàn tỉnh đã nhận hàng ngàn thửa ruộng để chăm bón, diệt sâu bọ…Đó là một trong những nguyên nhân để những ruộng này cho năng suất cao.
          Chúng ta dễ dàng nhận thấy những kinh nghiệm sản xuất của “lão nông chi điền” kết hợp với các biện pháp kỹ thuật hiện đại đã đưa sản xuất nông nghiệp Bắc Thái năm sau đạt năng suất và sản lượng cao hơn năm trước. Phụ lão ở các huyện Phú Bình, Phổ Yên, Thành phố Thái Nguyên…nêu tấm gương điển hình về trồng cây, góp nhiều công sức làm nhiều công trình thủy lợi và giao thông nông thôn.
          Thái Nguyên là nơi có các cơ sở khai khoáng từ rất sớm. Những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp ráo riết khai thác thuộc địa, ở Thái Nguyên, chúng mở mỏ kẽm làng Hích (Võ Nhai), mỏ than Phấn Mễ (Phú Lương)…hơn 60 năm thống trị Thái Nguyên, thực dân Pháp đã khai thác bừa bãi tài nguyên khoáng sản quý giá mang về chính quốc. Theo con số không đầy đủ trong khoảng thời gian từ 1914 đến 1941 Pháp đã cướp được 353.716 tấn quặng kẽm, từ 1935 đến 1937, chúng cướp được 51.737 kg vàng, riêng năm 1941, đê phục vụ cho nhu cầu chiến tranh, chúng đã cướp được 168 tấn quặng mănggan, 5.500 tấn quặng chì…Vì vậy, khi cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Thái Nguyên đã giành lại từ tay bọn phát xít Nhật một di sản công nghiệp xơ xác, tiêu điều. Hầm lò bỏ hoang, phương tiện khai thác thủ công phần lớn bị hư hỏng…Nhưng chưa kịp xây dựng lại thì Thái Nguyên lại cùng cả nước đứng lên cùng nhân dân cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
          Hòa bình lập lại, thời kỳ 1955 – 1957, Thái Nguyên xúc tiến việc thăm dò các hầm mỏ, chuẩn bị phục hồi các mỏ kẽm, mỏ than, xây dựng các cơ sở công nghiệp, các nhà máy mới. Trong thời kỳ thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa (1958 – 1960), nhà máy điện Thái Nguyênnhà máy giấy Hoàng Văn Thụ bắt đầu được xây dựng. Năm 1959, khu công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên – một cơ sở lớn đầu tiên của ngành công nghiệp nặng được khởi công xây dựng. Trong kế hoạch 5 năm (1961 – 1965), nhiều công trình như: mỏ sắt Trại Cau, lò cao số 1, số 2 và xưởng luyện cốc đã hoàn thành. Năm 1962, khu công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên bước vào hoạt động, đưa Thái Nguyên trở thành một trung tâm công nghiệp luyện kim của tổ quốc. Mỗi năm, khu gang thép Thái Nguyên sản xuất ra hàng vạn tấn gang thép, trong đó có loại thép chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, nước nhà và cho xuất khẩu. Như vậy, “với khu gang thép, đồng bào Thái Nguyên có thể tự hào rằng về công nghiệp nặng thì miền xuôi cần thi đua với miền núi. Cán bộ và công nhân có thể tự hào rằng sau hơn ba năm lao động cần cù, tự tay mình đã ngăn sông xẻ núi, xây dựng một khu gang thép to lớn đầu tiên của nước ta…”[17; 33]
          Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp địa phương, trong thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, 42 xí nghiệp công nghiệp địa phương được xây dựng như: Than Quán Triều, cơ khí 3/2, Gỗ Tháng Tám, gạch Tân Long, phốt phát Núi Văn…Sự ra đời của các xí nghiệp công nghiệp địa phương đã đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế, làm cho kinh tế Thái Nguyên trở nên cân đối và toàn diện. Công nghiệp địa phương lấy phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh làm mục tiêu sản xuất. Trong những năm đầu, công nghiệp địa phương còn nhỏ bé, chưa giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp chỉ bằng xấp xỉ 1/4 giá trị tổng sản lượng nông nghiệp. Trong năm 1961, tổng giá trị sản lượng công nghiệp đạt 16,1 triệu đồng. Năm 1965, tăng lên đến 25,1 triệu đồng và bằng 1/3 tổng giá trị sản lượng của nông nghiệp. Các loại sản phẩm chủ yếu của công nghiệp không ngừng tăng lên cả về thể loại, số lượng và chất lượng trong đó tăng nhanh nhất là sản phẩm phục vụ xây dựng và nông nghiệp như: vôi, đá các loại, gạch ngói, gỗ xẻ, phốt phát, cày bừa…
          Tuy nhiên, do mới xây dựng nên các xí nghiệp công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị, về kỹ thuật, tiền vốn…để khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công nhân Thái Nguyên đã thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động.
          Từ năm 1961 – 1964, phong trào thi đua giành “ba điểm cao”, phong trào “Ấp Bắc”, phong trào “làm việc bằng hai” phong trào “trả thù cho anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi”…diễn ra sôi nổi, liên tục, rộng khắp các xí nghiệp, nhà máy, mạnh nhất là năm 1964, các phong trào thu đua này có tác dụng rất lớn trong việc thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy việc hoàn thành kế hoạch nhà nước. Phong trào thi đua giành “ba điểm cao” đã có 3.374 sáng kiến hợp lý hóa sản xuất. Năm 1964 có 1.590 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm cho nhà nước 10.951 đồng, đưa năng suất lao động bình quân tăng từ 0,5 đến 24%, cũng trong năm 1964, ngành công nghiệp đã có 23 cơ sở lớn hoàn thành kế hoạch nhà nước (trong đó có 15 xí nghiệp công nghiệp địa phương, 3 đoàn thăm dò, 5 xí nghiệp của trung ương). Xí nghiệp bột giấy Khánh Hòa, xí nghiệp Phốt phát Núi n có 57 tổ được công nhận tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, đã trở thành điển hình tốt trong phong trào thi đua của ngành công nghiệp Thái Nguyên.
          Nhờ thực hiện đúng đường lối phát triển công nghiệp của Đảng, nhờ tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, thi đua sản xuất là yêu nước mà năng suất và giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng lên nhanh chóng. Công nghiệp quốc doanh dần dân giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất công nghiệp. Năm 1960, 1961, giá trị tổng sản lượng thủ công nghiệp lớn hơn công nghiệp quốc doanh, bằng 1/2, thậm chí 2/3 giá trị tổng sản lượng của toàn ngành công nghiệp, đến năm 1964, thủ công nghiệp chỉ bằng 2/5 giá trị tổng sản lượng công nghiệp. Nhận xét về sự phát triển của công nghiệp địa phương Thái Nguyên đầu những năm 60, Hồ chủ tịch nói: “xưởng phốt phát, xưởng phân mê tan, các lò nung vôi, công nghiệp chế biến nông sản…đều cố gắng phục vụ nông nghiệp và có thành tích. Mỏ than Quán Triều trước đây kém nay có tiến bộ. Nhà máy giấy Hoàng n Thụ có nhiều sáng kiến và đã hoàn thành kế hoạch năm 1963 trước thời hạn. Như thế là tốt, nhưng cũng có những xí nghiệp và quản lý kém, để lãng phí sức của, sức người…”[17; 35]
          Ngày 29/3/1964, tại hội nghị chính trị đặc biệt, Hồ chủ tịch đã kêu gọi: “mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt”. Thực hiện lời kêu gọi của người, chỉ sau 20 ngày, những người công nhân gang thép đã làm xong 5km đường sắt, và đường điện nối liền khu mỏ Quang Trung với Trại Cau để vận chuyển kịp thời nguyên liệu phục vụ sản xuất.
          Nếu năm 1963, người công nhân gang thép nêu quyết tâm “phải ra gang thì năm 1965 – năm cuối của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, quyết tâm của giai cấp công nhân là “phải ra thép”. Để đạt được mục tiêu sản xuất ra thép, khu cán thép 650 được khẩn thiết xây dựng.
          Trên miền bắc, tình hình chiến sự xảy ra ngày càng ác liệt. Ngày 20/8/1965, theo lệnh của trung ương, khu gang thép tạm ngừng sản xuất. Chưa bao giờ người thợ gang thép thấy rõ trách nhiệm của mình đối với tổ quốc như lúc này và càng thêm sôi sục căm thù giặc Mỹ. Vì thế, sau 3 tháng, công nhân gang thép đã di chuyển 8.600 tấn thiết bị an toàn. Trước yêu cầu của cách mạng, một bộ phận lớn gang thép đã chuyển hướng sang phục vụ trực tiếp cho công nghiệp quốc phòng và công nghiệp địa phương.
          Ngày 29/4/1966, Mỹ ném bom xuống ga Lưu Xá, ga Lập Tầu vì nó như miệng phễu khổng lồ rót nguồn nguyên liệu cho Gang thép. Giặc Mỹ đánh hai ga trên hòng cắt nguồn nguyên liệu, làm cho sản xuất của khu Gang thép bị tê liệt. Tuy nhiên, những người công nhân đã nêu cao khẩu hiệu: “địch phá thì ta sửa, địch lại phá, ta lại sửa ta đi”…
          Đảng ủy khu Gang thép đã nêu cao quyết tâm “kiên quyết bám cơ sở sản xuất, coi vị trí sản xuất như vị trí chiến đấu”. Những người thợ không tiếc sức lực, đào 40km hào giao thông, 13.500 hầm hố cá nhân, 2000 hầm tập thể và 5.400m hầm xuyên núi.
          Phát huy tinh thần quyết tâm sản xuất, thi đua sản xuất, khu Gang thép đã rầm rộ phát động đợt thi đua “1000 tấn gang chất lượng tốt”. Năm 1967, Gang thép mở đại hội mừng công, 2 phân xưởng hàn tán, luyện thép đã được nhà nước công nhận là phân xưởng lao động xã hội chủ nghĩa và đơn vị quyết thắng.[41 ; 42]
          Cùng với công nhân khu Gang thép, công nhân nhà máy điện Thái Nguyênnhà máy giấy Hoàng n Thụ cũng quyết tâm “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, bám máy để sản xuất. Ngày 29/4/1966, khi Mỹ bắn phá nhà máy điện, công nhân vẫn duy trì dòng điện chạy đều, đồng thời hiệp đồng với các đơn vị bạn bắn rơi 2 máy bay Mỹ.
          Phát huy những thắng lợi đã đạt được, năm 1969, công ty Gang thép lại khôi phục sản xuất, đi vào hoạt động tích cực hơn.
          Sau ngày công ty mở đại hội tổng kết 4 năm chống Mỹ cứu nước, ngày 22/12/1969, thì một phong trào thi đua “khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh” lại được dấy mạnh lên ở tất cả các phân xưởng. Ngày 24/5/1970, lò cao số 1 sau khi được phục hồi lại cho ra gang. Mẻ gang này đã được đặt tên là “mẻ gang thắng Mỹ”. Một năm sau, ngày 30/5/1971, lò cao số 2 cũng trở lại sản xuất. Cùng thời gian đó, các cơ sở khác của Gang thép cũng được khôi phục. Không khí lao động khẩn trương, liên tục, nhộn nhịp lại bao trùm khắp công ty, những vết tích chiến tranh đang được xóa dần.
          Như vậy, sau khi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc lần thứ nhất, các nhà máy, xí nghiệp chuyển nhanh từ thời chiến sang thời bình. Mặc dù có nhiều biến động nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giai cấp công nhân Thái Nguyên vẫn nêu cao quyết tâm thi đua chiến đấu và sản xuất.
          Ngày 8/9/1973, công nhân Gang thép ra mẻ gang chào mừng hiệp định Pari. Ngày 4/5/1975, khánh thành xưởng hợp kim sắt với công suất 4000 tấn/1 năm. Ngày 2/9/1975, đồng chí Lê Duẩn, tổng bí thư Đảng đã lên Thái Nguyên thăm và chứng kiến mẻ gang 203 ra lò.
          Cùng với việc thi đua trong sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp Thái Nguyên cũng ngày càng phát triển và giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế.
          Sau ngày hòa bình lập lại, ngoài mục tiêu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh, thủ công nghiệp còn phát triển theo hướng phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Các Hợp tác xã thủ công, các ngành nghề thủ công đã cố gắng khai thác và tận dụng các nguồn nguyên liệu, vật liệu địa phương để sản xuất. Các mặt hàng như: mành trúc, mành cọ, bàn ghế bằng mây, trúc, cần câu trúc, tre…của ngành thủ công nghiệp Thái Nguyên là những mặt hàng không chỉ nổi tiếng ở thị trường trong nước mà còn nổi tiếng ở nhiều thị trường trên thế giới. Năm 1960, giá trị sản lượng thủ công nghiệp đạt 8,4 triệu đồng, năm 1964 đã tăng lên 11 triệu đồng.
          Đối với những người buôn bán nhỏ và thợ thủ công, mặt trận tổ quốc đã vận động họ vào các tổ chức làm ăn tập thể. Thái Nguyên là nơi tập chung buôn bán có tới 3.832 hộ, năm 1960 đã đưa 95% số hộ thương nghiệp và buôn bán nhỏ vào con đường ăn tập thể. Trong đó có 85% số hộ thương nghiệp tham gia hợp tác xã, riêng thị xã Thái Nguyên có 350 hộ trong tổng số 1.178 hộ chuyển sang sản xuất thủ công nghiệp. [14]
          Để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa và đời sống nhân dân, ngành thương nghiệp và hệ thống giao thông vận tải cũng được khôi phục và phát triển nhanh chóng. Từ 1954 đến 1964, mạng lưới thương nghiệp quốc doanh và các hợp tác xã mua bán được củng cố và phát triển ngày càng nhiều, tới tận các xã vùng cao phía Bắc. Ngành thương nghiệp Thái Nguyên đã phát huy vai trò thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, đảm bảo lưu thông phân phối, ổn định giá cả, ổn định thị trường, đáp ứng các yêu cầu về ăn, ở, mặc, học tập…của nhân dân trong tỉnh.
          Từ năm 1965, dưới sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều hợp tác xã thủ công nghiệp được xây dựng và nhiều hợp tác xã được đầu tư về cơ sở vật chất, kỹ thuật, củng cố về tổ chức, cho nên các hợp tác xã thủ công nghiệp được phát triển ngày càng vững mạnh. Cuối quý II năm 1965, đã sát nhập một số cơ sở sản xuất nhỏ thành hợp tác xã có quy mô lớn hơn. Đến cuối quý III năm 1965, các hợp tác xã ngành thủ công nghiệp của riêng thành phố Thái Nguyên, sản xuất ở 74 cơ sở với 13 ngành nghề khác nhau, số xã viên lên tới 1.709 người.
          Những năm chiến tranh ác liệt, ngành thủ công nghiệp vẫn nêu cao khẩu hiệu “địch đánh ngày, ta làm đêm, địch đánh đêm ta làm ngày”, và “ địch đến thì ta đánh, địch đi ta lại sản xuất”…Các hợp tác xã chẳng những tổ chức tốt “công tác phòng không” đánh địch mà còn tổ chức thi đua sản xuất tốt hơn, đưa quy mô hợp tác xã không ngừng phát triển. Năm 1968, thành phố Thái Nguyên bị một trận lụt lớn, thiên tại cùng với địch họa vẫn không cản được bước tiến mới của đội ngũ những người thợ thủ công nghiệp.
          Trong hoàn cảnh khó khăn, ngành thủ công nghiệp Thái Nguyên đã phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, khắc phục tồn tại để hoàn thành kế hoạch. Một số hợp tác xã trong lúc thiếu nguyên liệu đã nhanh chóng chuyển sang làm ngói, xi măng phục vụ trực tiếp cho xây dựng, chế biến phế liệu để làm ra những mặt hàng tiêu dùng có giá trị hay đặt máy cán mì sợi…
          Sau năm 1973, nhất là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, phấn khởi trước những thắng lợi chung của cả dân tộc, Thái Nguyên cùng với đội ngũ những người thợ thủ công nghiệp lại bước vào khí thế mới của “bài ca xây dựng”.
          Trong thời kỳ 1954 – 1964, song song với thi đua sản xuất trong các lĩnh vực kinh tế, thi đua xây dựng nền văn hóa mới cũng rất được nhân dân Thái Nguyên chú trọng.
          Thành tích nổi bật nhất về văn hóa thời kỳ này là mạng lưới thông tin văn hóa phát triển mạnh, rộng khắp từ tỉnh xuống đến các huyện, các xã. Hệ thống đài và loa truyền thanh được xây dựng ở tỉnh, huyện và mở rộng đến một số xã vùng thấp. Nhiều công trình văn hóa như rạp chiếu bóng, rạp hát, bãi chiếu bóng ngoài trời đã ra đời. Đến năm 1964, Thái Nguyên đã xây dựng dược hai rạp chiếu bóng ngoài trời, mỗi năm phục vụ hàng chục lượt người xem. Các thư viện của tỉnh được thành lập, sách báo của Đảng đã đến tận những bản làng xa xôi, hẻo lánh, phục vụ đồng bào các dân tộc ít người.
          Đầu những năm 60, nhân dân Thái Nguyên đã đóng góp nhiều công sức để xây dựng bảo tang Việt Bắc ở trung tâm thành phố Thái Nguyên.
          Sự phát triển của sự nghiệp văn hóa đã đem ánh sáng văn hóa của Đảng, đem tinh hoa văn hóa của dân tộc đến với mọi người dân Thái Nguyên. Sự nghiệp văn hóa cũng góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống tinh thần, nâng cao hiểu biết xã hội và giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa, động viên nhân dân các dân tộc Thái Nguyên hăng hái tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất và bảo vệ tổ quốc.
          Từ năm 1965, phòng văn hóa thông tin thành phố Thái Nguyên được thành lập đã xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng và phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của thành phố cũng như toàn tỉnh. Năm 1966, giặc Mỹ đánh phá Thái Nguyên rất ác liệt. Cùng với khí thế “tay búa, tay súng”, “tay cày tay súng”, phong trào “tiếng hát át tiếng bom” trở thành phong trào quần chúng rộng khắp mọi nơi từ thôn xóm, khu phố đến hợp tác xã, trường học…Đâu đâu cũng ngân vang lời ca, tiếng hát say sưa, lạc quan, tin tưởng và chiến thắng. Hàng nghìn bài thơ, bài ca dự thi, nhiều bài có nội dung tốt được chọn làm bài phát trên phát thanh, báo chí của tỉnh.
          Các hoạt động thông tin, chiếu bóng, truyền thanh cũng rất phát triển. Hệ thống truyền thanh về tới tận các xã, các khu phố, các hợp tác xã…cuộc sống của nhân dân Thái Nguyên trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn vui tươi, lành mạnh, nếp sống văn minh được xây dựng và phát triển.
          Thi đua yêu nước trên lĩnh vực văn hóa là thi đua xây dựng nếp sống mới, xây dựng các quan hệ làng xóm theo quan hệ sản xuất mới, hướng tới bình đẳng, hợp tác cùng có lợi trong hợp tác xã xen cư, xen dân tộc. Ở Thái Nguyên, các phong trào này rất được củng cố, nhân dân luôn hòa đồng trong các sinh hoạt, sản xuất, xã hội.
          Trong các cuộc vận động thi đua xây dựng con người mới, xã hội mới, mặt trận tổ quốc đã dựa vào các đoàn thể, các cụ phụ lão để tạo bước chuyển biến về văn hóa, xã hội trong mỗi gia đình, làng bản, khu phố, góp phần xây dựng và gìn giữ những thuần phong mĩ tục, những quan hệ truyền thống tốt đẹp trong các dân tộc.
          Một trong những khó khăn của phong trào thi đua này là cuộc vận động cải tạo những con người làm nghề mê tín dị đoan như bụt, tào, mo, then…Trong xã hội cũ, khi khoa học chưa phát triển, bụt, tào, mo, then không chỉ là ông thầy mo chữa bệnh mà còn là người nắm thần quyền, mê hoặc, chế ngự tinh thần của nhân dân. Cải tạo những người làm nghề cúng bói thực chất là cuộc cải tạo tư tưởng, nâng cao nhận thức của đồng bào về thế giới quan, nhân sinh quan…Tuy nhiên, Mặt trận tổ quốc tỉnh Thái Nguyên đã làm rất tốt vai trò lãnh đạp cuộc thi đua này. Mặt trận đã phối hợp với ngành văn hóa, xã hội mở các cuộc trao đổi với những người hành nghề cúng bói, và các cụ phụ lão, động viên mọi người thực hiện các quy ước: bỏ cúng bói, tiết kiệm trong ma chay, cưới xin, xóa bỏ những kiêng kị có hại đến sức khỏe, sản xuất và đoàn kết…Đồng thời, mặt trận tổ chức tuyên truyền trong nhân dân, đưa lương y và các đoàn cán bộ y tế của tỉnh xuống các cơ sở tuyên truyền, chữa bệnh, phòng dịch.
          Phong trào thi đua đã ngày một sâu rộng trong nhân dân, đã góp phần làm chuyển biến tư tưởng trong nhân dân, hạn chế nhiều hiện tượng mê tín dị đoan, giảm nhẹ nhiều hủ tục phiền hà.
          Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, 90% dân số Việt Nam mù chữ. Là một tỉnh miền núi, tỷ lệ đó ở Thái Nguyên còn cao hơn. Nhiều dân tộc ít người trong tỉnh 100% mù chữ, khi cách mạng Tháng Tám thành công, nền giáo dục mới hình thành và phát triển. Trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện lời kêu gọi “diệt giặc dốt” của Hồ Chí Minh, học văn hóa mới trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, và đạt nhiều thành tích lớn. Đến năm học 1953 – 1954 các huyện Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa, lần lượt mở các trường cấp II, trường cấp III Lương Ngọc Quyến đã mở đến lớp 9. Cả 7 huyện đều mở các lớp bình dân học vụ và bổ túc văn hóa, có 1255 lớp, thu hút 29.808 học viên, trong đó có 6.519 học viên là các cán bộ xã.
          Thi đua trong lĩnh vực văn hóa ở Thái Nguyên thời kỳ này sôi nổi nhất vẫn là phong trào “bình dân học vụ”. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hưởng ứng mạnh mẽ các chiến dịch “tổng tiến công diệt đốt”, “Điện Biên Phủ diệt dốt” do đồng chí Tôn Đức Thắng, chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động. [30; 129]
          Từ ngày hòa bình lập lại đến năm 1964, phong trào học tập văn hóa của Thái Nguyên tiếp tục phát triển và có những bước tiến mới. Ngành học phổ thông được phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng. Năm 1955, Thái Nguyên có 141 trường phổ thông các cấp với 465 thầy cô giáo và 20. 109 học sinh. Năm 1964 tăng lên đến 331 trường với 2.490 giáo viên, và 68.134 học sinh. So với năm 1955, số trường tăng hơn 2 lần, số giáo viên tăng hơn 5 lần, số học sinh tăng hơn 3 lần. Cả tỉnh có 8 trường cấp III, nhiều hơn năm 1955 là 7 trường. Tỷ lệ học sinh đỗ trong các kỳ thi tốt nghiệp các cấp và thi lên lớp tăng dần, số học sinh đi học Đại học và trung cấp ngày một nhiều hơn.
          Năm 1958, để nâng cao kiến thức văn hóa cho các dân tộc ít người, Thái Nguyên đã mở trường sơ cấp văn hóa miền núi  cho 126 học sinh (95 nam và 31 nữ) trong đó có 63 học sinh dân tộc Mán, 14 học sinh dân tộc Trại, 1 học sinh dân tộc H’Mông, 14 học sinh Sán Chỉ, 4 học sinh Cao Lan, 10 học sinh Tày, 20 học sinh Nùng, có 117 học sinh dự thi và đủ điểm lên lớp. [17; 39]
          Bên cạnh các trường phổ thông, Thái Nguyên còn mở các trường nội trú, trường vừa học vừa làm, trường thanh niên dân tộc, trường thiếu nhi vùng cao…đón nhận con em các dân tộc vào học để nâng cao trình độ văn hóa và đào tạo cán bộ cho miền núi.
          Tuy công tác bình dân học vụ và bổ túc văn hóa phát triển mạnh trong thời kỳ kháng chiến nhưng đến năm 1955, Thái Nguyên vẫn còn có 65.754 người chưa biết đọc, biết viết (chiếm 36% dân số). Do vậy, sau hòa bình, cùng với ngành khoa học phổ thông, ngành bổ túc văn hóa không ngừng được củng cố và phát triển khắp trong toàn tỉnh, nhất là các xã ở các huyện vùng thấp.
          Năm 1958, ở Thái Nguyên có phong trào bổ túc văn hóa phát triển ở 135 xã, nhiều xã có phong trào tốt như Linh Thông, Đèo De,…thu hút 10.000 người tham gia học tập. Nhờ tổ chức tốt việc học tập văn hóa, đến cuối những năm 50 đầu những năm 60 Thái Nguyên đã thanh toán xong nạn mù chữ. Năm 1962, Thái Nguyên được chính phủ công nhận hoàn thành thanh toán nạn mù chữ với tỷ lệ 92,21%. Năm 1961, Thái Nguyên được nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba về công tác bổ túc văn hóa.
          Trong những năm 1954 – 1964 các nhà trường ở Thái Nguyên đã gắn liền việc giảng dạy với thực tế đấu tranh và sản xuất ngoài xã hội. Tỉnh đã thực hiện phương châm giáo dục của Đảng, học đi đôi với hành, nhà trường đã gắn liền với xã hội. Nhà trường của Thái Nguyên đã thực sự trở thành nơi dạy dỗ và đào tạo con em nhân dân lao động các dân tộc thành những nhân tài cho đất nước.
          Năm 1964, khi về thăm Thái Nguyên, trước những thành tích to lớn mà nhân dân Thái Nguyên đã giành được trong sự nghiệp giáo dục, Hồ chủ tịch đã nói: “tỉnh ta đã có nhiều trường cấp 2, cấp 3, lại có những trường vừa học vừa làm như Tân Cương, Dương Thành…và những trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa ở Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa,…những trường đó học kết hợp với hành, như thế là rất tốt. Nên củng cố và phát triển tốt những trường như thế để đào tạo cán bộ cho nông thôn”. [17; 40]
          Giặc Mỹ đánh phá Thái Nguyên, ngành giáo dục Thái Nguyên đã kịp thời chuyển từ thời bình sang thời chiến, phân tán, xơ tán, di chuyển trường lớp xa những nơi trọng điểm, tổ chức phòng không đánh địch, thực hiện tốt khẩu hiệu “giặc đến thì phòng tranh địch tốt, giặc đi lại dạy và học bình thường”. Chiến tranh càng ác liệt thì phong trào thi đua “Nghìn việc tốt chống Mỹ cứu nước” hơn lúc nào hết trở thành phong trào thi đua của hàng ngàn thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thái Nguyên. Các em đã chuyển hàng nghìn tấn lá xanh và giẻ để ngụy trang trận địa và lau sáng nòng pháo. Hình ảnh hàng ngàn mũ rơm nhấp nhô trên khắp các nẻo đường xóm, thôn, khu phố buổi sớm mai hoặc lúc hoàng hôn đến lớp, đến trường vừa thể hiện lòng ham học, vừa thể hiện ý chí thắng Mỹ của lớp người tiếp bước cha anh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
          Lòng quyết tâm, ý chí thắng Mỹ của các em học sinh còn được biểu hiện cụ thể ở phong trào thi đua sôi nổi, khẩn trương đào hào, hạ nền, đắp lũy xung quanh lớp…Bằng sức lực của thầy và trò và sự giúp đỡ của nhân dân, các cơ quan, hàng chục ngàn mét đường hào, hàng ngàn hầm có ngách, có nắp và hầm kèo chữ A, hàng trăm phòng học được hạ nền đắp lũy.
          Vì vậy, mặc dù bi địch đánh phá ác liệt nhưng mọi hoạt động dạy và học vẫn được duy trì. Phong trào thi đua “hai tốt” vẫn được đẩy mạnh, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Ba ngành học phổ thông, bổ túc văn hóa, mẫu giáo vẫn được giữ vững và phát triển trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Đội ngũ giáo viên giỏi, học sinh giỏi tăng hơn.
          Giặc Mỹ đánh phá ác liệt có tính chất hủy diệt trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, một lần nữa, các trường lại phải xơ tán sang các huyện bạn để dạy và học. Mặc dù vậy, con em nhân dân vẫn học tập bình thường, chất lượng dạy và học vẫn vượt chỉ tiêu kế hoạch.
          Năm 1973, ngành giáo dục Thái Nguyên đã khắc phục khó khăn và hậu quả của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của giặc Mỹ, nhanh chóng khôi phục, ổn định trường lớp, đảm bảo cho các học sinh xơ tán trở về trường cũ học tập…
          Mặc dù có những bước trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng cho đến năm 1955, ngành y tế Thái Nguyên vẫn còn hết sức nhỏ bé, cả tỉnh chỉ có 6 y, bác sỹ, 36 y tá, và 2 bệnh viện với 100 trường bệnh. Việc khám chữa bệnh mới chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu của nhân dân. Các loại dịch bệnh còn lan tràn. Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh đã quan tâm chỉ đạo phát triển sự nghiệp y tế. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, các cơ sở y tế được tăng cường và mở rộng thêm, phương tiện khám chữa bệnh ngày càng đầy đủ. Đến năm 1964, Thái Nguyên đã có 11 cơ sở điều trị với 315 giường bệnh, có 11 y, bác sỹ cao cấp, 3 dược sỹ cao cấp, 194 trạm y tế xã với 864 y tế xã…Các cơ sở y tế đã khám cho 131.587 lượt người, điều trị cho 14.020 người, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống.
          Song song với công tác chữa bệnh, công tác phòng bệnh cũng được chú ý. Năm 1958, cuộc vận động vệ sinh phòng bệnh được tiến hành rộng rãi trong toàn tỉnh. Cuộc vận động đã đem lại kết quả to lớn là: Hàng vạn chuồng trâu được làm xa nhà, hầu hết các gia đình đều đào giếng nước ăn, và xây hố xí hai ngăn, nhân dân thực hiện 3 sạch: ăn sạch, uống sạch, ở sạch, tham gia xây dựng túi thuốc của xóm, xã. Các xã đã có túi thuốc, y tà hoặc vệ sinh viên…Tình trạng ốm đau chữa chạy bằng cúng bái đã giảm nhiều, phong trào bài trừ mê tín dị đoan phát triển mạnh ở các xã miền núi…
          Công tác thăm bệnh phát thuốc, tiêm phòng được tiến hành thường xuyên, do đó trong nhiều năm ở Thái Nguyên không xảy ra các dịch bệnh lớn. Đến giữa những năm 60, Thái Nguyên đã hoàn thành công tác diệt bệnh sốt rét lớn nhất miền Bắc. Nhìn chungnhờ sự quan tâm của Đảng bộ tỉnh, nhờ sự phát triển của sự nghiệp y tế mà sức khỏe của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã được đảm bảo ngày một tốt hơn.
          Những năm 60 của thế kỷ XX, ở Thái Nguyên, hộ đông y ngày càng phát triển mạnh. Năm 1964, hội kết nạp được 100 hội viên mới. Y học dân tộc ngày càng có uy tín, nhân dân Thái Nguyên đã dùng thuốc nam chữa bệnh. Hàng trăm người trước đây làm nghề mê tín dị đoan nay đã tham gia khai thác cây thuốc nam, phát hiện thêm hàng trăm cây thuốc mới để chữa bệnh cho nhân dân và góp phần vào việc biên soạn sách y lý dược liệu.
          Mạng lưới y tế tỉnh Thái Nguyên từ năm 1965 phát triển lên một tầm cao mới. Phong trào vệ sinh phòng dịch rất được chú ý trong điều kiện chiến tranh, do đó nhiều năm liền không có dịch bệnh lớn xảy ra. Trong hai đợt chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, ngành y tế đã có rất nhiều đóng góp trong tổ chức huấn luyện các đội cứu thương, cấp cứu. Năm 1966 nguyên thành phố Thái Nguyên có 45 đội với 405 người, thì năm 1967 có 60 đội với 948 người. Cán bộ y tế luôn sẵn sàng có mặt kịp thời ở những nơi giặc Mỹ bắn phá.
          Ngày 30/7/1967, bệnh viện thành phố Thái Nguyên được thành lập, khám chữa bệnh thường xuyên cho nhân dân và cán bộ.
          Ngày 5/9/1965, Đế quốc Mỹ cho máy bay ném bom đánh phá Bắc Thái. Cũng từ đó, nhân dân Bắc Thái bắt vào bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Bắc Thái chiến đấu không những chỉ nhằm mục đích bảo vệ Bắc Thái, bảo vệ thành quả của 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần cùng nhân dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại do Mỹ gây ra đối với miền Bắc, mà còn nhằm phối hợp với quân và dân miền Nam, với hai tỉnh kết nghĩa Khánh Hòa, Công Tum đánh Mỹ, cùng với nhân dân cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.
          Ngay từ khi Mỹ có những hành động leo thang ra miền Bắc, thực hiện chủ trương của trung ương Đảng, với phương châm “đánh địch kiên quyết, phòng địch tích cực”, tỉnh ủy và ủy ban hành chính Bắc Thái đã có hang loạt chỉ thị về vấn đề phòng không xơ tán. Tỉnh nhanh chóng xác định các mục tiêu trọng điểm, có chủ trương kịp thời xơ tán những khu đông dân, phân tán các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường học, kho tàng, các  thiết bị kỹ thuật…
          Nêu cao khẩu hiệu “phòng tránh tốt là bước đầu thắng Mỹ”, khắp nơi trong tỉnh dấy lên phong trào ở đâu có hoạt động của con người, có của cải của nhân dân và nhà nước, ở đó phải tổ chức phòng tránh chu đáo, phải có hầm hào trú ẩn. Trong gần 4 năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần 1 (1965 – 1968), Bắc Thái đã xơ tán 266.000 người ra khỏi thành phố Thái Nguyên, khu Gang Thép và các khu vực trọng điểm khác. Hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, địa đạo cho người, cho gia súc, cho máy móc, xuất hiện ở khắp nơi. Trong nhà ở, trong nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đường phố, bến xe, nhà ga, dọc bờ ruộng… Cả tỉnh đã đào được 659.619 chiếc hầm, hố các loại, 466.864m giao thông hào, 25 địa đạo. Nhiều nơi đã sáng tạo nhiều kiểu hầm trú ẩn thuận lợi, an toàn, như công nhân gang thép sáng tạo ra kiểu hầm có thể chứa hàng trăm người ngay trong nhà máy, ứng dụng dùng hệ thống cầu trượt từ tầng cao xuống hầm trú ẩn cho nhanh…Bên cạnh đó, để chủ động phòng tránh khi có máy bay, Bắc Thái còn tổ chức hệ thống thông tin báo động gồm 16 đài quan sát, 80 loa, 3 còi báo động. Do vậy, mặc dù bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt cả ngày lẫn đêm, thậm chí có đợt chúng đánh kéo dài hàng tuần, hàng tháng liên tục nhưng Bắc Thái vẫn đảm bảo an toàn cho công nhân trong tỉnh Bắc Thái và còn tiếp nhận các cơ quan, trường học của trung ương về xơ tán như trường Đại học tổng hợp, Đại học Mỏ - địa chất, Y khoa Hà Nội…Ở bất cú nơi nào có các cơ quan, trường học của trung ương đều được chính quyền và nhân dân địa phương đón tiếp, giúp đỡ về người, nguyên vật liệu…tạo điều kiện cho các trường, các cơ quan nhanh chóng ổn định đời sống, đảm bảo an toàn, tiếp tục hoạt động bình thường.
          Từ tháng 9/1965, Bắc Thái vừa phải sản xuất trong điều kiện chiến tranh, vừa phải trực tiếp chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Mục tiêu cụ thể của cuộc chiến đấu này là phải đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, bảo vệ mọi thành quả của cách mạng, bảo vệ các mục tiêu kinh tế, giao thông, các khu công nghiệp, dân cư…của Bắc Thái. Muốn vậy, một yêu cầu cấp thiết đặt ra là: phải tiếp tục xây dựng, tổ chức lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, tỉnh ủy Bắc Thái đã phát động phong trào “toàn dân tham gia đánh giặc”, lấy việc xây dựng lực lượng vũ trang làm nòng cốt (gồm cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ). [17].
          Tám năm chống chiến tranh phá hoại (1965 – 1972), Bắc Thái xây dựng được 1 đại đội bộ đội địa phương (C73), một đại đội cao xạ 14,5 ly, một tiểu đoàn công binh, một đại đội và một trung đội công binh độc lập, 3 tiểu đoàn bộ binh (D681, D682, D683), hai tiểu đoàn cao xạ 37 ly và 57 ly. Đối với lực lượng dân quân tự vệ được chú ý phát triển cả về số lượng và chất lượng và trang bị vũ khí. Vận dụng đường lối quân sự của Đảng trong điều kiện thực tế của tỉnh, Bắc Thái động viên toàn thể cán bộ, công nhân viên chức các công, nông, lâm trường, trường học và toàn thể nhân dân các dân tộc từ vùng thấp đến vùng cao tham gia xây dựng lực lượng vũ trang địa phương để khi có chiến tranh bất cứ ở nơi nào cũng có lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và giải quyết hậu quả do bom đạn địch gây ra. Từ 1965 – 1968 lực lượng dân quân tự vệ chiến đấu và tự vệ rộng rãi có 269.981 người, biên chế thành nhiều đơn vị chiến đấu, có trang bị vũ khí từ 50 - 70%. Lực lượng dân quân tự vệ được huấn luyện kĩ thuật, chiến thuật bắn máy bay, bắt giặc lái và các hình thức tác chiến mặt đất như: lùng bắt gián điệp, biệt kích. Với một lực lượng vũ trang đông đảo và có trang bị vũ khí như vậy đã tạo ra cho Bắc Thái khả năng về sức mạnh để chiến đấu bảo vệ quê hương và chi viện cho phía trước, để phát triển quân thường trực.
          Trong chiến tranh phá hoại lần 1, Mỹ ném xuống Bắc Thái 179.909 quả bom các loại, 1.664 quả rocket. Nhiều xí nghiệp công nghiệp, nhà máy, như khu Gang Thép Thái Nguyên, nhà máy điện Thái Nguyênnhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, nhà máy cơ khí 3/2…bị bom Mỹ tàn phá. Nhiều trường học, bệnh viện Thái Nguyên và các khu dân cư phía nam tỉnh bị ném bom, hỏng nặng.
          Với ý chí “Trút căm hờn lên nòng súng”, “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, cùng cả nước “quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”, quân và dân Bắc Thái kiên cường đấu tranh, thi đua giết giặc Mỹ và giành được những chiến thắng giòn giã. Các lực lượng chiến đấu của tỉnh, của quân khu, của bộ đội đã hình thành nên một hệ thống phòng thủ hoàn chỉnh, có lưới lửa tầm cao, tầm thấp, các binh chủng hiệp đồng chặt chẽ, phát huy được sức mạnh của tất cả các loại vũ khí.
          Thấm nhuần phương châm chỉ đạo chiến lược của tỉnh ủy: chủ động đánh địch, đánh chắc thắng, bắn trúng ngay từ loạt đạn đầu, trận đầu, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. Ngay từ ngày đầu tiên Mỹ đánh phá Bắc Thái, bộ đội địa phương đã bắn rơi 1 máy bay F105 của Mỹ bằng súng bộ binh. [17; 65].Sau chiến công đầu tiên và cũng là lần đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh này, phong trào thi đua “dùng súng máy bộ binh bắn máy bay” phát triển khắp nơi ở Bắc Thái và thực sự trở thành phong trào sôi nổi. Lực lượng vũ trang địa phương đã tạo ra lưới lửa phòng không tầng thấp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn chiến đấu, tạo điều kiện cho pháo cao xạ, tên lửa, không quân của ta tiêu diệt máy bay địch.
          Qua hơn 9 tháng thi đua chiến đấu, ngày 29/4/1966, quân dân Bắc Thái đã lập chiến công xuất sắc bắn tan xác 2 chiếc máy bay, trong đó có chiếc máy bay thứ 1000 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Với thành tích vẻ vang đó, Bắc Thái vinh dự được nhận cờ thưởng luân lưu “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Hồ chủ tịch trao tặng. Thành tích bắn rơi máy bay, bắt sống giặc lái Mỹ trong những tháng đầu chiến đấu cùng với phần thưởng cao quý mà Hồ chủ tịch trao tặng là nguồn cổ vũ lớn lao đối với các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Thái hăng hái thi đua lập nhiều thành tích hơn trong sản xuất và chiến đấu.
          Trong phong trào thi đua bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, lực lượng dân quân tự vệ cũng tham gia tích cực. Với khẩu hiệu: “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, các chiến sỹ dân quân tự vệ của các nhà máy, công trường, cơ quan, trường học các địa phương đã vừa đảm bảo sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Hơn 200 tổ trực chiến của dân quân tự vệ chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí. Lưới lửa phòng không tầm thấp dày đặc của dân quân tự vệ đã làm cho bọn giặc Mỹ kinh hồn, khiếp vía.
          Ngày 1/8/1966, dân quân xã Hà Thượng – Đại Từ bằng 24 viên đạn súng bộ binh bắn cháy một máy bay F105 của giặc Mỹ. Với chiến công này, dân quân xã Hà Thượng đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho phong trào thi đua chiến đấu giỏi của lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Thái.
          Trong tháng 9 và tháng 12 năm 1966, và tháng 2, tháng 3 năm 1967, có nhiều ngày, Bắc Thái đã bắn rơi liền 2 máy bay và bắt sống giặc lái. Ngày 2/12/1966, bắn rơi 2 máy bay, bắt sống 4 tên giặc lái. Ngày 11/3/1967 bắn rơi 3 chiếc máy bay…[17; 67]
          Đến ngày 31/3/1968, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với Bắc Thái chấm dứt. Gần 4 năm chiến đấu, quân và dân Bắc Thái đã thực hiện phong trào thi đua giết giặc và đã bắn rơi 59 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. Trong đó năm 1966 bắn rơi 38 chiếc, đặc biệt riêng tháng 7/1966 quân và dân Bắc Thái đã lập chiến công xuất sắc, bắn rơi 18 máy bay Mỹ. Bắc Thái đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng chung của nhân dân miền Bắc trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần 1 của Đế quốc Mỹ.
          Sau khi chấm dứt chiến tranh phá hoại lần 1, nhân dân Bắc Thái được hưởng hoà bình trong 4 năm (từ tháng 4/1968 – tháng 4/1972), nhưng nhận thấy rõ âm mưu của Mỹ, với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, và chiến đấu quyết tâm đánh thắng địch trong mọi tình huống, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ hậu phương, bảo vệ căn cứ địa, quân và dân Bắc Thái đã nêu cao tinh thần cảnh giác, luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
          Tháng 5/1972, quân Mỹ ném bom bắn phá Bắc Thái lần thứ hai. Trong những lần đánh phá này, đặc biệt là những ngày cuối năm 1972, Mỹ đã dùng cả máy bay B52 ném bom, bắn phá ác liệt nhiều khu dân cư của thành phố Thái Nguyên: Cam Giá, Phú Xá, Tích Lương, Túc Duyên, Tân Long, Quang Vinh…Năm 1972, Mỹ đã ném 5.374 quả bom các loại, trong đó có 4 quả bom la re xuống Bắc Thái. Chỉ có 8 tháng mà Mỹ đã phá hủy nhiều cơ sở kinh tế, quốc phòng trọng điểm của Bắc Thái như nông trường Sông Cầu, Kho 382 khu Gang Thép, nhà máy điện, ga Lưu Xá…và hàng nghìn người dân vô tội đã bị chết vì bom đạn Mỹ.
          Biến đau thương thành căm thù, thành sức mạnh, các lực lượng phòng không, không quân và dân quân tự vệ Bắc Thái đoàn kết, hợp đồng chiến đấu, kiên quyết đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Phong trào thi đua bắn máy bay Mỹ lại nổ ra rầm rộ. Từ tháng 5/1972 đến tháng 10/1972 quân và dân Bắc Thái đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ.
          Đặc biệt, trong phong trào thi đua này, trong trận chiến đấu quyết liệt cuối năm 1972, đơn vị pháo cao xạ 100 ly thuộc trung đoàn 256 bộ đội địa phương bắn cháy 2 pháo đài bay B52. Với chiến công đó, quân và dân Bắc Thái đã góp phần cũng quân dân thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng đập tan cuộc tập kích chiến lược B52 của Mỹ, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy.
          Trải qua hơn 4 năm trực tiếp chiến đấu với không quân Mỹ (1965, 1966, 1967, 1968, và 1972), phối hợp chiến đấu với các lực lượng không quân, cao xạ, tên lửa…quân và dân Bắc Thái đã tích cực thi đua bắn máy bay Mỹ và đã bắn rơi 69 máy bay, trong đó có 2 máy bay B52, tiêu diệt và bắt sống 42 tên giặc lái Mỹ. Riêng thành phố Thái Nguyên bắn rơi 22 chiếc (trong đó có 2 máy bay B52), bắt sống 9 giặc lái.
          Trong 8 năm (1965 – 1973), Bắc Thái cùng với nhân dân các tỉnh miền Bắc đã đoàn kết chiến đấu đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quan của Mỹ, bảo vệ được hậu phương lớn của cả nước, cùng nhân dân cả nước quyết tâm “đánh cho Mỹ cút”, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn mới.
          Trong phong trào thi đua giết giặc, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Thái Nguyên có anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Thanh Ngân (người huyện Phú Bình) đã tung hoành cùng đồng đội công kích, bắn rơi hàng loạt máy bay Mỹ. Ngoài ra còn có anh hùng Ma Văn Viên (Định Hóa), Hà Văn Vấn (Phú Lương), Ngô Văn Sơn (Đồng Bẩm), Trần Xuân Thiện (Phú Lương)…Họ là một số trong số rất nhiều các anh hùng, chiến sỹ thi đua của Thái Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên tất cả các lĩnh vực, xứng đáng được ghi công và noi theo.
          Tiểu kết:
          Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 – 1975 là giai đoạn Thái Nguyên cùng với cả miền Bắc làm nghĩa vụ hậu phương lớn cho miền Nam đánh giặc và chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Trong vai trò là hậu phương lớn, nhân dân Thái Nguyên đã thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, trong điều kiện hòa bình ở miền Bắc, thi đua yêu nước là thi đua tăng gia sản xuất, sản xuất bình thường là không đủ, phải thi đua sản xuất mới có động lực để cố gắng hết mình, tạo ra nhiều phần dư của cải để chi viện cho miền Nam. Trong nông nghiệp, nông dân Thái Nguyên thi đua hoàn thành tốt cải cách ruộng đất, thực hiện các kế hoạch nhà nước, thi đua thâm canh, tăng năng suất với khẩu hiệu “chắc tay cày, giỏi tay súng”. Phụ nữ có phong trào “ba đảm đang”, phụ lão có phong trào “ba giỏi”… Trong công nghiệp có phong trào “làm việc bằng hai”, phong trào “trả thù cho anh hùng liệt sỹ Nguyễn n Trỗi”, đặc biệt, phong trào thi đua “giành ba điểm cao” đã phát huy được nhiều sáng kiến của công nhân. Trong thủ công nghiệp và thương nghiệp cũng có những phong trào thi đua cụ thể. Các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, y tế, nhân dân Thái Nguyên cũng thực sự cố gắng với tinh thần “thực sự thi đua”, “thực sự yêu nước”. Kết quả là sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế đã đạt ngưỡng ổn định và bước đầu phát triển. Trong khi trực tiếp đương đầu với chiến tranh phá hoại của Mỹ, quân và dân Thái Nguyên lại thi đua giết giặc. Tỉnh ủy Thái Nguyên phát động phong trào “toàn dân tham gia đánh giặc” với ý chí “trút căm hờn lên nòng súng”, “nhằm thẳng quân thù mà bắn”… Các lực lượng chiến đấu của tỉnh đã kiên cường đấu tranh, thi đua không cốt lấy thành tích mà thi đua để có tinh thần, tạo nên những chiến thắng giòn giã. Giai đoạn 1954 – 1975 là giai đoạn tiếp theo của cuộc vận động thi đua yêu nước ở Thái Nguyênnhân dân Thái Nguyên đã dần khắc phục được những hạn chế trong thi đua từ giai đoạn trước, đưa cuộc vận động thi đua yêu nước lên một tầm cao mới, phát huy được ý nghĩa đích thực của thi đua yêu nước, thi đua không bất chấp tất cả để có thành tích mà phải thực sự xuất phát từ lòng yêu nước, từ ý chí quyết tâm đánh giặc, giữ nước. Thi đua chính là yêu nước.
         

          Phong trào thi đua yêu nước rõ ràng là một phong trào cách mạng, một phương pháp công tác cách mạng, không những nhằm những mục tiêu phấn đấu cụ thể của từng lúc mà còn nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của quần chúng nhân dân. Phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta ngày càng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh công nông, phát triển chế độ ta về kinh tế, chính trị, quân sự… Nhờ tinh thần thi đua yêu nước mà nhân dân ta đã anh dũng kháng chiến thắng lợi. Sự nghiệp cách mạng dân tộc nhân dân thắng lợi ở miền Bắc đã đặt cơ sở để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước.
          Trên chặng đường lịch sử đầy gian lao, thử thách và vang dội những chiến công của toàn dân tộc có sự đóng góp không nhỏ của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Những con người của quê hương cách mạng đã không ngừng phấn đấu vươn lên, không ngừng tự đổi mới trên con đường đi lên của đất nước. Thái Nguyên đã làm rất xuất sắc, hưởng ứng rất tích cực cuộc vận động thi đua yêu nước mà Hồ Chủ tịch phát động từ năm 1948 để ghi tiếp những trang sử hào hùng, oanh liệt của truyền thống ông cha, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tuổi trẻ Thái Nguyên ngày càng được biểu hiện rực rỡ dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
          Trong cuộc vận động thi đua yêu nước ở Thái Nguyên, ta thấy rõ một điều là nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã sản xuất, chiến đấu, cống hiến hết mình trong mọi hoàn cảnh, ở mọi lĩnh vực. Nhân dân Thái Nguyên đã lấy “thi đua” làm động lực để phấn đấu, thi đua không nhằm thành tích, không bất chấp tất cả để được kết quả. Thi đua yêu nước ở Thái Nguyên là tự nguyện, là “yêu nước mà thi đua”.
          Cũng trong cuộc vận động thi đua yêu nước ở Thái Nguyên giai đoạn (1948 – 1975), vai trò của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể xã hội của tỉnh là những đơn vị đóng vai trò lãnh đạo, tổ chức, hướng dẫn thi đua. Tuy giai đoạn đầu còn nhiều những thiếu sót nhưng sau đó đã kịp thời uốn nắn để cuộc vận động thi đua yêu nước đi đúng hướng, phát huy mạnh mẽ tác dụng. Thi đua yêu nước ở Thái Nguyên đạt được nhiều thành tựu quan trọng tất cả là do nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã đồng lòng, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, đặc biệt là có lòng yêu nước, ý chí quyết tâm đánh giặc, bảo vệ quê hương…Tất cả làm nên một cuộc vận động thi đua yêu nước sôi nổi, toàn diện và thật sự là niềm tự hào của mỗi người dân Thái Nguyên.
          Phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói riêng sẽ còn tiếp tục phát triển vì nhân dân đã làm chủ được nước nhà. Chúng ta sẽ tiếp tục noi gương các anh hùng, chiến sỹ thi đua tham gia đông đảo vào phong trào thi đua yêu nước. Chúng ta vô cùng biết ơn Hồ Chủ tịch, Người đã thay mặt Đảng và chính phủ phát động phong trào thi đua yêu nước.
          Thái Nguyên là địa danh có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thái Nguyên đã từng được coi là “phên giậu phía bắc của kinh thành Thăng Long”, trong kháng chiến chống Pháp, Thái Nguyên là trung tâm căn cứ địa Việt Bắc – thủ đô kháng chiến của cả nước. Con người Thái Nguyên có truyền thống cần cù, sáng tạo, yêu nước. Truyền thống ấy là hành trang vô giá cho thế hệ trẻ hôm nay vững bước đến tương lai. Vùng đất giàu truyền thống, giàu tiềm năng luôn là niềm tự hào của tuổi trẻ, của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Truyền thống yêu nước nồng nàn, truyền thống kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động, học tập…được hun đúc và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và hôm nay đang là nội lực quan trọng để Thái Nguyên tiếp tục ổn định chính trị, kỷ cương, phép nước, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng một Thái Nguyên ngày một giàu đẹp, phồn vinh.



[1].      A.Echinard, Lịch sử chính trị và quân sự tỉnh Thái Nguyên năm 1934, Tài liệu của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Thái.
[2].      Báo cáo tổng kết công tác vận động sản xuất trong đợt 1 phát động quần chúng thành lập khu tự trị của tỉnh Thái Nguyên ngày 19/12/1955, bản chép tay.
[3].      Báo cáo tổng kết phong trào thi đua sản xuất, chiến đấu năm 1965 tỉnh Bắc Thái của ủy ban hành chính Bắc Thái, ngày 17/7/1966.
[4].      Báo cáo thực hiện nhiệm vụ quân sự năm 1973 và phương hướng, nhiệm vụ quân sự năm 1974 của ủy ban hành chính Bắc Thái số 05/TV- TU ngày 1/3/1974
[5].      Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch nhà nước năm 1974 của ủy ban hành chính Bắc Thái số 102 UB/BT ngày 26/12/1974
[6].      Báo cáo số 12/BC/TN Ban chấp hành tỉnh, Đảng bộ Thái Nguyên ngày 1/2//1956, bản đánh máy, tỉnh ủy Thái Nguyên lưu trữ.
[7].      Báo cáo tổng kết công tác năm 1963 của Ban chấp hành Đảng bộ Thái Nguyên, bản đánh máy.
[8].      Báo cáo tổng kết công tác năm 1964 của Ban chấp hành Đảng bộ Thái Nguyên, bản đánh máy.
[9].      Báo cáo ủy ban tỉnh, tỉnh đội Bắc Thái về tình hình hoạt động của máy bay địch năm 1967, bản đánh máy.
[10].  Báo cáo tổng kết 3 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, bản đánh máy.
[11].  Báo cáo về thành tích của quân và dân thành phố Thái Nguyên, lưu tại ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
[12].  Báo cáo tổng kết năm 1952 của Ủy ban mặt trận Liên Việt tỉnh Thái Nguyên, lưu trữ tại MTTQ tỉnh Bắc Thái.
[13].  Báo cáo của ủy ban kháng chiến Thái Nguyên 1950, lưu trữ Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Bắc Thái.
[14].  Báo cáo tổng kết 3 năm 1958 – 1960, Lưu trữ tại mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Thái.
[15].  Bắc Thái, lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Thái xuất bản.
[16].  Bắc Thái, lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975), Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Thái xuất bản.
[17].  Bắc Thái trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Luận văn Thạc sỹ khoa học lịch sử.
[18].  Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987.
[19].  Công an thành phố Thái Nguyên (19/91969), Báo cáo tổng kết phong trào thi đua 4 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 - 1968), bản đánh máy, lưu trữ tỉnh ủy Thái Nguyên.
[20].  Chiến sỹ thi đua tỉnh Thái Nguyên, Ty tuyên truyền văn hóa Thái Nguyên, 1953.
[21].  Chỉ thị ngày 6/1/1950 của ban chấp hành trung ương Đảng.
[22].  Đại Nam nhất thống chí, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.
[23].        Hội nghị mở rộng ban Kinh tế Thái Nguyên ngày 23/8/1954, bản chép tay.
[24].  Hồ Chí Minh tuyển tập, NXB sự thật, Hà Nội, 1960.
[25].  Kết quả huy động cả năm quy ra thóc 1969 – 1972
[26].  Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Thái tập 1, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Bắc Thái xuất bản năm 1980
[27].  Lịch sử Đảng bộ thành phố Thái Nguyên (1930 – 1975), thành ủy Thái Nguyên xuất bản.
[28].  Lịch sử công an nhân dân Bắc Thái (1954 – 1975), Công an Bắc Thái xuất bản.
[29].  Lê Thanh Nghị, tất cả vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tiến lên giành thắng lợi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1962.
[30].  Lịch sử mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Thái (1930 – 1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.
[31].  Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, (tập 1) Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958
[32].  Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, (tập 2) Nxb Sự thật, Hà Nội, 1956
[33].  Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, (tập 3) Nxb Sự thật, Hà Nội, 1956
[34].  Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, (tập 4) Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958
[35].  Nguyễn Hoài, Về hậu phương trong chiến tranh nhân dân Việt Nam, tạp chí nghiên cứu lịch sử.
[36].  Phụ nữ Bắc Thái trên chặng đường đấu tranh và xây dựng, Sở văn hóa thông tin Bắc Thái xuất bản.
[37].        Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, NXB Sử học, Hà Nội, 1960.
[38].  Phạm Hữu Quyến, Bắc Thái – thủ đô kháng chiến.
[39].  Sáu năm xây dựng và phát triển Kinh tế - Văn hóa tỉnh Bắc Thái 1960 – 1965, chi cục thống kê Bắc Thái xuất bản năm 1966.
[40].  Sở giáo dục và đào tạo Thái Nguyên, Lịch sử địa phương, 1998.
[41].  Thái Nguyên 40 năm xây dựng và trưởng thành (1945 – 1985), Ban thường vụ thành ủy Thái Nguyên xuất bản năm 1985.
[42].  Tỉnh hội phụ nữ, Hậu phương gang thép – Thái Nguyên, Ty văn hóa thông tin Bắc Thái xuất bản.
[43].  Tình hình bao quát trong tỉnh năm 1965 – 1968, ủy ban nhân dân tỉnh lưu trữ.
[44].  Tình hình bao quát trong tỉnh năm 1969 – 1972, ủy ban nhân dân tỉnh lưu trữ.
[45].  Tổng kết chiến tranh du kích Thái Nguyên, lưu tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên.
[46].  Tổng kết 8 năm chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ (1965 - 1972), lưu tại Ban tuyên giáo tỉnh ủy Thái Nguyên
[47].  Thái Nguyên, lịch sử đấu tranh vũ trang cách mạng và kháng chiến chống Pháp (1941 – 1954), Bộ chỉ huy quân sự Thái Nguyên xuất bản.
[48].  Trịnh Trúc Lâm, Địa lý tỉnh Thái Nguyên, 1998.
[49].  Văn Tạo, Thi đua yêu nước trước kia và hiện nay, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1959.
[50].  Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1977.
















CHIẾN SỸ CÔNG NGHIỆP: TRỊNH VĂN THI (CHIẾN SĨ THỨ NHẤT CỦA TỈNH NĂM 1952)
          Chiến sĩ Trịnh n Thi, 24 tuổi, thợ nguội thường, đoàn viên công đoàn và chi đoàn thanh niên cứu quốc xưởng Minh Khai, ngành quân giới.
          Năm 1950, chiến sĩ được giấy khen của vụ. Năm 1951 là chiến sĩ của ban nguội. Năm 1952 là chiến sĩ thứ nhất của công đoàn và là chiến sĩ thứ nhất của tỉnh vì có những sáng kiến như sau: đột lỗ đuôi đạn AT, năng suất tăng 346% (trước mỗi ngày làm được 68 cái, nay mỗi ngày làm được 300 cái) chất lượng đảm bảo 100%, giảm được một nhân công (trước đây phải dùng hai người mới làm được nay chỉ dùng một người). Rũa cánh ống đuôi đạn AT. Chiến sĩ chế một máy đạp bằng cách rũa cánh đuôi AT. Năng suất tăng 200%, giảm được giờ sản xuất (trước 10 phút làm được một cái nay chỉ mất 7 phút).
          Cắt tôn làm cánh đuôi đạn AT. Năng suất tăng 400% (trước mỗi ngày cắt được 96 cái nay mỗi ngày cắt được 400 cái) chất lượng đảm bảo từ 99 đến 100%, giảm giờ sản xuất (trước làm 5 phút một cái sau chỉ 1 phút một cái).
          Đục cánh đuôi đạn SKZ, năng suất tăng 20 % (trước làm 80 cái một ngày nay làm 100 cái một ngày), giảm một nhân công, giảm giờ sản xuất (trước 6 phút một cái nay 5 phút một cái.
          Và sáng kiến thứ năm là đập đạn SKZ, năng suất tăng 25%, chất lượng đảm bảo, giờ sản xuất giảm từ 12 xuống 9 phút một cái.
          Chiến sĩ đạt được những thành tích nêu trên là nhờ có tinh thần học tập, thi đua bền bỉ, dẻo dai, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, có ý thức trau dồi nghề nghiệp, sự chịu khó tìm tòi, nên tuy là trình độ thợ phụ mà đã có những sáng kiến có giá trị làm cho năng xuất tăng, giảm sức lao động.


CHIẾN SĨ LÊ QUANG TOÀN (CHIẾN SĨ THỨ NHÌ CỦA TỈNH)
          Chiến sĩ Lê Quang Toàn, 24 tuổi, là sinh viên quân dược, Ủy viên chấp hành công đoàn và chấp hành chi đoàn thanh niên cứu quốc xưởng quân dược Bông Lau.
          Năm 1951 là chiến sĩ thi đua cảu xưởng, tỉnh và toàn quốc, năm 1952 là chiến sĩ thi đua thứ nhất của ngành quân y và thứ nhì của tỉnh. Chiến sĩ phát huy được nhiều sáng kiến như lấy hơi cờ-lo-rơ (chlore) làm thuốc mê tăng 80 phần trăm, nồng độ vôi tăng từ 35 đến 50 độ giải quyết được nhiều trở ngại, khó khăn nguy hiểm bảo vệ sức khỏe cho người thợ, tiết kiệm 99 ki lô muối trong thời gian sản xuất hơi cờ-lo-rơ làm thuốc mê đảm bảo 100 phần trăm chương trình của cục.
          Chiến sĩ Toàn có tinh thần trách nhiệm cao khắc phục khó khăn và thi đua bền bỉ dẻo dai.
CHIẾN SỸ NÔNG NGHIỆP: CHIẾN SỸ NGUYỄN VĂN TIẾN (CHIẾN SỸ THỨ NHẤT CỦA HUYỆN ĐỊNH HÓA)
          Chiến sỹ Nguyễn n Tiến, người xã Trung Hội, huyện Định Hóa đã được bầu là chiến sỹ thi đua nông nghiệp toàn huyện mùa thi đua năm 1952. Chiến sỹ đã có những thành tích:
          - Vận động nhân dân đắp phai, cấy được 100 mẫu chiêm, có sáng kiến đào mương khi vướng đá đem lấy củi đốt rồi đổ nước thành vôi lấy đi được dễ dàng. Nhờ vậy, chiến sỹ đào được con mương dài 50 thước.
          - Khi đắp vai, nhân dân thiếu ăn, đã đứng ra vét thóc cho nhân dân ăn nên nhân dân yên trí làm, công việc rất đạt kết quả.
          - Có ý thức vận động nhân dân đấu tranh với địa chủ, có tinh thần khắc phục khó khăn, thi đua bền bỉ, dìu dắt người kém.


CHIẾN SỸ TRẦN THỊ TÝ (CHIẾN SỸ THI ĐUA VỤ CHIÊM 1953 CỦA HUYỆN PHÚ LƯƠNG)
          Chiến sỹ Trần Thị Tý người Trại Cau, xóm Làng Bờ, xã Phấn Mễ. 37 tuổi, thành phần trung nông. Khi chống mất, năm 1950, chiến sỹ trực tiếp sản xuất, đảm nhận mọi việc đồng áng, cùng trông nom ba con nhỏ. Năng suất lúa chiêm của chiến sỹ năm nay tăng hơn năm trước 15% vì đã cày được ải, bừa ngấm. Làm cỏ được hai lần hết diện tích, bỏ phân cũng hai lần. Chiến sỹ đã bón 35 gánh phân cho 5 sào ruộng. Phân thì ủ thật mục mới dùng và chiến sỹ Tý là người đầu tiên trong xóm dùng phân bắc. Chiến sỹ lại còn vận động bà con xung quanh dùng, được mọi người làm theo.
          Vì hoa màu, ngô khoai cũng thu hoạch được nhiều hơn bà con. Ngô trong xóm chỉ thu được 2 nồi/1sào. Chiến sỹ đã thu được 3 nồi. Rau xanh đủ ăn quanh năm.
          Tuy hoàn cảnh góa bụa, con nhỏ, chiến sỹ cũng cố gắng tham gia đoàn thể phụ nữ. Chiến sỹ là ủy viên ban chấp hành phụ nữ xã, rất tích cực trong mọi công tác. Thuế nông nghiệp đóng thóc khô, tốt, nhanh chóng hơn mọi người, đồng thời lại vận động nhân dân cùng sửa chữa được 3 con mương dài chừng 200 thước, tưới cho chừng 8 mẫu ruộng. Chiến sỹ còn luôn giúp đỡ bà con thiếu thốn, nhân dân trong xóm đều yêu mến, tín nhiệm. Chiến sỹ được bầu là chiến sỹ nông nghiệp vụ chiêm 1953 của huyện.
CHIẾN SỸ BỘ ĐỘI: ĐÀO VĂN VỌNG (ĐƯỢC TẶNG THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG CHIẾN SỸ HẠNG BA)
          Chiến sỹ 31 tuổi, chiến binh, bộ đội Thái Nguyên. Sinh quán xã Đức Liên (huyện Phú Bình). Chiến sỹ có những thành tích như sau:
          Về học tập chỉnh huấn có tinh thần thành khẩn liên hệ với bản thân, nêu rõ những sai lầm, khuyết điểm, để kịp thời sửa chữa (đặc biệt trong thời gian này, chiến sỹ vừa học vừa làm cáo dưỡng, phục vụ cho lớp học. Ở trong lớp, chiến sỹ nêu cao tinh thần gương mẫu phê bình và tự phê bình, cầu tiến bộ.
          Về tác chiến có tinh thần trách nhiệm cao, không quản khó khăn, nguy hiểm trong thời gian làm tình báo.
          Trong trận ngày 26/11/7952, chiến đấu với trên 40 tên địch. Chiến sĩ đã bị thương gãy hai chân, một chân gãy lìa xương, địch xung phong lên để cước súng, chiến sĩ vẫn cố gắng bình tĩnh chiến đấu đến cùng. Trong trận chiến đấu này chiến sĩ đã bắn chết một tên chỉ huy da trắng và một bảo hoàng. Sau đó địch hoang mang rút lui nhưng vẫn bắn rất dữ. Chiến sĩ lại cố bò ra bờ suối tránh làn đạn địch và quan sát cho bộ đội ta.  Sau khi địch rút lui thì một tổ tuần tiễu của ta vừa đến, tuy người đã mệt quá nhưng cũng cố gắng nhỏm dậy thuật lại tình hình địch và chỉ chỗ chiến sĩ ta hy sinh và súng đạn của ta.
          Chiến sĩ Vọng lúc chiến đấu cũng như khi học tập luôn luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, lúc giáp trận thì bình tĩnh gan dạ, không hề nao núng trước khó khăn nguy hiểm, lúc học tập thì thành khẩn.
          Chiến sĩ luôn luôn gần gũi anh em và cán bộ, lấy việc phê bình và tự phê bình để xây dựng đoàn kết giữa cán bộ và đội viên. Đối với anh em kém thì bền bỉ dìu dắt và tự bản thân luôn cố gắng thi đua nên được anh em ai cũng quý mến.
CHIẾN SĨ DƯƠNG THỊ THÌ (NỮ DU KÍCH HUYỆN ĐỊNH HÓA)
          Chiến sĩ rất hăng hái luyện tập quân sự và học tập chính trị. Chiến sĩ đã sử dụng được súng trường, lựu đạn và ném lựu đạn xa 20 thước trúng đích (ba quả trúng một).
          Trong khi đi phục vụ chiến dịch Tây Bắc, chiến sĩ luôn động viên anh chị em cố gắng công tác bằng dạy hát, múa. Với mình chiến sĩ luôn luôn xung phong gương mẫu, gánh đá, mặc dù sức yếu nhưng chiến sĩ vẫn gánh từ 20 đến 25kg, vượt mức đã định (mức 15kg) và chiến sĩ còn gương mẫu trong việc giữ vệ sinh chung, vận động cùng anh em đào hố vệ sinh, khâu vá quần áo giúp anh em, đào hầm trú ẩn tránh máy bay. Trong thời gian này chiến sĩ được ban chỉ huy chiến dịch cấp giấp khen.
          Khi ở  nhà chiến sĩ đã hăng hái tuyên truyền chính sách thuế nông nghiệp, sản xuất tiết kiệm nên xóm chiến sĩ ở đã đóng thuế đúng kì hạn. Chiến sĩ còn luôn luôn chú ý săn sóc đến gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình bộ đội.
          Chiến sĩ còn giáo dục được hai chị xưa nay trốn tránh dân công nay vui vẻ xung phong đi và hăng hái vận động thanh niên trong xã xung phong tòng quân.
          Với những thành tích trên, chiến sĩ Thì đã được ban chỉ huy tỉnh đội cấp giấy khen trong đợt thi đua “ đẩy mạnh du kích chiến tranh” và được hội đồng thi đua tỉnh đề nghị ủy ban kháng chiến tỉnh cấp giấp khen thưởng.
CHIẾN SĨ DÂN CÔNG: HOÀNG VIẾT KIM
          Chiến sĩ Hoàng Viết Kim, 21 tuổi, người xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, trong chiến dịch Tây Bắc đã được bầu là chiến sĩ đội phục vụ cầu phà đường, chiến sĩ xung phong đi.
          Trên công trường, chiến sĩ Kim luôn luôn nêu cao tinh thần xung phong gương mẫu, khắc phục khó khăn, chiến sĩ tự động cuộn dây và mang về nhà trong khi anh em kéo gỗ xong mệt thường vứt ngay tại đó. Chiến sĩ chăm sóc đến các anh chị em đồng đội mệt như anh em ruột, gánh hộ các anh chị em yếu. Chiến sĩ luôn vui vẻ động viên anh em cùng làm, và thẳng thắn phê bình những anh chị em có khuyết điểm.
          Với những thành tích trên, đợt một, chiến sĩ được đơn vị bầu là chiến sĩ thi đua của đại đội. Ban chỉ huy công trường huyện và tỉnh đã gửi giấy khen ngợi.
ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN:
PHẠM THANH NGÂN
          Thượng tướng Phạm Thanh Ngân sinh ngày 18-4-1939, dân tộc Kinh ở xã Lương Phú, Phú Bình. Tháng 3-1959, đồng chí  nhập ngũ và đã được đào tạo máy bay tại Liên Xô (cũ). Là sỹ quan không quân, từ năm 1966 đến năm 1968 đồng chí đã bắn rơi 8 máy bay mỹ gồm 3 chiếc F4, 2 chiếc F105, 1 chiếc RF101, 1 chiếc F102 1 máy bay không người lái và chỉ huy biên đội bắn rơi 8 máy bay khác của địch.
          Đồng chí Phạm Thanh Ngân là người có ý chí quyết tâm cao, dũng cảm, mưu trí, linh hoạt trong chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, kiên định vững vàng trong mọi tình huống khó khăn, nhiệt tình học tập và rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, không ngừng nâng cao trình độ năng lực chỉ huy và chiến đấu, gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, được anh em đồng đội tin yêu và kính trọng.
          Với những thành tích trong công tác đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba; 4 Huân chương Chiến công (1 hạng Nhất;1 hạng Nhì và 2 hạng Ba); 2 lần được bầu làm Chiến sĩ thi đua và Chiến sĩ quyết thắng. Ngày 18-6-1969 đồng chí vinh dự được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét