Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Tìm hiểu đôi nét về Lịch sử văn hóa thời đại Hùng Vương


Tìm hiểu đôi nét về Lịch sử văn hóa thời đại Hùng Vương


I. Dẫn nhập:

Trước khi những bộ sách về lịch sử của dân tộc được biên soạn thì trong dân gian đã lưu truyền những huyền thoại, những truyền thuyết về thuở khai thiên lập địa; thuở dựng nước thời Hùng Vương. Đó là những truyền thuyết, những câu chuyện về họ Hồng Bàng và sự tích con Rồng cháu Tiên, chuyện về bọc trăm trứng, chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh, chuyện bánh chưng, bánh dày, chuyện trầu cau, dưa hấu, truyện Thánh Gióng… Tập hợp những truyền thuyết đó có thể được xem như một bộ sử dân gian vừa đượm màu sắc huyền thoại, vừa chứa đựng những cốt lõi lịch sử trong ký ức hồi cố và truyền khẩu qua nhiều thế hệ.
Thí dụ Sử chép về họ Hồng Bàng như sau : “Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, Rồi sau Đế Minh đi tuần phương Nam, đến dãy Ngũ Lĩnh gặp Vụ Tiên nữ sinh ra Vương (Lộc Tục). Vương là bậc Thánh trí thông minh. Đế Minh rất yêu quí, muốn cho nối ngôi. Vương cố nhường cho anh mình, không dám vâng mệnh. Đế Minh vì thế lập Đế Nghi là con trưởng nối dòng trị phương Bắc. Lại phong cho VƯƠNG là Kinh Dương Vương, trị phương Nam, đặt tên nước là Xích Quỉ. Vương lấy con gái Chúa Động Đình tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân".
Lạc Long Quân lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.
Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang. Dưới Hùng Vương có các lạc hầu, lạc tướng giúp việc. Cả nước chia nước làm 15 bộ ( đơn vị hành chính lớn). Dưới nữa là các Bố chính, đứng đầu các làng bản. Từ trước đến nay chúng ta thường nghĩ rằng “đời” vua Hùng là giai đoạn sinh sống của một vị vua thuộc họ Hồng Bàng, cho nên với 18 đời vua mà thời gian kéo dài đến 2622 năm thì có vẻ rất vô lý.

Gần đây các công trình nghiên cứu của các sử gia về Hùng Vương và sự tích “Hùng Triều Ngọc Phả” do Nguyễn Như Đỗ sống vào thời nhà Lê đã ghi như sau: ”Thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm gồm 47 đời vua”. Theo Hùng Vương Ngọc Phả thì chữ “Đời Vua” dùng trong tài liệu này phải hiểu là chữ “thế” trong Hán tự không phải là một đời người mà là “một dòng gồm nhiều đời”. Riêng thế (hay đời) tức là chi Hùng Vương thứ 18 - chi cuối cùng của thời đại Hùng Vương đã gồm 3 đời vua trị vì suốt 150 năm.
Dưới thời kỳ phong kiến một số nhà sử học đã đưa thời đại Hùng Vương vào các công trình sử học và xem đó như một phần lịch sử của dân tộc, chẳng hạn như cuốn Việt Sử lược thời Trần, Dư Địa chí ở thời Lê. Đặc biệt nhà sử học Ngô Sỹ Liên khi biên soạn công trình đồ sộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã đưa thời Hùng Vương thành một phần quan trọng trong tác phẩm này.
Mặc dù đã có những nhận thức rất tiến bộ nhưng do các nguồn tư liệu còn hạn chế nên phần lớn các nhà sử học dưới thời kỳ phong kiến vẫn không khỏi băn khoăn nghi ngờ về thời đại Hùng Vương. Tình trạng đó kéo dài cho mãi đến nửa cuối thế kỷ XX khi mà việc nghiên cứu về thời đại Hùng Vương đã trở thành một vấn đề khoa học nghiêm túc, đã được triển khai nghiên cứu theo phương pháp liên ngành như khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học… và đã thu được rất nhiều kết quả. Trong đó khảo cổ học đã đóng một vai trò quan trọng.
Thời đại Hùng Vương có một ý nghĩa quan trọng trong lịch sử. Đây là thời đại hình thành nên những giá trị về văn hóa để rồi trở thành những hằng số trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Trong vài chục năm gần đây, với những phát hiện về văn hoá Đông Sơn, các nhà khoa học mới có thể dựng nên bức tranh toàn thể về thời đại Hùng Vương dựa vào chứng cớ vật chất khai quật được trong lòng đất. Chính văn hoá Đông Sơn là nền tảng cho thời này, khi mà niên đại của nó cũng khá trùng hợp với những gì sử sách chép lại về thời Hùng Vương, tức vào khoảng thế kỷ 7 trước Công nguyên. Những thành tựu nghiên cứu về thời đại Hùng Vương đã góp phần chứng minh một sự thật lịch sử rằng mọi người dân sinh sống trên mảnh đất Việt Nam đều có chung một nguồn cội, rằng chúng ta đều là dòng giống con Lạc cháu Hồng và dòng máu Lạc Hồng luôn chảy trong huyết quản của mỗi người dân đất Việt. Đó là cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp gắn kết toàn dân tộc thành một khối thống nhất, đòan kết thương yêu để đưa đất nước vượt qua muôn vàn thử thách. Và ngày giỗ Tổ hằng năm đã trở thành một ngày hội lớn của người dân Việt nam.



“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mồng Mười tháng Ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
-Trong Cao Đài giáo, Đấng Quốc Tổ đã từng giáng đàn dạy đạo cho tín hữu, kêu gọi con cháu Lạc Hồng hãy biết lo tu hành mới cứu được nước Nam Bang đã góp thêm một minh chứng rằng: Thời Hùng Vương là có thật chứ không chỉ trong truyền thuyết.

Hườn Cung Đàn Trung Ngươn Ất Tỵ (1965)

Lý Đại Tiên, … … …
Giờ này có vị Tổ Quốc muốn lai Đàn, Bần Đạo cũng rộng cho. Vậy Bần Đạo ban ân lành Tam Ban Nam Nữ tiếp lịnh. Bần Đạo thăng.

TIẾP ĐIỂN
THI
LẠC nghiệp phục hồi chẵng có lâu,
LONG hòang trổ mặt giãi đời sầu;
QUÂN dân nhứt trí hành đạo đức,
GIÁNG bút đêm thanh thỏa chí sầu.

LẠC LONG QUÂN, Ta chào môn đệ của Đức Chí Tôn tam ban. An tọa nghe ta luận đôi lời cho thõa dạ.

Ta từ ở cõi vô hình muốn đến với phàm gian phải dùng qua phần huyền vi diệu bút để tỏ lời cùng chư môn đệ của Chí Tôn.

BÀI
Đàn thanh tịnh Lão lai nhắc nhở,
Cháu Rồng Tiên cởi mở giòng sầu;
Nhìn xem khắp cả hòan cầu,
Chia đôi chủng tộc khắp bầu Kiền Khôn.
Nhìn vận quốc hòan hôn phủ dạng,
Đau lòng ta ai hãn cho ta;
Ngó lên than với Trời Cha,
Hỏi sao nở để dòng ta xáo nhồi.
Trách như thế, ôi thôi nghĩ lại,
Nhịp cung cầu ta phải lo ta;
Nhìn xem hình bóng không xa,
Dân Nam cơ cực ấy là quả chung.
Kẻ nắm mối chăn dân chẵng trọn,
Nở lòng xu để bọn mị dân;
Đảo điên trí não tinh thần,
Rút chơn còn dấu lại phân bua rằng:
Lấy hết trí chuẩn thằng vị quốc,
Lấy hết tài bồi đắp non sông.
Cả kêu con Lạc cháu Hồng,
Ghi tên sổ Đạo cứu dòng Nam Bang ……

-Đức Lê Sơn Thánh Mẫu có chỉ rõ Đại Nam Thánh Mẫu là Âu Cơ đời Lạc Long Quân. Bà Âu Cơ khi xưa giáng sanh khai lập nước Nam chịu nhiều cay đắng rồi tu hành trở về cảnh cũ. Sau này được Thiên đình phong chức Đại Nam Thánh Mẫu. Từ đó đến nay, trên bốn ngàn năm lịch sử.

NGUYỆT MINH ĐÀI 12 tháng 3 năm Giáp Tuất (1934)

Mẹ mừng các con !

Thi
ĐẠI đồng khêu đuốc “Nữ Chung Hòa”,
NAM Việt chói ngời chín phẩm hoa;
THÁNH luật, Mẹ ban đời thới thạnh,
MẪU từ khuyên dựng nước âu ca.
DẠY đời tỉnh mộng theo đàng chánh,
ĐẠO thức người mê lánh nẽo tà,
NỮ liệt rỡ ràng nên Tứ đức,
PHÁI ân qui hiệp các con nhà.

II. Sự phát triển dưới thời Hùng Vương

Thời Hùng Vương dưới ánh sáng của các tài liệu khảo cổ học đã cho thấy một xã hội đã khá phát triển. Khảo cổ học đã chứng minh được họ đã biết cày bằng lưỡi cày đồng, gặt lúa bằng lưỡi liềm đồng trên những cánh đồng thẳng tắp cò bay của các lưu vực sông màu mỡ phù sa.

-Về mặt ẩm thực (theo PGS-TS Trịnh Sinh), người xưa không còn ở giai đoạn "lấy bột cây mà ăn" nữa mà đã trồng lúa. Dấu vết hạt gạo đã tìm được, các vỏ trấu cũng còn vương lẫn trong đất làm khuôn đúc đồng. Họ cũng không chỉ biết trồng lúa tẻ mà cũng đã biết trồng lúa nếp. Bằng chứng là phát hiện các mảnh chõ đồ xôi trong khu mộ táng Làng Vạc. Chính sự có mặt của hạt gạo nếp cũng phù hợp với một truyền thuyết trong thời Hùng Vương là truyền thuyết bánh chưng, bánh dày.
-Đời sống tinh thần của người thời Hùng Vương cũng hết sức phong phú, có ngày hội mà các nam thanh, nữ tú lại được trang sức đẹp với các vòng ngọc, hạt cườm thuỷ tinh, các vòng ống đeo đầy cổ tay, cánh tay và cổ chân. Những chiếc vòng này lại được gắn nhiều chiếc chuông nhỏ.

-Vấn đề y phục thời Hùng Vương đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc và là một trong những yếu tố cần, nhằm chứng tỏ nền văn hiến của Việt Nam, bắt đầu từ thời đại của các vua Hùng.
Sự khẳng định bản sắc văn hóa qua y phục dân tộc, không phải chỉ đơn giản thể hiện nền văn minh mà c̣òn là khẳng định tính độc lập và văn hoá đặc trưng của dân tộc đó.
Thí dụ: Triều đại Mãn Thanh khi xâm chiếm Trung Hoa, một trong những việc làm đầu tiên của họ là buộc tất cả người Hán phải ăn mặc theo y phục dân tộc của họ.
Thời Hùng Vương, họ cũng đã tạo ra được bộ váy đẹp cho người phụ nữ (tượng phụ nữ trên cán dao găm) hoặc đàn ông thì đóng khố.

Hình bên là một cụm hình, được ghép bởi hình chiếc cán dao bằng đồng từ thời Hùng Vương – có niên đại được xác định là 300 năm tr.CN, được tìm thấy ở Lãng Ngâm – Hà Bắc, trên có tạc người phụ nữ với y phục thời Hùng Vương và hình vẽ miêu tả y phục của một phụ nữ miền Bắc (Theo Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông phương )
Như vậy, có thể khẳng định:
Dưới thời Hùng Vương, ông cha ta đã có những y phục dân tộc tương tự như y phục phổ biến của người Việt còn tồn tại ở các vùng thôn quê Việt Nam .

Hình trên: Y phuc thoi Hùng Vường trên cán gươm

Qua đó chúng ta cũng nhận thức được rằng: Y phục trong xã hội thời Hùng Vương đã mang tính văn hoá đặc thù của dân tộc Việt và xã hội này phải có một nền văn minh phát triển để chế tác ra những cấu trúc y phục đó.

-Phát triển nhất của người thời Hùng Vương chính là chỗ họ đã rất thành thạo trong việc đúc đồng. Các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên khi biết người xưa chỉ bằng kinh nghiệm, đã biết cách pha chế đến 12 loại hợp kim để đúc, trong đó quan trọng nhất là hợp kim đồng-thiếc-chì. Họ đã đúc được những chiếc trống đồng Ngọc Lũ, Cổ Loa khá hoàn thiện, mà cho đến hiện nay, với các hiệp thợ thủ công lành nghề cũng vẫn chưa đúc thành công được những trống đồng theo đúng như xưa.
Không chỉ là sự thành thạo trong việc đúc đồng mà còn là thông qua những chiếc đồng với những hoa văn phong phú mang đậm nét nghệ thuật, người xưa đã chuyển tải tư duy, nhận thức để lại cho đời sau như là một phương cách lưu truyền nền văn hóa đương thời cho hậu thế.
Thí dụ như: Trong số trống Đông Sơn đã được phát hiện, Ngọc Lũ là trống có kích thước to nhất, có hoa văn phong phú nhất, thể hiện kỹ thuật đúc đồng cao cấp của người thợ tài hoa thời đại Hùng Vương, do một cụ già phát hiện được năm 1893 khi đắp đê sông Hồng và đưa về để ở chùa làng - chùa Đọi (Long Đội Sơn) thuộc làng Ngọc Lũ, tỉnh Hà Nam. Từ đó chiếc trống đồng Ngọc Lũ được cả thế giới biết tiếng và trở thành một trong những di vật đồng thau tiêu biểu nhất
Những hoa văn khắc trên trống đồng (hay gốm) không chỉ được quan niệm như là những hình hoạ trang trí, mà còn mang ý nghĩa về mặt nghệ thuật, nhưng mặt quan trọng nhất mà hoa văn ký tải là tư duy của người xưa. Người xưa đã biết dùng Kinh Dịch để chuyển tải tư duy dưới hình thức những hoa văn trang trí, những người vẽ đồ án hoa văn thời Hùng Vương đã biết kết hợp hài hoà giữa tư tưởng và nghệ thuật. Họ chính là những nhà tư tưởng, những triết gia của thời đại, của đất nước Việt Nam. Cách trình bày Kinh Dịch dưới dạng hoa văn cho thấy họ có tư duy linh hoạt, sáng tạo. Chúng ta có thể điểm qua một vài nội dung thể hiện kinh dịch được trình bày trên mặt trống đồng Ngọc Lũ như sau:
-Mặt trống Ngọc Lũ kể từ trung tâm trở ra có 16 vành. Chính giữa mặt trống là hình mặt trời có 14 tia. Ta chú ý hai vành 8 và 10. Vành 8 có hai nhóm, mỗi nhóm có 10 con hươu cách nhau bằng hai tốp chim bay, một tốp có 6 con, một tốp 8 con. Hươu đi, chim bay. Hươu đực đi trước theo sau là hươu cái, cứ nối tiếp nhau hết đực đến cái. Đây là cách thể hiện hình tượng âm dương luôn vận động, biến dịch trong vũ trụ.
Vành 10 có tất cả 36 con chim gồm 18 chim đang bay, và 18 chim đang đậu, cứ một chim bay kèm một chim đậu làm thành một nhóm. Đây cũng là cách thể hiện hình tượng âm dương trong trạng thái đối lập một động, một tĩnh. Chim bay là động, chim đậu là tĩnh. Động thuộc dương, tĩnh thuộc âm. Âm dương nối tiếp nhau vận hành không ngừng làm nên cuộc sống. (theo Nguyễn Thiếu Dũng – Việt Báo - 30 Tháng tám 2005)



Con số 36 này có thể hiểu theo một nghĩa khác:
Theo Thiệu Khang Tiết, Kinh Dịch có 64 quẻ gồm 8 quẻ bất dịch (đảo ngược vẫn là hình quẻ đó) và 28 cặp quẻ phản dịch (đảo ngược thành quẻ khác) nghĩa là 64 = 8 + (28 x 2) do đó tiên sinh cho rằng Kinh Dịch có 36 cung (36 = 8 +28). Thượng Kinh có 18 cung gồm 6 quẻ bất dịch và 12 quẻ phản dịch. Hạ Kinh gồm 2 quẻ bất dịch và 16 quẻ phản dịch.
-Trên mặt trống Ngọc Lũ còn có hai dải băng răng cưa thuộc vành 12 và 16. Mỗi băng răng cưa do hai lớp tam giác đối đỉnh tạo thành. Tam giác nổi tượng hình cho năng lượng dương, tam giác chìm tượng hình cho năng lượng âm, các tam giác này tạo thành hai lớp răng cưa khớp vào nhau, giống như hai bánh răng cưa trong một cổ máy đang vận hành ăn khớp với nhau, như ngày và đêm quyện vào nhau dịch chuyển theo thời gian. Nói theo cách của Dịch Truyện là "cương nhu tương thôi nhi sinh biến hoá". Cương là dương, nhu là âm, âm dương thúc đẩy nhau mà sinh ra biến hoá. (Hệ từ thượng truyện, .II, 2).
Ngày nay, tất cả những ngành và liên ngành khoa học, sử dụng những phương pháp chuyên môn của mình, đã tạo ra những luồng sáng khác nhau từ nhiều chiều hướng cùng rọi chiếu vào một điểm, để cuối cùng, dưới ánh sáng của một năng lượng nghiên cứu tổng hợp, đã thấy dần dần hiện ra và liên kết lại, hình ảnh của cả một thời đại bộc lộ dần. Đây là một thời đại bồi đắp và định hình nền văn minh đầu tiên mang bản lĩnh dân tộc với một loạt thành tựu đặc sắc trong đời sống vật chất, xã hội và tinh thần - từ ngôi nhà sàn mái cong đến con thuyền đuôi én, từ những truyện kể kỳ thú đến chiếc trống đồng kỳ diệu... vừa tỏa rộng ảnh hưởng từ những miền ký ức xa xưa đến hiện tại, vừa in dài dấu vết trong những thời đại lịch sử tiếp theo đúng như niềm tự hào mà Nguyễn Trãi xưa đã khẳng định: "Nước Đại Việt ta vốn xây nền văn hiến đã lâu" ...



III. Tín ngưỡng thời đại Hùng Vương:

1. Là tín ngưỡng vật tổ kết hợp với tín ngưỡng nông nghiệp


Hình ngôi sao - mặt trời giữa mặt trống đồng, hình chim, hươu, cóc, cá sấu...trên trống, trên thạp đồng và trên những hiện vật khảo cổ khác là những biểu tượng của một thứ tín ngưỡng tự nhiên đã có từ thời nguyên thuỷ, kết hợp với tín ngưỡng nông nghiệp của người Việt cổ trồng lúa nước thời Hùng Vương.
Trong tư duy tín ngưỡng Việt cổ còn đọng lại tín ngưỡng vật tổ có từ rất xa xưa, thưở con người còn sống gần gũi, gắn bó với giới thực vật và động vật và chưa đủ sức mạnh để tách hẳn ra khỏi nó để ngự trị nó. Do đó có những thị tộc, rồi những bộ lạc nhìn nhận một động vật hay một thực vật nào đó là cùng dòng dõi của mình, là tổ tiên hay họ hàng thân thích của mình.
Người Việt ngày nay vẫn tự hào một cách bóng bẩy, đầy ý nghĩa hình tượng rằng mình là "con Rồng cháu Tiên". Đó là một niềm tự hào bắt nguồn từ tín ngưỡng vật tổ xa xưa.
Hai hình tượng chim và rồng mang ý nghĩa tín ngưỡng vật tổ gắn liền với hệ thống thần thoại xoay quanh cái trục đất (núi) - nước (sông) đã tồn tại khá phổ biến ở các dân tộc miền Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương.

Riêng ở Việt Nam, người Mường và các dân tộc người ở Tây Nguyên sống ở các vùng trung du, cao nguyên và rừng núi còn giữ truyền thuyết và tín ngưỡng về chim tổ đậm nét hơn.
Còn người Việt sống ở các miền đồng bằng ven sông ven biển thì nhấn mạnh nhiều hơn đến những truyền thuyết và tín ngưỡng về rắn, rồng, thuồng luồng, giao long.


2. Theo “Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước” của tác giả Lê văn Hảo, trong những hình thức tín ngưỡng tự nhiên có tục thờ mặt trời là một tín ngưỡng rất cổ còn được bảo lưu ở thời Hùng Vương.

Hình ngôi sao mặt trời được chạm khắc phổ biến trên mặt trống đồng, trên nắp thạp đồng. Những hình người và động vật (hươu nai, chim chóc...) trên mặt các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà...đều đi, nhảy, chạy, bay chung quanh hình mặt trời, ngược chiều kim đồng hồ. Trống nào cũng vậy, rõ ràng không phải là ngẫu nhiên. Hình ảnh mặt trời đã để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc sống của người Việt cổ trồng lúa nước đến mức họ đã luôn khắc họa nó ở vị trí trung tâm của trống đồng, văn vật tiêu biểu của nền văn minh Việt cổ.
-Cùng với mặt trời, đất và nước là hai thực thể khác có ý nghĩa thiết thân đối với nghề nông và đã được thần thánh hoá từ lâu đời. Đất có thần Đất, thần Bếp, thần Thành hoàng làng.



Hình trên: Họa tiết trên trống đồng thời Hùng Vương

IV. Cội nguồn tâm thức của dân tộc Việt

Thời đại Hùng Vương bắt đầu từ trước đây bốn nghìn năm. Thời đại đó dài đến hai mươi thế kỷ, đã in dấu rất rõ vào các mặt sinh hoạt tinh thần và vật chất của dân tộc ta, và còn để lại dấu tích trong cuộc sống chúng ta hiện nay.

-Đặc biệt là cho đến nay trải qua mấy nghìn năm, biết bao thế hệ, biết bao biến đổi mà người Việt Nam ta vẫn tưởng nhớ vua Hùng với tất cả tình yêu và lòng tin... thì sự tưởng nhớ đó phải có sức mạnh lạ thường, phải có gốc rễ rất vững chắc. Sự tưởng nhớ ấy là biểu hiện của sức sống mãnh liệt, một biểu hiện của niềm tự hào dân tộc, ý thức cội nguồn dân tộc giống nòi: “con cháu Quốc Tổ Hùng Vương”; lòng biết ơn sâu sắc đến bậc anh hùng đã có công khai sáng lịch sử và văn hoá dân tộc, anh hùng dựng nước.
-Ý niệm về đất nước do Mẹ Âu, Bố Rồng, Vua Hùng khai sáng và tạo dựng sẽ mở rộng dần thành ý niệm về lãnh thổ và giống nòi, thành tình cảm dân tộc đoàn kết nhiều nhóm người lại với nhau như anh em ruột thịt. Hình tượng "sinh ra trong cùng một bọc" là cội nguồn của ý niệm về "đồng bào", một trong những ý niệm đẹp nhất trong tư duy Việt Nam.
-Dân tộc VN rất qúy trọng con người. Từ sự trân trọng con người như thế, ngay từ thời đại các Vua Hùng, đã phát sinh ra một tình cảm sẽ trở thành đạo lý, thấm sâu vào phong tục Việt Nam suốt đời này qua đời khác. Vì biết quý con người, nên quý cả các đấng sinh thành ra người, các vị giữ gìn, bảo vệ cho cả con người và cả đất nước. Từ đó có đạo thờ tổ tiên, đạo thờ cha mẹ.
Từ xưa, những con người thời sơ sử bị kẻ thù áp bức đã kêu lên: "Bố ơi, về cứu chúng con!" (theo sách Lĩnh Nam chích quái), thì giờ đây: "lời cha dạy khắc xương để dạ". Còn mẹ thì lớn lắm. Mẹ ở khắp nơi. Mẹ sinh ra nòi giống (Mẹ Âu Cơ), mẹ sinh ra sông nước (Mẫu Thoải), mẹ sinh ra núi rừng (Mẫu Thượng Ngàn). Dân ta thờ nhiều Thần mà cũng biết thờ các Thánh. Nhiều vị Thánh vốn là Thánh riêng cho từng vùng được nâng lên tầm cả nước như Đức Thánh Trần hay Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Theo giáo lý Đại Đạo - Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Chí Tôn đã dạy:
“Ai đã mang mảnh hình hài thì phải biết đội ơn hai đấng: Một là Trời, vì đấng Thanh Cao (Trời) phú cho người một cái bổn tánh thiện lương- tức là phần hồn. Hai là Cha Mẹ, vì người thọ bẩm tinh cha huyết mẹ mà tạo ra một cái hình hài xác thịt - tức là phần xác.”
Tục thờ cúng ông bà của người Việt là một nét văn hóa đặc sắc và việc thờ cúng Quốc Tổ là đỉnh cao của nhân bản.
Trong tâm thức người Việt, chuyện Vua Hùng không chỉ là truyền thuyết về bọc trăm trứng mà còn là chuyện về nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

KẾT LUẬN:

Dân tộc VN luôn nằm lòng câu “uống nước nhớ nguồn”. Quốc Tổ Hùng Vương được người dân Việt bày tỏ lòng thành kính và thờ phụng tôn nghiêm trang trọng. Trên cả nước hiện nay có tới 1.471 điểm thờ phụng; trên thế giới những nơi có người Việt cư trú như Mỹ, Pháp, Nga, Đức… cũng có các điểm thờ cúng. Xu thế xin được rước đất Hùng, giếng Ngọc về thờ tại các đền thờ vọng của nhân dân VN đã trở thành nhu cầu bức bách của tâm linh. Ai cũng muốn ngôi đền phải có được sinh khí “quốc hồn” trong đó. Năm 2009 chính quyền và nhân dân TP đã về khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) thỉnh linh khí Quốc Tổ Hùng Vương về thờ cúng tại khu tưởng niệm các vua Hùng trong công viên lịch sử văn hóa dân tộc TP.HCM vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm Kỷ Sửu vừa qua nhằm thờ cúng Tổ Tiên; Tri ân công đức tiền nhân; Cầu cho mọi người được sống an lành; Đòan kết thương yêu trên tinh thần “Phúc -Lộc -Thọ- Cường; Quốc thái dân an”.

Kỷ niệm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, chúng ta hãy đốt nén hương lòng, kính cẩn hướng về Ngài Quốc Tổ, về những bậc tiền nhân dựng nước. Hãy cùng góp tay, góp sức để huyền thoại ngày xưa trở thành lịch sử, để yêu thương hơn và để cuộc sống tốt đẹp hơn. Và điều quan trọng hơn nữa là: Dốc phụng mệnh Trời đem giáo lý chánh chơn thuần nhứt của Đại Đạo để phổ truyền khắp chốn, đem Đạo Trời áp dụng vào trong nếp sống hằng ngày để là tấm gương tốt cho nhơn sanh tỉnh mộng trầm kha tìm vào cửa Đạo như lời Đức Quốc Tổ đã dạy:
Lấy hết trí chuẩn thằng vị quốc,
Lấy hết tài bồi đắp non sông.
Cả kêu con Lạc cháu Hồng,
Ghi tên sổ Đạo cứu dòng Nam Bang ……
XUÂN MAI BIÊN SOẠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét