Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Bà Triệu (225-248)


Bà Triệu (225-248)

Tùng Sơn nắng quyện mây trời,
Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh.
(Thơ ca dân gian)
I. Thân thế:
Triệu Thị Trinh là người nhan sắc
Cùng anh là Quốc Đạt cầm quân (Hồ ĐắcDuy)
"Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể đông chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta."
Bà Triệu trong tranh Đông Hồ.
Bà Triệu, Triệu Trịnh Nương, Triệu Thị Trinh, Triệu Thị Chinh, Triệu Ẩu đều là tên các đời sau gọi người nữ anh hùng dân tộc hồi đầu thế kỷ thứ III (Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất ý kiến vì sao Tàu gọi nhân vật lịch sử này là Triệu Ẩu, xem phần ghi thêm)
Bà Triệu sinh năm 225 và tuẫn tiết vào ngày 21 tháng 2 năm 248 (Mậu Thìn).
Thuở nhỏ, cha mẹ mất sớm, bà ở với anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng lớn có khí phách, đức độ, và thế lực ở miền núi Quân Yên, huyện Cửu Chân; nay thuộc huyện Nông Cống (Thanh Hóa).
Triệu Thị Trinh là người có sức khỏe, gan dạ và mưu trí. Người ta kể lại rằng khi người thân hỏi về chí hướng mai sau, tuy còn ít tuổi, bà đã rắn rỏi thưa: "Lớn lên con sẽ đi đánh giặc như bà Trưng Trắc, Trưng Nhị!".
Năm 19 tuổi, bà cùng người anh tập hợp hơn ngàn nghĩa quân, lập căn cứ Phú Điền (Hậu Lộc - Thanh Hóa). Đấy là một thung lũng ở giữa hai núi đá vôi, vừa gần biển lại vừa là cửa ngõ từ đồng bằng phía Bắc vào.
Sách Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim ghi:
Sử ta chép rằng bà Triệu là người huyện Nông-cống bấy giờ. Thủa nhỏ cha mẹ mất cả, ở với anh là Triệu quốc Đạt, đến độ 20 tuổi gặp phải người chị dâu ác nghiệt, bà ấy giết đi rồi vào ở trong núi. Bà ấy là một người có sức mạnh, lại có chí-khí và lắm mưu-lược. Khi vào ở trong núi chiêu mộ hơn 1,000 tráng sĩ để làm thủ hạ. Anh thấy thế mới can bà, thì bà bảo rằng: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể đông chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta."
Sách Giai thoại về phụ nữ VN cho biết một chi tiết khá thú vị liên quan đến câu nói trên như sau:
Triệu Quốc Đạt có người vợ tên Đinh Nữ Vĩ rất đanh đá. Với cô em chồng này, bà ta chẳng ưa gì nhưng bề ngoài bà vẫn thơn thớt nói cười. Bà muốn ghép cho em trai của bà là Đinh Vạn Úng để làm nàng hầu. Một hôm Úng tới chơi, buông lời bỡn cợt. Trước đông đủ mọi người, Trinh đã nói câu vừa ghi trên khiến ai nấy thảy đều kinh ngạc và thầm thán phục. Dĩ nhiên tên Úng háo sắc kia phải thẹn đỏ mặt, kiếm đường lủi mất.
Sách Hỏi Đáp lịch sử quyển I thì cho rằng người vợ của Triệu Quốc Đạt có tên là Giang Thị. Và Triệu Thị Trinh đã giết chết người chị dâu này, khi biết được bà ta lén lút gửi thư báo cho giặc hay anh em mình đang chuẩn bị khởi nghĩa.
II. Ở đó cho đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về thời kỳ bà chuẩn bị khởi nghĩa chống giặc Ngô.
Lệnh Bà sức khoẻ đang xuân
Cỡi đầu voi dữ diệt quân bạo tàn (Hồ ĐắcDuy)
1. Chuyện bà Triệu thu phục được con voi trắng một ngà:
Người dân ở thôn Cẩm Trướng thuộc xã Định Công còn truyền lại câu chuyện như sau: Vùng núi này có con voi trắng một ngà rất dữ tợn hay về phá hoại mùa màng, mọi người đều sợ. Để trừ hại cho dân, Bà Triệu cùng chúng bạn đi vây bắt voi, lùa voi xuống đầm lầy (vùng sông Cầu Chầy ngày xưa còn lầy lội) rồi dũng cảm nhẩy lên cưỡi đầu voi và cuối cùng đã khuất phục được con voi hung dữ. Chú voi trắng này sau trở thành người bạn chiến đấu trung thành của bà Triệu.
Tiếng tăm cô gái 19 tuổi trị voi rừng vang dội khắp nơi, càng thu hút thêm nhiều người đi theo bà.
2. Chuyện "Đá biết nói":
Sau khi bà Triệu huấn luyện thuần thục chú voi hung dữ trên, những ngày đầu tụ nghĩa, bà đã ngầm cho đục núi Quân Yên, bí mật cho người ngồi trong hốc đá, đọc bài đồng dao giả lời thần nhân mách bảo:
Có bà Triệu tướng,
Vâng lệnh Trời ta.
Trị voi một ngà,
Dựng cờ mở nước.
Lệnh truyền sau trước,
Theo gót Bà Vương.
Từ đó cả vùng đã đồn ầm lên rằng núi kia biết nói, báo hiệu cho dân chúng biết bà Triệu là "thiên tướng giáng trần" giúp dân, cứu nước. Vì vậy hàng ngũ nghĩa quân thêm lớn, thanh thế thêm to. Họ kéo nhau xuống Phú Điền dựng căn cứ.
“Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng
Túi gấm cho lẫn túi hồng
Têm trầu mũi mác cho chồng trẩy quân”
(Thơ ca dân gian)
3. Và rất nhiều câu chuyện nửa hư nửa thực, thể hiện tình dân đối với công cuộc khởi nghĩa của bà Triệu:
Như chuyện một ông già mù miền núi đã đi khắp nơi, dùng tiếng đàn, giọng hát của mình để ngâm ngợi cổ vũ dân chúng đứng dậy cứu nước. Một bà cụ hàng nước cố xin cho con gái được theo quân giết giặc, còn mình thì giúp cả chõng chuối với chum nước chè xanh cho nghĩa binh đang trẩy quân qua đỡ lòng, đỡ khát.
Dọc sông Mã, vùng Cẩm Thạch có truyền thuyết và di tích về một bà nữ tướng cưỡi voi đánh giặc Ngô (ám chỉ bà Triệu)
Vùng Khang Nghệ còn có truyền thuyết nói rằng:
Thời xưa sông Mã có một nhánh chảy từ đầm Hàn về cửa Lạch Trường. Đó là nơi quân Ngô chiếm giữ, chiến thuyền san sát như lá tre. Một chàng trai đã ăn trộm ngựa chiến của quân giặc trốn về với bà Triệu và trở thành dũng tướng của nghĩa quân. Trong một trận giao tranh trên sông nước, vì anh đi chân vòng kiềng nên đã vấp phải dây chằng mà tử trận. Giặc Ngô đang ăn mừng thắng lợi thì hai bờ sông chuyển động. Đất trời nổi cơn giận dữ, hắt rừng cây núi đá xuống lấp cạn dòng sông, chôn vùi cả mấy vạn xác thù...
Lại có câu chuyện đền Cô Thị ở xã Hà Ngọc (Hà Trung). Một cô gái rất thích quả thị, chờ đợi người yêu đi đánh giặc và khi chết biến thành cây thị. Cây thị này chỉ có một quả, không ai hái được, vì hễ ai thò tay bẻ thì cành thị lại tự dưng vút hẳn lên cao. Cành ấy đời đời ngả về phía đông nam theo hướng người yêu của cô đang ở trong quân dinh bà Triệu. Một ngày thắng trận, chàng trai được phép bà Triệu về thăm làng xóm thì cành cây mới chịu sà xuống và quả thị rơi vào ống tay áo của chàng...
Và nơi trung tâm tụ nghĩa là vùng núi Tùng Sơn (Phú Điền). Ở đây còn có núi Chung Chinh với 7 đồn lũy tương truyền là quân doanh của bà Triệu, nơi đã từng diễn ra trên ba chục trận đánh với quân Ngô.
Dưới chân núi Tùng, còn có cánh đồng Lăng Chúa (lăng bà Triệu), đồng Vườn Hoa, đồng Xoắn ốc... tương truyền là tên cũ còn lại khi bà Triệu đắp lũy xây thành. Ở đây còn lưu hành rộng rãi truyền thuyết về ba anh em nhà họ Lý đi tìm bà Triệu, rước bà từ quê ra đây dựng doanh trại, sửa soạn khởi nghĩa và tôn bà làm chủ tướng..
III. Khi binh lực đã lớn mạnh, năm 248, bà Triệu đem quân tiến đánh các quận huyện của bọn quan lại nhà Ngô.
Cửu Chân trăm trận gan hơn sắt
Lục Dận nhiều phen mắt đã vàng.
(Thơ ca dân gian)
* Năm mậu-thìn (248) vì quan lại nhà Ngô tàn ác, dân gian khổ sở, Triệu quốc Đạt mới khởi binh đánh quận Cửu-chân. Bà đem quân ra đánh giúp anh. Các thành ấp của quân Ngô đều bị đánh phá tan tành. Bọn quan cai trị kẻ bị giết, kẻ chạy trốn hết. Từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa lan rộng nhanh chóng. Sử sách của nhà Ngô phải thú nhận: “[/I]
Bà chỉ huy nghĩa quân vô cùng gan dạ. Ra trận, bà thường mặc áo giáp đồng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, nên đời sau, thường gọi tên bà là Nhuỵ Kiều tướng quân (Nữ tướng yêu kiều), là Lệ Hải bà vương (Vua bà vùng biển mỹ lệ, có sách cho rằng vì quân Ngô hễ trông thấy bà là sợ đến phát khóc, nên chúng gọi bà bằng cái tên này).
Bấy giờ, ở phương Bắc, Tôn Quyền mặc dầu đang phải lo đối phó với hai nước Ngụy, Thục nhưng vẫn phải phái viên danh tướng Lục Dận (cháu họ viên danh tướng Lục Tốn), một tướng từng kinh qua trận mạc, lại rất quỷ quyệt sang làm thứ sử.
Lục Dận đem 8.000 quân tinh nhuệ sang đàn áp. Bà Triệu và anh là Triệu Quốc Đạt liền cử tướng lên biên giới chặn đánh nhưng thất bại. Sau khi chiếm lại được lỵ sở Giao Châu, y đem quân xuống phía Nam tiến đánh Bộ Điền, đại bản doanh của nghĩa quân. Trong lúc nguy nan thì anh bà không may lâm trọng bệnh rồi mất (sách Giai thoại về phụ nữ VN, tr 10 ghi ông Đạt tử trận)
Tướng sĩ bèn tôn bà lên thay anh giữ quyền chủ tướng tối cao.
Khi ấy, Lục Dận vừa đánh vừa đem của cải chức tước ra dụ dỗ mua chuộc các thủ lĩnh người Việt. Một số kẻ giao động mắc mưu địch.
Mặc dầu vậy, Triệu Thị Trinh vẫn kiên cường chối bỏ lời dụ dỗ của giặc, tiếp tục đánh gây cho giặc nhiều tổn thất, khiến chúng phải run sợ bảo nhau:
"Hoành qua đương hổ dị
Đối diện Bà Vương nan"
(Nghĩa là: cầm giáo chống lại hổ còn dễ, chứ đối địch với bà Triệu thì thật khó).
Mặc dầu vậy, sau năm sáu tháng chống chọi, vì có kẻ phản bội, bà đã phải tự vẫn trên núi Tùng (Hậu Lộc, Thanh Hóa) để khỏi sa vào tay giặc hung ác.
Truyền thuyết dân gian kể rằng, về sau có kẻ phản bội, mách với Lục Dận rằng bà là nữ tướng ái khiết úy ô (yêu cái trong sạch, ghét cái nhơ bẩn). Quân Ngô liền trần truồng tiến đánh bà. Bà hổ thẹn nên thua trận. Sau khi giao lại binh quyền cho 3 tướng họ Lý, khấn với đất trời “sinh vi tướng, tử vi thần”, bà lên núi Tùng tuẫn tiết.
Lúc bấy giờ bà mới 23 tuổi.
IV. Phần cuối:
Trông bành voi, Ngô cũng lắc đầu, sợ uy Lệ Hải Bà Vương, những muốn bon chân về Bắc quốc
Ngồi yên ngựa, khách đi hoài cổ, tưởng sự Lạc Hồng nữ tướng, có chăng thẹn mặt đáng nam nhi
(Câu đối nôm không rõ tác giả)
Tương truyền bà Triệu mất đi, nhưng anh linh vẫn không tan. Nhiều đêm dân làng các vùng Bồ Điền, Phú Điền vẫn nghe văng vẳng trên không trung tiếng voi gầm, ngựa hí và tiếng cồng thúc quân dóng dả.
Đầu voi phất ngọn cờ vàng,
Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha
Chông gai một cuộc quan hà,
Dù khi chiến tử còn là hiển linh
(Đại Nam quốc sử diễn ca - Phạm Đình Toái và Lê Ngô Cát)
Năm Lý Bôn khởi nghĩa, ông mộng thấy Bà Triệu hẹn sẽ giúp sức để tiêu diệt quân xâm lược nhà Lương. Quả nhiên, trong một trận giao tranh, bỗng có một cơn lốc xoáy nổi lên. Bọn tướng giặc là Tôn Quýnh, Lý Tử Hùng tối tăm mặt mũi, bị Lý Bôn đánh cho tan nát.
Khi Lý Bôn lên ngôi (Lý Nam đế), nhớ ơn bà phù trợ, đã sai lập miếu thờ, xây lăng mộ bà ở làng Phú Điền (Thanh Hóa) và phong bà là: "Bật chính Anh liệt Hùng tài Trinh nhất phu nhân".
Tại nơi bà mất là núi Tùng, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa vẫn còn di tích lăng mộ của bà, cách nơi bà mất không xa (ngay bên Quốc lộ 1A) là khu thờ bà. Hằng năm, vào ngày 19 đến ngày 24 tháng 2 âm lịch, người dân trong vùng vẫn tổ chức tế giỗ bà để tưởng nhớ về người con gái anh hùng của dân tộc Việt.
Khởi nghĩa Bà Triệu thất bại, nhưng hình ảnh người con gái kiên trinh bất khuất, người nữ anh hùng dân tộc siêu việt quyết nối chí Bà Trưng "giành lại giang san, cởi ách nô lệ" muôn thuở không mờ trong tâm trí phụ nữ và dân tộc Việt Nam.
Thơ văn truy niệm bà từ xưa đến nay rất nhiều. Xin trích một để thay cho lời kết:
Vịnh miếu Bà Triệu
Miếu tạc bia truyền lẫn khói nhang
Nghìn thu oanh liệt Triệu Kiều quang
Cờ vàng khỡi nghĩa quân Ngô khiếp,
Voi trắng tung hoành giặc Lữ tan.
Khăn yếm những mong đền nợ nước,
Áo cơm bao quản gánh giang sơn.
Núi Bồ làm dấu ghi thiên cổ,
Máy tạo hưng vong cũng khó lường.
Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục
Bùi Thụy Đào Nguyên soạn
Long Xuyên, 18/1/2008

Ghi thêm:
Nơi mục từ Bà Triệu, Wikipedia tiếng Việt, phần thảo luận có người giải thích: Triệu Ẩu là “bà già Triệu” hoặc “nữ tù trưởng Triệu”. Nghĩa đầu, tôi thấy chưa ổn vì thực tế bà Triệu chỉ là một cô gái trẻ.
Ở trang dongdu.org, có người cho biết: Vì cuộc khởi nghĩa này đã làm bọn giặc Ngô kinh hãi, và cũng vì người Tàu thấy dân Việt hết sức thờ kính bà Triệu, gọi bà là Bà Vương nên ghét lắm, bèn tìm cách nói xấu bà như nói bà vú dài đến rốn, gọi bà là Triệu Ẩu (趙嫗: dịch ra tiếng Việt là con mụ họ Triệu).
Theo Lịch sử VN tập I, nxb Đại học & THCN, năm 1983 do các tác giả Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh biên soạn thì huyền thoại về một người phụ nữ có “vú dài ba thước” vốn rất phổ biến ở phương Nam, từ Hợp Phố đến Cửu Chân. Như truyện “Tẩy thị phu nhân”, “Tiểu quốc phu nhân” đều nói họ là những phụ nữ cao to và có vú dài đôi ba thước….Có thể, vì bà Triệu cũng là một người phụ nữ kiệt xuất, nên dân gian đã dùng hình tượng này khoác lên cho bà…
Tài liệu dùng để soạn bài này:
- Bài viết về bà Triệu của Gs Trần Quốc Vượng
- Bài thơ nói về cuộc khởi nghĩa của bà Triệu của Hồ Đắc Duy.
- Sách Viêt Nam anh kiệt của Đặng Duy Phúc, nxb Hà Nội, năm 2004
- Sách Giai thoại về phụ nữ VN của Hoàng Khôi & Hoàng Đình Thi, nxb Phụ nữ, năm 1987
- Sách Hỏi Đáp lịch sử quyển I, nxb Trẻ, năm 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét