Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Trận đánh “nhớ đời” của một người lính tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ


Trận đánh “nhớ đời” của một người lính tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ

Chiến thắng Lộc Ninh (7-4-1972) gắn liền với chiến dịch Nguyễn Huệ nổi tiếng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bốn mươi năm đã đi qua nhưng lịch sử vẫn còn in đậm mãi những trang sử vàng về chiến dịch này trên vùng đất Đông Nam bộ nói chung và Bình Phước nói riêng. Những người lính đã từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch này hiện cư trú tại Bình Phước cũng rất ít. Trong số những người hiếm hoi ấy, tôi may mắn được gặp ông, đại tá Nguyễn Hồng Giúp, nguyên Cục phó Cục chính trị Quân đoàn 4. Ông tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 và lúc bấy giờ mới chỉ là Trung đội trưởng của Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7 anh hùng.
Ông Nguyễn Hồng Giúp kể lại trận đánh “nhớ đời” trong chiến dịch Nguyễn Huệ
Ông Giúp nhớ lại những năm thập niên 70 (thế kỷ XX), khi ấy trên chiến trường miền Nam quân đội ta càng đánh càng mạnh, giỏi về đánh vận động, bám trụ chốt chặn, đánh hợp đồng binh chủng rất tài tình. Trên khắp các mặt trận, bộ đội được nhân dân che chở, bao bọc và dẫn lối đưa đường nên rất thuận lợi. Từ tình hình trên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch lấy tên là Nguyễn Huệ, quyết tâm tiêu diệt cho được một số đơn vị chủ lực của quân ngụy Sài Gòn, mở rộng vùng giải phóng để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Chiến dịch được chọn hướng chính yếu là Quảng Trị, miền Trung và cho nổ súng trước để lôi kéo phần lớn lực lượng tổng trù bị chiến lược ra ngoài đó, tạo thuận lợi cho hướng thứ yếu phát triển. Hướng thứ yếu giao cho Bộ Chỉ huy miền Đông Nam bộ, có nhiệm vụ đánh quỵ Quân đoàn 3 ngụy, tiêu diệt phần lớn lực lượng của Sư đoàn 5 ngụy đang án ngữ hướng Tây - Bắc Sài Gòn, đánh xóa sổ 3 tiểu đoàn biệt động quân, 1 tiểu đoàn biệt kích, 1 chiến đoàn thiết giáp số 3. Mặc dù là hướng thứ yếu nhưng diễn biến trên mặt trận miền Đông Nam bộ có vai trò hết sức quan trọng nhằm mở rộng vùng giải phóng, xây dựng căn cứ Bộ chỉ huy Miền để chỉ đạo cuộc kháng chiến. Trận mở màn của giai đoạn 1 chiến dịch quân ta đã giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh vào ngày 7-4-1972.
CHIẾN DỊCH NGUYỄN HUỆ (TỪ 1-4-1972 - 19-1-1973):
Chiến dịch tiến công của Quân giải phóng miền Đông Nam bộ vào quân ngụy Sài Gòn ở các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, nhằm giải phóng tỉnh Bình Long (cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn), khôi phục và mở rộng địa bàn đứng chân ở miền Đông Nam bộ, tạo điều kiện cho nhân dân vùng lên.
Chiến dịch diễn ra 3 đợt. Đợt 1 (từ 31-3 đến 15-5-1972), ta lần lượt tiến công giải phóng Sa Mát, Bàu Dũng, Lộc Ninh. Đợt 2 (từ ngày 20-5 đến 1-9-1972) ta tổ chức bao vây thị xã Bình Long và đánh cắt giao thông trên đường 13. Đợt 3 (từ ngày 1-10-1972 đến 19-1-1973) ta chuyển trọng tâm chiến dịch vào đánh phá bình định ở Bắc Thủ Dầu Một. Ngày 30-12-1972, Sư đoàn 5 quân ngụy Sài Gòn mở cuộc hành quân ra đường 14. Ta đã đẩy lùi cuộc hành quân này, giữ vững vùng giải phóng, kết thúc chiến dịch.
Kết quả ta diệt 3 chiến đoàn, đánh thiệt hại nặng 12 chiến đoàn và lữ đoàn bộ binh, bắt hơn 5.000 quân, thu và phá hủy 60 khẩu pháo, 882 xe quân sự (có hơn 400 xe tăng), 201 tàu xuồng, trên 5.000 súng bộ binh, bắn rơi và phá hủy 400 máy bay, thu nhiều quân trang, quân dụng. Lần đầu tiên, quân và dân miền Đông Nam bộ giải phóng được một vùng rộng lớn trên hướng chiến lược xung yếu Bắc Sài Gòn, mở rộng vùng giải phóng nối thông với Tây Nguyên.
(Nguồn: “Chặng đường mười nghìn ngày” của Thượng tướng Hoàng Cầm, nxb QĐND, H.2001).
Trung đoàn 165 của ông Giúp có nhiệm vụ đánh địch vận động và phục kích dọc tuyến quốc lộ 13, đồng thời chốt chặn địch phía Bắc Chơn Thành, tạo điều kiện để quân ta giải phóng Lộc Ninh, Bù Đốp, Bình Long. Những ngày cuối tháng 3-1972, quần nhau với giặc trên vùng đất này vẫn còn khắc ghi trong tâm trí của ông. Địch tăng cường quân với quyết tâm phá vỡ phòng tuyến của ta để tăng chi viện cho Lộc Ninh, Bù Đốp. Quân ta từng đợt bẻ gãy các đợt tấn công và làm thất bại âm mưu của địch. Trong những trận đánh đó, ông Giúp có lần chỉ còn một mình với chốt của trung đội tại ấp Đức Vinh (xã Tân Khai, Hớn Quản bây giờ) nhưng vẫn quyết tâm giữ vững chốt để chờ quân ta tiếp viện và chiếm lại trận địa. Đó cũng là trận đánh “nhớ đời” nhất của ông trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Sau trận đánh, tiểu đoàn của ông chỉ còn lại vài chục người nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngăn chặn không cho hơn một vạn quân ngụy từ Sài Gòn lên chi viện cho Lộc Ninh.
Giải phóng Lộc Ninh, Bù Đốp, Tây Ninh... là kết quả giai đoạn 1 của chiến dịch Nguyễn Huệ lịch sử, góp phần lớn trong việc mở rộng vùng giải phóng, hoàn thiện căn cứ Bộ Chỉ huy Miền tại Tà Thiết, đồng thời có tác động to lớn buộc Mỹ - ngụy phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh Việt Nam vào ngày 27-1-1973. Những năm 1973, 1974, ông Nguyễn Hồng Giúp cùng đơn vị lại tiếp tục hoạt động trong vùng Đông Nam bộ, đánh địch lấn chiếm tại Tân Uyên, tham gia chiến dịch đường 14 - Phước Long, giải phóng Bù Na. Tháng 12-1974, ông Giúp là Chính trị viên tiểu đoàn cùng đơn vị trong đoàn quân giải phóng tỉnh Phước Long vào ngày 6-1-1975 và bước vào trận quyết chiến chiến lược của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trở về đời thường với quân hàm đại tá nhưng ông Nguyễn Hồng Giúp vẫn chưa chịu nghỉ, hiện ông đang tham gia công việc quản lý tại một nhà máy sản xuất giày da tại thị xã Đồng Xoài. Ký ức của người lính thời chiến tranh vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù để ghi lại thật chi tiết từng ngày, từng giờ, từng trận đánh thì ông Giúp không nhớ rõ, nhưng với chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 và với trận đánh lịch sử ở ấp Đức Vinh ông tự hào đã góp một phần nhỏ vào trận toàn thắng giải phóng Lộc Ninh cách đây 40 năm.
Hà Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét