Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Tạo lập thế trận nghi binh lừa địch và đánh trận then chốt quyết định


Tạo lập thế trận nghi binh lừa địch và đánh trận then chốt quyết định



QĐND - Sau những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trên các chiến trường Đường 9-Nam Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia, Tây Nguyên năm 1971… của ta đã làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đã bị thất bại một bước quan trọng. Để giành những thắng lợi có tính quyết định, tháng 5-1971, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở các cuộc tiến công quy mô lớn trên toàn miền Nam trong năm 1972, trên các hướng chiến lược quan trọng là: miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Trị-Thiên.

Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972 nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực Quân đoàn 2 và lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch, giải phóng Đắc Tô-Tân Cảnh và thị xã Kon Tum; bảo vệ tuyến đường vận chuyển chiến lược, mở rộng vùng căn cứ địa hoàn chỉnh Tây Nguyên nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ. Chiến dịch còn nhằm phối hợp chặt chẽ với chiến trường Khu 5 và toàn miền, thu hút kìm giữ một lực lượng lớn quân chủ lực Sài Gòn, tạo điều kiện cho các tỉnh đồng bằng ven biển đẩy mạnh đánh phá “Bình Định”; rèn luyện nâng cao trình độ, khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn của bộ đội trên mọi loại địa hình.
Lực lượng xe tăng của Mặt trận Tây Nguyên tham gia chiến dịch năm 1972. Ảnh tư liệu.
Phương châm chiến dịch là tích cực, chủ động, kiên quyết liên tục tiến công; kết hợp "hai chân, ba mũi, ba vùng", giữa giải phóng đất đai với tiêu diệt địch, giữa tiến công và nổi dậy giành quyền làm chủ. Chiến dịch vận dụng cách đánh hiệp đồng binh chủng quy mô vừa và lớn là chủ yếu, kết hợp với đánh nhỏ rộng rãi của ba thứ quân, đánh độc lập của các binh chủng; coi trọng đánh địch trong và ngoài công sự, lấy đánh địch ngoài công sự là chủ yếu. Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên xác định phải đánh chắc thắng, táo bạo, đánh nhanh, đánh liên tục, bất ngờ, chớp thời cơ, tạo đột biến lớn, giành thắng lợi nhanh chóng; kết hợp tác chiến với xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng, xây dựng hậu phương, phát triển sản xuất.
Chiến dịch Bắc Tây Nguyên diễn ra trong thời gian từ ngày 30-3-1972 đến ngày 5-6-1972. Thắng lợi chiến dịch làm thay đổi cục diện chiến trường Tây Nguyên, góp phần vào việc phát triển thế và lực của chiến tranh cách mạng miền Nam trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Trong chiến dịch này, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã tổ chức tạo lập thế trận, nghi binh điều địch ra khỏi công sự để tiêu diệt địch hợp lý. Sau khi phát hiện ta làm đường cơ động qua phía đông sông Pô Cô, ngày 7-3-1972, địch đưa Lữ đoàn 2 dù từ Nam Bộ ra đóng ở dãy điểm cao phía tây sông Pô Cô (tây bắc thị xã Kon Tum) để lập tuyến phòng thủ dự phòng phía tây đường số 14, ngăn chặn ta từ xa. Để tạo thế chiến dịch, từ ngày 23-3-1972, ta bí mật mở một con đường dài gần 100km để vận chuyển gạo, đạn đến vị trí tập kết, chuẩn bị gỗ để xây dựng trận địa vây ép địch. Công binh làm đường vào cách vị trí địch 5-6km bảo đảm cho xe tăng và pháo cơ giới cơ động trên hướng vu hồi chiến dịch. Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng một sư đoàn tiến công vào tuyến phòng thủ của địch ở phía tây sông Pô Cô; sau đó tiến vào bao vây Võ Định, đồng thời sử dụng hai trung đoàn bộ binh phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương cắt đường 14 (đoạn nối liền thị xã Kon Tum với Plei-cu) và đường 19, thực hiện bao vây, chia cắt chiến dịch. Đặc công và pháo binh tập kích các trận địa pháo địch, làm cho địch trên dưới đều bị đánh, giao thông tê liệt, không tiếp cứu được nhau. 
Để nghi binh phân tán địch, ta sử dụng một trung đoàn đẩy mạnh hoạt động nghi binh thu hút địch ở phía bắc Đắc Tô, tạo điều kiện cho hai trung đoàn khác chuẩn bị tiến công căn cứ sở chỉ huy Sư đoàn 22 và sở chỉ huy Trung đoàn 42 của Quân đội Sài Gòn ở Tân Cảnh. Ta sử dụng một lực lượng công binh mở hai tuyến đường cơ giới vừa giả vừa thật về phía đông và phía nam khu vực phòng ngự của địch, hướng địch có nhiều sơ hở, ít phòng bị, buộc địch phải đưa chủ lực Quân đoàn 2, lữ đoàn dù thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược ra đối phó. Ta đã thành công giam chân được hai lữ đoàn dù ở đó cùng với Sư đoàn 23 địch, tạo điều kiện thuận lợi cho trận đánh chiếm Đắc Tô-Tân Cảnh.
Chiến dịch Bắc Tây Nguyên đã vận dụng nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng trên quy mô tương đối lớn, là bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự trên chiến trường rừng núi Tây Nguyên, trong đó Bộ đội Tăng-Thiết giáp đã phát huy được sức mạnh đột kích trong những trận đánh công sự vững chắc. Để thực hiện mục đích chiến dịch, ta đã sử dụng và hiệp đồng chặt chẽ các đơn vị bộ binh với binh chủng, nhất là lực lượng tăng-thiết giáp. Chiến dịch còn kết hợp đột phá có trọng điểm vào khu vực phòng ngự, vừa tiêu diệt địch trong công sự, vừa diệt địch ngoài công sự, kết hợp đánh vận động và đánh trận địa. Ta đã vận dụng thành công ở thời kỳ đầu, đây là phương thức tác chiến tập trung của các binh đoàn chiến dịch binh chủng hợp thành. Phương thức tác chiến này là lấy thực hành đột phá đánh chiếm tuyến phòng ngự bên ngoài hoặc vòng qua các cứ điểm bên ngoài đánh vào các cứ điểm bên sườn và bên trong, kết hợp với thọc sâu, tiêu diệt từng bộ phận quân địch ở bên trong. Trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên ta thực hành đánh chiếm các đường giao thông, chia cắt thế trận địch, phá thế liên hoàn của chúng, hạn chế, không cho địch phản kích ứng cứu bằng đường bộ, cô lập các cụm quân của địch để tạo thế cho ta thực hành đột kích, đánh chiếm trận địa phòng ngự, đánh chiếm căn cứ, cụm cứ điểm của địch, thắng lợi nhanh gọn.
Bài học và nghệ thuật tác chiến chiến dịch Bắc Tây Nguyên còn nguyên giá trị, đòi hỏi chúng ta tiếp tục nghiên cứu phát triển, vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới để huấn luyện bộ đội, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại tá Đào Văn Đệ






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét