Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành Cổ năm 1972 - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử


Chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành Cổ năm 1972 - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử


(Tổng hợp của Ban Tổ chức Hội thảo)

 
Chiến dịch tiến công, nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu giữ vững vùng giải phóng, trong đó oanh liệt nhất là cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ năm 1972 là một sự kiện nổi bật trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cùng với những chiến thắng của quân và dân cả nước, chiến công oanh liệt tại mặt trận Quảng Trị đã tạo ra bước ngoặt lớn trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, để cả nước xốc tới thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút”, tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hôm nay, trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng, nơi 40 năm về trước đã diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt nhất, khắc ghi dấu ấn đặc biệt trong lòng nhân dân cả nước và nhân loại yêu chuộng hoà bình trên thế giới, chúng ta tổ chức cuộc hội thảo khoa học nhằm đánh giá toàn diện hơn, sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử của thắng lợi này. Một lần nữa, chúng ta bày tỏ lòng tri ân đối với các anh hùng, liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào, đồng chí trên khắp mọi miền đất nước và quê hương Quảng Trị đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không tiếc máu xương, đạp bằng gian khổ, đồng lòng, đồng sức làm nên chiến thắng lịch sử này.
 
Ban Tổ chức Hội thảo rất vui mừng nhận được khoảng 50 bài tham luận khoa học của các đồng chí đã và đang giữ trọng trách cao của Đảng, Nhà nước và quân đội qua các thời kỳ; của các tướng lĩnh, sĩ quan, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội và các nhân chứng lịch sử. Các tham luận đã đề cập tương đối toàn diện, hệ thống về chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng mà trọng điểm là Thành Cổ, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

1. Chiến dịch tiến công, nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu giữ vững vùng giải phóng là chủ trương đúng đắn, sáng tạo trong chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương
Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” là bước phiêu lưu quân sự mới của đế quốc Mỹ mà bản chất của nó là sự thay đổi “màu da trên xác chết”, sau 3 năm (1969-1971) thực hiện, đã đứng trước nguy cơ phá sản. Đặc biệt, với chiến thắng Đường 9 - Nam Lào của ta, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ cơ bản đã bị đánh quỵ, cùng với những diễn biến mới của cục diện chính trị tại nước Mỹ đã tạo thời cơ mới cho quân và dân ta tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, giành thắng lợi lớn hơn, tạo bước ngoặt mới cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
 Với những tính toán chiến lược đã được chuẩn bị chu đáo, từ rất sớm, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 quy mô lớn trên toàn miền Nam, nhằm giành thắng lợi quyết định buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua theo điều kiện của ta. Trên tinh thần đó, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 được triển khai trên ba hướng: miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Trị - Thiên, trong đó Trị - Thiên là hướng tiến công chủ yếu. Tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương được quán triệt cụ thể đến từng cán bộ, chiến sĩ. Kế hoạch tác chiến nhanh chóng được Bộ Tổng tham mưu vạch ra, công tác chuẩn bị chiến trường được tiến hành khẩn trương và hoàn thành trong thời gian ngắn.
Từ sự phân tích một cách đầy đủ bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, đặc biệt là chính trường nước Mỹ, những âm mưu và hành động của địch, làm rõ chủ trương chiến lược đúng đắn, kịp thời, sự chỉ đạo sâu sát của ta, nhiều tham luận đã khẳng định: Trên tinh thần độc lập, tự chủ, việc chọn Trị - Thiên làm hướng chủ yếu trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và quá trình chỉ đạo chiến dịch để phục vụ mặt trận đấu tranh chính trị và ngoại giao nhằm đạt được mục tiêu chiến lược “đánh cho Mỹ cút” là chủ trương đúng đắn, sáng tạo trong chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, thể hiện rõ bản lĩnh, tư duy và trí tuệ Việt Nam trong tiến trình lãnh đạo nhân dân cả nước kháng chiến chống đế quốc Mỹ - kẻ xâm lược có thế lực quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Đây chính là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với việc giành thắng lợi trên mặt trận Quảng Trị. Đề cập đến chủ đề này có tham luận của các đồng chí: Nguyễn Thành Cung, Nguyễn Trọng Phúc, Vũ Quang Đạo, Phan Văn Kỳ, Hồ Khang, Nguyễn Khắc Huỳnh, Nguyễn Văn Quang...

2. Những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng năm 1972 nói riêng
Để thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy năm 1972, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã trải qua 17 năm đấu tranh kiên cường, chấp nhận mọi sự hy sinh, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, tạo đà, tạo thế, chớp thời cơ đứng lên phối hợp chặt chẽ với Quân giải phóng miền Nam tiến công diệt địch, giải phóng quê hương.
Với địa bàn chiến lược đặc thù, nơi Mỹ - ngụy dồn sức xây dựng tuyến phòng thủ kiên cố nhất, cuộc đấu tranh của cán bộ, đảng viên, quân và dân Quảng Trị ngay từ đầu đã gặp rất nhiều thử thách cam go, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng với truyền thống anh hùng, bất khuất, cán bộ, đảng viên kiên cường bám dân, bám đất, quần chúng nhân dân một lòng thủy chung son sắt với cách mạng, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ của Đảng, nhờ đó, phong trào cách mạng vẫn ngày càng lớn mạnh. Chấp hành chủ trương của Trung ương, Quảng Trị chuyển hướng từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp chính trị với vũ trang và bước cao hơn là đấu tranh bằng “hai chân” và “ba mũi giáp công” trên “ba vùng chiến lược”, từng bước giành nhiều thắng lợi lớn. Đặc biệt, Tỉnh ủy sớm có chủ trương xây dựng, củng cố và ngày càng mở rộng căn cứ địa miền núi, làm bàn đạp để tiến về đồng bằng, bảo vệ tuyến hành lang Bắc - Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, góp phần củng cố khối liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong tiến trình đấu tranh, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị luôn đặt lợi ích của toàn miền lên trên lợi ích địa phương, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh vì sự nghiệp cứu nước vĩ đại của cả dân tộc. Xuất phát từ tư tưởng, tình cảm cao đẹp đó mà Quảng Trị đã tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi, chớp thời cơ giành nhiều thắng lợi lớn và mỗi thắng lợi giành được đều có tác động tích cực đến cục diện chiến trường miền Nam.
Chiến trường Quảng Trị là nơi đọ sức sinh tử giữa ta và địch, chính nơi đây đã diễn ra nhiều trận quyết chiến chiến lược góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng, tạo bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến của dân tộc ta.
Khi Mặt trận Đường 9 được mở, Quảng Trị trở thành chiến trường thu hút và giam chân một lực lượng lớn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn. Chiến tranh càng khốc liệt, nhân dân Quảng Trị càng nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, phối hợp chặt chẽ với quân chủ lực đánh mạnh trên cả ba vùng: rừng núi, nông thôn và đô thị, làm cho chính quyền cơ sở của địch sụp đổ từng mảng lớn. Vùng giải phóng được củng cố và mở rộng, tạo thế liên hoàn từ rừng núi đến giáp ranh về đồng bằng, nối liền với hậu phương Vĩnh Linh, với vùng giải phóng nước bạn Lào và tỉnh Thừa Thiên.
Cũng trong những năm tháng hào hùng đó, Đảng bộ, quân và dân khu vực Vĩnh Linh luôn hướng vào chiến trường Quảng Trị với tình cảm thân thương nhất. Vĩnh Linh đã làm tròn nhiệm vụ hậu phương trực tiếp của chiến trường Quảng Trị và cả miền Nam, đánh thắng các cuộc chiến tranh phá hoại của kẻ thù và “chia lửa” nhịp nhàng với Quảng Trị.
Trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972, Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh đã nỗ lực to lớn. Ngay từ khi tiếp nhận chủ trương của Trung ương, toàn tỉnh đã dấy lên một khí thế cách mạng sôi sục, ý chí và quyết tâm lớn lao, quyết tâm giải phóng quê hương. Cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng cách mạng luôn tiên phong trên khắp các địa bàn, phối hợp đắc lực với bộ đội chủ lực thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường. Bộ đội địa phương làm tốt nhiệm vụ đánh địch nghi binh, giữ yếu tố bất ngờ cho chiến dịch. Kể từ ngày chiến dịch mở màn (30-3-1972) đến kết thúc cuộc chiến đấu chống địch phản kích tái chiếm vùng giải phóng (31-01-1973), suốt 11 tháng chiến sự diễn ra ác liệt, dân Quân du kích và đồng bào ở lại bám trụ luôn sát cánh cùng bộ đội chủ lực chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chăm sóc, nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh, chôn cất tử sĩ. Nhiều trận đánh của bộ đội, du kích các địa phương trong chiến dịch tấn công cũng như phòng ngự đạt hiệu suất cao; đúc rút nhiều kinh nghiệm hay, gây tiếng vang lớn, xứng đáng được ghi vào lịch sử những trận đánh đẹp, những chiến công oai hùng. Nhiều cán bộ, bộ đội, du kích trở thành những tấm gương ngời sáng về tinh thần anh dũng, quật cường, xả thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, quê hương. Nhân dân vùng giải phóng ngày đêm hướng về nơi giao tranh, dốc toàn lực ra chiến trường và đóng góp tất cả những gì có được giúp bộ đội đứng vững tại trận địa. Tinh thần chiến đấu quên mình của bộ đội, du kích địa phương và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân kết hợp với những đòn tấn công mạnh mẽ, anh dũng vô song của quân chủ lực đã làm nên chiến công oanh liệt năm 1972 trên chiến trường Quảng Trị, buộc Mỹ phải tung ra con bài cuối cùng trước khi ký Hiệp định Pari - trở lại mở cuộc tập kích không quân chiến lược quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng. Nhưng mọi nỗ lực của Mỹ đều thất bại thảm hại.
Chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu kiên cường bảo vệ vùng giải phóng, đặc biệt là cuộc chiến đấu anh hùng tại Thành Cổ 81 ngày đêm đã khẳng định sự đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của cả dân tộc. Nhiều tham luận đã đề cập sâu sắc đến nội dung này như tham luận của các đồng chí: Thái Vĩnh Liệu, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Chí Hướng, Phan Ngọc Kiều, Ngô Kha, Hoàng Đức Thắng, Trần Lam Sơn, Trần Ngọc ánh, Hoàng Văn Quang, Phan Văn Phụng, Nguyễn Thanh Bảo, Hồ Thị Lệ Hà, Ly Kiều Vân...

3. Chiến dịch tiến công, nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu chống địch phản kích tái chiếm vùng giải phóng là bản anh hùng ca bất tử của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam
Chiến dịch tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Trị là bằng chứng hùng hồn phản ánh quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Đó là kết quả của ý chí quyết chiến, quyết thắng của bộ đội chủ lực, khát khao cháy bỏng giải phóng quê hương của quân và dân Quảng Trị. Khẩu hiệu “Tất cả vì Quảng Trị thân yêu!”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt!” đã đi vào tâm huyết của mỗi cán bộ, chiến sĩ, nên dù khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh đến mấy cũng quyết đập tan hệ thống phòng ngự “kiên cố nhất Đông Dương”, “pháo đài bất khả xâm phạm” của Mỹ - ngụy. Choáng váng vì quá bất ngờ, nhưng với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Mỹ và quân đội Sài Gòn đã liên tiếp mở các cuộc hành quân quy mô lớn, dự định sẽ tái chiếm Quảng Trị trước ngày Hội nghị Pari nhóm họp (13-7-1972). Tổng thống Níchxơn ra lệnh “Mỹ hoá” trở lại cuộc chiến tranh, yểm trợ tối đa không quân, hải quân, pháo binh cho quân đội Sài Gòn. Nhưng những nỗ lực cao nhất của chúng không thể thắng nổi trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần chiến đấu anh dũng của Quân giải phóng miền Nam.
Trải qua 81 ngày đêm chiến đấu (thời gian kéo dài gấp tám lần dự kiến ban đầu của Mỹ - Thiệu), phải chịu đựng hàng trăm ngàn tấn bom đạn các loại, nhưng với ý chí “bộ đội còn, Quảng Trị còn”, nhiều trận đánh giáp lá cà để giành giật từng căn hầm, đoạn hào, điểm chốt với địch, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Quảng Trị đã thực sự trở thành một tập thể anh hùng, lập nên những chiến công chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khí phách chiến đấu của quân và dân ta ở thị xã Quảng Trị và Thành Cổ trong hè - thu năm 1972 thực sự trở thành một biểu tượng của ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân cả nước nói chung, quân và dân Quảng Trị nói riêng. Tinh thần, nghị lực, ý chí chiến đấu ngoan cường trong 81 ngày đêm ở thị xã và Thành Cổ Quảng Trị mãi mãi là niềm tự hào, có sức cổ vũ to lớn đối với các thế hệ quần chúng nhân dân hôm nay và mai sau; là bài học vô giá để quân và dân ta vận dụng, phát huy sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt là, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, tỉnh Quảng Trị, thị xã Quảng Trị và Thành Cổ đã trở thành nơi hành hương cho bao người hội tụ hằng năm về đây để thắp hương, thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn tưởng nhớ hơn một vạn cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng đã anh dũng chiến đấu và nằm lại trên mảnh đất này, đỉnh điểm là 81 ngày đêm ở Thành Cổ. Đó là những người con từ mọi miền đất nước theo tiếng gọi của Tổ quốc đã lên đường chiến đấu và bằng niềm tin quyết thắng đã khẳng định được sức mạnh kiên cường của con người trước bom đạn và những điều kiện sống ngặt nghèo nhất của chiến tranh. Đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”1.
Chính vì lẽ đó, Thành Cổ Quảng Trị và không gian diễn ra cuộc chiến đấu 81 ngày đêm thực sự trở thành không gian thiêng trong lòng người dân Quảng Trị và bạn bè cả nước. Nơi đây cần phải được đầu tư để phục vụ nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài.
Nội dung này được đề cập trong các tham luận của các đồng chí: Trương Minh Tuấn, Giang Văn Thành, Trần Tiến Hoạt, Nguyễn Trần Huy, Lê Đức Thọ, Nguyễn Bình, Ngô Thanh Bảo,...

4. Quá trình tổ chức và điều hành chiến dịch - sự sáng tạo, linh hoạt của nghệ thuật quân sự Việt Nam
Ngay từ giữa năm 1971, Bộ Chính trị đã họp để đánh giá tình hình, xác định thời cơ chiến lược và đề ra nhiệm vụ cần kíp của quân và dân ta: Kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam và đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.
Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị được Quân ủy Trung ương quán triệt và ra Nghị quyết về Kế hoạch chiến lược năm 1972, trong đó xác định: Trị - Thiên từ vị trí là hướng phối hợp quan trọng nay chuyển thànhhướng chiến lược chủ yếu nhằm tiêu diệt lực lượng lớn quân địch và mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam, đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước mới. Đây là sự lựa chọn sáng suốt của Quân ủy Trung ương, bởi địa bàn Trị - Thiên nằm sát với hậu phương lớn miền Bắc, việc tập trung binh lực, bảo đảm hậu cần, hệ thống giao thông lớn và đặc biệt là tập trung sự chỉ đạo cho một chiến dịch lớn mang ý nghĩa chiến lược tương đối thuận lợi.
Chiến dịch tiến công Trị - Thiên năm 1972 (chủ yếu là trên chiến trường Quảng Trị) là chiến dịch có quy mô lớn nhất kể từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ đến năm 1972 cả về không gian, thời gian, lực lượng sử dụng và mức độ ác liệt. Tại đây đã xảy ra cuộc đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch mà cả hai bên đều nỗ lực cao nhất, tập trung mọi khả năng có thể có để giành thắng lợi. Phát huy cao độ truyền thống anh hùng, bất khuất, bằng tình cảm ruột thịt với đồng bào miền Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng, ngay từ đầu chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu kiên cường, giành thắng lợi to lớn, phá tan chốt thép cứng nhất trong hệ thống phòng ngự của địch, giải phóng tỉnh Quảng Trị. Vượt qua mưa bom bão đạn của quân thù, trong điều kiện sống, chiến đấu hết sức gian khổ, các đơn vị bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang tỉnh vẫn kiên định chặn đánh, bao vây, chia cắt đội hình địch, bẻ gãy hàng loạt cuộc tiến công của chúng, loại khỏi vòng chiến đấu một lực lượng tương đương sư đoàn của địch, làm thất bại hoàn toàn âm mưu chiếm lại tỉnh Quảng Trị của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Thắng lợi của ta trên chiến trường Quảng Trị năm 1972 không chỉ là chiến công của các binh chủng, các đơn vị chủ lực, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu mà còn là kết quả của sự phối hợp trên khắp chiến trường, là thắng lợi của đòn tấn công tổng hợp về quân sự, chính trị, ngoại giao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Cũng cần phải khẳng định rằng, chính từ chiến đấu đánh địch phản kích lấn chiếm vùng giải phóng ở Quảng Trị năm 1972 (chiến dịch phòng ngự Quảng Trị), chúng ta đã thực hiện thành công một trận đánh then chốt - trận phản đột kích Cửa Việt - một hình thức tác chiến hiệu quả trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Quân giải phóng miền Nam.
Trên cơ sở tìm hiểu quá trình tổ chức và thực hành chiến dịch, một số tham luận đã đi sâu phân tích, trình bày những nét nổi trội của nghệ thuật quân sự Việt Nam chứa đựng trong sự kiện lịch sử này, như: dự đoán đúng tình hình và so sánh, xác định đúng hướng tấn công: đánh vào nơi địch mạnh nhất nhưng cũng là nơi địch sơ hở nhất, tạo được yếu tố bí mật, bất ngờ; xây dựng quyết tâm chiến đấu và chiến thắng; hình thành thế trận tiến công và phòng ngự; vai trò của bộ đội chủ lực đối với việc đánh quỵ các đơn vị tinh nhuệ nhất của chúng, vai trò của lực lượng vũ trang địa phương trong hiệp đồng tác chiến suốt quá trình thực hành chiến dịch; đặc biệt là công tác chính trị, tư tưởng trong những thời điểm quan trọng để động viên tinh thần chiến sĩ dám xả thân vì sự nghiệp cứu nước,...
Nội dung này được đề cập trong tham luận của các đồng chí: Nguyễn Huy Hiệu, Bùi Phan Kỳ, Cao Xuân Lịch, Trần Quang Lượng, Trần Văn Thức, Nguyễn Hữu Cường, Nguyễn Chí Hướng, Nguyễn Huy Thục, Nguyễn Văn Côn, Tạ Quang Thục, Lê Văn Thái,...

5. Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Với những tư liệu mới được công bố từ hai phía, 40 năm nhìn lại và suy ngẫm sự kiện Quảng Trị năm 1972, nhiều tham luận đã tập trung nêu bật tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử được rút ra từ chiến thắng Quảng Trị năm 1972.
Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng cơ bản tỉnh Quảng Trị và kiên cường đánh bại các cuộc phản công chiến lược của chúng (tiêu biểu nhất là 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ), cơ bản giữ được vùng giải phóng. Tỉnh Quảng Trị, địa đầu của miền Nam, là cầu nối giữa tiền tuyến lớn miền Nam với hậu phương lớn miền Bắc, sau 18 năm kháng chiến gian khổ, hy sinh đã được giải phóng gần như hoàn toàn, đời sống nhân dân được ổn định, thực sự tạo ra lợi thế mới cho cách mạng miền Nam. Huyện Cam Lộ, thị xã Đông Hà của Quảng Trị trở thành nơi đặt trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nơi đón tiếp các phái đoàn quốc tế, trong đó có Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Phiđen Caxtơrô, càng cổ vũ quân, dân ta giữ vững ý chí, quyết thắng kẻ thù.
Chiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị cùng với thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 tại các chiến trường trọng điểm Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và toàn miền Nam là một đòn chí mạng đối với Mỹ và quân đội Sài Gòn. Hệ thống phòng ngự kiên cố của chúng nhằm bảo vệ các đô thị, địa bàn chiến lược, khu vực giới tuyến quân sự tạm thời đã bị phá tan từng mảng lớn. Đây cũng là một đòn giáng mạnh vào âm mưu “đàm phán trên thế mạnh” tại Hội nghị Pari mà giới cầm quyền Mỹ cố tạo ra bằng những thắng lợi trên chiến trường miền Nam. Đồng thời, cuộc tiến công chiến lược này đã tạo những chấn động đối với nội tình nước Mỹ, đặc biệt, trong thời điểm nhạy cảm - cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai của Tổng thống Níchxơn. Cùng với thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972, thắng lợi trên chiến trường Quảng Trị đã buộc Chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Thắng lợi này là bước ngoặt trên con đường đấu tranh anh dũng chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai của Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị. Tinh thần đoàn kết, truyền thống quật cường của con người Quảng Trị đã được phát huy cao độ, để sau 18 năm, chịu bao hy sinh, đau thương, mất mát, Quảng Trị vinh dự, tự hào là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, trở thành hậu phương hết sức quan trọng để quân và dân ta tiến về Nam, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào mùa Xuân năm 1975.
Từ những phân tích, đánh giá và luận giải về tầm vóc, ý nghĩa trên nhiều mặt đó, các tham luận đi đến khẳng định: Thắng lợi của ta trên chiến trường Quảng Trị có ý nghĩa chiến lược to lớn cả về quân sự, chính trị, ngoại giao, mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam yêu nước và tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm của nhân dân thế giới. Nhiều bài học lịch sử và kinh nghiệm quý báu đã được rút ra từ sự kiện năm 1972 trên chiến trường Quảng Trị, tiếp tục được nghiên cứu vận dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là các bài học: nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kịp thời hoạch định và quyết định chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cuộc chiến tranh; bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp giữa ba mặt trận đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, sức mạnh tổng hợp giữa hậu phương và tiền tuyến, sức mạnh của lực lượng vũ trang ba thứ quân trong cuộc đấu tranh giành độc lập; bài học về nắm chắc địch, đánh giá đúng so sánh lực lượng, kịp thời chuyển hóa thế trận, phương thức tác chiến cho phù hợp; bài học về xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng trong lực lượng vũ trang,...
Thời gian không thể xoá mờ ký ức về một thời “hoa lửa” trên mảnh đất Quảng Trị địa linh. Cuộc tiến công, nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, nhất là thị xã Quảng Trị và Thành Cổ đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại. Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm Thành Cổ, cuộc hội thảo khoa học của chúng ta hôm nay một lần nữa khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn và tài thao lược trong chỉ đạo chiến tranh của Trung ương Đảng; khẳng định tình đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết chiến, quyết thắng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã đóng góp to lớn làm nên chiến thắng năm 1972 trên quê hương và ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong cuộc chiến đấu dài ngày nhất, gian khổ nhất suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vì vậy, cuộc hội thảo hôm nay sẽ góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, niềm tự hào về dân tộc, về quê hương Quảng Trị cho lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân Quảng Trị, nhất là thế hệ thanh, thiếu niên; rút ra những bài học, kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Với những ý nghĩa đó, cho phép tôi thay mặt Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Trị, thay mặt Ban Tổ chức, Đoàn chủ trì hội thảo bày tỏ lòng biết ơn chân thành và lời chúc sức khoẻ đến toàn thể các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các đồng chí đã tham dự, đóng góp vào thành công của Hội thảo.
Kính chúc toàn thể các quý vị đại biểu, các vị khách quý có mặt tham dự hội thảo khoa học hôm nay dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc.



1. Trích bài viết của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Bảo tàng Thành Cổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét