“Tôi đã chắp bút Kế hoạch nghi binh”
Đầu tháng 11-1973, đồng chí Khuất Duy Tiến đang là Trung tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) thì được cấp trên điều về làm Tham mưu phó Sư đoàn 320. Nhậm chức ở Sư đoàn chưa được một tuần, ông lại có quyết định về vị trí mới: Trưởng phòng Tác chiến Mặt trận B3. Gần 40 năm trôi qua, người cán bộ tác chiến ngày ấy nay đã bước sang tuổi 82, song ký ức chiến trường trong những tháng ngày sát cánh cùng đồng đội ở Mặt trận Tây Nguyên như vẫn còn vẹn nguyên trong ông…
Trung tướng Khuất Duy Tiến.
|
Về Phòng Tác chiến Mặt trận B3 khoảng nửa tháng thì tôi được cử ra Hà Nội dự tổng kết chiến dịch Tây Nguyên năm 1972 và nhận kế hoạch chuẩn bị phương án tác chiến trong các năm 1975-1976. Theo kế hoạch ban đầu, Mặt trận B3 được Bộ giao nhiệm vụ mở thông con đường vận tải nối giữa Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, tức là chỉ “vén” địch ra để xây dựng một con đường vận tải chiến lược. Phòng Tác chiến Mặt trận đã tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch mang tên “Chiến dịch tháng 2-1975” với các mục tiêu tấn công vào Thuần Mẫn, Đức Lập, Gia Nghĩa… nhằm mở thông con đường vận tải ấy. Nhưng do tình hình thay đổi, sau chiến thắng Phước Long, Trung ương đánh giá Mỹ không có khả năng can thiệp, phương án tác chiến trong năm 1975 hướng tấn công chính sẽ là các thành phố, thị xã. Thế là từ tháng 10-1974, khi vừa hoàn chỉnh xong kế hoạch tác chiến cho “Chiến dịch tháng 2-1975”, tôi lại cùng anh em trợ lý bắt tay vào xây dựng một kế hoạch khác.
Trước lúc làm kế hoạch mới, tôi có hỏi đồng chí Vũ Lăng (khi đó đang là Tư lệnh Mặt trận) xem có cần thay đổi tên kế hoạch không, Tư lệnh Vũ Lăng bảo: “Cứ đề là “Kế hoạch tháng 2-1975” rồi thay nội dung khác là được”, anh còn gợi ý: “Các cậu cần tính để ta có thể xây dựng phương án đánh Buôn Ma Thuột trong trường hợp địch không có phòng ngự dự phòng, chỉ “chọi” với Trung đoàn 53 của địch đang chốt tại đó”. Phương án nghi binh được Bộ tư lệnh đưa ra họp bàn với anh em các bộ phận, sau đó cấp trên giao nhiệm vụ cho Phòng Tác chiến chúng tôi xây dựng kế hoạch.
Bản thảo “Kế hoạch nghi binh 10-1974” của Trung tướng Khuất Duy Tiến đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự.
|
Tháng 10-1974, sau hai tuần soạn thảo, kế hoạch nghi binh do tôi viết tay trên 10 trang giấy pơ-luya chính thức được Tư lệnh Vũ Lăng thông qua. Đồng chí Vũ Lăng còn cẩn thận dặn tôi: “Cậu nhớ giữ kín nhé, trước mắt là chỉ mình với cậu biết thôi đấy!”. Nội dung kế hoạch “Nghi binh 10-1974” được tiến hành trên 4 hướng gồm: Hướng bắc, đông bắc thị xã Kon Tum; hướng tây, tây nam thị xã Kon Tum; hướng đường 19 An Khê và hướng tây Plây-cu. Tham gia vào kế hoạch nghi binh ngoài lực lượng tại chỗ được bố trí ở các hướng còn có một bộ phận chuyên làm nhiệm vụ nghi binh gồm hai máy 15W của Trung đoàn thông tin cùng hai tổ cơ yếu, trong đó một máy làm nhiệm vụ đóng giả một sư đoàn mới vào, một máy đóng giả Sở chỉ huy tiền phương của B3. Dĩ nhiên, kế hoạch nghi binh chỉ được phổ biến đến Thủ trưởng Phòng Tham mưu và các bộ phận cơ quan trực tiếp làm, còn các đơn vị thực binh tuyệt đối không được biết. Chính vì thế mà một lần đồng chí Thanh Sơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 968 đã hỏi tôi: “Anh Tiến này, sư đoàn của tôi nhận nhiệm vụ đánh thật hay đánh giả đấy?”, tôi nghiêm giọng: “Thật chứ, sao lại có chuyện đánh giả ở đây!”…
Kế hoạch nghi binh được chúng tôi gọi tắt là kế hoạch B. Các đơn vị được phổ biến quy định là khi nhận kế hoạch tác chiến mà có chữ “kế hoạch B” thì chỉ huy đơn vị cần lưu ý… không làm theo. Chẳng hạn Sư đoàn 10 nhận nhiệm vụ hành quân cơ động trong “kế hoạch B”, nhưng thực tế cả sư đoàn vẫn đóng quân tại chỗ để nghi binh địch.
Chúng tôi bắt đầu triển khai việc nghi binh từ giữa tháng 11-1974 và trong khoảng thời gian 4 tháng (từ tháng 11-1974 tới đầu tháng 3-1975) địch bị phía ta đưa vào “ma trận” với thật giả lẫn lộn. Có một lần ta di chuyển “thật” mà bị chúng “đánh hơi” được, đó là giữa tháng 2-1975, địch hay tin Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 của ta đã di chuyển xuống phía nam Tây Nguyên, chúng liền điều Trung đoàn 45 từ Kon Tum xuống lùng sục dọc đường 14. Biết Sư đoàn 320 có nguy cơ bị lộ, Bộ tư lệnh Mặt trận quyết định cho sư đoàn lui quân để giữ bí mật và tôi đã trực tiếp thảo một bức điện rồi tới đưa tận tay Sư đoàn trưởng Kim Tuấn chứ không sử dụng máy 15W.
Lược đồ chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4-3 đến ngày 24-3-1975). Ảnh: Lê Trung Nguyên
|
Những ngày làm việc ở cơ quan tác chiến trong thời kỳ diễn ra Chiến dịch Tây Nguyên đã rèn cho tôi một thói quen “ngủ tranh thủ” vào bất kỳ giờ nào, bởi hồi đó công việc hằng ngày luôn tất bật, tối đến, các đơn vị mới có điện báo về, tôi phải nắm hết nội dung cơ bản của các bức điện, rồi triển khai nội dung chỉ đạo cho các đơn vị ngay trong đêm. 12 giờ đêm, tôi bắt đầu đọc các bức điện do anh em Trợ lý Tác chiến tổng hợp, sau đó đề xuất với cấp trên. Xong nội dung này thì cũng khoảng 1-2 giờ, và đúng 4 giờ 30 hằng ngày Phòng Tác chiến phải tổ chức giao ban, kết thúc cuộc giao ban phòng là kịp tới giao ban Bộ tư lệnh vào lúc 6 giờ. Có hôm cuộc giao ban của Bộ tư lệnh tới 8 giờ mới xong. Lúc đó, những bức điện quan trọng do cấp trên triển khai tôi phải trực tiếp soạn, còn lại do anh em trợ lý đảm nhiệm. Ngày nào công việc cũng căng như vậy, trong khi chiến dịch kéo dài tới hàng tháng, vì thế mà tôi phải tự rèn cho mình một thói quen tranh thủ chợp mắt vào bất cứ giờ nào, dù thời gian ngủ chỉ là 5-10 phút…
Trong thời gian ấy, tôi có một kỷ niệm khó quên với chiến sĩ cần vụ tên là Lưu Đình Thiều. Thiều quê ở Ân Thi, Hưng Yên và đã ở cùng từ khi tôi còn là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64. Ở chiến trường việc ăn uống rất kham khổ, có lúc tiêu chuẩn hằng ngày chỉ có 2,5 lạng gạo/người, trong khi Thiều khá to cao nên thường xuyên bị đói. Tôi vốn ăn ít, có ngày mải việc, tôi chỉ cần ăn vài chiếc kẹo, vì thế mà tôi thường hay nhường suất cơm của mình cho người chiến sĩ cần vụ. Thiều cũng rất thật thà, chịu khó. Một tối, tôi đang ngồi nghiên cứu bản đồ trong phòng làm việc thì Thiều mang đến hai miếng dứa nhỏ bằng hai ngón tay. Thiều đưa cho tôi một miếng. Tôi hỏi: “Dứa ở đâu ra thế?”. Thiều giấu không nói, nhưng gặng mãi, Thiều mới thật thà kể là dứa của anh em đi trinh sát trận địa mang về. Tôi nghiêm giọng, bảo: “Lấy của dân phải không? Đã trót rồi thì thôi, nhưng từ nay không được thế, mình phải gương mẫu để anh em chiến sĩ noi gương chứ”. Biết mình sai, Thiều im lặng, rơm rớm nước mắt... Sau ngày Buôn Ma Thuột giải phóng, Thiều nhận nhiệm vụ đi cùng đồng chí Mẫn - Trưởng ban Bản đồ vào thị xã thu gom bản đồ và một số tài liệu, vật dụng cần thiết cho cơ quan tác chiến. Đâu ngờ, trong chuyến đi ấy, Thiều hy sinh...
Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, tổng kết lại mới thấy việc nghi binh đã được anh em các đơn vị phối hợp thực hiện rất tốt. Trong khi ta điều hai sư đoàn chủ lực là Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 từ bắc Tây Nguyên xuống nam Tây Nguyên, Sư đoàn 316 cũng được điều từ miền Bắc vào nam Tây Nguyên thì địch vẫn tin rằng Quân Giải phóng sẽ đánh vào bắc Tây Nguyên, do đó ta đã thu hút một lực lượng lớn của địch lên phía bắc Tây Nguyên, đồng thời bao vây, cô lập Buôn Ma Thuột để có được thắng lợi trong trận then chốt.
Khi đất nước thống nhất, 10 trang giấy pơ-luya kế hoạch “Nghi binh 10-1974” đã được tôi lưu giữ làm kỷ niệm trong suốt 35 năm, cho tới khi kỷ vật ấy được tôi đem tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự ngày 11-2-2009…
Trung tướng Khuất Duy Tiến: “Sau này, tôi có về Hưng Yên để tìm hiểu gia cảnh và công tác chính sách đối với người cần vụ của mình, nhưng chẳng ai nắm rõ về liệt sĩ Lưu Đình Thiều. Tôi chỉ biết Thiều quê ở thôn Lưu Xá, xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi, Hưng Yên). Gần 40 năm trôi qua, mỗi khi nhớ lại những giọt nước mắt ân hận của Thiều trong buổi tối ngoài mặt trận, tôi lại thầm trách về sự nghiêm khắc của mình và luôn canh cánh một nỗi niềm: Không biết Thiều đã “trở về” quê hương chưa, hay từng ấy năm anh vẫn còn nằm lại cánh rừng cao su giữa đại ngàn Tây Nguyên?”.
|
Trung tướng Khuất Duy Tiến kể,Tuệ Minh ghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét