Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Chiến thắng Quảng Trị năm 1972 - Thành quả của chiến tranh nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo


Chiến thắng Quảng Trị năm 1972 - Thành quả của chiến tranh nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo


Trung tướng, PGS.TS. Nguyễn Tiến Bình
(Nguyên Chính ủy Học viện Quốc phòng)

 
  Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta có nhiều sự kiện lịch sử hào hùng đã trở thành huyền thoại, tôn vinh bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, trong đó chiến thắng Quảng Trị năm 1972 là một trong những sự kiện điển hình, chứng minh và khẳng định sâu sắc sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ năm 1972 đã thể hiện sâu sắc tinh thầncả nước chung lòng, toàn dân đánh giặc, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành chiến thắng.
Với khẩu hiệu định hướng tư tưởng và hành động: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả vì Quảng Trị thân yêu”, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ từ khắp mọi miền của đất nước đã anh dũng chiến đấu để giải phóng và bảo vệ Quảng Trị - một trong những chiến trường khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - hướng tiến công chủ yếu trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam. Nhiều tướng lĩnh, sĩ quan của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị và các cơ quan, đơn vị trong quân đội đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch và các hoạt động tác chiến. Cục Vận tải Binh đoàn Trường Sơn và Đoàn Vận tải Quân khu 4 cùng 5.000 dân công hỏa tuyến của các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và hàng nghìn thanh niên xung phong được huy động để bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho cuộc chiến đấu giải phóng và bảo vệ Quảng Trị.
Phối hợp và chia lửa với mặt trận Quảng Trị, quân và dân ta ở miền Nam đã đồng loạt tiến công, đột phá mãnh liệt vào tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch trên các hướng chiến lược, với các chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên (từ ngày 30-3 đến ngày 5-6-1972), chiến dịch tiến công Nguyễn Huệ ở miền Đông Nam Bộ (từ ngày 1-4-1972 đến ngày 19-1-1973), chiến dịch tiến công tổng hợp Bắc Bình Định (từ ngày 9-4 đến ngày 3-5-1972), chiến dịch tiến công tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (từ ngày 10-6 đến ngày 10-9-1972), kết hợp với đẩy mạnh chiến tranh nhân dân địa phương và nổi dậy của quần chúng đánh phá bình định của địch, làm cho chúng lâm vào thế bị động đối phó. Quân và dân ta ở miền Bắc vừa ra sức tăng cường chi viện cho miền Nam, vừa nỗ lực rất cao đánh trả mãnh liệt cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai vô cùng ác liệt và cuộc bao vây phong tỏa đường biển của Mỹ, đỉnh cao là chiến dịch phòng không năm 1972 đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng công nghiệp, làm nên huyền thoại “Điện Biên Phủ trên không”, góp phần đặc biệt quan trọng tạo nên thắng lợi có ý nghĩa bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Với truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, dũng cảm, thông minh được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, nhất là được tôi luyện nghiêm ngặt trong hơn 20 năm liên tục là tuyến lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Trị đã dũng cảm, ngoan cường vượt qua mọi gian khổ hy sinh, vừa tích cực phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu tiêu diệt địch, vừa đẩy mạnh nổi dậy diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ, giải phóng quê hương, đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ của đầu cầu chiến lược nối liền hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam, với tinh thần “Quảng Trị vì cả nước”.
Chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ năm 1972 đã thể hiện rõ nét tư tưởng chiến lược tiến công - yếu tố chủ đạo, đồng thời là nét đặc sắc trong nghệ thuật chỉ đạo và tiến hành chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Trong chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị, với quyết tâm chiến lược “tiêu diệt lớn quân địch và mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam, đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước mới”[1], quân và dân ta đã chủ động tạo ưu thế và giữ vững ưu thế đủ sức áp đảo và đánh bại kẻ thù. Điều này thể hiện rõ nét ngay từ việc xác định đúng hướng tiến công chủ yếu từ phía tây, tập trung tiêu diệt lớn, đập tan tuyến phòng thủ chiến lược của địch ở Đông Hà - ái Tử. Trong điều hành chiến dịch, chúng ta đã chủ động kết hợp chặt chẽ giữa tiêu diệt địch và phá thế phòng thủ của chúng, vừa tổ chức đột phá mạnh, vừa tổ chức thọc sâu vu hồi, chia cắt để nhanh chóng tiêu diệt địch, giành quyền làm chủ.
Với tư tưởng tiến công, lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn với chiến tranh nhân dân địa phương, nhanh chóng đập tan một tuyến phòng thủ chiến lược vững chắc của địch được Mỹ - ngụy coi là “kiên cố nhất chiến trường Đông Dương” và “bất khả xâm phạm”; tiêu diệt và làm tan rã một tập đoàn phòng ngự mạnh bậc nhất của địch, giải phóng tỉnh Quảng Trị.
Khi địch huy động lực lượng lớn hỏa lực không quân và hải quân Mỹ cùng lực lượng tổng dự bị của quân ngụy tổ chức phản công quy mô lớn mang tên Cuộc hành quân “Lam Sơn 1972” hòng tái chiếm Quảng Trị, quân và dân ta đã chuyển sang chiến dịch phòng ngự, từng bước hoàn chỉnh thế trận để giành lại thế chủ động, tiêu diệt và tiêu hao một lực lượng rất lớn của địch, đánh bại cuộc phản công của chúng, giữ vững vùng giải phóng và mở rộng địa bàn chiến lược.
Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Quảng Trị và chiến dịch phòng ngự Quảng Trị năm 1972 có ý nghĩa chiến lược quan trọng, cùng với các hướng tiến công khác trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 tạo ra cục diện mới trên chiến trường, góp phần làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari, rút quân về nước.
Chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ năm 1972 là một bước phát triển sáng tạo phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân Việt Nam, kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, tiến công và nổi dậy, tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ, trong đó đòn tiến công quân sự giữ vai trò quyết định. 
Chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972 là chiến dịch tiến công tổng hợp có tính chất chiến lược, không chỉ là bước phát triển mới của tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, mà còn đánh dấu sự phát triển cao của chiến tranh nhân dân địa phương và phong trào nổi dậy của quần chúng.
Trong Đảng ủy chiến dịch, ngoài các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của quân đội còn có các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, Bí thư Đảng ủy Vĩnh Linh để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với chiến tranh nhân dân địa phương và phong trào nổi dậy của quần chúng. Ngay trong phiên họp đầu tiên (ngày 15-3-1972), để quán triệt quyết tâm chiến lược và tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, Đảng ủy chiến dịch đã xác định rõ quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ của chiến dịch: tiến công tiêu diệt lực lượng quân sự, nhất là quân chủ lực của địch là nhiệm vụ hàng đầu có ý nghĩa quyết định, tạo điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ khác; đẩy mạnh nổi dậy của quần chúng là nhiệm vụ rất quan trọng để giành quyền làm chủ, đánh bại kế hoạch bình định của địch, làm cho ngụy quân, ngụy quyền tan rã và sụp đổ nhanh chóng; nhiệm vụ giải phóng địa bàn là kết quả của việc thực hiện hai nhiệm vụ trên, nhưng có ý nghĩa rất lớn về chính trị, quân sự để đấu tranh với địch tại Hội nghị Pari.
Tỉnh ủy Quảng Trị cũng đề ra chủ trương: phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công của chủ lực, phát huy cao độ đòn nổi dậy của quần chúng, hình thành mặt trận tiến công và nổi dậy rộng khắp nhằm tiêu diệt, làm tan rã lực lượng bảo an, dân vệ, phá vỡ hệ thống kìm kẹp của địch, từng bước giải phóng đất đai tiến tới giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị.
Trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị, các đơn vị chủ lực của ta trên các hướng đã dũng mãnh tiến công, đập tan hệ thống phòng ngự vững chắc, tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng quân sự của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và 3 xã thuộc huyện Hướng Điền tỉnh Thừa Thiên, đồng thời hỗ trợ tích cực cho quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ. Các lực lượng vũ trang địa phương đã liên tục tác chiến ở phía tây Đường 12 để thu hút địch, thực hiện tốt một số trận đánh tạo thế ở hướng nam và hướng đông để nghi binh, lừa địch, tiến công tiêu diệt lực lượng bảo an, dân vệ và phá vỡ hệ thống ngụy quyền ở các thôn ấp, chi khu, thúc đẩy phong trào nổi dậy của quần chúng. Khi các đơn vị chủ lực tiến công áp đảo địch, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự hỗ trợ của lực lượng du kích và các đội công tác vũ trang, nhân dân các địa phương đã nổi dậy mạnh mẽ để diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ. Nhân dân còn vận động được một số lính ngụy ra đầu thú và một bộ phận bảo an, dân vệ làm binh biến trở về với cách mạng.
Trong chiến dịch phòng ngự Quảng Trị, các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương vừa đánh địch vừa tạo thế, vừa điều chỉnh lực lượng và kế hoạch tác chiến từ tiến công chuyển sang phòng ngự, khẩn trương hoàn chỉnh thế trận và giành lại thế chủ động, đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công hòng tái chiếm Quảng Trị của địch, gây cho chúng những thiệt hại rất lớn, giữ vững vùng giải phóng và mở rộng địa bàn chiến lược. Lực lượng du kích vừa làm nhiệm vụ dẫn đường, vừa sát cánh chiến đấu cùng bộ đội đánh địch rộng khắp, nhất là ở vùng sau lưng địch, vừa tổ chức đưa nhân dân ở những nơi địch đánh phá ác liệt ra vùng giải phóng an toàn.
Cả trong chiến dịch tiến công và chiến dịch phòng ngự, với lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân phát triển, quân và dân ta ở Quảng Trị đã căng địch ra trên toàn mặt trận mà đánh, buộc chúng phải bị động đối phó với hình thái chiến tranh nhân dân, bị suy yếu và thất bại.
Chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ năm 1972 thể hiện rõ nét và phát huy cao độ yếu tố chính trị - tinh thần. Đây là một đặc trưng bản chất, đồng thời là yếu tố vượt trội trong sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Quảng Trị năm 1972 thực sự là mặt trận đặc biệt nóng bỏng, là nơi thử thách vô cùng ác liệt đối với ý chí và sức mạnh của ta và địch.
Quân ngụy Sài Gòn đã bố trí ở đây những đơn vị rất thiện chiến gồm Sư đoàn 3 bộ binh, hai lữ đoàn lính thủy đánh bộ 147 và 258, hai thiết đoàn 11 và 20, hàng chục tiểu đoàn pháo binh và các đơn vị địa phương quân, với hệ thống cứ điểm được xây dựng vững chắc, liên hoàn và hệ thống hỏa lực mạnh có thể khống chế một vùng rộng lớn hai bên nam - bắc sông Bến Hải, hình thành tuyến phòng thủ kiên cố. Ngay sau khi ta giải phóng Quảng Trị, quân ngụy điều Sư đoàn thủy quân lục chiến và Sư đoàn dù, tăng cường 1 lữ đoàn dù và Trung đoàn 51 thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược để phản kích hòng tái chiếm Quảng Trị. Quân ngụy còn được chi viện trực tiếp bằng hỏa lực mạnh với cường độ rất cao của không quân và pháo hạm Mỹ. Khi cuộc tiến công chiến lược của ta phát triển, Tổng thống Mỹ Níchxơn cấp tốc huy động 40% máy bay chiến thuật, 48% máy bay chiến lược B.52, 7 tàu sân bay, 65 tàu chiến để chi viện hỏa lực cho quân ngụy Sài Gòn phản kích trên chiến trường miền Nam, trọng điểm là mặt trận Quảng Trị; đồng thời sử dụng lực lượng lớn không quân và hải quân đánh phá trở lại miền Bắc.
Cả ta và địch đều muốn giành thắng lợi về quân sự trên chiến trường tạo lợi thế cho đàm phán tại Hội nghị Pari, mặt trận Quảng Trị trở thành nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch, với những trận đánh rất khốc liệt và đẫm máu, đặc biệt là cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Trong điều kiện chiến đấu vô cùng ác liệt và liên tục 10 tháng, với những khắc nghiệt của mùa khô nắng cháy và mùa mưa ngập lụt, địch tập trung đánh phá với cường độ rất cao và mật độ dày đặc trên một địa bàn hẹp, quân và dân ta đã gặp những khó khăn gay gắt tưởng chừng không thể vượt qua, phải chịu đựng những hy sinh và tổn thất to lớn. Nhưng, quân và dân ta ở Quảng Trị đã anh dũng vượt qua mọi gian lao thử thách, vững vàng trong mọi tình huống, bám trụ kiên cường, kiên quyết tiến công, mưu trí dũng cảm đánh địch, lập nên những chiến công oanh liệt và giành chiến thắng.
 Trong cuộc đọ sức quyết liệt với địch, quân và dân ta đã giành chiến thắng oanh liệt bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, với sự vượt trội kẻ thù về yếu tố chính trị - tinh thần mà cốt lõi là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng Quảng Trị năm 1972, đặc biệt là những chiến công ở Thành Cổ là bản anh hùng ca bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.
Được định hướng và quy tụ bởi khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã làm nên chiến thắng Quảng Trị năm 1972. Đây chính là bài học sâu sắc nhất mà chúng ta đúc kết được từ những trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Ngày nay, sức mạnh đó cần được chuyển hóa, phát triển thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng lãnh đạo, được định hướng và quy tụ bởi khát vọng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” để làm nên những chiến thắng lịch sử mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.



[1]. Nghị quyết số 054/QUTƯ-A ngày 11-3-1972 của Thường vụ Quân ủy Trung ương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét