Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Một số vấn đề về giá trị lý luận và thực tiễn trong cuộc tiến công Giải phóng Quảng Trị năm 1972


Một số vấn đề về giá trị lý luận và thực tiễn trong cuộc tiến công Giải phóng Quảng Trị năm 1972


Trung tướng, PGS. TS. Nguyễn Như Hoạt
(Nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng)

 
Cuộc tiến công giải phóng Quảng Trị nằm trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã đi vào lịch sử dân tộc, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tiến trình tổ chức điều hành chiến tranh của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kết thúc cuộc tiến công chiến lược năm 1972, dân tộc ta đã trực tiếp mở ra con đường nhân văn nhất cho "Mỹ cút" trên chiến trường miền Nam.
Những giá trị nghệ thuật tổ chức và điều hành cuộc tiến công này đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước cũng như Đảng bộ và đồng bào chiến sĩ tỉnh Quảng Trị những bài học quý giá, nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về ý chí kiên cường dũng cảm và sự hy sinh anh dũng của đồng bào chiến sĩ đã góp phần giải phóng quê hương Quảng Trị; đồng thời tiếp tục khẳng định những giá trị lịch sử đó trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn chiến trường nói chung, hướng tiến công chủ yếu giải phóng Quảng Trị nói riêng, chúng ta cần lý giải những giá trị về lý luận và thực tiễn đang tiềm ẩn trong các sự kiện lịch sử.
Vấn đề thứ nhất: Sự quyết đoán, sáng tạo trong nghệ thuật chọn hướng tiến công của Quân ủy Trung ương.
Quảng Trị một vùng đất nóng bỏng nhất vì bom đạn của kẻ thù trong những năm kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc. Vùng đất Quảng Trị đã được Mỹ - ngụy tổ chức thành tuyến phòng thủ vững chắc, nơi tiếp giáp, đối đầu với hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nơi đã được tập trung, đã liên tục thay đổi nhiều loại quân hùng tướng mạnh của chính quyền Sài Gòn và được hỏa lực của Mỹ chi viện tối đa trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhằm ngăn chặn tuyến vận tải chiến lược cực kỳ quan trọng cho toàn chiến trường của ta.
Khi chuẩn bị kế hoạch, chiến trường miền Đông Nam Bộ được Bộ Chính trị xác định là hướng chủ yếu, Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế không phải là hướng chủ yếu. Bởi vì, hướng miền Đông Nam Bộ, đánh trúng vào đây sẽ tác động rất mạnh tới Sài Gòn, nhưng đây cũng là hướng địch tổ chức phòng thủ tương đối mạnh, có hệ thống sân bay, hỏa lực pháo binh, xe tăng thiết giáp nhiều; chúng đã có ý đồ phòng giữ cửa ngõ Sài Gòn đề phòng ta tiến công từ trước. Mặt khác, trên hướng này, địa hình bằng phẳng, đường cơ động tốt, khi tiến công, ta khó bao vây, chia cắt, ngăn chặn tiêu diệt gọn từng trung đoàn, sư đoàn địch. Chọn chiến trường miền Đông Nam Bộ làm hướng tiến công chủ yếu, ta sẽ phải thực hiện đột phá liên tục dọc theo hai trục đường với khoảng cách rất dài, lực lượng, phương tiện dễ bị thương vong, tổn thất. Trên hướng này ta lại chưa chuẩn bị tốt mạng đường chiến lược, chiến dịch vào sâu trong hậu phương địch, nên rất khó bảo đảm cho cơ động, phát triển tác chiến dài ngày của các lực lượng, đặc biệt là các binh chủng có binh khí, kỹ thuật nặng.
Lịch sử đã ghi nhận: Trong khi ta gấp rút chuẩn bị mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam, địch vẫn cho rằng: mức độ hoạt động của cộng sản trong năm 1972 sẽ tương tự như 6 tháng cuối năm 1971. Có thể việc chống phá bình định được tăng cường hơn và đẩy mạnh hoạt động trong dịp bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11-19721. Đầu năm 1972, Mỹ - ngụy mới nhận thấy ta sẽ tiến công lớn, nhưng chúng chưa dự đoán được hướng chủ yếu, quy mô, cường độ và thời điểm cuộc tiến công của ta. Ngày 11-3-1972, Thường trực Quân ủy Trung ương ra nghị quyết tiến hành cuộc tiến công chiến lược, lấy Trị - Thiên làm hướng chiến trường chủ yếu, nhằm tiêu diệt lớn quân địch, mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi so sánh giữa ta và địch, thay đổi cục diện chiến tranh; Phối hợp giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng; giải phóng Quảng Trị - Thừa Thiên; thu hút lực lượng địch;... Như vậy, từ những nhận định của đối phương, từ những hoạt động quân sự thực tiễn trên toàn chiến trường cho thấy, ý định chiến lược của ta đã thành công bước đầu về lừa địch ngay từ khi tổ chức các hoạt động tạo thế. Lựa chọn Quảng Trị là hướng tiến công chủ yếu, mục tiêu mở đầu của chiến dịch tiến công Trị - Thiên nằm trong tổng thể của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, có nghĩa là, ta đã chọn đột phá vào nơi cứng nhất trên toàn tuyến phòng thủ rất mạnh của địch.
Thực tiễn lịch sử này đã chứng minh về phương pháp tư duy cho sự lựa chọn táo bạo, bất ngờ, sáng tạo, đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, trí tuệ sắc sảo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh. Tính khoa học của sự lựa chọn này dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá, nhận định tình hình chính xác, phù hợp với điều kiện khách quan và chủ quan, dự báo sát quá trình vận động giữa ta và địch cả ở tầm chiến lược và chiến dịch. Căn cứ vào so sánh lực lượng địch - ta và thế bố trí phòng thủ của địch; đồng thời, trên cơ sở khoét sâu nhận định sai lầm của chúng, tạo thế bí mật, bất ngờ Bộ Tư lệnh quyết định mở cuộc tiến công chiến lược.
Sự lựa chọn này là nét đặc sắc của nghệ thuật tạo thế về chiến lược, của nghệ thuật chọn hướng tiến công có cơ sở khoa học, đánh dấu một bước phát triển tư duy lý luận thuộc khoa học nghệ thuật quân sự trong nghệ thuật tổ chức và điều hành chiến tranh của Đảng ta. Phân tích, nhận thức đầy đủ về nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch trên hướng Trị - Thiên cần xuất phát từ đặc điểm là sự chuyển hướng tiến công chiến lược phối hợp thành hướng tiến công chủ yếu, do đó công tác chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị chiến dịch quy mô lớn hết sức phức tạp. Bởi vì, hướng tiến công chủ yếu có thể chọn đánh vào nơi địch mạnh nhưng hiểm yếu để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quan trọng, nơi ta có khả năng tiêu diệt lớn lực lượng, phương tiện địch, giải phóng đất đai. Cũng có khi là phát huy yếu tố bất ngờ, đánh vào nơi địch mạnh, hiểm yếu sơ hở1.
Xác định Trị - Thiên là hướng tiến công chiến lược chính, lựa chọn Quảng Trị là hướng chủ yếu, mục tiêu mở đầu, phù hợp với mục đích của tiến công chiến lược là nhằm tiêu diệt từng sư đoàn, lữ đoàn địch, giải phóng từng địa bàn quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo thế và lực mới về chiến lược để giành thắng lợi về chính trị cho cuộc chiến.
Về chọn hướng tiến công cụ thể: Lúc đầu ta có ý định chọn hướng tây nam (động ông Do, điểm cao 365, La Vang) làm hướng tiến công chủ yếu, vì ở đây địch yếu, có sơ hở, nhưng ta chưa chuẩn bị được đường cơ động, vận chuyển. Hướng tây và tây bắc địch mạnh nhưng vẫn có sơ hở, hệ thống đường cơ động vận chuyển của ta được chuẩn bị tốt hơn. Vì vậy ta đã xác định chọn hướng tây, tây bắc làm hướng tiến công chủ yếu (điểm cao 544, Động Toàn, điểm cao 241). Ta đã đồng loạt tổ chức tiến công trên bốn hướng bằng bốn cánh quân, lấy hướng tây bắc làm hướng chủ yếu, hướng nam là hướng chia cắt chiến dịch, cắt tiếp tế vận chuyển của địch. Ta đã chủ động chuẩn bị lực lượng và thế trận cho quần chúng nổi dậy ở Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng,... để phối hợp với đòn tiến công quân sự. Phối hợp nhịp nhàng giữa chiến lược với chiến dịch chiến thuật, giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị trên nền thế trận chiến tranh nhân dân một cách chủ động, sáng tạo, kiên quyết, quyết tâm cao của sức mạnh tổng hợp các lực lượng, ngày 1-5, ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ta đã giải phóng hoàn toàn một tỉnh, nơi địa đầu có bố trí hệ thống phòng thủ mạnh nhất của địch ở miền Nam.
Thực tiễn diễn biến cuộc tiến công chiến lược Trị - Thiên năm 1972 đã chứng minh sự lựa chọn hướng chủ yếu của Bộ Tổng tư lệnh là hoàn toàn chính xác, không thể có “thứ luận điệu nào, lý luận nào” đảo ngược được những giá trị đó của lịch sử.

Vấn đề thứ hai: Lựa chọn, vận dụng phương pháp tác chiến chiến dịch. Xét trên bình diện lý luận nghệ thuật quân sự, đây là vấn đề cốt lõi của bất kỳ chiến dịch nào mà Bộ Chỉ huy chiến dịch cũng như các danh tướng cầm quân đều phải bàn đến. Phương pháp tác chiến chiến dịch không thể tách rời hướng tiến công đã lựa chọn, phương pháp tác chiến chiến dịch liên quan trực tiếp đến tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng, điều hành chiến dịch và quyết định sự thành công của chiến dịch. Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ta đã giải quyết thành công ba vấn đề rất lớn về nghệ thuật quân sự trong tổ chức điều hành, mục đích của phương pháp tác chiến đã được xác định.
Một là, đã tập trung lực lượng, bất ngờ, đồng loạt đột phá trên tất cả các hướng bằng sức mạnh tổng hợp của các binh chủng hợp thành, tiêu diệt lực lượng, đánh chiếm hàng loạt căn cứ của địch, chỉ sau 3 ngày tiến công, ta đã tiêu diệt được một tập đoàn phòng ngự mạnh nhất của quân ngụy, đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự “vỏ cứng” vòng ngoài, làm cho địch bị thiệt hại nặng, phải bỏ toàn bộ tuyến phòng thủ đường 9 với 4 căn cứ trung đoàn, 7 căn cứ tiểu đoàn. Tận dụng kết quả thành công đột phá của hỏa lực và xung lực trên toàn tuyến, ta đã nhanh chóng đưa lực lượng vào trong tung thâm phòng thủ của địch, tiến công giải phóng Đông Hà, ái Tử, La Vang ...
Hai là, ta đã giải quyết thành công nghệ thuật sử dụng lực lượng quy mô lớn trong một chiến dịch tiến công. Sử dụng pháo binh một cách bất ngờ, mãnh liệt, chính xác, chi viện xe tăng rất hiệu quả cho bộ binh thực hiện đột phá tiến công trên các hướng. Chiến dịch đã tập trung 150 khẩu pháo xe kéo, hơn 200 khẩu pháo mang vác với 15.000 viên đạn pháo cối các loại, đánh vào 19/124 căn cứ hỏa lực của địch, phá vỡ và làm tê liệt hoàn toàn hệ thống trận địa pháo binh của địch. Nghệ thuật tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng quy mô lớn thực hiện đòn mở đầu tiến công tiêu diệt sinh lực, giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của người chỉ huy, cơ quan tham mưu các cấp về khả năng, trình độ tổ chức, điều hành tác chiến chính quy, hiệp đồng binh chủng của cấp chiến lược cũng như cơ quan chiến dịch, phản ánh khả năng tác chiến chính quy của các lực lượng.
Ba là, tiêu diệt nhiều xe tăng, thiết giáp, đánh bại chiến thuật co cụm lớn với vỏ thép cứng cơ động vòng ngoài của tăng thiết giáp địch ở Đông Hà. Tiêu diệt nhiều tăng, thiết giáp của địch đã trực tiếp đánh bại chiến thuật co cụm bằng vỏ thép cứng vòng ngoài, đồng nghĩa với tiêu diệt cụm phòng ngự chủ yếu của địch ở Đông Hà. Mất Đông Hà, hướng đông, hướng nam bị uy hiếp mạnh, quân địch ở ái Tử mất thế chống đỡ đã vội vàng tháo chạy. Những thắng lợi liên tiếp trên toàn tuyến của ta, thế và lực chống đỡ trên hướng Quảng Trị của địch đã vỡ trận, đã buộc quân địch tháo chạy khỏi toàn bộ địa bàn Quảng Trị.
Sự thành công của nghệ thuật vận dụng phương pháp tác chiến chiến dịch tiến công thể hiện ở chỗ đã kết hợp được mục đích tiêu diệt địch và phá thế phòng thủ mạnh của địch; đột phá đồng thời, đột phá liên tục với tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng và vu hồi, bao vây chia cắt chiến dịch; kết hợp giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng trên địa bàn dân cư.

Vấn đề thứ ba: Cuộc tiến công giải phóng Quảng Trị trên bình diện toàn cục trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 có ý nghĩa rất to lớn.
Thắng lợi của cuộc tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã đẩy chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đứng trước nguy cơ sụp đổ, làm thay đổi căn bản cục diện chiến tranh, phát triển có lợi cho ta, tạo điều kiện thuận lợi cho mặt trận ngoại giao, đấu tranh buộc Mỹ - ngụy phải ký Hiệp định Pari.
Về phạm vi chiến lược cho thấy, ta đã tìm hiểu và đánh giá đúng những âm mưu và thủ đoạn mới của đối phương trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, hạ quyết tâm mở các chiến dịch tiến công bằng sức mạnh toàn diện quân sự với chính trị; tiến công và nổi dậy, làm động lực thúc đẩy đấu tranh ngoại giao... Sự kết hợp các hình thức đấu tranh này đã làm đảo lộn mọi tính toán chiến lược của đế quốc Mỹ và tay sai về quyết tâm chiến lược của ta, đẩy Mỹ phải đối phó bị động.
Sau khi giải phóng Quảng Trị, trên toàn chiến trường, các binh đoàn chủ lực của ta đã phối hợp với bộ đội địa phương, du kích liên tục tiến công, tiêu diệt nhiều đơn vị lớn, phá vỡ các tuyến phòng thủ kiên cố của Mỹ - ngụy. Kết quả hoạt động của các lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị đã trực tiếp thúc đẩy phong trào nổi dậy của quần chúng, giáng đòn quyết định vào lực lượng kìm kẹp của địch ở các địa phương, giải phóng thêm nhiều quận lỵ, chi khu, phá rã từng mảng lớn ấp chiến lược và đồn bốt địch, làm cho chương trình bình định trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” bị thất bại nghiêm trọng. Đồng thời, góp phần tác động chiến lược “Lào hóa chiến tranh” của Mỹ thất bại nặng nề. Các vùng giải phóng của Lào được mở rộng và củng cố vững chắc. Lực lượng yêu nước Lào ngày càng lớn mạnh cả về chính trị và quân sự. Thế và lực của cách mạng Lào ngày một phát triển. Đồng thời, âm mưu “Khơme hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ cũng bị thất bại thảm hại. Lực lượng chính trị và quân sự của nhân dân Campuchia lớn mạnh nhanh chóng. Chúng ta khẳng định, mưu đồ cô lập và bóp nghẹt, làm cho chiến tranh cách mạng bị “tàn lụi”, hòng phá liên minh ba nước Đông Dương của Mỹ đã đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn.
Về nghệ thuật chiến dịch, cuộc tấn công giải phóng Quảng Trị năm 1972 đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật lập thế ta, phá thế địch; nghệ thuật chọn hướng, đối tượng tác chiến, mục tiêu mở đầu tiến công chiến lược. Thành công lớn về nghệ thuật vận dụng phương thức kết hợp đột phá, đột phá liên tục, đánh đến đâu bám trụ đến đó, kết hợp với thọc sâu, bao vây chia cắt, đột phá liên tục với tiến công địch trên toàn bộ chiều sâu phòng ngự của địch bằng sức mạnh binh chủng tổng hợp; nghệ thuật sử dụng lực lượng vũ trang ba thứ quân, tiến hành ba mũi giáp công, thực hành sáng tạo các cách đánh chiến dịch; nghệ thuật tổ chức, chỉ huy điều hành chiến dịch cũng như các trận đánh quy mô lớn và nghệ thuật tổ chức bảo đảm các mặt cho chiến dịch.
Về phạm vi chiến thuật, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã trực tiếp chỉ đạo vận dụng các hình thức chiến thuật linh hoạt, đa dạng, phù hợp với khả năng, sở trường của các đơn vị.
Những hy sinh, mất mát, gian khổ và vô cùng ác liệt trên “mảnh đất thân thương, hiền lành, giản dị” vẫn vang vọng tiếng “quân reo quê Mẹ Quảng Trị Anh hùng” mang tính lịch sử, giá trị nhân văn, mang tầm thời đại sâu sắc.
Chúng ta, những người đã cùng kề vai sát cánh với Đảng bộ, quân, dân Quảng Trị và các thế hệ hôm nay, mãi mãi tri ân sự hy sinh, mất mát của những người con Quảng Trị cùng đồng đội trên mọi miền của Tổ quốc đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh để giải phóng mảnh đất Quảng Trị, mảnh đất của những con người có lòng yêu nước bất diệt.
Lịch sử là một dòng chảy liên tục, không có khoa học nào không xuất phát từ lịch sử. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, không thể không nghiên cứu, vận dụng và phát triển toàn diện những giá trị vô giá của lịch sử vào đời sống xã hội. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, nghiên cứu và đưa lịch sử vào đời sống xã hội nói chung, cho thế hệ trẻ nói riêng, chúng ta nhận thức chưa đầy đủ và đang ở mức "báo động". Về cuộc tiến công giải phóng Quảng Trị năm 1972, chúng ta cần nghiên cứu một số vấn đề sau:
Một là, các cấp, các ngành cùng hệ thống chính trị cần nhận thức đúng, nhận thức đủ về lịch sử. Đặc biệt là những bài học vô giá về sự hy sinh cao cả của cả dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, tăng cường giáo dục, tuyên truyền sâu rộng trong xã hội để các thế hệ biết trân trọng, giữ gìn, vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm đó vào xây dựng và phát triển các khu vực phòng thủ vững chắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc hiện nay.
Ba là, kết hợp qua các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, phát động một phong trào sâu rộng về hiểu biết lịch sử, thu thập thông tin, hiện vật để lưu giữ, bảo tồn lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên quê hương Quảng Trị, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Bốn là, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái, coi thường, phủ định, xuyên tạc, bóp méo lịch sử của các thế lực thù địch.
Năm là, đầu tư, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ sở vật chất thích đáng để bồi dưỡng, đào tạo kiến thức cho những người làm công tác chuyên ngành về lịch sử, tạo dựng một hệ thống cộng tác viên trong quá trình tôn tạo, giữ gìn những giá trị quý báu của lịch sử trên quê hương Quảng Trị anh hùng.
Lịch sử mảnh đất Quảng Trị cũng như lịch sử cuộc tiến công giải phóng Quảng Trị năm 1972, những giá trị lý luận và thực tiễn còn rất nhiều vấn đề mà các thế hệ hôm nay và ngày mai phải nghiên cứu, khám phá, vận dụng và phát triển vào thực tiễn.

 

1. Xem Bộ Quốc phòng  - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong ba mươi năm chống Pháp, chống Mỹ (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, t.II, tr. 187.
1. Xem Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Tổng kết tác chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 802.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét