Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Công tác hậu cần chiến dịch Trị - Thiên - 1972


Công tác hậu cần chiến dịch Trị - Thiên - 1972
Sau những thắng lợi liên tiếp trên các chiến trường, đặc biệt là thắng lợi của Chiến dịch Đường 9- Nam Lào, thế và lực cách mạng miền Nam có bước phát triển mới. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường Đông Dương. Trong đó, xác định miền Nam là chiến trường chính nhằm đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ để giành thắng lợi quyết định. Quân uỷ Trung ương quyết định chọn Mặt trận Trị Thiên là hướng chiến lược chủ yếu, chiến trường Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là hướng phối hợp quan trọng.
Thực hiện chỉ thị của Quân uỷ Trung ương, Tổng cục Hậu cần (TCHC) đã khẩn trương lập kế hoạch tổ chức chi viện cho các chiến trường 163.000 tấn vật chất các loại. Trong đó, chi viện cho Mặt trận Trị - Thiên 16.100 tấn nhằm thực hiện nhiệm vụ giải phóng Quảng Trị (trong Chiến dịch Trị -Thiên) và 9500 tấn cho nhiệm vụ phát triển tiếp theo.
Từ đầu tháng 10-1971, các binh trạm tuyến Bắc của Cục Vận tải cùng Công ty 2, Công ty 6 (Bộ Giao thông Vận tải) và Công ty 8 (tỉnh Quảng Bình) khẩn trương vận chuyển, đẩy nhanh hàng hậu cần vào tuyến trong. Các kho tiền phương của Tổng cục ở cảng Gianh, Khương Hà, Minh Cầm và trên các Đường 10, 14, 16 được mở rộng để tiếp nhận vật chất từ tuyến ngoài chuyển vào lập chân hàng cho Bộ Tư lệnh 559. Trên tuyến đường sắt, liên tục có các đoàn tàu chuyển quân và hàng vào miền Nam (riêng tháng 11-1971 có 18 chuyến tàu chở binh khí kỹ thuật hạng nặng). Trên tuyến đường thuỷ, tháng 7-1971, Đoàn Hồng Hà (Cục Vận tải) đã có 7 chuyến tàu tăng kít, 2 xà lan tự hành và 22 xà lan chở hàng đến đích an toàn; sau đó, tiếp chuyển các binh khí kỹ thuật hạng nặng từ Bến Thuỷ, Minh Cầm qua cảng Gianh vào Xuân Bồ (Quảng Bình).
Vận tải chỏ hàng phục vụ chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu
Cũng trong thời gian này, TCHC tăng cường cho các chiến trường 65 phân đội hậu cần. Trong đó, chiến trường Trị - Thiên (B4) được tăng cường 2 đoàn cán bộ quân nhu; Mặt trận Quảng Trị (B5) được tăng cường 1 đoàn cán bộ quân nhu, 1 đội điều trị, 1 trạm sửa chữa xe và 1 trạm sửa chữa quân giới; Tuyến 559 và tuyến vận tải hậu phương được tăng cường lái xe và thợ sửa chữa gấp 2 lần so với năm 1970-1971... Các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An đã huy động số lượng lớn dân công tổ chức sửa chữa, nâng cấp mạng đường trên các tuyến vận tải. Trên tuyến 559, hệ thống cầu đường được xây dựng, củng cố ngày càng vững chắc, hoàn thiện, có khả năng vươn tới các chiến trường; vận tải cơ giới được sử dụng hợp lý, hiệu quả đã mở được 2 chiến dịch "vượt khẩu" và “dồn hàng vào sâu trong tuyến”, nên chỉ sau 3 tháng đã đáp ứng đủ nhu cầu vật chất cho các chiến trường.
Để chuẩn bị cho chiến dịch Trị Thiên, ngay khi chiến dịch Đường 9 - Nam Lào kết thúc, Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tư lệnh 559 và Quân khu 4 xây dựng các tuyến đường vào bắc, nam sông Bến Hải và vận chuyển 727 tấn vật chất vào dự trữ ở các cụm hậu cần (căn cứ hậu cần (CCHC) mặt trận). Tháng 8-1971, Bộ quyết định hợp nhất Binh đoàn 70 và Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị thành Bộ Tư lệnh B5; Cục Hậu cần B5 được thành lập trên cơ sở Cục Hậu cần Binh đoàn 70, Phòng Hậu cần B5, Tiền phương Cục Hậu cần Quân khu 4 và lực lượng do TCHC tăng cường.
Từ tháng 9-1971, Cục Hậu cần B5 tổ chức nghiên cứu chiến trường và tổ chức ra 5 CCHC chiến dịch với đủ các thành phần lực lượng, bao gồm: vận tải, kho, đội điều trị, trạm sửa chữa xe pháo… Nhờ đó, cuối tháng 3-1972, bộ máy hậu cần chiến dịch triển khai xong lực lượng và chuẩn bị được 18.385 tấn vật chất (đạt 112,5% kế hoạch). Ngoài ra, ở tuyến tiền phương có 9.000 tấn dự trữ cho kế hoạch tiếp theo.
Nhằm ngăn chặn, phá công tác chuẩn bị của ta, địch tổ chức đánh phá rất ác liệt vào các tuyến vận tải và căn cứ hậu phương, mở nhiều cuộc hành quân lấn chiếm sang Cánh đồng Chum, Hạ Lào, Đông bắc Campuchia...; đặc biệt, địch sử dụng máy bay AC -130 (cải tiến) săn lùng các đoàn xe vận tải trên Tuyến 559, gây cho ta nhiều thiệt hại. Mặc dù vậy, các chiến trường vừa khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược 1972, vừa kiên quyết đánh địch lấn chiếm, khắc phục mọi khó khăn và tuyệt đối giữ bí mật ý đồ tác chiến.
Quyết tâm chiến dịch Trị - Thiên được Quân uỷ Trung ương thông qua; từ giữa tháng 3/1972, các đơn vị tham gia chiến dịch cơ động vào vị trí tập kết. Chiến dịch chia làm 3 đợt:
11 giờ 30 phút ngày 30-3-1972, đợt 1 chiến dịch mở màn với 15.000 quả đạn pháo từ 150 khẩu pháo và 90 khẩu cối nã vào các cứ điểm địch ở nam, bắc Đường 9. Sau 5 ngày tác chiến, tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch bị phá vỡ; ta giải phóng hai huyện Do Linh, Cam Lộ, phát triển vào thị xã Đông Hà, nhưng bị địch ngăn chặn quyết liệt phải dừng lại củng cố lực lượng và kết thúc đợt 1 (9-4-1972). Nhằm tiếp cận đội hình tác chiến, các cụm hậu cần đều di chuyển lên phía trước để kịp thời bảo đảm cho bộ đội. Trong tháng 4, hậu cần chiến lược đã chi viện cho chiến dịch 4.860 tấn vật chất; hậu cần chiến dịch đã chuyển cho các đơn vị 1.500 viên đạn pháo 122 ly, 300 viên đạn pháo 130 ly và 6.088 tấn vật chất khác… nhưng bị tổn thất 52 xe (20%). Để bảo đảm cho Sư đoàn 304 và 324 ở Ái Tử và tây thị xã Quảng Trị, hậu cần chiến dịch đã tổ chức đóng 617 tấn gạo vào bao nilon rồi thả trôi trên các sông DaKrong, Ba Lòng, các đơn vị và nhân dân ven sông đã vớt được đầy đủ, bảo đảm cho chiến dịch.
Đợt 2 (từ 2-4/ 2-5), ta tập trung tiêu diệt các cứ điểm ở Ái Tử, Đông Hà, La Vang và truy kích địch rút chạy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Trong đợt này, hậu cần đã bảo đảm 7.530 tấn vật chất các loại, trong đó có 3.677 tấn đạn dược, 1.120 tấn xăng dầu, 30 tấn vật tư kỹ thuật, 2.640 tấn lương thực, thực phẩm (LTTP), cứu chữa 4.619 thương binh.
Sau khi giải phóng Quảng Trị, Sư đoàn 324 được điều vào Bắc sông Bồ cùng Quân khu Trị - Thiên tiến công địch ở Thừa Thiên. Hậu cần chiến dịch đã điều chỉnh lại thế trận bám sát đội hình tác chiến: Cụm 1 ở khu vực Mai Lộc - Cam Lộ bảo đảm cho lực lượng cơ động chiến đấu ở khu giữa (gồm pháo binh, cao xạ, lực lượng dự bị cơ động…) và chi viện cho cụm 2, 3 ở nam sông Ba Lòng. Cụm 2 chuyển sang nam sông Ba Lòng triển khai ở Động Ông Do - Khe Trai- Văn Vạn để bảo đảm cho Sư đoàn 308 và các đơn vị binh chủng ở tây Thị xã Quảng Trị (Thượng Phước). Cụm 3 chuyển lên khu vực Điểm cao 367 (Bắc Tân Điền) bảo đảm cho Sư đoàn 304 ở bắc sông Mỹ Chánh. Cụm 4 chuyển sang Đông Mai Xá Thị - Mỹ Thuỷ bảo đảm cho lực lượng trên hướng Đông. Việc di chuyển được tiến hành rất khẩn trương, bí mật.
Đợt 3 (20 đến 27-6-1972), ta tiến công địch từ nam sông Mỹ Chánh vào Thừa Thiên, nhưng chúng đã tăng cường lực lượng phòng thủ, chuẩn bị phản công, đồng thời Mỹ dùng không quân và pháo binh đánh phá rất ác liệt nên sau 6 ngày tác chiến, ta phải dừng lại và kết thúc chiến dịch. Trong đợt này, hậu cần đã bảo  đảm 6.600 tấn vật chất trong đó có 1.668 tấn đạn, 1.140 tấn xăng dầu, 3.590 tấn LTTP và cứu chữa 4.203 thương binh. Tuy nhiên, do việc chuẩn bị đường chưa chu đáo, lại bị địch đánh phá ác liệt, trời mưa, trơn lầy không sử dụng được ô tô, vận tải bộ không đủ sức bảo đảm cho bộ đội. Sau đợt 3, bộ đội phải dừng lại để củng cố lực lượng. Từ cuối tháng 6-1972, địch tập trung phản công đánh phá ác liệt khu vực từ Thị xã Quảng Trị đến sông Mỹ Chánh, yểm trợ quân Nguỵ mở cuộc hành quân “Lam Sơn 72” chiếm lại Quảng Trị và các vùng đã mất, ta chuyển sang chiến dịch phòng ngự Quảng Trị kéo dài hơn 4 tháng, chiến sự diễn ra hết sức khốc liệt…
Trong chiến dịch Trị - Thiên năm 1972, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 27.000 tên địch (bắt 3.388 tên); thu và phá huỷ 636 xe tăng, xe bọc thép, 1870 xe quân sự, 419 khẩu pháo, bắn rơi và phá huỷ 340 máy bay; giải phóng tỉnh Quảng Trị và 3 xã của huyện Hương Điền (tỉnh Thừa Thiên). Đối với hậu cần chiến dịch đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời nhu cầu cho các đơn vị tác chiến gồm 14.130 tấn vật chất (đạt 87,8% kế hoạch), trong đó có 5.345 tấn đạn; 2.260 tấn xăng dầu; 150 tấn vũ khí, vật tư kỹ thuật; 6.230 tấn LTTP, cứu chữa 8.822 thương binh và 4.983 bệnh binh, các trạm sửa chữa xe đã trung tu 311 lượt chiếc, sửa chữa nhỏ 1.452 lượt xe các loại... góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.
Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược 1972, đặc biệt là trên hướng chủ yếu Trị - Thiên, cùng với chiến dịch “Điện Biên phủ trên không” ở Hà Nội, Hải Phòng đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tạo thời cơ lớn để quân và dân ta tiến tới giành đại thắng trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước thống nhất.
Đại tá TS Nguyễn Đông Thức 
Tài liệu tham khảo
1. Lịch sử hậu cần QĐND Việt Nam tập 2, Nxb QĐND 1999.
2. Lịch sử Hậu cần chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND 2001.
3. Từ điển Bách khoa Quân sự, Nxb QĐND 2005.
4. Tổng kết hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND 2001.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét