Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của chiến thắng Quảng Trị năm 1972


Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của chiến thắng Quảng Trị năm 1972


Thiếu tướng, PGS. TS. Vũ Quang Đạo
(Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)

 
Cách đây tròn 40 năm, ngày 1-5-1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Đây là lần đầu tiên trong cuộc chống Mỹ, cứu nước, ta đã giải phóng được một tỉnh.
Với việc giải phóng Quảng Trị, quân và dân ta hoàn thành cơ bản nhiệm vụ đặt ra đối với hướng tiến công chủ yếu Trị - Thiên trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972.
Tại mặt trận Quảng Trị, từ ngày 30-3 đến ngày 1-5-1972, quân và dân ta đã tiến công, vây ép và tiêu diệt một loạt căn cứ của quân đội Sài Gòn từ bắc đường 9 đến Đông Hà, ái Tử và thị xã Quảng Trị; đập tan hệ thống phòng ngự được coi là kiên cố nhất miền Nam, đẩy lực lượng địch lui về phía nam sông Mỹ Chánh. Trong cuộc tiến công mãnh liệt ấy, quân ta đã chứng tỏ được khả năng đánh tiêu diệt lực lượng cấp sư đoàn (Sư đoàn bộ binh 3) của đối phương; đồng thời đánh thiệt hại nặng lực lượng lính thủy đánh bộ, biệt động và nhiều đơn vị khác của quân đội Sài Gòn[1]...
Chiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị cùng với thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 tại các chiến trường trọng điểm Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và toàn miền Nam là một đòn chí mạng đối với quân đội Mỹ và Sài Gòn. Hệ thống phòng ngự kiên cố của quân đội Mỹ và Sài Gòn, nhằm bảo vệ các đô thị, địa bàn chiến lược, khu vực giới tuyến quân sự tạm thời đã bị uy hiếp và phá tan từng mảng lớn.
Thắng lợi của ta trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (đầu năm 1971) và trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, nổi bật là chiến thắng Quảng Trị, đã gây tác động nhiều mặt đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn đã phải thừa nhận: Cuộc tiến công 1972 của địch đã làm nổi lên một cách bi thảm nhất sự yếu kém cơ bản của quá trình Việt Nam hóa[2].
Thất bại đó của quân đội Mỹ và Sài Gòn là một đòn giáng mạnh vào âm mưu "đàm phán trên thế mạnh" tại bàn Hội nghị Pari mà giới lãnh đạo Mỹ đang cố tạo ra bằng những thắng lợi trên chiến trường miền Nam. Cuộc tiến công chiến lược này đã tạo những chấn động đối với nội tình nước Mỹ, đặc biệt trong thời điểm nhạy cảm - cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai của Tổng thống Níchxơn.
Có thể thấy, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta chẳng những đẩy quân đội đối phương ngày càng lún sâu vào thế lúng túng, bị động, tạo được cục diện mới trên chiến trường ngày càng có lợi cho ta, mà còn làm thất bại cơ bản chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ.
Mang tầm vóc lớn lao và một ý nghĩa lịch sử rất quan trọng trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta, nổi bật là chiến công giải phóng Quảng Trị đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn.
Thứ nhất, sự nhạy bén và chính xác của Trung ương Đảng trong việc lựa chọn hướng tiến công chủ yếu Trị - Thiên.
Đây chính là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với việc giành thắng lợi trên mặt trận Quảng Trị. Để đi đến quyết định chọn Trị - Thiên là hướng chủ yếu trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã có một quá trình phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình chiến trường miền Nam, đồng thời cân nhắc, lựa chọn nhiều phương án tác chiến. Ngay sau thắng lợi của chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, tháng 5-1971, Bộ Chính trị đã họp, đề ra nhiệm vụ của chiến trường miền Nam làgiành thắng lợi quyết định trong năm 1972. Bộ Chính trị khẳng định: ta đang đứng trước thời cơ mới có thể giành thắng lợi to lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ nhận định ấy, Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ cần kíp cho quân và dân ta là: kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài[3].
Để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, tháng 6-1971, Quân ủy Trung ương đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu tình hình và vạch nhiệm vụ của cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Quân ủy Trung ương xác định, đòn tiến công của chủ lực sẽ tiến hành đồng thời trên ba hướng chiến lược Trị - Thiên, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Miền Đông Nam Bộ là hướng tiến công chủ yếu số 1, Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu số 2, Trị - Thiên là hướng phối hợp quan trọng2.
Tuy nhiên, đến nửa đầu tháng 3-1972, căn cứ vào tình hình lực lượng so sánh giữa ta và địch, qua kiểm tra công tác chuẩn bị và cân nhắc các mặt, Quân ủy Trung ương nhận thấy nên chọn Quảng Trị - Thừa Thiên làm hướng chiến lược chủ yếu. Bởi vì, cuộc tiến công này phải giáng đòn quyết định của bộ đội chủ lực vào địa bàn dễ gây tác động lớn đối với Mỹ ngụy. Ta phải đánh mạnh vào chính nơi địch mạnh hoặc tương đối mạnh, nơi hiểm yếu, buộc chúng phải đối phó quyết liệt với những cố gắng rất cao. Đối với ta, địa bàn này cũng là nơi có điều kiện để ta phát huy cao nhất sức mạnh của bộ đội chủ lực, của hậu phương miền Bắc... Từ nhận định xác đáng đó, ngày 23-3-1972, Bộ Chính trị duyệt y đề nghị của Quân ủy Trung ương, chuyển chiến trường Trị - Thiên từ hướng phối hợp quan trọng trở thành hướng chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược[4].
Sự nhạy bén của Bộ thống soái tối cao trong việc xác định hướng tiến công chiến lược là nhân tố hàng đầu đưa tới thắng lợi của mặt trận Quảng Trị.
Thứ hai, tập trung binh lực, tiến công bất ngờ và giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn.
Trong chiến tranh, vấn đề so sánh lực lượng, giữ được bất ngờ và chủ động về thời gian luôn là những yếu tố có vai trò quyết định thành bại của mỗi trận đánh. Chiến dịch tiến công Trị - Thiên đã thực hiện được những vấn đề cốt yếu ấy.
Để đập tan tuyến phòng ngự kiên cố vòng ngoài, tiêu hao nhiều sinh lực và thu hút, giam chân một bộ phận lực lượng của đối phương[5], đồng thời phát triển tiến công giải phóng Quảng Trị..., chúng ta đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, điều động và tổ chức một lực lượng binh chủng hợp thành lớn, tương đương 41 tiểu đoàn (3 sư đoàn bộ binh (308, 304, 324), 2 trung đoàn độc lập (48, 27), 4 tiểu đoàn bộ binh (2, 3, 15, 17) của Quân khu Trị - Thiên, 3 tiểu đoàn đặc công cơ động của Bộ (25, 31, 35), 2 trung đoàn xe tăng, thiết giáp (203, 202), 7 trung đoàn pháo binh (45, 38, 84, 164, 368, 304, 308), 3 sư đoàn phòng không (365, 367, 377), 4 tiểu đoàn tên lửa, 2 trung đoàn công binh, 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương (8, 10, 14) và một số đơn vị bộ binh, binh chủng)[6].
Tạo ưu thế về lực lượng đối với địch và giữ được yếu tố bất ngờ khi mở màn tiến công (11 giờ 30 phút ngày 30-3-1972), trong 6 ngày đầu, quân ta đã nhanh chóng phá vỡ được tuyến phòng ngự cơ bản của địch ở đường 9, đánh chiếm 4 căn cứ trung đoàn, 7 căn cứ tiểu đoàn, giải phóng được 2 huyện Gio Linh, Cam Lộ. Bước vào đợt 2 (ngày 27-4), quân ta tiến công và dứt điểm các cụm quân địch ở Đông Hà - Lai Phước, ái Tử - La Vang; tạo thế trận vây ép, tiến lên giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị (18 giờ, ngày 1-5-1972).
Như vậy là, chỉ trong vòng hơn một tháng, với hai đợt tiến công (mỗi đợt 6 ngày), quân ta đã hoàn thành mục tiêu giải phóng Quảng Trị; tiêu hao, tiêu diệt, phá hủy một bộ phận lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của quân đội Sài Gòn. Thành quả của hơn một tháng tiến công thể hiện sự chuẩn bị công phu, tạo ưu thế đối với địch về lực lượng và giữ được bí mật quá trình chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch.
Thắng lợi ở Quảng Trị cùng với thắng lợi tại Bình Long, Kon Tum... thể hiện rõ quyết tâm cao độ của quân và dân ta, đạp bằng mọi khó khăn thử thách, đưa cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ tiến gần tới thắng lợi quyết định.
Thứ ba, chuyển hóa thế trận đúng lúc, làm tăng hiệu quả tiến công.
Quãng thời gian giữa đợt 1 và đợt 2 của chiến dịch Trị - Thiên là lúc ta thực hiện việc củng cố lực lượng, tính toán phương án bố trí sử dụng lực lượng, thay đổi cách đánh.
Chuyển hóa thế trận, đánh trận then chốt chiến dịch ở Đông Hà - Lai Phước trong đợt 2 là quyết định đúng đắn của Bộ Tư lệnh chiến dịch[7]. Bởi vì, sau những ngày đầu choáng váng với đòn tiến công bất ngờ của ta, quân đội Sài Gòn đã kịp thời củng cố, tăng cường lực lượng phòng thủ; hình thành ba cụm phòng ngự ở Đông Hà, ái Tử và Quảng Trị (6 trung đoàn bộ binh và các đơn vị xe tăng, thiết giáp, pháo binh), trong đó lực lượng chủ yếu tập trung ở Đông Hà - Lai Phước. Với hệ thống phòng ngự vững chắc, quân đội Sài Gòn đã gây khó khăn cho bộ đội ta. Ngày 8-4, ta tổ chức tiến công các cụm quân địch, nhưng các mũi tiến công không phát triển được. Đặc biệt, các đơn vị đánh vào Đông Hà bị tiêu hao nặng. Bộ Tư lệnh Chiến dịch ra lệnh tạm dừng tiến công để củng cố[8].
Từ ngày 10-4 đến ngày 26-4, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo các đơn vị, các hướng tiến công mở đợt hoạt động "đệm", sử dụng chiến thuật bí mật cơ động lực lượng, áp sát, vây chặt, cường tập, tiêu diệt gọn từng vị trí phòng ngự của địch. Đồng thời, ta tập trung hỏa lực B.72, B.40, B.41, ĐKZ bố trí nhiều tầng, áp sát Đông Hà, phá vỡ tuyến ngăn chặn bằng vành đai xe tăng của địch.
Các đợt hoạt động đệm đã tạo thế trận thuận lợi để quân ta mở đợt tiến công mới, dứt điểm hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn tại Đông Hà - Lai Phước, ái Tử - La Vang và Quảng Trị. Ngày 27-4, pháo binh của ta bắn gần 30.000 quả đạn để khai màn cho đợt 2 chiến dịch. Ngày 28-4, được pháo binh, cao xạ chiến dịch yểm trợ, Sư đoàn 308 với đội hình gồm Tiểu đoàn xe tăng 512 (Trung đoàn 203), Trung đoàn pháo cao xạ 248, 1 đại đội B.72, 1 đại đội A72, bằng tiến công hiệp đồng binh chủng, đột phá chính diện kết hợp với bên sườn, thọc sâu, bao vây, chia cắt, tiêu diệt từng bộ phận, tiến lên dứt điểm Đông Hà - Lai Phước[9]. Đây là trận đánh then chốt của đợt 2 Chiến dịch.
Đông Hà - Lai Phước và tiếp đến, cụm phòng thủ ái Tử - La Vang bị thất thủ khiến cho lực lượng quân địch tại Quảng Trị rối loạn và bắt đầu rút lui vào trưa ngày 1-5-1972. Tuy nhiên, đội hình lui quân của địch đã bị các đơn vị thuộc Sư đoàn 324 chặn đánh ở cầu Nhùng, cầu Bến Đá, cầu Dài. Cùng lúc, pháo binh của ta bắn phá mãnh liệt khống chế đường số 1. Không thực hiện được ý định "lui quân có tổ chức", quân đội Sài Gòn ở Quảng Trị phải bỏ lại xe pháo, vũ khí. Đường số 1 từ Quảng Trị đến bắc Thừa Thiên trở thành "đại lộ kinh hoàng" đối với địch. Các cố vấn Mỹ, Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 3 bỏ chạy bằng máy bay lên thẳng. Ngày 1-5-1972, Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 tiến vào giải phóng thị xã Quảng Trị[10].
Thắng lợi nhanh gọn trong đợt 2 Chiến dịch đã chứng tỏ quyết định của Bộ Tư lệnh Chiến dịch kịp thời chuyển hóa thế trận là đúng đắn, làm tăng hiệu quả tiến công và đó là cơ sở để ta giành thắng lợi chưa từng có trong 18 năm chống Mỹ - giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. 
Thứ tư, gắn kết giữa tiến công quân sự trên chiến trường với đấu tranh trên bàn đàm phán.
Phối hợp giữa các mặt đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao là một đặc điểm lớn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Từ giữa năm 1968, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cục diện "vừa đánh, vừa đàm" đã được mở ra. Kể từ đây, mỗi động thái trên chiến trường đều gắn liền, gắn chặt với cuộc đấu trí trên bàn đàm phán Pari. Cả ta và đối phương đều ý thức rõ, muốn tạo thế mạnh trên bàn đàm phán, phải giành được những thắng lợi quan trọng trên chiến trường. Tác động, ảnh hưởng của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đặc biệt là thắng lợi của ta ở Quảng Trị đã tạo ra tình thế mới cho đấu tranh ngoại giao.
Cuộc tiến công chiến lược và những thắng lợi mà ta giành được trên chiến trường miền Nam đã giáng một đòn mạnh mẽ vào chủ trương "đàm phán trên thế mạnh" của Tổng thống Mỹ Níchxơn. Bởi thế, ngày 6-4-1972, đúng một tuần sau khi cuộc tiến công của ta mở màn, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh cho không quân, hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Níchxơn thể hiện phản ứng quyết liệt trước hành động tiến công của quân ta trên chiến trường bằng một cuộc leo thang chiến tranh "với mức độ đầy đủ nhất": 50 tàu chiến, trong đó có 6 tàu sân bay; hơn 150 máy bay ném bom chiến lược B.52 và hơn 200 máy bay ném bom chiến thuật được huy động cho chiến dịch có mật danh "Lainơbắccơ (Linebacker)". Phản ứng tức thời này đã được Giôdép A. Amtơ mô tả: "Ông ta (chỉ Níchxơn) quyết định làm cho cuộc chiến đấu này trở thành một cuộc thể nghiệm toàn bộ về việc Mỹ có thể đáp ứng, có thể vượt qua mọi khó khăn và làm mọi việc có thể làm được như thế nào để tỏ cho Bắc Việt Nam..., rằng Mỹ sẽ chỉ thương lượng trên thế mạnh"[11].
Tuy nhiên, trên tư thế chủ động, Bộ thống soái tối cao của ta nhận định: Hành động leo thang chiến tranh của Mỹ không chứng tỏ chúng mạnh, mà còn làm rõ thêm chỗ yếu nhưng liều lĩnh của Níchxơn. Và, mặc dù Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, ta vẫn chủ trương duy trì Hội nghị Pari để làm diễn đàn tuyên truyền có lợi cho ta... Việc duy trì diễn đàn Pari không phải ta yếu mà chính là dùng diễn đàn này phối hợp với chiến trường để đấu tranh với Mỹ[12].
Gắn kết chiến trường với diễn đàn Hội nghị Pari, phát huy thắng lợi quân sự - chính trị trên bàn đàm phán, phái đoàn của ta tại Hội nghị Pari đã kiên quyết đấu tranh, giữ vững nguyên tắc.
Một điều chắc chắn rằng, cuộc tiến công chiến lược của ta, với thắng lợi Quảng Trị đã tác động đến quá trình đàm phán tại Hội nghị Pari. Hơn ai hết, Kítxinhgiơ đã nhận rõ sức nặng của đòn tiến công quân sự - chính trị trên chiến trường đối với tư thế của các bên trên bàn đàm phán. Thắng lợi của ta trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 nói chung và ở Quảng Trị nói riêng đã minh chứng cho điều đó.
Chiến công giải phóng Quảng Trị 40 năm trước đã trở thành một sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nó ghi dấu một bước phát triển trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược của dân tộc, đồng thời nó chứng tỏ quyết tâm, nỗ lực cao độ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện mục tiêu "đánh cho Mỹ cút", mở ra thời cơ "đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng trên mảnh đất Quảng Trị, dấu tích của một thời đạn lửa vẫn hiển hiện rõ trên từng vuông đất, trên những cây cầu, dòng sông, bến nước, trên những bức tường của con đường dẫn vào Thành Cổ... về một trang sử hào hùng của dân tộc đã đương đầu và đánh bại đội quân xâm lược hùng mạnh; đồng thời, ký ức về giai đoạn lịch sử đó nhắc chúng ta phải hiểu rõ giá trị của độc lập, tự do, của thống nhất giang sơn, gấm vóc.


[1]. Xem Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), t.II, Nxb. Sự thật, Hà Nội ,1991, tr. 116.
[2]. Xem Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 498-499.
[3], 2. Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, t.II (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 514, 515.
[4]. Xem: Trận đánh ba mươi năm, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 1052-1052.
[5]. Trên chiến trường Trị - Thiên, quân đội Sài Gòn có 2 sư đoàn tăng cường (1, 3), 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ (147, 258), 13 tiểu đoàn pháo binh, 3 thiết đoàn tăng thiết giáp (11, 17, 20)... Trên hướng phòng thủ chủ yếu Quảng Trị, quân đội Sài Gòn bố trí Sư đoàn bộ binh 3; 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ (147, 258), 2 thiết đoàn tăng, thiết giáp (20, 11). Tại đây, điểm mạnh của đối phương là hệ thống phòng ngự kiên cố được hoàn chỉnh qua các giai đoạn chiến tranh; có phương tiện cơ động lực lượng nhanh dễ làm thay đổi so sánh lực lượng; chiếm đóng nhiều điểm cao, khống chế được địa bàn rộng; có hệ thống hỏa lực mạnh của pháo binh, pháo hạm và không quân. Nhưng, đối phương có những chỗ yếu cơ bản là thiếu lực lượng dự bị, bố trí vòng ngoài mạnh nhưng bên trong sơ hở; đặc biệt, từ khi quân Mỹ rút đi, tinh thần chiến đấu của quân đội Sài Gòn bộc lộ sự sa sút rõ rệt.
[6]. Xem Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 280-281.
[7]. Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm: Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng - Tư lệnh; Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị - Chính ủy. Các đồng chí Cao Văn Khánh, Giáp Văn Cương, Doãn Tuế, Hồng Sơn, Anh Đệ, Lương Nhân - Phó Tư lệnh chiến dịch; Lê Tự Đồng, Hoàng Minh Thi - Phó Chính ủy. Đồng chí Hồ Sĩ Thản, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị tham gia Đảng ủy chiến dịch. Thượng tướng Văn Tiến Dũng, ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng được chỉ định thay mặt Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo hướng chiến lược chủ yếu Trị - Thiên.
[8]. Xem Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, t.II, (1954-1975)Sđd, tr. 111.
[9]. Xem Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tổng kết những trận đánh then chốt chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 588-589.
[10]. Xem Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, t.II, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr. 401.
[11]. Giôdép A. Amtơ: Lời phán quyết về Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr. 389.
[12]. Xem Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, Nxb. Công an nhân dân - Công ty Văn hóa Phương Nam thực hiện, Hà Nội, 2002, tr. 430.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét