Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Lộc Ninh - vùng đất “của Chính phủ”

Lộc Ninh - vùng đất “của Chính phủ”


Việc giải phóng Lộc Ninh, Bù Đốp đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường miền Nam. Đặc biệt là từ sau khi Hiệp định Pari được ký kết ngày 27-1-1973, Lộc Ninh trở thành “vùng đất Chính phủ” cùng với miền Đông Nam bộ phát triển thành một vùng giải phóng rộng lớn. Tháng 3-1972, Bộ chỉ huy chiến dịch Nguyễn Huệ về đóng tại Tà Thiết (Lộc Ninh). Đến giữa năm 1972, Tà Thiết được xây dựng thành căn cứ của Bộ chỉ huy tiền phương B2.
Nhà giao tế Lộc Ninh - nơi làm việc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
Giai đoạn 1972-1975 là thời kỳ xây dựng vùng giải phóng Lộc Ninh thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hậu phương trực tiếp của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngay sau chiến thắng ngày 7-4, quân và dân Lộc Ninh đã bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới và bảo vệ vững chắc vùng giải phóng. Dân số Lộc Ninh từ 3.000 người tăng lên 6.000, trong đó có hàng chục ngàn đồng bào Việt kiều Campuchia trở về. Trong năm 1973, chính quyền cách mạng Lộc Ninh, Bù Đốp quyết định khôi phục lại các đồn điền cao su, tiến hành sản xuất phục vụ cho công nghiệp tại chỗ. Tháng 10-1973, do yêu cầu của chiến trường, các đơn vị C31, C32 của Lộc Ninh và C16 của Bù Đốp được hợp nhất để thành lập một tiểu đoàn của tỉnh Bình Phước với nhiệm vụ hoạt động vây ép địch trên quốc lộ 13 và 14A.
Cuối tháng 1-1973, bộ đội công binh Miền đã mở các con đường mới nối thông 3 cụm căn cứ Tà Thiết - nơi đứng chân của Bộ chỉ huy Miền đến cụm Tham mưu, cụm Chính trị, cục Hậu cần Miền ở Lộc Thành, Lộc Tấn, Cầu Trắng, Lộc Quang... Tháng 2-1973, Bộ Chỉ huy Miền chính thức về Tà Thiết. Cuối quý I-1973, tất cả các cơ quan trong Bộ Chỉ huy Miền và các đơn vị trực thuộc đã về hết trên đất Lộc Ninh. Rừng Lộc Ninh trở thành “rừng Chính phủ”. Bộ Chỉ huy Miền không đóng gọn ở Tà Thiết mà trải rộng khắp 2 xã Lộc Thành, Lộc Tấn và nối sang tận Bù Đốp. Tháng 2 và tháng 5-1973, quân ngụy đã hai lần dội bom vào Lộc Ninh. Trận ném bom ngày 12-5-1973 vào chợ Lộc Ninh đã làm hàng trăm đồng bào bị chết (*). Suốt trong mùa khô năm 1972-1973, địch thường xuyên đánh phá gây nhiều khó khăn cho quân và dân ta. Do đó quân và dân ta vừa phải bảo vệ vùng giải phóng, vừa xây dựng trận địa phòng không và lao động sản xuất. Tại căn cứ Tà Thiết, hàng loạt kế hoạch tiến công đánh địch cụ thể đã được vạch ra trong mùa khô năm 1973-1974. Những ngày ấy Lộc Ninh thực sự là một trung tâm quân sự, chính trị sôi động của phong trào cách mạng miền Nam. Với tư cách là Thủ phủ của Chính phủ cách mạng, đồng bào Lộc Ninh có vinh dự thay mặt quân dân cả nước tiếp đón các phái đoàn trong Ủy ban quốc tế và đón nhận những người con ưu tú từ các nhà tù Mỹ - ngụy trở về. Đáng chú ý là ngày 12-2-1973 có 8 chuyến bay vận tải dưới sự giám sát quốc tế chở anh chị em bị Mỹ - ngụy giam cầm trở về tới Lộc Ninh. Cũng trong ngày này Chính phủ Cách mạng lâm thời đã trao trả cho phía Mỹ tại Lộc Ninh 27 sĩ quan, binh lính và nhân viên quân sự. Thị trấn Lộc Ninh trở thành trung tâm ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngay sau khi Hiệp định Pari có hiệu lực.
Cuối năm 1973 và đầu năm 1974, một mạng lưới đường vận tải nối từ Lộc Ninh đến các chiến trường đã được xây dựng dọc biên giới Lộc Ninh. Tháng 8-1974, Thượng Đức được giải phóng, Bộ tư lệnh 559 mở ngay tuyến đường ống dẫn dầu vào chiến trường Nam bộ. Tháng 3-1975, tuyến đường ống dẫn dầu này đã vào đến Lộc Ninh. Trên chiến trường B2 có 5 trạm dầu thì trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 3 trạm với các mật danh VK.94 ở Lộc Tấn, VK.98 ở Lộc Quang và VK.96 ở xã Bù Gia Mập (huyện Phước Long cũ). Trước ngày chiến dịch Hồ Chí Minh “khai hỏa”, sư đoàn vận tải ôtô 571 của bộ đội Trường Sơn đã đưa trên 5 vạn quân của Quân đoàn I vào tập kết tại Lộc Ninh, Đồng Xoài. Sư đoàn vận tải 471 đưa gần 5 vạn quân từ Tây Nguyên đổ xuống Lộc Ninh và 6.000 tấn vũ khí về Đồng Xoài. Cùng với số lượng đông đảo quân giải phóng, tháng 3-1975 thanh niên Lộc Ninh đã hăng hái lên đường tòng quân tham gia quân giải phóng. Dân quân, du kích các làng, sở, phum, sóc vừa tham gia canh gác, dọn đường cho bộ đội vừa tích cực lao động sản xuất... Đồng bào Lộc Ninh đã thực sự được sống trong thời khắc lịch sử mà “một ngày bằng 20 năm”. Ngày 26-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng. Bộ chỉ huy tiền phương của chiến dịch rời Tà Thiết về đóng ở Căm Xe (Bến Cát), Sở chỉ huy vẫn đóng ở Tà Thiết để chỉ huy chung toàn chiến trường. Ngày 30-4-1975 chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng!
 Xem thêm:
>> Lộc Ninh kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng quê hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét