Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, biểu tượng sáng ngời về ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, biểu tượng sáng ngời về ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam 

* TS. TRƯƠNG MINH TUẤN, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 
Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, khi cuộc chiến đã lùi xa 40 năm nhưng Thành Cổ Quảng Trị nói riêng và thị xã Quảng Trị nói chung trở thành đất hành hương cho bao người hội tụ hàng năm về đây để thắp hương, thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn tưởng nhớ hơn một vạn cán bộ, chiến sĩ giải phóng quân đã anh dũng chiến đấu và nằm lại trên mảnh đất này, đỉnh điểm là 81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thành Cổ. 

Sự kiện này được bắt đầu từ giữa trưa ngày 30/3/1972 và sau hơn một tháng tấn công dũng mãnh, quân và dân ta đã giải phóng thị xã Quảng Trị vào chiều ngày 1/5/1972. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên dinh Tỉnh trưởng chính quyền ngụy. Với chiến thắng đó, ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giáng đòn chí tử vào quân đội Sài Gòn (công cụ chủ yếu) và quốc sách “bình định” (xương sống) của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Thắng lợi đó đã tác động to lớn đến cục diện chiến tranh và trên bàn đàm phán ở Paris. Từ đây, bắt đầu 81 ngày đêm bi hùng của quân giải phóng đầy quả cảm với cuộc chiến không cân sức về khí tài đối với kẻ thù ngay trong lòng Thành Cổ. 
Thả hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn
Ảnh: LÊ BÁ DƯƠNG

Để lấy lại tinh thần và gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris, quân ngụy đã dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị với mục tiêu số một là chiếm lại Thành Cổ. Hỗ trợ cho cuộc phản công ở miền Nam, Mỹ dùng lực lượng không quân, hải quân đánh phá trở lại miền Bắc rất ác liệt. Trong các cuộc phản công, mục tiêu tái chiếm thị xã và Thành Cổ Quảng Trị được Mỹ và chính quyền Sài Gòn đề ra hàng đầu và bức thiết nhất, bởi theo chúng, nơi này được xem là “biểu tượng cho sự đứng vững của Việt Nam cộng hòa trước sự xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt”. 

Ngoài ra, việc tái chiếm Thành Cổ Quảng Trị còn nhằm cứu vãn sự sụp đổ của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, xóa bỏ tâm lý thất bại đang lan tràn trong quân đội, từ đó tạo thế mạnh trên bàn đàm phán Paris trong những vòng đàm phán tiếp theo, mà trước hết là phải chiếm cho được Thành Cổ Quảng Trị trước ngày 10/7/1972 để phục vụ cho cuộc hội đàm tại Paris dự định sẽ diễn ra ngày 13/7/1972 sau nhiều lần trì hoãn. 

Trong cuộc hành quân lấy tên “Lam Sơn 72” bắt đầu ngày 28/6/1972, địch đã huy động phản kích bằng máy bay phản lực, bình quân mỗi ngày 150-170 lần (có ngày 220 lần), 70-90 lần B52, 12-16 lần tàu khu trục hạm và tuần dương hạm thuộc Hạm đội 7 - Thái Bình Dương, hai sư đoàn dự bị chiến lược là sư dù và thủy quân lục chiến, 4 trung đoàn thiết giáp, mỗi trung đoàn có 79 xe tăng và xe bọc thép... Đây là cuộc hành quân hết sức đẫm máu và cực kỳ tàn bạo với đủ loại vũ khí hiện đại, từ bom phá, bom napan, bom lân tinh, bom bi, bom 7 tấn, bom điều khiển bằng lade... đến các loại pháo chơm, pháo khoan, chất độc hóa học và hơi ngạt. 

Về phía ta, sau khi giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, đã gặp phải những khó khăn to lớn do tổn thất lực lượng, dự trữ đảm bảo hậu cần... Trước âm mưu và hành động mới của địch, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh chiến dịch khẩn trương điều chỉnh lực lượng, phương án tác chiến sẵn sàng đánh địch, giữ vững vùng giải phóng để phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao. 

Thi hành mệnh lệnh, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã hạ quyết tâm: “Chuyển từ chiến dịch tiến công sang chiến dịch phản công nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giữ vững vùng giải phóng, đánh bại cuộc hành quân của địch và phát triển lúc thời cơ có lợi”. Để chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành Cổ Quảng Trị, ta đã sử dụng lúc cao nhất hơn 10 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo cao xạ và súng máy phòng không, 3 đại đội xe tăng, thiết giáp, đồng thời có sự chi viện, phối hợp chiến đấu của nhiều sư đoàn, trung đoàn trên chiến trường Quảng Trị. 


Trong lửa đạn khốc liệt ấy, mảnh đất Thành Cổ Quảng Trị với chu vi hơn 2.160 m là “túi bom” của kẻ thù. Chúng huy động tối đa lực lượng, phương tiện để chiếm bằng được Thành Cổ vì đây là địa bàn chiến lược, có thể tạo sức nặng mặc cả với ta tại Hội nghị Paris. Không thể thống kê hết số bom đạn dội xuống mảnh đất này. Các nhà khoa học quân sự ước tính trung bình mỗi chiến sĩ quân giải phóng ở đây phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Người ta đã ghi nhận được, đêm 4/7/1972, pháo đài bay B52 Mỹ đã ném 4.000 tấn bom; ngày 31/7/1972, khoảng 2 vạn quả đại bác cỡ lớn từ 105-203mm đã nã xuống khu vực thị xã Quảng Trị; ngày 25/7/1972, địch điên cuồng xả vào Thành Cổ khoảng 5.000 quả đại bác. 

Báo chí phương Tây thời bấy giờ bình luận và so sánh số bom đạn Mỹ ném xuống chiến trường Thành Cổ Quảng Trị tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagaxaki (Nhật Bản) năm 1945. Bốn dãy tường thành Thành Cổ dày đến 12 m vỡ dần vì bom đạn và chấn động mặt đất. Máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào lòng đất Thành Cổ, tính ra mỗi ngày có đến một đại đội quân ta hy sinh. 

Thế nhưng, bom đạn không làm sờn lòng những chiến sĩ quân giải phóng, hầu hết đều rất trẻ, tuổi mới mười chín, đôi mươi, là những tân binh, nhiều người trong số đó là học sinh, sinh viên các trường học ở miền Bắc tăng cường cho chiến trường. Các anh đã anh dũng bám trụ giữ từng tấc đất Thành Cổ. Trong một ngày, các chiến sĩ đã phải đánh địch phản kích từ 5-7 lần, có khi 13 lần. Cuộc chiến đấu ở đây đã diễn ra như một huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra những qui ước thông thường với những tấm gương quả cảm. Nhiều chiến sĩ như Phan Văn Ba bị đạn pháo làm nát một bàn tay vẫn xin ở lại chiến đấu; chiến sĩ Hán Duy Long dùng trung liên kẹp nách truy kích diệt 58 tên địch, 3 lần bị thương vẫn giữ vững trận địa... Ở đây, khi giao chiến, quân giải phóng phải để lựu đạn xì khói trên tay mới ném, phải trèo lên tường cao ném xuống hoặc bò sát miệng hầm của địch mà liệng vào. 

Như vậy, có thể nói, cả ta và địch đều lấy mục tiêu kiểm soát khu vực Thành Cổ Quảng Trị như một nỗ lực to lớn, nơi biểu dương sức mạnh của mỗi bên nhằm phục vụ cho cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao đang đi dần đến một thời điểm quyết định. 

Cuộc chiến đấu anh dũng 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị kết thúc bằng thất bại của một đội quân xâm lược đông trên 5 vạn tên với thừa thãi sức mạnh bom đạn, một lần nữa làm sáng ngời chân lý: Kẻ xâm lược có vũ khí tối tân đến đâu cũng phải khuất phục trước những con người có ý chí quyết chiến, quyết thắng, một lòng một dạ chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. 

Như Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: “ Chúng ta đã chịu đựng được không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự- những con người Việt Nam, với truyền thống 4000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại.” 

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, mảnh đất Thành Cổ Quảng Trị một thời máu lửa nay đã hồi sinh, một màu xanh thắm của hoà bình, niềm hạnh phúc in trên từng khuôn mặt, những nụ cười rạng rỡ của trẻ thơ, một đô thị trẻ sinh động đã mọc lên, một sức sống mới, một sức sống bất tận đã được hồi sinh trên mảnh đất này. Hơn ai hết, thế hệ những người Việt Nam hôm nay luôn khắc sâu khúc ca bi tráng của Thành Cổ Quảng Trị. Và mỗi người Việt Nam đến đây hành hương luôn biết rằng “ngày hôm nay bắt đầu từ ngày hôm qua”, luôn ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì hoà bình, độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Nhân 40 năm sự kiện Thành Cổ Quảng Trị, nhắc nhớ lại một vài con số, sự kiện, hình ảnh như trên, chúng tôi muốn nói rằng, Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, biểu tượng sáng ngời về ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cần được tôn tạo xứng tầm là một di tích đặc biệt của quốc gia, để Thành Cổ trở thành “Nghĩa trang không nấm mồ”, để thị xã Quảng Trị trở thành “thành phố hành hương” hàng năm, mang giá trị giáo dục truyền thống, bồi đắp thêm lòng yêu nước, ý chí kiên cường chống ngoại xâm, bảo vệ từng tấc đất của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ tiếp nối. Đây cũng là địa chỉ để cho những người ở phía bên kia cuộc chiến đến để chiêm nghiệm, cắt nghĩa vì sao họ đã thất bại trên mảnh đất này, từ đó làm sáng ngời thêm tính chính nghĩa, lòng yêu chuộng tự do, hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam, một dân tộc không bao giờ bị khuất phục trước bạo tàn. 

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, nỗ lực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trên bước đường này, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Để vượt qua những khó khăn, thách thức, bài học về ý chí quyết chiến, quyết thắng ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 vẫn còn nguyên giá trị . 

(Trích tham luận tại hội thảo khoa học “40 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành Cổ 1972- 2012”).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét