Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Hồi tưởng của người quyết định nổ súng “mở màn “trận Quảng Trị“


Hồi tưởng của người quyết định nổ súng “mở màn “trận Quảng Trị“


Kỷ luật, mệnh lệnh của cấp trên phải được cấp dưới chấp hành một cách tuyệt đối và được coi như là một yếu tố quyết định sự thắng bại của trận đấu. Nhưng trong một trận đánh, người tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) quyết định nổ súng trước giờ “G” khi chắc rằng, chiến thắng này có lợi cho toàn chiến dịch…
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu (thứ 3 từ trái qua) vạch kế hoạch chiến đấu tại Quảng Trị năm 1972
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu (thứ 3 từ trái qua) vạch kế hoạch chiến đấu tại Quảng Trị năm 1972
Nhiệm vụ khó khăn
Tướng Hiệu tự bạch, tư duy chỉ huy, sự quyết đoán của ông được kiểm nghiệm từ thực tế. Tất cả những quyết định của ông đã được thực tế khốc liệt từ những trận đánh “một mất một còn” chứng minh. Ông đã hơn một lần khẳng định, chiến thắng trong mỗi trận đánh là nhờ tinh thần quả cảm của chiến sỹ và cái đầu sáng suốt của người chỉ huy.
Hồi tưởng về 40 năm trước, ông kể: “Năm 1971, quân ta đã giáng những đòn quyết định đối với địch tại Đường 9 - Nam Lào. Từ đầu năm 1972, chỉ thị của cấp trên và Tư lệnh Mặt trận B5 đã được phát đi, “Đánh mạnh trên khắp chiến trường, tiến tới giải phóng Quảng Trị, xoay đổi cục diện cuộc chiến tranh”. Nhiệm vụ của trung đoàn 27 là giải phóng hoàn toàn khu vực 544 (Phu - lơ)”.
Căn cứ Phu - lơ và Đồi Tròn là “con mắt thần” trên tuyến hàng rào điện tử Mác Namara, là cứ điểm cao nhất nằm phía tây bắc Quảng Trị. Trên cứ điểm này, địch bố trí ba dàn ra- đa kiểm soát mọi chuyển động lớn nhỏ của quân ta. Trận địa pháo cối của địch luôn phát huy lợi thế trên cao để bắn phá các trận địa của ta trên toàn tuyến hành lang. Đây cũng là điểm nối của một con đường cho xe tăng lên căn cứ Phu – lơ từ Cam Lộ qua điểm cao 322 và điểm cao 288.
Tướng Hiệu còn nhớ như in lời dặn của tướng Lê Trọng Tấn- Tư lệnh Mặt trận B5: “Đưa tiểu đoàn 3 của Nguyễn Huy Hiệu vào điểm cao 322 và 288 tạo ra sự bất ngờ rất lớn cho địch. Các anh phải chú ý chỉ đạo mũi luồn sâu chia cắt này, chiến đấu đạt hiệu suất cao”.
Nhận lệnh tấn công Phu – Lơ, ai cũng hồi hộp vì ta và địch đã giành giật nhau cứ điểm này nhiều lần. Đây là lần thứ 3 trung đoàn của ông làm nhiệm vụ đánh chiếm cứ điểm này. Khắp ngọn đồi, khe suối xung quanh căn cứ này, biết bao đồng đội của ông đã ngã xuống.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng các đại biểu  dâng hương tại Nghĩa trang Đường 9 - Quảng Trị
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng các đại biểu dâng hương tại Nghĩa trang Đường 9 - Quảng Trị
Thót tim trước giờ “G”
Ngày 26/3/1972, công tác chuẩn bị cho chiến dịch đã cơ bản hoàn thành. Cho đến lúc các binh đoàn chủ lực của ta sẵn sàng bước vào trận quyết chiến chiến lược thì Mỹ - Ngụy vẫn chưa đoán định được hướng nào là hướng chính của cuộc tiến công chiến lược 1972 của ta.
Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định giờ nổ súng tiến công trên toàn mặt trận vào 11h30 ngày 30/3/1972. Rạng sáng hôm đó thì Tiểu đoàn 3 và 2 đại đội tăng cường bí mật tiếp cận, chiếm lĩnh tuyến hành lang từ cầu Thiện Xuân đến điểm cao 322, sẵn sàng chặn đánh sư đoàn 3 Ngụy.
Đến 7h, 2 máy bay của địch đến quần đảo, bắn đạn khói xuống trận địa làm 2 chiến sỹ bị thương. Lúc ấy từ phía Cam Lộ, xe tăng của địch xuất hiện bắn pháo vào đại đội 3. Có ý kiến cho rằng, trận địa của ta đã bị lộ, đề nghị cho đại liên nổ súng. Nhưng khi trực tiếp đi kiểm tra, Tiểu đoàn trưởng Hiệu nhận định “trận địa chưa bị lộ” và lệnh: “Các đại đội tiếp tục chờ đội hình lớn của địch vào đúng trận địa của ta, có lệnh mới nổ súng”.
Thêm một bất ngờ nằm ngoài phương án: Khoảng 9h, tổ trinh sát thấy có một tốp dân đi vào trận địa, phần lớn là người già, trẻ con. Người chống gậy, người cầm dao, người bế con trên tay, mấy tên lính Ngụy đi sau chốc chốc lại chĩa súng vào lưng hăm dọa. Thì ra bọn Ngụy dùng kế hiểm độc: Đưa dân đi trước làm “lá chắn” đề phòng ta phục kích. “Lúc ấy chiến sỹ ta căm hờn lắm, máu ai cũng sôi lên. Tôi đã ra lệnh, trường hợp bị lộ thì phải nổ súng bảo vệ tính mạng của người dân” - tướng Hiệu kể lại.
Thế nhưng quân địch đã không phát hiện thấy trận địa của ta. Khi đã vượt qua trận địa, tưởng đã an toàn nên bọn địch thả người dân ra. Một nhóm chiến sỹ đã bí mật gặp dân và hướng dẫn họ đi vào vùng an toàn.
Quyết định “bạo gan”
10h30, tức là trước giờ dự kiến nổ súng 1 tiếng- thì Tiểu đoàn 3 Ngụy lọt vào trận địa phục kích. Người Tiểu đoàn trưởng băn khoăn: “Địch hành quân rất chủ quan, bộ đội vẫn giữ được bí mật, bất ngờ. Nếu tiêu diệt địch lúc này thì lính Ngụy ở Phu - Lơ sẽ hoang mang, mất tinh thần, tạo thuận lợi cho Tiểu đoàn 2 của ta nhanh chóng dứt điểm”.
Sau ít giây cân nhắc, Tiểu đoàn trưởng Hiệu báo cáo trung đoàn Trưởng qua điện thoại, xin mặt trận cho nổ súng trước giờ G…
Và loạt mìn định hướng khóa đuôi vang lên là lúc 6 khẩu cối 82 ly bắn dồn dập vào đội hình quân địch…
Cùng lúc ấy, lực lượng trên khu vực 322 và 288 cũng tấn công mạnh. Mệnh lệnh của người chỉ huy Nguyễn Huy Hiệu đưa ra là, đánh nhanh gọn, xóa sổ tiểu đoàn 3 của Ngụy, không để địch kịp điều thêm xe tăng gây khó khăn cho trận địa.
Các mũi tấn công đồng loạt bao vây, chia cắt, chặn đường rút lui của địch. Trong trận đánh nhanh thắng nhanh ấy, tiểu đoàn do ông Hiệu làm chỉ huy đã làm chủ hoàn toàn khu vực phía đông nam căn cứ Phu - Lơ và Đồi Tròn, cắt rời thế liên hoàn của các căn cứ Phu - Lơ, Đồi Tròn, Cam Lộ.
Sau này, Tư lệnh chiến dịch - Tướng Lê Trọng Tấn, Chính ủy Lê Quang Đạo và Phó Tư Lệnh Mặt trận Cao Văn Khánh có hỏi “theo dự kiến thì chiến dịch mở màn lúc 11h30, tại sao tiểu đoàn cậu lại nổ súng trước 1 tiếng?.
Tôi đã trả lời: “Trong chiến đấu có những tình huống không thể lường hết được. Tiểu đoàn của địch đã lọt vào trận địa, không đánh sẽ lỡ cơ hội. Tôi đã quyết định đánh và sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết định của mình”. Khi ấy, tướng Lê Trọng Tấn đã ủng hộ quyết định của tôi…”  -tướng Hiệu nhớ lại.
Chiến thắng của đơn vị tiểu đoàn trưởng Hiệu chỉ huy đã mở màn đợt tấn công quyết liệt trên khắp Mặt trận Quảng Trị. Một tháng với 2 đợt tấn công nổi dậy, quân và dân Quảng Trị đã quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố của Mỹ ngụy. Ngày 1/5/1972, Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng. Cuối tháng 5/1972, Nguyễn Huy Hiệu được bổ nhiệm chức Trung đoàn phó Trung đoàn 27…
Hồng Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét