Đảng giải quyết vấn đề dân tộc, xây dựng khối đoàn kết ba nước Đông Dương trong quá trình đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân
PGS, TS. VŨ QUANG HIỂN*
Việt Nam, Lào và Campuchia là ba quốc gia - dân tộc trên bán đảo Đông Dương, núi liền núi, sông liền sông, chung dòng Mê Kông chở nặng phù sa và đều dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Quá trình xây dựng và phát triển của ba quốc gia có đặc điểm nổi bật: nếu một quốc gia bị xâm lược, thì dù sớm hay muộn hai quốc gia còn lại cũng khó tránh khỏi sự đô hộ của ngoại bang. Bởi vậy, dù tự giác hay không tự giác, nhân dân ba nước phải cùng nhau chống kẻ thù chung, vì độc lập tự do của mỗi dân tộc.
Vấn đề dân tộc đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức và giải quyết đúng đắn với tinh thần độc lập tự chủ và sáng tạo. Đó là cơ sở vững chắc để củng cố và tăng cường khối đoàn kết Đông Dương, khối liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc, tạo ra một nhân tố chiến lược, đảm bảo thắng lợi của cách mạng mỗi nước.
Với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã kề vai, sát cánh, cùng chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân xâm lược, xây dựng nên một liên minh chiến đấu trong sự nghiệp giải phóng của mỗi quốc gia - dân tộc, để lại những kinh nghiệm quý cho hôm nay và mai sau.
Trong bối cảnh Liên bang Xôviết cùng các liên bang ở Tiệp Khắc, Nam Tư tan rã, nhìn lại liên minh chiến đấu và tình đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia trong những chặng đường đấu tranh vì độc lập dân tộc, càng thấy rõ giá trị khoa học và thực tiễn của cách thức giải quyết vấn đề dân tộc ở Đông Dương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
1. Giải quyết vấn đề dân tộc trong phạm vi từng nước ở Đông Dương trong cuộc đấu tranh giành độc lập 1930-1945
Năm 1887, trên cơ sở thôn tính và áp đặt ách thống trị dân tộc, thực dân Pháp lập ra cái gọi là “Liên bang Đông Dương” thuộc Pháp, gồm năm xứ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào và Cao Miên) do một viên Toàn quyền người Pháp đứng đầu, thi hành chính sách chia để trị. Bất chấp chính sách chia rẽ của kẻ thù, nhân dân ba nước cùng đoàn kết chống kẻ thù chung.
Từ năm 1924, xuất phát từ điều kiện các nước thuộc địa, nơi có mâu thuẫn giữa dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa đế quốc xâm lược phát triển ngày càng gay gắt và trở thành mâu thuẫn chủ yếu, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”. Người kiến nghị về Cương lĩnh hành động của Quốc tế Cộng sản: "Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản... Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi... nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế"1.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, Đông Dương bị chủ nghĩa thực dân xâm lược và thống trị, sự nghiệp đấu tranh giải phóng mỗi dân tộc có liên quan mật thiết với nhau và không tách rời nhau, nhưng Người không nhìn nhận Đông Dương như một liên bang, mà thấy rõ ở Đông Dương có ba quốc gia - dân tộc. Người phân biệt hai loại vấn đề: 1- Phát huy sức mạnh mỗi dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, thực hiện đoàn kết mỗi dân tộc; 2- Trên cơ sở tôn trọng quyền dân tộc tự quyết, tôn trọng độc lập tự do của mỗi dân tộc, thực hiện đoàn kết ba dân tộc, giúp đỡ lẫn nhau chống kẻ thù chung.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), tình đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia củng cố và phát triển một cách có tổ chức, nhất là trong Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939), Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (1939-1940).
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11-1939) nêu rõ các dân tộc ở Đông Dương “đoàn kết thống nhất đánh đổ đế quốc Pháp đòi Đông Dương hoàn toàn độc lập và các dân tộc được quyền tự quyết”2. “Sự liên hiệp các dân tộc Đông Dương không nhất thiết bắt buộc các dân tộc phải thành lập một quốc gia duy nhất vì các dân tộc như Việt Nam, Miên, Lào xưa nay vẫn có sự độc lập. Mỗi dân tộc có quyền giải quyết vận mệnh theo ý muốn của mình, song sự tự quyết cũng không nhất định nghĩa là rời hẳn nhau ra”3.
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(5-1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới và Đông Dương, chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước ở Đông Dương, cốt làm sao để thức tỉnh tinh thần dân tộc ở các nước Đông Dương.
(5-1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới và Đông Dương, chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước ở Đông Dương, cốt làm sao để thức tỉnh tinh thần dân tộc ở các nước Đông Dương.
Hội nghị nhấn mạnh rằng, các dân tộc trên bán đảo Đông Dương đều cùng chịu ách thống trị của đế quốc Pháp - Nhật, cho nên phải "tập trung cho được lực lượng cách mạng toàn cõi Đông Dương", làm cho ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đoàn kết, dựa vào nhau, thúc đẩy nhau giành thắng lợi.
Song, nói đến vấn đề dân tộc lúc này là nói đến sự tự do, độc lập của mỗi dân tộc. Vì thế, Đảng phải hết sức tôn trọng và thi hành đúng chính sách "dân tộc tự quyết" đối với các dân tộc ở Đông Dương. Sau khi đánh đuổi Pháp - Nhật thì "các dân tộc trên cõi Đông Dương sẽ tuỳ theo ý muốn, tổ chức thành liên bang cộng hòa dân chủ hay đứng riêng thành lập một quốc gia tùy ý". "Sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng".
Trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, sự đoàn kết ba dân tộc là một yêu cầu khách quan. Hội nghị phân tích: "Những dân tộc sống ở Đông Dương đều chịu dưới ách thống trị của giặc Pháp - Nhật, cho nên muốn đánh đuổi chúng nó không chỉ dân tộc này hay dân tộc kia mà đủ, mà phải có một lực lượng thống nhất của tất thảy các dân tộc Đông Dương họp lại"4. Hội nghị quyết định thành lập ở mỗi nước một mặt trận riêng: Việt Nam độc lập đồng minh, Ai Lao độc lập đồng minh và Cao Miên độc lập đồng minh. Trên cơ sở sự ra đời mặt trận ở mỗi nước, sẽ tiến tới thành lập mặt trận chung của ba nước. Đảng và Việt Minh “phải hết sức giúp đỡ các dân tộc Miên, Lào tổ chức ra Cao Miên độc lập đồng minh, Ai Lao độc lập đồng minh để sau đó lập ra Đông Dương độc lập đồng minh"5.
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã giải quyết vấn đề dân tộc trong phạm vi từng nước ở Đông Dương, thành lập ở mỗi nước một mặt trận riêng, đồng thời tiếp tục tăng cường đoàn kết ba dân tộc. Đó là một chủ trương đúng đắn, nhằm thực hiện quyền dân tộc tự quyết, phát huy sức mạnh mỗi dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh tự giải phóng mình; đập tan những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù về vấn đề dân tộc, về cái gọi là "Liên bang Đông Dương" và "hoạ cộng sản"; đồng thời tạo điều kiện đoàn kết ba dân tộc chống kẻ thù chung. Chủ trương đó đặt cơ sở để xây dựng một chính sách mới, thiết lập một quan hệ mới giữa Việt Nam với hai nước láng giềng cùng chung một kẻ thù xâm lược.
Trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, phát xít Nhật và tay sai ở Đông Dương hoang mang, nhân dân Việt Nam đã đứng lên khởi nghĩa, thành lập Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (2-9-1945). Nhân dân Lào cũng khởi nghĩa thắng lợi và thành lập Chính phủ Lào Ecalạt (Chính phủ Lào Độc lập) (12-10-1945). Ngày 14-10-1945, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gửi điện chúc mừng, công nhận nền độc lập của Lào và thiết lập quan hệ về mặt nhà nước giữa hai quốc gia.
2. Thực hiện bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền, thành lập ở mỗi nước Đông Dương một đảng riêng, tăng cường đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954
Nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào giành được nền độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương. Nhân dân ba nước Đông Dương lại phải tiếp tục đứng lên kháng chiến. Giúp đỡ cách mạng Lào, cũng như cách mạng Campuchia là chính sách nhất quán của Đảng và Hồ Chí Minh, coi giúp bạn là tự giúp mình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau.
Trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc (12-1946) Hồ Chí Minh khẳng định: "Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ lòng mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền"6.
Tháng 11-1946, Chủ tịch Quân uỷ hội Võ Nguyên Giáp gửi chỉ thị cho các cơ sở kháng chiến Việt Nam ở Đông Nam Á nêu rõ chiến tranh có thể nổ ra trong toàn quốc, yêu cầu Việt kiều phối hợp với các lực lượng yêu nước của bạn mở mặt trận Lào, Miên để đế quốc Pháp không có một mảnh đất an toàn nào ở Đông Dương. Ngày 12-12-1946, trong Chỉ thị Toàn dân kháng chiến, Trung ương Đảng chủ trương đoàn kết ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia7.
Xác định nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam đối với các dân tộc Lào và Campuchia, trong tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi, Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ rõ: "phải giúp đỡ các dân tộc Đông Dương về vật chất cũng như về tinh thần để chóng đè bẹp bọn thực dân phản động Pháp, kẻ phá hoại hoà bình và dân chủ trên thế giới"8.
Tháng 7-1947, khi trả lời một nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chính sách đối ngoại là thân thiện với tất cả các láng giềng... Cao Mên, Ai Lao, v.v., mà không thù gì với nước nào”9.
Đầu năm 1948, Trung ương Đảng phân công đồng chí
Võ Nguyên Giáp chỉ đạo công tác giúp cách mạng Lào và theo dõi giúp cách mạng Campuchia. Tháng 3-1948, Bộ Tổng chỉ huy ra Chỉ thị Về phương châm, phương hướng hoạt động trên các mặt trận Lào, Miên, nhấn mạnh công tác cần thiết trước nhất là giúp các lực lượng kháng chiến của hai nước bạn xây dựng cơ sở chính trị; coi trọng việc bảo tồn lực lượng; cử cán bộ chính trị hoặc vũ trang tuyên truyền hoạt động sâu trong vùng địch tạm chiếm; nơi nào có điều kiện thì thành lập căn cứ địa hoặc khu giải phóng10.
Võ Nguyên Giáp chỉ đạo công tác giúp cách mạng Lào và theo dõi giúp cách mạng Campuchia. Tháng 3-1948, Bộ Tổng chỉ huy ra Chỉ thị Về phương châm, phương hướng hoạt động trên các mặt trận Lào, Miên, nhấn mạnh công tác cần thiết trước nhất là giúp các lực lượng kháng chiến của hai nước bạn xây dựng cơ sở chính trị; coi trọng việc bảo tồn lực lượng; cử cán bộ chính trị hoặc vũ trang tuyên truyền hoạt động sâu trong vùng địch tạm chiếm; nơi nào có điều kiện thì thành lập căn cứ địa hoặc khu giải phóng10.
Ngày 15-2-1949, Trung ương Đảng triệu tập hội nghị cán bộ về công tác đoàn kết giúp đỡ phong trào kháng chiến Lào và Campuchia; nghiên cứu xây dựng đường lối, tư tưởng và quan điểm của đoàn kết, liên minh Việt - Miên - Lào. Hội nghị đề ra bốn phương châm:
1- Không đứng trên lợi ích Việt Nam mà làm công tác Lào - Miên.
2- Nắm chắc nguyên tắc dân tộc tự quyết, phải do Lào, Miên tự quyết định lấy.
3- Không đem chủ trương, chính sách, nguyên tắc của Việt Nam ứng dụng vào Lào, Miên như lắp máy.
4- Cần giúp đỡ Lào, Miên để bạn tự làm lấy11.
Một trong những yêu cầu quan trọng để phát triển phong trào cách mạng ở Việt Nam, Lào và Campuchia là phải tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong khi Đảng còn phải hoạt động bí mật và chưa có điều kiện thành lập ở mỗi nước một đảng riêng, Đảng Cộng sản Đông Dương có trách nhiệm lãnh đạo phối hợp cuộc kháng chiến của ba dân tộc.
Bản Báo cáo Tình hình và nhiệm vụ mới của Đảng tại Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ năm (8-1948) nhận định: "cơ sở đảng ở Lào, Miên gần như chưa có gì trong khi phong trào giải phóng Lào, Miên đang lên cao"12. Vì thế "phải tìm tòi thu hút những phần tử hăng hái trong hai dân tộc Miên, Lào... và đào tạo họ thành những cán bộ cốt cán cho công tác vận động Lào, Miên. Gây cho được cơ sở đảng trong dân chúng Miên, Lào. Phải chú trọng nhất các đoàn thể cấp tiến, các phần tử thanh niên trí thức và bộ đội Lào độc lập"13. "Ở Lào và Miên phải đi đến lập ra các ban xứ uỷ, nhưng trong khi cơ sở còn kém, cán bộ thiếu thì lập ra một Ban Cán sự cho mỗi xứ"14.
Những năm 1947-1948, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam lần lượt được cử sang hoạt động ở Lào, cùng với bộ đội Ítxala dưới sự lãnh đạo của Chính phủ kháng chiến Lào.
Giữa tháng 2-1949, Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở Hội nghị cán bộ Lào - Miên, xác định nhiệm vụ cần kíp của cách mạng Lào, Miên trước mắt là xây dựng căn cứ địa, tổ chức quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng chính quyền ở căn cứ địa. Thực hiện chủ trương này, ngày 26-2-1949, Liên khu uỷ Liên khu IV quyết nghị về công tác giúp bạn ở Trung Lào, hướng chính là đường số 9; xây dựng căn cứ địa, đẩy mạnh công tác vũ trang tuyên truyền; thi hành “đại đội độc lập”, giúp bạn phát triển dân quân, lấy bản làm cơ sở, xây dựng bộ đội địa phương, lấy huyện làm cơ sở; đào tạo cán bộ người Lào. Đại hội Đảng bộ Liên khu lần thứ II (7-1949) chủ trương mở rộng mặt trận Đông Lào. Ngày 1-8-1949, Liên khu uỷ quyết định thành lập Ban Cán sự Trung Lào.
Trong bối cảnh cuộc kháng chiến những năm 1946-1950, quan hệ với thế giới bên ngoài gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ có quan hệ Việt Nam - Lào, Việt Nam đã thiết lập được đường liên lạc Việt - Thái (từ Khu IV qua Trung Lào sang Thái Lan), đặt được cơ quan đại diện ở Băng Cốc, liên hệ được với các chính phủ và cơ quan đại diện nước ngoài.
Tháng 2-1951, Đại hội lần thứ II của Đảng quyết định thành lập ở mỗi nước Đông Dương một đảng riêng để đề ra đường lối chính trị phù hợp với tình hình của mỗi nước.
Chính cương Đảng Lao động Việt Nam được Đại hội thông qua, nêu rõ: "Dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với hai dân tộc Miên, Lào và hết sức giúp đỡ hai dân tộc ấy cùng nhau kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng cho tất cả các dân tộc Đông Dương.
Nhân dân Việt Nam đứng trên lập trường lợi ích chung mà hợp tác lâu dài với hai dân tộc Miên, Lào trong kháng chiến và sau kháng chiến..."15.
Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam chủ trương dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ và giúp đỡ hai dân tộc Miên, Lào kháng chiến giành độc lập, cùng Việt Nam hoàn toàn giải phóng Đông Dương”16.
Trong báo cáo Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư Trường Chinh phân tích: “Cách mạng Việt Nam quan hệ mật thiết với cách mạng Miên và cách mạng Lào”. “Từ năm 1930, trong hoàn cảnh Đông Dương thuộc địa, ba dân tộc Việt - Miên - Lào phát triển, ba dân tộc đã lớn lên thành ba quốc gia riêng biệt. Nhiệm vụ cách mạng của ba dân tộc vẫn là chống đế quốc, song cũng có điểm khác nhau”. “Ba dân tộc đang gắn bó với nhau một cách mật thiết đặng chống kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ”. “Đấu tranh trường kỳ, ba dân tộc phải hợp tác trường kỳ. Hợp tác ngày nay để giành độc lập và thống nhất thật sự, hợp tác lâu dài sau kháng chiến để cùng tiến trên con đường dân chủ nhân dân”.
“Muốn làm trọn những nhiệm vụ trên, phải sửa chữa và ngăn ngừa những tư tưởng sai lầm làm hại đến sự đoàn kết của ba dân tộc anh em.
Đánh đổ tư tưởng bản vị của một số cán bộ Việt Nam định dùng cách mạng Miên và Lào để phụng sự cách mạng Việt Nam hoặc chỉ lo cho cách mạng Việt Nam mà không chú trọng giúp đỡ cách mạng Miên và Lào. Làm cho một số người Miên và người Lào ỷ lại vào sự giúp đỡ của Việt Nam hoặc ngờ vực sự thành thật giúp đỡ của dân tộc Việt Nam.
Chống lại thành kiến dân tộc hẹp hòi, chống lại mưu mô chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, vượt lên trên mọi khó khăn trở ngại, ba dân tộc Việt - Miên - Lào nhất định sẽ toàn thắng trong cuộc kháng chiến này"17.
Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng phân tích: “Vì mối quan hệ khăng khít về địa lý, quân sự, chính trị, v.v. mà ta với Miên, Lào cũng như môi với răng. Hai dân tộc Miên, Lào hoàn toàn giải phóng, thì cuộc giải phóng của ta mới chắc chắn, hoàn toàn. Cho nên nhiệm vụ của ta là phải ra sức giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào một cách tích cực thiết thực hơn"18.
Ngày 11-3-1951, Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương họp tại Việt Bắc, gồm đại biểu các Mặt trận Liên Việt, Ítxala và Ítxarắc, tuyên bố thành lập khối liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau, nhằm mục tiêu đánh đuổi bọn xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ, làm cho mỗi nước hoàn toàn độc lập. Thành công của Hội nghị đã góp phần tăng cường khối đoàn kết Đông Dương, khối liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.
Sự giúp đỡ lẫn nhau và sự phối hợp chiến đấu giữa ba dân tộc chống kẻ thù chung được nâng lên tầm cao mới. Tháng 9-1952, Hội nghị liên minh ba nước Đông Dương họp bàn triển khai chương trình hành động cụ thể của Mặt trận. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:nhân dân Việt Nam hết lòng thành thật giúp đỡ nhân dân Lào, nhân dân Campuchia một cách vô điều kiện.
Đầu tháng 4-1953, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Ítxala quyết định mở chiến dịch Thượng Lào. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn bộ đội Việt Nam: “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”19, phải nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, phong tục tập quán, kính yêu nhân dân nước bạn.
Trong Đông Xuân 1953-1954, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng Lào liên tiếp tiến công địch ở nhiều nơi, góp phần làm thất bại kế hoạch quân sự Nava.
Trước khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ sáu (7-1954). Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: “Lào và Cao Miên là hai nước láng giềng anh em của ta. Chính sách của ta đối với nhân dân Lào và Cao Miên là đoàn kết và giúp đỡ”20. Ta cần “đoàn kết với nhân dân Lào, Khơme, đấu tranh đòi lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của ba dân tộc”21.
Hiệp định Giơnevơ cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Đó cũng là thắng lợi của tình đoàn kết và liên minh chiến đấu Việt - Lào theo nguyên tắc giữ vững quyền dân tộc tự quyết, bình đẳng, tương trợ, hợp tác, tôn trọng độc lập, chủ quyền, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhau trong quá trình đấu tranh vì độc lập dân tộc của mỗi nước. Những thắng lợi của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam là kết quả của việc thực hiện chính sách đoàn kết và giúp đỡ của Đảng đối với cách mạng Lào và Campuchia, với tinh thần giúp bạn là tự giúp mình.
Cuộc kháng chiến của ba dân tộc đã buộc chủ nghĩa đế quốc phải ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào và Campuchia là: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, tình hình mỗi nước sau Hiệp định Giơnevơ có những thay đổi khác nhau. Do tương quan lực lượng thực tế trên chiến trường và quan hệ quốc tế phức tạp lúc bấy giờ, mặc dù tại Hội nghị, phái đoàn Việt Nam kiên quyết đấu tranh vì quyền lợi chung của cả ba dân tộc, nhưng thành quả cách mạng mỗi nước giành được còn hạn chế. Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Bắc, có điều kiện thiết lập quan hệ với các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới. Lực lượng kháng chiến Lào có một vùng tập kết gồm hai tỉnh Sầm Nưa và Phongxalỳ. Trong khi các lực lượng cách mạng Việt Nam và Lào được thừa nhận như những thực thể chính trị tồn tại độc lập, thì lực lượng kháng chiến Campuchia không được thừa nhận và phải phục viên tại chỗ, làm cho quan hệ giữa Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia có những bất đồng.
3. Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của hai nước bạn, lấy đại cục làm trọng, củng cố và tăng cường đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, chống đế quốc Mỹ xâm lược 1954-1975
Thực hiện chiến lược “lấp chỗ trống”, Mỹ nhảy vào thay chân Pháp ở Đông Dương. Trước đây các chính phủ vương quốc Lào và Campuchia ít nhiều đều dựa vào Pháp để bảo vệ sự tồn tại và an ninh của mình, nay Pháp rút đi, hai chính quyền này đứng trước sự thôn tính của đế quốc Mỹ. Mỹ nhiều lần kêu gọi Lào và Campuchia gia nhập cái gọi là "Khối phòng thủ Đông Nam Á" và "Khối phòng ngự sông Cửu Long" nhằm cô lập và xâm lược Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết ba dân tộc.
Nhân dân ba nước Đông Dương đứng trước một kẻ thù mới: Mỹ, đế quốc có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất thế giới, có chiến lược toàn cầu phản cách mạng. Mỹ coi Đông Dương là một chiến trường, “một đơn vị chiến lược”; áp dụng nhiều chiến lược chiến tranh khác nhau vào những giai đoạn thích hợp; trực tiếp đổ quân vào Việt Nam, can thiệp quân sự vào Lào và Campuchia; lợi dụng những điểm khác biệt về dân tộc, tôn giáo, những quan hệ lịch sử cũ để chia rẽ, cô lập từng nước; dùng lãnh thổ nước này làm bàn đạp để uy hiếp và xâm lược nước khác. Một lần nữa, nhân dân ba nước Việt - Lào - Campuchia chung một kẻ thù xâm lược.
Xuất phát từ tương quan lực lượng và hoàn cảnh lịch sử mới, Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà chủ trương thừa nhận Chính phủ Vương quốc Lào và Chính phủ Vương quốc Campuchia, đoàn kết nhân dân ba nước chống chủ nghĩa thực dân mới.
Trong những năm đầu sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, trên cơ sở nhận thức rõ tình hình thực tế ở Lào và Campuchia, thấy rõ vai trò của hai quốc gia trong việc bảo vệ nền an ninh ở Đông Dương nói riêng và Đông Nam Á nói chung, lấy lợi ích của nhân dân ba nước làm trọng, ngày 1-1-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: Việt Nam dân chủ cộng hoà sẵn sàng lập quan hệ hữu hảo với Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia. Đây là một tín hiệu quan trọng, đặt cơ sở cho việc xây dựng tình đoàn kết và sự liên minh phù hợp với điều kiện lịch sử mới.
Việt Nam công khai ủng hộ chính sách hoà bình, trung lập, hoà hợp dân tộc của Chính phủ Lào do Thủ tướng Phuma đứng đầu, giúp Pathét Lào xây dựng lực lượng để đối trọng với phái cực hữu, tạo cơ sở để nhân dân Lào chống lại sự can thiệp ngày càng sâu của đế quốc Mỹ.
Đáp lại chính sách ngoại giao thân thiện của Việt Nam, tháng 8-1958, Thủ tướng Phuma sang thăm Việt Nam, khẳng định mối quan hệ Việt - Lào trong thời kỳ chống xâm lược Mỹ.
Việt Nam cử cán bộ giúp đỡ Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia chuyển phương thức hoạt động và phát triển lực lượng, tiếp nhận cán bộ sang Việt Nam học tập, phối hợp với bộ phận chỉ đạo của đảng bạn trên đất Việt Nam. Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia cử đại diện thường trực bên cạnh Trung ương Cục miền Nam. Mặc dù vậy, Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia chưa có sự nhất trí với đường lối chiến lược của Đảng Lao động Việt Nam, nên sự phối hợp giữa hai đảng chưa đạt kết quả mong muốn. Xuất phát từ lợi ích của hai dân tộc, Chính phủ Việt Nam ủng hộ chính sách hoà bình, trung lập và nền độc lập của Vương quốc Campuchia trên cơ sở Hiệp định Giơnevơ và 10 nguyên tắc Băngđung về cùng tồn tại hoà bình; ủng hộ Chính phủ Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô và Trung Quốc.
Ngày 28-1-1959, Quốc vương Campuchia - Nôrôđôm Xihanúc tuyên bố: "là bạn của nhân dân Việt Nam, tôi mong rằng việc thống nhất Việt Nam sẽ được thực hiện theo tinh thần Hiệp định Giơnevơ bằng tổng tuyển cử tự do, dưới sự kiểm soát của Uỷ ban quốc tế"22. Trong bối cảnh Campuchia đã rút khỏi khối Liên hiệp Pháp và bắt đầu nhận viện trợ của Mỹ, diễn biến ở miền Nam Việt Nam và Lào đang hết sức phức tạp thì tuyên bố trên của Quốc vương Xihanúc có ý nghĩa rất tích cực, thúc đẩy sự hình thành một liên minh mới giữa ba nước Đông Dương.
Trong giai đoạn 1961-1965, Mỹ thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" ở Việt Nam, đồng thời can thiệp và phá hoại sự ổn định của Vương quốc Lào, cùng với phái cực hữu phá hoại Hiệp định Giơnevơ về vấn đề Đông Dương, tấn công vùng giải phóng của Pathét Lào, làm đảo chính lật đổ chính quyền hợp pháp của nhân dân Lào. Mặt khác, Mỹ cũng muốn thông qua viện trợ để can thiệp vào Campuchia. Vấn đề đoàn kết Đông Dương, củng cố khối liên minh chiến đấu ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lại càng trở nên cần thiết.
Trước việc Mỹ tăng cường chiến tranh ở Lào, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố ủng hộ nền độc lập, trung lập, hoà hợp dân tộc của Vương quốc Lào. Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng Pathét Lào mở các chiến dịch quân sự: Cánh đồng Chum (1961), Nậm Thà (1962), Đường 8, Đường 12 (1963)... đập tan âm mưu can thiệp quân sự của Mỹ. Mặt khác, Việt Nam hết sức ủng hộ và thúc đẩy việc triệu tập Hội nghị Giơnevơ về Lào (1962); yêu cầu các nước hữu quan tôn trọng nền độc lập, hoà bình, trung lập, thành lập chính phủ hoà hợp dân tộc của Lào. Đáp lại sự ủng hộ của Việt Nam, tháng 3-1963, vua Lào Xri Xavang Vátthana sang thăm Việt Nam và được nhân dân Việt Nam đón tiếp nồng hậu. Sự kiện này đánh dấu sự phát triển của mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt - Lào trong thời kỳ chống Mỹ.
Với Campuchia, Việt Nam vẫn kiên trì ủng hộ đường lối hoà bình, trung lập, không liên kết, chống can thiệp bên ngoài, xâm phạm chủ quyền quốc gia của Vương quốc Campuchia.
Năm 1963, khi Mỹ và chế độ Sài Gòn bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam, có nhiều hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Campuchia, Chính phủ Xihanúc quyết định cắt đứt quan hệ với chính quyền Sài Gòn (8-1963). Tháng 4-1964, Chính phủ Vương quốc Campuchia đưa ra yêu cầu triệu tập một hội nghị quốc tế để công nhận nền độc lập, hoà bình, trung lập của mình trên cơ sở đường biên giới hiện tại. Việt Nam dân chủ cộng hoà là quốc gia đầu tiên ủng hộ đề nghị này. Tháng 5-1965, Chính phủ Xihanúc chấm dứt quan hệ mọi mặt với Mỹ. Từ đó, mối quan hệ liên minh chống Mỹ giữa Campuchia với Việt Nam, Lào và các nước xã hội chủ nghĩa khác có điều kiện phát triển. Chính phủ Vương quốc Campuchia đã đoàn kết và giúp đỡ Việt Nam, cho Việt Nam mượn đường quá cảnh chi viện cho chiến trường miền Nam, làm thất bại âm mưu cô lập cách mạng miền Nam của đế quốc Mỹ.
Từ năm 1965, Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, tiến hành “Chiến tranh đặc biệt” ở Lào, đồng thời xâm phạm biên giới và uy hiếp nền độc lập, trung lập của Campuchia. Đây là một thử thách nghiêm trọng đối với nhân dân ba nước.
Tháng 3-1965, Hội nghị nhân dân Đông Dương được triệu tập tại Phnôm Pênh theo sáng kiến của Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Nôrôđôm Xihanúc. Quốc trưởng đã kịch liệt lên án những hành động khiêu khích mới và hết sức nghiêm trọng của đế quốc Mỹ đối với nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đoàn kết hơn nữa giữa các nước Đông Dương trước hành động mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ. Quan điểm đó được Hội nghị tán thành. Thành công của Hội nghị phản ánh nguyện vọng và quyết tâm đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước, “đánh dấu một bước tiến lớn trong sự nghiệp đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam, Campuchia và Lào, chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược”23.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Hội nghị, khẳng định nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà triệt để ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân và Chính phủ Campuchia để bảo vệ chủ quyền, độc lập, trung lập và toàn vẹn lãnh thổ Vương quốc Campuchia. Người nhấn mạnh: Sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào đoàn kết chặt chẽ nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào được đẩy mạnh, vượt qua được trở ngại do phái cực hữu ở Lào gây ra. Quân và dân Việt - Lào phối hợp chiến đấu ngày càng chặt chẽ và giành nhiều thắng lợi. Nhưng quan hệ giữa Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia với Đảng Lao động Việt Nam có diễn biến phức tạp. Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia rút đại diện bên cạnh Trung ương Cục miền Nam về nước (1966) và chủ trương làm cách mạng vô sản, đánh đổ Chính phủ Vương quốc Campuchia (1967). Mặc dù có nhiều trở ngại, nhưng lấy đại cục làm trọng, Việt Nam vẫn kiên trì thuyết phục đảng bạn hướng vào sự nghiệp cao cả của nhân dân hai nước: tập trung vào cuộc đấu tranh vì độc lập của mỗi quốc gia - dân tộc.
Ngày 8-6-1967, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia theo đường biên giới hiện tại. Đáp lại, ngày 15-6-1967, Chính phủ Campuchia công nhận Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam là đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam.
Từ năm 1969, cùng với việc thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, Mỹ đã tiến hành “Chiến tranh đặc biệt” tăng cường ở Lào, sử dụng lực lượng Lonnon tiến hành đảo chính quân sự, lật đổ Chính phủ Xihanúc ở Campuchia (3-1970), chính thức đưa Campuchia vào quỹ đạo chiến tranh thực dân mới của Mỹ ở Đông Dương. Nhằm cắt đứt đường chi viện từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam, bằng thủ đoạn dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương, Mỹ sử dụng quân đội Sài Gòn tiến công xâm lược Campuchia và Lào. Đông Dương thực sự trở thành một chiến trường. Liên minh chiến đấu, hỗ trợ lẫn nhau trở thành yêu cầu cấp thiết của cả ba dân tộc.
Ngày 24 và 25-4-1970, Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương họp tại Hà Nội. Bản Tuyên bố chung của Hội nghị là một cương lĩnh đấu tranh, một hiến chương về tình đoàn kết chiến đấu và liên minh giữa ba dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược vì độc lập, tự do của mỗi dân tộc Đông Dương. Bản Tuyên bố chung vạch rõ: "Các bên Campuchia, Lào, Việt Nam khẳng định mục tiêu chiến đấu của mình là độc lập, hoà bình, trung lập, không cho phép nước ngoài có quân đội hay căn cứ quân sự trên đất nước mình, không tham gia liên minh quân sự, không cho phép nước ngoài dùng lãnh thổ mình để đi xâm lược nước khác. Về quan hệ ba nước, việc giải phóng và bảo vệ đất nước là sự nghiệp của nhân dân mỗi nước, các bên cam kết hết lòng ủng hộ lẫn nhau; các bên tuyên bố quyết tâm bảo vệ và phát triển tình hữu nghị anh em và quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa ba nước, trước mắt ủng hộ lẫn nhau chống kẻ thù chung và sau này hợp tác lâu dài trong việc xây dựng đất nước theo con đường riêng của mỗi nước"24.
Thành công của Hội nghị gây tiếng vang trên thế giới, đánh dấu bước phát triển về chất của liên minh chiến đấu Việt - Lào - Campuchia.
Cùng với việc tăng cường Quân tình nguyện giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Lào, phối hợp chặt chẽ với Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Việt Nam ra sức giúp đỡ Campuchia. Lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam chủ động hội đàm với lãnh đạo Đảng Cộng sản Campuchia nhằm khắc phục những nhận thức chưa đúng của bạn, đi đến thống nhất hành động. Đảng Cộng sản Campuchia cử cơ quan đại diện bên cạnh Trung ương Cục miền Nam và đại diện bên cạnh Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Hà Nội. Cùng với việc tăng cường Quân tình nguyện giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Lào, phối hợp chặt chẽ với Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Việt Nam ra sức giúp đỡ Campuchia phát triển lực lượng vũ trang và chủ động phối hợp chiến đấu.
Quân và dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã đoàn kết chặt chẽ và anh dũng chiến đấu, giành được nhiều thắng lợi to lớn. Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Quân giải phóng Lào nhiều lần giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (1969, 1970, 1972), đập tan cuộc hành quân Lam Sơn - 719 của Mỹ và quân đội Sài Gòn ra vùng Đường 9 - Nam Lào (1971)... Trong năm 1970, liên quân Việt Nam - Campuchia đẩy mạnh các hoạt động quân sự, làm tan rã hàng vạn quân của chính quyền Lonon, mở rộng vùng căn cứ cách mạng của Campuchia từ phía bắc tỉnh Ratanakiri đến phía nam tỉnh Kampốt, đập tan cuộc tiến công của 10 vạn quân địch sang Campuchia (4-1970), rồi tiếp tục làm thất bại các cuộc hành quân Chenla 1 (6-1970), Toàn thắng, Chenla 2 (1971)...
Sau khi Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27-1-1973), Việt Nam đã chủ động phối hợp với Lào đấu tranh, buộc Mỹ và chính quyền tay sai phải ký Hiệp định Viêng Chăn, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào, lập lại hòa bình và thực hiện hoà hợp dân tộc ở Lào (21-2-1973); đồng thời tiếp tục giúp đỡ Campuchia đấu tranh vũ trang. Quân dân Campuchia phối hợp với chiến trường miền Nam Việt Nam, mở cuộc tổng công kích, hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ, giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh (17-4-1975).
Quân và dân Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình của nhân dân Lào và Campuchia trong công tác đảm bảo giao thông vận tải, chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thắng lợi đó cổ vũ mạnh mẽ và tạo điều kiện cho quân và dân Lào liên tiếp nổi dậy, giành chính quyền trong cả nước và thành lập nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào (2-12-1975).
Đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại, là sản phẩm của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết giữa ba dân tộc trong cuộc chiến đấu trên một chiến trường. Đó không chỉ là tuyến chi viện chiến lược quan trọng nhất từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam Việt Nam, mà còn là một căn cứ kháng chiến với một hệ thống kho tàng và hệ thống đường huyết mạch nối liền các chiến trường ở cả ba nước Đông Dương.
4. Khối đoàn kết Đông Dương là một trong những nhân tố chiến lược đảm bảo thắng lợi của mỗi dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do
Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Lao động Việt Nam (12-1976) đánh giá: "Thắng lợi của chúng ta cũng là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu không gì lay chuyển nổi của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, của mối quan hệ đặc biệt đã có từ lâu trong lịch sử và được thử thách trong ngọn lửa cách mạng chống kẻ thù chung của ba dân tộc"25.
Trong quá trình xây dựng và củng cố liên minh chiến đấu đó, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn làm hết sức mình với tình cảm trong sáng, thuỷ chung, tôn trọng quyền bình đẳng giữa các quốc gia - dân tộc, tạo ra niềm tin và sự đoàn kết, gắn bó, chống lại có hiệu quả mọi sự chia rẽ của kẻ thù. Việt Nam luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của hai nước bạn, lấy đại cục làm trọng, xuất phát từ lợi ích của cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng xuất phát từ lợi ích chung của nhân dân ba nước.
Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đánh giá: "Trong suốt quá trình giúp đỡ, với tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền của Lào một cách nghiêm túc, với sự hiểu biết, cảm thông sâu sắc và sự gắn bó với cách mạng Lào, các đồng chí Việt Nam đã luôn suy nghĩ tìm tòi phương pháp tốt nhất, có hiệu lực nhất để giúp đỡ cách mạng Lào... Các đồng chí chiến sĩ quốc tế đặc biệt Việt Nam chấp hành chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chủ tịch đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, yêu nhân dân Lào như bố mẹ, anh em ruột thịt của mình, đã đồng cam, cộng khổ, "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" kề vai sát cánh chiến đấu sống chết bên nhau với quân đội và nhân dân chúng tôi trong từng chiến hào, trên khắp chiến trường trong cả nước với tinh thần anh dũng tuyệt vời.
Có thể khẳng định rằng trong mọi sự thành công của cách mạng Lào, đều có sự đóng góp trực tiếp của cách mạng Việt Nam. Trên mỗi chiến trường của Tổ quốc thân yêu của chúng tôi đều có xương máu của các chiến sĩ quốc tế Việt Nam hoà lẫn với xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi.
Trong lịch sử cách mạng thế giới cũng có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài và toàn diện như vậy”, “các đồng chí Việt Nam luôn “nhận khó khăn về mình, giành thuận lợi cho chúng tôi””26.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia Hêng Xomrin nói: "Đối với toàn Đảng, toàn dân chúng tôi, hai chữ "Việt Nam" rất thiêng liêng..., Việt Nam đồng nghĩa với chủ nghĩa quốc tế vô sản... là đoàn kết gắn bó". "Trong sự nghiệp đấu tranh chung, nhân dân Việt Nam vẫn luôn luôn nhận phần khó khăn nhất về mình". "Toàn Đảng, toàn dân Campuchia nguyện giữ mối tình đoàn kết, hữu nghị gắn bó và hợp tác toàn diện với nhân dân Việt Nam anh em như gìn giữ con ngươi của mắt mình"27.
Mọi thắng lợi trên chiến trường Đông Dương đều là thắng lợi chung của cả ba dân tộc. Trong điện mừng ngày miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Quốc trưởng Chính phủ Vương quốc đoàn kết Campuchia Nôrôđôm Xihanúc viết: “Thắng lợi này của Việt Nam cũng là thắng lợi của tất cả các dân tộc ở Đông Dương chúng ta và của toàn thể các dân tộc trong thế giới thứ ba. Loài người nói chung và nước Campuchia nói riêng sẽ không bao giờ quên sự đóng góp vô giá, và không gì so sánh nổi của các bạn vào thắng lợi đó”28.
Trong liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia nổi lên đặc điểm: Việt Nam là chiến trường chính. Miền Nam Việt Nam là chiến trường trọng điểm, miền Bắc Việt Nam vừa là chiến trường chống chiến tranh phá hoại, vừa là hậu phương của các chiến trường trên cả ba nước. Việt Nam bị Mỹ tập trung đánh phá ác liệt nhất, phải gánh vác trách nhiệm nặng nề nhất. So với Lào và Campuchia, Việt Nam là nước lớn hơn, có quân đội đông hơn, lại thường xuyên có mặt trên chiến trường hai nước bạn, còn quân đội Lào và Campuchia không tham gia chiến đấu trên chiến trường Việt Nam. Đó là điều dễ bị kẻ thù tuyên truyền xuyên tạc, dễ làm nảy sinh trong nội bộ của liên minh những tư tưởng phức tạp.
Gắn lợi ích quốc gia với lợi ích chung của ba nước Đông Dương, Việt Nam luôn coi sự ủng hộ, giúp đỡ, phối hợp với cuộc đấu tranh của nhân dân Lào, cũng như nhân dân Campuchia là một nghĩa vụ của chính mình, là sự giúp đỡ lẫn nhau.
Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia là một liên minh tự nguyện, bình đẳng, nhằm mục tiêu chính nghĩa, trong sáng là cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, vì độc lập tự do của mỗi quốc gia - dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Quá trình xây dựng và củng cố liên minh là một quá trình đấu tranh để giữ vững mục tiêu, đấu tranh để thống nhất, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau.
Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng: “phát triển và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương, đoàn kết và tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước, hợp tác toàn diện, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quy luật sống còn và phát triển của cả ba dân tộc anh em”. “Trước sau như một Việt Nam trung thành với nghĩa vụ quốc tế của mình đối với cách mạng Lào và cách mạng Campuchia”29.
-----------------
* Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.467.
2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.6, tr.532, 541-542.
4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7, tr. 114, 122.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.470.
7. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.8, tr.151.
8. Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam,
Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, t.1, tr.249.
Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, t.1, tr.249.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.169.
10. Xem: Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.346.
11. Xem: Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.389.
12, 13, 14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.9, tr.277, 287, 293.
15, 16. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, tr.441, 476.
17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, tr. 149.
18. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.13, tr.152.
19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.64.
20, 21. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.15, tr.210, 212.
22. Xem Nguyễn Phúc Luân: Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập tự do, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.173.
23. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.412.
24. Lưu Văn Lợi: 50 năm ngoại giao Việt Nam 1945-1995, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.253-254.
25. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.37, tr.475.
26. Cayxỏn Phômvihản: Xây dựng một nước Lào hoà bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978, tr.91-184.
27. Mãi mãi đứng bên cạnh nhân dân Việt Nam anh hùng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.31-32.
28. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.256.
29. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Sđd, tr.106.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét