Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Chiến dịch giải phóng Quảng Trị và Thành cổ qua đánh giá từ phía bên kia

Chiến dịch giải phóng Quảng Trị và Thành cổ qua đánh giá từ phía bên kia


Kỳ 1:
QĐND - Sau thất bại ở Đường 9-Nam Lào năm 1971, quân chủ lực ngụy gần như suy sụp, tình hình diễn biến ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Theo dõi sát mọi chuyển động trên chiến trường, trong nước, trong khu vực và trên thế giới có liên quan tới cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, Đảng ta nhạy bén phát hiện được thời cơ và nắm lấy thời cơ đó phát động cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam nhằm vào ba hướng chính: Trị Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Trong đó, chiến trường Trị Thiên có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống phòng ngự chiến lược ở miền Trung và Tây Nguyên của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu (bên phải cùng) và các viên tướng quân đội ViệtNam cộng hòa thị sát chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu

Bởi vị trí đặc biệt quan trọng này, các cơ quan tình báo Mỹ và chính quyền Sài Gòn tập trung nghiên cứu nhằm phán đoán hướng tiến công chiến lược trong năm 1972 của ta. Đồng thời, họ cũng mở một chiến dịch chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu, triển khai lực lượng và đặt trong tình trạng báo động cao. Bộ Chỉ huy Vùng 1 chiến thuật ráo riết tăng cường lực lượng đẩy mạnh các cuộc “hành quân tảo thanh Việt cộng” trong địa phận đảm nhiệm, tung biệt kích, thám báo nhằm thăm dò, phát hiện lực lượng, sự chuẩn bị của ta và cho rằng: “Năm 1972 là năm bầu cử tổng thống tại Mỹ, các nhà lãnh đạo Cộng sản không thể nào quên được ảnh hưởng cuộc tấn công Tết Mậu Thân của họ đối với tình hình chính trị ở Mỹ hồi năm 1968. Họ coi mùa xuân và mùa hè năm 1972 là đặc biệt thuận lợi”. Rồi họ nhận định: “Bộ Chính trị Bắc Việt đi đến kết luận đó vào đầu năm 1971. Sau quyết định đó, Hà Nội đã nhận được pháo, xe tăng và các khí tài nặng khác để có thể mở một cuộc tấn công lớn theo kiểu chiến tranh thông thường. Đây là kiểu tấn công mà các nhà lập kế hoạch của Mỹ đã chuẩn bị đối phó từ những năm trước nhưng chưa bao giờ xảy ra”[1].
Bên cạnh đó, nhiều cuộc họp giữa các nhà nghiên cứu quân sự sừng sỏ tại Lầu Năm Góc luôn theo dõi chặt chẽ và phán đoán: “Các đơn vị Cộng sản ở dọc biên giới phía Tây vẫn đóng tại bàn đạp xuất phát mà không nhích lên phía trước có nghĩa là họ không thể ngày một ngày hai mở cuộc tấn công”[2].
Mặc dù phán đoán như vậy, nhưng nhiều tướng lĩnh Mỹ đã có những biểu hiện rất lo lắng thể hiện trong các báo cáo rằng: “Các cuộc chuẩn bị tại Bắc Việt Nam dồn dập ở một quy mô chưa từng thấy. Suốt năm 1971, họ tuyển quân liên tục. Con số đích xác không được biết nhưng đủ để bổ sung cho 12 sư đoàn tác chiến được chuẩn bị để mở cuộc tấn công. Những vũ khí mới được viện trợ khiến quân Bắc Việt Nam hơn quân Nam Việt Nam về kỹ thuật. Pháo 130mm khiến cho các đơn vị Bắc Việt Nam có khả năng bắn xa hơn hẳn quân đội Sài Gòn. Xe tăng T.54 có thể đủ đối phó với xe tăng M48 của Mỹ do quân Sài Gòn sử dụng. Xét đến tổng số các khí tài hạng nặng đang có trong tay thì quân Bắc Việt Nam đang chiếm một ưu thế đáng sợ”[3].
Đối với Tổng thống Ních-xơn, suốt trong 3 tháng đầu năm 1972 lại lấy làm hài lòng và cho rằng: “Hà Nội không đủ khả năng tung ra một cuộc tiến công mùa Xuân” và kết quả cuộc đàm phán Pa-ri đã ở trong tầm tay có lợi cho Mỹ lẫn Sài Gòn”. Còn Nguyễn Văn Thiệu lại muốn chứng tỏ cho người Mỹ thấy rằng, quân đội Việt Nam cộng hòa đã trưởng thành, có đủ khả năng chiến đấu trong năm 1972. Quả thật, nếu so sánh lực lượng bố trí trên chiến trường lúc bấy giờ của hai bên tham chiến thì các nhà quân sự Mỹ và Sài Gòn có đủ lý do để lạc quan.
Về bộ binh, phía ta có 11 sư đoàn và 23 trung đoàn; phía địch có 13 sư đoàn và 11 trung đoàn, lữ đoàn. Về pháo binh ta có 5 trung đoàn và 7 tiểu đoàn; địch có 65 tiểu đoàn và 85 trung đội. Về tăng, thiết giáp, ta có 4 tiểu đoàn; địch có 22 tiểu đoàn và 21 trung đội (2.090 xe tăng, 1.618 xe thiết giáp). Ngoài ra, địch còn có 1.692 máy bay chiến đấu các loại, 1.611 hạm tàu. Các lực lượng của địch được bố trí thành các cụm phòng ngự liên hoàn, có công sự kiên cố che chắn. Ở thời điểm đầu năm 1972, trên bình diện chiến lược, ta không thể nào có lực lượng theo tỷ lệ trên.
Vậy, làm thế nào và bằng cách gì mà Hà Nội lại mở được cuộc tiến công lớn trong khi chiến lược của Mỹ “Việt Nam hóa chiến tranh” đang hình thành? Đó là câu hỏi được đặt ra mà sau này các tài liệu của cơ quan quân sự Mỹ đã nhiều lần bỏ công sức, tiền bạc để nghiên cứu và tuyên bố: “Trừ vũ khí nguyên tử chiến thuật, Mỹ sẽ không hạn chế việc sử dụng không lực Hoa Kỳ trên toàn Đông Dương[4]”. Đối với việc ta mở đợt tiến công hướng chính là Trị Thiên vào thời gian đúng như dự kiến là ngày 30-3-1972, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phải thốt lên rằng: “Lực lượng của Việt cộng đã gây bất ngờ cho quân phòng thủ của Việt Nam cộng hòa và đồng minh Mỹ”[5].
Với những nguồn tư liệu đã được giải mật, có thể thấy rõ Mỹ và quân đội Sài Gòn tiên đoán là sẽ có một cuộc tấn công, rất có thể là vào năm 1972, thậm chí còn chỉ rõ ba khu vực được coi là nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, họ không phát hiện được kế hoạch của đối phương là cho thiết giáp làm mũi nhọn của các cuộc tấn công. Chỉ đến khi chiến dịch đã diễn ra, họ mới thừa nhận: Sự xâm nhập khôn khéo của Hà Nội đã lọt qua mắt đối phương.
Về phía ta, ngày 23-3-1972, Bộ Chính trị thông qua lần cuối và phê chuẩn kế hoạch tiến công chiến lược năm 1972, cử đồng chí Tổng tham mưu trưởng quân đội trực tiếp chỉ đạo hướng chủ yếu Trị Thiên. Trung tuần tháng 3-1972, các đơn vị tham gia chiến dịch lớn tại các hướng đã vào vị trí tập kết.
Trưa ngày 30-3-1972, Sư đoàn 308 với sự hỗ trợ của trung đoàn xe tăng và pháo binh vượt qua phi khu quân sự tại giới tuyến 17 chia cắt 2 miền. Từ phía Tây, Sư đoàn 324B, với xe tăng hỗ trợ, theo đường 9 từ Lào vượt qua Khe Sanh, tiến vào thung lũng sông Thạch Hãn. Lực lượng tương đương 3 sư đoàn đã “gây bất ngờ cho quân phòng thủ Việt Nam cộng hòa và đồng minh Mỹ”[6], sau đó làm tan rã lực lượng này. Trong thời gian từ ngày 2-4 đến ngày 29-4, quân ta chủ động tiến công trên nhiều hướng và đến trưa ngày 1-5-1972, Chuẩn tướng Võ Văn Giai (Tư lệnh Sư đoàn 3 ngụy) bỏ chạy khỏi Quảng Trị. Từ Huế, tại đồn Mang cá, Tướng ngụy Hoàng Xuân Lãm xúc động mạnh và nói: “Tối nay, địch (Việt cộng) sẽ vào Quảng Trị mà không tốn thêm một viên đạn nào”[7]. Và tình báo Mỹ có trụ sở tại Đà Nẵng, trong báo cáo đã viết: “Về cơ bản, các lực lượng quân đội Bắc Việt đã chiến thắng nhanh như chớp. Quân đội Việt Nam cộng hòa ngạc nhiên khi quân đội Bắc Việt sử dụng lực lượng trong các cuộc tiến công”.
Sự thực là Quân đội Việt Nam cộng hòa có thế trận phòng ngự mạnh, được thiết bị bằng “hệ thống chiến trường tự động” do Mỹ trợ giúp nhưng đã bị phá vỡ từng mảng và trở nên mỏng yếu. Từ đó, ta đã tạo ra được những tình huống và thời cơ chiến dịch thuận lợi và ngày 2-5 ta giải phóng Quảng Trị. Đài BBC phát tối 2-5-1972 đã loan tin: Huế bị đặt vào tầm tấn công của Bắc Việt, càng làm cho nỗi kinh hoàng của Sài Gòn lên đến điểm tận cùng. Mọi việc xảy ra quá đột ngột, như những cơn sét đánh mạnh. Giới tuyến bị mất, người tị nạn đổ dồn về Huế ngày càng nhiều. Theo phán đoán của ông William Colby, Giám đốc cơ quan CIA tại Sài Gòn, thì: “Quân đội nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ chiếm được Huế nhưng không qua nổi Đà Nẵng. Dù vậy, thực tế tốt hơn mong đợi khi Hạm đội 7 và Không lực của Mỹ tham chiến, hỗ trợ hỏa lực giúp chặn đà tiến của đối phương, giúp Việt Nam cộng hòa có thêm thời gian bổ sung thiệt hại và tổ chức lại”[8].
Trung tá, TS Trương Mai Hương
(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)

[1] Trích theo: “Cuộc thử thách”của Đê-vơ Ri-sớt Pan - Mơ - Minh Huy giới thiệu, Tạp chí Lịch sử quân sự tháng 4-1992, tr.48
[2] Tài liệu của Việt Nam cộng hòa năm 1970-1972 - Phông số 4- Hồ sơ số 59, Lưu TTXVN
[3] Tài liệu của Việt Nam cộng hòa năm 1970-1972, Phông số 4- Hồ sơ số 141, Lưu TTXVN
[4] Peter Dale Scoll, The secret road to the second Indochina War (Âm mưu chiến tranh: Con đường bí mật dẫn tới cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2), Boobbs - Merrill Company, New York, 1972
[5] David Fulghum & Terrance Maitland, et al, South Vietnam on Trial. Bo ston: Boston Publishing Company, 1984, tr.138
[6] William Colby, Một chiến thắng bị bỏ lỡ - Nxb Công an nhân dân p 372
[7] Trích theo: “Cuộc triệt thoái đầy bi thảm khỏi thành phố Quảng Trị” - Quốc Hưng dịch, Tạp chí Lịch sử quân sự tháng 5.1992, tr.89
[8] Nhận xét của John Van, cố vấn quân sự Mỹ của Vùng 3 Chiến thuật, Nguồn: Neil Shechan, Abright Shining Lie, Random House, 1988, tr.776.


Kỳ 2:
Nhiều nhà nghiên cứu quân sự của Mỹ và Sài Gòn cho rằng, hướng xuất quân đột ngột bất ngờ của ta trong cuộc tiến quân đầu tiên đã tạo ra một lợi thế rất to lớn lúc đầu. Xét về thế bất ngờ, Mỹ -ngụy đã không đoán trước được quy mô và phương pháp áp dụng trong các cuộc tấn công của ta. Sự thiếu sót này rất thuận lợi cho quân ta và gây tác động tâm lý đối với đối phương vốn vẫn nghĩ rằng mọi việc khác hẳn, chứ không phải như đã diễn ra và cuối cùng họ phải thừa nhận “Mỹ và Sài Gòn không tiên đoán được Hà Nội lại mạo hiểm như vậy. Tính quy mô của cuộc tấn công cũng là một đòn bất ngờ sấm sét đối với Bộ chỉ huy ngụy. Trước đây, Cộng sản luôn né tránh không áp dụng các chiến thuật quy ước. Rất có thể là cần phải như vậy vì ưu thế hỏa lực và kỹ thuật vẫn thuộc về đối phương. Họ luôn áp dụng chiến thuật phân tán, đánh chớp nhoáng, nghi binh, cơ động nhanh và tấn công bất ngờ, rất ít khi họ ra mặt”. Còn Đại tá lục quân Mỹ William S. Reeder nhận xét rằng: “Mùa xuân 1972, Cộng sản bất thần mở những cuộc tấn công như vũ bão. Đây không phải là một cuộc nổi dậy của Việt Nam năm 1968 mà là một chiến dịch quy mô với hàng loạt cuộc tấn công của Cộng sản băng qua vùng phi quân sự”. Một đơn vị tình báo Mỹ có trụ sở tại Đà Nẵng, trong báo cáo ngày 2-5-1972 đã khẳng định: “Về cơ bản, các lực lượng quân đội Bắc Việt đã chiến thắng nhanh như chớp. Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hòa hoàn toàn ngạc nhiên khi quân đội Bắc Việt sử dụng lực lượng trong các cuộc tấn công”[1].
Trận đánh trước Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ảnh: Đoàn Công Tính

Chiều ngày 4-5-1972, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam cộng hòa bay ra thị sát mặt trận giới tuyến, họp kín với các tư lệnh chiến trường. Tướng Thomas Bowen, Cố vấn quân sự Mỹ tại Quân khu 1 cho biết, Mỹ đã thay thế các xe tăng và pháo binh mà Việt Nam cộng hòa bị mất và hư hại tại Quảng Trị. Đại bác từ Mỹ được chở thẳng sang và xe tăng chở từ Nhật tới để chuẩn bị cho một chiến dịch tiếp theo.
Mặc dù từ đầu đến cuối chiến dịch, ta luôn giữ quyền chủ động chiến lược, chiến dịch, buộc địch bị động điều quân, làm cho thế bố trí chiến lược của chúng trên toàn miền Nam bị đổ vỡ, rối loạn, nhưng khả năng của ta có hạn, không thể đánh dứt điểm các mục tiêu như ý định ban đầu. Tuy Mỹ-ngụy có trang bị kỹ thuật hiện đại đến đâu thì cuộc đương đầu lịch sử đã phân rõ thắng, bại. Đại hội Đảng dân chủ Mỹ diễn ra vào tháng 7-1972 đã ghi vào cương lĩnh: “Sự trống rỗng của “Việt Nam hóa chiến tranh”, một khẩu hiệu lừa bịp có vẻ như hứa hẹn một thắng lợi ít tốn kém đã bị phơi trần qua cuộc tiến công gần đây. Chính phủ Sài Gòn, mặc dù đã được Mỹ ủng hộ ồ ạt vẫn không có sức sống. Nó không có hiệu lực về quân sự, thối nát về chính trị và gần suy sụp về kinh tế”. Sự thực này, các quan chức ở cả Oa-sinh-tơn lẫn Sài Gòn cũng phải thừa nhận rằng: “Các điểm này thực ra đã đủ để thỏa mãn các tiêu chí cho chiến thắng mà Hà Nội đã đề ra trước khi cuộc tổng tấn công bắt đầu”[2]. Và, “Trong giai đoạn đầu, cuộc tổng tấn công đã là một thành công hoàn hảo. Tình báo Mỹ đã đánh giá sai về thời gian, quy mô, địa điểm của các cuộc tấn công. Có được tính bất ngờ, quân đội nhân dân Việt Nam chọc thủng các tuyến phòng thủ mỏng của Việt Nam cộng hòa, nhanh chóng tiến về thị xã Quảng Trị”[3].
Ngay sau khi bị mất toàn bộ tỉnh Quảng Trị (ngày 2-5-1972), Thời báo New York của Mỹ đưa tin rằng tỉnh Quảng Trị “bị rơi vào tay Cộng sản” và “từ Oa-sinh-tơn đến Sài Gòn luôn bao trùm một không khí lo âu căng thẳng. Tâm lý thất bại trong quân ngụy lan tràn”[4]. Không cam chịu thất bại, địch bắt đầu thực hiện các bước điều chỉnh lực lượng và lập kế hoạch tái chiếm tỉnh này. Ngày 13-6-1972, Bộ chỉ huy của quân viễn chinh Mỹ ở Sài Gòn hứa tăng viện và hỗ trợ tối đa về hỏa lực (không quân, hải quân, pháo binh). Đồng thời, Nguyễn Văn Thiệu đưa 4 sư đoàn mạnh nhất trong ngụy quân, trong đó có 2 sư đoàn được mệnh danh là “thiên thần mũ đỏ” (sư dù) và “cọp biển” (sư lính thủy đánh bộ) thuộc lực lượng tổng dự bị quốc gia với lực lượng tương đương 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn… và nhiều đơn vị không quân, pháo hạm Mỹ hỗ trợ cho cuộc hành quân “tái chiếm” này.
Đồng thời với việc chuẩn bị lực lượng, Nguyễn Văn Thiệu điều tướng Ngô Quang Trưởng (nguyên Tư lệnh Quân khu 4 - Vùng 4 chiến thuật) - ra làm Tư lệnh Quân khu 1, Vùng 1 chiến thuật thay tướng Hoàng Xuân Lãm - viên tướng làm mất cả tỉnh Quảng Trị. Việc thay đổi nhân sự phản ánh quyết tâm của Thiệu tìm kiếm những thắng lợi quân sự nhằm ngăn chặn sự suy sụp tinh thần binh sĩ, đồng thời giữ chặt vùng đất từ nam sông Mỹ Chánh trở vào.
Ngày 19-6-1972, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho quân đội mở một chiến dịch tiến công trong 3 tháng, mệnh danh “Thừa thắng xông lên, tái chiếm lãnh thổ”[5]. Theo đó, địch dự định chiếm lại thị xã Quảng Trị trong tháng 7 và toàn tỉnh Thừa Thiên trong tháng 8 và 9. Động thái này của người đứng đầu chính quyền Sài Gòn được đánh giá là “giai đoạn giành lại quyền làm chủ đất đai bị Cộng sản tạm chiếm trong toàn lãnh thổ. Không những thế, cuộc tiến công này chắc chắn có một ý nghĩa chính trị, trực tiếp ảnh hưởng tới mọi quyết định đang được hình thành về vấn đề Việt Nam và Đông Dương”[6].
Song song với quá trình nghiên cứu, soạn thảo kế hoạch phản công, địch đẩy mạnh tác chiến ngăn chặn và trì hoãn các cuộc tiến công của ta, nhằm tạo một cục diện chiến trường không xấu hơn đối với chúng. Sau “nhiều lần chỉnh sửa”, kế hoạch phản công của địch được hoàn tất vào ngày 16-6-1972, mang tên Kế hoạch hành quân Lam Sơn 1972. Kế hoạch được thực hiện bằng những trận oanh kích lớn. Ngày 26 và 27-6, trên toàn bộ chiến tuyến phía Bắc sông Mỹ Chánh, từ Núi Cái Mương, Hồ Lầy, Đá Bạc (hướng tây) đến Văn Quỹ, Hội Phường Kỳ (hướng đông) và các trận địa hỏa lực của ta nằm dọc đường số 1 ở huyện Hải Lăng đều bị đánh phá dữ dội. Sáng ngày 28-6, với sự chi viện của không quân và hải quân Mỹ, các sư đoàn chủ lực ngụy bắt đầu ồ ạt tiến công sang bờ bắc sông Mỹ Chánh thực hiện cuộc hành quân “tái chiếm lãnh thổ”.
Cuộc chiến đấu chốt giữ thị xã và Thành cổ Quảng Trị diễn ra quyết liệt từ trung tuần tháng 7 trở đi. Trên khu vực ngã ba Thạch Hãn đến ngã ba Long Hương, 3 tiểu đoàn dù (1, 9, 11), lữ dù 2 và 3 liên tục tấn công vào xung quanh Thành cổ, có ngày quân dù chiếm được gần hết làng Tri Bưu và làng Cổ Thành. Nhưng mọi cuộc tấn công ồ ạt của quân dù đều bị chặn lại trước những chốt thép kiên cường của quân ta. Với chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh”, nhảy cóc không thành, quân dù buộc phải chuyển sang “đánh chắc tiến chắc” nhằm giảm bớt thương vong. Và với chiến thuật “chậm chắc” mỗi khi phát triển gặp ta là chúng dừng lại, gọi bom, pháo đánh rồi mới tổ chức tiến công tiếp. Bởi vậy, trên dải đất dài, hẹp chỉ vài cây số vuông của thị xã và Thành cổ, suốt ngày bom đạn nổ rền rĩ, mặt đất như chảo lửa lớn. Trong cuốn “Cuộc thử thách”, Đê-vơ Ri-sớt Pan-mơ đã miêu tả: “Các cuộc tấn công của Bắc Việt thật là dồn dập, ở một quy mô chưa từng thấy”, và: “Tổng thống Thiệu tuyên bố tình trạng khẩn cấp đã nói với công chúng là trận chiến quyết liệt đang ở trong tầm tay. Ông ta đã tung mọi lực lượng dự bị vào các khu vực bị đe dọa”.
Trung tá, TS Trương Mai Hương
(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)
(Còn nữa)

[1] Tài liệu của Việt Nam cộng hòa năm 1970 - 1972, Phông số 4, Hồ sơ số 16, Lưu TTXVN

[2] Fulgham & Maitland, tr.183.
[3] Andrade, Dale, Trial By Fire: The 1972 Easter Offensive, Americas Last Việt Nam Battle, New York: Hippocrene Books, 1995, tr.590.
[4] Thời báo New York tại Mỹ, số ra ngày 3-5-1972
[5] Mặt trận vùng giới tuyến 72, Phòng 5- khối Quân sự Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa, Sài Gòn, 1974, tr.140.
[6] Mặt trận vùng giới tuyến 72, Phòng 5- Khối Quân sự Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa, Sài Gòn, 1974, tr.140.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét