Tin sớm về cuộc “hành quân xa”
QĐND - Khi mở Chiến dịch Lam Sơn 719 (còn gọi là Cuộc hành quân Hạ Lào), Mỹ-Thiệu chắc mẩm sẽ khiến ta lúng túng, bị động, sẽ mau chóng giành được chiến thắng song thực tế lại trái ngược hẳn. Những tin tức, tài liệu có liên quan do các cán bộ, cơ sở điệp báo chiến lược của ta thu thập được vào cuối năm 1970, đầu năm 1971 đã góp phần quan trọng giúp các cơ quan chỉ huy đầu não của ta sớm xác định đúng đắn chủ trương, quyết tâm và tổ chức chuẩn bị chu đáo lực lượng, phương tiện, vật chất cùng các điều kiện chiến trường cần thiết cho Chiến dịch. Trong số đó, phải kể tới hai cơ cán đi sâu: Phạm Xuân Ẩn (bí danh Hai Trung, là phóng viên tạp chí Time của Mỹ), Đặng Trần Đức (bí danh Ba Quốc, là trưởng một ban trong Đặc ủy trung ương tình báo của chế độ Sài Gòn) và cơ sở điệp báo Lê Quang Hiền (bí số P71, là Đại tá, phó Tổng thanh tra Quân đội Sài Gòn).
Phạm Xuân Ẩn (ngồi hàng đầu, thứ nhất) và Đặng Trần Đức (ngồi thứ hai, từ phải qua) đã thu thập được tin quan trọng về kế hoạch “Lam Sơn 719” của địch |
Ngay từ giữa tháng 9-1970, qua khai thác Trung tá Vũ Văn Nho, Đại úy Đỗ Tất Tế và một số sĩ quan khác đang làm việc tại các cơ quan cơ mật, trọng yếu của chế độ Sài Gòn như Phòng 2 (Tình báo) – Bộ tổng tham mưu, Đặc ủy Trung ương tình báo... Đặng Trần Đức đã nắm được thông tin rằng Phái bộ hỗ trợ quân sự của Mỹ tại Việt Nam (Military Assistance Command, Vietnam - MACV) vừa mới soạn thảo xong một kế hoạch tấn công sang Hạ Lào trong khu vực từ Đường số 7 đến Đường số 9, thời gian thực hiện kế hoạch có thể nằm trong khoảng cuối năm 1970, đầu năm 1971. Thông tin này tuy nội dung còn rất chung chung, chưa xác định về mặt quy mô và thành phần lực lượng, chưa rõ ràng về mục đích, yêu cầu, cách thức và thủ đoạn tiến hành, chưa chính xác, cụ thể về thời gian, địa điểm, địa danh… song cũng đã gợi mở cho lãnh đạo, chỉ huy Cục Tình báo – Bộ tổng tham mưu và lãnh đạo, chỉ huy Phòng tình báo chiến lược (bí số J22) thuộc Trung ương cục miền Nam, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh một hướng nghiên cứu, điều tra mới về địch. Vì thế, ngay từ đầu tháng 10-1970, Đại tá Phan Bình, Cục trưởng Cục Tình báo đã giao cho Trung tá Vũ Đình Hòe, Trưởng phòng Trinh sát bộ đội (Phòng 71) của Cục Nhiệm vụ khẩn trương tổ chức nghiên cứu lại thật kỹ càng điều kiện chiến trường khu vực Đường 9 - Nam Lào.
Tháng 10-1970, thông tin trên của Đặng Trần Đức được xác nhận bởi một bản báo cáo tin tức ngắn gọn của Lê Quang Hiền. Qua gặp gỡ, trao đổi với Trung tướng Nguyễn Văn Mạnh - Tham mưu trưởng liên quân và một vài sĩ quan cao cấp khác ở Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Lê Quang Hiền nắm được rằng đích thân Tổng thống Mỹ Ních-xơn đã cử hai chuyên gia hàng đầu về quân sự của Mỹ sang Việt Nam trực tiếp nghiên cứu kế hoạch đánh ra Hạ Lào để phá vỡ hệ thống bảo đảm hậu cần và cắt đứt tuyến đường vận chuyển, tiếp tế chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam của ta.
Việc xây dựng kế hoạch và chuẩn bị thực hiện Chiến dịch Lam Sơn 719 được kẻ địch tiến hành chặt chẽ, bảo mật nghiêm ngặt tới mức ông Đinh Văn Đệ (cơ sở điệp báo của ta) không hề hay biết tuy ông đang nắm giữ cương vị Phó chủ tịch Hạ viện của chế độ Sài Gòn và trước đó, ông Đệ từng là Đại tá, Tỉnh trưởng, có quan hệ rất sâu rộng với nhiều nhân vật đầu sỏ về chính trị, quân sự của địch. Sau khi phát hiện những dấu hiệu cho thấy tin tức về kế hoạch này đã ít nhiều rò rỉ ra ngoài, kẻ địch càng chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, còn áp dụng một số biện pháp nghi binh, tung hỏa mù để đánh lừa ta. Vì vậy, trong hai tháng cuối năm 1970, việc thực hiện yêu cầu điều tra về kế hoạch đánh ra Hạ Lào của địch không đạt kết quả nào đáng kể. Cá biệt, có cán bộ, cơ sở điệp báo còn gặp phải tin giả của địch khiến công tác xử lý, báo cáo tin tức thêm nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước tình hình như vậy, lãnh đạo, chỉ huy trung tâm tình báo đã dồn sức chỉ đạo những lưới điệp báo chiến lược, những cán bộ, cơ sở điệp báo chiến lược có khả năng khai thác tin tức cao sâu về địch, đồng thời chỉ đạo tăng cường điều tra, phối kiểm bằng những phương thức, lực lượng khác.
Đầu tháng 1-1971, trong một lần gặp gỡ viên Đại tá Nguyễn Trọng Bảo, Tham mưu trưởng Sư đoàn dù, một thành phần rất quan trọng trong lực lượng tổng trừ bị của quân đội Sài Gòn (bao gồm Sư đoàn dù, Sư đoàn thủy quân lục chiến, Liên đoàn biệt kích dù và một số liên đoàn biệt động quân), Phạm Xuân Ẩn khai thác được tin kẻ địch vừa rút bớt quân dù ở Cam-pu-chia về để củng cố, chuẩn bị cho một cuộc “hành quân xa”. Bảo phàn nàn rằng vì chiến dịch Chen-la I diễn ra không được thuận lợi nên Lữ đoàn nhảy dù 3 (do Đại tá Nguyễn Văn Thọ chỉ huy) thuộc sư đoàn của anh ta còn bị mắc kẹt ở Cam-pu-chia, song sớm muộn gì cũng phải rút về để cùng cả sư đoàn (gồm 3 lữ đoàn với 9 tiểu đoàn tác chiến, 3 đại đội trinh sát và 3 tiểu đoàn pháo binh, quân số tổng cộng khoảng 12.000) tham gia cuộc “hành quân xa” nói trên. Với nhận định địch có khả năng hành binh với quy mô lớn ra ngoài các chiến trường quen thuộc, mà trong đó Sư đoàn dù chỉ là một thành phần lực lượng, Phạm Xuân Ẩn đã khẩn trương tìm cách phối kiểm thông tin khai thác được từ Nguyễn Trọng Bảo bằng cách khai thác thêm các nguồn tin quan trọng, đáng tin cậy ở các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng khác của địch. Trước hết, ông tìm gặp bác sĩ Phạm Đình Vi và Đại tá Lê Đình Quế, hai chiến hữu rất thân cận của Trung tướng Lê Nguyên Khang - Tư lệnh sư đoàn và Đại tá Bùi Thế Lân - Tư lệnh phó kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn Thủy quân lục chiến. Cả Vi và Quế đều tiết lộ với Phạm Xuân Ẩn rằng Sư đoàn Thủy quân lục chiến (gồm 3 lữ đoàn với 9 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh và một số tiểu đoàn yểm trợ tiếp vận, quân số tổng cộng hơn 11.000) đã nhận được mệnh lệnh chuẩn bị về mọi mặt cho một cuộc “hành quân xa”. Tiếp đó, Phạm Xuân Ẩn dò hỏi Đại tá Nguyễn Văn Đại, Tư lệnh Cảnh sát dã chiến vì trước đó Đại là Chỉ huy phó Biệt động quân và vẫn thường có tin khá sâu về tình hình Biệt động quân. Đại khẳng định Bộ chỉ huy Biệt động quân cũng đã nhận được mệnh lệnh tương tự và phía Mỹ đang nghiên cứu phê duyệt kế hoạch đánh sang Hạ Lào theo Đường số 9. Tổng hợp các thông tin đó, Phạm Xuân Ẩn bước đầu nắm được kẻ địch đã xây dựng xong kế hoạch và đang ráo riết chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất… để trong mùa khô năm 1971 tổ chức đánh cắt tuyến đường Hồ Chí Minh ở khu vực phía bắc thị trấn Sê-pôn thuộc tỉnh Xa-van-na-khệt của Lào, sau đó nếu gặp thuận lợi thì phát triển tiến công lên địa bàn tỉnh Khăm-muộn, có thể tới tận khu vực đèo Mụ Giạ giáp với tỉnh Quảng Bình của ta và tiến hành bình định Hạ Lào; nhiều khả năng chúng sẽ sử dụng Đường 9 để đưa bộ binh, pháo binh, tăng - thiết giáp… sang Sê-pôn, đồng thời rải lực lượng biệt kích dù dọc con đường từ tỉnh lị Xa-van-na-khệt sang thị trấn Sê-pôn và xây dựng cứ điểm tại các khu vực Bản Đông, Mường Phìn thuộc tỉnh Xa-van-na-khệt. Ít ngày sau, các tin tức trên được khẳng định, cụ thể hóa thêm qua cuộc gặp gỡ, trò chuyện của Phạm Xuân Ẩn với tên Nguyễn Văn Ái, nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Ái chẳng những khoe với Phạm Xuân Ẩn rằng hắn vừa bay ra Hạm đội 7 họp với bọn chỉ huy tình báo Mỹ mà còn tiết lộ hắn được bọn chỉ huy tình báo Mỹ cử sang khu vực Mường Phìn nghiên cứu tìm địa điểm để tới đây sẽ thả một số tên cố vấn Mỹ cùng lực lượng biệt kích dù của quân đội Sài Gòn xuống hỗ trợ bọn lính đánh thuê người Lào.
Tin tức do Phạm Xuân Ẩn, Đặng Trần Đức, Lê Quang Hiền thu thập được tuy còn thiếu nhiều yếu tố song cũng đủ để giúp các cơ quan chỉ huy đầu não của ta sớm có một cái nhìn tổng thể về kế hoạch chuẩn bị Chiến dịch Lam Sơn 719 của địch. Hoạt động tích cực của các lực lượng trinh sát bộ đội, trinh sát kỹ thuật, điệp báo chiến dịch, quân báo nhân dân, nghiên cứu tin tình báo… đã làm cho cái nhìn ấy trở nên cụ thể hơn, sâu sắc hơn. Tất cả những điều đó đã trực tiếp góp phần đáng kể vào sự chủ động của ta khi bước vào Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.
Trong thời gian diễn ra Chiến dịch, nhờ bám sát các nguồn tin ở Bộ tổng tham mưu, Sư đoàn dù, Sư đoàn thủy quân lục chiến, Bộ chỉ huy biệt động quân, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 - Quân khu 1… của địch mà Phạm Xuân Ẩn tiếp tục thu thập, báo cáo được nhiều tin tức quan trọng, sốt dẻo về mức độ thiệt hại, nhận định tình hình và âm mưu, thủ đoạn đối phó của địch. Các tin tức đó đều được cấp trên đánh giá rất cao.
Bài và ảnh: Vũ Sáng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét