Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

CHIẾN THẮNG ĐĂK TÔ – TÂN CẢNH 40 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

CHIẾN THẮNG ĐĂK TÔ – TÂN CẢNH 40 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

Với truyền thống lịch sử vẻ vang của Huyện Đăk Tô anh hùng, trải qua những năm chiến tranh và 40 năm sau ngày giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn có truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh với kẻ thù, cần cù trong lao động, đã biết khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để xây dựng và phát triển huyện nhà ngày càng giàu mạnh.
 

Với truyền thống lịch sử vẻ vang của Huyện Đăk Tô anh hùng, trải qua  những năm chiến tranh và 40 năm sau ngày giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn có truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh với kẻ thù, cần cù trong lao động, đã biết khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để xây dựng và phát triển huyện nhà ngày càng giàu mạnh.
Cách đây vừa tròn 40 năm, căn cứ Đăk Tô – Tân Cảnh được Mỹ Ngụy bố phòng, củng cố, xây dựng vững chắc như một pháo đài bất khả xâm phạm. Bọn địch huênh hoang: “Bao giờ nước sông Pô Kô chảy ngược thì Việt cộng mới chiếm được Đăk Tô – Tân Cảnh”. Toàn bộ căn cứ được bố phòng chặt chẽ, ngoài cùng là hàng rào mìn, tiếp đến là 8 đến 12 lớp rào kẽm gai bùng nhùng, đến hàng rào phòng thủ với 40 lô cốt nối với nhau bằng giao thông hào. Trong căn cứ gồm 12 khu và có 5 pháo đài chính, phía tây cách căn cứ 7km là sân bay Phượng Hoàng. Cho đến cuối tháng 3/1972, toàn bộ lực lượng địch tại căn cứ 42 gồm: Sở chỉ huy Sư 22, 3 tiểu đoàn bộ binh, 01 đại đội trinh sát, 01 đại đội hậu cần, 01 trung đội quân báo, 01 tiểu đội an ninh, 01 chi đội xe tăng M48 và M113, 02 pháo đội 105 và 155 ly, 01 sở chỉ huy cố vấn Mỹ.
ảnh: Căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh năm 1967 nguồn Internet
Về phía ta tham gia chiến dịch gồm: Các trung đoàn chủ lực của Tây Nguyên, Trung đoàn 26, 36, 95 và Trung đoàn 243 đảm nhiệm. Lực lượng trực tiếp tiến công vào căn cứ 42 gồm Trung đoàn 66 được tăng cường Tiểu đoàn 37 đặc công và 01 đại đội xe tăng T54.
Với khí thế, quyết tâm cao độ: “Trường sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương”, lực lượng ta hợp đồng tác chiến gồm nhiều quân binh chủng (phòng không, có tên lửa tầm nhiệt, pháo binh, công binh, xe tăng, bộ binh …) đã anh dũng chiến đấu vô cùng ác liệt và dũng cảm kiên cường, chỉ trong một thời gian ngắn với 10 giờ đồng hồ, căn cứ 42 đã bị bộ đội ta tiêu diệt hoàn toàn, Trung đoàn 42 thuộc Sư 22 Ngụy sau hơn 10 năm án ngữ cửa ngõ phía bắc Tây Nguyên đã bị quét sạch khỏi Đăk Tô – Tân Cảnh, một vùng đất đai rộng lớn và hàng chục ngàn dân được giải phóng, thắng lợi này đánh một đòn chí tử vào bọn địch ở Tây Nguyên và đã làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường Tây Nguyên và cục diện tình hình giữa ta và địch, buộc Mỹ -  Ngụy phải ngồi vào bàn đàm phán tại hội nghị Pari. Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh mang một ý nghĩ to lớn trên nhiều mặt, mang tính thời đại.
Sau khi được giải phóng (4/1972), quê hương Đăk Tô bị tàn phá nặng nề. Đảng bộ và nhân dân Đăk Tô đứng trước vô vàn những khó khăn cần phải giải quyết; sau khi dốc hết lương thực phục vụ chiến dịch giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh, với hành động cao đẹp là dốc lon gạo cuối cùng để tiếp tế cho bộ đội ăn no để chiến đấu và chiến thắng. Quần chúng vùng giải phóng bị địch liên tiếp đánh phá nên ta phải tổ chức dân sống sơ tán nhiều nơi, việc ăn ở, sản xuất không ổn định, vùng căn cứ lại bị mất mùa nặng; đến đầu năm 1973, quần chúng trở về làng cũ gặp khó khăn, thiếu lương thực, thiếu nhà ở, lạt muối nghiêm trọng. Tính đến giữa năm 1973, số người đói trong toàn huyện là 10.157 người, trong đó dân vùng giải phóng là 6.000 người. Mặt khác đau ốm cũng là vấn đề nổi cộm do môi trường không tốt từ hậu quả chiến tranh để lại. Vùng giải phóng và vùng căn cứ của huyện đều xảy ra các bệnh dịch cúm, sởi, sốt rét, cộng thêm thiếu đói sinh ra phù thủng.
Đứng trước tình hình đó, Huyện ủy đã động viên toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong nhân dân giữa 2 vùng căn cứ và vùng giải phóng. Hơn nữa tinh thần đoàn kết, lòng nhiệt tình cách mạng của đồng bào vùng căn cứ được phát huy đến mức cao độ. Mỗi người dân vùng căn cứ tuy còn nhiều khó khăn thiếu đói, vẫn sẵn sàng nhận giúp đỡ nuôi dân vùng giải phóng. Các cấp ủy đảng và các cơ quan, ban ngành của Huyện tranh thủ sự viện trợ của trên đã huy động tối đa nguồn lương thực và các mặt hàng dự trữ còn lại để trợ cấp giải quyết những bức xúc trước mắt cho nhân dân. Tháng 1, 2/1973, Huyện dành 4 tấn gạo cấp cho những người quá đói, từ tháng 3 trở đi, bình quân mỗi nhân khẩu vùng giải phóng mỗi tháng được trợ cấp 10 kg gạo. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 1973, Huyện đã xuất 1.356.550 kg gạo để cứu đói cho dân. Bên cạnh đó vấn đề giải quyết lạt muối cho dân cũng được các cấp quan tâm trợ cấp từ đầu khi mới giải phóng; đến giữa năm 1973 đã cấp cho dân được 79 tấn muối cứu lạt. Về nhà ở, sau chiến dịch Xuân – Hè, địch đánh phá liên tục nên nhà cửa đồng bào tan nát, Huyện đã cùng đoàn cán bộ Tỉnh tăng cường phối hợp với bộ đội chủ lực trên địa bàn (Trung đoàn 24) tổ chức vận động quần chúng ở Diên Bình giúp đỡ làm cho đồng bào Tân Cảnh 130 nóc nhà. Cùng với việc lo cái ăn, cái mặc, nhà ở cho nhân dân, Đảng bộ còn chủ động, kiên cường, mưu trí đấu tranh, đập tan nhiều âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định an ninh chính trị trên địa bàn huyện, giữ vững vùng giải phóng.
Năm 1976, đất nước thống nhất, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện tập trung vào xây dựng quê hương Đăk Tô từng bước vượt qua khó khăn để vươn lên vững mạnh. Trong những năm đầu xây dựng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã tập trung toàn lực thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng bộ đề ra, vì vậy đã lập được nhiều thành tích quan trọng, trở thành địa phương tiêu biểu của Tỉnh Kon Tum và địa bàn Tây Nguyên, với nhiều phong trào cách mạng nổi bật như: phong trào khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất, xây dựng cánh đồng, định canh, định cư, làm thủy lợi, xây dựng huyện điểm, hợp tác xã điểm, … với những công trường khai hoang ruộng nước ở Đăk Tờ Kan, Tân Cảnh, cánh đồng lúa nước Kon Cheo, Diên Bình… Huyện Đăk Tô được chọn thí điểm xây dựng mô hình hợp tác xã ở miền Nam, rồi lại được chọn làm thí điểm Khoán 100 ở tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Đồng thời, Đăk Tô cũng là điểm sáng nổi bật trong phong trào toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, phong trào văn nghệ quần chúng, mô hình vừa học – vừa làm v.v… Có được những thành tích đáng phấn khởi và tự hào trên là vì Đảng bộ luôn biết vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, sát hợp với yêu cầu thực tiễn ở địa phương. Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, với sự năng động sáng tạo, Đảng bộ sớm nhận thức rõ những vấn đề bức xúc nhất của đời sống nhân dân, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung mọi nguồn lực xã hội vào phát triển lương thực, Đảng bộ đã xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; Ngay từ đầu năm 1981, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1981 – 1985), Đảng bộ chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện mà trọng tâm là giải quyết vững chắc vấn đề lương thực nên sản xuất nông nghiệp của huyện có sự chuyển biến tích cực([1]). Phát triển chăn nuôi và trồng trọt, tăng cường sản xuất lương thực, thực phẩm, phát triển ngành nghề tạo hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, huy động mua công trái xây dựng Tổ quốc được nhân dân tích cực thực hiện. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân đạt nhiều kết quả. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Huyện giải quyết dứt điểm sớm vấn đề Fulro, góp phần quan trọng cùng với tỉnh đập tan âm mưu và hành động xâm lấn lãnh thổ của tập đoàn Pôn Pốt.
Sau một phần ba thế kỷ hòa bình xây dựng kinh tế, đặc biệt là trong hơn 20 năm đổi mới, Đăk Tô đã có sự biến đổi sâu sắc trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, an ninh quốc phòng. Từ một huyện miền núi, vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đất rộng người thưa, heo hút; kinh tế tự cấp - tự túc, tập quán du canh du cư khá phổ biến, trình độ sản xuất lạc hậu, còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, tình trạng thiếu lương thực diễn ra phổ biến; tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ hầu như chưa có gì, diện tích đất canh tác nhỏ, đường sá đi lại khó khăn, an ninh phức tạp, là điểm nóng về Fulro, … ngày nay, số hộ giàu không ngừng tăng lên, giảm thiểu số hộ nghèo, cơ bản xóa hộ đói một cách vững chắc, xóa bỏ hẳn tập quán du canh, du cư. Đăk Tô đã trở thành Huyện miền núi phát triển với cơ cấu kinh tế hợp lý([2]), phát huy cao độ tiềm năng, nguồn lực của địa phương, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được đầu tư nâng cấp và xây mới. Đăk Tô trở thành một trong những Huyện phát triển của Tỉnh, thu hút được sự quan tâm hợp tác, đầu tư của các thành phần kinh tế. Trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ và nhân dân Đăk Tô đang nổ lực tạo dựng một huyện miền núi có sự hài hòa giữa vóc dáng đô thị sinh thái với một vùng sơn cước yên bình và có đủ các thế mạnh về công nghiệp, nông lâm nghiệp và dịch vụ; bảo tồn được những bản sắc văn hóa truyền thống trong sự hài hòa với đời sống văn minh, hiện đại và năng động, … Đăk Tô đang chuyển mình nhanh chóng với những bước đi mạnh mẽ, diện mạo quê hương không ngừng đổi thay từng ngày.
Cùng với sự phát triển và lớn mạnh của đất nước, huyện H80 xưa, Đăk Tô ngày nay sau nhiều lần chia tách. Hiện nay tổng diện tích tự nhiên là: 50.640,8 ha, với tổng dân số 42.849 người. Trong đó, dân tộc thiểu số có 20.231 người, chiếm 52,35%. Toàn huyện được chia thành 8 xã và một thị trấn. Đảng bộ huyện có 48 Tổ chức cơ sở Đảng, với 1.267 đảng viên. Với truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, cần cù lao động và sáng tạo, một lòng theo Đảng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô đã đạt được nhiều thành tích vô cùng to lớn và hết sức tự hào của quê hương sau 40 năm chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.
Từ một huyện có mặt bằng dân trí thấp, nạn mù chữ còn phổ biến, đến năm 2000, Huyện đã phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2005 phổ cập trung học cơ sở, đời sống tinh thần ngày càng phong phú, các sinh hoạt văn hóa truyền thống được duy trì, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình diện chính sách xã hội được chăm lo đầy đủ, chu toàn và trách nhiệm. An ninh quốc phòng luôn được giữ vững, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố vững chắc, xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn vững chắc, làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
Cùng với quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, Đảng bộ không ngừng phấn đấu, rèn luyện để trưởng thành và ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ được nâng cao; hệ thống chính trị ở cơ sở không ngừng được củng cố. Đội ngũ cán bộ, đảng viên qua thực tiễn và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ ngày càng trưởng thành. Đăk Tô là nơi đào tạo, rèn luyện và cung cấp cho Tỉnh và các huyện được chia tách từ Huyện Đăk Tô một số lượng đáng kể cán bộ chủ chốt của các huyện mới.
Điểm qua vài nét trong báo cáo của Đảng bộ huyện Đăk Tô năm 2011 để thấy rõ sự phát triển vượt bậc của Huyện Đăk Tô ngày nay:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 đạt 16,02%, cơ cấu kinh tế: nông lâm, thủy sản chiếm: 39,9%, công nghiêp – xây dựng chiếm: 37,08%, dịch vụ chiếm: 22,95%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt trên 19,9 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành). Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng([3]).
Hoàn thành quy hoạch, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2015, có tính đến 2020; quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm các xã mới chia tách và một số công trình, dự án trên địa bàn thị trấn, Cụm công nghiệp - dịch vụ 24/4.
Công tác quảng bá, thu hút đầu tư đạt kết quả tốt. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển cả về quy mô và chất lượng; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 302,77 tỉ đồng, vượt 73,76% so với chỉ tiêu đề ra, bình quân hằng năm tăng trên 47%. Một số dự án đầu tư cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động như: Nhà máy tinh bột sắn, Nhà máy thủy điện Đăk Rơ Sa 1, các nhà máy chế biến mủ cao su... góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tạo việc làm cho người lao động. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với chỉ tiêu đề ra: tinh bột sắn, điện thương phẩm, khai thác cát, đá, sỏi. Một số dự án đang trong giai đoạn đầu tư như: Nhà máy bột và giấy Tân Mai - Kon Tum, Nhà máy thủy điện Đăk Rơ Sa 2, Nhà máy cồn Tân Cảnh...
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế, xã hội có bước phát triển khá, nhất là lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, trường học v.v... Đến nay, hầu hết các thôn (làng) có đường ô tô đến được cả 2 mùa; 100% số trường, lớp học được xây dựng cấp 4 trở lên; 100% thôn (làng) có điện lưới quốc gia; 8/9 trạm y tế xã, thị trấn được xây dựng kiên cố; số hộ sử dụng điện và có đủ nước sinh hoạt tăng; đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới cho trên 800 ha đất nông nghiệp.
Một số tuyến đường liên thôn, liên xã đã được nâng cấp, làm mới. Phong trào làm đường giao thông nông thôn hàng năm đã phát huy hiệu quả, hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để đầu tư bê tông hoá một số ngõ phố ở thị trấn bước đầu phát huy hiệu quả. Từ 2006 - 2010, đã huy động được trên 165 ngàn ngày công và đóng góp của công chức, viên chức và nhân dân với tổng kinh phí trên 5,5 tỷ đồng.         
Thực hiện chủ trương xây dựng thị trấn Đăk Tô đến năm 2015 đạt đô thị loại IV miền núi đã đạt được kết quả quan trọng. Từ năm 2007 đến nay đã bố trí ngân sách hơn 110,2 tỉ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trấn, một số tiêu chí về đô thị loại IV miền núi đã đạt được như: cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo.
Văn hóa – xã hội có bước chuyển biến tích cực, trình độ, năng lực công tác của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên được nâng lên. Công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp có hiệu quả hơn; tỉ lệ học sinh khá giỏi, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng qua từng năm. Công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi đạt tiến độ đề ra. Quy mô trường lớp ngày càng phát triển; trang thiết bị, đồ dùng dạy học được trang bị tương đối đầy đủ cho yêu cầu dạy và học; số trường học đạt chuẩn quốc gia vượt chỉ tiêu đề ra. Công tác xã hội hóa giáo dục từng bước được thực hiện, gắn với thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 03/12/2007 của Tỉnh ủy “Về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2008 - 2015”, gắn với triển khai mô hình lớp bán trú dân nuôi ở một số xã.
Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai kịp thời, đúng đối tượng và hiệu quả; đối với chương trình 167 (hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở) đã triển khai hỗ trợ xây dựng 724 căn nhà. Thực hiện tốt công tác “đền ơn, đáp nghĩa” đối với người có công; huy động các nguồn lực xây dựng 79 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, tình thương trị giá gần 1,2 tỉ đồng. Thực hiện tốt công tác cứu trợ đối với các gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn, gia đình đặc biệt khó khăn.  Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được kết quả khá; số hộ nghèo giảm từ 39,61% (năm 2005) xuống còn 18,3%. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng.
Đảng bộ luôn quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đưa nội dung thực hiện Cuộc vận động là một trong những nội dung sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, sinh hoạt cơ quan, đơn vị định kỳ hàng tháng và là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và của từng cá nhân. Việc “học tập” và “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác được tất cả cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hưởng ứng với nhiều hành động thiết thực; tạo được sự chuyển biến sâu sắc cả trong nhận thức và trong hành động.
Nhìn lại chặng đường cách mạng 40 năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Huyện Đăk Tô đã gặt hái được nhiều kết quả hết sức quan trọng, vô cùng phấn khởi và tự hào. Mặc dù vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Huyện Đăk Tô đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển là vô cùng quan trọng và quý báu. Thành quả đó luôn là nền tảng, tiền đề để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Đăk Tô hôm nay kế thừa và vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đứng trên chiến tích E42 năm xưa, hướng tầm mắt về hướng đông trải dài một dải hơn 4 cây số, con đường Hồ Chí Minh chạy dọc Thị trấn Đăk Tô với nhà cao tầng san sát, mang vóc dáng sầm uất của một đô thị vùng cao đang hiện ra trước mắt, nhìn về hướng bắc, hướng nam ngút ngàn cao su xanh xa tít tắp, nổi bật nhà máy tinh bột giấy và giấy Tân Mai Kon Tum đang gấp rút hoàn thành, dõi mắt về hướng tây thấp thoáng sân bay Phượng Hoàng xưa, uy nghi nhà máy mì và nhà máy cồn trắng xóa một vùng đồi núi, dòng sông Pô Kô hiền hòa chảy mãi như tiếng vọng non sông vút lên đại ngàn cao nguyên hùng vĩ, tiếng gió thông reo ca trong chiều nắng vàng miên man tràn đầy sức sống và phát triển mãnh liệt của quê hương Đăk Tô anh hùng. Xứng danh là cửa ngõ phía bắc Tây Nguyên và vùng ngã ba biên giới đang mang dáng vóc mới mạnh mẽ, giàu đẹp và phát triển.




([1]) Tổng diện tích gieo trồng năm 1981 là 6.910 ha, trong đó có 930 ha ruộng nước ổn định, hình thành vùng lúa nước tập trung chuyên canh như: Đăk Tờ Kan: 130 ha, Diên Bình: 105 ha, Măng Xăng: 96 ha, Tân Cảnh: 60 ha.
([2]) Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm (giai đoạn 2006 - 2010) là 13,1%/năm. Tổng giá trị sản phẩm tăng thêm trên địa bàn ước đạt 495,7 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 8,5 triệu đồng/năm.
([3]) Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm: 9.147 ha. Trong đó: Diện tích trồng lúa: 1.655 ha, sản lượng 6.309 tấn; diện tích trồng ngô: 222 ha, sản lượng 684 tấn; diện tích trồng sắn: 6.943 ha, sản lượng đạt 92.910 tấn. Diện tích cây lâu năm có 7.598 ha. Trong đó, diện tích cây cà phê 745 ha, sản lượng đạt 1.029 tấn; diện tích cây cao su 6.579 ha, sản lượng đạt 2.275 tấn. Tổng đàn gia súc toàn huyện có 2.710 con trâu, đàn bò có 5.051 con, đàn heo có 9.341 con.
Phạm Như Tứ - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét