Sứ mệnh lịch sử của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Cách đây 40 năm, từ ngày 6 đến ngày 8-6-1969, tại vùng giải phóng thuộc tỉnh Tây Ninh, đã diễn ra một sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta: Đại hội thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
Cách đây 40 năm, từ ngày 6 đến ngày 8-6-1969, tại vùng giải phóng thuộc tỉnh Tây Ninh, đã diễn ra một sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta: Đại hội thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN), do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, bác sĩ Phùng Văn Cung, giáo sư Nguyễn Văn Kiết, cụ Nguyễn Đóa làm Phó Chủ tịch và Hội đồng cố vấn do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Phó Chủ tịch.Việc thành lập CPCMLTCHMNVN và Hội đồng cố vấn Chính phủ đánh dấu những thắng lợi mới có ý nghĩa lịch sử của cách mạng miền Nam biểu hiện rực rỡ ý chí của nhân dân miền Nam thực hiện quyền làm chủ của mình.
1- Thắng lợi mới có ý nghĩa lịch sử. Như đã biết, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, rút quân về nước. Nước Mỹ, với vai trò đỡ đầu cho thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam (từ thời tổng thống Tờ-ru-man đến thời tổng thống Ai-xen-hao cầm quyền đều nhất quán quan điểm: “Để cho Đông Dương rơi vào tay cộng sản là đe dọa an ninh nước Mỹ”) đã kiên quyết không ký vào Tuyên bố chung thừa nhận chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, xác định giới tuyến quân sự chỉ là giới tuyến tạm thời; mặc dù Mỹ là một trong 5 nước thành viên dự Hội nghị. Chúng ra sức phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ bằng cách dựng nên ở miền Nam Việt Nam chính quyền Ngô Đình Diệm làm bù nhìn, tay sai để phá hoại tổng tuyển cử, chia cắt lâu dài nước ta thành hai miền Nam, Bắc.
Thấy rõ âm mưu của đế quốc Mỹ, ngay từ tháng 7-1954, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa II) đã xác định: “Đế quốc Mỹ đang trở thành kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương”. Chỉ từ năm 1955 đến 1958, với chính sách tố cộng, diệt cộng, Mỹ-Diệm đã tàn sát đến 9/10 số cán bộ, đảng viên của ta ở lại Nam Bộ; khoảng 7 vạn cán bộ, đảng viên bị giết; gần 90 vạn cán bộ, nhân dân bị bắt, tù đày; gần 20 vạn bị tra tấn thành tàn phế... Trong 6 vạn đảng viên ở lại, đến năm 1958 chỉ còn lại 5.000… Từ năm 1955 đến năm 1961, Mỹ tiếp tục “bơm” vào miền Nam Việt Nam hơn 7 tỷ đô la cả viện trợ kinh tế và quân sự.
Trước cuộc đấu tranh một mất một còn của cách mạng miền Nam, đầu tháng 12-1957, tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “ Ta đồng thời tiến hành 2 chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng XHCN. Nhiệm vụ củng cố miền Bắc tiến lên CNXH có tính chất quyết định thắng lợi của cách mạng trong giai đoạn mới. Lực lượng cách mạng ở miền Nam duy trì và phát triển là nhân tố trực tiếp quyết định thắng lợi của cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam”. Đến tháng 5-1959, Hội nghị Trung ương 15 (khóa II) ra Nghị quyết chuyên đề về giải phóng miền Nam.
Do chính sách đàn áp dã man của Mỹ-Diệm, tháng 4-1960, một nhóm người có cùng quan điểm, trong đó có một số người làm việc trong bộ máy chính quyền Sài Gòn, đã họp nhau ở khách sạn Ca-ra-ven, công khai ra tuyên bố cực lực phản đối hành động đàn áp của chính quyền Diệm. Đây là nhân tố chính trị chín muồi để thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN), với cương lĩnh chống Mỹ, cứu nước vừa cụ thể, vừa rộng rãi. Tháng 9-1960, Đại hội lần thứ 3 của Đảng thông qua Nghị quyết về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thì đến tháng 12-1960, MTDTGPMNVN ra đời và lập tức sự lãnh đạo của nó phát huy tác dụng to lớn trên khắp miền Nam. Đến năm 1967, uy tín của Mặt trận không những gây ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào đấu tranh đòi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong các tầng lớp nhân dân miền Nam Việt Nam, mà còn tác động đến cả phong trào phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của chính quyền Mỹ do những người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình, công lý tiến hành trên đất Mỹ. Sự thất bại trên chiến trường của quân đội Mỹ-ngụy cùng tác động của những cuộc đấu tranh phản đối chiến tranh của nhân dân Mỹ đã buộc chính quyền Giôn-xơn phải điều chỉnh lập trường hiếu chiến. Tháng 9-1967, thông qua các nhân vật chính trị, ngoại giao cấp cao của nước Pháp làm trung gian, Mỹ chuyển tới Bắc Việt Nam tín hiệu sẽ ngừng các cuộc ném bom phá hoại miền Bắc để “ thương thảo hòa bình” và chính quyền Mỹ chấp nhận việc MTDTGPMNVN tham gia hoạt động chính trị ở miền Nam Việt Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 của quân và dân miền Nam làm cả nước Mỹ bàng hoàng, buộc chính quyền Mỹ rơi vào thế phải thực sự bước vào thương lượng mà không còn thế mạnh. Đây cũng là thời điểm để MTDTGPMNVN thấy cần phải có một hình thức chính quyền mới để nhân danh ngót một thập kỷ đấu tranh anh dũng của các tầng lớp nhân dân trong vai trò làm chủ. CPCMLTCHMNVN ra đời (8-6-1969) trên cơ sở những thắng lợi to lớn của cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1954 đến thời điểm này.
2- Thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. CPCMLTCHMNVN ngay từ ngày mới ra đời đã kế tục và phát triển sự nghiệp vinh quang của MTDTGPMNVN, buộc mọi thế lực chống đối phải thừa nhận quyền làm chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. CPCMLTCHMNVN đã đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và nhân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị nhằm đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền bù nhìn, tay sai bán nước, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Vì mục tiêu đó, MTDTGPMNVN và sau đó là CPCMLTCHMNVN có thành phần ngày càng rộng rãi hơn, linh hoạt và uyển chuyển hơn. MTGPMNVN trước đó, cũng như CPCMLTCHMNVN sau đấy, đều dựa chắc vào khối liên minh công-nông, phát triển lực lượng ngày càng sâu rộng trong quần chúng cơ bản của cách mạng ở cả thành thị và nông thôn, ở cả đồng bằng và rừng núi. Trên cơ sở đó, thực hiện chủ trương "cứ người nào có thể tranh thủ, đoàn kết được thì tranh thủ, đoàn kết", nhằm phân hóa và cô lập cao độ kẻ thù, tập hợp được lực lượng toàn dân tộc chĩa mũi nhọn vào đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai phản động. MTDTGPMNVN và sau đấy là CPCMLTCHMNVN coi những bước đệm tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình trung lập là những mục tiêu phù hợp để thu hút các tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, tín đồ các tôn giáo, ngoại kiều, tư sản dân tộc và quan chức lớp dưới trong bộ máy ngụy quyền, ngụy quân… vào cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập, dân chủ bằng phương pháp hòa bình. MTDTGPMNVN và tiếp đó là CPCMLTCHMNVN không chỉ tập hợp lực lượng chống Mỹ và bè lũ tay sai vào các tổ chức chính trị-xã hội của mình mà còn có các hình thức “ngoài Mặt trận”, “ngoài Chính phủ” như Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, các hội (nhóm) độc lập của những người có cảm tình với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thậm chí cả những phần tử thân Pháp, phần tử không chống Mỹ triệt để nhưng có khuynh hướng chủ hòa. CPCMLTCHMNVN và trước đó là MTDTGPMNVN, trên thực tế là người đại diện chính thức của nhân dân miền Nam. Tại các địa phương, nó tồn tại và phát triển với tư cách là chính quyền cách mạng ở các vùng giải phóng; là đại diện cho chính quyền cách mạng ngay trong các vùng địch tạm kiểm soát.
Xây dựng và phát triển MTDTGPMNVN và sau đó là CPCMLTCHMNVN dưới sự lãnh đạo của Đảng là một thành công điển hình trong việc tổ chức, tập hợp lực lượng cả dân tộc giải quyết mâu thuẫn chung giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ xâm lược cùng bè lũ tay sai để thực hiện mục tiêu chung là chống chính sách xâm lược của Mỹ, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước.
3 -Thể hiện quyền làm chủ của nhân dân miền Nam trên trường quốc tế. Là một thực thể chính trị đại diện cho quyền dân chủ của nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ngay sau khi được thành lập, CPCMLTCHMNVN đã được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao. Từ tháng 6-1969 đến cuối năm 1975, đã có hơn 50 nước trên thế giới (trong đó có nhiều nước tư bản chủ nghĩa) công nhận và lập quan hệ ngoại giao. Điều ấy chứng minh, CPCMLTCHMNVN là đại diện duy nhất của nhân dân miền Nam trên trường quốc tế, còn chính phủ Việt Nam cộng hòa chỉ là chính quyền do Mỹ dựng lên, làm bù nhìn, tay sai cho Mỹ, thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Đặc biệt, vị thế của nhân dân miền Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, được thể hiện qua những phát biểu và hoạt động của Đoàn đại biểu CPCMLTCHMNVN trong Hội nghị Pa-ri. Trải qua 4 năm 9 tháng, với 202 phiên họp công khai và 24 cuộc họp riêng, ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được chính thức ký kết tại Trung tâm các hội nghị quốc tế ở Pa-ri giữa 4 bên tham gia hội nghị. Thay mặt CPCMLTCHMNVN, vào lúc 11giờ 30 phút (giờ Pa-ri) ngày 17-1-1973, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình đã ký chính thức vào các văn bản của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và ba Nghị định thư kèm theo. Hiệp định ghi nhận quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, coi đó là “quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng”, “Nhân dân miền Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam”. Quyền tự quyết ấy của nhân dân miền Nam đã được thực hiện trong Hội nghị hiệp thương, diễn ra vào tháng 11-1975, bàn về Tổng tuyển cử trong cả nước và Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, họp từ ngày 24-6 đến ngày 3-7-1976, đã quyết định đổi tên nước là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Kể từ ngày thành lập CPCMLTCHMNVN đến nay đã 40 năm (1969-2009), bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước của CPCMLTCHMNVN vẫn mang giá trị thời sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của chúng ta hiện nay.
Thiếu tướng, GS. BÙI PHAN KỲ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét