Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Thăm lại trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên tuyến lửa năm xưa...


Thăm lại trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên tuyến lửa năm xưa...
Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở mảnh đất tuyến lửa năm xưa nay trở thành di tích văn hóa hết sức quí giá, ngày ngày mở cửa đón những bước chân du khách đến từ mọi miền...

Đất nước hòa bình, thống nhất hơn một phần ba thế kỷ và vùng đất "bom gầm, đạn réo" ở Nam vĩ tuyến 17 đã có nhiều thay đổi. Giờ đây, thị xã Đông Hà bé nhỏ, với những ngôi nhà lụp xụp, tồi tàn trong chiến tranh dường như đã biến mất, nhường chỗ một TP Đông Hà khang trang, hiện đại là thủ phủ của tỉnh Quảng Trị. Những miền đất Gio Linh, Cồn Tiên, Dốc Miếu... trên hàng rào điện tử Mắc Namara xơ xác, đìu hiu, cũng ngút ngàn màu xanh trù phú của bao làng xóm yên bình.
Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) nằm trong lòng thị trấn Cam Lộ cách thành phố Đông Hà chỉ chừng 12 cây số. Nơi đây, vào năm 1829, Vua Minh Mạng cho xây dựng thành Vĩnh Ninh - Lỵ Sở. Và,  sau này Chính phủ CMLTCHMNVN lại chọn diện tích 17.300m2 của khuôn viên thành Vĩnh Ninh cũ để đặt trung tâm đầu não hoạt động công khai, tiếp tục lãnh đạo cách mạng miền Nam tiến tới thắng lợi hoàn toàn.
Không giấu được tự hào trên khóe mắt, anh Nguyễn Quang Chức, Phó Giám đốc Trung tâm Di tích - Danh thắng tỉnh Quảng Trị, bởi lẽ trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN được xây dựng ngay trước "mũi giặc", song vẫn tồn tại vững chắc và hoạt động cho đến ngày đất nước sạch bóng giặc thù.
Thật khó có thể tưởng tượng trung tâm đầu não của Chính phủ CMLTCHMNVN chỉ cách biển Đông chừng 20 cây số theo đường chim bay, trong khi những năm tháng chiến tranh trên mặt biển luôn túc trực những hạm đội của giặc được trang bị đầy đủ vũ khí tối tân nhất. Thêm vào đó, ở phía Nam cũng không xa là khu căn cứ quân sự Đà Nẵng, nơi cất cánh của lũ "thần sấm", "con ma" "pháo đài bay B52"... 
Chủ tịch Fidel Castro ở Quảng Trị năm 1973
Sau khi được thành lập, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã lãnh đạo quân và dân miền Nam đấu tranh giành nhiều thắng lợi lớn trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, thu hút sự đồng tình của đông đảo các lực lượng yêu chuộng tự do, công lý trên thế giới. Trước phong trào đấu tranh ngày càng sục sôi của nhân dân miền Nam, để tập hợp mọi lực lượng yêu nước chống Mỹ-ngụy, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 6/6/1969, Chính phủ CMLTCHMNVN ra đời, do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch là Bác sĩ Phùng Văn Cung (kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ), Giáo sư Nguyễn Văn Kiết, cụ Nguyễn Đóa, cùng 8 Bộ trưởng và 12 Thứ trưởng.
Bên cạnh, còn có Hội đồng cố vấn do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch; Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Phó Chủ tịch và 11 ủy viên... Lịch sử đã khẳng định, việc thành lập Chính phủ CMLTCHMNVN là kết quả đấu tranh lâu dài, gian khổ, nhưng rất anh dũng của quân và dân miền Nam, đánh dấu bước thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Chính phủ CMLTCHMNVN ra đời là sách lược sáng suốt của Cách mạng miền Nam, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nâng cao vị thế chính trị của ta trên trường quốc tế...
Đến giữa năm 1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng và sau đó, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết; với mục đích tạo thuận lợi các hoạt động ngoại giao, tiếp tục lãnh đạo cách mạng tiến tới thắng lợi hoàn toàn, Chính phủ CMLTCHMNVN quyết định chọn vùng đất thuộc thôn Tân Hòa (nay là thị trấn Cam Lộ), huyện Cam Lộ, Quảng Trị, đặt trụ sở làm việc. Từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tàu biển chở vật liệu xây dựng như: Xi măng, khung sườn bằng sắt, tốn, ván vào và 500 công nhân của Công ty Xây dựng số 8 tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ, do hai Thứ trưởng Bộ Xây dựng trực tiếp đôn đốc thi công suốt 25 ngày đêm, đã nhanh chóng hoàn tất công trình đưa vào sử dụng đúng vào ngày 6/6/1973, kỷ niệm lần thứ tư ngày thành lập Chính phủ CMLTCHMNVN.
Bia di tích trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN ở Cam Lộ, Quảng Trị
Khu trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN được xây dựng bao gồm 2 khu độc lập, trong đó khu A với 2 nhà làm việc của Chính phủ và Bộ Ngoại giao, 1 nhà ăn; còn khu B gồm 5 dãy nhà, trong đó có 2 nhà khách làm nơi lưu trú của các Đại sứ, 3 nhà còn lại là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo Đại sứ các nước, phóng viên báo chí, các nhân viên, cán bộ của Chính phủ...
Song, tại khu di tích Chính phủ CMLTCHMNVN ngày nay chỉ có Nhà làm việc của Chính phủ và nhà nghỉ của các Đại sứ; còn lại những dãy nhà khác chỉ là nền móng và bia đá ghi dấu. "Nhà làm việc của Chính phủ và nhà nghỉ của các Đại sứ được Bộ VHTT (cũ) đầu tư tôn tạo phục dựng cách đây khoảng 4 năm" - Anh Nguyễn Quang Chức giải thích tiếp rằng, sau năm 1975, khi Chính phủ CMLTCHMNVN kết thúc vai trò lịch sử của mình thì trụ sở được chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý. Không may, vào tháng 9/1985, bão số 8 đã tàn phá và đã hủy hoại hoàn toàn công trình...
Theo lời anh Chức, khi phục dựng lại kiến trúc và vật liệu xây dựng các ngôi nhà vẫn đảm bảo đúng nguyên gốc công trình được làm từ ban đầu. Ngay cả nội thất và đồ dùng bên trong nhà cũng như xưa, không có gì thay đổi...
Gian giữa của nhà Chính phủ là phòng giao tế, nơi tổ chức đại lễ ngoại giao, cũng là nơi Đại sứ các nước đến trình Quốc thư đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ CMLTCHMNVN. Anh Chức kể rằng, sau khi chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý, rồi bị bão số 8 tàn phá, dường như hiện vật tại trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN đã bị thất lạc và hư hỏng; chỉ còn hai chiếc quạt điện là hiện vật gốc. Từ những bức ảnh tư liệu đen trắng mờ nhạt, rồi lần theo lời kể của từng nhân chứng, Trung tâm Di tích - Danh thắng Quảng Trị đã giao nhiệm vụ cho các cán bộ, nhân viên thiết kế lại mẫu, tìm lại các cơ sở sản xuất đồ dùng trang trí nội thất ở Hà Nội để phục chế nguyên gốc các hiện vật, trong đó có những tấm thảm, bục gỗ, lọ hoa; những chậu cây, bàn tiếp khách, bàn làm việc, giường ngủ... của Chủ tịch Hội đồng cố vấn Nguyễn Hữu Thọ ở các gian bên phải và bên trái căn nhà.
Ngay tại gian giữa của nhà Chính phủ cũng đã diễn ra sự kiện quan trọng, đó là vào ngày 6/6/1973, Chính phủ CMLTCHMNVN làm lễ ra mắt nhân dân trong buổi mít tinh long trọng, trước sự chứng kiến của đại biểu 19 nước anh em bầu bạn tới dự và trình Quốc thư, cùng đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước. Vào cuối năm 1973, tại gian phòng cũng đã đón đồng chí Fidel Castro - Chủ tịch Đảng Cộng sản Cuba; đồng chí Jorger Marsel - Bí thư Đảng Cộng sản Pháp và nhiều đồng chí lãnh đạo các nước anh em tới thăm, cổ vũ nhiệt tình cuộc đấu tranh gian khổ của nhân dân miền Nam...
Trong gian phòng trưng bày của khu di tích trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN ghi nhận có hơn 40 nước cử Đại sứ đến trình Quốc thư đặt quan hệ ngạo giao và nhiều đoàn đại biểu quốc tế đến thăm. Và, cũng còn đây sắc luật khen thưởng nhân dân và cán bộ có công với cách mạng, cũng như những hình ảnh đoàn đại diện của Chính phủ CMLTCHMNVN đi thăm và đặt quan hệ ngoại giao với các nước anh em, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ cuộc chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta, tạo thêm vị thế Chính phủ trên trường quốc tế...
Lửa chiến tranh đã nguội tắt hơn một phần ba thế kỷ qua, song khu di tích trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN vẫn còn đó mãi mãi là bằng chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ, đầy đau thương, mất mát nhưng cũng rất đỗi oai hùng của quân và dân miền Nam; mãi mãi là biểu tượng khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam...
Theo Long Vân - Thanh Bình (Báo CAND Tết 2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét