Nắm chắc thời cơ, kịp thời chuyển hướng tác chiến chiến lược
QĐND - Tháng 8-1971, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta ra Nghị quyết mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng: Đông Nam Bộ (hướng chủ yếu), Tây Nguyên, Trị-Thiên (hướng phối hợp quan trọng), hình thành một cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam, nhằm tiêu diệt lớn quân địch, mở rộng vùng giải phóng, giữ vững quyền chủ động chiến lược. Bộ Chính trị chỉ rõ: Trên chiến trường miền Nam, ta sẽ đánh địch ở cả 3 vùng nông thôn đồng bằng, đô thị và miền núi; đánh bằng ba đòn tiến công chiến lược: Đòn thứ nhất của bộ đội chủ lực; đòn thứ hai của quần chúng nhân dân ở các vùng nông thôn đồng bằng quan trọng và đòn thứ ba kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao.
Bộ đội Sư đoàn 390 tiến công đánh chiếm căn cứ Cam Lộ (Quảng Trị) năm 1972. Ảnh tư liệu. |
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, đầu năm 1972, Bộ tổng tham mưu điều động lực lượng cho các hướng tác chiến chiến lược. Đầu tháng 3-1972, các đơn vị chủ lực tham gia tiến công trên các hướng đã lần lượt bí mật vào vị trí tập kết theo kế hoạch. Miền Đông Nam Bộ gồm 3 sư đoàn, 3 trung đoàn bộ binh, một số đơn vị binh chủng của Miền và lực lượng vũ trang địa phương; Bắc Tây Nguyên gồm 2 sư đoàn, 4 trung đoàn bộ binh và một số đơn vị binh chủng; Mặt trận Trị-Thiên gồm 3 sư đoàn, 2 trung đoàn bộ binh, các đơn vị binh chủng của Bộ, Quân khu Trị-Thiên và lực lượng vũ trang địa phương.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình địch, thực tế chiến trường và khả năng của ta, nhất là nắm bắt ý đồ, thế bố trí lực lượng của địch, Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định chuyển hướng tiến công phối hợp Trị-Thiên thành hướng tiến công chủ yếu, thay hướng miền Đông Nam Bộ; đồng thời, quyết định mở 3 chiến dịch tiến công quy mô lớn: Chiến dịch Trị-Thiên trên hướng chủ yếu, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên và Chiến dịch Bắc Bình Định trên hướng phối hợp quan trọng.
Chọn Trị-Thiên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu là quyết định sáng suốt, nhạy bén đúng thời cơ, sát tình hình, tạo thuận lợi cho ta phát huy tối đa ưu thế trên chiến trường Trị-Thiên, bởi đây là nơi bộ đội và nhân dân có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, lại là địa bàn liền kề hậu phương lớn miền Bắc; đồng thời, gây khó khăn cho địch ứng cứu, tăng viện vì không có lực lượng dự bị chiến lược, thiếu phòng bị… Như vậy, chọn Trị-Thiên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu, ta càng có điều kiện khoét sâu điểm yếu chí tử của địch. Trị-Thiên bị tiến công, sẽ là nhân tố tác động mạnh đến tinh thần, tư tưởng quân địch và làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho ta trên toàn chiến trường miền Nam. Xuất phát từ vị trí, vai trò là hướng tiến công chiến lược chủ yếu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nên Bộ tổng tư lệnh quyết định tổ chức Sở chỉ huy tiền phương ở Quảng Trị để trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch Trị-Thiên.
Nắm chắc thời cơ, chuyển hướng tác chiến kịp thời trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, là nét đặc sắc của nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Đảng ta. Điều đó thể hiện tầm tư duy, tài thao lược của Quân ủy Trung ương trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan khoa học tình hình mọi mặt về ta-địch, nhất là tầm quan trọng chiến lược của chiến trường Trị-Thiên. Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược đề ra, ngày 30-3-1972, bộ đội ta mở cuộc tiến công vào các tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch ở Đường 9-Bắc Quảng Trị, Kon Tum (Tây Nguyên). Trên hướng tiến công chiến lược chủ yếu Trị-Thiên, với sức mạnh vượt trội và bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ, bộ đội ta bắn pháo mãnh liệt, dồn dập vào các căn cứ chủ yếu, các trận địa pháo của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh, cùng với xe tăng đột phá vào các vị trí quân địch. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã đập tan hệ thống công sự, vật cản ở các căn cứ, khu vực phòng ngự vòng ngoài của địch. Trị-Thiên bị đánh bất ngờ, Mỹ và quân đội Sài Gòn vội vàng tung toàn bộ lực lượng dự bị chiến lược và điều quân ở các chiến trường khác về ứng cứu. Đây là thời cơ thuận lợi cho Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Chiến dịch Bắc Bình Định đẩy mạnh hoạt động tác chiến mở vùng, mở mảng. Theo đó, cả 3 chiến dịch trong cuộc tiến công chiến lược đã phối hợp nhịp nhàng, làm chủ hoàn toàn, buộc địch phải hành động theo ý định của ta.
Cùng với đòn tiến công trên mặt trận Trị-Thiên, Bắc Tây Nguyên, Bắc Bình Định, bộ đội ta mở cuộc tiến công ở các mặt trận Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Cuộc tiến công chiến lược của ta đã làm cho Mỹ-chính quyền Sài Gòn hoàn toàn bất ngờ cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, buộc địch phải phân tán lực lượng, thụ động đối phó và chịu những thiệt hại nặng nề. Đến giữa năm 1972, cuộc tiến công chiến lược của ta đã giành thắng lợi to lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, tạo nên bước chuyển biến nhanh chóng về cục diện chiến trường, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho ta. Thắng lợi này đã mở ra một thế mới cho mặt trận đấu tranh ngoại giao của ta trên trường quốc tế, tạo thuận lợi cho ta phát triển thế tiến công quân sự trong những tháng cuối năm 1972 ở cả hai miền Nam-Bắc, giành thêm những thắng lợi quyết định.
Đại tá, TS Dương Đình Lập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét