Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ - Thắng lợi bước ngoặt trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước


Giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ - Thắng lợi bước ngoặt trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước


Thượng tướng Nguyễn Thành Cung
(Ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)

 
Sự kiện giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu kiên cường bảo vệ Thành Cổ của quân và dân ta đã góp phần tạo bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nằm trong tính toán chiến lược đã được chuẩn bị chu đáo, từ rất sớm, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 quy mô lớn trên toàn miền Nam, nhằm giành thắng lợi quyết định buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng theo điều kiện của ta. Theo đó, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 được triển khai trên ba hướng: miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Trị - Thiên; lấy Trị - Thiên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu1.
Nhiệm vụ của hướng tiến công chiến lược chủ yếu Trị - Thiên được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác định là: Tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng quân sự địch ở Trị - Thiên (cơ bản tiêu diệt cho được hai sư đoàn và đánh thiệt hại nặng một sư đoàn khác); phối hợp giữa đòn tiến công quân sự của chủ lực cơ động với phong trào nổi dậy của quần chúng ở nông thôn đồng bằng, các đô thị, làm tan rã đại bộ phận bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự, đánh bại kế hoạch bình định của địch; có điều kiện thì kiên quyết giải phóng toàn bộ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên; phân tán, thu hút, giam chân lực lượng địch, phối hợp chặt chẽ với các chiến trường toàn Miền, góp phần giành thắng lợi chung của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 .
Phương châm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng là phải nắm thật vững vấn đề đánh tiêu diệt, không cho địch co cụm lớn; phối hợp chặt chẽ giữa các hướng, giữa đòn tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng và binh vận. Chỉ huy tác chiến phải kiên quyết, chủ động, cơ động linh hoạt, chắc thắng nhưng rất táo bạo; vừa tiêu diệt vừa làm tan rã địch, lấy tiêu diệt là chủ yếu; tiêu diệt địch và phá vỡ phòng tuyến địch có trọng điểm, đồng thời đánh thọc sâu táo bạo; kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng làm đảo lộn thế trận của địch; luôn luôn có lực lượng dự bị mạnh, có vật chất dự trữ; phát huy sức cơ động của bộ đội vừa tác chiến vừa củng cố.
Quán triệt phương châm chỉ đạo đó, quân và dân ta đã tiến hành cuộc tiến công chiến lược Trị - Thiên kéo dài 10 tháng, giành thắng lợi lớn, giải phóng về cơ bản tỉnh Quảng Trị. Thắng lợi này cùng với những thắng lợi của các hướng tiến công chiến lược khác toàn miền Nam đã làm thất bại một bước rất quan trọng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ. Thêm nữa, quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích bằng không quân chiến lược của Mỹ vào Hà Nội - Hải Phòng 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, thực sự làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, rút quân viễn chinh ra khỏi miền Nam Việt Nam. Đến đây, quân và dân ta đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "đánh cho Mỹ cút”, tạo thế chiến lược mới, để tiến tới "đánh cho ngụy nhào".
Với thắng lợi trên chiến trường Quảng Trị năm 1972, lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch1, giải phóng phần lớn tỉnh Quảng Trị và kiên cường đánh bại các cuộc phản công chiến lược của địch (tiêu biểu nhất là 81 ngày, đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị), cơ bản giữ được vùng giải phóng. Tỉnh Quảng Trị - địa đầu của miền Nam, là cầu nối giữa tiền tuyến lớn miền Nam với hậu phương lớn miền Bắc sau 18 năm dưới ách kìm kẹp của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã được giải phóng gần như hoàn toàn, đời sống nhân dân được ổn định, thực sự tạo ra lợi thế mới cho cách mạng miền Nam. Huyện Cam Lộ, thị xã Đông Hà của Quảng Trị trở thành nơi đặt trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nơi đón tiếp các phái đoàn quốc tế, trong đó có Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Phiđen Caxtơrô khi cuộc chiến đấu đánh địch lấn chiếm của quân và dân ta trên chiến trường Quảng Trị đang diễn ra quyết liệt.
Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu kiên cường bảo vệ Thị xã, Thành Cổ Quảng Trị là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Theo ước tính, sơ bộ tổng khối lượng bom đạn địch trút xuống thị xã Quảng Trị và các vùng xung quanh trong hơn hai tháng (từ tháng 7 đến tháng 9-1972), con số tương đương với 7 quả bom nguyên tử đã tàn phá hoàn toàn thành phố Hirôsima1. Mặc dù bị bom, đạn địch cày xới, tàn phá cực kỳ khốc liệt nhưng quân và dân ta trên chiến trường Quảng Trị vẫn kiên cường trụ bám, đánh địch, bảo vệ vững chắc những thành quả đã giành được của mình.
Thắng lợi này khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình, đúng đắn và kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; sự chỉ đạo sáng tạo, kiên quyết của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch. Các cấp lãnh đạo, chỉ đạo của ta đã phân tích và lượng định đúng tình hình, thời cơ, hạ quyết tâm mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam vào thời điểm có lợi nhất trên một hướng chiến lược quan trọng; vận dụng sáng tạo chiến lược chiến tranh nhân dân, từ chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy và kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích, kiên quyết sử dụng đúng lúc sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, binh chủng trên chiến trường Trị - Thiên, giành thắng lợi quyết định. Nghệ thuật tổ chức chiến trường, tạo thế trận chiến lược của ta là hoàn toàn chính xác, sáng tạo; phát huy được sức mạnh tổng hợp vô địch của một nước nhỏ đánh thắng một kẻ thù giàu và mạnh. Chỉ đạo cách đánh chiến dịch và chiến thuật tài giỏi, linh hoạt; khi chiến đấu, luôn giành quyền chủ động; thắng không dừng tiến công; trong khó khăn không dao động mà từng bước chuyển hóa thế trận, chuyển loại hình chiến dịch phù hợp để giành chủ động trong bị động, phá thế mạnh của quân địch, giành toàn thắng.
Đã 40 năm trôi qua, song những bài học kinh nghiệm được rút ra từ sự kiện giải phóng Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng trị và Thành Cổ vẫn còn nguyên giá trị, cần phải được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau.
Một là, với tinh thần độc lập, tự chủ, kịp thời hoạch định và quyết định chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo điều hành cuộc chiến tranh.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Việt Nam luôn chủ động, độc lập về đường lối cách mạng, kịp thời quyết định những vấn đề có ý nghĩa chiến lược, xoay chuyển tình thế cuộc chiến tranh. Để chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972, ngay từ giữa năm 1971, trong thư gửi Trung ương Cục và các khu ủy miền Nam, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn khẳng định: "… thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của ta năm 1971, việc Mỹ phải rút thêm quân cuối năm nay và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1972 là những sự kiện do trùng hợp với nhau mà tạo nên thời cơ thuận lợi. Thời cơ đó mở ra cho chúng ta triển vọng giành thắng lợi lớn trong năm sắp tới, đồng thời cũng đòi hỏi chúng ta phải cố gắng ở mức cao nhất giành lấy thắng lợi lớn nhất, làm cho Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, quân Mỹ phải rút hết và ngụy quân, ngụy quyền phải suy yếu một bước nghiêm trọng. Mọi hoạt động của bộ đội chủ lực là phải tranh thủ thời cơ, giành cho được thắng lợi thật lớn, có ý nghĩa quyết định…"1. Quyết tâm chiến lược đó và kết quả của cuộc tiến công quân sự của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, nhất là Trị - Thiên, đã nhanh chóng giải phóng được về cơ bản tỉnh Quảng Trị, thực sự gây bất ngờ đối với Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu (bất ngờ về không gian, thời gian, quy mô lực lượng sử dụng).
 Quyết không để mất địa bàn chiến lược này, Mỹ và chính quyền Sài Gòn gấp rút tập trung lực lượng và hỏa lực, với hầu hết lực lượng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn, được sự chi viện tối đa hỏa lực của Mỹ (không quân, kể cả không quân chiến lược và hải quân bao gồm cả Hạm đội 7), liên tục tổ chức các cuộc hành quân tái chiếm các vùng giải phóng của ta ở Quảng Trị như: Cuộc hành quân Lam Sơn 72, 72A, Sóng Thần 9, Sóng Thần 36, Sóng Thần 45, Sóng Thần 18, Tăngô Xity. Mục tiêu của địch là phải đánh chiếm bằng được thị xã Quảng Trị trước ngày 13-7-1972 (ngày họp trở lại của Hội nghị Pari) để mặc cả và gây sức ép với Việt Nam trên bàn đàm phán.
Nhưng mọi cố gắng của chúng đã không mang lại kết quả. Quân và dân ta đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên cường chiến đấu, trụ bám, đánh bại các đợt phản kích của địch, giữ vững các vùng đất giải phóng; đồng thời, chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đập tan cuộc tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B.52 vào Hà Nội và Hải Phòng, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari theo các điều kiện của ta, rút quân viễn chinh Mỹ và quân đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam.
Như vậy, chúng ta đã thành công trong chủ động căng, kéo, phân tán lực lượng địch ra để quyết chiến và tiêu diệt chúng theo ý đồ chiến lược của ta; tạo được ưu thế trong đàm phán và thúc đẩy đàm phán với Mỹ sớm đi tới một giải pháp chính trị kết thúc cuộc chiến tranh có lợi nhất. Thực tiễn đã khẳng định, chủ trương chiến lược này của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo. Và đây cũng thực sự là một bài học kinh nghiệm có giá trị, cần phải được vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mai sau.
Hai là, chủ động tập trung khối chủ lực mạnh, đánh đòn có tính chất bước ngoặt, kịp thời xoay chuyển cục diện cuộc chiến tranh.
Yêu cầu chiến lược đối với hướng tiến công Trị - Thiên năm 1972 là nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng quân sự địch, giải phóng những vùng đất đai rộng lớn, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng địch - ta, buộc Mỹ phải chấp nhận một giải pháp chính trị kết thúc chiến tranh theo điều kiện của Việt Nam; đồng thời chuẩn bị đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược nặng nề này, chúng ta đã chủ động tập trung một khối binh lực lớn trên hai hướng Quảng Trị và Thừa Thiên (quân số khoảng hơn 4 sư đoàn)1. Tháng 6 và tháng 7-1972, Bộ Quốc phòng tiếp tục điều động thêm 3 sư đoàn: Sư đoàn 320, Sư đoàn 312 và Sư đoàn 325 vào tăng cường cho chiến trường Quảng Trị. Đây là những sư đoàn chủ lực thiện chiến, có truyền thống và bề dày kinh nghiệm, đã trưởng thành trong chiến tranh của quân đội ta. Lực lượng của ta sử dụng trên chiến trường này có thể nói là lớn nhất từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cho tới năm 1972, cả về không gian, thời gian, quy mô lực lượng sử dụng và mức độ ác liệt. Việc tập trung một khối binh lực lớn như vậy cho thấy vị trí cực kỳ quan trọng của hướng tiến công Trị - Thiên trong tính toán chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Với khối binh lực mạnh đó, quân và dân ta bất ngờ tiến công, về cơ bản giải phóng tỉnh Quảng Trị ngay từ đầu chiến dịch, phá tan hệ thống phòng ngự kiên cố, vững chắc nhất ở miền Nam do Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng, hoàn chỉnh từng bước trong gần 20 năm; kiên cường chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị và Thành Cổ suốt 81 ngày đêm, xây dựng và giữ vững thế trận phòng ngự trong điều kiện vô cùng khốc liệt1, giữ vững thành quả giành được, hỗ trợ đắc lực cho Hội nghị Pari đang trong giai đoạn đàm phán quyết định với Mỹ.
Cùng với tập trung khối chủ lực, lực lượng tại chỗ đã chủ động phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực luồn sâu, vu hồi đánh chia cắt chiến dịch, gây rối loạn sau lưng địch, diệt ác, phá kìm, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy đấu tranh, góp phần vào thắng lợi chung.
Mặc dù có những ưu điểm lớn về sử dụng khối binh lực như trên, nhưng thực tế việc sử dụng binh lực tại chiến trường Quảng Trị vẫn còn một số điểm bất hợp lý cần rút kinh nghiệm, nhất là vấn đề lực lượng dự bị chiến lược và bổ sung vật chất, phương tiện chiến tranh.
Có thể nói, vấn đề tổ chức và sử dụng đúng lúc, kịp thời khối binh lực mạnh, giáng đòn quyết định trong những thời điểm bước ngoặt về chiến lược luôn luôn là bài học lịch sử có ý nghĩa cốt tử, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chiến tranh; trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện nay, chúng ta đang hướng tới xây dựng một quân đội, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Vì thế, việc tập trung phát triển lực lượng nào, cơ cấu, tỷ lệ ra sao rất cần phải được tính toán cẩn trọng, quyết định đúng đắn để có thể phát huy tối đa được sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi trong bất cứ tình huống nào.
Ba là, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao vì mục tiêu "đánh cho Mỹ cút".
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao có quan hệ mật thiết, tác động lẫn nhau, hỗ trợ cho nhau, cùng thúc đẩy sự nghiệp cách mạng phát triển mạnh mẽ đến thắng lợi hoàn toàn. Đảng ta đã chỉ rõ: "đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường"1. Sự phối hợp giữa ba mặt trận này qua mỗi giai đoạn, thời kỳ của cuộc kháng chiến hết sức nhịp nhàng và hiệu quả. Nếu như trước năm 1968, khi đàm phán với Mỹ chưa có lợi, Việt Nam kiên trì đẩy mạnh đấu tranh quân sự và chính trị giành nhiều thắng lợi lớn. Cuộc tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ các vùng giải phóng của quân và dân ta diễn ra giữa lúc Hội nghị Pari bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đang trong thời điểm quyết định, chuẩn bị một giải pháp chính trị đi tới kết thúc cuộc chiến tranh. Cả phía ta và Mỹ đều nỗ lực tính tới yếu tố lấy thắng lợi trên chiến trường làm điều kiện ưu thế trong thương lượng, lấy Quảng Trị làm chiến trường chủ yếu đọ sức giữa hai bên để tạo ra bước ngoặt lịch sử quan trọng. Vì vậy, yêu cầu nhiệm vụ đối với chiến trường Quảng Trị rất nặng nề, vừa phải phối hợp tác chiến nhịp nhàng, chặt chẽ với các hướng chiến trường khác để đạt cho được mục tiêu chiến lược đề ra, lại vừa phải phục tùng nhiệm vụ chính trị, kết hợp với đấu tranh ngoại giao giành thắng lợi trên bàn đàm phán.
Quân và dân ta trên chiến trường Quảng Trị đã nêu cao ý chí tiến công, kiên cường chiến đấu tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng gần như toàn bộ tỉnh Quảng Trị, bảo vệ thị xã và Quảng Trị Thành Cổ suốt 81 ngày đêm dưới mưa bom, bão đạn của quân thù; giữ vững được các vùng mới giải phóng, hoàn thành xuất sắc yêu cầu, nhiệm vụ chiến lược đặt ra.
Thắng lợi này cùng với thắng lợi của "Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972, thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ ở Đông Nam Bộ, Chiến dịch Tây Nguyên góp phần tạo ưu thế cho Việt Nam trên bàn hội nghị, buộc Chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27-l-1973).
Bài học kinh nghiệm được rút ra là trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào, ba mặt đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao đều có vai trò quan trọng, quan hệ mật thiết, thúc đẩy, tác động lẫn nhau hướng tới mục tiêu giành thắng lợi cuối cùng. Nhiệm vụ đặt ra đối với từng mặt trận tại mỗi thời điểm lịch sử hoàn toàn khác nhau. Để giành thắng lợi lớn, đạt được mục tiêu chiến lược đặt ra, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo, chỉ huy quyết đoán, kịp thời, phối hợp nhịp nhàng giữa ba mặt đấu tranh này để vừa hạn chế tối đa tổn thất hy sinh mà vẫn giành được thắng lợi.
Bốn là, xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp của hậu phương và tiền tuyến, của lực lượng vũ trang ba thứ quân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Đánh địch trong thế trận chiến tranh nhân dân bằng lực lượng vũ trang ba thứ quân là một lợi thế của ta, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Điều đó cần phải được vận dụng một cách linh loạt và sáng tạo; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn nhằm phát huy hiệu quả sức mạnh của từng lực lượng trong suốt quá trình chiến đấu. Trên địa bàn Quảng Trị năm 1972, bộ máy kìm kẹp của địch khá mạnh, được xây dựng và tổ chức chặt chẽ đến tận xã, ấp. Muốn hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Quảng Trị, nhất thiết phải có đòn tiến công quyết định của bộ đội chủ lực nhưng không thể thiếu sự phối hợp tác chiến hết sức quan trọng của các lực lượng vũ trang địa phương và nổi dậy của quần chúng nhân dân.
Trong chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị, khi bộ đội chủ lực tập trung đánh vào các đơn vị chủ yếu của địch, thì bộ đội địa phương (được tăng cường một số đơn vị chủ lực) cũng đánh mạnh vào bộ máy kìm kẹp địch, khiến chúng rối loạn, rút bỏ hàng loạt căn cứ lớn, nhỏ như Dốc Miếu, Quán Ngang, Bến Ngự, Cửa Việt,… tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy giải phóng hai huyện Gio Linh và Cam Lộ. ở hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp chặt với Trung đoàn 27 và một bộ phận bộ binh cơ giới mở mũi vu hồi thọc sâu, vừa tiêu diệt địch chia cắt chiến dịch, vừa diệt ác phá kìm, hỗ trợ cho quần chúng nhân dân nổi dậy, góp phần giải phóng hoàn toàn vùng đồng bằng Quảng Trị. Sau khi giải phóng Quảng Trị (ngày 2-5-1972), bước vào thời kỳ phòng ngự, lực lượng vũ trang địa phương (Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 8 của Quảng Trị và lực lượng an ninh vũ trang, tự vệ của Thị xã) đã phối hợp nhịp nhàng với bộ đội chủ lực kiên cường chiến đấu chốt giữ các mục tiêu phòng ngự, các trận địa, đánh bại các đợt tiến công của địch. Tuy về cơ bản có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng trong cuộc tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị, chiến đấu bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị, nhưng vẫn còn có thời điểm sự phối hợp chưa được ăn ý, nhịp nhàng, làm tổn thất lực lượng, giảm hiệu suất chiến đấu.
Quân và dân ta chiến đấu và trụ bám được trên mảnh đất địa đầu giới tuyến khốc liệt này suốt trong 21 năm chống Mỹ, cứu nước nói chung và năm 1972 nói riêng là bởi có niềm tin và sự hậu thuẫn, to lớn của hậu phương miền Bắc. Hàng vạn tấn vật chất, vũ khí, đạn dược; hàng vạn con em của miền Bắc đã chi viện, tiếp sức cho chiến trường Quảng Trị năm 1972 đánh Mỹ và quân đội Sài Gòn, giành thắng lợi.
Có thể nói, bài học về đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp giữa hậu phương và tiền tuyến giữa chủ lực cơ động với lực lượng tại chỗ cùng đánh địch bằng lực lượng vũ trang ba thứ quân trong thế trận chiến tranh nhân dân, là một bài học kinh nghiệm cần phải luôn được quán triệt.
Năm là, nắm chắc địch, đánh giá đúng so sánh lực lượng, kịp thời chuyển hóa thế trận, phương thức tác chiến cho phù hợp.
Nắm chắc địch là phải thấy rõ được bản chất, âm mưu, các thủ đoạn của chúng trong toàn bộ cuộc chiến tranh, trên chiến trường toàn Miền và từng chiến trường cụ thể; đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng địch - ta để rút ra những kết luận khách quan, xử trí kịp thời các tình huống, đặc biệt trong những thời điểm bước ngoặt về chiến lược.
Thực tế khi quân và dân ta tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị, ta tạo được ưu thế vượt trội trong so sánh lực lượng với địch: về bộ binh và pháo binh, ta: 1,4, địch: 1; có hệ thống tên lửa, cao xạ bắn máy bay có hiệu quả; có lực lượng xe tăng thiết giáp mạnh; các lực lượng chiến dịch được triển khai sẵn sàng trên các địa bàn có lợi; thực hiện tốt nghi binh chiến lược và giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ về phương án tác chiến chiến dịch; công tác bảo đảm hậu cần tốt. Mặt khác, ta cũng chọn hướng tiến công chủ yếu chính xác và có cách đánh phù hợp. Lúc đầu, ta định chọn hướng tây nam Quảng Trị, vì địch yếu và tương đối sơ hở nhưng bởi chưa chuẩn bị được hệ thống đường sá và bảo đảm vật chất để triển khai lực lượng nên quyết định chọn hướng tây và tây bắc làm hướng tiến công chủ yếu, bởi trên hướng này tuy địch mạnh, công sự kiên cố nhưng vẫn có sơ hở nhất định; trong khi đó, ta lại chuẩn bị được hệ thống đường sá để triển khai lực lượng, nhất là binh khí kỹ thuật và có điều kiện bảo đảm vật chất. Từ việc chọn chính xác hướng tiến công chủ yếu, Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm tập trung binh lực tiêu diệt những mục tiêu quan trọng như các cứ điểm 544, Động Toàn, 241,… thuộc hệ thống phòng ngự vòng ngoài của địch, khiến cho hệ thống này nhanh chóng bị đập tan. Phát triển tiếp thế tiến công, quân ta tập trung diệt cụm phòng ngự chủ yếu của địch ở Đông Hà; đồng thời, đưa Sư đoàn 324 tạo mũi chia cắt chiến dịch đánh phía nam, Trung đoàn 27 tạo mũi thọc sâu vu hồi và bộ binh cơ giới từ phía đông đánh vào quận lỵ Triệu Phong, Hải Lăng. Khi cụm phòng ngự của địch ở Đông Hà bị đập tan đã khiến toàn bộ hệ thống phòng ngự của chúng ở Quảng Trị nhanh chóng bị tan vỡ, quân và dân ta giải phóng về cơ bản tỉnh Quảng Trị.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, theo Đại tướng Lê Trọng Tấn - nguyên Tư lệnh Chiến dịch Trị - Thiên, thì cần thấy hết bài học lớn của chiến dịch tiến công Trị - Thiên, đã chậm chuyển từ chiến dịch tiến công sang lâm thời phòng ngự vì không thấy hết so sánh lực lượng lúc đó giữa ta và địch đã thay đổi1, để từ đó kịp thời chuyển phương thức tác chiến cho phù hợp, vì vậy ta có gặp khó khăn, tổn thất, lúng túng, bị động nhất định.
Có thể thấy nắm chắc địch, đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng, kịp thời tìm ra phương thức tác chiến thích hợp là một bài học kinh nghiệm quý báu; là mấu chốt, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi trong chỉ đạo điều hành bất cứ cuộc chiến tranh nào. Tại mỗi thời điểm và trên những địa bàn khác nhau, có những đặc thù khác nhau, đòi hỏi người chỉ đạo, chỉ huy phải luôn luôn sáng suốt, tránh chủ quan, có tầm nhìn toàn diện, phán đoán đúng, quyết đoán nhanh, chính xác mới giành được thắng lợi.
Năm tháng sẽ qua đi nhưng mỗi chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường kỳ, gian khổ, ác liệt, trong đó có sự kiện giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị và Thành Cổ năm 1972, sẽ mãi không bao giờ mờ phai trong ký ức của lớp lớp các thế hệ con người Việt Nam và bè bạn quốc tế. ý nghĩa thắng lợi và những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra từ sự kiện lịch sử quan trọng này vẫn còn nguyên giá trị, cần phải tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng, phát huy cao độ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.


1. Gồm 83.790 tên, thu và phá hủy 3.685 khẩu pháo, 2.143 xe ôtô các loại, 1.181 xe tăng, 3.869 khẩu súng các cỡ, phá hủy 714 máy bay, 28 tàu chiến, v.v.. Đặc biệt là đánh thiệt hại nặng 2 sư đoàn dự bị chiến lược tinh nhuệ nhất của quân đội Sài Gòn. Sư đoàn 3 bộ binh - sư đoàn thiện chiến của Quân đoàn 1 Quân khu 1 của quân đội Việt Nam Cộng hòa cơ bản bị xóa sổ.
1. Dẫn theo Báo Nhân Dân, số ra ngày 2-9-1972.
1. Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 272.
1. Hướng Quảng Trị gồm: 3 sư đoàn bộ binh cơ động 304, 308, 324 (thiếu Trung đoàn 3); 2 trung đoàn độc lập 48, 27; 4 tiểu đoàn độc lập 2, 3, 15, 47; 6 tiểu đoàn đặc công thuộc Bộ Tư lệnh Đặc công và 2 tiểu đoàn thuộc 2 sư đoàn bộ binh; 6 trung đoàn pháo thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh và 2 trung đoàn thuộc Sư đoàn 304, 308; Trung đoàn pháo mang vác 84 (ngoài ra còn 2 đại đội tên lửa diệt xe tăng B.72); 3 sư đoàn pháo cao xạ, trong đó, Sư đoàn 367 ở phía trước, còn 2 sư đoàn bảo vệ phía sau; 2 trung đoàn tên lửa 275 và 236; 5 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp; 2 trung đoàn công binh công trình 219, 249 và 6 tiểu đoàn công binh khác; 4 đại đội hóa học; 5 tiểu đoàn thông tin; tiểu đoàn ôtô vận tải 32 của B.5 và 14 đại đội ôtô vận tải của các binh chủng, Trung đoàn 126 Hải quân. Hướng Thừa Thiên gồm: Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn bộ binh 324, Trung đoàn bộ binh 6; 3 tiểu đoàn đặc công 3, 7, 12. Tiểu đoàn pháo binh Đ 74; 1 tiểu đoàn cối 120 mm; 1 đại đội B.72, 1 tiểu đoàn cao xạ; 1 tiểu đoàn súng máy cao xạ 14,5 mm, Trung đoàn công binh 414; 2 tiểu đoàn công binh độc lập; 1 tiểu đoàn thiết giáp; 1 tiểu đoàn thông tin; 1 tiểu đoàn ôtô. Lực lượng vũ trang địa phương tham gia vào chiến dịch này còn có 7 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn và 1 đại đội đặc công; gần 20 đại đội đặc công các huyện thuộc hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, v.v..
1. Nguyễn Văn Thiệu đã phải tung hầu hết các lực lượng tinh nhuệ và dự bị chiến lược vào chiến trường Quảng Trị. Sau khi quân và dân ta giải phóng Quảng Trị, Mỹ chi viện hỏa lực cho quân đội Sài Gòn cao hơn cả thời kỳ chi viện cho bộ binh Mỹ chiến đấu. Địch tập trung khối lượng bom đạn lớn nhất của cuộc chiến tranh, trong đó có 97% số phi vụ do lực lượng không quân của Mỹ tham gia để ném vào Quảng Trị.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t.28, tr. 174.
1. Xem Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Hướng tiến công chiến lược Trị - Thiên năm 1972, Hà Nội, 1987, tr. 173-174.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét