Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Phát huy truyền thống quê hương cao trào Xô Viết- Nghệ Tĩnh


Phát huy truyền thống quê hương cao trào Xô Viết- Nghệ Tĩnh

Ngày 12/9/1930, hơn 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên tập trung ở đình Xuân Hòa, kéo ra ga Yên Xuân rồi tiến về phủ Hưng Nguyên đưa yêu sách cho tri phủ, bỏ sưu, giảm thuế, đòi ruộng đất cho dân cày.
80 năm đã trôi qua, nhưng những dấu ấn của cuộc biểu tình năm ấy vẫn luôn là niềm tự hào của mỗi một người dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Phát huy truyền thống của cha ông, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đang vững bước trên con đường đổi mới, mảnh đất nơi đây đang từng ngày khởi sắc.
Trong lần thứ 2 về thăm quê năm 1961, khi dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc biểu tình ngày 12/9 Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Máu của các liệt sĩ và quần chúng cách mạng đã đổ xuống mảnh đất này, chúng ta phải xây dựng và bảo vệ khu vực này thành một khu di tích lịch sử cách mạng”.
Tâm niệm lời dạy của Bác, cùng với ngành văn hóa tỉnh, huyện Hưng Nguyên đã và đang nỗ lực bảo tồn, xây dựng nơi đây thành một quần thể di tích đầy ý nghĩa. Tiêu biểu có Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh - công trình mang tính tâm linh nhằm tri ân sự hy sinh to lớn của của 217 người con ưu tú trong cuộc biểu tình ngày 12/9/1930.
Công trình được xây dựng trên diện tích 22 ha với tổng kinh phí dự kiến trên 360 tỷ đồng. Gói thầu số 1 gồm 5 hạng mục chính như tường bao, cổng phù điêu, mộ và đền thờ đang gấp rút được hòan thành.
Gắn với sự kiện lịch sử ngày 12/9/1930, Hưng Nguyên còn có một Di tích lịch sử là Đền Xuân Hòa thuộc tổng Phù Long (nay thuộc xóm 11 A xã Hưng Long). Nơi đây chính là điểm xuất phát của quần chúng cách mạng tập trung mít tinh đi biểu tình, treo cờ búa liềm trên cây Trôi, phát hiệu lệnh đấu tranh của tòan phủ Hưng Nguyên vào hồi 3 giờ sáng ngày 12/9. Hiện đền đã được chính quyền địa phương trùng tu, tôn tạo xây dựng và phục chế lại theo ý nguyện của người dân. Những ngày này, trong các giờ học lịch sử, học sinh lại có thêm một điểm đến tham quan, nơi ghi lại những giá trị truyền thống lịch sử của cha ông.
Cô Nguyễn Thị Phương Mai, Giáo viên Trường Trung học Cơ sở xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên tự hào nói: “Chúng tôi rất tự hào được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất mang dấu ấn lịch sử của cha ông. Là giáo viên ngoài việc không ngừng phấn đấu học tập, tôi còn phải có trách nhiệm là người giới thiệu, truyền giảng lại cho thế hệ mai sau về hào khí, về sức mạnh kiên cường của cha ông, của những người dân Hưng Nguyên trong những ngày đầu có Đảng, và vì sao có cuộc biểu tình của 8.000 nông dân Hưng Nguyên 80 năm về trước đã đi vào lịch sử của dân tộc”.
Làng Phù Xá được xem là vùng có phong trào đấu tranh mạnh nhất. Dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng, tự vệ đỏ đã treo cờ búa liềm trên cột nanh đền Phù Xá.
Nơi đây bà Nguyễn Thị Phia đứng lên vạch trần tội ác bọn phong kiến. Vùng quê này bây giờ đã là một thị tứ sầm uất. Tốc độ kinh tế hàng năm đạt 15 - 17%, thu nhập bình quân đầu người 10,3 triệu đồng/người/năm, cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, hệ thống kênh mương khép kín, y tế và trường học đều đạt chuẩn quốc gia.
Thái Lão - mảnh đất nhuộm máu của 217 liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc biểu tình và hàng trăm người bị thương nay đã là một thị trấn vùng ven thành phố đang từng bước trên con đường hội nhập. Trên địa bàn thị trấn hiện có 20 công ty tư nhân hoạt động, 4 siêu thị tổng hợp cùng hàng trăm nhà hàng ki ốt. Những năm gần đây, nguồn thu từ dịch vụ thương mại đạt trên 30 tỷ đồng, cuộc sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Sau hơn 20 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, huyện H­ưng Nguyên đã tạo được những bư­ớc chuyển mạnh mẽ. Cuộc cách mạng về nông nghiệp, nông thôn vẫn đang diễn ra trong mỗi làng quê. Gần 2.000 ha trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang đầu t­ư nuôi trồng thủy sản đem lại giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần cây lúa. Con số thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm không còn là mơ ước mà đã trở thành hiện thực.
Hiện nay, Hưng Nguyên có 142 trang trại tiêu biểu, trong đó có 18 trang trại chăn nuôi, 10 trang trại nuôi trồng thủy sản, 4 trang trại lâm nghiệp và 110 trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp.
Vùng quê ven đô này ngày càng xuất hiện nhiều những mô hình sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, tỷ trọng công nghiệp, ngành nghề dịch vụ đang nhích dần lên con số 35-37%, đúng như­ lộ trình phấn đấu của nền kinh tế đa ngành, đa nghề mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Cũng trên vùng đất này, nhiều dự án đã và đang là điểm đến cho các các nhà đầu tư trong nước. Dự án nhà máy bia Sài Gòn với công suất 100 triệu lít/năm đã đ­i vào hoạt động.
Giữa vùng quê nông nghiệp mọc lên một nhà máy công nghiệp có tầm cỡ, đủ để H­ưng Nguyên mừng vui và kỳ vọng. Khu công nghiệp vừa và nhỏ của huyện với diện tích 50 ha đã đư­ợc quy hoạch và đang quảng bá thu hút đầu t­ư.
Đây sẽ là những điểm nhấn trong bức tranh kinh tế H­ưng Nguyên, mở ra hư­ớng phát triển mới trong tư­ơng lai. Những con đ­ường mới rộng mở cho cả Hưng Nguyên khơi nguồn tiềm năng du lịch.
Huyết mạch giao thông đang đ­ược nối dài tạo điều kiện cho sự phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Ông Hoàng Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên cho biết: “Chúng tôi tập trung làm tốt công tác giáo dục tư tưởng đặc biệt là Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mục đích của việc làm này nhằm tạo nhận thức trong đội ngũ cán bộ đảng viên thực hiện tốt Nghị quyết Đai hội Đảng các cấp, triển khai có hiệu quả các nguồn lực để rồi phát triển kinh tế xã hội, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tập trung làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt là đào tạo cho cán bộ và đào tạo tay nghề cho người lao động”.
Đã 80 năm trôi qua, nhưng âm vang của cuộc biểu tình 12/9/1930 đã, đang và sẽ vang vọng mãi truyền thống cách mạng kiên cường của người dân nơi đây.
Phát huy truyền thống của vùng quê cách mạng, tiếp bước hào khí của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Đảng bộ và nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đang tạo bước đột phá về kinh tế xã hội, chuyển mình đi lên, chủ động hội nhập và phát triển, xứng đáng với quê hương giàu truyền thống cách mạng, anh hùng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét