Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Khe Sanh: “Cụm chiến lược” thất bại của đế quốc Mỹ


Khe Sanh: “Cụm chiến lược” thất bại của đế quốc Mỹ
Khe Sanh là một thị trấn thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), nằm trong một thung lũng rộng phía Tây QL 9, cách biên giới Việt Nam - Lào hơn 10 km.
Do bị động trên toàn chiến trường miền Nam, tướng Mỹ là Oét-mo-len đã liều lĩnh đưa một số lượng lớn quân tinh nhuệ lên đóng chốt ở Khe Sanh, biến nơi đây thành “cụm chiến lược” có vị trí “mỏ neo” then chốt và “bất khả xâm phạm” nhằm phong tỏa biên giới Việt - Lào, cô lập miền Nam với miền Bắc theo ý đồ của quân đội Mỹ.

“Cụm chiến lược” Khe Sanh chủ yếu gồm ba cứ điểm chính là Làng Vây, Khe Sanh và Tà Cơn. Ngoài ra Mỹ còn đưa quân chiếm đóng một số điểm cao ở xung quanh. Trong đó Tà Cơn có sân bay và là cứ điểm quan trọng nhất. Cả ba cứ điểm hợp thành khu tam giác phòng thủ, do 5 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, 1 tiểu đoàn biệt động ngụy và hơn 10 đại đội ngụy khác có cố vấn Mỹ đi kèm đóng giữ. Tổng cộng khoảng 7 nghìn quân (gồm 6 nghìn lính Mỹ), dưới quyền chỉ huy của Đại tá Lao-đơ. Ngoài ra, khi Khe Sanh bị ta vây hãm còn có hơn 4 vạn lính Mỹ khác được đưa tới nằm chờ ở ven Đường số 9 sẵn sàng ứng cứu. Để giữ Khe Sanh, địch xây dựng nhiều công sự, hầm ngầm kiên cố, trang bị nhiều vũ khí hiện đại, tối tân và tập trung pháo binh, máy bay bắn phá, ném bom yểm trợ khi cần thiết.

Tuy vậy, từ năm 1967, quân và dân ta ở khu vực Quảng Trị đã liên tiếp thực hiện các cuộc tiến công tiêu diệt kết hợp bắn pháo, bắn máy bay, bao vây bắn tỉa, chặn đánh giao thông gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề... Đặc biệt trong dịp Tết Mậu Thân, từ ngày 20-1-1968, Quân giải phóng đã giáng cho cụm cứ điểm Khe Sanh những đòn sấm sét, được báo chí phương Tây gọi là “Điện Biên Phủ thứ hai”. Trong trận đánh ngày 21-1-1968, Chi khu quân sự Hướng Hóa bị thất thủ, hơn 300 lính Mỹ bị tiêu diệt và bắt sống. Sau thất bại này, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã bắt các tướng lĩnh Mỹ phải “ký giấy cam đoan” giữ Khe Sanh bằng bất cứ giá nào. Đêm 6 rạng ngày 7-2-1968, cứ điểm Làng Vây bị san bằng lần thứ hai, gần 1 nghìn quân Mỹ và ngụy bị tiêu diệt. Mất hai cứ điểm quan trọng là Hướng Hóa và Làng Vây, vòng vây của quân ta bao quanh Khe Sanh ngày một thít chặt, lại thêm những thất bại ban đầu nặng nề trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên toàn miền Nam, Mỹ phải huy động từ 200 đến 400 máy bay ra ném bom ở khu vực Khe Sanh. Trong khi đó, toàn bộ vùng trời và mặt đất Tà Cơn còn lại nằm trong tầm bắn của các loại súng, pháo các cỡ của quân giải phóng. Chỉ trong 53 ngày đêm chiến đấu đã có 218 máy bay các loại của địch bị bắn rơi và phá hủy.

Để giải vây cho “cụm chiến lược” Khe Sanh, đầu tháng 4-1968, Mỹ đưa 30 nghìn quân, gồm có Sư đoàn Kỵ binh bay Mỹ và lính dù ngụy, mở cuộc hành quân “Ngựa bay” do tướng Mỹ Rốt-xơn chỉ huy. Nhưng trước những đòn tiến công dồn dập và sáng tạo của bộ đội ta, cả bọn đi cứu viện lẫn bọn bị bao vây đều bị đánh tơi bời. Chỉ tính từ ngày 3 đến 15-4-1968, chúng đã bị diệt hơn 3.200 tên (phần nhiều là lính Mỹ), 38 máy bay bị bắn rơi và phá hủy. Trước tình hình đó, cuối tháng 6-1968, Mỹ buộc phải ra lệnh rút quân khỏi Khe Sanh. Nhưng trên đường tháo chạy, địch lại bị ta tấn công gây thiệt hại nặng nề. Trong 7 ngày từ 26-6 đến 1-7-1968, gần 700 tên bị loại khỏi vòng chiến đấu, 9 máy bay bị bắn rơi, nhiều phương tiện chiến tranh bị phá hủy.

Hãng UPI ngày 24-3-1968 xác nhận: “Trong vòng 60 ngày, B52 ném xuống Khe Sanh một lượng bom là 54 nghìn tấn trong ít nhất là 334 lượt bay. Máy bay ném bom chiến thuật cũng đã ném ít nhất là 24 nghìn tấn bom trong 17.731 lượt bay”. Hãng thông tấn AP ( Mỹ) ngày 17-3-1968 phản ánh: “Tinh thần lính Mỹ ở Khe Sanh suy yếu nghiêm trọng. Hai tên không chịu nổi gian khổ đã tự bắn vào mình để được liệt vào danh sách bị thương”. Còn Hãng USIS, ngày 22-3-1968 thì cho rằng: “ở Khe Sanh, hỏa lực của cộng sản có khả năng thủ tiêu hỏa lực của đồng minh (tức là Mỹ và ngụy). Không một loại boong-ke và hầm phòng thủ nào (của lính Mỹ) có thể chống được loại đạn pháo 125 milimét có ngòi nổ đặc biệt của cộng sản”.

Thất bại của Mỹ ở Khe Sanh là thất bại về chiến lược, chiến thuật, thất bại về chính trị, tâm lý với hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thất bại đó không phải là điều bất ngờ mà là một tất yếu phải xảy ra trong tình hình khốn quẫn, nguy ngập của kẻ gieo rắc chiến tranh. Thất bại ở Khe Sanh báo hiệu cho hàng loạt thất bại nặng nề khác của Mỹ trên chiến trường miền Nam.

Thắng lợi to lớn trên Mặt trận Khe Sanh của quân và dân Quảng Trị chứng minh sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân, chứng minh thế thắng, thế chủ động của ta ở miền Nam và cả nước trong đà Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt như trào dâng, bão cuốn. Cùng với miền Nam, quân dân miền Bắc cũng đánh bại cuộc chiến tranh leo thang bằng không quân của Mỹ, bắn rơi 3 nghìn máy bay các loại, khẳng định quyết tâm: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét