Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Trường Sơn Đông-Con đường chiến lược


Trường Sơn Đông-Con đường chiến lược
QĐND 
QĐND - Dự án xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông là một nhiệm vụ lớn, quan trọng mà Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện. Đây là tuyến đường nằm trên khu vực yết hầu của miền Trung - Tây Nguyên, sau khi hoàn thành sẽ có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh.
5 năm sau ngày “bổ nhát cuốc đầu tiên”, việc thi công tuyến đường này hiện nay ra sao?
 “Xẻ dọc Trường Sơn” thời bình
Đại tá Trần Xuân Triêm, Trưởng phòng Hiện trường 1 (thuộc Ban Quản lý 46 - Bộ Tổng tham mưu) là một trong những người đầu tiên gắn bó với tuyến đường Trường Sơn Đông. Dáng người đậm, gương mặt sạm nắng gió, tính cách ồn ào, dân dã như… nông dân, dấu chân của vị đại tá quê lúa Thái Bình này đã in trên hầu hết các địa bàn con đường sẽ đi qua. Anh kể: “Mặc dù trụ sở Ban Quản lý dự án đặt tại Hà Nội, nhưng do đặc thù công việc nên tôi vẫn phải đi lại như con thoi, mỗi năm vào Tây Nguyên tới 7 đến 9 lần, có đợt công tác tới cả tháng. Hiện nay, không khí mở đường trên toàn tuyến đường rất sôi động, nhiều đoạn đã hoàn thành, bà con phấn khởi lắm…”.
Mặt đường bê tông xi măng kiên cố chạy qua tỉnh Gia Lai. Ảnh: Trịnh Quang Thái
Còn theo Đại tá Văn Thái Bình, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 46, đây là một dự án có tổng mức đầu tư lớn, thuộc nhóm A, mang tính trọng điểm quốc gia. Về hình thế, đường Trường Sơn Đông là một trục dọc dài 667km, xuyên suốt 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, nằm giữa Quốc lộ 1 (ở phía Đông) và Đường Hồ Chí Minh (ở phía Tây). Điểm đầu là tại Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (thuộc tỉnh Quảng Nam) và điểm cuối là tại cầu Suối Vàng (thuộc tỉnh Lâm Đồng). Theo Quyết định phê duyệt Dự án số 131/QĐ-BQP ngày 23-1-2006 của Bộ Quốc phòng, đường Trường Sơn Đông có tổng mức đầu tư  hơn 3.528 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự biến động về giá vật tư nguyên liệu, nên tổng mức đầu tư đã phải điều chỉnh lên gần 10.000 tỷ đồng, tăng khoảng 3 lần so với trước đây.
Đại tá Văn Thái Bình cho biết thêm, để xây dựng tuyến đường này, ngoài một số đoạn có các công trình quốc phòng phải chỉ định thầu, còn lại Ban Quản lý thực hiện cơ chế đấu thầu rộng rãi. Chính vì vậy, nơi đây đã hội tụ những doanh nghiệp xây dựng hàng đầu của quân đội và quốc gia như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Binh đoàn 15, Công ty Xây dựng Công trình hàng không (ACC), Công ty Xây dựng 319, Công ty Đầu tư xây lắp và Thương mại 36, Công ty Xây dựng Lũng Lô, Công ty Vạn Tường, Tập đoàn Sơn Hải (Quảng Bình), Công ty Đông Hưng (Gia Lai)… Đây là công trình giao thông lớn, kiên cố, thuộc loại đường miền núi cấp 4, có chiều rộng là 5,5m (nếu tính cả hai bên lề gia cố là 6,5m). Trên toàn tuyến, sẽ có 40% được xây dựng bằng bê tông xi măng mác 300, độ dày bề mặt lên tới 24cm, 60% là đường bê tông nhựa. Do nguồn nguyên liệu lớn, tất cả các đơn vị thi công đều phải sử dụng các trạm trộn bê tông, không sử dụng máy trộn lẻ hoặc trộn bằng phương pháp thủ công. Đặc biệt, để bảo đảm tốt nhất cho chất lượng công trình, Việt Nam đã phải mời các chuyên gia tư vấn giám sát của Văn phòng QCI (Cu-ba) thường xuyên chỉ đạo tư vấn giám sát, kịp thời bám sát lộ trình kế hoạch, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thi công. Hiện tư vấn giám sát của Cu-ba đã bố trí 3 văn phòng hiện trường và một số văn phòng phụ để cùng với Ban quản lý Dự án 46 thực thi tốt nhiệm vụ giám sát chất lượng toàn tuyến.
Con đường góp phần xóa đói nghèo
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân chiều 19-4, Đại tá Trần Xuân Triêm, Trưởng phòng Hiện trường 1, cho biết: Sau 5 năm “bổ nhát cuốc đầu tiên”, hiện nay việc triển khai thi công cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Chủ trương của Bộ Quốc phòng là tập trung xây dựng đoạn giữa trên Tây Nguyên, đồng thời kết hợp mở dần hai đầu tuyến. Ban Quản lý Dự án 46 đã hoàn thành việc ký hợp đồng và triển khai 50/70 gói thầu, tổng giá trị hợp đồng với các đơn vị thi công khoảng 4.361 tỷ đồng. “Hiện nay, một số đoạn đã làm xong, bà con phấn khởi lắm. Nhiều gia đình đã mua xe đạp, xe máy để đi lại “cho sướng”. Có hộ còn mua cả ô tô để chở nông sản lên trung tâm huyện bán. Nhiều quầy hàng kinh doanh, dịch vụ cũng đã xuất hiện ở nơi trước đây vốn là vùng sâu, vùng xa”, Đại tá Triêm bộc bạch.
Những cán bộ, kỹ sư, nhân viên của Ban Quản lý Dự án 46 kể lại rằng, hoàn thành được mỗi mét đường trên những vùng rẻo cao như Tây Nguyên là một hành trình vô cùng gian nan, vất vả. Để đưa được các trạm trộn, máy xúc, máy ủi “hạng nặng” tới được công trình có khi lực lượng thi công phải mở đường nhánh. Đại tá Văn Thái Bình, Giám đốc Ban quản lý Dự án 46 cho biết: Điều kiện khí hậu ở miền Trung và Tây Nguyên rất phức tạp, mùa mưa trong năm kéo dài và thường xuyên xảy ra lũ lụt. Khu vực mà các lực lượng thi công lại có cấu tạo địa chất phức tạp, không ổn định, luôn tiềm ẩn nguy cơ sụt trượt. Một số đoạn lại đi qua rừng quốc gia, rừng phòng hộ đầu nguồn, khu bảo tồn thiên nhiên, ruộng đất canh tác của người dân... Trong khi đó, trình độ dân trí trên khu vực mà tuyến đường đi qua rất thấp, 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, việc giải phóng mặt bằng cũng rất khó khăn. Đặc biệt, tại một số khu vực vẫn còn tàn dư của chiến tranh như chất độc hóa học, bom, mìn, đạn của Mỹ-ngụy… làm ảnh hưởng tới điều kiện làm việc, sinh hoạt của lực lượng thi công.
Thi công cầu C6 trên tuyến đường Trường Sơn Đông, thuộc địa bàn huyện Kbang (Gia Lai). Ảnh: Nguyễn Huy Vân
Vượt lên trên những khó khăn đó, Ban quản lý và các lực lượng thi công đã nỗ lực rất lớn để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến nay, toàn tuyến đoạn từ xã Hiếu, huyện Kon Plông (Kon Tum) đến thị xã Ayun Pa (Gia Lai) dài gần 200km đã cơ bản thông nền đường, đang chuyển sang giai đoạn thi công móng, mặt đường theo kết cấu mới. Các lực lượng thi công đang phấn đấu đưa vào sử dụng khoảng 220km đoạn giữa tuyến trên Tây Nguyên (từ quốc lộ 24 đến quốc lộ 25) vào cuối quý II năm 2011. “Trong năm nay và các năm tiếp theo, chúng tôi tập trung chỉ đạo thi công mặt đường cao cấp, những gói thầu mới, triển khai các công trình hầm và cầu lớn. Nếu mọi việc thuận lợi, chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thành dự án đường Trường Sơn Đông vào năm 2015”, Đại tá Văn Thái Bình khẳng định.
Như vậy, cùng với quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và đường Tuần tra biên giới, trên trục dọc địa bàn miền Trung - Tây Nguyên sẽ hình thành 4 tuyến đường, trong đó có đường chiến lược Trường Sơn Đông. Cùng với đó là hệ thống đường ngang, đường nhánh kiểu xương cá, sẽ đan dệt, kết nối, tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, góp phần thuận lợi hơn cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược của Tổ quốc.
Lê Thiết Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét