Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

ĐÀ NẴNG TRONG CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI CUỘC CHIẾN TRANH CỤC BỘ CỦA MỸ (1965 - 1968)


ĐÀ NẴNG TRONG CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI CUỘC CHIẾN TRANH CỤC BỘ CỦA MỸ (1965 - 1968)
 

    Từ năm 1965, khi đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào miền Nam, tăng cường đánh phá bằng không quân ở miền Bắc, nhân dân cả nước ta đã khẩn trương bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Ngày 20.7.1965 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi xác định lập trường quyết tâm của quân và dân cả nước: "Dù phải chiến đấu 5 năm,10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn". Ngày 3.8.1965, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam long trọng xác định lập trường của 14 triệu nhân dân miền Nam: "Thà chết chứ không chịu làm nô lệ, sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập hoàn toàn ".
   Ở miền Nam, Trung ương cục và Đảng ủy các khu, mặt trận, tỉnh, thành phố, tổ chức học tập Nghị quyết 11 của Trung ương, ổn định tình hình tư tưởng, chính trị cho cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang, đồng thời sắp xếp, ổn định tổ chức từ cấp miền đến các cấp cơ sở trong lực lượng vũ trang cũng như ở các đoàn thể quần chúng, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới.
   Ở Đà Nẵng ngay từ cuối năm 1964, Khu ủy Khu 5 đã quyết định tách Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Đà, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu uỷ và chỉ định Thành uỷ Đà Nẵng gồm 7 đồng chí do đồng chí Hồ Nghinh Bí thư Quảng Đà đồng thời là Bí thư Đà Nẵng. Các Đảng ủy cấp khu thuộc Đà Nẵng cũng được thành lập như Đảng ủy Sông Đà, khu Đông, khu Tây, khu Nam và nội thành. Trong nội thành thành phố, các Quận uỷ quận I, quận II, quận III và các Ban đấu tranh chính trị và Ban chỉ huy thành nội... được thành lập để trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh trong thành phố .
   Quán triệt tinh thần "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", đầu tháng 3.1965, Thành uỷ Đà Nẵng đã họp phân tích tình hình khó khăn và thuận lợi, nêu cao quyết tâm tấn công Mỹ giành thắng lợi, khắc phục tư tưởng sợ vũ khí Mỹ, đẩy mạnh phong trào đấu tranh 2 chân 3 mũi.
   Thực hiện nghị quyết của Thành ủy, quân và dân Đà Nẵng quyết tâm đấu tranh bảo vệ thành phố quê hương. 
   Ngày 16.3.1965, trước việc Mỹ - ngụy ném bom triệt hạ Trường tiểu học Mân Quang (Hoà Vang) giết hại giáo viên và học sinh, nhân dân địa phương đã khiêng xác các cháu kéo vào Toà Thị chính lên án tội ác của Mỹ - ngụy, đòi bồi thường nhân mạng. Căm thù trước hành động dã man của địch, đêm 26 rạng ngày 27.3, một tổ biệt động Sông Đà cùng với các chiến sĩ đặc công của Thành đội mở trận tấn công vũ trang đầu tiên vào lực lượng quân Mỹ chỉ sau 20 ngày khi chúng đổ bộ lên Đà Nẵng. Tổ biệt động đã đặt mìn làm hư hại nặng tàu vận tải LST 550 của Mỹ, diệt một số lính, phá huỷ nhiều vũ khí.
   Ngày 5.4.1965, chiến sĩ biệt động Lê Độ thề trước cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" ra quân diệt Mỹ tại khách sạn Caravelle trên đường Bạch  Đằng. Do mìn không nổ, bị lộ, anh đã bị bắt. Khi bị địch bắt, anh đã hô to khẩu hiệu "Hồ Chủ tịch muôn năm", "Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam muôn năm". Tấm gương anh dũng của chiến sĩ biệt động Lê Độ đã làm tăng thêm lòng căm thù giặc Mỹ, cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân thành phố.
   Trong khi đó ở Núi Thành, ngày 25.5, thực hiện chỉ thị của Quân khu 5 và Tỉnh đội Quảng Nam, bộ đội địa phương tỉnh cùng tổ đặc công tấn công đơn vị lính thuỷ đánh bộ Mỹ đóng ở đây, diệt gọn một đại đội lính Mỹ gồm 140 tên, thu toàn bộ vũ khí và cắm lá cờ "quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược" lên đỉnh Núi Thành.
   Trận Núi Thành, tuy quy mô không lớn, nhưng là trận đánh thắng đầu tiên vào quân Mỹ ở miền Nam, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, nhất là đối với quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng.
   Với tinh thần "tìm Mỹ mà diệt, gặp Mỹ mà đánh" sau chiến thắng Núi Thành, đêm 30 tháng 6 rạng ngày 1 tháng 7, quân ta tấn công sân bay Đà Nẵng, căn cứ không quân lớn nhất ở miền Nam. Đảng bộ và nhân dân phường Khuê Trung, Hòa Cường, Hòa Đa, đã nuôi nấng, che chở cho đơn vị bộ đội chuẩn bị chiến trường gần một tháng và chuyên chở toàn bộ lực lượng vượt sông đánh vào sân bay cũng như sau trận đánh rút về căn cứ an toàn. Trong trận này, ta đã phá huỷ 47 máy bay, giết và làm bị thương 160 tên địch. Đêm ngày 5 rạng ngày 6.8.1965, lực lượng vũ trang và biệt  động đã tấn công kho xăng Liên Chiểu, phá huỷ 8 bồn xăng chứa 13 triệu lít, 9 toa xe lửa, 6 xe quân sự, diệt một đại đội bảo an địch. Ngày 30.10 quân giải phóng lại tấn công tiêu diệt một đại đội lính Mỹ tại La Châu cách Đà Nẵng 10 km.
   Ngày 27.10.1965, lực lượng vũ trang Tỉnh đội được lệnh phối hợp với lực lượng biệt động tấn công sân bay Nước Mặn. Căn cứ K20 (Mà Đa - Mỹ Thị) lại được chọn làm nơi cất giấu vũ khí, đạn dược, che dấu, bảo vệ bộ đội. Nhờ lòng dũng cảm và mưu trí của nhân dân vùng này, địch đã không phát hiện ra dấu vết, và đêm 26 rạng 27 tháng 10 cuộc tấn công bắt đầu và thu được thắng lợi dòn dã. Trên 50 trực thăng vũ trang bị phá huỷ hoặc phá hỏng nặng. Hàng trăm tên Mỹ bị tiêu diệt. Như vậy cả hai sân bay ở Đà Nẵng, nơi địch cho là được bảo vệ rất chu đáo, đã bị quân và dân Đà Nẵng tấn công.
   Cùng với các cuộc tấn công quân sự của lực lượng vũ trang giải phóng, bộ đội địa phương và các lực lượng biệt động, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân Đà Nẵng chống Mỹ, chống chế độ tay sai, đòi hoà bình dân sinh, dân chủ ngày càng mở rộng.
   Từ ngày 21 đến 24.8.1965, hàng nghìn thanh niên, học sinh sinh viên Đà Nẵng cùng với lực lượng này ở Huế tổ chức những đêm không ngủ, phản đối chế độ quân dịch, bắt thanh niên học sinh đi làm bia đỡ đạn cho quân xâm  lược Mỹ.
   Ngày 20.9.1965, dưới danh nghĩa nghiệp đoàn ngư nghiệp, hàng ngàn ngư dân Sông Đà đã kéo đến Toà Thị chính thành phố phản đối việc chính quyền cấm ngư dân đi làm sớm, về muộn, đòi Mỹ không được đổ phế thải xuống các ngư trường ven núi Sơn Trà và đèo Hải Vân. Cuộc đấu tranh đã lôi kéo hàng ngàn người tham dự khiến Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh vùng I chiến thuật, ra lệnh đàn áp, bắt nhiều người, trong đó có các đảng viên tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh. Để đàn áp phong trào đấu tranh, địch đã xử bắn và kết án chung thân đày đi Côn Đảo các cán bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh này.
   Đầu tháng 9.1965, đế quốc Mỹ tiến hành cày ủi vùng Đa Mặn để làm hành lang bảo vệ sân bay Nước Mặn, Thành uỷ Đà Nẵng chỉ đạo Quận uỷ quận II, quận III và Ban cán sự Phật giáo tỉnh hội vận động nhân dân và tăng ni phật tử đòi chấm dứt việc cày ủi, phá phách chùa chiền. Đây là lần đầu tiên nhân dân Đà Nẵng đấu tranh chính trị trực diện với Mỹ, buộc chúng phải nhượng bộ, chấm dứt cày ủi, tu sửa lại chùa, bảo vệ một vùng căn cứ cách mạng.
   Trước những thất bại trong năm 1965, sang năm 1966, đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ cho chính quyền Sài Gòn, tăng cường thêm lực lượng và phương tiện chiến tranh, mở nhiều cuộc phản công chiến lược hòng giành thế chủ động và gây ảnh hưởng chính trị.
   Nắm được âm mưu của địch, trong thư gửi Trung ương Cục và Khu ủy Khu 5 ngày 6.11.1965, Bộ Chính trị chỉ rõ: "Nắm vững thế chủ động là phải giữ và phát triển hơn nữa quyền làm chủ rừng núi, đồng bằng, chung quanh đô thị và tiến tới cả từng vùng trong đô thị nữa" (1).
   Trận đánh đầu tiên của quân và dân Đà Nẵng trong năm 1966 là cuộc tấn công của bộ đội địa phương vào sân bay Đà Nẵng ngày 24.1, phá huỷ nhiều máy bay địch. Tiếp đó là các cuộc tập kích kho xăng Đà Nẵng ngày 17.6 và ngày 14.7, gây cho địch nhiều thiệt hại, trận pháo kích sân bay Nước Mặn phá hủy 10 máy bay, diệt và làm bị thương 32 tên Mỹ.
   Một sự kiện lớn trong lịch sử đấu tranh của nhân dân Đà Nẵng là việc nhân dân nổi dậy làm chủ thành phố hơn 2 tháng nhân việc nguỵ quân, nguỵ quyền vùng chiến thuật I ly khai chính quyền Trung ương.
   Sau khi có công giúp Nguyễn Văn Thiệu lên nắm chính quyền, được Thiệu - Kỳ giao cho chức vụ Tư lệnh vùng chiến thuật I, chỉ huy Quân đoàn I, nắm quyền cai trị 5 tỉnh bắc miền Trung, Nguyễn Chánh Thi không hài lòng với chức quyền này. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phật giáo ở miền Trung và Sài Gòn (trừ phe nhóm của Thích Tâm Châu) muốn gạt Thiệu - Kỳ lập chính phủ do phật giáo chi phối. Các đảng phái ở miền Trung, nhất là Quốc dân Đảng đang lợi dụng Nguyễn Chánh Thi để phát triển lực lượng. Trước tình hình đó, Nguyễn Chánh Thi coi phong trào chống đối Thiệu ở miền Trung mà trung tâm là ở Huế và Đà Nẵng là cơ hội thuận lợi để tuyên bố ly khai với chính quyền Trung ương.
   Trước hành động của Nguyễn Chánh Thi, ngày 10.3.1966 Nguyễn Văn Thiệu đã cách chức Nguyễn Chánh Thi. Ngay ngày hôm sau, phe cánh của Nguyễn Chánh Thi ở quân đoàn I đã mít tinh đòi phục chức cho Thi. Tối 11.3, "ủy ban quân dân vùng chiến thuật I" được thành lập, chiếm cơ quan thông tin làm trụ sở, ra lệnh đình công, bãi thị vào ngày 15.3.
   Trước tình hình đó, cơ sở của ta ở thành phố đã nhập vào và tìm cách chi phối phong trào, lái cuộc tranh chấp quyền lực của địch thành phong trào chống Mỹ, chống chế độ tay sai Nguyễn Văn Thiệu. Ngày 16.3, Nguyễn Chánh Thi về Đà Nẵng tuyên bố đứng về phía lực lượng đấu tranh và kích động phong trào. 
   Ngày 19.3.1966, trong cuộc họp của phe ly khai, mục tiêu đấu tranh chống Thiệu - Kỳ được đặt ra thay cho mục tiêu đòi phục chức cho Nguyễn Chánh Thi và đổi tên "Uỷ ban quân dân vùng chiến thuật I" thành "Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng vùng chiến thuật I". 5 cán bộ bí mật của ta được cử tham gia vào Ban lãnh đạo các tổ chức đấu tranh. Thị trưởng Đà Nẵng Nguyễn Văn Mẫn cũng đứng về phe đấu tranh. Từ ngày 19 đến ngày 28 tháng 3 các tổ chức tranh thủ cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên, tài xế, thợ máy, tiểu th­ơng, công chức, phật tử... được thành lập.
   Từ ngày 23.3, "Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng" Đà Nẵng, Hội An đã chiếm đài phát thanh, truyền đi những bài lên án Mỹ - Thiệu - Kỳ. Ngày 25.3, "lực lượng thanh niên tranh thủ cách mạng" Đà Nẵng lập ban an ninh chịu trách nhiệm giữ trật tự trong thành phố thay cho bộ máy an ninh của ngụy quyền.
   Trước tình hình đó, Thành uỷ Đà Nẵng chủ trương tăng cường cán bộ chỉ đạo phong trào trong thành phố. Từ ngày 24.3, đồng chí Hà Kỳ Ngộ, Thường vụ Thành uỷ phụ trách đấu tranh chính trị và một số cán bộ khác đã vào thành phố để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Lúc này, phong trào đấu tranh đã chuyển sang một bước mới, từ cuộc đấu tranh ly khai giữa các thế lực, chính đảng trong nội bộ địch thành phong trào chống Mỹ - Thiệu - Kỳ. Các cuộc biểu tình, bãi công, bãi thị, bãi khóa liên tiếp xảy ra.
   Ngày 30.3, cuộc biểu tình của lái xe, thợ máy, công nhân khuân vác trên đường Thống Nhất bị lính Mỹ khiêu khích gây thương vong. Lập tức hàng vạn nhân dân Đà Nẵng đã xuống đường tiếp sức, tràn đi khắp các đường phố. Nhân dân Đà Nẵng đã thực sự làm chủ thành phố của mình và ''Thiệu không còn kiểm soát được Đà Nẵng và các tỉnh vùng I chiến thuật'' nữa (2). Chị em tiểu thương ở chợ Cồn, chợ Hàn, dưới sự chỉ đạo của các chi bộ, đã quyên góp từ nhân dân Đà Nẵng, Huế tiền bạc, gạo, thực phẩm, tổ chức những điểm nấu ăn tiếp tế cho học sinh, sinh viên, công nhân để họ có thể túc trực, liên tục tham gia trong những ngày đấu tranh nóng bỏng này.
   Đứng trước tình hình đó, tướng Oan tơ chỉ huy thủy quân lục chiến Mỹ ở Đà Nẵng đã ra lệnh cấm tất cả các nhân viên quân sự Mỹ vào Huế và Đà Nẵng để tránh xảy ra xung đột, và ra lệnh tản cư tất cả những người Mỹ về căn cứ của Mỹ cách Đà Nẵng 10 km.
   Ngày 4.4.1966, Thiệu - Kỳ quyết định đưa 3 tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ ra căn cứ không quân Đà Nẵng để đàn áp phong trào. Để chống lại, nhân dân Đà Nẵng đã lập chướng ngại vật trên đường phố, xây dựng các ụ súng. Lực lượng sinh viên quyết tử ở Huế đã vào Đà Nẵng để cùng chiến đấu. Quân ly khai thành lập Bộ Tư lệnh Trần Hưng Đạo để chống lại quân chính phủ. Trước tình hình ngày càng căng thẳng, ngày 7.4 Thiệu - Kỳ ra lệnh rút quân về Sài Gòn để chuẩn bị một kế hoạch mới. Cùng ngày Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ra lệnh cho quân Mỹ rút khỏi nội thành Đà Nẵng, Huế, sợ xảy ra xung đột với quân ly khai.
   Ngày 8.4 tại Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu mở cái gọi là "Đại hội chính trị toàn quốc" hứa ân xá cho tất cả những người ly khai chống Thiệu - Kỳ và ra sắc luật quy định tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 3 tháng đến 4 tháng sau. Những người lãnh đạo phong trào phật giáo đã đồng tình với quyết định này.
   Sau cuộc họp, Thích Trí Quang trở về Đà Nẵng kêu gọi thỏa hiệp.
   Phản đối sự thỏa hiệp, ngày 18.4, hàng vạn nhân dân Đà Nẵng tập trung tại trường Bồ Đề với hàng trăm xe đò, xe vận tải gồm lái xe, thợ máy, công nhân cảng, nhân dân lao động, tiểu thương, thanh niên, học sinh, sinh viên rầm rộ tuần hành khắp các đường phố. Đoàn sinh viên quyết tử Huế súng trong tay sát cánh cùng Ban chỉ huy thợ máy, lái xe nêu cao biểu ngữ : "Thoả hiệp là tự sát", "Đả đảo chính phủ Mỹ bao che cho Thiệu - Kỳ", "Đả đảo Thiệu - Kỳ - Có". Các cuộc mít tinh, tuần hành bãi công, bãi thị liên tiếp nổ ra trong những ngày tiếp theo. "Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng" đã diệt một số tên tay sai của Mỹ, bắt một số tên khác.
   Cuộc đấu tranh chống Mỹ - Thiệu của nhân dân Đà Nẵng lan ra khắp các đô thị miền Nam. Nhân dân các thành phố, thị xã từ Quảng Trị, Huế, Hội An, Quảng Ngãi, Quy Nhơn đến Nha Trang, Sài Gòn... đã rầm rộ xuống đường dương cao biểu ngữ chống chế độ Mỹ - Thiệu, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Đà Nẵng.
   Nhưng phong trào dần dần cũng lắng xuống. Lợi dụng tình hình đó, Thiệu - Kỳ đưa quân ra đánh chiếm Đà Nẵng. Ngày 15.5.1966, quân Thiệu - Kỳ đổ bộ lên Thanh Bồ - Đức Lợi và sân bay Đà Nẵng, đánh chiếm Bộ Tư lệnh quân đoàn I, Toà Thị chính, quân vụ Thị trấn, Sở Bưu điện, Đài phát thanh, ngân hàng. Nhiều trận giao chiến xảy ra giữa quân Thiệu - Kỳ và lực lượng ly khai trong thành phố. Nhân dân Đà Nẵng bố phòng  chống lại. Thanh niên, công nhân đã phá kho vũ khí lấy súng trang bị cho mình. Ngày 23.5 quân Thiệu - Kỳ đã chiếm lại Đà Nẵng. Lực lượng ly khai rút ra Huế. Thị trưởng ĐàNẵng Nguyễn Văn Mẫn và một số sĩ quan ly khai bị bắt và đưa về Sài Gòn. Nguyễn Chánh Thi bị cách chức và Hoàng Xuân Lãm được Thiệu - Kỳ đưa về làm Tư lệnh quân đoàn I.
   Khi quân Thiệu - Kỳ chiếm Đà Nẵng, các cán bộ lãnh đạo và cơ sở của ta tham gia vào "Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng " rút về căn cứ an toàn. Sự kiện nhân dân Đà Nẵng làm chủ thành phố gần 2 tháng thể hiện sức mạnh và tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân thành phố. Đây cũng là một bước ngoặt của phong trào đấu tranh ở đô thị, một bước phát triển mới của sự vận dụng phương châm 2 chân 3 mũi giáp công trong cuộc chiến tranh cục bộ. Sự kiện này cũng là một bài học về việc lợi dụng, khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ địch, là cuộc tập dượt vũ trang khởi nghĩa và nổi dậy của quần chúng nhân dân thành phố Đà Nẵng. Đánh giá về sự kiện này, trong thư gửi Khu ủy Sài Gòn - Gia Định ngày 1.7.1967, đồng chí Lê Duẩn viết : "Cuộc nổi dậy của đồng bào Đà Nẵng chống Thiệu - Kỳ từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1966, tuy không đem lại thắng lợi, nhưng đã cho ta một bài học bổ ích về lợi dụng mâu thuẫn nội bộ địch. Lúc đầu cuộc nổi dậy đó không phải do ta chủ động mà nhân cơ hội nội bộ địch chống đối lẫn nhau, ta đã biết tập hợp, phát động quần chúng đứng lên làm chủ thành phố.
   Mặc dù cơ sở Đảng mỏng và lực lượng cách mạng trong thành phố không nhiều, các đồng chí ở Đà Nẵng đã làm được việc đó. Nhưng thiếu sót ở đây là "các đồng chí ở Đà Nẵng chưa tranh thủ được thuận lợi để phát triển thực lực cách mạng.. Bài học về cuộc nổi dậy của đồng bào Đà Nẵng rất phong phú(3).
   Trên chiến trường miền Nam, trong hai năm 1966 - 1967, quân và dân ta đã mở 2 chiến dịch lớn : chiến dịch Đông Xuân 1965-1966 và Đông Xuân 1966 -1967, đánh bại hai cuộc phản công chiến lược của Mỹ - ngụy vào các khu căn cứ cách mạng ở Khu 5 và Đông Nam Bộ. Phối hợp với chiến trường toàn miền Nam, ngày 27.2 và 18.3 năm 1967 quân giải phóng pháo kích sân bay Đà Nẵng phá huỷ nhiều máy bay địch, diệt và làm bị thương nhiều lính Mỹ. Ngày 14.5, ta tấn công vị trí tên lửa Hawk, phá hủy 36 tên lửa của địch. Từ giữa năm 1966, Mỹ - ngụy tiến hành cày ủi trắng các vùng của ta để đặt trạm tên lửa, pháo, nơi đóng quân, dồn dân về các khu tập trung quanh các quận lỵ và thành phố Đà Nẵng. Dân số Đà Nẵng tăng vọt từ 146.000 năm 1966 và 296.000 năm 1967. Tỉnh ủy Quảng Đà và Thành ủy Đà Nẵng nhân dịp này chủ trương đưa cán bộ cơ sở từ nông thôn bám theo dân về thành phố để lập chi bộ 2 nhằm tăng thêm đội ngũ lãnh đạo cách mạng cho thành phố. Đồng thời huy động nhân dân vùng nông thôn kéo vào thành phố tố cáo tội ác địch, chống địch đốt phá, cày ủi làng mạc.
   Ngày 3.9.1967, Thiệu - Kỳ  tổ chức bầu cử tổng thống và thượng nghị viên để hợp thức hoá việc cầm quyền của chúng. Cũng như nhân dân ở các thành phố khác, nhân dân Đà Nẵng một lần nữa lại xuống đường. Ngày 5.9.1967. Lực lượng thanh niên học sinh, sinh viên tranh thủ dân chỉ "kêu gọi nhân dân lao động xuống đường lên án cuộc bầu cử gian lận, không thừa nhận kết quả và đòi xóa bỏ cuộc  bầu cử này.
   Cuộc đấu tranh kiên cường của quân và dân Đà Nẵng trong những năm 1966-1967 đã góp phần cùng với các cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam làm thay đổi tình hình, tạo thế và lực để quân và dân ta tiến lên giành những thắng lợi mới to lớn hơn.
   Sau cuộc phản công chiến lược lần thứ hai thất bại, vào cuối 1996, đế quốc Mỹ đứng trước một tình thế bế tắc cả về chiến thuật lẫn chiến lược. Từ 1965 đến nay, Mỹ đã sử dụng một số lớn tiền của và binh lính vào cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng những mục tiêu chính trị, quân sự của chúng đều bị phá sản, số lính Mỹ chết và thương vong ngày càng tăng, tinh thần và ý chí chiến đấu giảm sút.
   Ở nước Mỹ, nhân dân Mỹ mất lòng tin đối với chính quyền Giôn - Xơn và lo ngại về một cuộc chiến tranh kéo dài hao tiền, tốn của. Một phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh Việt Nam bùng nổ. Giới cầm quyền Mỹ bắt đầu dao động.
   Để cứu vãn tình thế, Giôn Xơn quyết định đưa thêm vào miền Nam 10 vạn quân chiến đấu, đưa tổng số quân Mỹ ở miền Nam lên 480.000 vào cuối tháng 12 năm 1967, và đến đầu năm 1968, số quân Mỹ ở miền Nam đã lên tới 505.000 tên. Với lực lượng đông đảo như trên, Mỹ dự định sẽ mở cuộc hành quân chiến lược lần thứ 3 tập trung chủ yếu vào miền Đông Nam Bộ và vùng Trị Thiên.
   Trong khi đó, lực lượng cách mạng ở miền Nam ngày càng lớn mạnh. Đến đầu 1968, lực lượng chủ lực quân giải phóng có 7 sư đoàn, 15 trung đoàn, 50 tiểu đoàn độc lập. Lực lượng vũ trang địa phương có 55 tiểu đoàn, 17 đại đội, 144 trung đội độc lập. Dân quân tự vệ có 30 vạn. Lực lượng của ta đã triển khai ở các vị trí quan trọng, nhất là ở vùng ven thành phố lớn, sẵn sàng tấn công tiêu diệt địch.
   Từ tình hình trên, tháng 12 năm 1967, Bộ Chinh trị đã họp và nhận định: ''Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Đế quốc Mỹ đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược". Bộ Chính trị quyết định: ''chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định" và "động viên những nỗ lực lớn nhất cuả toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của ta lên bờ phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định" (4)
   Căn cứ vào các nghị quyết trên, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã vạch phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa đánh vào các thị xã, thành phố trên quy mô toàn miền Nam, trọng điểm là Sài Gòn, Huế và các thành phố lớn. Thời gian tổng công kích, tổng khởi nghĩa được chọn vào dịp tết Nguyên Đán năm Mậu Thân 1968.
   Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ đạo các quân khu ở miền Nam sắp xếp, tổ chức lại mặt trận, các chiến trường cho phù hợp với yêu cầu để chuẩn bị cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa toàn miền Nam. Quân khu Trị - Thiên thành lập Mặt trận thành phố Huế và Mặt trận B4, Quân khu 5 thành lập Mặt trận 4, trọng điểm là Quảng Đà.
   Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, để huy động sức mạnh tổng hợp của quân dân Quảng Đà và Đà Nẵng, Khu ủy Khu 5 đã quyết định nhập hai địa phương lại thành Đặc khu Quảng Đà do đồng chí Hồ Nghinh làm Bí thư Đặc khu ủy. Ban chỉ huy Tỉnh đội được chuyển thành Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 để chỉ huy lực lượng quân sự đang được tăng cường. Huyện Hòa Vang cũng được chia thành 3 khu để hỗ trợ cho 3 quận ở Đà Nẵng.
   Thi hành chỉ thị của Khu ủy Khu 5, từ tháng 12.1967, Đặc khu Quảng Đà đã khẩn trương chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân. Đà Nẵng được chọn là trọng điểm của khu. Đồng chí Trương Chí Cương, uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, phó Bí thư Khu uỷ Khu 5 được phân công chỉ đạo trực tiếp việc chuẩn bị. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tăng cường cho Mặt trận 4 các trung đoàn pháo binh 575, 577, trung đoàn 31 bộ binh.
   Rút kinh nghiệm từ cuộc nổi dậy làm chủ thành phố năm 1966, Ban chỉ đạo đề ra phương án cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của thành phố là: dùng một lực lượng vũ trang nhất định hỗ trợ, phát động quần chúng bên trong nổi dậy là chủ yếu, tranh thủ lợi dụng, khoét sâu mâu thuẫn nội bộ địch, lôi kéo một bộ phận chỉ huy và binh lính trong quân đoàn I ly khai chống Thiệu - Kỳ, làm chủ thành phố. Quần chúng các Khu 1, 2, 3 của huyện Hoà Vang được tổ chức lại thành các đại đội, có trang bị vũ khí thô sơ, đúng giờ quy định, đột nhập vào thành phố tiếp sức cho quần chúng bên trong nổi dậy.
   Các lực lượng tham gia tấn công và nổi dậy được phân công nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể:
   Đối với lực lượng chính trị: Đêm 30 rạng ngày 1 tết, các ban cán sự huy động quần chúng nhân dân nội thành tập trung tại chùa Tỉnh hội để phát động nổi dậy, quần chúng nông thôn khi có lệnh từ các hướng Nam Ô, Hòa Khánh, Hoà Phát, Hoà Đa, Hoà Hải kéo vào Đà Nẵng cùng với nhân dân thành phố nổi dậy làm chủ.
   Đối với lực lượng vũ trang, đúng giờ G, lực lượng quân sự Mặt trận 4 tấn công đồng loạt vào các cứ điểm của địch từ đèo Hải Vân đến Phước Tường, sân bay Đà Nẵng, cắt đứt cầu Trịnh Minh Thế. Lực lượng D1 của Đặc khu cùng phối hợp với lực lượng của Khu 3 Hoà Vang đánh chiếm quân đoàn I, sau đó triển khai đánh quân vụ thị trấn và Toà Thị chính. Lực lượng tự vệ nội thành có nhiệm vụ tiến đánh các quận, chiếm đài phát thanh, diệt ác ôn, hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy.
   Lực lượng vũ trang Quân khu 5 có nhiệm vụ đánh chiếm quận lỵ Duy Xuyên, làm chủ thị trấn Nam Phước, cắt đường số I kéo quân Mỹ ra đối phó để hỗ trợ cho Đà Nẵng và Hội An nổi dậy.
   Về binh vận, cố gắng lôi kéo Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn I và một bộ phận ly khai chống Thiệu - Kỳ khi cuộc tấn công và nổi dậy diễn ra.
   Triển khai kế hoạch trên, từ giữa tháng 1 năm 1968, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của quận I, II, III và lực lượng quân sự, an ninh đều lần lượt vào nội thành để chuẩn bị. Vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men được bí mật chuyển vào thành phố qua nhiều phương tiện: xe vận tải của các tài xế, thợ máy, trên xe hon da của các nhà sư, trong gánh rau, gạo của bà con nông dân đi chợ vào thành phố v.v... Nhà ở của một số công nhân, nhân sĩ tiến bộ, công chức, giáo chức trở thành nơi cất giấu vũ khí, nơi che dấu cán bộ và chiến sĩ biệt động. Một số chùa chiền trong thành phố cũng trở thành cơ sở chuẩn bị cho chiến dịch.
   Đến gần Tết Nguyên đán, các đồng chí Trần Thận, phó Bí thư Đặc khu uỷ và các đồng chí Hà Kỳ Ngộ, Nguyễn Duy Hưng lần lượt vào bên trong nội thành. Trưa 30 tết, đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Đặc khu uỷ cũng vào nội thành để trực tiếp chỉ đạo cuộc nổi dậy.
   Theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy bắt đầu vào 30 rạng ngày 1 Tết Mậu Thân năm 1968. Nhưng gần tết, miền Bắc công bố thay đổi lịch. Theo lịch mới ngày Tết Nguyên đán năm Mậu Thân chậm hơn một ngày so với lịch cũ. Ngày 29.1 Ban chỉ huy Mặt trận nhận được lệnh hoãn cuộc Tổng tấn công và nổi dậy lại 1 ngày tức đêm 30 rạng ngày 31.1.1968. Do lệnh hoãn tới chậm và không chỉ Khu 5 mà cả Tây Nguyên, lực lượng ta đã áp sẵn các mục tiêu, cho nên cuộc Tổng tấn công và nổi dậy ở Đà Nẵng vẫn diễn ra theo kế hoạch cũ. Riêng Khu 2 Hoà Vang nhận được lệnh hoãn lại một ngày.
   3 giờ sáng ngày 30.1.1968, trận pháo kích vào sân bay Nước Mặn đã báo hiệu giờ Tổng tấn công và nổi dậy cho quân và dân Đà Nẵng. Cùng lúc đó hàng loạt các căn cứ của địch như Đồn Nhất, trận địa pháo Thanh Vinh, bãi xe Cẩm Bình, căn cứ Phước Tường, sở chỉ huy trung đoàn 51 ở Miếu Bông...bị quân ta tấn công.
   Tiểu đoàn 1 của Đặc khu vượt sông, băng qua xã Hòa Cường, vượt qua tường rào phía sau, chiếm lĩnh Bộ Tư lệnh Quân đoàn I. Phần lớn quân địch đã về nghỉ tết, chỉ còn một số lính canh gác. Ta phá hủy một xe thiết giáp và diệt nhiều tên địch. Sáng hôm sau, địch huy động tiểu đoàn biệt động số 21, tiểu đoàn 3 trung đoàn 51, tiểu đoàn 59 địa phương quân phản kích. Quân ta rút ra ngoài, bị thiệt hại nặng và do đó không triển khai xuống Quân vụ thị trấn, và Toà Thị chính như kế hoạch đã định.
   Về lực lượng quần chúng, sáng mồng 1 tết, như kế hoạch đã định, nhân dân đã tập trung đông đảo trước sân chùa Tỉnh hội. Các đồng chí lãnh đạo Đặc khu uỷ và lực lượng biệt động đã có mặt tại đây. Theo kế hoạch, một bộ phận của tiểu đoàn I Đặc khu sẽ dẫn đầu và yểm trợ cho cuộc biểu tình của nhân dân. Song đơn vị này không triển khai được đúng kế hoạch. Tuy vậy Ban chỉ huy vẫn cử đồng chí phan Chánh Dinh cầm loa dẫn đầu đoàn biểu tình, kêu gọi quần chúng xuống đường tham gia cuộc nổi dậy làm chủ thành phố. Địch ra lệnh báo động, điều lực lượng cảnh sát đến đàn áp, bắt đồng chí Phan Chánh Dinh và một số cán bộ dẫn đầu cuộc đấu tranh, giải tán đoàn biểu tình.
   Ở ngoại ô, đêm 30 tết, lực lượng quần chúng ở các khu Hoà Vang, Điện Bàn trước khi xuất quân đã làm lễ tuyên thệ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" trước bàn thờ Tổ quốc và trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
   Hướng Khu 3, các đại đội xung kích dao rựa cầm tay vượt sông Cẩm Lệ trên 200 chiếc thuyền với khí thế khởi nghĩa kéo vào áp đảo địch chiếm bốt Quy Mỹ mặc cho địch bắn xối xả vào đoàn biểu tình làm nhiều người chết và bị thương. Địch điều quân ra chắn giữ từ Đò Xu đến quận lỵ Hoà Vang, cho trực thăng bắn chặn dọc sông Cẩm Lệ. Quần chúng phải dừng lại, không tiến được vào nội thành.
   Hướng Khu 2 do nhận được tin hoãn nên phần lớn đã dừng lại.
   Hướng Khu 1 các đoàn quần chúng kéo xuống đến Nam Ô thì bị quân Mỹ chặn lại. Nhân dân đã anh dũng đấu tranh, một số người đã bị hy sinh.
   Ở Hoà Khánh, lực lượng nổi dậy đã bắt tên hội đồng xã cùng nhân dân xuống đường. Lực lượng này cũng bị địch chặn lại tại ngã ba Hoà Khánh, không vào được thành phố.
   Trên mặt trận binh vận, thư kêu gọi ủng hộ cách mạng chống Thiệu - Kỳ đã được cơ sở ta chuyển đến Hoàng Xuân Lãm. Nhưng tình hình diễn biến không thuận lợi, Hoàng Xuân Lãm giữ thái độ im lặng.
   Lực lượng vũ trang của Quân khu theo kế hoạch tấn công quận lỵ Duy Xuyên và làm chủ thị trấn Nam Phước nhưng không kéo được địch ở thành phố ra. Tiếp đó, bộ đội chủ lực của khu tiến quân ra Đà Nẵng nhưng quân Mỹ đã chặn ở các ngả đường vào thành phố. Đêm 3.2, ta lại pháo kích sân bay Đà Nẵng, nhưng tình hình đã thay đổi, không còn tác dụng hỗ trợ cho phong trào.
   Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy ở Đà Nẵng, lực lượng vũ trang không làm được nhiệm vụ hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy. Các mũi tấn công đều không vào được thành phố. Trong khi đó, nhân dân vùng ven kéo vào nội thành thì bị địch chặn lại. Cuộc nổi dậy của nhân dân trong thành phố bị địch đàn áp, giải tán. Ngay ngày 1 tết, địch ra lệnh thiết quân luật và vây bắt cán bộ. Các đồng chí lãnh đạo đặc khu rút về căn cứ an toàn. Một số cán bộ quân sự, biệt động cơ sở bị địch bắt, trong đó có đồng chí Hà Kỳ Ngộ, Thường vụ Đặc khu uỷ. Lực lượng tiểu đoàn I bộ đội Đặc khu và quần chúng nhân dân vùng ven nhập thị bị tổn thất nặng. Đồng chí Mai Đăng Chơn và Nguyễn Đức Châu, Thường vụ Đặc khu ủy bị hy sinh.
   Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt xuân Mậu Thân kết thúc. Trên toàn miền Nam, lực lượng vũ trang giải phóng và nhân dân đã tấn công 4 trên 6 thành phố, 37 trên 44 thị xã và hàng trăm quận ly, thị trấn. Hầu hết các cơ quan đầu não ở Trung ương và địa phương của cả Mỹ và nguỵ đều bị ta tấn công mãnh liệt. Quân ta đã đánh trúng 4 Bộ Tư lệnh quân đoàn, 8 trong số 11 Bộ Tư lệnh sư đoàn nguỵ, 2 Bộ Tư lệnh biệt khu, 2 Bộ Tư lệnh dã chiến Mỹ, 30 sân bay bao gồm 11 trong số 14 sân bay lớn nhất của Mỹ ở miền Nam. Đây là cuộc tấn công chiến lược quy mô lớn nhất, mãnh liệt và đều khắp nhất từ trước tới nay.
   Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân của ta đã tiêu diệt, phá huỷ một bộ phận lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ - ngụy, làm đảo lộn kế hoạch chiến lược quân sự của địch, đẩy chúng lún sâu vào thế phòng ngự, bị động.
   Trong chiến công chung đó có sự đóng góp của quân và dân Đà Nẵng. Trong cuộc tấn công và nổi dậy này, quân và dân Đà Nẵng đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, phá huỷ nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, làm tê liệt các đường giao thông chiến lược, phá thế kìm kẹp, mở ra các vùng bàn đạp xung quanh thành phố và các quận lỵ, thị trấn của địch.
   Tuy vậy thắng lợi thu được của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy ở Quảng Đà còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Sự chỉ đạo nặng về bài học kinh nghiệm nổi dậy làm chủ thành phố năm 1966 với việc phát động quần chúng xuống đường, lợi dụng mâu thuẫn nội bộ địch, làm binh biến ly khai, coi nhẹ tấn công vũ trang đánh địch, trong khi tình hình năm 1968 ở Đà Nẵng không giống như năm 1966. Lực lượng vũ trang quân khu đánh ở xa, không vào được thành phố, lực lượng biệt động tại chỗ không đủ sức hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy trong lúc lực lượng địch ở thành phố còn rất mạnh.
   Sau đợt Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ngày 24.4.1968, Bộ Chính trị họp đánh giá tình hình và quyết định mở tiếp đợt hai, "động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy khí thế chiến thắng, tiếp tục phát triển tiến công toàn diện, giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn nữa"
   Ý đồ chiến lược của ta trong đợt hai là vây hãm Khe Sanh, kìm giữ và diệt địch ở chiến trường đường 9, Trị Thiên, Tây Nguyên. Trọng điểm tổng tấn công và nổi dậy là Sài Gòn - Gia Định. Điểm tấn công quan trọng là Huế, Đà Nẵng. Thời gian hoạt động thống nhất toàn miền Nam là từ ngày 4 tháng 5 đến hết tháng 6.1968.
   Bộ Tổng Tham mưu đã điều động lực lượng tăng cường cho các chiến trường miền Nam, trong đó chiến trung Khu 5 và Mặt trận Quảng Đà được tăng thêm trung đoàn 36 (sư đoàn 308), trung đoàn 141 (sư đoàn 312) và một tiểu đoàn đặc công.
   0 giờ 30 phút ngày 5.5, pháo binh, bộ binh, đặc công, biệt động quân giải phóng cùng một lúc tấn công vào 30 thành phố, thị xã, 58 thị trấn, quận lỵ, 12 chi khu quân sự, 10 Bộ Tư lệnh quân đoàn, sư đoàn, 30 sân bay, 20 căn cứ hành quân và trung tâm huấn luyện của địch trên khắp miền Nam.
   Tại Đà Nẵng, sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Thường vụ Đặc khu ủy đã họp và đề ra nhiệm vụ sắp tới phải ra sức chỉnh đốn lại lực lượng, tăng cường chỉ đạo, tiếp tục phát động tư tưởng quần chúng, chuẩn bị tấn công địch cho những đợt tiếp theo. Khu ủy Khu 5 bổ sung đồng chí Trương Chí Cương, uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng là Bí thư Đặc khu ủy, các đồng chí Nguyễn Chánh, Giáp Văn Cương làm Tư lệnh và phó Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà.
   Mở đầu cho cuộc tấn công và nổi dậy đợt hai ở Đà Nẵng là trận tập kích bãi xe Cẩm Bình của tiểu đoàn 89 bộ đội đặc công, phá huỷ 56 xe, diệt một đại đội Mỹ. Đồng thời pháo binh bắn phá sân bay Đà Nẵng, hai sân bay trực thăng Xuân Thiều, Nước Mặn, căn cứ hải quân Sơn Trà, tổng kho An Đồn, gây nhiều thiệt hại cho địch.
   Bên trong thành phố, lực lượng tự vệ, biệt động tiến đánh nhiều mục tiêu, trong đó có các khách sạn, bar nơi lính Mỹ hay lui tới, diệt nhiều lính Mỹ.
   Sau hai đợt tấn công lớn của ta, quân địch ở Đà Nẵng tăng cường củng cố bảo vệ các căn cứ, kho tàng, sân bay hòng ngăn chặn sự xâm nhập của quân giải phóng. Từ tháng 6.1968, Mỹ bắt đầu xây dựng hàng rào điện tử Mac Namara bao quanh thành phố kéo dài từ xã Điện Dương vùng đông Điện Bàn giáp với Hội An, qua Điện Nam, Điện Thắng, Điện Hoà, Điện Tiến lên Hoà Khương giáp với vùng núi tây bắc Hòa Vang. Dọc theo hàng rào chúng xây dựng một hệ thống đồn bốt được nối với nhau bằng đường xe hơi. Hai bên hàng rào là những tuyến mìn, từng đoạn có đặt máy điện tử phát hiện tiếng động để chỉ điểm cho pháo binh địch bắn phá. Ở ngoại vi thành phố, chúng đặt một tuyến mìn từ Cẩm Lệ đến Cồn Bồi xuyên qua xã Hòa Cường.
   Bên trong thành phố, địch tăng cường lùng ráp, tiến hành rào khóm chiến lược, phát quang một số khu lao động. Tại các cửa ngõ ra vào thành phố, chúng dùng cảnh sát kiểm soát xe cộ và người ra vào suốt ngày đêm.
   Tuy đợt tổng tấn công tháng 5 của quân và dân ta ở miền Nam đã gây thêm cho địch nhiều thiệt hại nặng nề, song hiệu suất tấn công còn thấp, binh vận kém, phong trào nổi dậy yếu. Xuất phát từ nhận thức tổng công kích, tổng khởi nghĩa là một quá trình, Bộ Chính trị quyết định mở tiếp đợt 3 tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Đợt này vẫn nhằm vào các thành phố lớn. Khu 5 mở chiến dịch Thu, trọng điểm vẫn là Quảng Đà. Thời gian nổ súng ấn định vào ngày 17.8 và kết thúc vào 28.9.1968.
   Đúng ngày 17.8, tiểu đoàn công binh ta đã đánh sập 3 cầu trên đèo Hải Vân, các tiểu đoàn bộ binh và đặc công cùng lực lượng vũ trang Hoà Vang tấn công một loạt căn cứ của địch, trong đó có bãi xe Cẩm Bình, bãi xe Kim Liên, chiếm khu phố Cẩm Lệ, uy hiếp quận lỵ Hoà Vang, gây cho địch nhiều thiệt hại. Tiểu đoàn bộ binh ta tấn công căn cứ biệt kích Nùng ở chân núi Non Nước, diệt nhiều địch.
   Đêm 22.8.1968, sư đoàn 2 chủ lực quân khu và các lực lượng đặc công, pháo cối đồng loạt tấn công thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An, Tam Kỳ  và các thị trấn, quận lỵ Hoà Vang, Vĩnh Điện. Sân bay Đà Nẵng bị pháo kích dữ dội, nhiều máy bay bị phá hủy, nhiều lính Mỹ bị giết. Kho xăng ESSO bị pháo kích bốc cháy đến 10 giờ sáng, tiêu hủy 6 triệu lít. Bên trong thành phố, các chiến sĩ biệt động tấn công biệt khu Đà Nẵng, phá sập nhiều nhà, diệt nhiều tên địch. Nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Tam dùng B40 bắn cháy xe địch ngay trên đường Thống Nhất, trung tâm thành phố. Cuộc tiến công của ta kéo dài mấy ngày liền, buộc địch liên tục báo động, xe tăng và binh lính chiếm giữ các ngã ba, ngã tư đường phố. Thành phố Đà Nẵng bị náo động.
   Sang tháng 11, chiến dịch Đông lại mở màn. Đêm 16.11, quân ta lại tấn công căn cứ hải quân, sân bay Đà Nẵng và nhiều vị trí khác trong thành phố. Nhiều binh lính và sĩ quan Mỹ ở sân bay và căn cứ hải quân bị giết và bị thương, nhiều máy bay bị phá hủy và phá hỏng.
   Trong thành phố, lực lượng đặc công và biệt động thành đã tấn công đài phát thanh, đồn cảnh sát chợ Cồn, Hoà Thuận, bót cảnh sát Hoàng Diệu... trước những đòn tấn công của ta, địch phải ban hành lệnh giới nghiêm 24/24 giờ trong suốt nhiều ngày sau đó.
   Đêm 23.12.1968, lực lượng biệt động quận 2 tập kích đồn bảo an Phú Lộc, sau đó rút về trú ẩn tại nhà mẹ Nhu ở khu phố Thanh Khê. Ngày 26.12, do một tên phản bội chỉ điểm, địch ập vào nhà, bắt mẹ Nhu tra tấn, bắt khai nơi trú ẩn của lực lượng biệt động. Khi địch xăm được miệng hầm, mẹ Nhu đã ngang nhiên chặn địch lại, báo hiệu để các chiến sĩ kịp thời đối phó. Mẹ đã bị chúng bắn ngã. Các chiến sĩ biệt động đã xông lên diệt và làm bị thương nhiều tên địch. Địch phải rút chạy, kêu trực thăng và quân tiếp viện. 7 chiến sĩ biệt động đã dựa vào địa hình thuận lợi chiến đấu suốt một ngày chống lại địch đông gấp bội. Đến tối ngày 16.12, nhờ đồng bào che dấu, dẫn đường, các chiến sĩ đã rút khỏi vòng vây. Đội trưởng Nguyễn Trung Huề đã anh dũng hy sinh. Đặc khu ủy Quảng Đà đã tuyên dương công trạng mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê và phát động phong trào "học tập và chiến đấu như 7 dũng sĩ Thanh Khê" trong lực lượng vũ trang.
   Năm 1968, năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy với những chiến thắng vang dội trên khắp chiến trường miền Nam, trong đó có sự đóng góp của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Cùng với thắng lợi đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm phá sản chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải thừa nhận thất bại, tuyên bố xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc, không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ tới và chịu ngồi vào bàn thương lượng với ta tại Hội nghị Pa-ri.
-----------------------
(1) Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tập I, NXB Sự thật, Hà Nội 1990, tr.219.
(2) Báo Tiếng Vang - Sài Gòn ngày 5.4.1966.
(3) Lê Duẩn : Thư vào Nam. NXB Sự thật, Hà Nội 1985, tr.183.
(4) Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12.1967.
-----------------------
Nhóm biên soạn
Dương Trung Quốc - Trần Hữu Đính
Nguyễn Văn Nhật - Ngô Văn Minh
 Nguyễn Tố Uyên



NguồnLịch sử Thành phố Đà Nẵng
NXB Đà Nẵng  - 2001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét