Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Vạn Tường trận mở đầu chiến lược Chiến tranh cục quân Mỹ trên chiến trường Quân khu 5


            I - VỀ ĐỐI TƯỢNG

            Bản chất đế quốc Mỹ với tính hiếu chiến của một tên sen đầm quốc tế chuyên đi xâm lược nước ngoài.
            Từ năm 1961 chúng đã thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” với quốc sách “bình định và ấp chiến lược”. Mỹ - ngụy đã bị sa lầy, đi vào con đường bế tắc.
            Sau khi Giôn-xơn lên cầm quyền, nhà trắng lại ráo riết đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.
            Cùng với việc phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, ngày 08/3/1965 đế quốc Mỹ cho quân chiến đấu đổ bộ vào miền Nam Việt Nam với luận điệu bịp bợm: Quân Mỹ vào để bảo vệ các căn cứ Mỹ và người Mỹ.
            Đất nước Việt Nam 4000 năm đã có chủ quyền. Ai cho phép đế quốc Mỹ và người Mỹ vào để lập căn cứ quân sự, vì sao tên hiếu chiến Giôn-xơn dám tuyên bố bịp bợm như trên, chúng không thể lừa dối được dân tộc Việt Nam.
Thực chất từ tháng 3-1965 Mỹ ồ ạt triển khai lực lượng, lập căn cứ, các bàn đạp để tiến hành chiến lược "chiến tranh cục bộ” hòng đè bẹp cách mạng miền Nam bằng chính quân xâm lược Mỹ. Mục tiêu chủ yếu của “chiến tranh cục bộ” là:
1- Triển khai lực lượng cứu ngụy quân, ngụy quyền, chặn đứng chiều hướng thua.
2- Tiêu diệt chủ lực đối phương, giành lại quyền chủ động chiến lược.
3- Phá hủy cơ sở (cơ cấu) cách mạng của ta, củng cố bộ máy ngụy quyền, biến miền Namthành thuộc địa kiểu mới.
Các biện pháp chiến lược của Mỹ là: Đưa quân Mỹ ồ ạt vào miền Nam; mở các cuộc tiến công “tìm diệt” của ta; dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc để ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam, cô lập và đè bẹp cách mạng miền Nam.
Trên quan điểm quân sự của đế quốc là dựa vào binh khí kỹ thuật, ỷ lại vào sức mạnh thần tượng của không quân, hải quân, và lục quân Hoa Kỳ đồng thời với sự đánh giá chủ quan coi thường dân tộc Việt Nam, chúng dự định trong vòng 25-30 tháng sẽ đè bẹp được cách mạng miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới.
Trên chiến trường khu V, từ tháng 3 - 8/1965 chúng đã ồ ạt đưa Sư đoàn 1-3 lính thuỷ đánh bộ Mỹ vào triển khai ở Đà Nẵng - Chu Lai, sau đó vào Phú Bài, Quy Nhơn, Cam Ranh…
Với sự đánh giá chủ quan, coi thường đối phương nên khi phát hiện một đơn vị chủ lực của ta chúng đã chủ động vạch ra kế hoạch mở cuộc hành quân “Ánh sáng sao” thực chất là cuộc tập kích tiến công “tìm diệt”. Trong cuộc hành quân này chúng đã sử dụng cả hải quân, không quân và lính thuỷ đánh bộ thực hành đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không kết hợp tiến công đường bộ.
Tổng số quân là 8.000 tên, được trang bị binh khí kỹ thuật thuộc loại hiện đại nhất của Hoa Kỳ.
Phương pháp tập kích tiến công được tiến hành theo đúng điều lệnh quân đội Mỹ: Dùng hoả lực của không quân, pháo hạm, pháo căn cứ… bắn mãnh liệt hòng quét sạch đối phương, sau đó lính thuỷ đánh bộ có xe tăng, xe bọc thép đi cùng tiến đánh chiếm trận địa đối phương, tiêu diệt chủ lực đối phương mà đối tượng cụ thể là Trung đoàn 1 chủ lực Quân khu.
5 giờ sáng 00 ngày 18/8/1965 cuộc hành quân “Ánh sáng sao” bắt đầu.
Bằng đợt chuẩn bị hoả lực của không quân, pháo hạm, pháo căn cứ bắn mãnh liệt, dồn dập kéo dài bao trùm lên khu vực Vạn Tường. Tướng Krulak huyênh hoang “đối phương không thể nào chịu nổi hoả lực của chúng ta” (tức Mỹ).
Tiếp sau dùng tàu hải quân chở lính thuỷ đánh bộ thực hành đổ bộ đường biển lên An Cường, Phú Vinh, Thanh Thuỷ để tiến công vào chính diện, đồng thời dùng trực thăng chở quân đổ bộ đường không xuống Ngọc Hương, Phổ Tinh, Vạn Tường…đánh vào bên sườn và phía sau. Trong lúc đó, quân đổ bộ tiến công từ Chu Lai vào An Lộc để cắt phía sau. Tướng Krulak tuyên bố “một cái bẫy khép kín hoàn toàn, Việt cộng không thể một ai lọt ra được”.
Đó là kế hoạch và bút vẽ trên bản đồ, còn thực tế không phải như vậy. Quân chiến đấu Mỹ chủ động đi tiến công “tìm diệt”, nhưng đổ bộ đường biển bị đánh ngay tuyến mép nước, đổ bộ đường không bị đánh tại chỗ, tiến công đường bộ bị chặn đứng ngang đường.
Cả ngày 18-8 cuộc chiến đấu kéo dài giằng co, ác liệt, “cái bẫy" không thể khép kín mà bị đánh gãy ra từng đoạn, đập tan ra từng mãnh.
Lính thuỷ đánh bộ đã bị sa vào thế “thiên la địa võng” của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Chúng lên đâu, xuống đâu, tới đâu cũng đều bị đánh, phía trước, bên sườn, phía sau, chỗ nào cũng bị đánh, quân Mỹ bị hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hãng AP kêu lên “Việt Cộng xuất hiện từ các hầm hố mà lĩnh thuỷ đánh bộ không trông thấy, Việt Cộng xuất hiện thình lình cả đằng trước mặt và đằng sau lưng”.
Thật là chua chát! Quân viễn chinh Mỹ chủ động đi tiến công tìm diệt đã trở thành bị động chống lại sự phản công, phản kích quyết liệt của lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Trung đoàn 1 và nhân dân địa phương.
Kết quả là quân chiến đấu Mỹ không diệt được đối phương mà lại bị đối phương tiêu diệt trên 900 tên, bị phá 22 xe tăng, xe bọc thép, bị bắn rơi 13 máy bay.
Ngày 19/8, từng đoàn tàu thuỷ, từng đoàn trực thăng đi đi lại lại thu dọn chiến trường vẫn còn hoảng sợ nên đã bỏ lại những xác xe tăng, xe bọc thép, xác máy bay mang nhãn hiệu USA của quân viễn chinh Mỹ nằm lại tại chiến trường cho tới ngày nay.
Trận mở đầu chiến lược “chiến tranh cục bộ”  của Mỹ trên chiến trường khu V đã bị thất bại tại khu vực Vạn Tường.
Vạn Tường là sự mở đầu và cũng là sự báo hiệu các trận thất bại liên tiếp của Mỹ trên đất Quảng Ngãi như Gò Cát, Cao điểm 62, Đồi Chùa, Phước Bình, Chóp Nón, Hoà Vinh, Hội Đức, Phước Lộc…Những thất bại trên đã góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ.
Nghĩ lại từ đối phương, Vạn Tường là trận mở đầu chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trên chiến trường khu V và cũng là trận mở đầu chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của quân viễn chinh Mỹ tại miền Nam. Huy động tối đa lực lượng không quân, hải quân, lính thuỷ đánh bộ, binh lực Mỹ gấp đối phương từ 7-8 lần còn binh khí kỹ thuật thì ưu thế tuyệt đối nhưng đã bị thua.
Vạn Tường là sự mở đầu thất bại của “Chiến tranh cục bộ” cũng là báo hiệu sự thất bại liên tiếp của các cuộc phản công “tìm diệt” chủ lực đối phương ở đồng bằng khu V, ở Tây Nguyên, ở miền Đông Nam Bộ trong các năm 1966, 1967 và tất yếu dẫn tới thất bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.
Từ Vạn Tường, ta có thể dự báo cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc tương lai.
Nghị quyết Trung ương 3 về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh cũng đã dự kiến tình huống 4 trong các tình huống sẽ xảy ra.
Bọn xâm lược có thể dùng một bộ phận lực lượng như: quân phản ứng nhanh, lính thuỷ đánh bộ-có sự chi viện của hoả lực không quân, hải quân, tên lửa…tập kích vào một khu vực nào đó ở ven biển nước ta nhằm:
- Tiêu diệt một bộ phận lực lượng vũ trang của ta.
- Phá hoại một khu vực kinh tế, chính trị, dân cư của ta.
- Đánh chiếm một khu vực có giá trị chiến dịch-chiến lược trong một thời gian nhất định.
Những dự kiến trên, nhắc nhở chúng ta phải thường xuyên nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù, nếu chúng liều lĩnh gây ra.

IIVỀ LỰC LƯỢNG TA:
Sau chiến tháng Ba Gia, Trung đoàn 1 được lệnh về đóng ở Đông Bình Sơn, Sơn Tịnh để huấn luyện quân sự-chính trị, đồng thời cùng với địa phương xây dựng phương án tác chiến tại chỗ (phương án phản công sẵn sàng đánh bại  các cuộc tiến công “tìm diệt” của Mỹ từ Chu Lai vào Bắc Quảng Ngãi)
Trong đội hình Trung đoàn vẫn gồm các đơn vị đã chiến đấu ở Ba Gia mang theo truyền thống của F312-F324, F305 được cộng thêm với khí thế chiến thắng Ba Gia và trận đầu diệt Mỹ ở Núi Thành càng củng cố thêm quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ.
Nhân dân ở vùng Đông Bình Sơn, Sơn Tịnh có truyền thống cách mạng, có lòng căm thù địch, dám đấu tranh trực diện với kẻ thù, đoàn kết thương yêu, hết lòng giúp đỡ bộ đội, hăng hái tham gia tiếp tế, tải thương, phục vụ chiến đấu.
Các làng xã ở khu vực Vạn Tường là vùng giải phóng, làng xã chiến đấu đã được xây dựng, có hầm chiến đấu, có hầm trú ẩn, có nơi có địa đạo.
Lực lượng vũ trang nhân dân đã được tổ chức, có các tiểu đội; trung đội dân quân ở các làng xã, có đại đội địa phương huyện được tập luyện để đánh địch bảo vệ địa phương.
Địa hình Đông Bình Sơn, Sơn Tịnh là vùng ven biển có đồi núi, làng mạc kín đáo, có đồng ruộng xen kẽ, có nơi sình lầy và suối sâu, tiện cho ta giấu quân và cơ động để đánh gần, đánh xen kẽ với địch.
Với điều kiện “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà”, những yếu tố trên được kết hợp lại tạo thành thế “Thiên la Địa võng” của chiến tranh nhân dân, làm chỗ dựa cho toàn dân đánh giặc với 3 thứ quân làm nòng cốt và Trung đoàn 1 giữ vai trò then chốt. Vì vậy, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp cả thế và lực để đánh Mỹ, thắng Mỹ ở Vạn Tường.
Từ thực tế chiến đấu ở Vạn Tường, thế trận chiến tranh nhân dân của ta càng được vững chắc “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà” ngày càng bền vững đã phát huy sức mạnh tổng hợp làm cho sức chiến đấu được tăng lên gấp bội, vượt qua mọi khó khăn ác liệt đánh bại quân viễn chinh Mỹ “chủ động đi tiến công tiêu diệt ta”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét