Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Nạn nhân dioxin: Dai dẳng nỗi đau


Nạn nhân dioxin: Dai dẳng nỗi đau

Xem hình
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), hiện cả nước có khoảng 200.000 nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) thuộc thế hệ thứ 2 và gần 80.000 NNCĐDC thuộc thế hệ thứ 3, nhiều địa phương đã có thế hệ thứ 4 bị phơi nhiễm. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân vẫn chưa được hưởng chính sách.
Còn đó nỗi đau…da cam

Thiếu tướng Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) cho biết, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã sử dụng trên 110.000 tấn chất độc với trên 300.000 tấn chất cháy và 14 triệu tấn bom đạn với sức công phá bằng hai lần số bom đạn đã sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ 2. Chất độc hóa học phun rải trên 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam, phá hoại trên 3 triệu héc ta rừng và làm 4,8 triệu người Việt bị phơi nhiễm, trong đó có khoảng 3 triệu nạn nhân (có những nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3, thậm chí thế hệ thứ 4).

"Khác với nạn nhân do bom đạn chiến tranh, vết thương bom đạn có thể làm cho số đông nạn nhân mất một bộ phận cơ thể nhưng không đau đớn thường xuyên, họ vẫn sinh con lành lặn. Nhưng với NNCĐDC họ đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần. Những người bị nhiễm chất độc hoá học mắc bệnh nan y hiểm nghèo, cơ thể luôn đau đớn, quằn quại, con sinh ra dị dạng, dị tật do chất độc da cam gây biến loạn về gen, chủ yếu xảy ra ở trẻ em và di truyền qua vài thế hệ, thậm chí đã đến thế hệ thứ 4, thứ 5” - Thiếu tướng Trần Xuân Thu cho biết.

Thực tế đã chứng minh, NNCĐDC không chỉ giới hạn trong vùng bị phun rải mà còn xuất hiện ở vùng không bị phun rải do chất độc lan tỏa theo không khí( không quân Mỹ cũng đã thừa nhận có tới 13% chất độc bay theo chiều gió ra ngoài khu bị phun rải). Nhằm có con số cụ thể, chính xác về số người bị phơi nhiễm chất hóa học/dioxin để làm căn cứ đề xuất chính sách, mới đây Vava đã tiến hành cuộc khảo sát tại hai tỉnh Tây Ninh và Ninh Bình. Phạm vi khảo sát hẹp song kết quả cho thấy số người NNCĐDC ngày càng gia tăng và lan rộng.

Là tỉnh không trực tiếp chịu sự phân rải chất độc nhưng kết quả khảo sát cho thấy, toàn tỉnh Ninh Bình có tới 35.249 người bị phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó có hơn 7 nghìn người bị phun rải trực tiếp, hơn 14 nghìn người sống ở trong vùng bị phun rải, trong đó thế hệ thứ 2 (con) chiếm gần 8 nghìn người, thế hệ thứ 3 (cháu) hơn 3 nghìn người.

 
Bổ sung cơ chế đối với NNCĐDC

Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, Nhà nước đã chi hàng trăm tỷ đồng cho các đề tài nghiên cứu khoa học, triển khai các dự án chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, trợ cấp hằng tháng cho các nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều NNCĐDC, đặc biệt là nạn nhân thế hệ thứ 3 và thứ 4 vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, trên thực tế, mới chỉ có một phần đối tượng tham gia kháng chiến đã được hưởng trợ cấp. Còn người dân thường bị hậu quả chất da cam/dioxin và cháu (thế hệ thứ 3), thậm chí thứ 4 của người tham gia kháng chiến chưa được hưởng chính sách nhân đạo này. Ông Rinh kiến nghị: Cần phải có cơ chế chính sách đồng bộ và sự chung tay, góp sức của các ngành, các cấp, các tổ đối với công tác xoa dịu nỗi đau da cam. Trong đó, cần thiết bổ sung các quy định như: với những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học dẫn tới sinh con khuyết tật hoặc vô sinh mà không xác định được mức độ suy giảm khả năng lao động thì được hưởng trợ cấp hàng tháng như người bị suy giảm khả năng lao động từ 41-60%.

Lê Bảo (Báo Đại đoàn kết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét