Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Hàng rào hai tỷ USD của McNamara


Hàng rào hai tỷ USD của McNamara

Khi còn là chủ Lầu năm góc, Robert McNamara mắc phải nhiều sai lầm trong cuộc chiến tại Việt Nam, trong đó, có việc tiêu tốn hàng tỷ đồng xây dựng hàng rào điện tử mang tên ông này. 
Mặc dù quân đội Mỹ liên tiếp đưa lực lượng quân sự của mình vào chiến đấu cùng quân đội Việt Nam cộng hòa, nhưng họ không thể kiểm soát được chiến trường và khống chế được lực lượng vũ trang của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
McNamara khi còn đương nhiệm.
Cho rằng lực lượng du kích miền Nam có thể chiến đấu được là nhờ sự tiếp tế của miền Bắc, ngày 9/7/1967, tại một cuộc hội thảo ở Washington, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi đó là Robert McNamara đưa ra kế hoạch xây dựng một hàng rào điện tử chống xâm nhập dọc khu phi quân sự (DMZ) giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, hệ thống này thường được gọi tên là “Hàng rào điện tử McNamara”.
Sơ đồ các lớp phòng thủ dự định xây dựng trong kế hoạch thiết lập “Hàng rào điện tử McNamara “
Sở dĩ McNamara đưa ra ý tưởng này vì việc xây dựng hệ thống thành lũy và hàng rào để tăng cường khả năng ngăn chặn rất hiệu quả trong lịch sử, điển hình là Vạn lý trường thành của người Trung Quốc đã ngăn chặn quân Hung Nô, bức tường Hadrian của Anh ngăn chặn các bộ tộc Barbarian và ngay tại Việt Nam, chúa Nguyễn đã xây lũy Thầy để ngăn chặn hiệu quả các cuộc tấn công của chúa Trịnh từ phía Bắc. Trong chiến tranh hiện đại, hàng rào Morice Line xây dựng năm 1957 của quân Pháp cũng phát huy hiệu quả rõ rệt khi nó ngăn chặn được 90% các cuộc đột nhập của quân giải phóng Algeria.
Vỏ một quả bom chùm SADEYE đã nổ được Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
(Ảnh: Đồng Tâm)
Người thiết kế “hàng rào McNamara” là giáo sư Roger Fisher, ĐH Havard, một người đam mê quân sự. Năm 1966, Fisher đã dựa vào hàng rào Morice Line tại Algeria để xây dựng một hệ thống hàng rào “hi-tech”, là sự kết hợp hoàn hảo của mìn, hố bẫy, dây thép gai và các thiết bị trinh sát điện tử. 

Tháng 7/1966, sau chiến dịch Rolling Thunder, các báo cáo quân sự đã chỉ rõ việc ném bom dọc đường Trường Sơn là “không có ảnh hưởng đáng kể” đến năng lực vận chuyển và tiếp tế của miền Bắc đối với miền Nam, điều này thúc đẩy việc triển khai hàng rào điện tử vào năm 1967.

Hệ thống trinh sát hàng tỷ USD
"Hàng rào điện tử McNamara" gồm hai thành phần chính là hàng rào chống xâm nhập xây dọc theo vĩ tuyến 17, từ biển Đông tới biên giới Lào và một “hàng rào” khác gồm các thiết bị điện tử được thả xuống dọc đường mòn Hồ Chí Minh, kể cả trên đất Lào nhằm theo dõi quá trình vận chuyển, tiếp tế của miền Bắc qua con đường này.
Cảm biến tiếng động “Cây nhiệt đới” ADSID đã được sử dụng trên đường mòn Hồ Chí Minh, hiện vật tại bảo tàng Phòng không - không quân. Ảnh: Đồng Tâm.
Rất nhiều vũ khí và thành tựu khoa học quân sự mới nhất của Mỹ đã được sử dụng để xây nên hàng rào, bao gồm các loại cảm biến địa chấn phát hiện xâm nhập, trong đó, nổi tiếng nhất là cây nhiệt đới (ADSID - Air Delivered Seismic Intrusion Detector) có khả năng cắm chặt xuống đất khi thả từ máy bay, ngụy trang khéo léo và phát hiện các tiếng động do người và xe phát ra để truyền về trung tâm xử lý, thông báo chính xác vị trí đối phương. 

Các loại vũ khí mới được sử dụng có bom chùm SADEYE/BLU-26B, có thể chứa 600 quả bom con, mỗi quả nặng 450g ; khi được thả bom mẹ sẽ phát tán các bom con ra một vùng rộng và khi nổ, mỗi quả bom con sẽ tung ra 3.000 viên bi thép khiến khả năng sát thương của loại vũ khí này rất khủng khiếp.
Loại mìn lá Gravel làm bằng plastic, được bọc trong vải, rất khó phát hiện và có khả năng làm cụt chân người giẫm lên. Có gần 300 triệu quả mìn này được thả dọc Trường Sơn. Ảnh: Đồng Tâm.
Một vũ khí khác cũng không kém phần nguy hiểm là những quả mìn lá Gravel, khi nổ chỉ cắt cụt chân người giẫm lên, khiến người bị thương sẽ thành gánh nặng cho đồng đội và làm mất tinh thần những người khác. Điểm nguy hiểm của mìn Gravel là nó hầu như không thể bị phát hiện do làm bằng plastic và do đó các mảnh mìn găm vào người cũng “vô hình” khi chụp X-quang. 

Dự tính chi phí xây dựng hàng rào là một tỷ USD nhưng khi thực tế đã "đội" lên tới 2,2 tỷ USD (theo thời giá những năm 1970, số tiền này tương đương 12,3 tỷ USD theo thời giá năm 2008). Trong đó, 1,6 tỷ cho nghiên cứu và mua khí tài cùng 600 triệu USD để duy trì trung tâm xử lý thông tin tại Thái Lan. 

Người Mỹ đã ném xuống 240 triệu quả mìn Gravel, 300 triệu quả mìn khác, 120.000 bom chùm SADEYE, 19.200 cảm biến; sử dụng  68 máy bay tuần tra và 50 máy bay thả bom các loại.
Một quả bom bi được tìm thấy tại Lào sau chiến tranh. Ước tính hiện còn hàng triệu quả bom bi, mìn, đạn nổ... sót lại đang đe dọa tính mạng người dân ba nước Lào, Campuchia và Việt Nam.
Thời gian đầu khi mới đi vào hoạt động, hàng rào điện tử McNamara với yếu tố bất ngờ đã gây nhiều khó khăn cho lực lượng tiếp viện trên đường Trường Sơn. Theo ước tính của lực lượng không quân Mỹ, chỉ riêng trong bốn năm từ 1968 - 1971, họ đã phá hủy được 35.500 xe vận tải của miền Bắc với tổng lượng hàng hóa lên tới 180.000 tấn. 

Trong năm 1971, chỉ 20% hàng hóa chuyển qua đường mòn là tới được đích. Theo miêu tả của một nhà báo Pháp đã có mặt tại đường mòn Hồ Chí Minh giai đoạn này thì sự tàn phá rất khủng khiếp: “Hai bên đường là một mớ hỗn độn của mảnh kim loại, xác máy bay, vỏ các loại bom chùm, thùng đạn rỗng, vỏ pháo phòng không 37 mm, cùng mảnh của những quả mìn đã nổ...Việc di chuyển chỉ thực hiện được trên mặt đường do hai bên đường đã được phủ một lớp tro dày đến đầu gối do tác dụng của bom, bom napan, các vũ khí cháy và chất độc hóa học...Khi mùa mưa đến, lớp tro này trở thành một bãi bùn nhày nhụa, không một sinh vật nào, ngay cả dế có thể sống được trên lớp bùn đó... trừ bộ đội Việt Nam".
Quang cảnh tàn phá tại đường mòn Hồ Chí Minh trong nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn dòng tiếp viện từ miền Bắc vào miền Nam của bộ đội Việt Nam.
Tuy nhiên, hiệu quả của hàng rào McNamara đã không như mong đợi của Mỹ, cả hàng rào vật lý và “hàng rào” bằng vũ khí cùng các thiết bị điện tử. Những hàng rào 12 lớp cao đến ba mét cùng những bãi mìn rộng đến hàng trăm mét dễ dàng bị xóa sổ sau những trận pháo kích; những đồn gác dày đặc cùng các thiết bị phát hiện hiện đại hay truyền thống như chó, ngỗng không ngăn chặn được đặc công xâm nhập và phá hủy. 

Các thiết bị điện tử cũng chỉ phát huy tác dụng hạn chế vào lúc đầu khi các lực lượng chi viện còn bị bất ngờ còn sau đó thậm chí nó đã phản tác dụng vì “hỗ trợ” tốt cho các hoạt động nghi binh của Việt Nam. 

Năm 1972, tất cả các kế hoạch về xây dựng “Hàng rào điện tử McNamara đã bị hủy bỏ. Ngoài các đoạn hàng rào bảo vệ những cứ điểm cục bộ thì một hàng rào cắt ngang giới tuyến không bao giờ được hoàn thành như kế hoạch. 

Lần này, ý chí kiên cường và sự sáng tạo trong chiến đấu của quân và dân Việt Nam đã khiến sự thành công của hàng rào Morice Line ở Bắc Phi không thể lặp lại ở Đông Nam Á.
Đồng Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét