Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

3.4.1965 : Chiến thắng Hàm Rồng


3.4.1965 : Chiến thắng Hàm RồngIn
Trong hai ngày: mùng 3 và mùng 4 tháng 4-1965, không quân nhân dân Việt Nam đã ghi chiến công đầu giòn giã. Ngày 3-4-1965, biên đội không quân Phạm Ngọc Lan bắn rơi 2 máy bay phản lực hiện đại F8 trên vùng trời Hàm Rồng Thanh Hoá. Tiếp đó, 4-4, liên đội Trần Hanh bắn rơi 2 phản lực F105 Mỹ cũng trên vùng trời Hàm Rồng. Ngày đánh thắng trận đầu oanh liệt ấy đã trở thành ngày truyền thống vẻ vang của quân chủng.
  Không quân nhân dân là một quân chủng hiện đại trẻ tuổi của Quân đội nhân dân Việt nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, không quân đã đánh thắng hơn 500 trận, bắn rơi 320 máy bay Mỹ. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân nǎm 1975, không quân nhân dân đã vận chuyển một khối lượng vũ khí và hàng quân sự vào chiến trường kịp thời phục vụ chiến đấu. Đồng thời đã yểm trợ đắc lực cho các đơn vị bộ binh và hải quân chiến đấu giải phóng các hòn đảo của Tổ quốc. Ngày 28-4-1975 phi đội Quyết thắng sau khi bắn rơi 5 máy bay Mỹ đã táo bạo, bất ngờ đánh trúng khu vực để máy bay của địch ở Tân Sơn Nhất góp phần giành toàn thắng cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
  Đảng và Nhà nước đã dành cho không quân nhân dân Việt Nam nhiều phần thưởng cao quý. Nhiều tập thể và cá nhân của quân chủng không quân đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 Nguồn: http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/web/tintuc/default_opennew.aspx?news_id=3805
    Hàm Rồng ta đó! Thiên nhiên và lịch sử dành cho những ưu đãi mà nơi khác không có được. Quá khứ và hiện tại hòa quện vào nhau tưởng như là một sự tất nhiên mà từ đó cho ta niềm tự hào một cách chân chính. Bởi không hề gượng ép, màu mè thêu dệt mà thời gian trôi qua càng ngời sáng và khắc sâu trong tâm can của mỗi người. Dẫu trực tiếp chiến đấu, công tác nơi đây, hay chỉ có dịp qua và nghe kể lại như là một câu chuyện cổ tích, một huyền thoại.
    Xưa, con sông Mã rong ruổi đâu đó qua Tào rồi đổ ra cửa Lạch Trường. Một đêm nào, đêm nao nước sông Chu không đủ mạnh để đẩy cho dòng sông Bưởi và sông Cầu Chày cùng sông Mã chùn bước, lại được nước sông Nhà Lê từ Tam Điệp đổ về, băng qua dãy núi Rồng, tách ra mới có chuyện Hòn Ngọc phía bên kia sông và bên này là dãy con Rồng với chín chín ngọn. Sự thể ấy mới có câu ca, cho dù vua chúa có nhiều chữ nghĩa cũng không thay thế được lời hát ru con, câu hò của o thôn nữ nơi ngọn dừa hay lũy tre làng Nguyệt Viên ra sông Mã lấy nước về cất rượu để say lòng người:
                        Chín mươi chín ngọn ở bên sông
                    Còn ngọn núi Nít đằng đông chưa về
    Tôi có mong muốn, một lần đi từ núi Mắt Rồng đếm chín mươi chín ngọn và tìm ra sự khác lạ xem sao... Đâu là núi Văn Chỉ, Tho Đũa, Yên Ngựa... Lúc chiến tranh không nhìn ngắm cho hết được, hòa bình rồi lại bận với mưu sinh nên không đi cho thấu. Thành ra những gì của Hàm Rồng, cái quá khứ và hiện tại năm tháng trôi qua, càng phủ dày lên màu sắc của huyền thoại.
    Tôi thầm nghĩ, chiến tranh qua đi hơn bốn chục năm rồi, những người ngã xuống nơi đây, hoặc qua Hàm Rồng ra mặt trận, một đêm nào qua đây có nhìn thấy trên đồi cao những nòng pháo vươn dài canh cho xóm làng và nhịp cầu cuộc sống bình yên, họ có một niềm tha thiết gửi lòng mình cho xe tàu vào Nam ra Bắc chiến đấu, công tác vì miền Nam ruột thịt.
    Ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965, Hàm Rồng đã đi vào lịch sử hào hùng cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Mới vừa hôm qua nhịp cầu có mố cầu cắm sâu vào lòng sông Mã với bao câu chuyện và sự tích thần kỳ. Về nhịp cầu treo đã ngã xuống, tiêu thổ kháng chiến ngăn chặn không cho quân Pháp tràn ra vùng tự do. Về cầu Hàm Rồng với bao kíp người, trèo lên đông cầu chốt, với chín mươi chín người rơi xuống dòng sông Mã. Tất cả những sự tích huyền thoại Hàm Rồng như đang sống lại.
    Hàm Rồng đã nổi lửa, hai triền sông Mã nổi giận. Không phải huyền thoại, cổ tích mà người Hàm Rồng đã quật ngã “Thần sấm”, “Con Ma” và “Giặc nhà trời”. Nhiều lúc ta muốn đi tìm xem ai là người đầu tiên nổ phát súng vào máy bay giặc Mỹ. Để từ đó khúc ca chiến thắng bật lên, nối tiếp nhau hơn ba ngàn ngày, với khẩu hiệu: “Bám pháo giữ cầu”. Từ Lèn, hai bên đầu cầu tiếng súng dội về và chiến công của người Đò Lèn đã mở màn cho sự thử thách của số phận cầu Hàm Rồng. Giặc Mỹ muốn kéo giãn lực lượng của ta ra và cô lập không cho chi viện cho Hàm Rồng. Lèn, hy sinh thân mình cho Hàm Rồng vang lên khúc huyền ca chiến thắng.
    Từ trận địa bãi ngô bên cầu Tào, pháo của ta khai hỏa. Trên Lưng  Rồng, Bãi Sỏi, đồi Không Tên, Lều Vịt, Đình Hương, trên đỉnh núi Ngọc tổ trung liên được lệnh khai hỏa... Tiếp theo là trận địa trực chiến Nam Ngạn, súng của tự vệ Nhà máy Điện Hàm Rồng, tự vệ Bến Ngự, Lò Chum, Nhà máy Gỗ Điện Biên, Xí nghiệp In Ba Đình... Và ngay trong lòng của Hàm Rồng tự vệ Lò Cao, Phân lân, Tàu thuyền, tự vệ đội cầu 19-5... Giặc Mỹ muốn ta”trở về thời kỳ đồ đá”, chúng đã chọn Hàm Rồng là một “điểm tắc lý tưởng”, nhưng tham vọng của chúng đã bị chôn vùi xuống dòng sông Mã. Chưa bao giờ người Hàm Rồng lại đứng lên một cách kiêu hùng như vậy. Chưa bao giờ người Thanh Hóa lại chăm chú hồi hộp, mắt ngóng về Hàm Rồng với lòng lo âu và chờ đợi như vậy. Bởi giặc Mỹ đánh phá miền Bắc từ 5-8-1964 kia. Nhưng với Thanh Hóa và Hàm Rồng là trận đầu lịch sử đã lựa chọn và chưa bao giờ lại có cuộc đọ sức không cân sức như vậy.
    Anh hùng Đỗ Chanh, người con Tĩnh Gia đi “Nam tiến”, sau tập kết ra Bắc, thành kỹ sư, Giám đốc Nhà máy Điện Hàm Rồng có dịp đã tâm sự cùng tôi:
    - Lúc đó công sự đâu chuẩn bị chắc chắn, nhưng cương quyết đưa súng lên trên đông nhà máy, làm công sự trên đông nhà máy, cùng với bộ đội cao xạ quyết giữ cho dòng điện không bị ngừng. Nhà máy điện nằm trong cùng trục bổ nhào với nhịp cầu, chịu biết bao bom đạn giặc Mỹ, nhưng quyết không chịu rời vị trí của mình.
    Bác Đẩng, một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, là người chuyên môn đánh kẻng báo động cho công nhân trên đông cầu. Bom bỏ khi tiếng kẻng chưa dứt. Xong một hồi kẻng dài bác lại trú vào chân núi Ngọc, bây giờ ta đi qua có nhận ra cái ngách nhỏ bé nông choèn ngày ấy? Bây giờ bác ở đâu, một đời kiên cường gác cầu?
    Trong hai ngày 3 và 4-4-1965, Hàm Rồng cùng Lèn và Ghép bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ. Số phận của Hàm Rồng không còn bình lặng như ngày hôm qua.
    Đỗ Hữu Quang, chàng trai Hà Nội, một học sinh Trường Chu Văn An, xếp bút nghiên vào Hàm Rồng vào mùa xuân 1965, và ở đó đến ngày ngừng tiếng súng, rời Hàm Rồng khi cùng trung đoàn hành quân theo hàng dọc, kéo pháo vào giải phóng miền Nam. Quang đã sống trọn vẹn với Hàm Rồng, tuổi thanh xuân đã gửi gắm cùng Hàm Rồng. Ngày 3 và 4-4-1965 trung đội 37 ly của anh đóng trên đồi Không Tên. Dân quân và học sinh Đông Quang vào trận địa xem bộ đội bắn máy bay giặc Mỹ. Quang tâm sự cùng tôi, sự hồn nhiên của chiến tranh không bao giờ lặp lại như hôm đó nữa. Địch coi thường lực lượng cao xạ của ta nên thi nhau bổ nhào, trong đời lính  chưa bao giờ anh lại được bắn “đã đời” như trận ấy. Và sau này, chiến công có tầm vóc vĩ đại ấy cũng không lập lại ở Hàm Rồng.
    Trận đầu, quân và dân Hàm Rồng đã chôn vùi “không lực Hoa Kỳ” xuống tận bùn đen đất đỏ. Trận đầu, không phải cho riêng Hàm Rồng mà cả nước nhìn và ngẫm nghĩ về cuộc chiến tranh nhân dân của ta bảo vệ các mục tiêu trên miền Bắc.
    Còn chàng binh nhì Ngọc Khuê với cây sáo trúc rời trường sư phạm khi chưa kịp lên lớp cùng học sinh, anh đến với Hàm Rồng hồn nhiên như khúc sáo “con ếch xanh” làm vui đêm liên hoan Hàm Rồng chiến thắng trận đầu. Hàm Rồng cho anh sự khởi hứng để mai này có những khúc ca cùng đồng đội “Lên cao điểm”, “Pháo ngự lưng rồng” và “Làng lúa làng hoa”...
    Sau chiến công làm vang động lòng người, làm điên đầu tòa “bạch ốc” những chiến sĩ đoàn Tam Đảo (234) rời Hàm Rồng, bàn giao cho đoàn Trung Dũng (228)... Và chiến công không còn có hương vị ngọt ngào như trước đây nữa. Hàm Rồng vào những giai đoạn đầy ác liệt. Địch dùng mọi thủ đoạn độc ác, với những chiến thuật lần đầu đưa ra áp dụng. Cay cú vì một cây cầu sắt chưa đầy hai trăm mét mà không đánh nổi. Nghe nói chúng cho không quân tập đánh phá Hàm Rồng bằng một mô hình như thật.
    Chúng dùng máy bay từ các hạm đội lao thẳng vào đánh phá Hàm Rồng. Nếu trước đây coi thường lực lượng phòng không ta thì nay chúng tập trung áp chế tấn công vào trận địa. Nếu trước đấy chúng chỉ bổ nhào theo hướng tây sang đông thì nay chúng tìm mọi cách bay thấp để tránh ra đa của ta và mau chóng ngóc lên cao hất bom và chuồn ra biển, tránh lưới lửa của bộ đội và dân quân hai bên bờ sông Mã. Những loại máy bay bay hiện đại, có ra-đa dẫn đường được mệnh danh là “thần đột nhập”, ta nghe chưa dứt kẻng báo động đã hất bom vào công sự, bay ra từ lúc nào.
    “Pháo là nhà, trận địa là quê hương” nếu đó chỉ là khẩu hiệu đã hay, đã ủ ấm trái tim của người lính lúc xa nhà. Nhưng lần này bộ đội Hàm Rồng quyết đưa pháo lên cao điểm, quyết đưa pháo đến gần cầu. Gắn bó số phận mình vào nhịp cầu. Giặc bổ nhào đánh phá cầu là nhằm vào trái tim của người lính. Đại đội 4 được đưa lên cao điểm 54 (đồi ba cây thông) cách cầu chưa đầy sáu trăm mét, đại đội 2 đưa lên đồi Yên Ngựa cách cầu chưa đầy tám trăm mét, trận địa Bãi Sỏi, đồi Không Tên, đồi Phân Lân và ở bờ bắc Hàm Rồng, ta quyết tâm đưa pháo vào nằm ở cánh đồng đầy sình lầy, đối diện với nhịp cầu. Chiến tranh ác liệt, đối mặt với cái sống và chết ta đã tìm ra cách ấy. Một đêm đưa một khẩu pháo vào trận địa nằm ở mênh mông là nước. Và, ở cạnh bờ công sự lại thả những bè sen, mùa hè về nở hoa và hương tỏa ngát. Đó là “trận địa đầm sen”.
              Trận địa nằm nơi Đồng Lầy
               Bom đạn quân thù đốt cháy thành sành
               Lấy đất bùn nơi hố bom làm vườn hoa
              Hoa cúc uống hương của mùa thu
              Hoa đào ướp hương xuân dìu dịu
               Hoa mười giờ cháy trưa mùa hạ
              Qua mùa đông không tàn
               Báo có khách.
               Mùa hè về
               Những gương sen vươn lên trời cao
               Lính mình đắp chùa Một Cột
               Quân thù muốn biến nơi đây thành cõi chết
               Ta biến thành Đầm Sen.
    Ngày 18-7-1965, “kẻ đột nhập” lại mò tới. Ngay loạt đạn đầu tiên chiếc A6A của giặc đã rơi tại chỗ, tên trung tá Đen-tơn và trung úy Chu-đi dù chưa kịp mở đã bị treo trên ngọn dừa bên dòng sông Mã. Cô Nguyễn Thị Thạch, dân quân làng Nam Ngạn được giao cho dẫn tên xâm lược sừng sỏ sang bờ Bắc.
    Nam Ngạn, cả làng ra trận, không phải chỉ riêng Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Thị Hằng, Hàn Thị Tĩnh, Lê Thị Huê, Lê Thị Dung...  gia đình cụ Ngô Thọ Lạn cả nhà ra trận, nhà sư Đàm Thị Xuân và nhiều phật tử cùng ra trận. Một lần về Đại đội 4, sau một chuyến công tác, tôi bắt gặp Nguyễn Đình Đông, tiểu đội trưởng ra - đa chở xe đạp đưa nhà sư lên trận địa. Tôi ngộ ra một điều, đứng trước sự hy sinh cao cả, lòng nhân đạo của con người không hề có sự toan tính.
    Cả làng Yên Vực là một pháo đài, ở đó không chỉ có 75 dũng sĩ mà các mẹ, các em thi đua cùng nhau chặt lá ngụy trang, đưa giẻ lau pháo, nấu nước cho bộ đội. Đông Quang, Đông Tác, Hạ Oa... cả hai bờ sông Mã cùng ra trận.
    Xác định cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ còn kéo dài, những người lính đoàn Trung Dũng (228) lúc này cắm chốt bảo vệ yếu địa. Hàm Rồng lúc này đã thành cụm, đã thành chỉ huy sở chỉ huy chiến đấu.
    Sự hy sinh anh dũng ở một trận đánh. Một động tác anh hùng khi gặp bom đạn của kẻ thù thật cao quý. Nhưng sự chịu đựng dẻo dai, bom đạn, rét mướt và căng thẳng của người lính cũng là một sự phi thường. Trong gian khổ ấy, sự xác định: “pháo là nhà, trận địa là quê hương”, không phải do một sự thần tình hóa mà do “trái tim nghệ sĩ của người lính” nghĩ ra:
                   Bên ni núi Ngọc
                   Bên tê núi Rồng
                  Hiên ngang cầu bắc ngang sông
                  Đẹp thay hai tiếng Hàm Rồng quê hương
                 Cầu là máu cầu là xương
                 Cầu là sức mạnh muôn phương gửi về
                 Đứng trên núi Ngọc ta thề
                 Đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương.
    Cuộc chiến tranh leo thang của giặc Mỹ không còn “nhảy cừu” nữa mà chúng mở những cuộc “thập tự chinh”, chúng không còn bổ nhào thứ tự để anh “đơm đó” mà theo “bàn tay xòe” và “lá rụng nhiều tầng”, chúng có thể đột nhập bất ngờ, chúng có thể dùng đủ thứ bom: tạ, tấn, phi dăng (nổ trên lưng chừng đất), chạm nổ, bom bi... Chúng có thể cho pháo kích từ hạm đội và thả thủy lôi trôi vào phá hoại cầu, có thể cho biệt kích mò vào để gài mìn...
    Sang năm 1966, cuộc chiến chống lại chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ không dễ chịu một tí nào. Máy bay của chúng bay thẳng từ các hạm đội nằm ngoài biển Đông vào, đột nhập vào Hàm Rồng mau chóng. Hàm Rồng đón tiếp các loại máy bay với những tên đầy hù doạ: “Thập tự chinh”, “Con ma”, “Thần đột nhập”... Điều đó không phải là tên gọi dậm dọa mà tính linh hoạt của kẻ địch rất khác xa với lối đánh trước đây. Những cuộc ném bom vào trận địa gia tăng.
    Một chiến dịch lớn chúng mở ra vào tháng 9-1966. Trong 3 ngày 21, 22, 23 chúng dùng hơn 365 lần chiếc tấn công vào Hàm Rồng. Địch từ xa phóng tên lửa vào cầu. Dùng tên lửa phóng vào ra - đa. Và pháo kích dội vào trận địa. Một lần nữa, người Hàm Rồng lại khoét vào lòng núi làm công sự. Cơ động từ các trận địa để đánh lạc hướng địch. Thành lập các tiểu đoàn đi phục kích máy bay bay thấp.
    Vào cái ngày buồn của tháng 9 năm 1966, lần đầu tiên cầu Tào trên mình mang vết thương để Hàm Rồng vang lên lời kêu gọi trả thù.
Ta đã bắn rơi 8 chiếc, bảo vệ cầu an toàn.
Năm 1967 ta bắn rơi chiếc thứ 2.000 trên miền Bắc.
Địch bỏ bom bi vào trận địa.
Giặc thả thủy lôi hòng phá hoại cầu.
    Trong trận chiến đấu ác liệt ngày 2 tháng 9 năm 1967, câu khẩu hiệu nổi tiếng được viết trên bờ công sự pháo: “Thà gục trên mâm pháo quyết không để cầu gục” từ đại đội 4 (đại đội anh hùng) thành câu khẩu hiệu truyền thống của người Hàm Rồng.
    Năm 1972, giặc Mỹ ném bom trở lại, dùng B52 rải thảm Hàm Rồng. Chúng dùng bom “tinh khôn” hòng hủy diệt Hàm Rồng. Hàm Rồng chứa trên mình những vết thương. Nhưng cái đau ấy còn hằn sâu trong lòng người lính, quyết tử cho nhịp cầu còn lại cùng thời gian.
    Hàm Rồng là nơi có nhiều những tập thể anh hùng: Trung đoàn bảo vệ cầu Hàm Rồng anh hùng, Nam Ngạn anh hùng, Nhà máy Điện anh hùng, Đội cầu 19-5 anh hùng, Đồn công an anh hùng, Đồn công an vũ trang anh hùng... và những làng xã hai bờ sông Mã: Đông Sơn, Yên Vực, Hoàng Anh, Hoàng Long... sau này cũng được Đảng và Nhà nước  phong tặng danh hiệu anh hùng.
    Có nhiều đoàn quân ra tiền tuyến đã qua Hàm Rồng. Hàm Rồng được tạo hóa ban cho mình những điều mà nơi khác không có được. Đó là nhịp cầu nằm trên nền văn minh trống đồng Đông Sơn. Có núi Đọ là di chỉ của thời kỳ đồ đá. Có huyền thoại về Hàm Rồng mà chín mươi chín ngọn núi còn đó cùng dòng sông Mã với hang Mắt Rồng mà người xưa khắc đá đề thơ.
    Tôi có dịp trò chuyện cùng đại tá nhà văn Dương Duy Ngữ, vốn là pháo thủ số 5, pháo cao xạ 57 ly ở trận địa Đông Tác. Ông không giấu nổi sự xúc động kể về “người Hàm Rồng”. Vào đêm 3 và 4-4-1965 ấy, cậu có biết sao không, cả Hàm Rồng, mà phải nói cả Thanh Hóa nhà mày thao thức. Mừng chiến thắng, đào đắp công sự. Ông Bí thư Tỉnh ủy đến trận địa tặng quà cho bộ đội. Mày có thấy lạ không, mình nhớ như in, cái đêm đưa pháo vào công sự chuẩn bị cho trận đánh  này. Một người ăn vận giản dị, nhai trầu và vận câu hò, đào đắp công sự cùng khẩu đội mình, là ông ấy đấy!
    Lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã đến thăm và động viên quân dân Hàm Rồng. Đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị... Cả nước dành cho Hàm Rồng tình cảm  và sự mến mộ tài trí và sự kiên cường, dũng cảm, không ngại máu xương bảo vệ nhịp cầu.
    Lê Xuân Thanh - chiến sĩ đại đội 4 được ra Hà Nội gặp Bác vào cuối năm 1968, Người giơ một ngón tay căn dặn, Hàm Rồng bắn rơi chiếc thứ 100 Người sẽ vào thăm. Hàm Rồng đã vượt lên con số 117 chiếc, có cả B52, nhưng Người đã đi xa.
       
    Tôi muốn nói đến một điều, mà chắc ở nơi khác không có được. Trong chiến tranh có nhiều phái đoàn nước ngoài đã tới thăm Hàm Rồng. Tôi có cái may là được viết không ít khẩu hiệu đón các phái đoàn. Tiếng nước ngoài không biết, do ngoại vụ bảo thế nào cứ y nguyên mà vẽ chữ. Họ ca ngợi Hàm Rồng, và muốn được làm một người lính Hàm Rồng. Như đoàn cán bộ cao cấp của Cu Ba đã đến sống cùng Hàm Rồng, làm pháo thủ hàng tháng trời. Nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo trong nước và quốc tế đã viết về Hàm Rồng. Đã để lại những tác phẩm không kém phần nổi tiếng. Hàm Rồng có cái may mắn hơn nơi khác là có sông núi còn giữ gìn cho diện mạo và không gian, có được cảnh quan mà nơi khác không có được. Những lần gặp lại người lính từ Bắc Ninh, Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh về lại Hàm Rồng, một lời như là thúc giục: “Tại sao không có một tác phẩm xứng đáng với tầm vóc Hàm Rồng? Một tượng đài Hàm Rồng trên cao điểm anh hùng?”.
    Tôi biết nói cùng đồng đội sao đây. Trong chiến tranh có hàng trăm văn nghệ sĩ đã đến viết về Hàm Rồng. Chính nơi Hàm Rồng đã hun đúc những chiến sĩ của mình thành nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, anh hùng, cán bộ cao cấp... Hàm Rồng vẫn cho ta những cảm hứng sáng tạo không bao giờ tắt. Hàm Rồng vẫn mới mẻ và nguyên vẹn. Bởi trên thế giới này chưa hề có một cây cầu nào lại có thể trụ vững hàng chục năm trời trước bom đạn hủy diệt của kẻ thù.
    Hàm Rồng vẫn đứng đó soi mình cùng dòng sông Mã trong xanh. Hàm Rồng biết tựa mình vào lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc.
    Tôi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Xuân Hoàng từ Quảng Bình viết ca ngợi Hàm Rồng:
Đến ngày thống nhất trình Quốc hội
Dành  ngân sách làm cầu
Còn cầu cũ xin để lại
Làm đài kỷ niệm đến muôn sau.
Nguồn: http://baothanhhoa.vn/news/46922.bth

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét