Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Đoàn tàu không số trong ký ức một phiên dịch người Trung Quốc


Đoàn tàu không số trong ký ức một phiên dịch người Trung Quốc
QĐND 
QĐND - Trong ký ức nhiều thủy thủ Đoàn tàu không số đã từng sống tại Hậu Thủy (Trung Quốc), hình ảnh tận tụy, gần gũi, thân thiện của những người phiên dịch tiếng Trung và tiếng Việt luôn mang lại cho họ sự ấm áp, thân thương. Chính họ là nhịp cầu rút ngắn những khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ, giữa hai đất nước Việt Nam và Trung Quốc. Những người phiên dịch ấy không chỉ làm tăng hiểu biết giữa những cán bộ chiến sĩ Hải quân Trung Quốc với cán bộ, thủy thủ Đoàn tàu không số, mà họ còn góp phần nhân lên mối tình hữu nghị Việt - Trung.
Ông Hoàng Nguyên

“Ngày tôi nghe tin miền Nam (Việt Nam) hoàn toàn giải phóng, đất nước Việt Nam được thống nhất, tôi mừng lắm. Tôi đã thốt lên sung sướng rằng, quê hương thứ hai của tôi đã giải phóng.
Hôm đó, tôi đang làm việc ở Hậu Thủy. Sau khi nhận tin thắng trận, tôi cùng nhóm phiên dịch và Văn phòng đại diện tại cảng Hậu Thủy (thuộc phía Trung Quốc) và cán bộ Đoàn tàu không số đã làm lễ tổng kết. Lãnh đạo hai bên  và đại diện chỉ huy của Đoàn tàu không số kiểm điểm lại tình hình, những mặt làm được và rút kinh nghiệm một cách toàn diện. Hai bên thống nhất đánh giá, Văn phòng đại diện tại Hậu Thủy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế. Sau lễ tổng kết có liên hoan thắng trận. Chỉ tiếc không có máy ảnh ghi lại khoảnh khắc đó, do khi ấy con đường vẫn tiếp tục được giữ bí mật. Vui và ý nghĩa lắm. Ngày hôm đó và mấy ngày sau, cảm giác lâng lâng vẫn còn. Các bạn Việt Nam mừng chiến thắng, còn chúng tôi mừng vì sứ mệnh quốc tế cũng đã hoàn thành một cách suôn sẻ”. Trên đây là những chia sẻ của ông Hoàng Nguyên,  người có 8 năm làm công tác phiên dịch ở cảng Hậu Thủy.
Thật tình cờ, thông qua các bạn bè cũ của ông - những cựu chiến binh Việt Nam trong Đoàn tàu không số, phóng viên Báo Quân đội nhân dân gặp được ông khi sang Việt Nam công tác, và cũng đúng dịp Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển. Nhiều câu chuyện của gần 50 năm trước và cả những câu chuyện xa hơn thế, về tuổi thơ của ông ở Việt Nam đã được kể lại. “Gia đình có 5 anh chị em, bốn trai, một gái. Bố mẹ tôi là người gốc Hoa, nhưng tôi được sinh ra, lớn lên và học tập tại Lạng Sơn. Tôi đã từng học cấp 1 và cấp 2 tại Lạng Sơn. Đến năm 1954, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi là một trong số những con em được cử đi học tại Khu học xá Quảng Tây, Trung Quốc. Ở Quảng Tây, tôi học chuyên ngành ngôn ngữ Trung Quốc, từ năm 1955 đến năm 1963. Sau đó, từ năm 1963 đến năm 1965, tôi học tiếng Việt tại Trường Sĩ quan Lục quân Quế Lâm, Quảng Tây. Có thể nói rằng, tôi học hai ngôn ngữ Việt và Trung khá thuận lợi vì tôi có hai quê hương: Trung Quốc và Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, tôi được biên chế công tác trong lực lượng Hải quân Trung Quốc”.
Với vốn tiếng Việt đã “ăn vào máu”, ông Hoàng Nguyên nhớ lại: “Trong quá trình phối hợp nhiệm vụ giữa hai bên, phía Trung Quốc đã thành lập Văn phòng đại diện để tiếp nhận, xử lý các thông tin liên quan tới công việc của Đoàn tàu không số. Tôi làm việc ở đó với nhiệm vụ phiên dịch".   
Người cựu chiến binh 74 tuổi đời, với mái tóc đã bạc trắng cho biết, cho dù đã gần 50 năm trôi qua, nhưng ông vẫn có thể nhớ được tên của hầu hết những thủy thủ, chỉ huy Đoàn tàu không số đã từng công tác tại cảng Hậu Thủy.  “Trong suốt những năm làm phiên dịch, tôi vô cùng cảm phục Bộ đội Hải quân Việt Nam. Tôi cũng biết, thủy thủ Việt Nam đã phải luyện tập rất vất vả. Hằng ngày, bất kể nắng, mưa, rét buốt tôi thấy các thủy thủ ngâm mình 2-3 giờ đồng hồ dưới biển. Sau đó lại luyện tập các tình huống chiến đấu, học tập cách sửa chữa máy móc… Tôi biết, để mang lại thành công cho mỗi chuyến đi, nhất là trên những con tàu nhỏ, thường xuyên ra khơi trong tình trạng biển động, sự luyện tập gian khổ ấy là yếu tố đầu tiên để đảm bảo thắng lợi cho mỗi chuyến đi.  Chính tinh thần quả cảm, không quản hy sinh, vượt mọi khó khăn gian khổ của các thủy thủ đã đóng góp rất lớn cho thắng lợi chung của cách mạng, cũng như sự thành công của Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Nhớ lại những tình cảm sâu đậm với thủy thủ Đoàn tàu không số, ông Hoàng Nguyên cho biết, ông được tâm sự với nhiều thủy thủ Việt Nam. “Những gì tôi đã thấy, đã chứng kiến thật đúng như câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mối tình hữu nghị Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Ông Hoàng Nguyên còn khoe rằng, ngay từ những năm đó, ông cũng đã biết tới rượu Lúa mới của Việt Nam. “Trong một lần liên hoan chào mừng ngày Quốc khánh Việt Nam, tôi đã được uống rượu Việt Nam, rất ngon và ấm áp”, ông tự hào kể.
Bài và ảnh: NGUYỄN HÒA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét