Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Hàm Rồng chiến thắng, chiến công nối tiếp chiến công


Hàm Rồng chiến thắng, chiến công nối tiếp chiến công

nhandan.com.vn - 03:14 28-03-2010
ND- Vắt ngang sông Mã, gối đầu lên núi Ngọc, núi Rồng, cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) là điểm nút giao thông quan trọng trên con đường Bắc Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi đây từng là"tọa độ lửa,"là"huyết mạch"của tuyến vận chuyển chiến lược chi viện cho chiến trường miền nam, nơi tôi luyện ý chí, bản lĩnh con người, khẳng định sức mạnh của đường lối chiến tranh nhân dân và ngời sáng Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
SAU khi dựng lên"sự kiện Vịnh Bắc Bộ"để thực hiện kế hoạch"Sấm Rền", tháng 3-1965 đế quốc Mỹ cho máy bay xâm phạm bầu trời Thanh Hóa, bắn đạn rốc-két xuống địa bàn các huyện Tĩnh Gia, Nông Cống, Như Xuân, đồng thời cho máy bay trinh sát khu vực Hàm Rồng. Biết trước mưu đồ của đế quốc Mỹ đánh cầu Hàm Rồng, hòng chặt đứt con đường vận chuyển đạn dược, lương thực chi viện cho miền nam ruột thịt, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng và Chính phủ, Ðảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã chủ động xây dựng, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, phương án tác chiến, sơ tán phòng không, tăng cường lực lượng  trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, quyết tâm đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngay từ trận đầu. Khu vực Hàm Rồng và các địa bàn phụ cận định hình lưới lửa phòng không nhiều tầng và nguyên tắc: Nên đánh có tổ chức, có chuẩn bị, có chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ thống nhất; nên bắn ở cự ly hiệu quả, nhất là khi máy bay địch bổ nhào, bay thấp, tiết kiệm đạn, được quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ, dân quân, tự vệ. Do vậy, chỉ hơn một giờ đánh trả không quân địch tiến công Ðò Lèn vào sáng 3-4-1965, quân dân khu vực này đã bắn rơi năm máy bay địch, bắt sống một giặc lái. 13 giờ cùng ngày, cuộc tiến  công của địch vào cầu Hàm Rồng bắt đầu. Từng tốp máy bay phản lực F105, F8, RE101 liên tục lao vào đánh cầu nhưng chúng vấp phải thế trận thành đồng"đất đối không"giáng trả quyết liệt. Từ tổ trung liên trên núi Ngọc, đại đội pháo cao xạ 37 ly cụm trận địa Nam Ngạn, đồi 75, trung đội phòng không của bộ đội địa phương đóng trên đồi 74 đến lực lượng tự vệ Nhà máy điện Hàm Rồng... cùng"nhằm thẳng quân thù mà bắn". Dưới làn mưa bom bão đạn, lực lượng phục vụ chiến đấu dũng cảm bám đất, bám làng, tổ chức tiếp đạn, tải thương, đưa cơm, nước đến từng trận địa. Sư bà Ðàm Thị Xuân, Trụ trì chùa Nam Ngạn mở cửa chùa tiếp nhận, cứu chữa thương binh. 17 máy bay Mỹ đã bị bắn rơi, bắn cháy trong ngày đầu đánh phá Hàm Rồng. Sau trận đánh, quân, dân Hàm Rồng và các vùng phụ cận khẩn trương tu bổ công sự, di chuyển, ngụy trang trận địa, chuẩn bị vũ khí, khí tài sẵn sàng đối phó với những đợt không kích mới và tham gia san lấp hố bom, thông tuyến giao thông huyết mạch. Thất bại nặng nề trong ngày đầu đánh phá Hàm Rồng, 7 giờ 20 phút ngày 4-4, không quân địch đánh phá Bến phà Ghép, nhằm cắt đứt"nút"giao thông khu vực này, ngăn chặn lực lượng cơ động tăng cường cho Hàm Rồng. Tại đây, việc làm cao cả, tấm gương hy sinh anh dũng của Nguyễn Bá Ngọc không chỉ nêu tấm gương sáng cho đông đảo thiếu niên trong tỉnh noi theo mà còn khơi dậy lòng căm thù giặc sâu sắc. 10 giờ 20 phút cùng ngày, nhiều tốp máy bay địch từ nhiều hướng tập trung đánh phá Hàm Rồng. Ngay từ lúc còn xa mục tiêu, chúng đã bị đánh chặn bởi lực lượng vũ trang ba thứ quân nhiều tầng, nhiều hướng. Không quân ta cùng xuất trận với lối đánh táo bạo, bất ngờ, hiệp đồng chặt chẽ. Cuộc chiến đấu diễn ra khá quyết liệt, chảo lửa Hàm Rồng mù mịt thuốc súng, khói bom.  Lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực Bến phà Ghép, Hà Trung, Hoằng Long, Hoằng Anh, Hoằng Lý, Nam Ngạn, các huyện ven biển cùng chia lửa với Hàm Rồng. Nhiều tấm gương hy sinh dũng cảm trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu nhưng có thêm 30 máy bay Mỹ đền tội ác, nâng tổng số máy bay Mỹ tan xác trên vùng đất, vùng trời tỉnh Thanh lên 47 chiếc trong hai ngày 3 và 4-4-1965, trong đó có 31 chiếc bị bắn rơi, bắn cháy ở khu vực Hàm Rồng.

CHIẾN thắng vẻ vang của quân và dân Hàm Rồng trong những ngày đầu đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc làm nức lòng nhân dân cả nước. Riêng năm 1965, đế quốc Mỹ đã đánh vào thị xã Thanh Hóa và Hàm Rồng 73 trận, ném 1.047 quả bom, bắn 437 tên lửa, rốc-két, làm chết 93 người, 119 người bị thương, 159 nhà dân bị sập. Dẫu vậy, cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững, hiên ngang vươn qua dòng sông Mã cho những đoàn tàu, đoàn quân hướng về miền nam ruột thịt. Cũng từ đây, Ðảng bộ, quân dân Thanh Hóa càng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền nam.  Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, quan hệ công hữu thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, xuất hiện những mô hình, điển hình tiên tiến như HTX Ðông Phương Hồng, Thắng Lợi... Tinh thần"xe chưa qua, nhà không tiếc","sống bám đất bám làng, chết kiên cường, dũng cảm"hay các phong trào chắc"tay cày, tay súng","tay búa tay súng", tinh thần"mỗi người làm việc bằng hai"được  nhân rộng và lớp lớp thanh niên trong tỉnh xung phong nhập ngũ với nhận thức"Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù". Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 58 tuyến đường gồm 1.415 km tỉnh lộ,

107 km quốc lộ, 100 km đường sang nước bạn Lào, 2.525 km đường huyện lộ, 100 km đường sông, năm cửa lạch và gần 100 km đường sắt. Có hàng trăm điểm bị đế quốc Mỹ  huy động lực lượng tập trung đánh phá, thả thủy lôi phong tỏa, trong đó Hàm Rồng trở thành"tọa độ lửa"nóng bỏng nhất. Nêu cao truyền thống tốt đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, trong chiến đấu xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân anh hùng. Ðó là Trung đội dân quân Nam Ngạn với nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển, Ðại đội 4 pháo cao xạ 37 ly, đội cầu 19-5, đồn Công an nhân dân vũ trang, Nhà máy điện Hàm Rồng, Trung đoàn pháo cao xạ 228, đội phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh Thanh Hóa, nhiều gia đình như gia đình ông Ngô Thọ Lạn ở làng Nam Ngạn, tất cả thành viên trong gia đình tham gia chiến đấu. Thế trận chiến tranh nhân dân từ khu vực miền núi (Phú Lệ - Quan Hóa), đến đồng bằng (Minh Khôi - Nông Cống), các địa phương ven biển (Quảng Tường - Sầm Sơn) ngày mỗi ngày thêm những chiến công, nối dài bản hùng ca đánh Mỹ, thắng Mỹ.

CHỦ tịch Hồ Chí Minh luôn dõi theo mỗi việc làm, chiến công của Ðảng bộ, nhân dân Thanh Hóa. Ngày 28-8-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 79-LCT, thưởng Huân chương Ðộc lập hạng nhì cho quân dân tỉnh Thanh Hóa. Tiếp đó, Người viết thư khen quân, dân Thanh Hóa bắn rơi 100 máy bay Mỹ; Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường bắn rơi chiếc máy bay thứ 2.400 bằng súng bộ binh và nhiều lần viết thư khen dân quân gái huyện Hậu Lộc, xã Thanh Thủy (Tĩnh Gia), Hà Phú, Hà Toại (Hà Trung), xã Hoằng Hải, Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa. Ba năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, Bác Hồ gửi chín bức thư khen ngợi, biểu dương quân và dân Thanh Hóa trong cuộc đọ sức với bom đạn kẻ thù. Ðây thật  sự là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn để Ðảng bộ, quân và dân tỉnh Thanh vượt qua những đau thương, mất mát, viết tiếp trang sử vàng chói lọi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Các tầng lớp nhân dân cùng lực lượng vũ trang ba thứ quân đã bảo vệ vững chắc cầu Hàm Rồng trong tám năm đầy cam go, quyết liệt. Ngay khi đế quốc Mỹ dùng bom đánh hỏng một nhịp cầu Hàm Rồng, quân và dân Thanh Hóa khẩn trương làm mới ba cầu phao, thông đường cho người, phương tiện qua lại và mở thêm nhiều tuyến vận tải hàng hóa, vũ khí, khí tài vào tuyến lửa. Xe đạp thồ từng góp phần làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ cùng những HTX vận tải đường thủy, trên bộ lại mở thêm nhiều ngả đường chiến dịch. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã huy động 40.056 lần tốp máy bay (trong đó có cả B52), 6.229 lần chiếc tàu chiến, sử dụng 20 vạn tấn bom đạn đánh phá 3.700 mục tiêu và bắn 34.809 quả đại bác vào 433 mục tiêu. Không chỉ giữ vững tuyến giao thông huyết mạch, quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 376 máy bay phản lực (trong đó có ba máy bay B52), bắt sống 36 giặc lái, bắn cháy 57 tàu chiến. Thanh Hóa đã làm tròn vai trò hậu phương lớn và động viên hơn 200 nghìn thanh niên nhập ngũ, 40 nghìn người vào thanh niên xung phong. Toàn tỉnh có tới 32 nghìn thương binh, 57 nghìn  người con ưu tú đã ngã xuống trên các chiến trường.
Mai Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét