Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Dòng xăng vượt Trường Sơn


Dòng xăng vượt Trường Sơn

Tuấn Phùng

“Nếu mọi người gọi đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn là một huyền thoại thì công trình đường ống dẫn xăng dầu vượt Trường Sơn là huyền thoại trong huyền thoại đó”. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên tư lệnh binh đoàn Trường Sơn - đánh giá như vậy về công trình đường ống vượt Trường Sơn đưa xăng dầu vào chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ.
Trong vòng sáu năm (6-1968 đến 2-1975), những người lính xăng dầu đã làm nên một “đường Hồ Chí Minh xuyên lòng đất” dài gần 5.000km từ biên giới Việt - Trung vào Bình Phước. Một huyền thoại lịch sử đã được ghi. Huyền thoại về những người đã lập nên kỳ tích và về những người đã ngã xuống để đường ống xăng dầu thông suốt vào Nam.
Kỳ 1:
Di qua tam giac lua
Chiến sĩ đưa xăng qua suối: các đoạn ống cao su nối nhau bị thiếu nên phải dùng ống lồ ô khoét rỗng để nối vào - Ảnh tư liệu
Cuối tháng 3-1968, Mỹ tăng cường ném bom nhằm chặt đứt giao thông ở các tỉnh khu 4 để băm nát "khu vực cán xoong" từ vĩ tuyến 19 trở vào. 
Nghe đọc nội dung toàn bài:
Đặc biệt, ba trọng điểm phà Bến Thủy - Nam Đàn - Linh Cảm bị đánh bom triền miên tạo thành một “tam giác lửa” ngăn chặn vận chuyển từ miền Bắc vào. Ngã ba Đồng Lộc cũng bị ném bom cày đi xới lại tạo thành điểm tắc, xe vận tải, xe chở xăng khó lòng qua lọt.
Đổi xăng bằng máu
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên vẫn nhớ như in những ngày đứng ngồi không yên vì xe không vượt qua được tuyến lửa để vào Trường Sơn: “Lúc này ở Trường Sơn, gần nửa tháng đoàn 559 không còn xăng cho cơ giới hoạt động, kế hoạch vận tải cho mùa khô có nguy cơ bị trì hoãn. Có lúc cả ngàn xe vận tải nằm chờ. Thiếu xăng nên đạn, lương thực, quân nhu không vào được chiến trường. Thiếu gạo, thiếu muối, khẩu phần ăn của chiến sĩ chỉ còn 4 lạng gạo/ngày, có khi chỉ còn 2 lạng”.
Lúc này, ở phía trong “tam giác lửa”, binh trạm 12 nhận lệnh phải bằng mọi giá đưa nốt số xăng dầu còn lại vượt Trường Sơn giao cho đoàn 559. Tuy nhiên, tại cửa khẩu binh trạm 12 (Tuyên Hóa, Quảng Bình), đoạn ngã ba Khe Ve đến đèo La Trọng bị bom dội làm đất đá trên núi trút xuống tạo thành một đỉnh lầy hàng kilômet. Đã có tám chiến sĩ mất bàn chân do các loại mìn lá, mìn gíp… lẫn trong bãi lầy khi cõng hàng qua đó.
Lực lượng công binh phải dùng mìn định hướng, bộc phá nhằm thổi bay bùn đất nhưng tốn hàng tấn thuốc nổ mà bãi lầy vẫn không di chuyển, xe không thể qua. Binh trạm phải bơm xăng vào phi 200 lít rồi cho bốn chiến sĩ khiêng qua bãi lầy. Nhưng ba tốp chiến sĩ (12 người) suốt một ngày chỉ khiêng được 15 phuy. Ròng rã hai ngày, binh trạm giao đủ hai xe xăng cho đoàn 559 nhưng tổn thất nặng nề: một chiến sĩ trượt chân rớt xuống vực, hai chiến sĩ trúng mìn hi sinh.
Không khuất phục, cả binh trạm tiến hành gùi xăng vượt bùn. Xăng được bọc trong 4.000 túi nilông (20 lít/túi) rồi cho vào balô để từng người cõng qua trọng điểm. Sau một ngày cõng xăng chân bì bõm lội bùn, đầu hứng đạn chịu bom, 500 chiến sĩ cũng chỉ vận chuyển được 10m3 xăng (đủ hai xe xitec) nhưng 40 chiến sĩ đã bị rộp lưng, bỏng da vì xăng làm giòn túi nilông thấm qua balô ướt đẫm cả áo, ngấm vào da thịt. “Một số chiến sĩ gùi xăng bị bỏng rộp da quá nặng, nhiễm độc chì nên hi sinh. Vì vậy binh trạm trưởng Nguyễn Đàm đã bàn với chúng tôi làm đường ống dẫn xăng qua núi” - đại tá Lưu Vĩnh Cường (nguyên kỹ sư xây dựng kho chứa xăng cho binh trạm 12 lúc bấy giờ) cho biết về đường ống tự tạo “đặc biệt”.
Tôn cuốn, các đoạn ống cao su nối với nhau vẫn thiếu 100m nên phải dùng ống lồ ô khoét rỗng nối vào. Máy bơm đẩy xăng từ sườn phía bắc theo “đường ống” lên bể chứa (làm bằng phuy 200 lít đặt trên đỉnh đèo) rồi cho xăng tự chảy xuống. Trong vòng hai tháng “đường ống” này đưa được khá nhiều xăng vào phía trong nhưng luôn xảy ra trục trặc vì sau một tuần những đoạn lồ ô bị xăng làm teo tóp lại làm trật điểm nối khiến xăng thất thoát nhiều.
Cũng trong thời gian này, binh trạm 14 cũng không thể đưa hàng và xăng vào chiến trường. Ngoài các đoạn đường hiểm yếu, cửa khẩu Trà Ang (km 12 và km 16 đường 20) mỗi ngày hứng 30-40 trận bom khiến đường đứt đoạn, xe không thể qua. Binh trạm đã kết các phuy xăng thành bè để thả xuôi sông Nậy, chống ngược sông Son. Nhưng bè xăng trúng thủy lôi, xăng và máu chiến sĩ loang lổ khắp sông, ba ngày sau vẫn chưa tìm vớt hết thi hài liệt sĩ. Các tổ chuyển tải được lập để kéo từng phuy xăng ngược suối Trà Ang.
Đêm đầu, đối phương ném bom trúng hai phuy xăng khiến ngọn lửa trùm lên cả đoạn suối chụp xuống đội quân chuyển tải, 20 phuy xăng được kéo qua trọng điểm nhưng có chín chiến sĩ hi sinh. Đêm thứ hai kéo được 30 phuy lại thêm 29 người ngã xuống lòng khe. Nước suối Trà Ang thêm một lần đượm máu và xăng.
Kéo ống vượt sông
Ở tuổi 84, đại tá Phan Tử Quang (nguyên cục trưởng Cục Xăng dầu đầu tiên của quân đội, người nhận trách nhiệm xây dựng tuyến đường ống) vẫn nhớ rõ nhiệm vụ mang tính lịch sử từ Quân ủy T.Ư giao phó cho Cục Xăng dầu vừa mới thành lập: làm đường ống vượt Trường Sơn. Đại tá Quang nhớ lại: "Theo nhận định của Quân ủy trung ương, đối phương sẽ đánh phá ác liệt các cửa khẩu của hậu phương vận chuyển hàng vào cho đoàn 559. Quân ủy trung ương đã đồng ý đưa đường ống vào làm tuyến từ Khe Ve vượt đèo Mụ Giạ (Quảng Bình) xuyên qua tây Trường Sơn xuống Lùm Bùm (Lào) để tiếp cận đường 9 tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn 559 vận tải vào Nam".
Ngày 12-4-1968, 12 cán bộ, chiến sĩ của đoàn khảo sát tuyến đường từ Khe Ve theo đường 12 qua đèo Mụ Giạ sang Lùm Bùm do đại úy Trần Xanh (đang là phó phòng xăng dầu) làm trưởng đoàn lên đường làm nhiệm vụ. Đại tá Quang kể: "Nhưng lúc đó các xe chở xăng không thể vượt qua được "tam giác lửa" để chuyển cho đoàn 559. Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện cử tôi sang báo cáo tình hình với đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Sau khi nghe báo cáo, đại tướng chỉ thị: “Phải đảm bảo xăng dầu cho đoàn 559 hoạt động. Đồng ý với phương án của các anh, trước mắt làm đường ống vượt các trọng điểm đánh phá, nhưng sau đó phải làm ngay đường ống vượt Trường Sơn vào càng sâu càng tốt”. Vì vậy, đội khảo sát thứ hai do Hoàng Ngọc Minh dẫn đầu tiếp tục đi khảo sát từ Thiệu Dương (Thanh Hóa) vào Nam Đàn, Linh Cảm qua Hương Khê (Hà Tĩnh) vào giáp đoạn đoàn của Trần Xanh đang khảo sát. Công trường 18 được thành lập do Mai Trọng Phước (đang là thiếu tá chủ nhiệm khoa xăng xe vận tải của Trường Sĩ quan hậu cần, sau này là cục trưởng Cục Xăng dầu) làm đoàn trưởng, thiếu tá Hoàng Sùng làm chính ủy chuẩn bị vào Nghệ An làm đường ống vượt “tam giác lửa”.
Đêm 12-6-1968, hơn 400 người của công trường 18 (trong đó có 240 cán bộ, công nhân của Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Thủy lợi, Công ty gang thép Thái Nguyên, công nhân xây dựng khu nam Hà Nội) rời Hà Nội hành quân vào Nam Đàn. Khúc sông Lam nằm giữa bến đò Vạn Rú (xã Nam Đông, nay là Khánh Sơn, Nam Đàn) cách trọng điểm Rú Trét 500m (còn gọi là Rú Chết do kẻ thù đánh phá quá ác liệt) được chọn làm điểm thi công tuyến đường ống đầu tiên.
Đúng 21g, hiệu lệnh vượt sông bắt đầu.
Mai Trọng Phước chỉ huy lực lượng công trường 18 cùng dân quân xã Nam Đông kéo ống phía bờ nam. Phía bờ bắc, lực lượng do Trần Xanh chỉ huy nối ba ống vào nhau, đầu ống lắp cút chữ T để buộc dây. Đến 5g sáng 23-6-1968, 500m đường ống đầu tiên đã vượt sông an toàn. Từ đây, đường ống tiếp tục vượt sông La (Hà Tĩnh) vào Nga Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh). Ngày 10-8-1968 tuyến đường ống 42 km vượt “tam giác lửa” hoàn thành. Dòng xăng từ kho Đại kho N1 (Nam Thanh, Nam Đàn) bơm vào kho N2 (Nga Lộc). Chai xăng đầu tiên của dòng xăng đi qua “tam giác lửa” được chuyển ra Tổng cục Hậu cần để báo cáo.
TUẤN PHÙNG
Một kỷ niệm đáng nhớ của cán bộ, chiến sĩ làm tuyến đường ống này là quá trình đào hào đặt ống đều phải làm đêm để che mắt máy bay đối phương nên rất khó chôn ống, tiến độ thi công bị chậm. Đại tá Mai Trọng Phước kể: "Chúng tôi thấy người dân vẫn làm đồng bình thường mà không bị máy bay ném bom. Khi hỏi, bà con cho biết là đối phương rải truyền đơn bảo dân cứ làm ruộng bình thường, đừng cho bộ đội vào thì nó không đánh. Vì vậy, bộ đội cũng mặc áo tơi, đội nón làm nông dân đào rãnh qua đồng ruộng ban ngày, tối chôn ống. Để bảo đảm bí mật, chúng tôi thông báo với bà con là đặt ống làm thủy lợi dẫn nước sông vào chống hạn cho đồng ruộng phía trong". Ngoài ra, ban ngày các chiến sĩ nhờ người dân dùng trâu kéo cày theo tuyến để tạo rãnh sâu, đêm đến đào hào chôn ống.
----
Đường ống tiếp tục chui sông, vượt núi dẫn xăng qua các trọng điểm đến với Trường Sơn. Bộ đội đường ống phải chống lại sự đánh phá khốc liệt chưa từng thấy của kẻ thù.

Kỳ 2: "Đường Hồ Chí Minh xuyên lòng đất"

Theo kế hoạch, đường ống từ Ka Vat (Lào) sẽ đi đến Lùm Bùm vào đường 9 nhưng đây là con đường vòng cung có cự ly xa. Vì vậy, Tổng cục Hậu cần yêu cầu làm đường ống từ Long Đại (Quảng Bình) theo đường 18 vòng sang Lào để xuống đường 9.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Ngoài những khó khăn do thiên nhiên gây ra, bộ đội đường ống phải chống lại sự đánh phá khốc liệt chưa từng thấy của đối phương. Để bảo vệ đường ống, mồ hôi, máu của các chiến sĩ phải đổ nhiều hơn.
Vượt “tam giác lửa” thành công, một bộ phận của công trường 18 tiếp tục dẫn ống vào Hương Khê (Hà Tĩnh) hướng tới Khe Ve (Quảng Bình). Tuy nhiên, lúc này không lực Mỹ lại tăng cường đánh phá các cửa khẩu từ Quảng Bình sang Lào, đặc biệt là các trọng điểm cua chữ A, Ta Lê, Phu-la-nhic... “Tổng cục Hậu cần yêu cầu thi công nhanh đoạn đường ống vượt đèo Mụ Giạ sang Na Tông (Khăm Muộn, Lào) để đảm bảo xăng cho chiến dịch vận tải nước rút của đoàn 559. Chúng tôi bàn giao phần việc đang làm cho bộ phận khác, khẩn trương vào Quảng Bình để làm đoạn đường ống từ Cổng Trời vượt qua đèo Mụ Giạ xuống Na Tông” - đại tá Mai Trọng Phước (chủ nhiệm khoa xăng xe vận tải của Trường Sĩ quan hậu cần, sau này là cục trưởng Cục Xăng dầu) cho biết.
Vượt núi
Giữa tháng 12-1968 tuyến ống hoàn thành, kho Na Tông (500m3) được xây dựng xong nhưng lúc vận hành thử rửa đường ống bằng nước lại không bơm lên được đỉnh đèo Mụ Giạ cao 700m. Lúc đó các chiến sĩ không có kinh nghiệm nên đặt hai máy bơm cùng một chỗ, đến lúc tách hai máy để bơm nối tiếp thì bơm được lên đỉnh đèo. Cuối tháng 12-1969, đường ống đang bơm vào kho Na Tông thì bất ngờ từng loạt bom từ B52 trút xuống đoạn đường vận tải và kho hàng của đoàn 559 tại trọng điểm.
Vệt bom cắt ngang đường ôtô đã làm vỡ đường ống bám dọc bên đường. Những ngày sau B52 tiếp tục đánh phá đêm ngày không dứt. Đơn vị công binh bạt hàng trăm khối đá tạo thành đường hào 10km để chôn ống nhưng bom đạn vẫn bóc từng lớp núi đá nghiền thành lớp bột dày. Đại tá Mai Trọng Phước kể: “Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện gọi tôi ra Hà Nội báo cáo tình hình. Cuối cùng một tuyến đường tránh được làm cách điểm bị đánh chừng 1km. Nhưng chúng tôi vẫn phải khắc phục như thật trên tuyến bị địch đánh phá để đánh lừa địch.
Lúc nào bị đánh thì đốt các phuy xăng dầu cho chúng tập trung lại thả bom để tuyến tránh vận hành. Vì vậy, xăng đã kịp vào kho Na Tông phục vụ đợt vận tải đột kích của đoàn 559. Đến đêm giao thừa năm Kỷ Dậu xăng vẫn còn đầy kho để chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo. Đợt bom này giúp chúng tôi rút bài học là không được làm đường ống cạnh đường ôtô để khỏi bị đánh lây”.
Ngày 3-3-1969 tuyến đường ống đầu tiên vượt Trường Sơn dài 350km đã nối thông từ Vinh - Cổng Trời - Na Tông tới kho Ka Vat (Lào). Sáu ngày sau, bốn tiểu đoàn đường ống lần đầu tiên đã vận hành thông suốt dòng xăng từ miền Bắc đến Ka Vat đảm bảo xăng dầu kịp thời cho 5.000 xe của đoàn 559 tiếp tục đợt vận tải đột kích mùa khô 1968-1969. Từ đây, xe chở xăng dầu của các binh trạm không phải qua trọng điểm để lấy xăng nữa. “Ở tuyến đường ống đầu tiên, chúng ta có được kinh nghiệm vượt sông, vượt núi. Đây là những kinh nghiệm quí báu để thi công những tuyến sau này thuận lợi hơn”, đại tá Phan Tử Quang (nguyên cục trưởng Cục Xăng dầu đầu tiên của quân đội, người nhận trách nhiệm xây dựng tuyến đường ống) nói.
Để ngụy trang, đường ống, trạm bơm và các kho được chôn ngầm hoặc làm trong hang đá. Khi vượt sông, đường ống đi ngầm nhưng có những đoạn sông, suối nhiều đá ngầm, dòng chảy mạnh phải làm cầu treo ống (sông Sêrêpôc).
Ngoài những hiểm nguy rình rập từ các loại mìn lá, mìn dây, bom bi, khi đi kiểm tra sự cố nhiều chiến sĩ đã bị ngộ độc xăng. "Có lần đi kiểm tra tuyến ống, thấy một nữ chiến sĩ cứ ngồi cười sằng sặc, chỉ huy hỏi gì cũng cười. Thì ra, đường ống bị bom bi đánh thủng, xăng phun thành sương khiến nữ chiến sĩ đó bị ngộ độc xăng. Mãi đến khi các kỹ sư tìm ra phương pháp phát hiện điểm bị sự cố từ xa mới giảm được thương vong, ngộ độc xăng cho bộ đội. Phương pháp này đã hạn chế việc huy động bộ đội chạy theo hàng trăm kilômét trên tuyến tìm chỗ hỏng. Nhiều lúc chạy băng rừng ban đêm mà không được dùng đèn pin, thương lắm!”, đại tá Mai Trọng Phước ngậm ngùi. Còn với thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu, đến nay vẫn không nguôi ngoai trước cái chết bi thương của đồng đội: “Khi phát hiện bom đánh đứt tuyến, anh Quy trạm trưởng trạm bơm ở Ka Tần đã lao ra nối ống. Trong lúc thao tác bất ngờ xăng trong ống phun ra tưới khắp người, ngập đầy vũng bom dưới chân. Cùng lúc ấy một loạt bom dội tiếp, nơi anh đứng trở thành biển lửa. Đồng đội nhìn thấy nhưng không sao cứu được”.
Mồ hôi và máu
Theo đại tá Mai Trọng Phước, phương án làm đường ống xuyên từ phía đông sang tây Trường Sơn theo trục đường ngang thứ năm (đường 18) được tiến hành theo hướng từ Long Đại vào Cẩm Ly (Lệ Thủy, Quảng Bình) rồi vượt các đèo cao 400m, 700m, 900m đến bản Ra Mai gần sông Sê Băng Hiêng (Lào) đi tiếp vào bản Cò (Xanavakhet, Lào) xuống đường 9. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành được 200 tấn xăng vào kho Ra Mai cấp phát cho xe vận chuyển và thả phuy theo sông cho binh trạm 9, ngày 6-9-1969 không lực Mỹ dùng B52 rải thảm cắt ngang tuyến ống trên suối Ra Vơ làm lửa bùng cháy cả hai bên suối, rồi đánh ngược theo tuyến ống 3km dọc suối vào kho Ra Mai.
Cả khu rừng nguyên sinh rộng hàng trăm hecta bị san thành bình địa. Kho bị cháy, phần lớn bể chứa và tuyến đường ống bị tàn phá nặng nề. Một số chiến sĩ của tiểu đoàn 668 hi sinh, lực lượng của tiểu đoàn 337 đang nối nhau vác ống cũng bị B52 đánh vào đội hình làm hơn 70 chiến sĩ hi sinh và bị thương. “Tuyến đi Ra Mai không khắc phục được, tôi bàn với anh Phan Tử Quang là chỉ còn cách làm theo phương án 2 đi từ đỉnh 900m vượt qua 1.001m để vào bản Cò. Sẽ gặp nhiều khó khăn khi thi công nhưng có rừng rậm, núi cao để gây bất ngờ cho địch” - trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhớ lại.
Thế nhưng, thách thức lớn nhất là địa hình quá hiểm trở nên không thể đưa máy bơm (nặng 2,8 tấn) vào chân đỉnh 1.001m để bơm xăng vượt qua. Để khảo sát được tuyến này, một số chiến sĩ của đội khảo sát đã hi sinh vì bom dội, vì trượt chân xuống vực. Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu, cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng (nguyên kỹ sư xây dựng đường ống), kể: “Để vượt từ đỉnh 900m qua đỉnh 1.001m khi không đưa được máy bơm vào chân đèo 1.001m, chúng tôi phải bỏ van điều chỉnh áp suất ở đoạn ống đổ xuống chân đèo 900m. Vì vậy, điểm sâu nhất của đường ống giữa đỉnh 900m và 1.001m đạt áp suất rất cao (khoảng 30-35 kg/cm2) gần với giới hạn cho phép của đường ống. Với áp suất đó, dòng xăng từ đỉnh 900m đổ xuống đã vượt qua được đỉnh 1.001m vị trí có bình độ khoảng 850m”.
Đúng ngày 22-12-1969, lễ khánh thành tuyến đường ống xăng dầu từ kho K200 (km 21, đường 18) vào kho K5 (nam bản Cò) được tiến hành sau gần 10 tháng thi công. Trong thời khắc thiêng liêng này, tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên xúc động nói: “Hôm nay, chúng ta đang chứng kiến một sự kiện có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Đoàn 559 đưa vào vận hành đoạn đầu tuyến đường ống dẫn xăng dầu chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam”. Sau buổi lễ, mọi người tận mắt chứng kiến một công trình đặc biệt: bốn vòi cùng lúc tiếp xăng cho một tiểu đoàn xe chỉ mất một giờ rưỡi, nếu cấp phát qua phuy hoặc xi-téc như trước đây phải mất hơn ba giờ.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhớ lại thời khắc đó: “Tôi như thấy qua dòng xăng tuôn chảy bóng dáng hàng trăm chiến sĩ đang vượt núi, băng sông gùi cõng những balô xăng, can xăng năm nào! Chỉ những người trong cuộc, hoặc chứng kiến những tháng ngày đắng cay, cơ cực, khi mà một giọt xăng vào tới chiến trường được đổi bằng cả bát mồ hôi, thậm chí bằng máu, mới ý thức được tầm thế lớn lao của sự kiện đưa đường ống xăng dầu Trường Sơn vào vận hành”.
TUẤN PHÙNG
_________________________
“Chỉ có đường ống mới phục vụ kịp xăng dầu cho hành quân thần tốc trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975”, trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đánh giá.



Sơ đồ toàn tuyến đường ống xăng dầu xây dựng 
giai đoạn 1968-1975

Kỳ cuối: Đi trước, đón đầu


TT -Từ 200km đường ống dã chiến và 20 máy bơm do Liên Xô viện trợ ban đầu, các chiến sĩ đường ống đã tái tạo được máy bơm theo mô hình của Liên Xô, sản xuất roăng, ngàm, ống, sử dụng ống của Trung Quốc cung cấp để hoàn thiện mạng đường ống 5.000km từ biên giới Việt - Trung vào Bù Gia Mập (Bình Phước).
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Đảm bảo cho thắng lợi
Đại tá Phan Tử Quang (nguyên cục trưởng Cục Xăng dầu đầu tiên của quân đội, người nhận trách nhiệm xây dựng tuyến đường ống) kể rằng trong lúc ở Trường Sơn đường ống đã vượt nam đường 9, thì ở miền Bắc chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện nhận định: “Nếu đối phương đánh trở lại miền Bắc, ta không thể dùng phương tiện vận tải theo đường bộ, đường sắt hay đường biển để đưa xăng dầu vào Bến Thủy, cảng Gianh để cung cấp cho đường ống được.
Vì vậy, để đảm bảo xăng dầu cho quân đội cần khẩn trương xây dựng tuyến đường ống Hà Nội - Vinh nối liền tuyến đường ống của tiền tuyến, tạo thế vận chuyển liên hoàn”. Ý kiến này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ủng hộ và Phó thủ tướng Đỗ Mười thay mặt Chính phủ nhất trí tạo mọi điều kiện để Cục Xăng dầu thi công đường ống hàn dài 338km. Sau 13 tháng, đến 13g ngày 13-12-1971, mối hàn cuối cùng của tuyến đường ống Hà Nội - Vinh hoàn tất, vượt thời hạn Chính phủ qui định.
Tháng 4-1972, Mỹ dùng không quân, hải quân đánh phá trở lại miền Bắc. Các cảng biển, cửa sông bị thủy lôi phong tỏa nhằm bịt chặt vận chuyển đường biển quốc tế vào miền Bắc. Việc tiếp nhận xăng dầu của Liên Xô từ đường biển hoàn toàn bế tắc, nguy cơ thiếu xăng dầu cho chiến trường miền Nam hiện rõ. Chính phủ triệu tập phiên họp bất thường bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn về xăng dầu. Theo đề xuất của Cục Xăng dầu, phương thức tiếp nhận xăng dầu bằng đường biển sẽ chuyển sang đường bộ: yêu cầu Chính phủ Trung Quốc giúp đỡ nhận xăng của Liên Xô qua biên giới Việt - Trung.
Khi đường ống dẫn xăng dầu vào tới Lộc Ninh, Bộ Chính trị, Chính phủ… mới cầm chắc phần thắng. Và chỉ có đường ống mới phục vụ kịp xăng dầu cho hành quân thần tốc trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên
Trong vòng 15 ngày (đến 16-6-1972), các lực lượng với sự hỗ trợ của máy bay trực thăng chở ống đã hoàn thành đường ống từ biên giới về Đồng Đăng (Lạng Sơn) cùng hai kho đã hoàn thành tiếp nhận xăng từ Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) bơm qua để dẫn về Hà Nội. Để mở rộng cho việc nhận xăng từ Trung Quốc, tuyến đường ống từ Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh) qua Hải Dương nối về Hà Nội cũng hoàn thành. Cuối năm 1972, tuyến đường ống xăng dầu chiến lược đã thành một hệ thống từ biên giới Việt - Trung vào đến Cam Lộ (Quảng Trị) và sang nam đường 9 (tây Trường Sơn) có tổng chiều dài 3.278km với hơn 81.000 tấn nhiên liệu dự trữ.
Ngày 15-2-1973, Thường vụ Quân ủy T.Ư họp nhấn mạnh: phải xây dựng được hệ thống đường phía đông Trường Sơn. Đảng ủy 559 cũng đề ra nhiệm vụ kéo dài tuyến ống cho đến hết Tây nguyên và các đường ngang ra một số chiến trường, tiến tới xây dựng tuyến phía đông song song với tuyến phía tây. Trong ba năm, phải đưa đường ống vào tới hậu cứ chiến trường Nam bộ và cực Nam Trung bộ. “Tháng 4-1973, chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện có lệnh gọi tôi về Hà Nội giao nhiệm vụ vào khảo sát xây dựng kho xăng dầu lớn cho chiến trường B2 ở Lộc Ninh dù đường ống mới làm tới Tây nguyên”, đại tá Mai Trọng Phước (chủ nhiệm khoa xăng xe vận tải của Trường Sĩ quan hậu cần, sau này là cục trưởng Cục Xăng dầu) nhớ lại. Đến ngày 20-11-1974, hai tuyến đường ống Đông và Tây Trường Sơn đã hội tụ về ngã ba biên giới (Plây Khốc, Kontum) để tiếp tục kéo dài về Bù Gia Mập (2-1975). Từ đây xăng được tiểu đoàn xe xitec 103 chở về đổ vào cụm kho Lộc Ninh chuẩn bị cho các chiến dịch lớn. Thời gian này, các kho của Quân đoàn 2, Quân khu 5, Quân khu Trị Thiên... cũng được nối thông với đường ống.
Nguồn xăng dầu chính phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn là nguồn xăng dầu từ đường ống bơm 24/24 giờ từ Hà Nội vào. Bên cạnh đó còn có nguồn xăng dầu từ miền Bắc chở vào theo đường biển, đường bộ, xăng dầu thu được của địch được bố trí theo các kho ở các tỉnh duyên hải cùng một số tuyến đường ống dẫn từ Trường Sơn xuống cấp cho Quân đoàn 2, Quân khu 5. Quân đoàn 4 được đảm bảo xăng dầu từ các kho Bù Gia Mập, Lộc Ninh (tích trữ từ năm 1974). Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 hành quân từ Tây nguyên về vị trí tập kết ở Đồng Xoài, Chơn Thành đều được nguồn xăng từ đường ống cung cấp. Đại tá Lục Văn Châu - nguyên trưởng phòng xăng dầu 559 - đánh giá: “Thực tế từ khi có đường ống xăng dầu, các chiến dịch của ta luôn giành được thắng lợi, nhưng trong chiến dịch Hồ Chí Minh chúng tôi mới thấm thía hơn chủ trương xăng dầu phải đi trước một bước để đảm bảo cho thắng lợi là thế nào”.
Sum họp nghĩa tình
Chiến tranh lùi xa, những người lính xăng dầu trở về với cuộc sống đời thường. Trong số nhiều người làm nên kỳ tích vẫn đang chịu đựng nỗi đau, mất mát do di chứng của chất độc da cam, nhiễm độc chì từ xăng. Để xoa dịu nỗi đau của đồng đội, ban liên lạc truyền thống ngành xăng dầu quân đội đã cùng chung tay chia sẻ với đồng đội của mình.
“Năm 1996, qua báo chí chúng tôi phát hiện gia đình chị Nguyễn Thị Bích Liên, chiến sĩ đường ống binh trạm 169 (ở Sơn Thủy, Hương Sơn, Hà Tĩnh) có ba con gái bị mù bẩm sinh do nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Chồng chị là anh Đoàn Quang Soàn, thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc, hai vợ chồng ra quân mất hết giấy tờ. Ban liên lạc đã liên lạc với các cơ quan và địa phương hỗ trợ gia đình làm chế độ, quyên góp giúp đỡ, sau đó liên hệ để các cháu được chữa sáng mắt. Từ đó, ban liên lạc luôn thông qua các chi hội, báo đài tìm kiếm, phát hiện đồng đội bị nhiễm chất độc để giúp đỡ, làm chế độ chính sách cho họ”, đại tá Mai Trọng Phước kể.
Ban liên lạc cũng tìm kiếm và giúp đỡ làm chế độ thương bệnh binh cho vợ chồng anh Dương Ngọc Hồi, chị Phùng Thị Hoa (ở Hiệp Hòa, Bắc Giang), nguyên là chiến sĩ của trung đoàn đường ống 592, có hai con và một cháu ngoại dị tật bẩm sinh do bố mẹ bị nhiễm chất độc da cam. Chị Nguyễn Thị Hẹ (Thuận Thành, Bắc Ninh) có hai con bị nhiễm chất độc da cam, hoàn cảnh khó khăn phải ở nhờ trạm bơm thủy lợi của xã 20 năm cũng được ban liên lạc hỗ trợ, liên hệ các ban ngành xây dựng nhà tình nghĩa. Các thành viên của ban liên lạc cũng tìm lại được thương binh Nguyễn Lương Định (người vác ống phá bom từ trường) sau 20 năm mất liên lạc, đề nghị xét tặng Huân chương Chiến công hạng 2 cho người chiến sĩ dũng cảm này.
Đại tá Lưu Vĩnh Cường (trưởng Ban liên lạc) nói rằng phần lớn bộ đội đường ống đều ở những vị trí rừng rậm, những vùng bị rải chất độc da cam, thường xuyên tiếp xúc với xăng chì, cọ rửa phuy bể nên tỉ lệ nhiễm độc rất nhiều. Hiện nay ngoài việc thăm hỏi, động viên gia đình đồng đội lúc khó khăn, ban liên lạc vẫn tiếp tục tìm kiếm, liên hệ với chính quyền, các ban ngành để làm chế độ cho những đồng đội và con cái bị nhiễm chất độc da cam. Đến nay đã có 60 trường hợp bị nhiễm chất độc da cam được ghi nhận, chứng nhận làm chế độ thương bệnh binh. Riêng đại tá Mai Trọng Phước sau những lần thăm đồng đội đã về sưu tầm những bài thuốc chữa bệnh dễ kiếm, rẻ tiền trên sách báo in thành sách phát tặng mọi người. Ông nói: “Thấy nhiều anh em sức khỏe yếu nên mình làm thế này để giúp họ. Mình có điều kiện giúp đỡ được anh em thì cố giúp từ những cái nhỏ nhất”.
Họ vẫn nghĩa tình với nhau như những ngày cùng kề vai sát cánh xây dựng nên kỳ tích “đường Hồ Chí Minh xuyên lòng đất”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét