Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng giống như bao phong trào cách mạng đều gắn liền với các di tích lịch sử văn hoá. Trong đó, đình làng trở thành một địa chỉ đỏ trong quá trình hoạt động cách mạng.
Lúc bấy giờ, đình là nơi tập hợp lực lượng cách mạng, ghi lại những chứng tích, chứng kiến những sự kiện lịch sử đã xảy ra trong quá trình diễn biến của phong trào. Trải qua thời gian, có những ngôi đình đã được bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị vốn có của nó, lại có những ngôi đình đã xuống cấp trầm trọng cần được tu bổ lại.
Theo thống kê, hiện nay ở Nghệ An có 71 ngôi đình được quản lý, có 14 ngôi đình có liên quan đến quá trình hoạt động từ tổ chức tiền thân của Đảng đến giai đoạn rút lui bảo toàn lực lượng. Trong đó, có 11 ngôi đình được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
Có nhiều ngôi đình trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, học tập của địa phương. Đình là nơi để tổ chức kết nạp đảng viên, tổ chức lễ hội mừng xuân, đại lễ ngày truyền thống quê hương và lễ rước đưa con em lên đường nhập ngũ.
Tiêu biểu như: đình Phú Nhuận ở Đô Lương, đình Võ Liệt ở Thanh Chương hay đình Sen ở Tân Kỳ… Thông qua các hoạt động đó đã giúp cho mọi thế hệ người con xứ Nghệ tìm về cội nguồn xưa, từ đó giáo dục lòng yêu nước, tình yêu quê hương, niềm tự hào và ý thức giữ gìn các di tích lịch sử.
Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 30 - 31, đình làng là trụ sở chính quyền Xô Viết, nơi địa điểm hội họp, in ấn, cất dấu tài liệu, treo cờ Đảng, tập trung nhân dân đi đấu tranh và là nơi làm việc công khai của chính quyền Xô Viết. Tại đây, nhiều cuộc biểu tình đưa yêu sách diễn ra với quy mô lớn, nhiều buổi diễn thuyết được tổ chức.
Ví như đình Võ Liệt (Thanh Chương), tại đình chi bộ Đảng đã quyết định thành lập tổ chức Nông hội đỏ, đại diện cho quyền lợi của người lao động và công khai giải quyết mọi công việc như một chính quyền cách mạng. Ngày 1/9/1930, nhân dân tập trung vượt sông Lam vây phá huyện đường, khiến tri huyện, nha lại hoảng sợ.
Đình Tám Mái ở Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu ngay những năm 1927 cũng đã ghi nhận nhiều sự kiện lịch sử cách mạng của nhân dân Quỳnh Thuận. Tháng 5/1930, chi bộ Đảng ở Quỳnh Thuận ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức nông hội đỏ, tự vệ đỏ, phụ nữ giải phóng được thành lập và hoạt động sôi nổi.
Hàng nghìn tờ truyền đơn kể tội ác của bọn Tây được in tại đình Tám Mái đã đến khắp thôn xóm, kêu gọi vận động nhân dân đấu tranh đòi quyền lợi. Chính quyền Xô Viết ra đời quản lý thôn xóm, thay thế cho bộ máy hào lý địa phương.
Giữa tháng 2/1930, kẻ địch đàn áp phong trào cách mạng Quỳnh Lưu. Ngày 1/5/1930, cả xã đánh trống mõ, treo cờ, rải truyền đơn, kỷ niệm ngày quốc tế lao động, trở thành một địa điểm lực lượng tự vệ chuẩn bị cướp chính quyền.
Hay như đình Liên Trì ở Yên Thành, đình Long Ân ở Diễn Châu, đình chợ Xâm ở Nghi Lộc... đều gắn liền với cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Nhiều ngôi đình là nơi ghi lại chứng tích những chiến sỹ cách mạng của ta đã ngã xuống như đình Phượng Lịch ở Diễn Châu.
Tại đây, thực dân Pháp đàn áp dã man đoàn biểu tình làm cho 30 người hy sinh, 8 người bị thương cũng bị đem ra xử bắn trong chiều 7/11/1930. Đình Lương Sơn ở Đô Lương cũng ghi lại chứng tích 7 chiến sỹ cách mạng của làng Lương Sơn bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai giết hại vào tháng 4/1931...
Bên cạnh một số đình được trùng tu thì hiện nay, có một số ngôi đình do xây dựng quá lâu đang bị xuống cấp trầm trọng. Cơ sở vật chất bị hư hỏng nặng, công tác quản lý còn lỏng lẻo như đình Lương Sơn, đình Trung… Thiết nghĩ, di tích lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh là tài sản vô cùng quý giá, mỗi người cần có ý thức nâng niu, gìn giữ những giá trị văn hoá đó.
Ngành văn hóa TDTT phối hợp với các ban ngành trong huyện có đề án để cùng với nhân dân giữ gìn, tôn tạo, nâng cấp xứng đáng với truyền thống Xứ Nghệ anh hùng.
Tác giả bài viết: Phan Tuyết
Nguồn tin: Báo Công An Nghệ An
Nguồn tin: Báo Công An Nghệ An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét