Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Quân khu 5 – Địa bàn chiến lược quan trọng, miền đất anh dũng kiên cường


QKQD 
QK5 - Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đứng trước tình hình thù trong giặc ngoài âm mưu lật đổ chính quyền Nhà nước còn non trẻ và cướp đi thành quả cách mạng của dân tộc ta, để tăng cường củng cố quốc phòng, ngày 16/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập các Chiến khu (sau đó là Khu). Phía Bắc gồm các Khu 1, 2, 3, 11 và 12; miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận gồm 3 Khu 4, 5, 6; miền Nam có 3 Khu 7, 8, 9. Chiến khu 5 và Chiến khu 6 lúc đó nay là địa bàn Quân khu 5 (trừ 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận đã tách ra chuyển về Quân khu 7 năm 1999).
Căn cứ vào chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu xác định lấy ngày 16/10/1945 làm ngày truyền thống của Lực lượng vũ trang Quân khu 5. Ngày 15/9/2000, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà đã ký Quyết định số 2019/QĐ-QP về việc công nhận ngày truyền thống của Lực lượng vũ trang Quân khu 5 là ngày 16 tháng 10 năm 1945.
65 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, sự đùm bọc thương yêu của đồng bào các dân tộc trong địa bàn Quân khu, sự giúp đỡ to lớn, đầy hiệu quả của quân và dân cả nước. Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu đã lãnh đạo Lực lượng vũ trang Quân khu không ngừng lớn mạnh, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, ác liệt, hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
I. QUÂN KHU 5 - ĐỊA BÀN CHIẾN LƯỢC QUAN TRỌNG, MIỀN ĐẤT ANH DŨNG KIÊN CƯỜNG
1. Vị trí địa lý:     
Quân khu 5 - dải đất Nam Trung Bộ nằm giữa hai đầu đất nước, diện tích tự nhiên 83.282 km2 chiếm hơn 1/4 diện tích cả nước. Phía Bắc giáp tỉnhThừa Thiên Huế, phía Nam giáp 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, phía Tây giáp 2 nước Lào và Campuchia.
Quân khu 5 gồm 7 tỉnh, thành phố đồng bằng ven biển (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận) chiều dài 868 km đường bộ với nhiều đèo cao nhô ra biển như đèo Hải Vân, Bình Đê, Cù Mông, đèo Cả…và 4 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông), núi rừng trùng điệp với nhiều núi cao trên 2.000m quanh năm mây mù, mưa ẩm. Bờ biển dài 922 km và thềm lục địa khoảng 20 vạn km2, có nhiều bán đảo, nhiều cảng lớn có tầm chiến lược như cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Quy Nhơn (Bình Định), cảng Nha Trang - Cam Ranh (Khánh Hòa). Ngoài khơi có gần 100 đảo lớn nhỏ cách bờ từ 10 - 30 km và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa cách Đà Nẵng 300 km và Trường Sa cách Cam Ranh 530 km, có đường biên giới với 2 nước bạn Lào và Cămpuchia dài 761 km.
Đường sắt và Quốc lộ 1 chạy dọc ven biển từ đèo Hải Vân đến Ninh Thuận, phía Tây có đường Hồ Chí Minh - con đường chiến lược chạy dọc dãy Trường Sơn từ Quảng Nam đến Đông Nam Bộ. Ngoài ra, có hơn 10 tuyến đường quốc lộ nối thông các tỉnh đồng bằng ven biển với Tây Nguyên và 2 nước bạn Lào, Cămpuchia và hàng trăm tuyến đường bộ.
Về đường không, có nhiều sân bay, trong đó có các sân bay lớn như: Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Nha Trang, Cam Ranh, Thành Sơn, Pleiku, Buôn Ma Thuột, đủ điều kiện cho các loại máy bay chiến đấu hoạt động tốt.
Trên đất liền có nhiều sông lớn như: sông Thu Bồn (Quảng Nam), Trà Khúc (Quảng Ngãi), Lại Giang (Bình Định), Sông Ba (Phú Yên), Sông Cái (Khánh Hòa)… xen kẽ là hàng trăm sông suối lớn nhỏ chằng chịt, mật độ cầu cống khá cao. Thời tiết có 2 mùa rõ rệt và chênh lệch nhau giữa 2 vùng; khi Tây Nguyên mùa khô thì đồng bằng lại mùa mưa, năm nào cũng bị bão lụt, thiên tai gây nhiều tổn thất về người và của.
Thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông thuộc địa bàn Quân khu V. Ảnh: Phúc Thắng.
Nằm ở miền Trung của đất nước và khu vực biên giới 3 nước Đông Dương, trước mặt là biển Đông có đồng bằng trù phú, có dải Trường Sơn và Tây Nguyên hùng vĩ. Địa bàn Quân khu 5 có một vị trí chiến lược rất quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng an ninh của cả nước. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa bàn Quân khu 5 là một căn cứ địa vững chắc và lâu dài của cách mạng, là chỗ dựa và là bàn đạp để tỏa ra các hướng chiến lược khác, đồng thời là hành lang chiến lược nối liền 2 miền Nam - Bắc nước ta, giao tiếp với Nam Lào và Đông Bắc Cămpuchia, tạo nên thế đứng vững chãi ở phần giữa nước ta và phần Nam Đông Dương. Mặt khác, do địa thế và vị trí chiến lược, đây cũng là nơi dễ bị chia cắt, vì vậy địa bàn Quân khu 5 trở thành một chiến trường ác liệt trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tại đây, ta và địch đã giành đi giật lại rất quyết liệt và dai dẳng từng khu vực, từng địa bàn quan trọng có ý nghĩa chiến lược. Có thời kỳ tại đây đã diễn ra những cuộc đụng độ qui mô lớn, những chiến thắng quan trọng của ta đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam, tạo ra những bước ngoặt quan trọng của chiến tranh. Rõ ràng địa bàn Quân khu 5 có vị trí chiến lược quan trọng không chỉ trong chiến tranh giải phóng trước đây mà cả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
2. Kinh tế:
Nam Trung Bộ là miền đất có nhiều tài nguyên, khoáng sản, lâm, hải sản và cây công nghiệp quý, nhưng dưới chế độ phong kiến, thực dân, những tiềm năng to lớn đó chưa được khai thác, nền sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, phương thức canh tác theo lối thủ công, năng suất thấp. Công nghiệp nặng hầu như chưa có, một số cơ sở thủ công, tiểu thủ công nghiệp được xây dựng chủ yếu ở các thành phố, thị xã. Do chiến tranh liên miên, đất đai bỏ hoang hóa, sản xuất bị đình đốn, thời tiết khắc nghiệt, kinh tế chậm phát triển, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở các vùng giáp ranh và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau mùa xuân 1975, những năm đầu nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, từ khi thực hiện đường lối đổi mới, cùng với cả nước, các địa phương trên địa bàn Quân khu đã thu được những kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Theo thống kê, các tỉnh trên địa bàn Quân khu đã có trên 60 ngàn doanh nghiệp Nhà nước, liên doanh, tập thể và tư nhân, hàng năm có giá trị thu nhập hàng trăm ngàn tỷ đồng. Một số tỉnh và thành phố đang phát triển là những trung tâm kinh tế lớn của khu vực và cả nước như: Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Khánh Hòa, Đắc Lắc… Tuy nhiên, sự phát triển vẫn còn chậm so với 2 đầu đất nước, chưa khai thác hết mọi tiềm năng, thế mạnh của miền Trung.
3. Văn hóa - xã hội:
Trên mảnh đất Nam Trung Bộ từ xa xưa đã có nhiều bộ tộc sinh sống như: người Chăm, Kơtu, Kor, Xê đăng, Ba na, Ê đê, Brâu, Rmăm, Giẻ triêng, Hrê, Gia rai, Mơ nông, Kờ ho, Chu ru, Rắc lây, Stiêng… về sau Thế kỷ 15, người Kinh ở Bắc di cư vào, tạo nên một cộng đồng các dân tộc với nền văn hóa phong phú và đặc sắc. Những năm gần đây, với chính sách đi xây dựng vùng kinh tế mới và tình trạng di dân tự do, đông đảo đồng bào ở miền Bắc, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số vào lập nghiệp (chủ yếu ở Tây Nguyên). Hiện nay, dân số trên địa bàn Quân khu 5 có khoảng hơn 10 triệu người với 47 dân tộc anh em. Qua nhiều thế kỷ, cộng đồng các dân tộc sống trên miền đất Nam Trung Bộ đã đoàn kết, gắn bó giúp nhau cùng lao động, khai phá ruộng nương để sinh sống, cùng nhau chống lại thiên tai địch họa, vừa chiến đấu vừa xây dựng quê hương, đã hun đúc nên phẩm chất và phong cách của người dân Nam Trung Bộ là: cần cù, dũng cảm, trung thực, trọng nghĩa trọng tình, vừa mềm dẻo lại vừa thẳng thắn chân thành, đoàn kết cộng đồng, có tinh thần thượng võ, kiên trung bất khuất, chịu đựng bền bỉ dẻo dai và ứng phó linh hoạt với mọi thử thách. Họ đã góp phần làm cho Nam Trung Bộ có tiến trình lịch sử hào hùng suốt mấy thế kỷ qua.
4. Truyền thống yêu nước:
Cuối thế kỷ 18, trước sự áp bức của chế độ phong kiến thối nát, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân các tỉnh nổi dậy chống lại triều đình phong kiến. Tiêu biểu nhất là cuộc nổi dậy với qui mô lớn của anh em Tây Sơn (1771 - 1802) giành thắng lợi - đây là đỉnh cao của phong trào đoàn kết nông dân, đoàn kết Kinh - Thượng dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ (Quang Trung) đã đánh đổ thế lực phong kiến đồi bại, thống nhất giang sơn, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn nền độc lập nước nhà, viết nên trang sử huy hoàng của dân tộc.
Năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng tiến công vào Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ nhất. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Nam Trung Bộ đã chiến đấu với tinh thần kiên cường, bất khuất, mưu trí sáng tạo để bảo vệ nền độc lập của nước nhà. Thực dân Pháp phải mất hơn nửa thế kỷ mới đặt được bộ máy đô hộ ở nước ta. Trong khoảng thời gian ấy đã có nhiều phong trào đấu tranh, nhiều cuộc khởi nghĩa của người dân Nam Trung Bộ nổ ra, biết bao tấm gương hy sinh oanh liệt vì nước, vì dân.
Nhân dân Nam Trung Bộ vốn có tinh thần yêu nước, lại sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ những năm 1924 - 1927, nhiều người đã biết đến chủ nghĩa Mác - Lênin, cách mạng Tháng Mười Nga và tên tuổi vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 7/1925, “Đảng cách mạng Tân Việt” được thành lập. Tháng 7/1927 “Kỳ bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” ra đời. Năm 1929, “Đông Dương cộng sản liên đoàn” ra đời. Ngày 3/2/1930, Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập thì ngày 25/3/1930 có Xứ ủy Trung kỳ. Từ tháng 3/1930 đến tháng 4/1931, trên dải đất Nam Trung Bộ đã có hơn 100 đảng viên cộng sản, 10 huyện có huyện ủy và một số tỉnh đã thành lập Tỉnh ủy lâm thời.
Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo, nhân dân các dân tộc ở Nam Trung Bộ đã đoàn kết một lòng tin tưởng vào Đảng làm cách mạng, khó khăn không nản chí, gian khổ không sờn lòng, kiên cường chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, kề vai sát cánh với lực lượng vũ trang bền bỉ đấu tranh vượt qua mọi gian nguy thử thách và cùng với quân dân cả nước hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang trong 2 cuộc chiến tranh giải phóng cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dải đất Khu 5 là nơi có nhiều thành phần dân tộc sinh sống, xen kẽ với nhau, vì thế đây cũng là vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Nhiều công trình kiến trúc cổ đã được tổ chức UNESSCO công nhận xếp vào hạng di sản văn hóa thế giới như: Hội An, Mỹ Sơn. Kho tàng sử thi Tây Nguyên có thể sánh ngang với các sử thi nổi tiếng của Ấn Độ, Văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên cũng được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Cùng với các phong tục tập quán, các lễ hội dân gian của các dân tộc đã tạo nên một Khu 5 có bản sắc và truyền thống văn hóa nghệ thuật độc đáo, phong phú, đa dạng, phản ảnh được bản chất của người Khu 5 yêu nước, yêu lao động, gắn bó với quê hương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét