Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Tàu không số và những câu chuyện độc nhất vô nhị


Tàu không số và những câu chuyện độc nhất vô nhị
Báo Quân đội Nhân dân
QĐND Online - Lịch sử Hải quân Việt Nam chưa từng có đoàn tàu nào đi từ Bắc vào Nam lại chỉ bằng thiên văn giống như Đoàn tàu Không số.
Trước năm 1965, các tàu của ta không có hải đồ tỷ lệ nhỏ ven biển miền Nam tham khảo để có thể vào bến chính xác mà chỉ có loại hải đồ 1/1.000.000 dùng ở miền Bắc cấp cho tàu sử dụng. Loại hải đồ này không có khu vực quần đảo Trường Sa nên tàu ta phải dùng thêm Hải đồ 1/2.000.000 để tham khảo khi qua vùng quần đảo Trường Sa.
Xác định vị trí tàu bằng thiên văn
Trên đường gặp địch phải tránh né, sai lệch vị trí do đó khó xác định vị trí tàu và bến chính xác. Vì vậy, các đồng chí trợ lý tham mưu huấn luyện của Đoàn 125 có sáng kiến và được thủ trưởng Đoàn đồng ý: mở lớp huấn luyện cho cán bộ và chiến sĩ hàng hải biết cách đo xác định vị trí tàu bằng thiên văn. Ba đồng chí Đốc, Cơ, Thu-cán bộ tác chiến làm giáo viên mở lớp huấn luyện giảng dạy với chương trình ngắn gọn trong ba tháng dạy học viên biết ứng dụng đo mặt trời, mặt trăng.
Có lẽ đây là phương pháp định vị tàu độc nhất vô nhị trên thế giới: chỉ với máy 1/6, chân trời – góc biển tưởng tượng, các sao cố định. Đợi khi sóng ổn, người đo đứng dạng chân thành hình tam giác theo hướng mũi tàu quay về phía Nam, lấy vì sao cố định kéo xuống mặt biển dừng lại tạo một góc kẹp 30 độ, cho phép sai lệch từ 3-5 hải lý. Đó là vị trí của tàu. Phương pháp này được áp dụng và hiệu quả rất tốt.
Cựu chiến binh Đỗ Xuân Tâm, nguyên thủy thủ Tàu 168 kể cho chúng tôi nghe một chuyện: ngày 26-6-1966, ông cùng 18 thủy thủ của Tàu 168 chở 62 tấn vũ khí rời K15 vào bến Ba Động, Bến Tre. Sau 9 ngày tàu tới vùng biển Côn Đảo. Ngày 20-6, khoảng 3 giờ sáng, tàu bắt được tín hiệu với bờ. Thuyền phó Dương Tấn Kịch tính toán bằng thiên văn xác định khoảng trống trước mặt tàu chính là cửa Ba Động, nhưng chính trị viên Hồ Đức Thắng lại kiên quyết bảo không phải. Vì đây là quê của đồng chí Thắng, là chuyến đi thứ 9 của đồng chí nên chỉ huy tàu cũng phân vân. Tàu cứ lượn vòng mãi đến khi máy bay địch xuất hiện với pháo sáng bắn đầy trời, tàu ta bị lộ, cũng là lúc anh em trên tàu nhìn rõ trước mắt là cửa Ba Động. Tính theo thiên văn thì tàu ta đã xác định đúng. Sau này, khi về kiểm điểm lại thì lỗi cũng không phải do đồng chí Thắng. Đồng chí Thắng tính theo địa văn, nếu còn nhìn thấy cây hải đăng ở Ô Cấp thì chưa đến Ba Động. Trước đó, địch vừa cho nâng cao ngọn hải đăng thêm 6m. Thật tiếc!
“Mẹo quay về..”
Những con tàu Không số trở hàng và vũ khí chi viện cho miền Nam lúc đi nặng nên tàu rất đầm. Sau khi thả hàng quay trở ra tàu nhẹ nổi và lắc mạnh nên người trên tàu rất dễ bị say sóng. Vậy nên anh em thủ thủy mới nghĩ ra sáng kiến là vào bến giao hàng sau đó lại bốc bùn ở bến đưa lên tàu. Lúc ra khỏi bến tàu đi êm, khỏe người nhưng sau khi về đến phao số không thì lại phải dừng tàu bốc hết bùn ra, thau rửa tàu. Như thế vừa mệt người, lại mất thời gian, ảnh hưởng đến quá trình tăng chuyến quay vòng nên đoàn lại có sáng kiến mới thay cho việc chở bùn là chặt củi ở bến mang về. Củi trở về nhiều xếp đầy bến Bính Động- Hải Phòng, dùng không hết để mục ra.
Mẹo này cũng có nhược điểm là nếu chặt cây củi ở bến nhiều sẽ thưa cây, dễ bị lộ, còn nếu vận chuyển ở nơi khác đến lại mất nhiều thời gian và nhân công. Vậy là lại chuyển sang giải pháp khác, đó là mang dừa nước về. Mang được dừa về, cũng không dùng hết được, tàu ta đổ bỏ ngay gần bờ. Khi thủy triều lên, dừa trôi vào bờ. Lâu dần mọc thành cây. Lại phát sinh vấn đề: miền Bắc làm sao có nhiều dừa nước như thế này, chỉ có ở miền Nam chở ra mới có. Sợ lộ bí mật nên cũng phải tính cách khác.
Đem trứng Trường Sa…về thành chim
Sau sự kiện Tàu 143 bị địch phát hiện ở Vũng Rô tháng 2-1965, con đường vận tải chiến lược không còn giữ được bí mật nữa và bước vào giai đoạn vận chuyển ác liệt. Đoàn 125 đã kiểm điểm đánh giá và tiếp tục hạ quyết tâm bám biển hoạt động, vượt qua gian khổ, dũng cảm chấp nhận tổn thất 50% đã là hoàn thành nhiệm vụ.
Cùng với những biện pháp khắc phục tình hình, Đoàn quyết định tổ chức một chuyến đi trinh sát nắm địch trên biển. Trước đó, tàu nào của ta chở hàng chi viện cũng được giao nhiệm vụ trinh sát nhưng chưa có một chuyến đi trinh sát thực sự không có hàng. Điều này đã được Đoàn 125 bí mật thực hiện. Tháng 8-1965, Tàu 68 do đồng chí Đỗ Văn Bé làm thuyền trưởng, Trần Ngọc Ẩn làm chính trị viên cải dạng đi trinh sát toàn bộ vùng biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa, đồng thời kiểm tra kết quả lớp học cho cán bộ chiến sĩ ứng dụng xác định vị trí tàu bằng thiên văn.
Đại tá Nguyễn Hữu Tuần, nguyên trợ lý tham mưu tác chiến Đoàn 125 kể câu chuyện vui mà anh em Đoàn còn nhớ mãi: “Khi giao nhiệm vụ cho cán bộ chiến sĩ, tôi quán triệt quy định “tuyệt đối không được lên đảo”. Đến khi về, tôi cũng là người đầu tiên xuống gặp anh em nắm tình hình viết bản tổng kết. Khi xuống tàu thì nghe tiếng kêu của gia cầm trong khoang tàu. Tôi hỏi: “Ai cho các đồng chí nuôi gà trên tàu?”. Đồng chí Trần Ngọc Ẩn, chính trị viên đành báo cáo: Tàu 68 có qua khu vực quần đảo Trường Sa, đến các đảo không người. Quan sát thấy an toàn chỉ huy tàu đã cho một số cán bộ chiến sĩ lên đảo nắm tình hình. Trên đảo có nhiều chim, để lộ dưới cát rất nhiều trứng. Anh em lấy hàng tạ trứng xuống tàu, ăn không hết, nên khi về đến Hải Phòng nhiều trứng đã nở ra thành chim!
Thật là những chuyện lý thú góp phần để các thủy thủ tàu Không số đạp bằng gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bích Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét