Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

CHIẾN THẮNG BA GIA


CHIẾN THẮNG BA GIA
(31.5.1965 )

Đến cuối năm 1964, đầu năm 1965, trước sức tấn công và nổi dậy mãnh liệt của quân và dân ta ở miền Nam, chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ bị khủng hoảng nặng nề; đồng thời trên miền Bắc XHCN cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ I của chúng cũng rơi vào thất bại thảm hại.

Để cứu vãn tình hình, một mặt đế quốc Mỹ tăng cường yểm trợ binh khí, kỹ thuật cho quân ngụy Sài Gòn, mặt khác chúng chuẩn bị kế hoạch đưa quân viễn chinh vào miền Nam, leo thêm một nấc thang mới trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương

Trên chiến trường Quảng Ngãi, sau khi một bộ phận quân chủ lực và một phần quân địa phương bị ta tiêu diệt, tinh thần chiến đấu của địch sa sút nghiêm trọng, buộc chúng phải quay về phòng ngự dọc theo các trục lộ giao thông, tổ chức thành từng cụm 1 đến 3 tiểu đoàn ở các vị trí cơ động quanh đô thị và vùng xung yếu.

Về phía ta, sau các đợt tiến công và nổi dậy 1964 và đợt hoạt động Xuân 1965, quân và dân Quảng Ngãi đã giải phóng và làm chủ nhiều vùng rộng lớn, phong trào quần chúng phát triển mạnh. Vai trò của các lực lượng vũ trang tập trung trong các trận đánh tiêu diệt tiêu hao sinh lực địch và khả năng của quân du kích trong bao vây đồn bót, đã nâng cao rõ rệt. Phong trào quần chúng nổi dậy phát triển thành cao trào ở đồng bằng, làm cho cục diện chiến trường thay đổi theo hướng có lợi cho ta.
Bước vào mùa hè 1965, chấp hành Chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết của Khu ủy 5, quân khu quyết định mở "chiến dịch Lê Độ" từ ngày 15.5 đến 30.8.1965 tập trung vào các hướng chính Nam Tây Nguyên, Tây Gia Lai, Bắc Kon Tum - Bắc Quảng Ngãi, nhằm tiếp tục tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân ngụy, phá banh "ấp chiến lược", giành lại phần lớn nông thôn đồng bằng, mở rộng vùng giải phóng Nam - Bắc Tây Nguyên; đồng thời sẵn sàng đánh một số trận phủ đầu quân Mỹ.

Trên hướng Bắc Quảng Ngãi, trọng điểm hoạt động ở đồng bằng ta mở chiến dịch Ba Gia, còn gọi là chiến dịch Tây Sơn Tịnh. Địa bàn chiến dịch gồm 3 huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và thị xã Quảng Ngãi. Trong đó Ba Gia là điểm then chốt.

Theo đúng kế hoạch tác chiến, đêm 28 rạng ngày 29.5.1965, bộ đội địa phương Sơn Tịnh nổ súng tiến công và sau 10 phút tiêu diệt hoàn toàn 2 trung đội dân vệ và 1 trung đội lính cộng hòa ở khu vực Diên Niên, Lộc Thọ.

6 giờ 45 phút ngày 29, một đại đội địch thuộc tiểu đoàn 1, trung 51 từ đồn Gò Cao kéo ra thăm dò bị ta phục kích diệt 1 trung đội, 2 trung đội còn lại kinh hoàng xin cứu viện.

10 giờ 40 phút, toàn bộ tiểu đoàn 1 trung đoàn 51 có 2 cố vấn Mỹ kéo xuống tiếp viện bị ta chặn đánh ở núi Tròn, núi Khỉ, thu hút chúng về hướng núi theo hướng nghi binh của ta. Trong khi đó, các mũi tiến công của ta giấu từ Minh Thành (Tịnh Minh) bất ngờ xuất kích đánh vào sau lưng địch. Bị chặn đầu khóa đuôi, liên tục bị ta bao vậy chia cắt, đội hình địch rối loạn và xé nhỏ, bật ra phía đồng ruộng nhưng đều bị ta tiêu diệt. Chỉ sau 5 giờ chiến đấu của ngày đầu chiến dịch, ta đã tiêu diệt và làm bị thương 270 tên địch (trong đó có 2 cố vấn Mỹ) bắt sống 217 tên, thu trên 200 súng các loại, phá hủy 1 pháo 105 ly và nhiều xe quân sự của địch.

Đúng như ta dự đoán, được tin tiểu đoàn 1, trung đoàn 51 bị tiêu diệt, đồn Gò Cao bị uy hiếp, bọn chỉ huy quân đoàn 1 vội vã điều tiểu đoàn 39 biệt động quân từ Đà Nẵng vào thị xã Quảng Ngãi, tiểu đoàn 3 thủy quân lục chiến, đang càn quét ở Đức Phổ hợp cùng tiểu đoàn 2 trung đoàn 51, lập thành chiến đoàn, tổ chức cứu viện nhằm giải tỏa, tạo điều kiện đưa lực lượng lên chiếm giữ đồn Gò Cao.

Sáng ngày 30.5.1965, từ thị xã, chiến đoàn địch kéo lên Tịnh Hà rồi chia làm 2 cánh:

Một cánh do tiểu đoàn 39 biệt động quân rẽ phía Bắc Phước Lộc đi theo đường Lâm Lộc - Vĩnh Khánh lên chiếm đồi Chóp Nón hình thành thế bao vây phía sau đội hình ta. Một cánh do tiểu đoàn 2 trung đoàn 51 và tiểu đoàn 3 - thủy quân lục chiến tiến theo đường số 5 Sơn Tịnh - Sơn Hà hòng làm rối loạn và phá vỡ thế bố trí chiến đấu của ta.
Bọn địch tưởng rằng, với lực lượng cỡ chiến đoàn tinh nhuệ, thiện chiến, lại được phi pháo yểm trợ, chúng sẽ bao vây tiêu diệt lực lượng ta. Nhưng chúng không ngờ quân ta đã triển khai thế trận chờ đưa chúng vào bẫy.

14 giờ 40 phút, toàn chiến đoàn địch lọt vào đội hình phục kích của ta. Lệnh xuất kích truyền xuống, từ các hướng, bộ đội ta xung phong mãnh liệt. Các đơn vị nhanh chóng thực hiện bao vây chia cắt, cô lập hai cánh quân và lần lượt băm nát từng bộ phận, không cho chúng phối hợp sức mạnh chiến đoàn.

Tiểu đoàn 39 biệt động mò lên điểm cao Chóp Nón liền bị quân ta xông ra đánh bật xuống và tiêu diệt. Số còn lại bị ghìm chân tại chỗ. Cánh quân của tiểu đoàn 2 trung đoàn 51 và tiểu đoàn 3 thủy quân lục chiến bị ta tiến công phải dừng lại ở Phước Lộc để tổ chức đội hình đối phó.
15 giờ 28 phút, hỏa lực ta được lệnh tập trung bắn cấp tập vào Phước Lộc, đồng thời chiến sỹ ta được lệnh đồng loạt xung phong, đánh bật quân địch xuống phía sông. Bọn địch ngoan cố dựa vào hào giao thông sẵn có để chống cự. Máy bay địch đến bắn phá để cứu nguy cho bộ binh của chúng, nhưng không có hiệu quả. Ta nhanh chóng dùng lực lượng để triển khai, vây hãm, quần nhau đánh chiếm từng đoạn hào một cách quyết liệt. Đến 17 giờ, tiểu đoàn thủy quân lục chiến bị tiêu diệt gần hết. Tiểu đoàn 2 trung đoàn 51 bị thiệt hại nặng. Tuy vậy, bọn địch còn lại vẫn cố sống, cố chết dựa vào làng Phước Lộc, điểm cao 47, núi Chóp Nón để chống cự.

Không để cho địch có thời gian củng cố, đêm 30 rạng sáng ngày 31.5.1965, bộ đội ta tập trung sức đồng loạt tập kích dứt điểm số quân còn lại ở điểm cao 47 và núi Chóp Nón.

Sau 42 giờ chiến đấu liên tục, toàn bộ chiến đoàn hỗn hợp ngụy đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Ta đã tiêu diệt 916 tên địch, bắt sống hàng trăm tên, thu hằng trăm súng ác loại. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Khu V, một trung đoàn chủ lực của ta tiêu diệt một chiến đoàn hỗn hợp tinh nhuệ của địch.

Đợt hoạt động hè năm 1965, mà đỉnh cao là chiến dịch Ba Gia vang dội, cùng với bộ đội chủ lực, quân và dân Quảng Ngãi đã liên tục tiến công và nổi dậy, đánh bại các biện pháp chiến lược, chiến thuật chủ yếu của địch, giữ vững và phát huy mạnh mẽ quyền chủ động trên chiến trường, góp phần cùng toàn miền làm phá sản hoàn toàn chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ.

Cùng với chiến thắng Bình Giã - Bà Rịa, Đồng Xoài, chiến thắng Ba Gia được xem như là một mốc lịch sử khẳng định sự thất bại của chiến lược "Chiến lược chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - ngụy, đồng thời đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội ta, chỉ trong vòng hai ngày đêm, bằng một loạt trận chiến đấu vận động liên tục đánh địch dưới điều kiện phi pháo ác liệt, đã tiêu diệt hoàn toàn chiến đoàn hỗn hợp ngụy, đánh bại cuộc hành quân ứng cứu quy mô lớn.

Thắng lợi đó đã tạo một thế đứng vững vàng, thế chủ động về chiến dịch, chiến thuật và chiến đấu trên một chiến trường quan trọng của Khu 5 và của toàn miền Nam. Đó là điều kiện rất cơ bản bảo đảm cho quân và dân Quảng Ngãi giành thắng lợi khi cuộc chiến tranh chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn đánh thắng chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ.

Phát huy thắng lợi của chiến dịch hè 1965 và chiến thắng Ba Gia, quân và dân Quảng Ngãi liên tiếp giành nhiều thắng lợi to lớn: Vạn Tường (tháng 8.1965), Gò Sỏi (tháng 7.1966), Đình Cương (tháng 8.1974),... và đỉnh cao là cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà 24.3.1975, góp phần tích cực vào đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Read more: http://yeuquangngai.net/7-Van-Hoa--Lich-Su/10110-Chien-Thang-Ba-Gia.html#ixzz1yxLgt8u6

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét