Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

McNamara - người "sa lầy" của một thời


McNamara - người "sa lầy" của một thời


(TuanVietNam) - Nếu không có những sai lầm trong chiến tranh Việt Nam khiến uy tín bị giảm sút, có lẽ Robert McNamara - người có thời gian đảm nhiệm lâu nhất vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ từ trước đến nay - đã có một sự nghiệp hoàn hảo hơn.
Ngày 7/6/2009 vừa qua, McNamara đã tắt thở trong lúc ngủ ở tuổi 93. Người ta còn nhớ đến McNamara vì sau khi rời Lầu Năm Góc, người đàn ông này đã bày tỏ sự hối tiếc về vai trò của mình trong cuộc chiến. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng cho rằng cuộc chiến một thời đã làm xấu đi hình ảnh của nước Mỹ với hơn 58.000 lính phải bỏ mạng.
Sự nghiệp lẫy lừng
Vào lúc 15h30 phút ngày 23/6/1997, tại nhà khách Chính phủ, cuộc gặp gỡ giữa đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Robert McNamara -  diễn ra như hoạt động cuối cùng của Hội thảo Việt – Mỹ (kéo dài hơn 3 ngày, từ 20 đến 23/6). (Ảnh: AFP)

Những gì Robert McNamara đạt được trong sự nghiệp của mình trước khi chính thức trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ là một thành tích mà không được mấy người có thể làm được.
Năm 1939, khi chỉ 23 tuổi, McNamara đã có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh của Đại học Harvard danh tiếng. Sau đó một năm, McNamara chính thức giảng dạy tại đại học Harvard cho đến khi nhập ngũ vào năm 1943. Đến năm 1946, McNamara xuất ngũ và làm việc tại tập đoàn xe hơi Ford.
Chỉ 14 năm sau đó, McNamara được Henry Ford đệ nhị nhường ghế chủ tịch tập đoàn và trở thành người đầu tiên không thuộc dòng họ Ford lãnh đạo tập đoàn này. Nhưng McNamara chỉ đảm nhiệm công việc này trong khoảng năm tuần thì trở thành người lãnh đạo của Lầu Năm Góc trong chính phủ của Tổng thống tân nhiệm lúc bấy giờ là Kennedy.
Thực ra, khi đắc cử Tổng thống, John F. Kennedy đã mời Bộ trưởng tiền nhiệm Robert A Lovett, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời Tổng thống Eisenhower, tiếp tục đảm nhiệm vị trí này. Thế nhưng, Robert A Lovett từ chối và đề cử McNamara thay mình. 
Trước bản thành tích ấn tượng của Robert McNamara, Tổng thống Kennedy đưa ông đến hai lựa chọn trong chính phủ của mình là vị trí bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc Bộ Quốc phòng. Lẽ ra, Robert McNamara chọn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ thì phù hợp với những gì ông từng đạt được trước đó hơn là thử thách mình ở lĩnh vực quân sự.
Không có nhiều kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực quốc phòng, nhưng McNamara bằng khả năng nhạy bén của mình đã tỏ ra “học việc” khá nhanh và nhanh chóng có những kế hoạch cải tổ cổ máy quân sự lớn nhất thế giới này. 
McNamara năm 1967 và 4/1966
Bằng tất cả những kỹ năng quản lý có được, Robert McNamara đã kiến tạo nên một hệ thống quản lý bài bản trong Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và cũng là người thực hiện nên chiến lược quốc phòng mới cho Hoa Kỳ. Trong đó, việc áp dụng các khả năng của máy tính điện tử vào công việc quản lý Bộ Quốc phòng đã làm nên những bước tiến đáng kể.
Không chỉ thế, McNamara còn được xem là người đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng tên lửa Cuba vào năm 1962. Dường như quan điểm của McNamara trong cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô lúc bấy giờ khá ôn hòa. 
McNamara luôn cho rằng Hoa Kỳ và Liên Xô nên đạt được sự đồng thuận hơn là đối đầu căng thẳng. Cũng từ lý do đó, McNamara đã cực lực chống đối kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ Mỹ lúc bấy giờ. Ông cho rằng có hai lý do để không nên thực hiện kế hoạch trên. 
Thứ nhất, kế hoạch trên tiêu tốn quá nhiều tiền. Thứ hai, ông cho rằng kế hoạch trên chỉ phản tác dụng nhiều hơn. Bởi khi Hoa Kỳ thiết lập hệ thống này thì chắc chắn vì lý do chạy đua vũ trang, Liên Xô cũng xây dựng một hệ thống tương tự. Khi đó, về bản chất thì đây chỉ là một cuộc tăng cường vũ khí hạt nhân.
Bằng tất cả những gì mình làm được, McNamara trở thành người lãnh đạo lâu nhất trong lịch sử Bộ Quốc phòng Mỹ khi đảm nhiệm chức vụ này gần tám năm qua hai đời Tổng thống John F.Kennedy và Lyndon B. Johnson. 
Thế nhưng, lẽ ra McNamara còn đảm nhiệm vị trí bộ trưởng này lâu hơn nữa nếu không có những áp lực chính trị do những hệ quả của chiến tranh Việt Nam tạo ra. Khi ông được xem là kiến trúc sư trưởng cho Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.
Trong vai trò Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, McNamara đã tỏ ra rất tích cực thúc đẩy sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Số lượng cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ đã tăng lên đáng kể khi từ con số vài trăm đã nhanh chóng nhảy lên 17.000 vào năm 1964. 
Tháng 8 năm 1964, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, McNamara đã phát động những hành động can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ vào Việt Nam bằng các đợt không kích của không quân. Hai chiến dịch không kích là Mũi Tên Xuyên (tháng tám 1964) và Sấm Rền (đầu năm 1965). 
Tiếp theo đó, McNamara tiến hành cuộc can thiệp quân sự sâu rộng vào Việt Nam bằng những chiến dịch quân sự quy mô tăng nhanh cùng số lượng lính Mỹ tại Việt Nam. 
Số lính Mỹ đã tăng nhanh đột biến khi đó với con số lên đến 485.000 quân vào năm 1967. Không chỉ thế, McNamara còn sử dụng những kỹ thuật công nghệ tân tiến để thiết lập hàng rào điện tử McNamara nhằm ngăn cản bước tiến của bộ đội miền Bắc. Song hành theo đó chính là những chiến dịch đánh phá quyết liệt đường mòn Hồ Chí Minh.
Thế nhưng, đến những ngày cuối cùng của mình trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc, McNamara đã nhận ra chiến lược tại Việt Nam của ông ẩn chứa quá nhiều bất ổn. Cũng lúc đó, chiến dịch Tổng tiến công của bộ đội Bắc Việt Nam vào Tết Mậu Thân 1968 giáng một đòn nặng nề vào quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam. Từ đó, những chia rẽ trong lòng nước Mỹ về cuộc chiến Việt Nam càng thêm sâu sắc. Đó là một áp lực lớn khiến cho McNamara phải từ chức.
Năm 1968, sau khi từ nhiệm Bộ Quốc phòng, Robert McNamara tiếp nhận chức chủ tịch Ngân hàng Thế giới đến năm 1981. Sau đó, ông làm việc và cố vấn cho các tập đoàn, quỹ từ thiện, trường đại học…
Người làm nước Mỹ sa lầy
Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara (phải) ngồi cạnh Tổng thống Lyndon B. Johnson (giữa) và Ngoại trưởng Dean Rusk trong cuộc họp nội các tháng 2/1968

Bằng những kỹ năng quản lý cùng mớ kiến thức đồ xộ về thống kê trong kinh doanh cũng như những am hiểu về khoa học kỹ thuật, McNamara đã tiếp cận cuộc chiến Việt Nam theo cách quen thuộc mà ông từng làm khi tái cấu trúc bộ máy quốc phòng Mỹ hay các công việc quản lý, điều hành trước đó tại tập đoàn Ford.
Phân tích những chiến lược chính của McNamara chúng ta có thể thấy đã tiềm ẩn những thất bại ngay từ ban đầu. 
McNamara dùng các công cụ về thống kê để đánh giá tình hình chiến trường, đó là việc thống kê số lính chết trận, vũ khí thu được và tỷ lệ các khu vực đang chiếm đóng. Đó là một sai lầm trầm trọng vì sự ủng hộ khá lớn từ phía dân chúng đã tạo nên một cuộc chiến tranh du kích ngay chính trong lòng miền Nam chứ không phải một chiến tuyến rạch ròi của vĩ tuyến 17. 
Chính vì thế, có rất nhiều khu vực tuy Mỹ và miền Nam Việt Nam đang chiếm đóng nhưng chúng không hoàn toàn được quản lý bởi lực lượng này. Khi đó, thống kê những khu vực như thế không có ý nghĩa để phản ánh tình hình chiến sự. 
Thêm vào đó, sự gia tăng số lượng và vũ khí của bộ đội Bắc Việt Nam cũng là một yếu tố mà miền Nam Việt Nam và Mỹ chưa giải mã chính xác nên xem như việc lấy mẫu của thống kê đã thất bại. Như thế mới thấy, cách đánh giá tình hình cuộc chiến qua những biểu đồ thống kê là vô nghĩa.
McNamara lại lún vào một sai lầm khác khi sử dụng không quân để đánh bom miền Bắc và đường mòn Hồ Chí Minh như một phương án phá vỡ hậu phương. Đó là sai lầm thứ hai. Bởi nền kinh tế miền Bắc lúc bấy giờ chỉ là nông nghiệp chứ không phải nền kinh tế công nghiệp. 
Miền Bắc Việt Nam lúc đó chưa phải là nước Đức hay các nước đồng minh tại châu Âu trong hế chiến thứ Hai để mà đánh phá cơ sở công nghiệp. Đó là chưa kể, nguồn lực chủ yếu của miền Bắc là dựa vào viện trợ của các đồng minh trong khối XHCN. 
Ngoài ra, việc ném bom một khu vực như đường Trường Sơn hay dựng nên hàng rào điện tử cũng khó có thể cản bước tiến của bộ đội Bắc Việt Nam. Đó là một cuộc chiến tranh du kích.
Hai sai lầm trên khiến cho người Mỹ khó có được những ưu thế trên chiến trường. Trong khi đó, về mặt chính trị thì cuộc chiến đã dần gây chia rẽ ngay trong lòng nước Mỹ. Ngay cả trong lòng xã hội Mỹ, McNamara cũng đã không lường hết những phản ứng về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Chiến lược chính của McNamara là đẩy mạnh sự can thiệp trực tiếp của quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam mà bỏ qua vai trò của chính phủ Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ. Vô hình chung, điều đó khiến cho cuộc chiến Việt Nam trở thành một cuộc chiến của Hoa Kỳ nhiều hơn là cuộc chiến giữa hai miền Việt Nam. Điều đó sẽ có hại nhiều hơn lợi đối với Mỹ về mặt chính trị của cuộc chiến. 
Vì lẽ đó, chính phủ Việt Nam Cộng hòa ngày càng tỏ ra yếu ớt và đó cũng là căn nguyên dẫn đến sự suy thoái ngày càng nghiêm trọng của chính phủ này. Cho nên, khi Hoa Kỳ chuyển qua sách lược Việt Nam hóa chiến tranh thì việc thất bại là điều tất yếu. 
Vào năm 1973, khi Mỹ gần như rút toàn bộ lực lượng tại Việt Nam sau hiệp định Paris thì gần như lực lượng miền Nam Việt Nam không đủ sức tổ chức một cuộc hành quân quy mô lớn nào và chỉ đếm đến ngày 30 – 04 – 1975 để kết thúc cuộc chiến.
McNamara đã tính toán rất tốt những yếu tố hữu hình nhưng những nhân tố vô hình thì không. Công trình chiến tranh Việt Nam do McNamara dựng nên về bản chất đã bị thất bại từ năm 1968 vì khiến người Mỹ sa lầy vào cuộc chiến nên ngay nội bộ nước Mỹ đã không còn đồng tình với cuộc chiến. 
Chính vì thế, bước ngoặt năm 1968 đã báo hiệu cho việc rút quân của Hoa Kỳ tại Việt Nam là tất yếu, đó cũng là chủ đề để Nixon tranh cử tổng thống năm đó. Và cuộc chiến Việt Nam đã trở thành lời cảnh báo cho tất cả các đời tổng thống Hoa Kỳ sau đó khi có những hành động can thiệp quân sự.
 
Khi bắt đầu nhiệm kỳ bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời John Kennedy, McNamara từng viết về cuộc chiến Việt Nam năm 1964: 
"Tôi không phản đối việc người ta gọi chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến của McNamara. Tôi nghĩ đó là một cuộc chiến quan trọng và tôi hài lòng khi tên tuổi của mình gắn liền với nó. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giành thắng lợi".

Năm 1995, khi xuất bản cuốn hồi ký "In Retrospect: The Tragedies and Lessons of Vietnam", McNamara đã nghĩ khác: 
"Những quan chức cấp cao nhất của Mỹ tham gia vào các quyết định liên quan tới cuộc chiến tại Việt Nam đã hành động theo cái mà chúng tôi nghĩ là nguyên tắc và truyền thống của đất nước. Chúng tôi ra quyết định theo những giá trị đó nhưng đã phạm sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi nợ các thế hệ sau câu trả lời về nguyên nhân của sai lầm".
  • Ngô Minh Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét