Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Lễ độc lập 1945 tại Sài Gòn


Kỳ 1: Lễ độc lập 2-9-1945 tại Sài Gòn


Kỷ niệm 61 năm quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam
Le doc lap 2 9 1945 tai Sai Gon
Đường Cộng Hòa (nay là đường Lê Duẩn), nơi tổ chức lễ độc lập 2-9-1945 - Ảnh tư liệu
Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cùng lúc đó, lễ độc lập cũng được tổ chức tại Sài Gòn khi nền độc lập bị bủa vây tứ phía.
Người dân vẫn đứng lên, dù súng đã nổ trong lễ độc lập tại Sài Gòn. Theo tiếng gọi non sông, kháng chiến bắt đầu...
Bài 1:
Bản hùng văn của đất phương Nam
Ngày 31-8-1945, trung ương điện vào cho biết lúc 2 giờ chiều 2-9 tại Hà Nội, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ quyết định tổ chức một cuộc mittinh và diễu hành thật lớn nhằm biểu dương lực lượng toàn dân đoàn kết xung quanh chính quyền cách mạng.
"Độc lập hay là chết"
Le doc lap 2 9 1945 tai Sai Gon
Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu (dấu X) đang ứng khẩu bài diễn văn. Biểu ngữ giăng trước lễ đài bằng tiếng Anh: "Independence or Death" (Độc lập hay là chết) - Ảnh tư liệu
Lễ đài lễ độc lập 2-9-1945 tại Sài Gòn đặt trên đường Cộng Hòa (nay là đường Lê Duẩn), ngay phía sau nhà thờ Đức Bà. Hầu hết người dân Sài Gòn đều đổ ra đường, thành một biển người chưa từng thấy ở thành phố này. Cờ rợp trời: cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, cờ các nước đồng minh, cờ của các đoàn thể. Khẩu hiệu giăng đầy các con đường lớn: "Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm!", "Đả đảo thực dân Pháp!", "Độc lập hay là chết!"… bằng năm thứ tiếng: Việt, Hoa, Anh, Pháp, Nga.
Lễ độc lập cử hành đúng 14g chiều. Nhưng mới 12g trưa, dưới mặt trời đứng bóng, các đoàn thể dân chúng, các toán dân quân từ trong các trụ sở ở Châu Thành, từ các vùng ngoại ô kéo về đại lộ Cộng Hòa (tức đại lộ Norodom vừa đổi tên) tập trung sau nhà thờ Đức Bà. Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức chào quốc kỳ. Lúc đó, bản Tiến quân ca của Văn Cao chưa được phổ biến trong Nam nên ban quân nhạc cử bàiQuốc tế ca và bản Thanh niên hành khúc, nhạc của Lưu Hữu Phước, lời của nhóm Hoàng Mai Lưu: "Này anh em ơi, tiến lên dưới cờ giải phóng! Đồng lòng cùng đi! Đi! Đi! Sá gì thân sống!...".
Theo thông báo của ban tổ chức buổi lễ, đúng 14g chiều hôm ấy, tại quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đài tiếng nói Việt Nam (lúc đó đặt tại Bạch Mai nên còn gọi là Đài Bạch Mai) sẽ trực tiếp truyền thanh buổi lễ ở Hà Nội trên làn sóng 32m. Ban tổ chức sẽ tiếp sóng Đài Bạch Mai để đồng bào Sài Gòn nghe bản Tuyên ngôn độc lập qua hệ thống loa phóng thanh đặt dọc theo đường Cộng Hòa và các ngả đường gần đó.
Tuy nhiên, việc tiếp sóng không thành công. Nửa giờ trôi qua, dân chúng bắt đầu bàn tán xôn xao. Một số người cảnh giác đặt ra nghi vấn: phải chăng có kẻ phá hoại? Mặc dù hoài nghi này không có chứng cớ, song trong bối cảnh lúc đó nó vẫn thuyết phục được nhiều người. Mãi về sau này người ta mới biết lý do của sự cố này: đài phát của ta quá yếu, máy thu của ta quá cũ, thời tiết chiều hôm ấy lại xấu.
"Ngày độc lập bắt đầu từ nay"
Nền độc lập bị thách thức
GS Trần Văn Giàu nhớ lại: Ngày 25-8, trong khi cả triệu đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các tỉnh lân cận rầm rập xuống đường giành chính quyền thì tại Mỹ, tổng thống Harry Truman "bật đèn xanh" cho thực dân Pháp tái xâm lược VN.
Trong cuốn Hồi ký chiến tranh của tướng Charles de Gaulle có biên bản cuộc hội đàm ngày 24-8 (giờ Mỹ) tại Nhà Trắng giữa những người đứng đầu chính quyền Mỹ và Pháp. Tổng thống Truman chính thức cam kết với tướng de Gaulle: "Về Đông Dương, Chính phủ Mỹ sẽ không làm gì ngăn cản việc Pháp quay trở lại xứ ấy".
GS Trần Văn Giàu cho biết một tuần sau đó, vào ngày 2-9, đúng lúc người dân VN đang hân hoan cử hành lễ độc lập và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, hai viên tướng Mỹ và Pháp MacArthur và Leclerc có mặt tại Tokyo (Nhật) để dự lễ đầu hàng của Nhật.
Viên tướng Mỹ nói với viên tướng Pháp: "Nếu tôi có điều gì để khuyên anh thì lời khuyên đó là: Anh hãy mang quân sang (Việt Nam), mang thêm nhiều quân hơn nữa, nhiều chừng nào mà anh có thể làm được".
Để trấn an quần chúng, ban tổ chức buổi lễ đề nghị ông Trần Văn Giàu (tức giáo sư Trần Văn Giàu ngày nay) phát biểu. Ông Trần Văn Giàu lúc đó là bí thư Xứ ủy Nam bộ, chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Nam bộ, chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ… Đây là điều nằm ngoài dự kiến của chương trình buổi lễ.
Ông Trần Văn Giàu suy nghĩ vài phút, ghi vội lên giấy mấy ý chính, rồi bước lên lễ đài, ứng khẩu một bài diễn văn. Lúc đó, các nhà báo chưa sử dụng máy ghi âm nên ghi lại bài diễn văn bằng phương pháp tốc ký để công bố toàn văn trên các báo xuất bản ở Sài Gòn ngày hôm sau.
Mở đầu, ông Trần Văn Giàu tuyên bố một đổi thay lớn trong lịch sử nước nhà sau Cách mạng Tháng Tám: "Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống".
Song cuộc hồi sinh của dân tộc đang bị kẻ thù đe dọa: "Kẻ địch toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào... Chúng tôi đã nắm được bằng cớ chắc chắn là họ toan dùng võ lực thình lình lật đổ chính phủ dân chủ cộng hòa để đặt lại một quan toàn quyền như thuở trước". Do đó, ông khuyên đồng bào hãy đề cao cảnh giác: "Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi. Bởi vì Việt Nam yêu quí của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta dân ta có thể bị tròng lại ách nô lệ".
Ông Trần Văn Giàu hỏi những người dự lễ: "Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không? Có ai chịu bó tay để cho chế độ thực dân - ra mặt hay giấu mặt - trở lại không?". Sau mỗi câu hỏi của ông, cả triệu người đồng thanh đáp lại: "Không! Không! Không!" vang dội một góc trời.
Tiếp sau sự đồng tâm ấy, ông Trần Văn Giàu nhắc lại những điều đã nói với đại diện chính phủ Pháp:
"Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng ký kết với Cộng hòa Pháp những hiệp ước cộng tác về kinh tế, về văn hóa, luôn về binh bị nữa, nếu Pháp công khai thừa nhận quyền độc lập của chúng tôi.
Nhược bằng trái lại, các người kể chúng tôi như tôi mọi thì liên hiệp với dân chúng cách mạng Pháp, chúng tôi thề chết (chứ) không nhượng bộ trước bất cứ một sự hăm dọa hay khiêu khích nào". Thay mặt hàng triệu người dân Nam bộ, ông nói lên quyết tâm bảo vệ tổ quốc: "Chúng ta thề cương quyết đứng bên cạnh chánh phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng".
Ông kết thúc bài diễn văn bằng lời kêu gọi: "Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!".
Một người tham dự lễ độc lập năm ấy ở Sài Gòn nhận xét: "Tuy ứng khẩu (ông không chuẩn bị trước bài phát biểu) nhưng ý tưởng của ông sâu sắc, giọng của ông hùng hồn, bài nói của ông thu hút tâm hồn cả triệu người có mặt trong buổi lễ". Trong kho tàng các bản hùng văn của mảnh đất phương Nam, bên cạnh bài hịch của Trương Định, văn tế của Đồ Chiểu..., bài diễn văn ngày 2-9-1945 của Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu giữ một vị trí xứng đáng.
Tiến sĩ sử học Phan Văn Hoàng (sinh năm 1945) là tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, thành viên ban biên soạn công trình "Lịch sử kháng chiến Nam bộ". Các tác phẩm của ông: Cao Triều Phát, nghĩa khí Nam bộ (NXB Trẻ), Sáng ngời Hồ Chí Minh (chủ biên, NXB Công An Nhân Dân), Sài Gòn, mùa thu 1945 (chủ biên, NXB Công An Nhân Dân)...
--------------------------------
Cả triệu người đưa nắm tay lên, nhất loạt hô to: "Xin thề! Xin thề! Xin thề!" như tiếng sấm vang rền. Tiếng súng nổ ra, các tay súng nhắm bắn vào những người đang biểu tình một cách hòa bình. 47 người dân chết và bị thương.
Kháng chiến bắt đầu!

Kỳ 2: 2-9-1945: Súng nổ trong lễ độc lập

Kỷ niệm 61 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam
2 9 1945 Sung no trong le doc lap
Nhà thờ Đức Bà năm 1945. Súng nổ vang ở khu vực xung quanh nhà thờ Đức Bà ngày ấy - Ảnh tư liệu
Sau bài diễn văn ứng khẩu của chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - bộ trưởng Bộ Y tế - thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tuyên thệ “cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ nước, vượt khó khăn nguy hiểm, xây đắp độc lập hoàn toàn cho Việt Nam”.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mấy nghìn năm của nước ta, một đại diện của Nhà nước trung ương long trọng cam kết với nhân dân.
Tuần hành mừng độc lập
Sau đó, tới lượt đại biểu của nhân dân đọc lời thề: “Chúng tôi, toàn thể nhân dân Việt Nam, cương quyết một lòng ủng hộ chánh phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nếu Pháp đến xâm lược Việt Nam lần nữa, chúng tôi quyết:
- Không đi lính cho Pháp.
- Không làm việc cho Pháp.
- Không bán lương thực cho Pháp.
- Không dẫn đường cho Pháp.
Xin thề!”.
Cả triệu người đưa nắm tay lên nhất loạt hô to: “Xin thề! Xin thề! Xin thề!” như tiếng sấm vang rền.
2 9 1945 Sung no trong le doc lap
Từ trên lầu Hãng ôtô Jean Comte (tòa nhà trắng, bên phải ảnh), người Pháp bắn xuống đoàn diễu hành - Ảnh tư liệu
Buổi lễ mừng độc lập kết thúc bằng cuộc tuần hành trên các đường phố lớn của khu trung tâm Sài Gòn.
Đi đầu là các toán thanh niên tiền phong gọn gàng trong đồng phục quần soọc, áo sơmi ngắn tay, tay cầm tầm vông vạt nhọn, thắt lưng đeo dao găm và cuộn dây thừng, đi nhịp nhàng theo tiếng hô “một... hai... một... hai”. Tiếp theo là đoàn viên Tổng công đoàn Nam bộ. Cùng với thanh niên tiền phong, đây là lực lượng nòng cốt trong khởi nghĩa giành chính quyền trong tuần trước.
Rồi đến bốn sư đoàn dân quân cách mạng, đây là những đơn vị vũ trang được thành lập một cách cấp tốc từ nhiều thành phần khác nhau: công nhân, thanh niên, học sinh lần đầu tiên gia nhập quân đội, cựu binh sĩ thời Pháp, Nhật. Nhà báo Trần Tấn Quốc miêu tả: “Y phục của dân quân toàn là quần đùi áo ngắn, người mang giày, người chơn không; vũ khí thì từ liên thanh nhẹ đến súng hai nòng, từ trường kiếm đến dao găm”.
GS Trần Văn Giàu nhớ lại: “Y phục đủ thứ, vũ khí thô sơ là phần nhiều, nhưng sức mạnh vô song của ta không phải ở vũ khí và y phục, mà chính là sự đoàn kết toàn dân và lòng hi sinh của các chiến sĩ cho Tổ quốc”. Đi sau cùng là các toán quần chúng đại diện các địa phương, tôn giáo, tầng lớp xã hội, ngành nghề...
Ở đầu mỗi toán là bảng ghi tên của toán: “Nông dân Bà Điểm”, “Học sinh trường X”, “Phật tử chùa Y”... Mọi người đi trong hàng ngũ ngay ngắn, vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu theo sự điều khiển của người toán trưởng.
Theo lời thú nhận của những người bị bắt, vụ nổ súng chiều 2-9 không phải là việc làm tự phát của một số người Pháp manh động, mà nằm trong một âm mưu khiêu khích vô cùng thâm độc: cố tình tạo ra xô xát có đổ máu để lấy cớ tố cáo Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ bất lực, không có khả năng đảm bảo trật tự ngay tại trung tâm Sài Gòn, rồi yêu cầu phe đồng minh (cụ thể là Anh) giải tán chính quyền cách mạng, tước vũ khí lực lượng vũ trang nhân dân, buộc Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ phải giao việc giữ gìn an ninh cho Anh để sau đó Anh chuyển lại cho Pháp.
Do lượng người tham gia diễu hành quá đông, ban tổ chức chia ra nhiều lộ trình: một nhánh từ đại lộ Cộng Hòa (nay là đường Lê Duẩn) theo đường Ba Lê Công Xã (nay là đường Đồng Khởi), một nhánh rẽ sang đường Yersin (nay là đường Nguyễn Du), sau đó đổ xuống các đường Thủ Khoa Huân (nay là đường Nguyễn Huệ), Phan Bội Châu (nay là đường Lê Lợi) rồi tỏa ra các đường phố chính của Sài Gòn.
Kháng chiến bắt đầu
Khi những toán cuối cùng sắp rời đường Cộng Hòa thì thình lình có tiếng súng, ban đầu lẻ tẻ, sau nổ vang nhiều nơi. Từ trên lầu Hãng ôtô Jean Comte (địa điểm Diamond Plaza ngày nay) và một số nhà lầu xung quanh nhà thờ Đức Bà, một số người Pháp núp sau các cánh cửa hé mở nhắm bắn những người đang diễu hành hòa bình. Các đội viên cứu thương nhanh chóng băng bó tại chỗ những người bị thương và đưa vào bệnh viện cấp cứu những người bị nặng hơn.
Trong khi quần chúng tiếp tục cuộc diễu hành theo lộ trình đã định, nhiều dân quân, thanh niên tiền phong... xông lên các tầng lầu, nơi vừa phát ra tiếng súng. Từ trên lễ đài, một thành viên ban tổ chức nhắc nhở anh em hãy bình tĩnh, chỉ bắt giữ những kẻ bắn lén, tuyệt đối không được đánh đập hay giết chết. Mệnh lệnh ấy được chấp hành nghiêm chỉnh. Chỉ một số nơi, chúng cố thủ trong nhà, buộc lòng anh em phải nổ súng tấn công để trấn áp.
Sau hơn ba giờ chiến đấu, trật tự đã được lập lại. Tổng kết có 47 người dân chết và bị thương. Phía Pháp có năm người chết và khoảng 30 người bị thương. Khoảng 1.000 người Pháp bị tình nghi có tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào cuộc nổ súng đã bị tạm giữ để điều tra. Theo thông cáo ngày 3-9, Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ “sẽ thả bọn khiêu khích để chứng tỏ cho đồng minh ý muốn hòa bình của chúng ta, trái với cái dã tâm của bọn thực dân Pháp”.
Từ Kandy (Sri Lanka), tướng Anh Gracey thay vì lên án những thủ phạm đã gây ra vụ nổ súng, lại lớn tiếng chỉ trích những nạn nhân. Một ngày sau khi đến Sài Gòn, Gracey cho phép một đơn vị lính Pháp mặc quân phục của Anh, trà trộn trong đội hình của Anh đổ bộ lên Sài Gòn. Sau đó ông ra lệnh thả 1.400 lính Pháp (bị Nhật bắt giam từ cuộc đảo chính 9-3-1945) và trang bị súng ống cho số lính này cùng các người Pháp khác ở Sài Gòn.
Mặt khác, ông ra lệnh đóng cửa tất cả các báo chữ Việt (nhưng vẫn cho phép báo tiếng Pháp tiếp tục xuất bản bình thường), cấm người Việt Nam tụ họp, biểu tình, mang vũ khí (kể cả dao găm, tầm vông vạt nhọn...), ban bố tình trạng quân luật, ra lệnh giới nghiêm từ 21g30 đến 5g30 sáng. GS Trần Văn Giàu nhớ lại: “Thực dân Anh bịt miệng ta, trói tay ta để tạo điều kiện cho thực dân Pháp đánh ta”.
Chúng ta tìm mọi cách để không xảy ra một cuộc xung đột quân sự với Pháp, nhưng sau cuộc hội đàm với Cédile ngày 27-8 và vụ nổ súng ngày 2-9, chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu thấy trước sau gì Pháp cũng gây hấn. Vì vậy, ông đề nghị Xứ ủy thành lập Ủy ban kháng chiến Nam bộ do ông làm chủ tịch.
Ngày 10-9, Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ cải tổ thành Ủy ban nhân dân Nam bộ do tiến sĩ - luật sư Phạm Văn Bạch làm chủ tịch. Ông Trần Văn Giàu chỉ nhận chức phó chủ tịch kiêm ủy trưởng quân sự để dành thời gian chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến mà ông dự báo không thể tránh khỏi. Ông lo việc củng cố lực lượng vũ trang, sản xuất vũ khí, bố trí lực lượng, phân công người chỉ huy.
Trong tương quan lực lượng quá chênh lệch (VN giành độc lập mới được vài tuần, thiếu thốn mọi bề, còn Pháp được Anh giúp đỡ, được Mỹ ủng hộ), ông Trần Văn Giàu chủ trương chiến thuật “trong đánh, ngoài vây”: lập bốn “mặt trận tiền tuyến” ở bốn hướng nhằm bao vây địch trong nội thành càng lâu càng tốt, không cho chúng đánh nống ra ngoại thành, trong khi đó lực lượng của ta từ ngoại thành đột nhập phối hợp với lực lượng bám trụ trong nội thành liên tục tấn công địch theo cách đánh du kích.
Nhờ vậy, khi Cédile ra lệnh cho quân Pháp tấn công trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ trong đêm 22 rạng 23-9, quân và dân Sài Gòn sẵn sàng đánh trả. Ngay trong đêm lịch sử ấy, ông Trần Văn Giàu viết lời kêu gọi Nam bộ kháng chiến: “Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.
TS. PHAN VĂN HOÀNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét