Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 sự kết tinh ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam |
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam |
(ĐCSVN) - Ngày 2 – 9 – 1945, trong cuộc mít tinh mừng cách mạng thành công của gần một triệu đồng bào tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Tiếp nối truyền thống bất khuất của dân tộc và tinh thần giải phóng của các bản tuyên ngôn cách mạng nổi tiếng trên thế giới, bản Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý không ai chối cãi được: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Tiếp đó, Tuyên ngôn Độc lập lên án tội ác của thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Chúng thi hành chính sách thống trị vô cùng tàn bạo: chia cắt đất nước ta, xoá tên nước Việt Nam trên bản đồ thế giới; thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta; thực hiện chính sách ngu dân và dùng thuốc phiện, rượu cồn làm cho nòi giống ta suy nhược; chúng cướp đoạt ruộng đất, tài nguyên, bóc lột dân ta đến xương tuỷ. Khi phát xít Nhật xâm lăng Đông Dương, dân ta lại chịu thêm một tầng xiềng xích nữa. Hậu quả là cuối năm 1944 đầu năm 1945, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, nhân dân Việt Nam đã đứng về phe Đồng minh chống Nhật. Cách mạng Tháng Tám thành công, Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị, nhân dân ta đã đập tan ách thống trị thực dân phong kiến, giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tuyên ngôn Độc lậpkhẳng định dứt khoát: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.
Bản Tuyên ngôn kết thúc bằng một quyết tâm sắt đá của hai mươi triệu người Việt Nam: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Dân tộc Việt Nam kể từ bước sơ khởi dựng nên “nghiệp Hùng”, lập nước Văn Lang, đã vừa dựng nước, vừa giữ nước, tôi luyện ý chí độc lập, tự chủ.
Trải qua hơn mười thế kỷ đấu tranh chống Bắc thuộc “dựng lại nghiệp Hùng” để có một thời đại phục hưng Đại Việt với những bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ “Nam quốc sơn hà”, “Đại cáo bình Ngô”, ý chí độc lập tự chủ ngày càng được bồi bổ và phát huy với những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thắng lợi vẻ vang.
Mười thế kỷ sau cuộc giải phóng khỏi ách Bắc thuộc, Cách mạng Tháng Tám thành công với bản Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh ý chí độc lập tự chủ của dân tộc ta từ mấy ngàn năm.
Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra một trang sử mới của lịch sử dân tộc. Ý chí độc lập tự chủ trong thời kỳ mới được bồi bổ và phát huy trong công cuộc chiến đấu hy sinh và lao động hết mình vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Khi thực dân Pháp bội ước phát động chiến tranh xâm lược trên cả nước ta, thì dân tộc ta đã đứng lên theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó cũng là tiếng gọi của non sông, của ông cha thủa trước: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hình tượng những chiến sĩ tự vệ Thủ đô Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh là bức tượng đài bất hủ về một cuộc chiến tranh mà mỗi người dân Việt Nam đều sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc. Sau chín năm“vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, chúng ta đã giành thắng lợi vẻ vang. “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hoà bình dân chủ và xã hội chủ nghĩa”[1] .
Đặc biệt là cuộc đụng đầu lịch sử giữa dân tộc ta với đế quốc xâm lược Mỹ. Với sức mạnh “không thể tưởng tượng nổi” của bộ máy chiến tranh, chính quyền Mỹ khẳng định “không có lý do gì khiến chúng ta không thắng”, thậm chí còn doạ “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” và quyết định lao vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Dân tộc Việt Nam với ý chí bất khuất, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”,chấp nhận cuộc đụng đầu lịch sử, vừa kháng chiến giải phóng miền Nam, vừa lao động và chiến đấu xây dựng, bảo vệ miền Bắc. Đó là sự lựa chọn đầy dũng cảm và sáng suốt.
Thắng, bại của một cuộc chiến tranh do nhiều nguyên nhân từ hai phía. Nhưng xét về nguồn gốc sâu xa, nguyên nhân căn bản thì chính quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ bảo vệ nền độc lập, bảo vệ quyền cơ bản cho con người của dân tộc Việt Nam đã thắng sức mạnh xâm lược của Mỹ.
Chính Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thời kỳ chiến tranh xâm lược Việt Nam Mắc Namara, hai mươi năm sau chiến tranh, cũng đã thừa nhận: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp”. Ông ta nêu lên 11 nguyên nhân chính khiến nước Mỹ thảm bại, trong đó có nguyên nhân về phía giới lãnh đạo nước Mỹ: “Đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó, thiếu sự hiểu biết cơ bản của chúng ta về lịch sừ văn hoá, chính trị của Việt Nam”[2] .
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, ý chí độc lập tự chủ trong Tuyên ngôn Độc lập càng có ý nghĩa to lớn chỉ đạo về tư tưởng và hoạt động thực tiễn. Đó là nguồn sức mạnh tiềm tàng to lớn, là động lực mạnh mẽ để chúng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
[2] . Roberts Mc. Namara, Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia,h. 1995, tr. 316.
|
Các từ khóa theo tin:
|
PGS, TS Vũ Như Khôi |
Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012
Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 sự kết tinh ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét