Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Nắm bắt thời cơ ngàn năm


 Nắm bắt thời cơ ngàn năm
Báo Quân đội nhân dân
Học giả hàng đầu về lịch sử Việt Nam hiện đại William Duiker đã dành gần ba chục năm khảo sát các tài liệu lưu trữ bằng 5 thứ tiếng, và phỏng vấn nhiều nhân chứng ở Việt Nam và hải ngoại để viết nên cuốn sách Hồ Chí Minh - một đời người (Ho Chi Minh: a life), dày 700 trang. Sách được tác giả “đề tặng nhân dân Việt Nam”, được giới Việt Nam học và người đọc khen ngợi, đánh giá cao.
Sự kiện và Nhân chứng xin giới thiệu phần cuối chương Chín của sách trên. William Duiker đã khá thành công khi thể hiện Hồ Chí Minh như biểu tượng của sự kết hợp hiếm thấy giữa bản lĩnh chính trị cao cường với tư chất chân thành, giữa sách lược mềm dẻo với tính cách quyết đoán, giữa tầm nhìn xa với óc thực tiễn.
...Một nhiệm vụ chính yếu của các lãnh đạo Việt Minh ở Tân Trào là phải thực hiện chỉ thị mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đó là, triệu tập càng sớm càng tốt một Hội nghị Trung ương của Đảng và một Đại hội đại biểu toàn quốc của Việt Minh. Trước việc lực lượng Đồng minh đang tiến đến các hòn đảo thuộc quần đảo Nhật Bản, Hồ Chí Minh thúc giục các cộng sự của mình xúc tiến hai sự kiện này thật khẩn trương. Tuy nhiên, nỗ lực để khai hội ngay vào tháng 7 đã không thành, vì các đại biểu không thể đến kịp, do đó, phải hoãn hội nghị đến giữa tháng 8.
Đầu tháng 8-1945, Hồ Chí Minh càng hối thúc quyết liệt hơn. Sau khi nghe đài báo một quả bom nguyên tử vừa được ném xuống Hi-rô-si-ma ngày 6-8-1945, ông lập tức chỉ thị cho tất cả các tổ chức Việt Minh trên khắp đất nước cử gấp đại biểu đến Tân Trào. Theo hồi ức của Nguyễn Lương Bằng và Hồ Chí Minh - Biên niên Tiểu sử, bốn ngày sau, Hồ Chí Minh mới gặp được Trường Chinh và các ủy viên Trung ương khác vừa từ Hà Nội lên đến chiến khu. Một số cán bộ nghĩ rằng Đảng không nhất thiết phải triệu tập một đại hội đại biểu mà cứ tiến lên giành chính quyền theo sáng kiến của Đảng, nhưng cuối cùng, đa số đã đồng thuận với quan điểm của Hồ Chí Minh. Nhận thấy có khó khăn trong việc thống nhất ngày giờ, Hồ Chí Minh phát biểu dứt khoát: “Chúng ta phải tổ chức đại hội ngay, không trì hoãn. Chúng ta phải đấu tranh để thực hiện ngay việc này. Tình hình đang biến chuyển vô cùng nhanh chóng. Chúng ta không thể để mất thời cơ”. Cuối cùng, đã quyết định được ngày khai mạc Quốc dân Đại hội là 16-8. Hội nghị Trung ương 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ diễn ra trước đó ba ngày.
Hồ Chủ tịch với đồng bào tại chiến khu Việt Bắc.
Trong suốt mấy ngày sau đó, mặc dù vẫn chưa hồi sức sau trận ốm, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thế giới, qua chiếc đài bán dẫn. Các sự kiện xảy ra liên tiếp, như Tổ chức Liên hợp quốc được thành lập tại San Phran-xít-xcô (San Fraccisco), Liên Xô tham chiến chống Nhật Bản, và quả bom nguyên tử thứ hai được ném xuống thành phố Na-ga-sa-ki, cho thấy cuộc thế chiến đã tiến đến hồi kết. Sau một thời gian suy tính, Hồ Chí Minh đồng ý đi gặp đại diện của Phong trào kháng chiến chống phát xít của Pháp “Nước Pháp tự do” tại Côn Minh. Vào đầu tháng 8, Hồ Chí Minh đã ra sân bay dã chiến để đi Côn Minh, nhưng chiếc máy bay từ Trung Hoa tới đón ông đã không thể hạ cánh, vì thời tiết quá xấu. Nhưng, vừa nhận được tin tức về vụ ném bom xuống thành phố Hi-rô-si-ma, Hồ Chí Minh đã lập tức hoãn kế hoạch này, quyết định ở lại Tân Trào. Ngày 12-8, lãnh đạo Đảng quyết định xúc tiến khởi nghĩa trên cả nước, và mặc dù một số đại biểu chưa tới kịp, vẫn khai mạc hội nghị Trung ương 9 của Đảng vào ngày hôm sau.
Hội nghị Trung ương Đảng được tiến hành trong một căn nhà nhỏ ở làng Tân Trào. Đến dự hội nghị có khoảng 30 đại biểu gồm Tổng bí thư Trường Chinh, các ông: Nguyễn Lương Bằng (đại diện cho miền Bắc Việt Nam), Nguyễn Chí Thanh (đại diện cho miền Trung Việt Nam), Hà Huy Giáp (đại diện cho miền Nam Việt Nam), Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Hoan (đại diện cho Chiến khu Việt Bắc), một số đại biểu khác đến từ Thái Lan và Lào, và lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Theo hồi ký của các nhà cách mạng, Hồ Chí Minh đã không thể dự phiên khai mạc vì còn ốm, nhưng đã gắng tới trình bày bản báo cáo chính tại Hội nghị Trung ương 9. Mở đầu với việc điểm lại tình hình quốc tế, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng quân đội Nhật Bản sắp phải đầu hàng trên toàn chiến trường châu Á, và dự đoán rằng, quân Đồng minh sẽ sớm đổ bộ vào Đông Dương. Hồ Chí Minh thừa nhận rằng, sự có mặt của quân chiếm đóng nước ngoài, dù là quân Anh, Pháp hay Quốc dân Đảng Trung Hoa, sẽ diễn biến phức tạp, nhưng Đảng, không còn lựa chọn nào khác, là phải giao thiệp với họ. Với cách đánh giá tình hình như thế, để ứng phó được với lực lượng Đồng minh, Việt Minh cần ở vào thế chủ động, do vậy, phải giành độc lập ngay từ tay Nhật Bản đang đầu hàng. Khi có tin Tô-ki-ô tuyên bố đầu hàng, ngay sau đó, Hồ Chí Minh càng khẩn thiết yêu cầu toàn Đảng phát động khởi nghĩa, giành chính quyền trên cả nước.
Tranh luận xung quanh đề xuất của Hồ Chí Minh đã diễn ra sôi nổi. Một số cán bộ lãnh đạo Đảng... đã do dự với chủ trương tiến hành một cuộc khởi nghĩa sớm, cho rằng lực lượng vũ trang cách mạng còn yếu. Họ lập luận rằng, dù Việt Nam Giải phóng quân đã lớn mạnh về quy mô từ 500 người vào tháng 3-1945 lên đến 5.000 người vào giữa tháng 8-1945, chưa nói đến lực lượng chiếm đóng của Đồng minh. Nếu cách đánh giá tình hình như vậy là đúng, Đảng cần thông qua con đường thương lượng với các cường quốc Đồng minh, hoặc với Pháp, để đòi độc lập. Nhưng Hồ Chí Minh vẫn quả quyết rằng, nếu muốn nghênh tiếp Đồng minh trên thế mạnh, không còn con đường nào khác, ngoài giành chính quyền về tay, bằng sức của chính mình. Chính quyền đang ở trong tầm tay, Hồ Chí Minh khẳng định, vì Việt Minh được đông đảo quần chúng trên cả nước ủng hộ. Nếu tình hình không cho phép tăng cường ngay quyền lực cho cách mạng Việt Nam, thì vấn đề sống còn là phải giải phóng cho được các vùng lãnh thổ, trước khi quân đội nước ngoài kéo vào. Và phải chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh lâu dài, đồng thời, cần biết tận dụng mâu thuẫn giữa các nước Đồng minh để tạo lợi thế cho Việt Minh.
Cuối cùng, lộ trình được Hồ Chí Minh đề ra đã đạt được đồng thuận. Hội nghị quyết định phát động Tổng Khởi nghĩa trên khắp cả nước, và bầu ra Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, do Trường Chinh chỉ đạo, để chỉ huy lực lượng quân sự của Đảng. Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đã lập tức ban bố bản Quân lệnh số 1:
Hỡi quân dân toàn quốc!
12 giờ trưa ngày 13-8-1945, phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật đã bị tan rã tại khắp các mặt trận. Kẻ thù chúng ta đã ngã gục.
Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh!
Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!
...
Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn!
Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!
Ngày 16-8-1945, khi tin Nhật đầu hàng đã lan truyền khắp Đông Dương, Tổng Bộ Việt Minh triệu tập hội nghị đại biểu toàn quốc được gọi là Quốc dân Đại hội, tại Tân Trào. Đã có 60 đại biểu từ các vùng miền trong cả nước và đại biểu Việt kiều hải ngoại đến dự, trong đó có những người phải đi bộ hàng tuần lễ. Nhiều người mang gạo và thịt đến biếu Hội nghị. Một đại biểu của dân tộc Tày mang về cả một con trâu. Quốc dân Đại hội được khai mạc trong một ngôi đình ba gian có kiến trúc độc đáo làm bằng gỗ và tranh tre, bên bờ suối. Hội nghị diễn ra tại một gian bên của ngôi đình, với ảnh Lê-nin, Mao Trạch Đông... được treo trên vách. Phòng giữa là nơi đặt bàn thờ, và có treo các vũ khí đoạt được của quân Nhật. Gian đầu kia của ngôi đình là một thư viện sách văn học cách mạng, còn dùng làm phòng ăn của các đại biểu. Sau báo cáo khai mạc của Trường Chinh, Hồ Chí Minh lên phát biểu. Thật ngạc nhiên là mãi đến lúc đó, chẳng mấy ai trong số đại biểu là biết rõ nhân thân của vị lãnh tụ này, vì ban tổ chức Quốc dân Đại hội chỉ giới thiệu ông là Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng lão thành. Nhưng một vài đại biểu nhạy bén hơn bắt đầu thì thầm với nhau, rằng “ông ké Tân Trào”, cái tên thân mật được dùng để gọi Hồ Chí Minh bên thềm Hội nghị này, chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đấy.
Hồ Chí Minh nhắc lại nhiều nội dung của bức điện được ông gửi cho Hội nghị Trung ương 9 mấy ngày trước đó, bao quát tình hình Đông Dương và bối cảnh quốc tế. Ông khẳng định lại điều quan trọng là phải nhanh chóng giành lấy chính quyền, để có thể đón tiếp quân chiếm đóng Đồng minh trên thế mạnh. Sẽ phải đương đầu với quân Nhật, nhưng nên thuyết phục họ, nếu có thể. Nhưng, Hồ Chí Minh cảnh tỉnh các đại biểu, Pháp sẽ có thể tiến hành một cuộc xâm lược tổng lực vào Việt Nam với sự giúp đỡ của các cường quốc Đồng minh. Ông nói thêm rằng, nếu tình huống này xảy ra, sẽ phải kiên trì thương thảo với người Pháp nhằm đạt một giải pháp hòa hoãn, mở đường cho Việt Nam giành độc lập hoàn toàn trong khoảng dăm năm.
Sau khi Hồ Chí Minh phát biểu xong, các đại biểu đã thông qua danh mục Mười chính sách lớn do Ban lãnh đạo Việt Minh soạn thảo, kêu gọi thành lập một nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa độc lập, trên cơ sở của các quyền tự do dân chủ, và các chính sách ôn hòa, được đề ra nhằm đạt được công bằng về kinh tế và xã hội. Hội nghị đã bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng gồm 5 người, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa. Ủy ban Dân tộc Giải phóng đóng vai trò như Chính phủ lâm thời. Sau khi bỏ phiếu để chọn lá quốc kỳ với ngôi sao vàng trên nền đỏ và bản quốc ca mới, phiên họp bế mạc. Sáng hôm sau, Hồ Chí Minh chủ trì đại biểu trong một buổi lễ trọng thể tiến hành trên bờ con suối bên ngôi đình làng. Cũng vào ngày hôm đó, “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa” đã được phát đi. Bức thư có đoạn viết:
Hỡi đồng bào yêu quý!
Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.
Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ.         
Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!.
Bản hiệu triệu lịch sử này được Hồ Chí Minh ký tên...
Lê Đỗ Huy (trích dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét