Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước và sự hoàn thiện chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam
Sau nhiều năm đi tìm đường cứu nước, cứu dân ở khắp năm châu, bốn biển, Nguyễn Ái Quốc luôn có một khát vọng cháy bỏng là sớm được trở về nước hòa nhập vào phong trào quần chúng nhân dân để thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ và cùng họ đấu tranh giành tự do, độc lập.
|
Những năm cuối của thập niên 30 của thế kỷ XX, tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động mạnh đến phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Trong nước, phát-xít Nhật cấu kết với thực dân Pháp tăng cường bóc lột và đàn áp nhân dân. Các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương... bị thẳng tay đàn áp; nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng và hàng nghìn quần chúng ưu tú bị bắt và giết hại. Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc đã tìm mọi cách đề nghị với Quốc tế Cộng sản bố trí công tác mới, phù hợp để có thể tham gia trực tiếp phong trào cách mạng ở nước nhà. Được sự nhất trí của Quốc tế Cộng sản, ngày 29-9-1938, Nguyễn Ái Quốc rời Mát-xcơ-va với nhiệm vụ “đến Trung Quốc để công tác trong Đảng Cộng sản Đông Dương”1. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng cho Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, hành trình về nước của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gặp muôn vàn khó khăn. Để thực hiện tốt cho sự “đột nội” của mình, về đến Trùng Khánh (Trung Quốc) Người bắt liên lạc với Chi bộ Vân Quý và Ban Chấp hành Đảng ở nước ngoài tại Côn Minh do đồng chí Phùng Chí Kiên lãnh đạo để nắm tình hình. Sau khi nghe đồng chí Phùng Chí Kiên báo cáo những nét lớn về phong trào cách mạng trong nước và tình hình Việt kiều tại Vân Nam, Người truyền đạt tinh thần các Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản, đặc biệt nhấn mạnh các chủ trương, chính sách của Đảng thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương; đồng thời, yêu cầu Đảng quan tâm hơn nữa tới công tác giáo dục tư tưởng trong Đảng, tăng cường đoàn kết “đấu tranh không khoan nhượng chống tư tưởng bè phái”2và chỉ thị một số việc cần làm ngay để về nước. Công việc đầu tiên là chọn phương tiện và tuyến đường về nước phải bảo đảm bí mật, an toàn; địa bàn đứng chân phải thuận lợi cho việc chỉ đạo, lãnh đạo, mở rộng căn cứ, phát triển cách mạng… Sau khi khảo sát, nghiên cứu và đánh giá tình hình, Nguyễn Ái Quốc quyết định chọn Cao Bằng, vì đây là địa bàn quy tụ được nhiều yếu tố cần thiết về địa-nhân cho sự “đột nội” của Người.
Trước hết là yếu tố Địa. Cao Bằng khác với các địa bàn: Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai và Lạng Sơn ở một điểm hết sức căn bản đối với những nhà cách mạng bị “đặt ra ngoài vòng pháp luật” là thông với Trung Quốc không phải bằng những con đường cái quan, mà chỉ bằng những đường mòn, những sông nhỏ mà cư dân địa phương hai bên biên giới hay đi lại. Trên phương diện giao thông, liên lạc, đây là một điểm rất thuận lợi - “thuận thiên” và là chỗ mạnh của những người yêu nước, nhưng lại là điểm “nghịch thiên”, chỗ yếu của bọn thống trị ở mọi cấp độ. Nếu theo đường bộ, từ các huyện biên giới như Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, có nhiều cửa khẩu và hàng trăm lối mòn thông sang Trung Quốc. Đó là điểm hết sức thuận lợi cho ta tiếp nhận những gì cần thiết từ vùng đất nằm ngoài sự kiểm soát, khống chế của địch và cũng là lốithoát ra ngoài khi trong nước gặp biến cố. Còn tiến, từ Cao Bằng về Bắc Cạn-Thái Nguyên-Hà Nội bằng Đường số 3, Lạng Sơn bằng Đường số 4 xuyên Việt và quốc tế. Tóm lại, Cao Bằng là địa bàn có điều kiện phát triển cách mạng hết sức rộng mở. Và, sẽ là không đầy đủ nếu đề cập tới yếu tố địa lý lại quên đi sự hiểm trở của nó. Vì, yếu tố này đã tạo ra một không gian rộng lớn thiếu sự kiểm soát của bộ máy thống trị, thuận cho việc xây dựng căn cứ địa của những người Cộng sản.
Thứ hai là yếu tố Nhân. Tại Cao Bằng đã có những người yêu nước như Hoàng Văn Nọn, Hoàng Đình Giong đồng thuận và tin tưởng vào con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Hoàng Đình Giong-người đặt nền móng xây dựng chi bộ đảng (Nặm Lìn, Hòa An tháng 4-1930) đầu tiên ở Cao Bằng cũng là đầu tiên ở Việt Bắc. Dưới ảnh hưởng của chi bộ này, Cao Bằng lần lượt xuất hiện các chi bộ khác ở Phúc Tăng, Xuân Phách (Hòa An), Tĩnh Túc (Nguyên Bình), Sóc Hà (Hà Quảng). Đặc biệt, chi bộ ở làng Cốc Coóc (Quảng Hòa) giữ đường dây liên lạc từ Cao Bằng sang Long Châu (Trung Quốc), nơi có chi bộ hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương. Mặt khác, Cao Bằng có phong trào Cộng sản sớm nhất và vững chắc nhất so với các tỉnh giáp với Trung Quốc. Đó là điểm mạnh, tạo cơ sở để Nguyễn Ái Quốc quyết định chọn Cao Bằng làm hướng “đột nội”. Nhưng trên tất cả là cuộc gặp gỡ của Người với Hoàng Văn Thụ, đại diện của Ban Thường vụ Trung ương tại làng Tân Khư, Tĩnh Tây, Trung Quốc. Đồng chí Hoàng Văn Thụ báo cáo với Người về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 8 và đề nghị Người về nước theo hướng Cao Bằng. Vì, ở đây, nhân dân có trình độ giác ngộ cách mạng tương đối cao và đội ngũ cán bộ cách mạng khá vững và kiên định. Lời đề nghị trùng với nhận định của Người, và hang Cốc Bó thuộc bản Pắc Bó, huyện Hà Quảng, được chọn làm căn cứ. Ngày 28-1-1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt biên giới ở Mốc 108 về nước. Như vậy, Cao Bằng với “Ba mặt “Tam giang” trôi cuồn cuộn/Bốn bề “tứ trụ” đứng chon von”đã trở thành chỗ đứng chân đầu tiên của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi trở về nước sau 30 năm hoạt động nơi góc bể chân trời.
Sự hoàn thiện chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam. Nhìn lại quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, trong giai đoạn từ khi ra đời cho đến cuối năm 1940 nói riêng, có thể khẳng định: Đảng ta đã có một tầm nhìn chiến lược, đánh giá sâu sắc và nhận định đúng tình hình trong nước và thế giới, chủ động chuyển hướng chỉ đạo chiến lược phù hợp từng giai đoạn cách mạng. Điều đó được thể hiện: trong Hội nghị Trung ương 6 tháng 11-1939, chuyển từ cách mạng tư sản dân quyền sang cách mạng giải phóng dân tộc, không theo chủ trương của Quốc tế Cộng sản; tiếp đó, Hội nghị Trung ương 7 tháng 11-1940, sự chuyển hướng lại càng rõ nét khi Đảng ta khẳng định thêm nhiệm vụ trước mắt là chuẩn bị lãnh đạo cuộc “võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập”3. Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo, khẩn trương, tháng 5-1941, dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đại diện của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị Trung ương 8 họp tại Khuổi Nậm, Pắc Bó, Cao Bằng. Tham gia hội nghị có Quyền Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt cùng một số đại biểu của Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và đại biểu tổ chức đảng hoạt động ở nước ngoài. Hội nghị đã thống nhất đẩy mạnh hơn nữa sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng trong nước. Trong Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, Hội nghị này được đánh giá là Hội nghị hoàn thiện chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam, được thể hiện trên một số vấn đề sau:
1. Sự thay đổi về kinh tế, chính trị, lực lượng giai cấp, nhất là mâu thuẫn gay gắt giữa dân tộc và phát-xít Nhật-Pháp ở Đông Dương, buộc Đảng ta phải chuyển hướng chỉ đạo cách mạng cho hợp với nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Đông Dương. Bởi lẽ, nhiệm vụ đánh Pháp, đuổi Nhật “không phải riêng của giai cấp vô sản và dân cày mà là nhiệm vụ chung của toàn thể nhân dân Đông Dương”4 Do vậy, cách mạng Đông Dương lúc này cần tập trung giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”. Hội nghị đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, vấn đề dân tộc được đặt lên trên và trước hết.
2. Để phát huy tối đa sức mạnh của các dân tộc thực hiện nhiệm vụ trên, Hội nghị nhận thấy, Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương không còn phù hợp, mà phải thành lập mặt trận của mỗi nước, để bảo đảm tính dân tộc, phát huy được truyền thống, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân. Do vậy, đối với nước ta, “... mặt trận hiệu triệu của Đảng ta hiện nay là Việt Nam Độc lập Đồng minh, hay nói tắt là Việt Minh”5 Đồng thời, Đảng ta và Việt Minh phải hết sức giúp đỡ các dân tộc Miên, Lào tổ chức ra “Cao Miên độc lập đồng minh, Ai Lao độc lập đồng minh”. Hội nghị còn chủ trương thực hiện chính sách “dân tộc tự quyết” cho mỗi quốc gia dân tộc Đông Dương. Với Việt Nam, “sau lúc đánh đuổi được Pháp-Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ”6. Đây là bước tiến trong việc giải quyết vấn đề dân tộc giữa các quốc gia dân tộc trong Liên bang Đông Dương thuộc Pháp.
3. Chủ động chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa vũ trang, coi đây là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và của nhân dân ta trong giai đoạn hiện tại. Để khởi nghĩa vũ trang thắng lợi, cần phải ra sức phát triển lực lượng cách mạng, với các hình thức tổ chức thích hợp. Hội nghị nhận định: “Dân ta ngày nay tuy đã khổ sở nhiều, nhưng cũng chưa phải hết đường sống, cho nên chưa quyết liệt bước vào con đường khởi nghĩa. Nhưng rồi đây tình thế chết đã đến chân, bắt buộc họ phải đứng dậy, liều chết vật lộn với quân giặc cướp nước”7.Vậy, phải tổ chức họ để khi thời cơ đến “lúc đó với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn” 8
4. Thực hiện chuyển công tác đảng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa là những nơi chính quyền thực dân yếu kém để biến những nơi đó thành cơ sở của ta, thành căn cứ địa cách mạng. Đồng thời, phát triển phong trào cách mạng hiện nay “Đảng cần phải chú ý phát triển cho đều theo sự quan hệ cần thiết của nó, đặc biệt cần yếu là những nơi đô thị tập trung, đồn điền, hầm mỏ đến các hương thôn, sau nữa là các dân tộc thiểu số… Những nơi xưa nay chưa có, ta phải đưa vận động chắp nối các mối manh làm cho phong trào khỏi cô độc”9. Đó chính là sự chuyển hướng của công tác đảng trong tình hình mới, là sự quan tâm xây dựng cơ sở, phong trào cách mạng ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa và đặc biệt lưu tâm tới gây dựng phong trào cách mạng ở những nơi trước đây chưa có. Từ đó đã mở đường cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng, như: Cao Bằng, Bắc Sơn-Vũ Nhai, và đó cũng chính là cái nôi dẫn tới việc thành lập Khu Giải phóng rộng lớn Cao-Bắc-Lạng, Hà-Tuyên-Thái, một hình ảnh tương lai thu nhỏ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.
Như vậy, Hội nghị Trung ương 8 tháng 5-1941, chính là cuộc gặp gỡ kỳ thú giữa tư tưởng Nguyễn Ái Quốc và tư tưởng giải phóng dân tộc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được khởi động từ tháng 11-1939. Đó chính là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa vấn đề dân tộc và giai cấp trong cuộc cách mạng. Và, đó cũng chính là sự chuẩn bị về đường lối của Đảng ta - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, mà trước hết và trực tiếp nhất là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bài học đó không hề cũ theo thời gian, trái lại vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, vì thế, rất cần được Đảng ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào việc hoàn thiện Cương lĩnh, đường lối đất nước trong thời kỳ mới.
PGS, TS. PHẠM XANH
___________
1-Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 55.
2- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 139.
3-Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 118.
4, 5, 6, 7, 8, 9 - Sđd, Tập 7. tr. 113-135.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét