Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Kỷ niệm 70 năm Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng (28-1-1941/28-1-2011)

Kỷ niệm 70 năm Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng (28-1-1941/28-1-2011)
Báo Quân đội nhân dân


Bài 1: Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!



Thấm thoắt, 70 năm đã trôi đi với biết bao biến cố, đổi thay vĩ đại trên quê hương Việt Nam. 70 năm trước, vào một ngày xuân năm 1941 (ngày 28-1), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng một số cán bộ thân cận từ nước ngoài trở về đến Pác Bó, một bản biên giới thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Sau ngót 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, Người trở về đúng thời điểm lịch sử, vạch ra phương châm chuyển hướng chỉ đạo chiến lược lãnh đạo cách mạng đi đến Cách mạng Tháng Tám thành công…
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân vừa có cuộc hành quân về nguồn Pác Bó, thấy như đâu đây, đất rừng Pác Bó quê hương vẫn còn ấm dấu chân Người.
Bài 1: Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!
QĐND - Chúng tôi quyết định thực hiện chuyến hành quân về nguồn Pác Bó khi tâm trạng còn lâng lâng hạnh phúc với niềm vui vừa có gần chục ngày tham gia tuyên truyền về diễn biến và thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Niềm vui ấy, khiến chúng tôi quên khuấy nỗi lo đặt ra khi khởi bước lên đường là cả tổ phóng viên, chưa có ai biết đường lên Pác Bó. Xe đến thị xã Cao Bằng, đứng trước bốn năm ngã rẽ, chúng tôi mới bối rối thực sự. Đành gọi điện, hỏi thăm các đồng nghiệp ở Báo Cao Bằng. Đúng là “khôn ngoan chẳng lọ thật thà”, vì Ban biên tập Báo Cao Bằng vui vẻ cử hẳn nữ phóng viên Hoàng Hồng Xiêm, một người con Pác Bó, rất am hiểu lịch sử quê hương, làm người dẫn đường kiêm “hướng dẫn viên” đưa chúng tôi về với mảnh đất cội nguồn cách mạng.
Ban đầu, Hồng Xiêm tỏ ra bẽn lẽn trước các “nhà báo lính” mà cô chưa quen. Thấy cô họ Hoàng, chúng tôi hỏi câu chuyện làm quà: “Nghe nói ở Pác Bó có hai dòng họ là họ Hoàng và họ Dương. Trong thời gian Bác Hồ về đây, họ Dương nổi tiếng với những chiến công bảo vệ Bác khỏi những đợt đi càn của lính Tây, lính dõng; còn họ Hoàng thì đùm bọc, chở che, đưa cơm nuôi dưỡng cán bộ các lớp học do Bác Hồ mở trong hang?”. Nghe câu hỏi ấy, Hồng Xiêm hào hứng hẳn lên, hỏi lại: “Các anh đã tìm hiểu về Pác Bó, có nghe tên nữ lão thành cách mạng Hoàng Thị Hoa bao giờ chưa?”. “Cụ Hoàng Thị Hoa, cô chị cả của ba chị em Hoa, Khìn, Bách hằng ngày vẫn đưa cơm cho Bác Hồ?”. “Đúng, chính xác, em chính là cháu nội bà Hoàng Thị Hoa”.
Tranh sơn dầu "Bác Hồ về nước" của hoạ sĩ Trịnh Phòng (ảnh chụp lại).
Trời đất! Chúng tôi nghe nữ nhà báo Hồng Xiêm trả lời mà như một tiếng reo mừng thắng lợi. Ba chị em nhà cụ Hoàng Thị Hoa chính là những lão thành cách mạng từng nuôi dưỡng, bảo vệ Già Thu (tên Bác Hồ khi về Pác Bó) còn sống. Và trong thâm tâm, chúng tôi hy vọng chuyến đi về nguồn lần này sẽ được gặp ba chị em, ba cụ bà lão thành cách mạng đã tham gia nuôi dưỡng Lãnh tụ Hồ Chí Minh trong buổi đầu cách mạng còn trứng nước ấy. Không ngờ, người dẫn đường cho chúng tôi lại chính là cháu gái của cụ Hoa. Cô cháu gái là niềm tự hào của cả họ vì đã tốt nghiệp hai trường đại học, nay đang là một trong những phóng viên xông xáo của BáoCao Bằng. Càng đặc biệt hơn, Hồng Xiêm rất thích thú với công việc sưu tầm tư liệu lịch sử về vùng quê cách mạng Cao Bằng.
“Các anh có biết vì sao Bác Hồ chọn đất Cao Bằng để về nước xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên?”, nữ đồng nghiệp Hồng Xiêm “kiểm tra” chúng tôi. Cái này thì chúng tôi cũng đã được đọc hồi ký của một số lão thành cách mạng. Đại thể, từ cuối năm 1940, trong nước bắt đầu những ngày cách mạng sục sôi, tình thế cách mạng phát triển thuận lợi, khởi nghĩa giành chính quyền đã trở thành khả năng thực tế. Trong năm bùng nổ ba cuộc khởi nghĩa: Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương. Hai cuộc do đảng bộ địa phương lãnh đạo, một cuộc do binh sĩ yêu nước tự nổi dậy, thể hiện ý chí quật khởi của dân tộc, tinh thần tiến công cách mạng quả cảm của những người cộng sản. Các cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng Đảng ta đã rút ra được nhiều bài học quý về tổ chức và chỉ đạo đấu tranh vũ trang. Thời gian này cũng là lúc Thế chiến II đã bùng nổ, thực dân Pháp tham chiến nhưng chính phủ ở chính quốc phút chốc đầu hàng làm tay sai cho phát xít Đức; ở Đông Dương, chúng mở cửa rước quân Nhật vào. Nhân dân ta một cổ giữa hai tròng dưới gót giày đàn áp của đế quốc. Tình hình cấp bách đó, Bác Hồ đi đến quyết định sẽ về hẳn trong nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Bác đã chọn, quyết định về Cao Bằng và điểm dừng chân sẽ là Pác Bó…
“Không! Nếu thế thì đơn giản quá. Để Bác đi đến quyết định chọn Cao Bằng là nơi trở về lãnh đạo cách mạng, tổ chức Đảng và nhân dân Cao Bằng đã có cả một quá trình vận động, tạo nên các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành địa điểm được Bác chọn đấy các anh ạ” - Hồng Xiêm giải thích và không hề giấu giếm vẻ tự hào. Sự thực là từ cuối tháng 2-1940, được tin Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về đến Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc), Trung ương Đảng cử một số cán bộ như: Phạm Văn Đồng (bí danh là Lâm Bá Kiệt), Võ Nguyên Giáp (bí danh là Dương Hoài Nam), Đặng Văn Cáp (bí danh là Đặng Văn Linh), Hoàng Văn Lộc và một số đồng chí khác sang Trung Quốc để tìm gặp, báo cáo tình hình trong nước và xin chỉ thị của Người. Sau gần 3 tháng, đến tháng 5-1940, đồng chí Phùng Chí Kiên dẫn đồng chí Đặng Văn Cáp đến Côn Minh gặp Bác. Sau khi trao đổi, Bác đồng ý phương án về nước bằng đường Côn Minh-Lào Cai, qua huyện Khai Viễn. Bác phái 2 cán bộ về Hồ Kiều (một thị trấn của tỉnh Vân Nam sát địa phận tỉnh Lào Cai nước ta) để thăm dò đường xá.
 Nhưng cuối tháng 6-1940, xảy ra sự kiện quân Nhật ném bom khiến đường giao thông Côn Minh-Lào Cai bị tắc nghẽn. Bác Hồ đóng vai thầy cúng đi kiểm tra tình hình thì thấy phong trào cách mạng của quần chúng ở khu vực giáp biên này chưa cao, nên đề nghị các đồng chí trong đoàn tìm hướng khác. Đầu tháng 1-1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng từ Việt Nam sang Tĩnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc) gặp Bác để báo cáo kết quả thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về xây dựng và củng cố an toàn khu Cao Bằng. Sau khi báo cáo kết quả việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương lần thứ 8, đồng chí Hoàng Văn Thụ đề nghị Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua lối Cao Bằng, vì trình độ giác ngộ cách mạng của nhân dân dọc biên giới tương đối cao và đội ngũ cán bộ ở đây khá vững vàng.
Năm 1961, khi trở lại thăm Cao Bằng, Bác Hồ đã viết những lời đầy xúc động: “Tôi luôn luôn nhớ đến những ngày tôi công tác ở tỉnh ta, cùng mấy đồng chí trong tỉnh trèo đèo lội suối, ở núi, nằm hang. Khi thì cùng 5, 7 anh chị em bí mật tuyên truyền, huấn luyện tổ chức; khi thì cùng các anh em du kích đánh Nhật, chống Pháp, trừ Việt gian; anh em no đói có nhau, đồng lòng một chí. Do đó mà đào tạo những cán bộ quân sự và chính trị. Tôi không bao giờ quên những ngày gian nan cực khổ đó”. Thăm lại hang Pác Bó, Bác viết bài thơ: “Hai mươi năm trước ở hang này/Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây/Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu/Non sông gấm vóc có ngày nay”.
Nghiên cứu báo cáo của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bác Hồ nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước lại kề sát biên giới lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi; nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào giữa Thái Nguyên với toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.
Từ nhận định đó, ngày 6-1-1941, Bác Hồ cùng các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp... được đồng chí Hoàng Sâm dẫn đường về bản Nậm Quang (Tĩnh Tây, Trung Quốc). Tại đây, Bác đã mở lớp học và trực tiếp huấn luyện chính trị cho hơn 40 cán bộ từ trong nước cử sang. Lớp học kết thúc đúng vào ngày 30 Tết Tân Tỵ năm 1941. Cũng trong ngày hôm đó, Bác bàn kế hoạch về nước. Người quyết định đi qua cột mốc 108 về Pác Bó (Cao Bằng). Lúc này, ở dọc biên giới, quân Pháp cho bọn lính dõng tay sai tăng cường lùng sục, bắt bớ. Để chắc chắn, Đoàn cán bộ về nước chia làm ba nhóm. Hai nhóm về trước nắm tình hình địch và tổ chức khảo sát đường đi. Ngay khi hai nhóm này lên đường thì nhóm thứ ba, trực tiếp bảo vệ Bác cũng đi về bản Nậm Tẩy (Quảng Tây, Trung Quốc) để chờ tin, sẵn sàng xuất phát khi điều kiện thuận lợi.
Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển, khi về nước, hành lý mà Bác mang theo hầu như chẳng có gì. Chỉ một chiếc va li nhỏ được đan bằng mây tre để đựng quần áo và một chiếc máy chữ xách tay. Những người bảo vệ trực tiếp và đi theo Bác Hồ về nước, ngoài đồng chí Phùng Thế Tài, đồng chí Lê Quảng Ba còn có các đồng chí: Hoàng Văn Lộc, một cán bộ người dân tộc Tày, có  kinh nghiệm hoạt động bí mật ở vùng Cao Bằng; Đặng Văn Cáp  là một thanh niên rất khỏe, giỏi võ và biết chữa bệnh bằng thuốc nam; Thế An cũng là một cán bộ người dân tộc Tày, rất thông thạo đường rừng, đường tắt.
Trong bức tranh “Bác Hồ về nước” nổi tiếng của họa sĩ Trịnh Phòng, chúng ta thấy Bác Hồ mặc bộ quần áo đặc trưng của đàn ông dân tộc Nùng thường mặc trong dịp Tết: quần áo chàm, đầu đội mũ kiểu bê-rê cũng bằng vải màu chàm, chân đi đôi giày vải đen, quàng khăn để vừa ấm vừa che kín bộ râu. Hồi ký của đồng chí Vũ Anh sau này kể rằng: Đó chính là sự ngụy trang rất tinh tế của Bác Hồ. Trước hôm về nước, Bác phân tích: “Vùng này có nhiều người dân tộc Nùng. Họ có phong tục, cứ đến Tết là các chàng rể (già cũng như trẻ) đều phải mang đồ lễ về “cúng ma” ở nhà bố mẹ vợ. Vì vậy, cả nhóm ăn mặc như những chàng rể người Nùng đang trên đường về nhà bố mẹ vợ”. Bác cũng tự lo cho mình một bộ trang phục của “chàng rể già người Nùng”. 
Sáng sớm 28-1-1941, tức ngày mồng 2 Tết Tân Tỵ, cả đoàn xuất phát từ bản Nậm Quang. Sau 8 giờ đi đường, khoảng 12 giờ trưa thì đến dãy núi Phia Sum Khảo, nơi có cột mốc biên giới số 108 trên biên giới Việt-Trung, thuộc xã Trường Hà (Hà Quảng, Cao Bằng). Dừng chân ở cột mốc, đứng bên phía khắc dòng chữ An Nam (Pháp) với số hiệu 108, Bác lặng người vì xúc động. Tổ quốc đây rồi! Mảnh đất quê hương mà trong suốt 30 năm qua, Người luôn nghĩ đến không ngừng nghỉ, dù chỉ một phút giây. Đứng trên đỉnh núi, nhìn hai bên biên giới chỉ cách nhau bước chân, cùng màu xanh thẳm mà sao lòng Người nôn nao, bồi hồi, xúc động.
Nhà báo Hồng Xiêm dẫn đường đưa chúng tôi vượt qua hàng nghìn bậc đá, đến bên cột mốc cũ 108, sát cạnh đó là cột mốc mới mà ta và bạn vừa tiến hành cắm. Cột mốc mới mang số hiệu 675. Bất chợt, bốn câu thơ Tố Hữu vang lên trong mỗi chúng tôi: “Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!/Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người/Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ/Mà đến bây giờ mới tới nơi”.

Bài 2: Đây suối Lê-nin, kia núi Mác
Chúng tôi rời cột mốc 108 trong sự bồi hồi, xúc động khi được đến nơi mà 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt dấu chân đầu tiên lên mảnh đất Tổ quốc sau 30 năm xa cách. Trở lại thôn Pác Bó, chúng tôi đến thăm gia đình bà Hoàng Thị Hoa, gia đình đã nuôi dưỡng và tham gia bảo vệ Bác Hồ trong thời gian Người ở Pác Bó. Bà Hoa đã theo con cháu về sống ở thành phố Thái Nguyên nhưng rất may, chúng tôi đã gặp hai người em của bà và cũng là hai lão thành cách mạng: Bà Hoàng Thị Khìn (88 tuổi), bà Hoàng Thị Bách (87 tuổi). Câu chuyện của hai bà như thước phim quay chậm, với những hình ảnh sống động, chân thực về Già Thu giản dị mà vĩ đại.
 “Mãi về sau này, chúng tôi mới biết Già Thu chính là Bác Hồ kính yêu, chứ ngày đó không hề biết “Già” là vị lãnh tụ tối cao của dân tộc. Ngay cả Bác về làng tôi lúc nào, tôi cũng không hay. Bởi vì ban đầu, Bác đến ở gia đình ông Máy Lỳ, rất xa nhà tôi, gần hang Cốc Bó bây giờ. Cái điều đặc biệt nhất ở Cụ Hồ là sự giản dị, gần gũi, hiền hậu. Hồi đó, tôi mới 17 tuổi, chưa đủ lớn khôn để biết đó là “cán bộ thượng cấp” nhưng qua những lần vào đưa cơm cho Bác, được Bác dạy chữ, tôi đã nhiều lần tự hỏi: Sao cái ông cụ người Nùng này lại đáng kính, đáng mến đến thế. Chỉ được gặp Cụ vài lần là cánh thanh niên chúng tôi đã cam kết với nhau là dù có chết cũng phải bảo vệ Cụ đến cùng” – bà Hoàng Thị Bách, bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.
Gia đình nhà ông Máy Lỳ mà bà Bách nhắc đến, chính là nhà ông Lý Quốc Súng, người dân tộc Nùng, một cơ sở cách mạng tin cậy mà đồng chí Hoàng Đình Giong đã dày công giác ngộ. Nhà ông Máy Lỳ là địa điểm thường được Trung ương Đảng chọn làm nơi hội họp và trạm dừng chân cho cán bộ đi công tác qua lại. Hiện gia đình ông chẳng còn ai, nhiều cán bộ lão thành trở lại tìm vết tích ngôi nhà, xác định được đúng vị trí khi ngôi nhà chỉ còn lại cái nền. Cái nền nhà này cũng đã được công nhận là di tích lịch sử trong quần thể di tích Pác Bó. Khách đến thăm hang Cốc Bó, chỉ cần rẽ trái chếch vài trăm mét trước cửa hang thì sẽ thấy nền nhà.
Hồi đó, gia đình ông Máy Lỳ không lấy gì làm sung túc, nhưng căn nhà của ông nằm độc lập bên ngọn núi nhỏ. Từ sân nhà nhìn ra có thể thấy toàn cảnh thung lũng ở phía trước. Sau nhà là một con suối, kế đến là khu rừng rậm rất tiện cho yêu cầu bảo vệ khi có tình huống bất trắc xảy ra. Các cán bộ đi trong đoàn, ông Máy Lỳ biết gần hết. Chỉ có “ông Ké” là lần đầu ông được gặp. Tuy nhiên, ngay từ lần đầu ấy, ông Máy Lỳ đã rất quý “ông Ké”. Khách đến nhà vào đúng mùng 2 Tết nên ông Máy Lỳ làm một mâm cỗ Tết ra mời ông Ké và đoàn cán bộ dùng. Bên mâm cỗ Tết, mọi người trò chuyện râm ran, riêng Bác lặng yên vì Người vẫn rất xúc động với cảm xúc được về với mảnh đất quê hương.
Ở nhà ông Máy Lỳ được mươi hôm, Bác thấy đoàn cán bộ đông mà nhà ông thì chật. Hơn nữa, vấn đề bí mật, an toàn trong hoạt động cũng chưa thật bảo đảm nên ngỏ ý chuyển đi. Biết ý Bác, ông Máy Lỳ liền nói: “Ở trên núi có một cái hang rộng, tôi vẫn thường giấu của quý trên đó để tránh bọn Tây vào ăn cướp. Hay Cụ và các cán bộ vào đó ở”.
Bác kiểm tra, thấy rất ưng ý nên cùng đoàn cán bộ chuyển vào làm việc trong hang Cốc Bó. Ngày vào hang, Bác đã khắc chữ, đánh dấu ngày 8-2-1941. Chính vì thế mà trước đây, có một số tài liệu nhầm đó là ngày Bác về nước.
Hang Cốc Bó là đầu nguồn nước, nơi ấy có dòng suối lớn, nước trong vắt, thoát ra từ hang núi đá lớn, Trước đấy, dân làng gọi là suối Giàng. Bác cùng các đồng chí cán bộ đổi tên là suối Lê-nin. Phía trên hang đá Bác ở là một ngọn núi đá cao, Bác đặt tên là núi Các Mác. Đồng chí Đặng Văn Cáp, người “bác sĩ kiêm vệ sĩ” luôn đi bên cạnh Bác, tức cảnh làm một bài thơ: “Suối Lê-nin cuồn cuộn/Từ núi Mác chảy ra/Suốt ngày đêm chẳng dứt/Tưới khắp cả gần xa”. Bác đứng gần, nghe được, Người gật gù và khe khẽ ngâm: “Non xa xa nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lê-nin, kia núi Mác/Hai tay gây dựng một sơn hà”.
Bà Hoàng Thị Khìn, một lão thành cách mạng từng tham gia nuôi dưỡng, bảo vệ Bác Hồ cùng các cháu thiếu niên Pác Bó. Ảnh: Hồng Hải

Bà Hoàng Thị Khìn kể lại: Khi Bác về làng tôi, đời sống người dân châu Hà Quảng lúc đó vô cùng cực khổ, lương thực chủ yếu chỉ là ngô. Có những gia đình thiếu đói, vào những ngày giáp hạt phải vào rừng để đào củ mài kiếm sống qua ngày. Có người vào rừng đào củ mài, đào chưa xong thì đã chết gục bên hố. Lại có những gia đình bốn đời truyền nhau một tấm áo chàm, miếng vá nọ chồng lên miếng vá kia, đến khi nhìn lại thì không còn nhận ra đâu là miếng vải may từ lúc đầu tiên nữa. 
Khó khăn đủ bề, lại sống dưới ách áp bức của thực dân, phong kiến, nhưng người dân Pác Bó đã hướng về cách mạng và bảo vệ Già Thu – người mà dân làng cũng chỉ biết đại khái đó là một cán bộ cách mạng cấp cao. Có lần, giặc Pháp dẫn lính dõng về bao vây Pác Bó vì nghi là có cộng sản nằm vùng. Chị dâu của đồng chí Dương Đại Lâm, một thanh niên ở làng Pác Bó được Bác Hồ giác ngộ, đã mưu trí đi đường tắt đến báo để Bác và các cán bộ rút lui an toàn. Quân Pháp rất tức tối, vì bao lần càn vào Pác Bó mà không hề phát hiện được dấu vết cán bộ. Để thị uy, chúng bắt được một tên thổ phỉ bèn giết đi, bêu đầu và rêu rao đó là đầu cán bộ bắt được ở Pác Bó. Bà Khìn, bà Hoa cùng mấy người nữa trong “Phụ nữ cứu quốc hội” đến tận nơi xem, biết đó là tên thổ phỉ nên đã tổ chức tuyên truyền cho dân làng yên tâm.
Thấu hiểu tấm lòng cũng như nỗi khổ của đồng bào, tại hang Pác Bó, Bác Hồ tự sắp xếp nơi nằm nghỉ, chỗ nấu cơm, đun nước lá cây ổi uống thay chè. Bác tự kê mấy hòn đá thành cái bàn để dịch lịch sử cách mạng Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cán bộ cách mạng… Bác kêu gọi mọi người tăng gia để tự túc lương thực. Ở Pác Bó cho đến bây giờ, người dân vẫn coi trọng trồng hai loại cây mà Bác đem về trồng ở Pác Bó là cây cải xoong và cây ớt. Cuộc sống của Bác kham khổ đạm bạc cũng chỉ cháo ngô và rau rừng như đồng bào quanh vùng. Thấy Bác đã có tuổi, vất vả ngày đêm, lại phải ăn cháo ngô sợ không đủ sức khỏe nên các đồng chí cán bộ bàn nhau mua gạo để nấu riêng cho Bác. Biết vậy, Bác kiên quyết không đồng ý. Có lần ngô non xay để lâu ngày mới dùng đến, nấu cháo bị chua, mấy cán bộ đề nghị Bác cho nấu cháo gạo để Bác dùng, Bác vẫn không nghe. Bác hỏi anh em: “Có cách nào làm cho bắp non khỏi bị chua không?”. Mọi người trả lời: “Nếu rang lên thì có thể ăn được nhưng không ngon”. Bác bảo: “Không ngon cũng được, thế thì rang lên mà ăn, không nên bỏ phí. Một hạt bắp lúc này cũng quý”.
Đầu tháng 4-1941, một số cán bộ bẫy được chú gà lôi. Các anh xin phép Bác được thịt gà. Bác nhất trí. Anh em hớn hở vì nghĩ hôm nay sẽ được cải thiện một bữa ra trò. Nhưng khi thịt gà, Bác chỉ cho phép lấy bộ lòng để nấu một bữa tươi. Còn tất cả băm thật nhỏ cho nhiều muối và ớt rang mặn lên để vào ống tre ăn dần trong các bữa sau. Bác còn dặn, nhớ để phần cho những chú đang đi công tác cơ sở chưa về. Chỉ một miếng ăn nhỏ lạ miệng, Người cũng không quên anh em vắng nhà.
Có lần, cụ Dương Văn Đình (bố đồng chí Dương Đại Lâm) thấy Bác gầy yếu, tóc bạc, ai cũng xót xa. Cụ Dương Văn Đình đã cho người nhà nấu cháo và bưng đến một bát cháo trứng gà mời Bác. Bác hỏi: “Ở đây một ngày ăn mấy bữa hả cụ?”. “Dạ, một ngày ăn ba bữa, bữa sáng thì ăn cháo”. “Thế ai cũng được ăn cháo đánh với trứng à?”. Mọi người phải thú thực vì thấy Bác mệt nên mới làm mời Bác thôi. Bác không bằng lòng bảo với mọi người: “Các đồng chí làm cách mạng, tôi cũng làm cách mạng, tại sao tôi lại được đặc biệt hơn các đồng chí? Cách mạng gian khổ phải cùng nhau chịu đựng, mọi người ăn sao tôi ăn vậy”.
Nói rồi, Bác đứng dậy, bưng bát cháo trứng đến mời bà cụ cố của đồng chí Dương Đại Lâm. Bác nói: “Đây mới là người cần được bồi dưỡng. Bà cố đã sống gần trăm tuổi rồi, cực khổ vất vả đã nhiều, cần ăn ngon để sống với con cái đến ngày nước nhà độc lập, vui hưởng thái bình”. Nghe Bác nói vậy ai cũng thấy sống mũi cay cay. Thương Bác và càng thêm cảm phục Bác. Chưa bao giờ Bác đòi hỏi phải có sự ưu tiên cho riêng mình. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào Bác cũng đều nghĩ cho người khác và quan tâm đến tất cả mọi người xung quanh.
Câu chuyện bà Khìn, bà Bách kể với chúng tôi đang hồi cảm động thì từ trong nhà, con cháu các bà ùa ra giữa sàn, đùa nghịch rất ồn ào, vui vẻ. Bà Bách là người sáng dạ, được Bác Hồ và đồng chí Hoàng Văn Lộc dạy chữ, về sau đi làm cán bộ thoát ly nên mỗi câu chuyện kể, bà có vẻ triết lý nhiều hơn. Nhắc lại chuyện Bác Hồ kiên quyết không nhận sự ưu tiên dành cho riêng mình, bà chép miệng: “Ấy, cái sức cảm hóa của Cụ Hồ được hình thành ngay từ buổi ban đầu ở với dân là thế đấy cháu ạ. Bây giờ, Đảng ta mở Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, bà nghĩ, nếu mỗi cán bộ biết nghĩ đến dân trước khi nghĩ đến mình và gia đình mình thì chắc chắn Cuộc vận động sẽ thành công, cháu nhỉ!”.

Bài 3: Nơi ra đời quyết định chuyển hướng chiến lược (Tiếp theo và hết)
Trong hành trình “lịch sử bằng vàng” của mình, Đảng ta đã có nhiều quyết sách chiến lược sáng suốt, kịp thời chớp lấy thời cơ đưa cách mạng tiến lên. Trong đó, phải kể đến quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược tại Hội nghị Trung ương 8 do Bác Hồ triệu tập và chủ trì, chủ trương đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ hàng đầu và thành lập Mặt trận Việt Minh. Giờ đây, lịch sử đã công nhận vai trò quan trọng, tầm vóc lịch sử của Hội nghị Trung ương 8 nhưng ít ai ngờ, hội nghị lịch sử đó diễn ra trong một cái lán nhỏ trên dòng Khuổi Nậm, một địa điểm Bác Hồ ở nhiều nhất trong thời gian Người làm việc tại Pác Bó.
Như trên đã nói, Bác Hồ quyết định về hẳn trong nước lãnh đạo cách mạng vì Người nhận thấy tình thế cách mạng đã xuất hiện nhiều yếu tố đủ điều kiện chuyển dần thành thời cơ cách mạng.
Chậm trễ lúc này là có tội với lịch sử!
Vì vậy, bên cạnh việc đào tạo cán bộ, xây dựng Pác Bó thành căn cứ địa vững chắc, điều Bác Hồ quan tâm, đốc thúc đội ngũ cán bộ tại Pác Bó nhiều nhất là thảo luận những nội dung và chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 8.
Suối Lê-nin nằm trong khu di tích Pác Bó.
Ở hang Pác Bó hơn một tháng, xét thấy tính cơ động không cao, Bác cho anh em cán bộ chuyển cơ quan sang lán Khuổi Nậm, cách phía trước hang Pác Bó chừng một cây số. Địa điểm này tiện lợi đi lại, không phải lội qua suối, nếu có động cũng dễ thoát nhanh chóng. Tại đây, từ ngày 10 đến 19-5-1941, Bác Hồ triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, đề ra chủ trương, nhiệm vụ mới cho cách mạng Việt Nam, hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Người nhận định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đó là nhiệm vụ của Đảng ta trong vấn đề dân tộc”.
Đây là hội nghị có tầm quan trọng lịch sử, quyết định đường lối chính sách của Đảng, đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn dân, đề ra chủ trương tổ chức Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), xây dựng các căn cứ địa cách mạng, xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Sau hội nghị, Bác tự tay thảo ra bức thư “Kính cáo đồng bào” ký tên Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào, toàn dân đoàn kết đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ đây, phong trào cách mạng ngày càng lan rộng trong chiến khu Việt Bắc.
Sức khỏe của Bác, do ăn uống kham khổ, điều kiện sinh hoạt trong hang, trên lán không được tốt nên giảm sút rất nhiều. Trong khi đó, điều kiện của cách mạng đòi hỏi Bác phải có chuyến đi bắt liên lạc, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế và chuẩn bị cho khởi nghĩa. Biết vậy nên Bác rất chăm chỉ rèn luyện. Chị Hoàng Thị Huệ, hướng dẫn viên Bảo tàng Pác Bó, tập hợp từ hồi ký của các đồng chí cán bộ ở cùng Bác, kể lại: Sáng nào Bác cũng dậy sớm tập thể dục. Ở Khuổi Nậm không có đất, Bác cũng tạo một mặt phẳng đứng tập. Bác đẽo bốn cái chày, hai cái vừa, hai cái to và nặng để thay tạ tập hằng ngày. Sáng sớm, Bác vẫn thường tập leo núi. Bác chọn những quả núi quanh vùng cao nhất để leo lên với đôi bàn chân không. Khi thì một hai đồng chí đi theo Bác, khi thì Bác tập một mình. Một lần Bác bị lạc, anh em lo lắng phân công nhau đi tìm, mãi trưa Bác mới về đến nhà. Leo núi đối với Bác không chỉ có mục đích tập luyện mà còn là dịp để tìm hiểu địa hình nhằm ứng phó linh hoạt nhất khi quân thù bất ngờ ập đến. Có đồng chí nhắc Bác: “Leo núi Bác đi giày vào cho khỏi đau chân”. Bác đáp: "Tôi tập leo núi chân đi giày không quen". Sau giờ tập Bác tắm nước lạnh để luyện khả năng chịu đựng với giá rét. Để luyện bàn tay đánh máy, Bác chọn hai hòn đá như trứng gà khi nghỉ đánh máy Bác bóp tay vào đá.
Núi Các Mác nằm trong khu di tích Pác Bó.
Sống ngay cạnh Bác, ai tinh ý lắm mới biết được Bác mệt. Người có một nghị lực khác thường, mỗi khi mỏi mệt là Bác đứng dậy đi đi, lại lại hoặc làm một việc gì đó, trừ trường hợp không đi lại được nữa, Người mới chịu nằm nghỉ. Có lần Bác bị sốt rét, người gầy đi nhiều, nhưng Bác cũng không chịu nghỉ. Mỗi khi lên cơn sốt, Bác lại leo núi cho mồ hôi vã ra như tắm. Lau chùi thân thể sạch sẽ xong, Bác tiếp tục làm việc.
Thời gian ở Pác Pó lúc nào Bác cũng mặc bộ quần áo Nùng màu chàm, đi giày vải, chẳng khác gì một ông cụ người địa phương.
Bác rất chú ý tiết kiệm. Bác dặn kỹ đồng chí Lộc quản lý và tất cả cán bộ là ăn uống tuyệt đối không được để thừa hoặc đổ đi. Đồng chí nào mang quà về hoặc có quà quần chúng gửi cho, phải dành đến bữa mới được ăn. Bác làm việc có kế hoạch, ăn đúng giờ. Cũng như anh em, Bác không ăn sáng, ngày nghỉ chỉ có hai bữa vào lúc chín rưỡi mười giờ và bốn rưỡi năm giờ chiều. Bác ăn chung với mọi người, thức ăn chỉ có rau măng và một chút thịt muối băm (một cân thịt rang khô với nửa cân muối và vài lạng ớt chỉ thiên để ăn dần).
Các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng hiện đang sống ở Pác Bó nay đều đã vào tuổi 90 nhưng ai cũng còn nhớ và kể lại: Sau Hội nghị Trung ương 8, Bác càng làm nhiều việc, hăng say hơn. Bác tổ chức lớp huấn luyện chính trị-quân sự ngắn hạn cho cán bộ địa phương, viết thư kêu gọi chiến sĩ cách mạng, viết bài “Hoan nghênh thanh niên học quân sự”, khuyên đồng bào mua báo Việt Nam độc lập, Xã luận, Thế giới đại chiến và phận sự của ta… Qua đó, người đọc thấy, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn làm nhiều bài thơ như: Việt Nam độc lậpDân càyTrẻ conCông nhânBài ca Phụ nữCa binh lính…; viết tác phẩm Cách đánh du kích, gồm 13 chương, nội dung mỗi chương nêu ngắn gọn, dễ hiểu để cán bộ, nhân dân nhận thức đúng và thực hiện được…
Trời tối, lán Khuổi Nậm không có đèn nên anh em thường ngồi quây quần nghe Bác kể chuyện. Một lần, Bác nhắc lại những cuộc chiến tranh lớn và tình hình thế giới, trong nước rồi phỏng đoán là độ 3-4 năm nữa, Thế chiến II sẽ bước vào giai đoạn quyết định và lúc đó sẽ là một cơ hội rất tốt cho chúng ta. Đặc biệt, Bác viết cuốn Lịch sử nước ta bằng thơ lục bát, ghi lại tất cả những phong trào chống ngoại xâm từ trước đến nay. Cuối bài, Bác viết: “Nay ta đã có Việt Minh/Đủ tài lãnh đạo dân mình đấu tranh/45 sự nghiệp hoàn thành”.
Anh em cán bộ xúm vào tranh luận xem Bác đoán thế là thế nào. Cũng không ai ngờ, 4 năm sau, sự phỏng đoán của Bác diễn ra đúng như vậy.
Tháng 8-1942, Bác rời căn cứ địa Cao Bằng đi Trung Quốc bắt liên lạc với phong trào cộng sản quốc tế. Một đồng chí giao thông đi trước; đồng chí Lê Quảng Ba đi giữa; Bác lại giả thành ông già người Nùng, chống gậy đi sau. Sang Trung Quốc, đồng chí Lê Quảng Ba bắt liên lạc, nhờ một cơ sở của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa Bác đi.
Bác đến Điền Đông thì bị quân lính Tưởng Giới Thạch bắt. Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đặng Văn Cáp, Vũ Anh ở nhà nghe tin, ai nấy đều giật mình, thảng thốt. Giữa lúc cách mạng Việt Nam đang trải qua những thử thách vô cùng ác liệt để tiến tới thắng lợi thì vị lãnh tụ vĩ đại lại sa vào tay giặc.
Hằng tuần, Bác vẫn tìm cách gửi tin từ Tĩnh Tây về. Bác thường viết chữ trong một tờ báo, bằng nước cơm. Các đồng chí ở nhà mang về, bôi cồn i-ốt vào, chữ nổi lên. Trong báo, Bác thường dặn dò ở nhà cứ bình tĩnh, đừng lo cho Bác mà ảnh hưởng đến công việc chung. Một hôm, có tin Bác đã mất trong tù vì cực khổ quá, không chịu nổi, các đồng chí ở căn cứ địa đều bàng hoàng, ai cũng đau đớn, dằn vặt khôn nguôi. Nhưng không lâu sau, ở trong nước lại nhận được một tờ báo của Bác gửi về. Trong đó có bài thơ Tân xuất ngục, học đăng sơn. Đồng chí Đặng Văn Cáp sang xác minh lại, mới biết Bác vẫn còn sống. Bác bị quân Tưởng xích tay, xiềng cổ giải đi trong hơn 12 tháng, qua hơn 30 nhà giam…
Trong cuộc đời hoạt động của Bác, lần bị quân Tưởng bắt là lần cực khổ nhất. Mắt bị mờ, chân bị yếu nhưng Bác vẫn một lòng son sắt hướng về Tổ quốc, tin tưởng vào thành công của cách mạng. Chính trong thời gian này, Bác đã viết tập Nhật ký trong tù.
Trong chuyến trở lại Pác Bó lần này, chúng tôi gặp nhà văn Hoàng Quảng Uyên, một nhà văn chuyên viết về đề tài mảnh đất và con người Cao Bằng. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về nước, ông “trình làng” tác phẩm rất đặc biệt là cuốn tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó, kể về quá trình Bác Hồ về nước, hoạt động tại Pác Bó (Cao Bằng): “Thời gian Bác về nước và hoạt động tại Pác Bó không dài nhưng là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa đối với vận mệnh dân tộc. Pác Bó với ý nghĩa là suối đầu nguồn, thực sự trở thành nơi cội nguồn của cách mạng Việt Nam từ khi Bác trở về. Tôi đặt tên tiểu thuyết của mình là Mặt trời Pác Bó với hình ảnh mặt trời ló rạng báo hiệu bình minh của Tổ quốc cũng vì lẽ ấy” - nhà văn Hoàng Quảng Uyên tâm sự.
Đến với Pác Bó, chúng tôi như thấy trong mỗi góc hang, bờ suối, vẫn đâu đây lưu lại hình ảnh của Bác Hồ. Thấy rõ hơn tài năng và đức độ của Người, vị lãnh tụ đã cùng với Trung ương Đảng vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao phong ba, bão táp đi đến bến bờ thắng lợi. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước-kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Bài và ảnh: Nhóm phóng viên CTĐ, CTCT







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét